28/4/08

Vẫn chuyện ông Bu-chin

26 nhận xét



Chuyện tào lao (theo Mẹ Dế thì lá cải, thị phi), nhưng vẫn phải trở lại lần nữa, sau khi đọc cái này của VNE, viện nguồn AP: “Nga thắt chặt báo chí sau tin đồn Putin lấy vợ trẻ”.

Trích luôn gần hết bài, vì ngắn:

Hạ viện Nga hôm qua thông qua việc tăng cường kiểm duyệt báo chí, sau khi một tờ báo loan tin Putin đã bí mật bỏ vợ để lấy nữ vận động viên kém ông khoảng 30 tuổi.

Dự luật này được Duma thông qua chỉ ít ngày sau khi tờ “Moscowsky Korrespondent” cho biết ông chủ Kremlin đã bí mật bỏ bà Lyudmila và sắp kết hôn cùng nữ vận động viên thể dục xinh đẹp 24 tuổi Alina Kabayeva.

Theo quy định mới này, giới chức có quyền đình bản hoặc đóng cửa những cơ quan báo chí vì tội phỉ báng hoặc bôi nhọ. "Phỉ báng" được định nghĩa là "hành vi cố ý gieo rắc những thông tin sai lệch làm tổn hại đến danh dự và nhân phẩm cá nhân". Giờ đây, hành vi này sẽ chịu hình phạt nghiêm trọng tương tự như tội cực đoan, cổ vũ khủng bố và thù hằn sắc tộc. Dự luật này sẽ được chuyển lên thượng viện và sau đó được Putin ký thông qua trước khi có hiệu lực.

1. Tội “phỉ báng” mà Duma Quốc gia Nga đã thông qua, nhờ Mẹ Dế điều tra kỹ, xem là phỉ báng cá nhân nói chung, hay chỉ trong trường hợp đối tượng bị “phỉ báng” là lãnh đạo, thì mới bị trừng trị nặng như thế (“chịu hình phạt nghiêm trọng tương tự như tội cực đoan, cổ vũ khủng bố và thù hằn sắc tộc”).

2. Nếu dự luật này chỉ nhằm để báo giới không được “nói xấu” lãnh đạo thì việc Duma Quốc gia thông qua nó phải nói là vô cùng hèn hạ (và nếu sắp tới, Bu-chin cũng phê chuẩn nó thì hết sức vô duyên). Ở cương vị muốn làm gì thì làm như Bu-chin, giả thử ổng phê chuẩn một dự luật phạt nặng những kẻ nào bắt bớ, hành hung, sách nhiễu các lãnh tụ đối lập Nga (như… Kasparov chẳng hạn ;)) thì có phải cao tay hơn không?

3. Còn nếu dự luật trên được áp dụng trong tất cả các trường hợp (bất kể “nạn nhân” của sự “phỉ báng” là thường dân hay lãnh đạo), thì đây cũng là việc hình sự hóa rất vô nguyên tắc và dớ dẩn một vụ việc vốn mang tính dân sự!

4. May mà, đã chấm dứt cái thời Nga (Xô) thống trị cả Đông Âu, bằng không báo chí Đông Âu chắc cũng bị… im miệng trước những đồn đại về Bu-chin. (Báo chí “tư bản thối nát” thì khó mà bắt được “chúng” lặng thinh ;)).

Khốn nỗi, hôm nay xem lại chồng báo cũ để thanh lý, mới thấy ngay nhật báo “Tự do Nhân dân”, là tờ lớn nhất, nghiêm chỉnh nhất của Hungary (về chất lượng, có thể sánh với những tờ nghiêm túc hàng đầu của các nước khác), cũng đưa tin này (với tựa “Từ First Lady sang nữ vô địch?”) ngay dưới tin Bu-chin buôn bán vũ khí và năng lượng với Gaddafi (trên trang 2, mục “Thế giới”, là trang cực kỳ quan trọng của báo). Láo nhất, là tin Bu-chin đi Libya lại được minh họa bằng một tấm ảnh to vật vã, chụp Bu-chin bắt tay cô thể dục, từ 4 năm trước mà coi bộ đã thân mật và tình tứ lắm rồi. ;)

Hơn thế nữa, không bằng lòng với “nguồn” của tờ báo (lá cải?) Nga, “Tự do Nhân dân” còn “dám” viện dẫn các nguồn riêng, để củng cố “nghi án” về Bu-chin. Ví dụ, trước khi báo Nga loan tin (vịt?), thì một tay bình luận viên chính trị tên là Konstantin Belkovsky (đưọc coi là có cái nhìn phê phán với Điện Cẩm Linh) đã khẳng định với bổn báo rằng, từ lâu Bu-chin đã không sống với vợ, và chỉ chờ dịp để ly dị. Rồi, nhiều chi tiết “lặt vặt” cũng được đưa ra như để xác nhận chuyện Bu-chin “có vấn đề”…

Phải chăng, tin trên vẫn có chút cơ sở nào đó? ;) (*)

(*) Thực ra, đây cũng không phải mấu chốt vấn đề. Chuyện Bu-chin có sống với vợ không, hay đã/sẽ bỏ (trong tương lai), để lấy nữ vô địch (hay ai đó khác), có thể thị phi “chăm phần chăm”, hoặc “chỉ” 50%, kể ra cũng không có gì quan trọng lắm. Vấn đề là, chớ có nhân đấy mà đóng cửa, hay phạt báo chí, bỏ báo chí cùng rọ với… khổng bố ;)

À, nguồn ảnh (cô thể dục) là AP.

27/4/08

Chuyện học hành của Thu Vân (1)

5 nhận xét





Âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thay thế được bởi bất cứ thứ gì khác. Ai không cảm nhận được nó, kẻ ấy sống và chết vì bệnh thiếu máu tinh thần. Thiếu vắng âm nhạc, không thể có đời sống tinh thần toàn diện. Tâm hồn có những vùng mà chỉ có âm nhạc mới rọi sáng nổi” (Kodály Zoltán, 1944)

(Loạt) entry này sẽ nghiêm túc, không tếu táo, và rất dễ sa vào dài dòng văn tự. Nhưng vì có những cái viết ngắn không thấu! ;)

1. Hôm nay, Thu Vân đi “hội diễn” chương trình Gala kỷ niệm nửa thế kỷ thành lập Phân ban Nhạc tại trường Thu Vân theo học (ảnh trên).

Nói thêm là, Thu Vân học Trường Tiểu học Thánh László (lấy tên vị vua thứ hai của lịch sử Hungary, được phong Thánh năm 1192), là một “trường làng” thôi, ở ngay gần nhà, đi bộ chừng 5 phút. Dĩ nhiên, trong số mười mấy trường tiểu học trong quận thì đây cũng là một trường khá, có chút “bề dày” (đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, tức là thâm niên cỡ… Chu Văn An ở nhà mình ;)), nhưng nói cho cùng thì vẫn không phải loại “trường chuyên lớp chọn”, “trường điểm” gì, như đa số các vị phụ huynh bên này vẫn ham “nhồi” con cái vào ;).

2. Chuyện chọn trường, chọn lớp cho Thu Vân từng là đề tài tranh/thảo luận nảy lửa của bố mẹ cún. Kể ra cũng dễ hiểu: tâm lý người Việt bình thường thích cho con học chỗ “elite” (theo phương châm cho con “thử sức”, “quẳng xuống nước cho nó tập bơi”, “rèn cho nó cố gắng, có sức cạnh tranh”… ;)), và nếu đã được chọn lớp, thì cứ nhằm các lớp thiên về Tự nhiên (Toán, Lý, Máy tính…), hay bét ra cũng… Sinh ngữ (“để nó dùng sau này”) mà “tương”.

