8/2/08

Thế sự



1. Đọc blog Yến Khuê, bài "Đầu năm xông đất" về vụ bà con bên Mẽo rước Đức Thánh Trần đến Lãnh sự quán Trung Quốc ở LA để "phản đối hành động xâm chiếm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam" (ảnh trên), tự nhiên nhớ lại mấy câu thơ rất "kích động" (chữ của mẹ Dế) của Trần Mạnh Hảo (cũng là ông quay như chong chóng, chả hiểu chính kiến mù tịt thế nào :)):

Các anh hùng dân tộc ơi!
Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo ơi!
nếu sống lại, các Ngài sẽ bị bắt!
ai cho phép các Ngài đánh giặc phương Bắc?

Quả thực là Đức Thánh Trần "liều lĩnh" trong vụ tam phá Nguyên Mông (hồi ấy quân Nguyên đánh tan tác cả Động Âu, trong đó có Hung-gia-lợi; cơ mà Hung sau khi đại bại cũng chơi trò "tiêu thổ kháng chiến", chạy tứ tung, rồi bị mùa đông khắc nghiệt, bệnh tật đầy mình, hậu phương lại rối rắm nên quân Nguyên phải tháo lui - vụ này sẽ kể kỹ hơn ở một entry khác). Nhưng có lẽ để được dân Việt gọi là Thánh, thì ngoài tài thao lược chiến chinh, cái đáng nói nhất vẫn là nhân cách lớn của Ngài (ai lười tra sách, đọc qua wiki cũng ôn lại được), với quan niệm thượng sách để giữ nước là phải được lòng dân, coi dân làm gốc (dĩ dân vi bản), "khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc".

Ngẫm lại, nếu nhất thiết cứ phải chọn một vị thánh nào đó để "bàn giao" cho Giáo hội Phật Giáo Việt Nam làm "chủ quản" dựng tượng, sao lại không phải là một vĩ nhân bằng da bằng thịt như Đức Thánh Trần nhỉ? ;)

2. Đêm qua, trước khi đi ngủ, bố cún kịp update tin cụ Hoàng Minh Chính đã từ trần đúng vào mùng Một Tết Con Chuột này! :(

Những đánh giá về cụ, như một nhân vật đã để lại dấu ấn trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX, hãy để cho hậu thế và các sử gia có lời xác quyết. "Cụ là ai?", câu hỏi ấy cũng có thể trả lời không mấy khó khăn, nếu chịu khó kiếm (và bình tâm xử lý) các tư liệu trên Mạng.

Tuy nhiên, bố cún thấy bài này (trên tờ "Hà Nội Mới") cần được lưu lại, vì đây là một trong số rất hiếm bài viết của báo chí "chính thống" Việt Nam có nhiều info về người đã khuất. Thêm nữa, văn phong có nhiều đoạn mạnh mẽ, bão táp (xin in đậm để lưu ý). Copy lại làm tư liệu.

Hoàng Minh Chính, ông là ai?
20/10/2005 09:14

Ảnh: Ông Hoàng Minh Chính, năm nay 85 tuổi, từng làm Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin

Trong những ngày qua, một số tờ báo của người Việt Nam ở nước ngoài và trên mạng Internet đã liên tục đưa tin, bình luận về hành động phản dân, hại nước của ông Hoàng Minh Chính, một trí thức người Việt bất mãn với chế độ đã tự mình khoác áo dân chủ, tự xưng là một ‘’chiến sỹ đấu tranh cho dân chủ’’, thay mặt ‘’phong trào dân chủ Việt Nam’’, thực chất là một tổ chức phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài, kêu gọi lật đổ Nhà nước Việt Nam XHCN. Để làm rõ hơn chân tướng của vị ‘’chiến sỹ đấu tranh cho dân chủ’’ hữu danh vô thực này, chúng tôi xin điểm lại quá trình phản dân hại nước của ông Hoàng Minh Chính.

Ông Hoàng Minh Chính tên thật là Trần Ngọc Nghiêm, bí danh Lê Hồng, sinh ngày 16-11-1922 ở Nam Trực, Nam Hà, tham gia cách mạng từ năm 1937. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác đoàn thể ở Việt Bắc; sau hòa bình về Hà Nội tiếp tục làm công tác đoàn thể. Ông Hoàng Minh Chính vào Đảng năm 1939 và bị khai trừ khỏi Đảng năm 1967 vì tham gia nhóm chống Đảng.

