1. Như thường lệ, bác búp bê bằng bột (nhà văn Lê Anh Hoài) lại có một entry rất khiêu khích, nhân vụ chính phủ Úc xin lỗi thổ dân vì những sai lầm trong quá khứ, lịch sử: "Lời xin lỗi - nhân cách của cả một thể chế".
Đoạn kích động nhất, là như vầy:
"Lời xin lỗi kia là một hành động văn hóa, rất rất văn hóa. Bởi nó dám vượt qua "quá khứ hào hùng". Cái rất khó vượt qua bởi những lý do to cụ, trong đó có cái được gọi là "đạo lý". ("Chẳng nhẽ mình lại chửi lại bố mình ư?" - nghe rất xuôi, nhể).
Tất nhiên đầu tiên nó phải vượt qua một ngưỡng văn hóa, với cái nhìn thật sự vì CON NGƯỜI, từ góc độ CON NGƯỜI nhìn ra, bỏ qua mọi cái nhìn khác từ phía dân tộc hẹp hòi, đảng phái ba gai, tôn giáo bọ xít, quốc gia thuốc chuột... niềm tin củ chuối, tự hào suông... trăm thứ bà dằn. Tất nhiên nó phải vượt qua cả sự sĩ diện. Cái mà những kẻ tự hô muôn năm mình không thể vượt qua!"
Đọc mà thấy... khoái tỉ! ;)
2. Xin lỗi (cũng như cám ơn) là một nét đặc thù của văn hóa Tây... dãy chết, của loại... dân chủ giả hiệu. Chính phủ Hung, lắm khi, cũng đi theo... vết xe đổ này.
Tỉ dụ, cuối năm 2005, thủ tướng Hung (ảnh trên) cũng chính thức lên tiếng xin lỗi quốc dân đồng bào về sự đồng lõa của chính phủ Kádár thời ấy với Liên Xô trong vụ đàn áp cách mạng 1956: "Những anh hùng của cách mạng 1956 thật dũng cảm, vì họ dám mơ ước tới một thế giới công bằng hơn và tự do hơn! Thay mặt chính phủ Hung, tổ quốc và dân tộc chung của người Hung, tôi xin cúi đầu mặc niệm thủ tướng Nagy Imre và các liệt sĩ, đồng chí của ông!" Và: "Cho dù tôi chưa ra đời vào năm 1956, nhưng tôi biết rằng những kẻ đã thực hiện hành vi bẩn thỉu thời đó không bao giờ cất lời xin lỗi, nên trên cương vị thủ tướng đương nhiệm Cộng hòa Hungary, cho tôi được nói lời xin lỗi tất cả những ai bị đày ải, xua đuổi trong cuộc cách mạng ấy và những năm tháng sau đó".
Vụ này, bộ cún có report ở đây.
Thực ra, như đã nói ở trên, thủ tướng Hung có thể... im bặt, coi như không liên can gì, vì... hồi 1956 ông đã đẻ đâu? Ông cũng có thể coi như mọi thứ đã... đi vào lịch sử, "thời thế thế thời phải thế", theo cái nhìn... Nho giáo ;). Hoặc giả, ông cũng có thể bảo "cứ từ từ, chờ lịch sử phán xét, hạ hồi phân giải", v.v... Có ti tỉ cách để hành xử.
Có điều, ông đã nói lời xin lỗi. Dạo ấy, bố cún cũng mon men "nhận định" về hành động này: "Việc ông Gyurcsány - trên cương vị thủ tướng đương nhiệm Cộng hòa Hungary - cất lời xin lỗi các nạn nhân của cách mạng 1956, lại càng có ý nghĩa và giá trị lớn lao: nó cho thấy các chính phủ, trong quá khứ, hiện tại và tương lai, phải có bổn phận và trách nhiệm - ít nhất là về mặt chính trị và tinh thần - với những gì mà những người tiền nhiệm của họ đã làm".
Đọc lại, giờ vẫn không thấy sai là mấy ;)
3. Nói gì thì nói, chứ văn hóa và truyền thống Á Đông có vẻ không thịnh hành cám ơn và xin lỗi. Ngượng lắm, nói những câu ấy, xa lạ bỏ xừ! Bố cún có anh bạn, học ỏ đây mười mấy năm, về nhà thoạt đầu đi ăn phở, cứ lễ độ cám ơn xin lỗi hoài, mãi chả thấy người ta bưng bát phở ra. Sau rồi, một thời gian, quen dần với "thuần phong mỹ tục" ta, anh ấy "truyền kinh nghiệm" cho bố cún: "Cứ phải quát tháo, mới mong nhanh đến lượt!" ;)
Mà quả vậy, điều này bố cún nhiều lần mục sở thị khi quan sát cảnh phố phường, chợ búa ở ta, trong chuyến về phép dăm ba năm trước. Kẻ mua người bán, thông thường là cộc lốc, có thể xẵng giọng, hô hào, đe nẹt cũng coi là bình thường. Thói tục của Tây - người mua cám ơn kẻ bán, sau khi đã xong "thương vụ" - dường như bị coi là xa xỉ, "ngoài hành tinh". Dẫm phải chân nhau, thường dẫn đến quyền cước, tỉ thí, bét ra cũng bắt bố mẹ đương sự ăn cái này cái kia, chứ không mấy khi dừng lại ở câu xin lỗi.
Nói chung là, chiểu theo phong tục ta, những động thái cám ơn, xin lỗi đầy vẻ yếu ớt, lền bà, cũng... làm mất mặt thân chủ lắm. Ngượng lắm!
Khổ thế!
Chớ mong có "văn hóa xin lỗi" ở ta, bác búp bê ơi!
5 nhận xét:
@ Hoa Pion: là từ cổ truyền, dân gian ;)
Cho em hỏi ạ, "lền bà" nghĩa là gì vậy ạ? ;)) Cũng là cách dùng từ rất "văn hóa VN" chăng :P
"Tất nhiên đầu tiên nó phải vượt qua một ngưỡng văn hóa, với cái nhìn thật sự vì CON NGƯỜI, từ góc độ CON NGƯỜI nhìn ra, bỏ qua mọi cái nhìn khác từ phía dân tộc hẹp hòi, đảng phái ba gai, tôn giáo bọ xít, quốc gia thuốc chuột... niềm tin củ chuối, tự hào suông... trăm thứ bà dằn. Tất nhiên nó phải vượt qua cả sự sĩ diện. Cái mà những kẻ tự hô muôn năm mình không thể vượt qua!"
--> oi hay, chi ly, hay qua :), cam on anh da post lai len day
@ TM: Em viết tiếp về văn hóa Việt Nam đi ;)
van hoa nay kho xam nhap vao vn
Đăng nhận xét