Trường Thu Vân có ba Phân ban: Nhạc, Thể dục và Toán – Ngôn/Ngoại ngữ. Ba năm trước, kể ra, có lẽ nếu Thu Vân vào được Toán – Ngôn/Ngoại ngữ thì mẹ cún hài lòng nhất. Nhưng khi đến đăng ký vào đó, thì hết chỗ ;). Thể dục thì nghe có vẻ… cơ bắp quá, chỉ còn Nhạc, mà muốn vào cũng phải qua sơ tuyển. Thu Vân, lúc ấy, không thấy có bất cứ khả năng & năng khiếu đàn ca sáo nhị gì “lộ thiên” cả, nên bố mẹ rất lo không biết ra sao. Nhưng rồi, cũng qua, và thế là trong thư gửi về nhà, bố mẹ được dịp khoe Thu Vân học “chuyên nhạc” ;)

3. Nhưng khi Thu Vân vào học một thời gian, bố mẹ mới yên tâm rằng, thực ra, gọi là “phân ban” này nọ, nghĩa là về môn ấy mỗi tuần chỉ học nhỉnh hơn các “phân ban” khác 2 tiết thôi (dĩ nhiên có phần nâng cao hơn ít nhiều, về nội dung môn học), chứ kỳ thực bên này họ dạy rất đều, rất căn bản và toàn diện về mọi môn, cấm thấy tệ nạn “học lỏi”, “học lệch” như ta.

Nên, sau vài năm, thấy Thu Vân “tự nhiên” biết hát (và còn tự cho rằng mình hát hay… nhất nhì lớp), chơi được nhạc cụ (cái này thì có học thêm, ngoài nhà trường), và tất cả các môn khác cũng đều có học lực OK cả (trong khi, xem chương trình học, bố cún thấy bao la lắm, có nhiều cái ngay bố cún cũng lơ mơ, ví dụ như các môn về Môi trường, Sinh/Thực vật, hay Ngôn ngữ/Lịch sử…), thì mẹ cún hình như cũng đỡ lo và dần dần tin tưởng rằng “Tây” nó dạy bài bản lắm, khoa học lắm, tử tế và chu đáo lắm. Hay nhất là trẻ con học vui vẻ, không bị nhồi nhét, lại suốt ngày có những chương trình ngoại khóa như xem kịch, bảo tàng, triển lãm, tìm hiểu thiên nhiên…, tiếp thu mọi kiến thức rất tự nhiên mà cấm thấy lúc nào trẻ con kêu chán, hoặc than phiền bị đè nặng lên đầu.

Đồng thời, một “huyền thoại” nữa - chả hiểu do ai nghĩ ra, nhưng lan truyền khá mạnh trong giới phụ huynh Việt Nam, theo đó, “Tây” nó chỉ giỏi… về sau thôi, chứ tiểu học nó thua xa mình, chỉ Việt Nam mình là nhất, Việt Nam mình thông minh, (chương trình giáo dục) Việt Nam mình học nhiều, học khó… - cũng bị phá vỡ: Thu Vân, cố gắng bền bỉ và kiên tâm, thì thuộc nhóm khá - giỏi trong lớp, nhưng không hề có chuyện do gen “Việt Nam mình” có gì nổi trội, dĩnh ngộ hơn Tây. Càng không có chuyện chương trình học của Việt Nam có gì hay ho đáng kể cả…

(Dài kỳ - Sẽ tiếp)

19/4/08

Lá cải & Putin

37 nhận xét



Báo chí các nơi mấy hôm nay đều đưa tin Putin đã bỏ vợ, để chuẩn bị lấy vợ mới. Báo Việt Nam, dăm ba ngày sau khi “Moskovsky Korrespondent” đưa tin, cũng đưa lại.

(NCTG chính ra biết tin này khá sớm, có lẽ chỉ vài giờ sau khi “Moskovsky Korrespondent” và các blogger Nga bàn tán thôi, chứ khi ấy tin chưa lan ra mấy. Nhưng sau đó Mẹ Dế “khuyến cáo” là không nên đưa tin “lá cải”, có vẻ ít cơ sở và chưa được kiểm chứng… nên NCTG đành ngậm ngùi để các bạn đồng nghiệp ở nhà… đưa mất đề tài hay, sau đấy… vài ngày ;)).

Nghĩ cho cùng, tin lá cải cũng là một phần của đời sống (đáp ứng tâm lý thích… thị phi của người đời), và là thứ tin đôi khi đem lại cái... háo hức “lành mạnh” và dễ thở cho người đọc, sau khi bị tra tấn liên miên những cái nhức đầu. Vả lại, vì chính khách ăn lương dân, mà lương rất hậu hĩnh (dù nhiều khi họ “phá” nhiều hơn “xây”, hành dân nhiều hơn là cống hiến, là làm “đầy tớ’ cho dân…), nên chính khách nên để báo chí thọc sâu vào đời tư, mà chớ nên kêu ca là bị “mất uy tín”, bị “bên xấu” này nọ… Nếu không có sự chịu đựng như thế, chớ chọn nghề chính khách!

Như ở Hungary, chính trị dĩ nhiên là thối nát, nhưng cũng có một vài điểm tiến bộ đáng khích lệ. Chẳng hạn, năm ngoái, cảnh sát Hungary đã không truy cứu hình sự những kẻ ném trứng vào thủ tướng Gyurcsány Ferenc nhân ngày kỷ niệm cách mạng 15-3, vì họ cho rằng vì đây không phải là hành vi phạm tội, cũng không phải là vi phạm. Theo lý giải của cảnh sát, nếu giả sử trứng bị ném trúng là thường dân, trên nguyên tắc, kẻ ném đã “xâm phạm nhân phẩm” người khác. Nhưng nếu đó là chính khách thì theo quyết định của Tòa án Hiến pháp Hung, "nạn nhân" phải biết "chịu đựng" (hơn thường dân). Đây là quan điểm các quan chức Sở Cảnh sát Budapest BRFK - bản thân thủ tướng Hung cũng cho rằng từ lâu nay, ông ta đã chuẩn bị tinh thần là có thể sẽ bị ném trứng bất cứ lúc nào. Ông Gyurcsány Ferenc còn nói đùa: "Giá người ta ném tôi bằng cà chua thì có phải hay hơn không!"

Thế nên, đọc bản tin của “VnExpress” “Báo đưa tin Putin sắp cưới vợ đóng cửa”, thấy chán nản cho Nga! Cho dù, theo bài báo, “chủ sở hữu tờ báo - Công ty Truyền thông Quốc gia - cho hay TBT Grigory Nekhoroshev đã từ chức và báo này tạm thời đình bản vì "lý do tài chính", và giám đốc Công ty Artyom Artyomov cho hay là "việc đóng cửa tờ báo không hề có liên quan gì tới chính trị", nhưng việc ông TBT từ chức và báo tạm thời đóng cửa chỉ vỏn vẹn vài sau khi Putin bác bỏ thông tin do báo đưa ra, cũng khiến bất cứ ai có suy nghĩ thông thường, phải liên hệ hai sự việc đó. Và, cho dù chính quyền Nga có thanh minh thanh nga thế nào đi nữa, chắc cũng ít người tin, là Putin không liên can trong vụ này.