Là một người có chút chữ nghĩa, năm 1957, trong khi cả nước đang bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì ông Hoàng Minh Chính được Nhà nước ta cử đi học tại Liên Xô (cũ). Về nước năm 1961, ông được cử về công tác tại UBKHNN, làm Viện trưởng Viện Triết học. Cứ tưởng ở cương vị như vậy, ông sẽ phụng sự Tổ quốc được nhiều hơn; song vì lòng háo danh, tự cao, tự đại mà ông đặt mình đứng cao hơn tất thảy mọi người, quay lưng nói xấu chế độ. Nguy hiểm hơn, với tham vọng cá nhân, ông đã tham gia nhóm chống Đảng cùng với một số nhân vật bất mãn chính trị; bị chính quyền bắt tập trung cải tạo từ năm 1967 đến năm 1973. Từ năm 1973-1976, ông bị quản chế tại Sơn Tây và từ tháng 6-1995 đến 6-1996, ông bị bắt, xử tù 1 năm vì tội ‘’lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nuớc, tổ chức xã hội và công dân’’ theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ra tù năm 1996, Hoàng Minh Chính vẫn tiếp tục viết đơn thư khiếu nại, vận động, lôi kéo người đòi Đảng, Nhà nước ‘’giải oan’’ cho các vụ án ‘’chống Đảng’’, ‘’xét lại’’; tuyên truyền phát tán tài liệu có nội dung xấu; vận động người tham gia góp ý cho bản dự thảo ‘’Thách thức và triển vọng’’, nhằm ý đồ tổ chức hội nghị ‘’Tiểu Diên Hồng’’ để từng bước đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng ở Việt Nam. Tháng 4-1998, Hoàng Minh Chính cùng với Lê Hồng Hà bàn việc chuyển hướng hoạt động sang đấu tranh dưới chiêu bài ‘’Hội nhân dân chống tham nhũng’’.

Hiện nay, Hoàng Minh Chính vẫn giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong các hoạt động chống đối như: Vận động lấy chữ ký đòi hủy bỏ điều 4 Hiến pháp và Nghị định 31/CP, tìm cách phát triển lực lượng, liên kết các phần tử chống đối; chỉ đạo Phạm Quế Dương, Trần Khuê viết đơn và kêu gọi thành lập ‘’Hội nhân dân chống tham nhũng’’. Hoàng Minh Chính nhiều lần cùng các đối tượng khác tổ chức gặp mặt nhằm công khai tổ chức, có ý đồ tái lập ‘’Đảng Dân chủ’’ cùng nhiều hoạt động phản động khác.

Qua khám nhà của Phạm Quế Dương, một phần tử chống Đảng, cơ quan CA đã thu được 40 đầu tài liệu của Hoàng Minh Chính biên soạn, trong đó có 5 đầu tài liệu gửi ra nước ngoài cho một số tổ chức nhân quyền và bọn phản động lưu vong người Việt, để xuyên tạc, vu cáo tình hình trong nước, trả lời phỏng vấn xuyên tạc về thực trạng dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Đáng chú ý, thư ngỏ ngày 16-1-2000 gửi Tổng thống Hoa Kỳ, Hoàng Minh Chính cho rằng ở Việt Nam chưa có tự do báo chí, tự do ngôn luận... Tháng 8-2005, được Nhà nước ta cho sang Mỹ chữa bệnh, Hoàng Minh Chính đã vội vã đăng đàn diễn thuyết, công khai trả lời trên tuần báo Tiếng Dân (một tờ báo của bọn phản động lưu vong ở Mỹ) về ý định lật đổ Nhà nước Việt Nam XHCN.

‘’Bè bạn’’ ông Chính nói gì ?

