31/10/08

Kỳ thị

21 nhận xét



Blog của Hanamyselfvn đang có đề tài kỳ thị (Tây kỳ thị ta, hoặc chính ta cũng kỳ thị ta), rất hay.

Các ví dụ Hana đưa ra về việc Việt Nam mình có xu hướng cứ thấy Tây là bái chúng nó lên làm... ông ngoại (nội), có lẽ không gọi là "kỳ thị chính người Việt ở chính trên mảnh đất hình chữ S này". Cái này, liệt vào vọng ngoại vô lối thì đúng hơn. Vọng ngoại vô căn cứ, xuất phát từ sự tự ti, có lẽ do một ngàn năm nô lệ thằng Tàu, rồi một trăm năm nô lệ thằng Tây... mà ra?

Công bằng mà nói, thằng Tây có vô số những cái hay, thông minh, văn minh (rất phổ quát)... mà dù nền văn hóa "truyền thống" của mình có khác, tập tục mình có trót "mọi rợ", "đậm đà bản sắc dân tộc" thế nào đi nữa, cũng nên thừa nhận và (âm thầm) mà học tập (có chọn lọc ;)) chúng nó. Tuy nhiên, cần gì phải nhặng xị ngậu lên như kiểu mấy cô VNA? Bình tĩnh nào!

Một điểm khác. Nói gì thì nói, mình sống ở xứ chúng nó, mình cũng cần một số thứ "nhập gia tùy tục", chứ không nên nhìn đâu cũng thấy bị kỳ thị. Suy cho cùng, sự cống hiến của mình cho xã hội Tây có lẽ không bằng dân bản địa (hiểu là chúng nó cống hiến từ nhiều đời, chứ không chỉ đời mình ;)), bổn phận, nghĩa vụ của mình với nước sở tại cũng vừa phải, "thường thường bậc trung", cho nên quyền lợi mình có ít hơn chút cũng nên chịu đựng. Đồng thời, làm sao tăng sự tự tin (hợp lý chứ đừng điên rồ) bằng phong cách sống đường hoàng, văn hóa với chúng nó, để chúng nó thấy mình cũng có chút ít kiến thức, thì đứa nào kỳ thị mình quá mức, trắng trợn quá, chúng nó cũng phải cảm thấy lố.

Liên hệ bản thân: bố cún nói chung là hiền, ít gây gổ (với người Việt Nam), nhưng "được cái" hay cãi cọ, "mắng" Hung mỗi khi cảm thấy mình bị cái gì đó không công bằng. Đến nỗi, Thu Vân phải "khen" là bố "dũng cảm", vì hay dọa dẫm, to tiếng với người bản xứ (dĩ nhiên là có lý do). Chỉ riêng chuyện mình làm được như thế (mà đến giờ chưa bị ai đánh đập, hành hung ;)) cũng chứng tỏ xã hội Tây (ở đây là Hung) tương đối lành mạnh, bình đẳng (cứ cho là trên bề mặt đi). Thử hình dung một ông Lào, Cam Bốt... láo xược như thế với dân Việt (đặc biệt là ở các cơ quan hành chính, sự vụ) xem...

Ngoài ra, ở đâu đi nữa thì người ngoại quốc cũng không có được sự công bằng (tương đối, và trên thực tế) với dân bản địa. Công ăn việc làm, nhìn chung không có người sở tại phù hợp chúng nó mới thuê mình (cái này, nhiều nơi đưa hẳn vào luật định, vì chúng nó có quyền bảo vệ thị trường lao động trong nước, mà không vi phạm cái gì cả). Mỗi lần gia hạn giấy tờ cư trú, cơ quan Ngoại kiều chúng nó hẳn nhiên là phải "hành" mình, cái đó nước văn minh mấy cũng khó tránh khỏi... Mình biết vậy để mà hành xử thôi.

Sẽ viết tiếp vài ý nữa, giờ phải đi làm cái đã...

(*) Minh họa (chả liên quan gì đến đề tài của entry): Cún phá quá trời, mấy lần lộn cổ từ cái ghế này xuống rồi...