Dĩ nhiên, Putin được dân Nga (và Việt Nam) rất tôn sùng, vì nhiều lý do. Cũng cần nói là bộ máy PR thời Putin đã hoàn thiện hơn rất nhiều so với thời Yeltsin chẳng hạn. Tất nhiên, Putin có thể biện bạch (và nhiều người tin) là Nga có mô hình dân chủ riêng, không (cần) giống Phương Tây, cũng như phần còn lại của thế giới.

Có điều, theo bố cún, có lẽ phải một thời gian nữa, dân Nga (và nhiều người khác) mới thấy được cái tệ hại của triều đại Putin đôi với nền dân chủ và xã hội Nga.

Một biểu hiện của nó, đã được thể hiện ngay trong vụ báo chí phải đóng cửa (tạm coi là ít nhiều xuất phát từ lý do “đưa tin bất lợi cho lãnh tụ”) này…

(*) Ảnh minh họa là cô bồ giả định của Putin.

13/4/08

(Mắc) Dịch

32 nhận xét



Có người hỏi sao bố cún không đưa vụ “Những ngọn nến cháy tàn” (mà bố cún tương đối “liên đới”) lên blog. Câu trả lời đơn giản: những trò bẩn thỉu và tệ hại này, có lẽ chả cần phải đưa lên, làm “vấy” bầu không khí vốn trong lành và “lành mạnh” (bạn myselfvn hiểu chữ “lành mạnh” này đấy ;)) ở đây.

Tuy nhiên, dầu sao thì vụ này cũng đưa ra nhiều “gợi mở”, "tham chiếu", ví dụ vấn đề dịch tác phẩm văn học Tây ra ta thế nào là hay, mà bạn Linh có làm một entry, nhân bài viết của Song Anh trên báo “Tuổi Trẻ”. Nên bố cún cũng nói leo chút.

Xuất phát từ một câu trong bài viết, nhận xét về bản dịch của Giáp Văn Chung: "Tuy vẫn còn có đôi hạt sạn, bản dịch này, theo thiển ý của tôi, là một bản dịch rất tài, có hồn, câu chữ nhuần nhị, không bị "Tây" và cứng như nhiều dịch giả mắc phải khi chuyển ngữ một tác phẩm phương Tây", bạn Linh nhân đó “lan man về việc dịch thuật”: “Bài báo cho thấy tác giả ngầm cho rằng một bản dịch hay là một bản dịch không bị "Tây" và nhuần nhuyễn theo tiếng Việt hơn. Đây có lẽ cũng là quan điểm phổ biến đối với việc dịch ở Việt Nam. Tuy vậy, đây không hẳn là một quan điểm phổ biến lắm trên thế giới. Theo một số người, thì việc dịch một bản dịch từ tiếng "Tây" mà khi đọc nó không có cảm giác đọc là "Tây" chưa chắc đã là điều tốt.

Bạn Linh nhận xét thế đúng mà cũng không hẳn là đúng. Song Anh khi viết và “khen” bản dịch cua Giáp Văn Chung, bố cún hiểu là tác giả bài viết “khen” “câu chữ nhuần nhị, không bị "Tây" và cứng”, chứ không phải là “khen” đọc bản dịch đó ta “không có cảm giác đọc là "Tây" như Linh nghĩ (hoặc liên tưởng về sau). Kỳ thực, bản dịch Giáp Văn Chung rất “Tây”, đọc thấy tác phẩm của… Tây ngay, nghĩa là nếu thay những tên nhân vật chính như Henrik, Konrád… thành Hùng, Tuấn, thay các địa danh Budapest, Vienna… thành Mù Căng Chải, Ba Vì… thì vẫn không ai hình dung được câu chuyện diễn ra ở Việt Nam cả ;)

Tất nhiên, quan niệm về dịch mỗi nơi một phách. Đã đành dịch trước hết phải chính xác (không được dịch sai, bậy), nhưng phong cách dịch phụ thuộc vào dịch giả, mỗi người một khác. Và phụ thuộc vào quan niệm “dịch cho ai” của dịch giả nữa. Có thể song song tồn tại những bản dịch đều chính xác cả, nhưng người xác định dịch cho đại chúng sẽ cho ra một dịch phẩm khác với người xác định dịch kiểu "hàn lâm" cho độc giả elite (với mục đích nghiên cứu - đừng nghĩ là hễ cứ elite Việt Nam thì “nghiễm nhiên” đủ trình độ đọc và đánh giá nguyên tác, mà không thông qua các bản dịch nhé ;)).

Chuyện “nuột nà” hay không “nuột nà” khi dịch thì đã là đề tài thảo luận ở Việt Nam từ khoảng thập niên 60. Bố cún còn giữ những bộ “Tạp chí Văn học” từ thời đó, bị mối xông không biết bao lần rồi, về chuyện, ví dụ, dịch “Xi măng” của Liên Xô thì phải giữ được bầu không khí sục sôi của thợ thuyền, công nhân, còn dịch cái gì đó thì phải “trang nhã”, “chải truốt”. Đại loại là, bản gốc thế nào, ta cũng nên… gần gần như thế. Ấy là chuyện đã cũ mèm.

Trả lời câu hỏi “thế nào là một bản dịch hay?”, bạn Linh đưa ra một nhận định rất mang tính… tiên đề: “Một bản dịch hay có lẽ là một bản dịch đúng với nguyên tác, không làm cho tác phẩm hay hơn hay dở đi, không làm cho tác phẩm có những vẻ đẹp mà nó không có trong nguyên tác hay mất những vẻ đẹp mà nó từng có trong nguyên tác”. Vấn đề ở đây chỉ là có tồn tại những bản dịch như thế không?

Đọc vớ vẩn một cuốn sách thì dễ, hiểu được nội dung mà nó truyền tải đã là việc khó rồi, dịch nó ra cho “hạp lỗ nhĩ” (tức là không quá ngây ngô) càng khó nữa. Chưa nói đến bản dịch hay đâu nhé.

Chuyện rất thường gặp ở Việt Nam là dịch giả… dịch sai, thấy đoạn nào khó thì lược dịch, phỏng dịch, hoặc bỏ đi. Chuyện dịch giả không hiểu lắm về tác phẩm có lẽ vẫn khá… cơm bữa, vì muốn hiểu một tác phẩm, không chỉ cần hiểu cái text của nó ở đây, mà bét ra cũng phải có một phông văn hóa nhất định để hiểu về lịch sử, chính trị, xã hội… của cái thời mà nhà văn viết tác phẩm ấy. Điều đó thì không phải ai cũng có điều kiện tìm hiểu kỹ càng…

Ngay dịch giả lắm khi cũng lơ mơ vậy, độc giả thì không nhiều người có khả năng tiếp cận với nguyên bản và đủ trình độ (ít nhất ở mức dịch giả) để đánh giá xem bản dịch có giữ nguyên được cái hay, dở của bản gốc hay không. Cho nên tiêu chí “câu chữ nhuần nhị, không bị "Tây" ở đây có lẽ phải hiểu như là, dịch giả nên có khả năng diễn đạt những câu từ, khái niệm của Tây một cách uyển chuyển trong tiếng Việt. Chứ dịch ngô nghê, ngọng nghịu, bê nguyên những cấu trúc câu, cách dùng từ của Tây vào tiếng Việt, rồi bảo “tôi trung thành với nguyên tác, Tây nó thế”, thì cũng kẹt cho độc giả Việt Nam lắm (bố ai biết… Tây nó có thể thực không, hay là do ông dịch giả… dốt tiếng Việt?) ;)

Tóm lại, từ ngàn đời nay, dịch vẫn là chuyện “mắc dịch”, “dịch tả” (tiêu chảy cấp tính)… lắm chuyện! Nhưng vẫn phải dịch! ;)

(*) Ảnh minh họa trong bộ phim chuyển thể từ tác phẩm, dựng năm 2007, toàn do các nghệ sĩ ND, ƯT thủ vai. Phim đã được tặng cho tất cả các trường trung học ở Hungary để trẻ em ngâm cứu ;)

8/4/08

Đời thường

16 nhận xét



Hết chuyện triều đình, về lại đời thường cái.