Chỉ ít phút sau khi có phiên điều trần trước một tiểu ban của Hạ viện Hoa Kỳ, ông Chính đã có cuộc phỏng vấn với Ban Việt ngữ đài BBC. Nội dung cuộc phỏng vấn được phát sóng vào tối thứ Bảy, ngày 8-10-2005. Ông nói, những người đấu tranh đòi hỏi phải có dân chủ ngay lập tức. Ông nói, nếu chấp nhận cuộc sống hiện nay cũng có nghĩa là chấp nhận cuộc sống nô lệ. Ông nói, chỉ ít hôm sau khi phẫu thuật, ông sẽ trở về Việt Nam để tiếp tục đấu tranh cho dân chủ và tự do tôn giáo... Cũng trên đài BBC, một số ý kiến của độc giả đã tham gia luận bàn xung quanh hành động phản dân hại nước trắng trợn của ông Chính, như sau: ‘’Việc ông Chính đi chữa bệnh thì ít mà qua đó để bêu xấu Nhà nước Việt Nam hiện tại thì nhiều. Nếu nước Mỹ mà không cho Việt Nam vào WTO hoặc ra điều kiện khắt khe cho Việt Nam, hoặc sẽ thêm một số bang của Mỹ hạn chế hàng nhập khẩu của Việt Nam thì chắc ông Chính và một số người như ông sẽ mừng.

Ông Chính nói Việt Nam không có dân chủ nhân quyền thì làm sao mà ông lại có thể qua Mỹ để bêu xấu Việt Nam như hiện nay được?

- ‘’Đây không phải là phát biểu của một người có quan điểm khoa học, lý luận. Nói cách khác, khi tôi nghe bài phỏng vấn này, tôi cảm thấy ông Chính giống như một người bị kích động đang nói lên ý nghĩ chủ quan của mình. Khi ông nói về quan điểm của người Việt Nam ở nước ngoài, ông cho rằng ông chỉ gặp khoảng 30 người nhưng có thể coi là đại diện cho 3 triệu người, theo tôi về mặt thống kê là sai, về mặt thực tế ông chỉ gặp họ trong một thời gian ngắn, từ khi ông đặt chân lên nước Mỹ để chữa bệnh’’ (một độc giả ở Đức).

Xin không bình luận gì thêm về những lời nhận xét trên của bạn đọc về những lời tuyên bố xằng bậy của ông Hoàng Minh Chính. Những ai còn biết suy xét, có lương tri ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên trái đất này đều có thể hiểu được một chân lý rất đơn giản rằng, những kẻ đã đang tâm bôi xấu, phản bội lại Tổ quốc không thể và không còn chỗ đứng dưới ánh mặt trời.

HNM

TB. Trong số các ý kiến phản đối những phát biểu của cụ Hoàng Minh Chính ở Hoa Kỳ (mà bản thân bố cún cũng không nhất thiết phải đồng tình "chăm phần chăm"), bố cún "ưa" nhất ý kiến của bà Tôn Nữ Thị Ninh, được coi là gương mặt ngoại giao "sáng giá" nhất nhì của Việt Nam hiện tại: "Nếu có ý kiến khác tại sao lại phải ra nước ngoài nói trong khi tốt nhất nên nói ở trong nước".

Ô hô, thiện tai! ;)

13 nhận xét:

Hoang Linh nói...

@ Mẹ Dế: Bà Tôn Nữ Thị Ninh đẹp chứ, gốc hoàng tộc, sang trọng, thạo nhiều ngoại ngữ, ăn nói nhẹ nhàng dễ nghe... Tuy nhiên, thời gian gần đây bà ấy có một vài phát biểu... ko hay lắm (ko đúng tầm?), có lẽ cũng vì "thời thế, thế thời phải thế" :)
Ông chồng bà ấy là GS Toán, cũng rất phong độ, dạy cùng trường bố anh. Hồi xưa, trước khi thi đại học, anh có học thêm ông ấy 1 buổi (đúng hơn là đến nhà ông ấy thi thử môn Toán ;), kết quả được 8,5 điểm (trùng với điểm thi đại học về Toán sau này :)).

Hoa Pion nói...

Mùng hai Tết, đọc những cái này nhức đầu quá anh Linh ui!
Em cũng thích bà Tôn Nữ Thị Ninh. Người đâu mà giỏi và đẹp thế!

ΜΟCΆ™ nói...