27/10/08

Chuyện "con ở"

37 nhận xét



Blog của myselfvn ngập lụt các còm-măng về vụ ta hay Tây lịch sự, bặt thiệp hơn, rồi nhiều kết luận bất ngờ được rút ra, ví dụ hội Ấn hay "cởi truồng ra đường" (như công chức Việt Nam trong một entry khác cũng của khổ chủ ;)), hội Hồi mọi rợ nhất thế giới (phải phê bình Mẹ Scoo về trò kỳ thị này! :)), v.v... và v.v... Nhiều bác tranh thủ phóng ra thành chuyện "khác biệt văn hóa", tiện thể đá ngang sang vụ bắt bớ ký giả, nhất cử lưỡng tiện ;) Nhân đây, cám ơn myselfvn đổ bệnh, nên có được mấy tiểu phẩm xuất sắc, phục vụ bà con, hữu ích không kém gì vụ trình diễn thơ bển ;)

Tiện thể, hướng ứng bằng cách chuyển sang một câu chuyện đời thường bên này về ta và Hung cho nó lành.

Số là, những năm gần đây, để có người giúp việc và thuận tiện hơn trong công việc buôn bán, bà con Việt Nam kinh doanh tại các chợ, TTTM ở Hungary thường thuê nhân công người Hung, hoặc gốc Hung (Romania, Nam Tư...) để bán hàng. Một người quen của bố cún, rất thành công trong kinh doanh, có dạo cũng thuê một "con ở", "đầy tớ" như vậy, như cách diễn đạt của cô.

Đó là một phụ nữ trung niên người Hung, có lẽ trên dưới lục tuần, đã về hưu ít lâu. Trông cách ăn mặc và đi đứng, nói năng của bà, thì có lẽ bà không thuộc hàng những người Hung quá nghèo khổ, phải đi làm thuê cho bà con ta ngoài chợ. Về sau, có lần bà thổ lộ, về hưu ngồi không cũng buồn, bà muốn đi làm cho vui, cho những ngày già có ý nghĩa, bên cạnh việc có thêm chút thu nhập hàng ngày, không phải ỷ vào con cái. Bao giờ bà cũng ăn vận lịch sự, tỏ ra có thẩm mỹ, và cho rằng đã là người bán hàng thì phải để khách có cảm tình bởi sự nhã nhặn và bặt thiệp của mình. Cái cách ấy, khác với sự xô bồ, ồn ã của nhiều người Ru gốc Hung, sang Hung kiếm kế sinh nhai và đi làm cho người Việt. Và tất nhiên, khác với "phong thái" tất bật của "cô chủ" người Việt: lúc nào cũng đau đầu với những phi vụ "đánh hàng", nhập hàng, không còn hơi sức và thời gian đâu để quần áo, cư xử cho tử tế, đúng mực với khách.

Đã phận "con ở", hình như không người chủ nào thích "ôsin" của mình lại... "trí thức" hơn mình (*). Có lẽ đây là cái khổ của bà Hung. Bà có lối ăn nói rất tự tốn, có học (bà từng kể rằng ở nhà, chưa bao giờ bà nói nặng, hay dùng từ gì có thể xúc phạm đến con cái, kể cả những từ mà dân Việt bập bẹ tiếng Hung cũng rất hay "phát ra", như "hülye" - "dở hơi"), ngược hẳn với "cô chủ", do ở Hung lâu rồi nên nói "bồi" rất thạo, nhưng với bất cứ ai cũng chỉ biết cách xưng hô "mày", "tao", mà coi đó là sự thường. Những lúc không có khách, tạm được nghỉ ngơi, thay vì tán chuyện thị phi, đồn đại "con nọ với thằng kia", bà thường nói chuyện điện ảnh, văn hóa..., rất xa lạ với chợ búa.

Một số mâu thuẫn khác thì bắt nguồn từ sự khác biệt quan niệm, hay nói màu mè là "văn hóa doanh nghiệp Đông - Tây". Trái với "cô chủ", thấy khách vào cửa hàng là phải bật dậy, chạy ra săn đón, mời chào ồn ào, lắm khi phản cảm, bà Hung chủ trương giữ một khoảng cách nhất định với khách, nhiệt tình nhưng nhã nhặn, đừng tạo cho khách cảm giác bị quấy rầy trong sự lựa chọn của họ. Đi bán hàng, nhưng bà không biết cách chửi bậy, mắng nhiếc khách, và tỏ ra hoảng hốt khi thấy mấy người Việt bán ở quầy bên cạnh chửi khách như hát hay, những lúc, khách không mua, hoặc "dám nhiễu sự" đòi thử quần áo, hay ý kiến ý cò này nọ. Rồi, bà còn phạm một sai lầm thảm khốc, khi bày tỏ quan niệm cho rằng, làm việc cũng chỉ nên có giờ giấc thôi, cũng cần có thời gian cho những sinh hoạt về "phần hồn", hoàn toàn ngược lại với "cô chủ" tham công tiếc việc, quan niệm "chủ" ở đến bao giờ thì "đầy tớ" làm đến lúc ấy, không có khái niệm nghỉ ngơi khi đã được thuê.