1. Cún, sau tới 3 tuần ốm vật vã vì virus, mà thuốc men đủ kiểu mãi không chịu đỡ, có lúc ho sùng sục rất thương, giờ dường như đã khỏi!

Lạ lắm vì vụ ốm kéo dài này của cún, vì ngay các bác sĩ cũng bảo rằng, bình thường thì trẻ con ở lứa này đâu có ốm được, nhất là vì cún chỉ bú sữa mẹ. Thời gian cún ốm, dạo đầu, cũng trùng với thời gian mẹ cún khật khừ, phải uống thuốc, nên rất khổ: để cún ăn được chút sữa ngoài thì quả là một công trình gian nan!

Nhưng thôi, mọi thứ đã qua, mọi người cũng ngạc nhiên là sao cún ốm lâu thế thì bố cún chỉ biết nói là "con virus lần này đặc biệt" :)

Bù lại, cún bây giờ (4 tháng) đã khá tự chủ trong mọi cử chỉ, hành động. Dăm ba hôm trước, cún đã lẫy được một lần, và bây giờ cứ tỉnh dậy là tìm cách lẫy, trước khi lẫy thì hò la để thu hút sự chú ý và khi lẫy không thành, cũng vậy. Ở iđểm này, cún khác chị Thu Vân (dĩ nhiên, vì cún là giai mà), chị hồi xưa làm gì cũng rất cố gắng, nhưng lặng lẽ (đúng là chị cả!)

Mai kia sẽ đưa cún đến bác sỹ kiểm tra định kỳ, cân kẹo xem thế nào. Sau đợt ốm cún nhẹ bẫng, tuy nhiên như thế có thẻ sẽ thanh tú hơn :)

2. Chị Thu Vân hè này sẽ đi nghỉ cùng các bạn 2 lần, một lần theo trường và lần kia là theo các bạn học Tin Lành. Thu Vân rất hồi hộp vì không biết có được mẹ cho đi cùng lớp Tin Lành hay không, phần vì mẹ sợ Thu Vân sùng đạo quá, có thể sẽ... đi tu hoặc truyền đạo ;), phần vì một hè mà đi mấy tuần thế, cũng là nhiều. Vấn đề là, Thu Vân viện cớ đã (đơn phương)... hứa với một bạn thân trong lớp là sẽ đi, nên lý do để Thu Vân là rất chính đáng: không thể không giữ lời hứa! ;)

Trẻ con bây giờ hay thật!

3. Bố cún vừa có một cái mobile mới, thay cho cái cũ có lẽ các tiền cũng không ai thèm lấy! Tính bố cún là vậy: tụt hậu về kỹ thuật, và không bao giờ để tâm đến việc phải thay những vật dụng kiểu như thế. Mobile thì chỉ cần (và biết) gọi, nhận điện, và SMS. Đến Thu Vân bây giờ cũng sử dụng mobile thạo gấp mấy bố rồi. Xuề xòa và lười, nên bố cún có tiếng là dùng những đồ rất cũ: như cái bàn phím thì ai đến cũng phải kêu ca vì nó đã mờ hết chữ, đánh thì kêu cùng cục điếc cả tai! Còn mobile cũ thì, mặc dù Thu Vân rất muốn có một cái để thỉnh thoảng SMS, nhưng loại cũ "ném chó chó chết" này, bảo cho Thu Vân, Thu Vân cũng không lấy gì làm thích thú.

Dùng đồ cũ thực ra còn vì một lý do khác: cái gì mình đã dùng quen, đã "ở" với mình lâu lâu rồi, trừ phi hỏng không dùng được, chứ bình thường bố cún không bao giờ nỡ bỏ. Nhà thì chật mà báo cũ chất thành núi: thỉnh thoảng mẹ cún bắt thanh lý, bố cún tiếc lắm, nhưng không muốn eo sèo, nên phải chấp nhận (khi ấy, chỉ có Thu Vân là tiếc rẻ cùng bố - tuy nhiên, Thu Vân mấy lần được đứng đầu lớp về "kế hoạch nhỏ" giấy vụn từ báo của bố ;)). Rồi, phòng nào cũng bừa bộn những monitor, ổ cứng cũ, từ thời... 486: cứ nhìn đống máy ấy, lại nhớ hồi cặm cụi với cái màn hình đen trắng, Win 3.1 (dàn trang và viết loại máy cũ ấy nhanh lắm nhé, và không bao giờ bị lỗi như những hệ điều hành sau này cả ;)), mà cũng ra bao sách, báo...

Trở lại vấn đề, dù không muốn nhưng mẹ cún dùng quyền tối thượng, áp tải đi mua mobile mới "để còn giao dịch" ;). Thực ra cũng buồn cười: bây giờ, mua một cái máy tính, máy ảnh hay mobile loại bình thường, tức là dùng cho những nhu cầu hàng ngày, không phải thứ sang trọng, thì cũng như mình đi mua quả chuối quả cam vậy. Thế mà với bố cún, trong lòng vẫn rộn ràng như thời... bao cấp, khi đi tậu cái xu-von-tơ, hay quạt tai von. Cảm giác rất lạ! Kỳ quặc!

4. Giả nợ Minh & Ngọc vụ Anh Khoa:

- "Bao giờ biết tương tư" không có mp3, cũng không rõ là có ở đâu không. Ở 2 CD của Anh Khoa ("Anh đến thăm em đêm ba mươi", thu cùng Họa My từ hồi 1992, và "Khúc thụy du", 2006), thì không có. Để thử hỏi trực tiếp anh ấy xem.

- CD "Khúc thụy du" tìm mãi không ra nên tạm úp một bài cũ đã nhé, sẽ truy tầm sau: "Phút cuối" (Lam Phương)

Sẽ viết tiếp en-rờ-ri này sau khi đi làm về...

(*) Ảnh minh họa đã cũ, cách đây cả tháng, vì máy ảnh bố cún để quên ở cơ quan mà chưa buồn vào lấy :((

7/4/08

Pao ở Budapest

24 nhận xét



1. Ôi, mấy bữa bận bịu quá với vụ LHP Quốc tế Titanic, đời thuở nhà ai mà trong vòng 3 ngày, bị tra tấn 4 lần "Chuyện của Pao" ;) Tuy nhiên, mệt nhọc nhưng vui vì làm được một cái gì đó: ít nhất là một bộ phim Việt Nam được công chiếu bên này, và đặc biệt là cả buổi chiếu chính tại rạp trung tâm của Budapest (là một tòa nhà cổ kính như cung điện, đồng thời cũng là nơi tọa lạc của Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hungary - ảnh trên) - lẫn buổi chiếu dành riêng cho báo giới - đều rất đông người đến dự. Kế hoạch PR cho Việt Nam - và đặc biệt là cho người H' Mông - như vậy là thành công rực rỡ. (Tự nhiên lại nhớ câu "Cô gái H'Mông hơ mông bên bếp lửa", chợt thấy tiếc là Ngô Quang Hải không đưa hình ảnh này vào phim ;))