Ai anh hùng? Ai hào kiệt? Dựa vào cái gì để phán xét/đoán định đây? Đừng chăm chăm dựa vào lịch sử. Vì lịch sử do chúng ta chép lại. Lịch sử cũng đầy những hố đen và góc tối không tài nào soi rọi được.
Chợt em nhớ một câu đối đáp, mà quên mất bối cảnh của nó (ai nói, nói trong hc nào)?
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế...
Ai anh hùng, ai hào kiệt, chốn trần ai ai dễ biết ai...
Nếu có thể, anh cho em xin tí tư liệu về đôi câu này:) Cảm ơn anh và chúc anh năm mới Mạnh - Giỏi:)

ΜΟCΆ™ nói...

Sống như mình, và làm những gì mình thích. Võ Tắc Thiên phải chăng bất hủ khi để lại một bia mộ không chữ, cho chính mình:)

Hoàng tử Dế nói...

:D Anh Linh khoe khéo ghê!
Bà ý đẹp thật, sang trọng, nghe nói tiếng Pháp thích thế ;)) (Mặc dù em ko biết tiếng Pháp, nhưng em nghe bà ý nói êm như ru, không như các cô trên.. VTV4 - oái, sorry, em ko định nói thế - nhỡ tối VTV4 cho nghỉ xem phim thì gay!)
Phát biểu của bà TNTN tất nhiên phải rất thận trọng rùi và chịu nhiều áp lực :) (Bà ấy bi giờ có còn là người phát ngôn của bộ ngoại giao nữa ko nhỉ, chết, em lạc hậu quá!). Có nhiều điều có thể ai cũng cảm thấy, nhưng để nói được ra ở "trong nhà" là rất khó.
Nhưng mà nói chung, nghe những chuyện chính trị, nặng đầu và nặng lòng quá. Anh có thể đổi đề tài cho hợp ngày Tết được ko ạ? :P

CÔNG LÝ và SỰ THẬT nói...

Ô hô, ai tai! :-((((((

Hoang Linh nói...

@ Mẹ Dế: Vụ khoe: thô nhỉ? ;)
Phải phê bình mẹ Dế rất lơ mơ chuyện thời sự: bà Ninh có bao giờ làm phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đâu??? Dù bả có làm đại sứ ở một số nước tên gọi rất... bỉ, như Bỉ Lợi Thì, Lục Xâm Bảo... ;)
Câu nói của bà Ninh "hay" ở chỗ, bà "khuyên" người ta nói lên ý kiến... bất đồng ở trong nước, cứ êm ru, như thể ko thích mua rau ở hàng này, thì qua hàng khác ấy :). Và cũng như thể cụ Hoàng chưa bao giờ phát biểu chính kiến ở trong nước, chỉ chờ dịp ra nước ngoài chữa bệnh thì... nổ ấy ;)
OK, vừa đổi đề tài rồi đấy. Mà có cố tình làm nặng nề ngày Tết đâu: khốn nỗi, cụ Hoàng đi vào mùng Một Tết, thế giới biết rồi, ko đổi được ngày. Mà ko lẽ mình để... ra Giêng "ngày rộng tháng dài", ăn Rằm xong, mới nói? ;)

Hoàng tử Dế nói...

:(( Lại quên ko save comment nên mất rùi hi hi.
Thế té ra em nhớ nhầm à? Có bà nào làm phát ngôn viên BNG ko ạ? Hmm, để em đi tân trang (phục hồi) lại trí nhớ mới được. Có hiện tượng trục trặc rồi, sorry bác :P

ΜΟCΆ™ nói...

Em cảm ơn anh. Về câu đối, em nhớ hình như của 2 ng bạn, 1 làm quan cho triều đình, một làm phản đi làm "giặc".
Em cũng nghĩ, "gặp thời thế, thế thời phải thế" đúng hơn với hoàn cảnh hội ngộ giữa 2 ng, và thể hiện đc cái khí chất của ng bị bắt. ^ ^

Hoang Linh nói...

@ ΜΟCΆ™…: Vụ hai câu đối đáp trên, có người hoài nghi, cho rằng chỉ là huyền thoại. Tuy nhiên, nó được ghi lại ở nhiều nơi, ví dụ em vào đây coi: http://www.lichsuvn.info/forum/showthread.php?t=2423
Anh thì ko tin lắm vào nhữn khảo dị có vẻ "ý chí cách mạng", như: "... dù thời thế, thế nào cũng thế", hay "gặp thời thế, thế nào vẫn thế" ;)

Hoang Linh nói...