Là một người có lòng tự trọng nên bà Hung ngầm cảm thấy xúc phạm và phật ý, tuy không nói ra, mỗi khi cô chủ ăn nói với bà kiểu mắng nhiếc, trống không, hoặc đơn thuần là dùng lời lẽ kiểu mệnh lệnh. Mỗi lần "cô chủ" đến cửa hàng là bầu không khí căng thẳng hẳn: cô sai cái nọ, nạt cái kia, "cải cách" liên hồi, với ý "mình đã thuê "đầy tớ" thì không thể để "nó" ngồi yên". Có lẽ cũng vì những bực mình như vậy mà khoảng thời gian bà "cộng tác" với "cô chủ" không được dài: hẳn, lúc chia tay, bà không có được ấn tượng tốt về một "sứ giả" của Việt Nam ở nước ngoài, là doanh nhân thành đạt nọ.

Câu chuyện nhỏ, nhưng ít nhiều cũng tiêu biểu cho một trong những hình thức "giao lưu" ít ỏi giữa một bộ phận không nhỏ bà con ở đây với người bản xứ. Hẳn nhiên, Đông là Đông, Tây là Tây, Đông Tây khó tránh được những bất đồng, khác biệt, cái đó ai cũng biết. Trong những dị biệt giữa "ta" và "người", có cái xuất phát từ sự khác nhau giữa hai quan niệm, hai nền văn hóa (có thể khó khắc phục), nhưng cũng có cái bắt nguồn chính từ sự thiếu văn hóa của chính chúng ta, điều ảnh hưởng không ít đến sự nhìn nhận của người dân sở tại với cộng đồng Việt.

Bà con ta bên này, gần đây, cũng có một số nỗ lực nội nhập, như tham gia hay tổ chức các hoạt động từ thiện đối với trẻ em, hay người gặp cảnh khó khăn ở Hung. Mới đây, một hội từ thiện đầu tiên của người Việt ở Hungary đã được thành lập. Những cố gắng ấy là rất quý, nhưng e rằng kết quả sẽ không là bao, nếu từng thành viên của cộng đồng, trong đời sống hàng ngày, không có được tinh thần "nhập gia tùy tục" để có cách hành xử thích hợp với người dân bản địa...

Minh họa: Nơi kinh doanh của rất nhiều "cô chủ" Việt Nam tại Budapest. Cái cổng này, Mẹ Scoo đã nhiều lần tác nghiệp, mọi nhẽ...

(*) Bác TS kiêm nhà báo Nguyễn Huy Hoàng bên Nga có kể chuyện một chị (nguyên) là cựu sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, sang Moscow làm ôsin cho một nhà nọ, đang yên đang lành không có vấn đề gì, đột nhiên can một tội tày đình là có hôm nảy ra ý xin được đi chụp ảnh Hồng Trường! Thêm vào đó, "khi ông chủ bà chủ đã ngon lành giấc điệp, chị còn nhiều lần cao hứng bật đèn làm thơ và ghi nhật ký" - nên rốt cục bị mời khỏi nhà. ;) (myselfvn lưu ý vụ này!)

25/10/08

Trĩ

6 nhận xét



Chuyện Y tế Việt Nam đòi hỏi người điều khiển phương tiện xe gắn máy phải đáp ứng bảy, tám chục "tiêu chí" gì đó về sức khỏe, trong đó có cả những dữ kiện, thông tin cá nhân "thầm kín" của người dân như vòng nọ vòng kia, rồi... trĩ nội trĩ ngoại (cái này có lẽ thuộc phạm trù... vệ sinh dịch tễ, thì đúng hơn là giao thông nhỉ ;)), báo chí, bờ-nốc đã bàn sa sả, đọc vui và buồn khôn tả.

Nhưng mà không thấy mấy ai nói đến cái nằm đằng sau nó nhỉ?