Các report chính thống và phi chính thống về vụ này, sẽ viết lai rai. Nhân đây, nhiệt liệt cám ơn cả nhà đã góp ý bình chọn cho vụ đề cử phim. "Chuyện của Pao" cảnh quay rất đẹp (dĩ nhiên, Tây quay mà, lại là nữ, tinh tế phết), nhạc cũng hoành tráng (kết hợp tả-pí-lù giữa mấy "danh nhạc" Nguyễn Thiên Đạo & Quốc Trung & Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia, hèn chi?), nội dung rất phù hợp với những LHP của Tây, nơi dân chúng quá chán cuộc sống bon chen thị thành, nên mê những đề tài... quỷ quái ở các miền đất xa lạ. Có một bà khán giả, trong chương trình giao lưu với đạo diễn sau buổi chiếu chính, sau khi chúc tụng các kiểu, còn hứng khởi bảo rằng, những phim giá trị thế này tao ít thấy ở Hung, và ở Phương Tây nói chung nữa ;)

Trong vụ đề cử này, may mà không nghe lời xui dại myselfvn, là chờ đương sự làm phim rồi hẵng đề cử. Mục thất! ;)

2. Cảm nhận về phim thì dân tình viết chán rồi, chả nghĩ ra gì hay ho được hơn. Tuy nhiên, liên quan đến chuyện "dưa cà mắm muối" của phim thì có mấy điểm cần lưu ý:

- Buồn phết, vì ngay lần đầu gặp Ngô Quang Hải, thấy trẻ trung, điển trai, sành điệu quá... tự nhiên "nhìn lại mình đời đã xanh rêu" ;) Bực nhỉ (nhưng bất khả kháng ;))?

- Hải Yến thì rõ là quá bắt mắt, đây không phải là "nhận định" mới, nhưng xem trên màn hình to đùng, âm thanh rộn ràng, nó khác với DVD hay là Youtube. Tiếc! ;)

- Bọn Hung cũng khôn, chơi trò giật gân! Trong cuốn giới thiệu chương trình của LHP, ở phần nói về từng phim, chúng phán "... Ngô Quang Hải đã trở thành một trong những nam diễn viên hàng đầu của Việt Nam" (cái này có thể cần bàn lại), và Hải Yến thì là "nữ tài tử xinh đẹp nhất Việt Nam" (có thể poll, nhưng nhiều cơ hội là đúng ;)). Có thể vì vậy nên dân Hung đi xem đông hơn thường lệ (ít nhất là đông hơn rất nhiều so với dịp năm ngoái).

- Không biết có ngẫu nhiên không, nhưng hai năm liền, hai bộ phim Việt Nam đi dự LHP bên này đều có (một phần) đề tài là đa thê (năm ngoái là "Sống trong sợ hãi"). Và Hung họ xem, thì thấy hình như vấn đề đa thê ở Việt Nam là điều... tự nhiên, vì các gia đình trong phim đều có cách xử lý ổn thỏa và hòa hợp, hòa giải cả. Tay tổng điều hợp LHP, trong vai trò MC phần giao lưu khán giả, cũng đặt câu hỏi này cho Ngô Quang Hải. Và Hải thì sau đó kể về vụ Chợ Tình 27-3, nơi các đôi giai gái yêu nhau, nhưng không đến được với nhau, có thể bỏ ra cả ngày bên nhau, chè chén, giao lưu (và có giời biết được là còn gì sau đó); lúc đó, thấy dưới cử tọa suýt xoa ra chiều tiếc rẻ "H'Mông văn minh quá!" ;)

3. Sau vụ này, tiếp xúc với hội BTC Hung, thấy họ làm việc thật thích! Cực kỳ tiện lợi, gần gũi, hiệu quả. Cực kỳ ấn tượng với tay tổng điều hợp - là người phải xem hết cả 65 bộ phim, thu thập đủ info để có thể dẫn các chương trình chiếu và giao lưu cho khán giả và báo giới, và ít nhất cũng phải có những đánh giá xác đáng về từng bộ phim. Nhóm các cô phụ trách Báo chí, Khách khứa, Chuyên môn... đều vô cùng dễ chịu, chuyên nghiệp nhưng phong cách rất sinh viên, không hề có chút gì là quan cách cả, cư xử lịch thiệp nhưng thân mật như người nhà. Cả trăm cái e-mail đi lại với hội BTC để... tổ chức trong vụ LHP này, chắc chắn sẽ là một kỷ niệm khó quên!

Và, entry này cũng là lời cảm ơn chân thành đến Vízer Balászs, Donáth Mirjam, Döme Luca, Sóti Thea, Makrai Sonja vì sự giúp đỡ quý báu, xuất phát từ niềm đam mê điện ảnh! Hẹn gặp lại ở kỳ sang năm!

(*) Bổ sung: Cám ơn anh Tất Bình đã rất nhiệt tình gửi ảnh phim (độ phân giải cao) vào phút cuối cùng, kịp đưa vào được cuốn sách giới thiệu LHP (trình bày và in ấn rất mỹ thuật, sang và trí thức ;)).

2/4/08

Ca sĩ Anh Khoa

14 nhận xét



Nhân Minh kiếm được cái link này về Anh Khoa, và bảo "cứ nhàn nhạt, vô hồn kiểu gì ấy, chứ kể mà yếu ớt rên rỉ như anh mình thì cũng còn đi là một kiểu" ;) , bốt lại một bài cũ, từ cuối năm 2001, hồi mới ra số báo đầu bên này, về Anh Khoa.

Hồi ấy, khởi đầu nan, phải vừa viết, vừa lách đủ kiểu, để tránh các kiểu chụp mũ nón... tương đối thịnh hành từ vài ba người xấu bụng. Nhưng cũng không xong: bố cún có report vụ “tác nghiệp” ấy ở đây.

Trích một đoạn:

NCTG số ra ngày 2-1-2002, tôi có bài phỏng vấn ca sĩ Anh Khoa, một người từng sinh hoạt văn nghệ trước 1975 tại Sài Gòn. Chúng tôi có ghi âm cuộc nói chuyện và khi chép lại, tôi đã cố gắng đến mức tối đa, để lằn ranh "bên ni - bên nớ" khỏi dính dáng đến những trao đổi mang tính văn nghệ và tâm tình. Vậy mà, khi gửi đi hỏi ý kiến mọi người, Thương Huyền [một thành viên BBT hồi ấy] vẫn phát hiện ra một "lỗi", mà anh sợ là sẽ gây hiểu nhầm. Ấy là, khi tôi dùng từ "biến cố 1975", để chỉ một ranh giới trong thời gian, khi nhắc đến hoạt động nghệ thuật của ca sĩ Anh Khoa. Thương Huyền cho rằng từ "biến cố 1975" nghe có vẻ không được... hân hoan lắm, và anh nghĩ sẽ có người thắc mắc sao mình không viết là "ngày giải phóng"? Tôi, với ý muốn tế nhị là không nhắc đến những gì có thể đụng chạm đến cả hai phía, nên thiên về dùng cụm từ "ngày thống nhất", hay "biến cố", vì coi như thế là trung tính; tuy nhiên, sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định bỏ hết và viết đơn giản là "trước 1975", "sau 1975"... để "cho chắc". Thế mà, sau khi bài phỏng vấn được in khiến ca sĩ Anh Khoa rất cảm động vì đây là lần đầu tiên anh được nhắc đến một cách trân trọng nơi đất khách quê người trên cương vị người làm nghệ thuật, thì tôi có nghe ai đó xì xào rằng chúng tôi "đi phỏng vấn ngụy quân ngụy quyền"!