@ ΜΟCΆ™…: "Vì lịch sử do chúng ta chép lại. Lịch sử cũng đầy những hố đen và góc tối không tài nào soi rọi được" -> Đúng, nhưng như vậy mới cần khả năng xử lý thông tin về lịch sử của mỗi người. Trước hết, phải có thông tin tự do, đa nguồn và minh bạch. Sau đó, phải có chút hiểu biết để đọc và đánh giá những info đó.
Nếu được như vậy, thì những "hố đen" sẽ dần dần mất đi, lịch sử sẽ được "bạch hóa", cho dù ko phải tất cả...

Cavenui nói...

Có 1 bà từng làm phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao tên là Thúy Thanh, bà này không sang trọng như bà Ninh.
Về bài báo trên HNM, em để ý thấy nó chia làm 2 phần: phần bác HoangLinh không bôi đậm và phần bôi đậm.
Phần không bôi đậm là phần liệt kê sự nghiệp chính trị của ông Hoàng Minh Chính, như từng tham gia cách mạng, làm đoàn thể, Viện trưởng Viện Triết, đề xuất Tiểu Diên hồng, vận động thành lập Hội Nhân dân chống tham nhũng, đòi bỏ điều 4 HP và Nghị định 31/CP v.v , phần này về cơ bản là không sai sự thật.
Phần bôi đậm là những từ ngữ miệt thị đả kích như "phản dân hại nước" mà không có dẫn chứng chứng minh phản dân ở chỗ nào, hại nước ở chỗ nào, một số từ biểu thị sắc thái không tán thành ông Hoàng như "tự mình khoác áo", "chiêu bài" v.v.
Không biết mục đích của tác giả là gì (không cần bài báo thì ông Hoàng vẫn bị xử lý), nhưng người đọc tiếp nhận phần thông tin (không bôi đậm)và bỏ qua phần bôi đậm vì nó không chứa thông tin.
Ở VN không vượt tường lửa thì không biết gì nhiều về ông Hoàng Minh Chính, nhờ bài báo có khi người đọc biết được đôi chút.
Bác HoangLinh nghĩ sao, chính trị phương Đông nó có bí ẩn của nó?
Giống như chuyện Đoàn Giỏi, 1 nhà văn không thuộc nhóm "nổi tiếng xu phụ quyền lực" đi ném đá cụ Phan Khôi, cứ lôi 1 tác phẩm chưa công bố của cụ Phan ra mà chửi, sau đó họ Đoàn mất chức. Đến nay người ta vẫn không rõ ông Giỏi chửi thật hay giả vờ chửi để nhắc tên tác phẩm kia.

Hoang Linh nói...

@ Cavenui tinh ý lắm! Thực ra tại sao mình "giới thiệu" bài này, trong khi bài chửi cụ HMC thì nhiều "vô thiên lủng"? Là vì, như mình đã nói trong entry, bài này là một trong số hiếm hoi những bài về HCM ở Việt Nam, mà có nhiều info về HMC :) Vì những bài đả kích ở ta, thường thiên về "đả", "kích", mà ko có mấy thông tin về "đương sự".
Nhân Cavenui nhắc về vụ Đoàn Giỏi, lại nhớ câu "Việt Nam có Đoàn Giỏi, giỏi mà ngu", để đối với "Trung Quôc có Tào Ngu, ngu mà giỏi", cứ buồn cười mãi. Tập "Nắng chiều" của cụ Phan, hồi trước ở ngoài này có NXB đặt giá bao nhiêu đó cho ai cung cấp được bản thảo, nhưng rồi hình như ko có tăm hơi gì cả. Còn Phạm Duy hồi 1988, khi sáng tác "Người tình già trên đầu non" (10 bài Rong ca), thì bài "Nắng chiều rực rỡ" (số 6) là lấy từ tích "nắng chiều chạng vạng" của cụ Phan ;)
"Tám" một tẹo về chuyện Đoàn Giỏi & "Nắng chiều" của cụ Phan...

Đăng nhận xét