Nói thêm: cái title nghĩ chừng… 10 phút mới ra, dĩ nhiên theo thông lệ là chọn một câu của “đương sự” trong bài phỏng vấn, nhưng phải là câu nào “tích cực” nhất, và hợp ý “thương nhớ quê hương”. (Về khoản này thì thực ra Anh Khoa không thiếu, ai còn nhớ cuộn băng Paris By Night thời 1992 thì thấy Anh Khoa sụt sùi khi được Nguyễn Ngọc Ngạn hỏi về “tâm tình xa xứ” ;). Và thực ra thì ngoài đời thường, Anh Khoa cũng rất mau nước mắt: chỉ cần chai bia, ngồi với mấy người bạn tâm sự, là đủ nhỏ lệ ;))

Cách đây độ 2 năm, Anh Khoa ra được album cá nhân đầu tiên “Khúc thụy du” (ảnh trên). Đi thu và diễn ở Mẽo về, vẫn nhớ bố cún, anh có để dành tặng một CD; có lẽ khi nào rảnh bố cún sẽ “mp3 hóa” vài bài để chia sẻ. (Report và những tâm sự… sụt sùi như thường lệ của Anh Khoa trong dịp ấy, có ở đây ;)).

Minh à, Anh Khoa có mấy bài tủ hát cũng hay đấy, vì hợp “tạng” và có lẽ, tâm trạng. Như “Phút cuối”, “Bao giờ biết tương tư”, “Anh đến thăm em đêm ba mươi”, “Khúc thụy du”, v.v… Mà Minh quen chị Xuân Hòa nhỉ, khi nào về Việt Nam tới phòng trà “Văn Nghệ” mục sở thị Anh Khoa một cái: ca sĩ Việt Nam mà to cao như thế, cũng điển trai nữa (ảnh trên “Người Viễn Xứ” chụp xấu quá!), không nhiều đâu!

Trở lại bài phỏng vấn cũ từ 7 năm nay, thấy bài mới của “Người Viễn Xứ” cũng không có thêm info gì nhiều lắm, nên bốt lên cạnh tranh ;). Đùa vậy, Anh Khoa có vẻ vất vả và ít may mắn hơn các ca sĩ khác, là bị “lưu đày” bên Hung Gia Lợi, chứ nếu sang Pháp, Mẽo, biết đâu chả kém gì chú của Minh? ;)

*

"Tôi sẵn sàng và bao giờ cũng muốn về..."
(Nói chuyện với ca sĩ Anh Khoa)

Cách đây 8, 9 năm, qua các cuốn băng của hãng "Thúy Nga Paris" cũng như qua sách báo hải ngoại, chúng ta được làm quen với một nam ca sĩ đa cảm, chuyên hát những bản tình ca: ca sĩ Anh Khoa, hiện đang sinh sống ở Hungary. Tuy nhiên, ngay cả bà con Việt Nam bên này, đã từng gặp gỡ anh, không phải ai cũng biết về sự nghiệp ca hát rất nổi tiếng trước 1975, cũng như những tâm tình của người ca sĩ dễ mến này. Xin mời quý độc giả theo dõi cuộc trò chuyện giữa NCTG và ca sĩ Anh Khoa, tại tư gia của anh (Quận 16, Budapest).

NCTG: Xin chào ca sĩ Anh Khoa! Trước tiên, xin anh cho độc giả của NCTG được biết một số nét ngắn gọn về cá nhân anh, cũng như khởi đầu nghiệp ca hát trước 1975 của anh.

Ca sĩ Anh Khoa: Tôi sinh ở thị xã Phan Thiết, Bình Thuận, một tỉnh cuối miền Trung, cách Sài Gòn chừng 200 cây số. Từ nhỏ, tôi đã ham mê ca hát và thành công đầu đời của tôi là vào năm tôi 12 tuổi, tôi được đại diện cho tỉnh Bình Thuận tham dự một giải rất lớn của miền Nam ngày xưa, dành cho các giọng hát thiếu nhi, và tôi đã đoạt giải nhất.

Tuy nhiên, tôi thực sự vào "nghiệp" cầm ca vào năm 1969. Khi đó, tôi khá nổi tiếng ở các phòng trà ở Sài Gòn. Mặc dù chiến tranh đang lên mạnh, nhưng các vũ trường và tụ điểm giải trí ở Sài Gòn mọc lên như nấm. Vào năm 1970, tôi được anh Jo Marcel mời cộng tác, và tôi đã từng biểu diễn ở các phòng trà lớn nhất như Queen Bee (của anh Jo Marcel), Maxim's (Majestic cũ), Tự Do, Caraven, Ritz..., hay phòng trà của chị Khánh Ly (đặc biệt ở đó chỉ biểu diễn, chứ không có vũ trường).

Dạo đó, tôi cũng có mặt trong rất nhiều băng đĩa. Hầu hết các trung tâm băng nhạc - "Nhã Ca", "Shotguns" (của anh Ngọc Chánh), "Hãng đĩa Việt Nam", "Thương Ca"... nhiều quá không nhớ hết! - đều mời tôi cộng tác. Ngoài ra, tôi có ra một cuộn băng riêng (hồi đó chưa có đĩa đâu, chỉ có loại đĩa nhựa, băng thì cũng là băng "cối") tựa đề "Tiếng hát Anh Khoa", phát hành năm 1970. Tuy nhiên, sau này tôi cũng không còn những băng dó, mất hết! Hình như còn có người giữ được và sau 1975, họ có in (lậu) lại tại hải ngoại...

NCTG: Xin anh cho biết về một vài kỷ niệm trong đời ca hát trước 1975 của anh.

Ca sĩ Anh Khoa: Dạo đó, tôi đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhất là hồi tôi làm cho anh Jo Marcel; có thể coi đó là thời điểm vàng son, nổi bật nhất của tôi. Đó là hồi 1970: cứ ai ở trong ê-kíp của anh Jo Marcel là đều sáng chói hết. Có thể kể đến, ngoài tôi, là Thanh Lan, Lệ Thu... Những ê-kíp khác, cũng hay, nhưng không "top" bằng của Jo Marcel. Jo Marcel tìm người rất tình cờ, thật sự ảnh không đi tìm tòi hay đăng báo kiểu "tìm ca sĩ karaoke" như bây giờ; ca sĩ nào được một vài người giới thiệu, ảnh thường mời ngay đến các phòng trà đàng hoàng (chứ không phải đứng hát thử), và nếu thấy có tài thì ảnh nhận liền.

Nhưng phải nói là thoạt đầu tôi đã gặp may mắn: trong băng nhạc của anh Jo Marcel, thiếu một tay guitare bass, mà tôi lại là cây bass chuyên nghiệp. Khi được triệu từ miền Trung vào, tôi đã vớ đàn và hát, khiến anh Jo Marcel quá ngạc nhiên và "thâu nhập" tôi ngay. Tại Queen Bee, anh Jo Marcel có hai lầu: lầu dưới chuyên hát nhạc trẻ, và lầu trên là nhạc Việt Nam. "Khám phá" ra tôi, ảnh ấy không cho tôi chơi đàn bass nữa mà cho tôi lên lầu trên. Đó là vào năm 1970, khi tôi mới 18,19 tuổi...

NCTG: Khi mới vào nghiệp ca hát, những ca khúc nào có thể coi là "tủ" của anh? Những bản nào khiến khán thính giả, nếu nghe lại, vẫn nhớ đến ca sĩ Anh Khoa? Và, nhạc sĩ nào đã có ảnh hưởng lớn đến anh?

Ca sĩ Anh Khoa: Phải nói đến những "Bài không tên" của Vũ Thành An. Nhưng bài đã đưa tôi lên tên tuổi sáng chói nhất, chỉ có một bài thôi, là "Bao giờ biết tưong tư" (nhạc Phạm Duy, lời Ngọc Chánh). Sau này, có nhiều người ca bài đó, nhưng thật sự đa số khán giả vẫn đánh giá tôi hát bài đó là đạt nhất.

Nhạc Phạm Duy, trước 1975, tôi cũng hát thành công vài bài, trong đó có "Phượng yêu" là bài đầu tiên và loạt "Tình khúc trên chiến trường tồi tệ". Đó là những ca khúc tuyệt vời, tiếc là sau này, tôi không còn giữ được những đĩa này, bị thất lạc hết rồi! Về sau, khi cộng tác với hãng Thúy Nga, tôi có hát thêm "Mùa thu chết" cũng được khán giả đánh giá cao.

Thời điểm đó, nhạc sĩ có tác động lớn nhất đến tôi, phải nói đến Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, sau đó là Lam Phương. Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên.... Sau này, khi đã ra hải ngoại, tôi mới thấm thía những bài hát của anh Trúc Phương.

NCTG: Chúng tôi có một nhận xét là khi trình diễn các bản nhạc ngoại quốc, anh hát rất nhiệt tình, hào hứng và thành công...

Ca sĩ Anh Khoa: Tôi xuất thân hát nhạc Mỹ, đâu phải nhạc Việt Nam, từ năm 16 tuổi. Ngay trước khi đi hát cho anh Jo Marcel, tôi đã có một ban nhạc, chuyên hát nhạc Mỹ. Thời điểm đó, hát nhạc ngoại quốc là thời trang, là phong trào. Làn sóng nhạc trẻ rầm rộ khi Mỹ bắt đầu can thiệp vào cuộc chiến Việt Nam, đâu đâu cũng thấy thanh niên hát nhạc Mỹ. Giới trẻ Sài Gòn lập ra rất nhiều nhóm, hát nhạc của các ban nhạc ngoại quốc ban nhạc, chẳng hạn "The Beatles", "The Rolling Stones", "The Bee Gees"..., rồi họ lại bắt chước phong cách của từng nhóm. Ngày xưa, trong Sài Gòn nhiều ban lắm, như Tuấn Ngọc thì "The Strawberry Four". Tôi cũng có một ban nhạc riêng, cũng rất nổi tiếng ngày xưa, tồn tại trong khoảng 1970-73, tên là "Mây bốn phương", cũng do anh Jo Marcel đỡ đầu; ngoài thời gian hát cho anh Jo thì tôi diễn cùng ban này. "Mây bốn phương" gồm các ca sĩ chính là tôi, Carol Kim và Ngọc Thủy, ngoài ra Thoại đánh trống, Quân đánh organ và Jack guitare (anh này người Việt nhưng lấy tên Mỹ), kèn saxophone thì Hoàng, bây giờ còn ở Việt Nam, nghe nói mất rồi nhưng cũng không hiểu thế nào, tôi không có liên lạc được. Bây giờ, cây guitare còn ở Việt Nam, anh ấy cũng lớn tuổi rồi, một người bên Mỹ, những người còn lại thì cũng tản mát hoặc mất rồi...

Trong số các ca khúc ngoại quốc, tôi ưa nhũng bài trữ tình, nam thì của Andy Williams, nữ thì tôi thích Capenters; tôi nghĩ đó là những giọng hát bất hủ, tuyệt vời lắm. Nhưng khi trình diễn cùng nhóm, chúng tôi đa số chơi nhạc của "The Bee Gees" và "The Beatles"...

NCTG: Sau biến cố 1975, chắc anh có nhiều dịp tiếp xúc với các ca sĩ, nhạc sĩ miền Bắc? Anh có cảm tưởng hoặc kỷ niệm gì về họ?

Ca sĩ Anh Khoa: Sau 1975, tôi có được gặp nhạc sĩ Phó Đức Phương, ca sĩ Quốc Hương. Hồi 1987, ra Hà Nội biểu diễn cùng nhóm Sài Gòn Concert ở Cung Thiếu nhi và Nhà bạt, tôi có gặp thêm Lệ Quyên (sau này hát cùng tôi trong băng của "Thúy Nga Paris"), Ái Vân cùng chồng cũ cô ấy là biên đạo múa, và nhiều nghệ sĩ khác ở Hà Nội. Về mặt cá nhân, họ rất hòa đồng, gặp nhau cũng chén em chén anh, uống say lúy túy (cười).

Tôi cũng được ngồi uống bia với ca sĩ Quốc Hương (đã mất rồi) và còn được hân hạnh hát chung với ông trong một đêm đi diễn ở miền Tây. Quốc Hương rất tốt, tính tình rất thẳng thắn, cởi mở, có nói một câu mà tôi còn nhớ mãi: "Các cậu không đi được Cali, thì các cậu phải ở lại đây thôi!" (cười)

NCTG: Được biết sau 1975, anh vẫn đi hát. Vậy thời kỳ đó, anh thường hát những ca khúc gì?

Ca sĩ Anh Khoa: Ca khúc trước 1975 thì không được rồi, hồi ấy nghiêm lắm! (cười). Tôi cũng hát "Tự nguyện", "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", "Tiếng chày trên sóc Bomba", hay là "Nổi lửa lên em". Sau này, khi Sở Văn hóa tương đối cởi mở hơn, tôi hát nhạc Trần Tiến rất nhiều, chẳng hạn như "Thành phố trẻ", "Ánh sáng và những đêm trắng", "Mặt trời bé con", "Vết chân tròn trên cát"... Ở trong Nam, hầu như anh ấy là người đầu tiên đã khai phá ra một hướng đi mới, chính vì thế mà nhạc của ảnh được nhiều nguời thích và hầu hết các ca sĩ đều hát nhạc Trần Tiến...

Phải nói là nhạc miền Bắc dạo đó, tôi thích nhất là hai bài: "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây" và "Tình ca". Tôi đã lấy bài "Tình ca" khi đi thi hát ở Sài Gòn. Có thể gọi đó là một ca khúc "xanh" (evergreen), bất hủ, không bao giờ chết với thời gian. Có thể so nó với "Love Story" của Mỹ.

Về sau, có nhiều bài của Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập..., tôi cũng hát. Chẳng hạn bài "Em còn nhớ hay em đã quên", rất hay!

NCTG: Cơ duyên gì đã đưa anh đến Hung, một xứ sở xa xôi, một vùng mà có lẽ không nghệ sĩ cũ nào của Sài Gòn trước 1975 lại chọn làm nơi cư ngụ? Không bao giờ anh nghĩ đến chuyện qua ở một xứ khác?

Ca sĩ Anh Khoa: Vợ tôi, cô Irina, như nhiều người đã biết, là con gái ông đại sứ Hung ở Việt Nam nhiệm kỳ 1976-1981. Khoảng những năm 1987-88, ông nhạc tôi chuyển sang làm đại sứ bên Campuchea và nhu thế, hai bố con thỉnh thoảng có qua lại Sài Gòn chơi và nghe hát. Chúng tôi đã quen nhau, hết sức ngẫu nhiên, trong một dịp như thế và thực sự mối tình của chúng tôi đã là một duyên kiếp.

Khi tôi qua đây năm 1989, nhiều người nghĩ rằng tôi lấy cô ấy để làm "bàn đạp" sang Hung, rồi sang một xứ khác. Nhưng thực sự, tôi ở đây đã hơn 10 năm, cũng qua Mỹ nhiều lần rồi, 7-8 lần gì đó, và bây giờ lại đang chuẩn bị sắp đi nữa. Châu Âu tôi cũng đi hết rồi, và ở Úc, tôi cũng đã đến hầu hết những nơi có cộng đồng người Việt cư ngụ. Nhưng tôi thấy hát xong rồi lại phải quay về nhà, quay về Hung thôi. Dù thế nào đi nữa, tôi đã cảm thấy rất thân thuộc với nước Hung, coi nó là quê hương thứ hai và sẽ ở đây vĩnh viễn. Với lại, tôi cũng đã lớn tuổi rồi, bây giờ mà đến một nơi nào mới, phải đi lại những bước đầu, thì cũng mệt mỏi lắm. Tôi đã rời Việt Nam với hai bàn tay trắng, qua bên Hung như vậy rồi, ở lại đây thôi...

Vả lại, tôi cũng đã đi được khắp thế giới rồi, dĩ nhiên tôi cũng đã thấy các cộng đồng Việt Nam, họ cũng không phải sướng lắm đâu, cũng phải làm việc vất vả lắm...

NCTG: Trở về thời kỳ mới qua Hung, dường như anh có đi hát tại một số tụ điểm giải trí ở đây?

Ca sĩ Anh Khoa: Khoảng năm 1990, tôi có ký hợp đồng với Công ty Prim, một công ty tư, không phải tổ chức concert mà cung cấp các ca sĩ cho tất cả những phòng trà, khách sạn trên toàn nước Hung. Ở Budapest, tôi đã hát ở Duna Hotel, Aquincum Hotel, ở Astoria, những nơi lớn cả. Tôi còn đi hát ở các tỉnh Nyíregyháza, Békéscsaba, Kecskemét, Győr và một tỉnh nữa, đẹp lắm, mà giờ tôi quên tên.

NCTG: Cho đến khi anh có liên lạc với hãng "Thúy Nga Paris"...

Ca sĩ Anh Khoa: Vâng. Thực ra, tôi chỉ muốn hát cho cộng đồng Việt Nam mình nên sau khi cộng tác với hãng Thúy Nga, tôi đã thôi các hoạt động này. Có nhiều lý do khiến tôi không thể hòa nhập với sinh hoạt ca hát ở Hung. Bất đồng ngôn ngữ là một - tôi chỉ nói tiếng Anh và bây giờ, sau 12 năm, tôi nói tiếng Hung vẫn rất dở (cười) -, nhưng cái chính là một ca sĩ Á châu nhu tôi rất khó lọt vào thế giới âm nhạc của Tây.

Năm 1992, chị Thúy Nga biết tôi ở bên này và liên lạc với tôi. Từ dạo ấy, ngoài "Thúy Nga Paris", tôi cũng hợp tác với một số hãng khác ở hải ngoại, như "Người đẹp Bình Dương", "Hải Âu", "Giáng Ngọc" (của anh Lê Bá Chư)..., nhưng thực sự là do tôi ở bên Hung này nên liên lạc cũng hơi khó. Và nói thực, dạo đầu, khi chưa có quốc tịch Hung, tôi đi lại khó khăn lắm, phải có giấy mời của bên Pháp, và người ta cho visa cũng khó lắm. Từ năm 1995 trở đi, mọi thứ mới đỡ hơn...

Cho đến nay, thỉnh thoảng tôi vẫn đi diễn. Chẳng hạn vừa rồi, năm ngoái, tôi qua Mỹ làm một "Đêm ca nhạc hội ngộ Anh Khoa", rồi sang London. Tháng Mười vừa rồi tôi có đi một "tua" ở Bắc Âu, theo lời mời của cộng đồng bên ấy, có chừng 10 ngàn người. Đầu tháng Giêng sang năm nay, tôi lại chuẩn bị lên đường đi lưu diễn một vòng bên Mỹ, ba tháng...

NCTG: Hiện tại, theo dõi đời sống âm nhạc trong nước, anh có nhận xét gì về lớp trẻ sau anh?

Ca sĩ Anh Khoa: Trước hết, đời sống các ca sĩ trong nước bây giờ rất cao, thậm chí còn hơn hồi trước 1975. Dạo đó bọn tôi thua các em bây giờ xa lắm, đó là cái ta phải chúc mừng họ, họ có thu nhập theo tài năng của họ và nhà nước mình cũng có sự trân trọng họ. Với lại, theo nhận xét của tôi, ca sĩ bây giờ hát tuyệt vời lắm, hát hay lắm...

NCTG: "Nước đi rồi nước lại về..." Anh có dự định về nước biểu diễn hoặc thu băng, như rất nhiều ca sĩ miền Nam thuở xưa, trong vài năm gần đây?

Ca sĩ Anh Khoa: Từ 12 năm nay, tôi chưa hề về Việt Nam. Tôi định là sau chuyến đi Mỹ, tôi sẽ thu xếp để cả gia đình về thăm quê hương. Tôi rất muốn trở về, làm một show diễn với những ca sĩ trong nước. Tuy nhiên, có một bất lợi là tôi ở Hung, nên không có được mối quan hệ chặt chẽ với trong nước như những anh em ở Mỹ. Thành ra liên lạc với những người... ta gọi là manager, hơi khó.

Tôi sẵn sàng và bất cứ lúc nào cũng muốn về. Nhưng là một ca sĩ, tôi không thể nào vừa về vừa đích thân đi tìm nơi xin hát; cái đó phải có một manager cho mình, họ giới thiệu mình với các hãng như Sài Gòn Concert, hay các phòng trà như Maxim hay Caraven. Dĩ nhiên, điều kiện của tôi không phải là khó, rất dễ, miễn làm sao về thăm lại quê hương và đem tiếng hát của mình trở lại với những khán giả yêu thương, đã từng quý mến tôi trước đây 10 năm. Ngay cả bây giờ, theo tôi biết, qua những đoàn hát ở trong nước ra, khán giả trong nước vẫn nhắc đến tôi nhiều lắm. Vừa rồi, cả anh Trần Tiến, khi tâm sự với tôi, cũng nói vậy. Tôi xin được cám ơn lòng ưu ái đó và xin hứa là sẽ có dịp trở về để ca hát cho mọi khán tính giả ở Việt Nam.

Ngoài ra, theo đánh giá của tôi, một số nhạc sĩ trẻ hoặc một số người mà tôi biết, chẳng hạn Bảo Phúc, Bảo Chấn hoặc Mạnh Trinh, họ phối rất tuyệt vời, quá hay đi! Tôi cũng muốn về nước để thu một cuốn bắng; điều mà tôi thích là trong nước có dàn nhạc sống, nhạc công thật, chứ không phải dùng keyboard; nếu phần đệm làm toàn bằng computer thì thực sự không còn giá trị nữa.

NCTG: Xin cám ơn ca sĩ Anh Khoa. Năm mới, chúc anh đạt được mọi mong ước và dự kiến, trước tiên là trong chuyến công diễn sắp tới ở Mỹ, sau đó là trong chuyến hồi hương và tái ngộ những người từng say mê tiếng hát của anh!

(Budapest 28-12-2001)