Chính quyền nắm quyền, nên họ có thể thản nhiên ra quyết định này nọ, nếu dân chịu (dù hậm hực). Báo chí, blogger tha hồ bảo "sáng kiến" của Bộ Ý tế là phi lý, là nực cười, là phân biệt đối xử, kỳ thị, là... vi hiến, hay... ngu dân đi nữa... nhưng dăm ba ngày nữa, lại có một quyết định... phi lý khác ra đời, thì vụ "vòng ngực phải như Thủy Top mới được lái máy bay" này cũng trôi vào dĩ vãng thôi. Công an (hay tự vệ, dân phòng phường, cái hội kiêu binh bảo ông dân biểu Dương Trung Quốc là già mà ngu ấy) tha hồ khám... trĩ, ai làm gì được?

Nói chung, dân thế nào thì chính quyền như vậy. Những "phép thử" kiểu mở rộng Hà Nội, cấm người loét dạ dày lái xe... sở dĩ dạo này "nở rộ", vì chính quyền cũng muốn thử nghiệm xem sức chịu đựng (về thể xác và tinh thần) của người dân đến đâu. Mà chính quyền cũng có giấu giếm ý định của mình đâu: các quan chức Y tế, khi bị dân kêu nhiều quá, thì hòa nhã đáp: chúng tôi ra luật vì lợi ích bà con mà, nhưng nếu bà con bảo không phù hợp, thì bình tĩnh, để chúng tôi... từ từ điều chỉnh ;)

Tất nhiên, có thể chất vấn các vị ấy là, có nên tiêu tốn thời gian và tiền bạc của dân để ra những "sáng kiến" ngu si ấy không, trong khi có một cách làm bình thường ở một xã hội bình thường, là tham khảo ý dân và các nhà khoa học độc lập? Cũng có thể cáu sườn mà bảo là, quan chức mà phát biểu... xuẩn ngốc như thế, ở nước ngoài bị tuốt chức từ lâu rồi, v.v...

Nhưng Việt Nam là Việt Nam và những "phép thử" này, rất có thể sẽ vẫn dẫn đến một kết quả thành công: rốt cục, dân cũng chịu thôi, vì được các "quan" lo cho tính mệnh hàng ngày mà, sao lại từ chối ;)

(*) Minh họa: để tăng kiến thức y học cho các bạn lái xe, nhưng chưa rành về các loại trĩ :((

TB. Một trao đổi hôm qua với một bạn làm báo ở nhà:

- Đồng ý là nên thử nghiệm, nhưng sao Bộ Y tế không thử nghiệm trước trên... súc vật, như thông lệ của Y tế nhỉ?

- Vâng, nhưng súc vật nó có cần đi xe gắn máy đâu ;)

- (Nghĩ thầm) Ừ nhỉ. Với cả các bác Y tế không thấy bọn súc vật lên tiếng phản đối, thì cũng sẽ kết luận là chúng nó đồng ý thôi :)

23/10/08

Cứu trợ

6 nhận xét



Tháng Mười không chỉ là tháng của những cuộc cách mạng, mà đối với Việt Nam ta, còn là tháng... vì người nghèo.

Bên này cũng vậy: chắc dăm ba bữa nữa, sẽ lại có những thông báo kêu gọi bà con "hưởng ứng chương trình hành động của cơ quan XYZ [trong nước]", rồi có đoàn đi các chợ "gõ đầu" các hộ kinh doanh "tự nguyện" ủng hộ đồng bào đang trong cảnh khó khăn.

Phải nói ngay rằng, không ai tiếc hay ngần ngại khi ủng hộ cho những mục đích từ thiện (như giúp các bà mẹ, em nhỏ trong cảnh khốn khó, cho đồng bào bị bão lũ, thiên tai, địch họa...) Tuy nhiên, những đợt quyên góp thường niên (thường lệ) ấy luôn đụng chạm đến một vấn đề cốt yếu là niềm tin: người ủng hộ rất muốn được tin rằng số tiền đó sẽ được sử dụng đầy đủ, kịp thời và đúng mục đích một cách tốt nhất.

Trong rất nhiều trường hợp, những người nhận & phân bổ tiền quyên góp ở Việt Nam chưa đáp ứng được niềm tin ấy - về chuyện này, báo chí cũng đã đăng tải không ngớt. Nhiều người cho rằng, nếu một bà mẹ Việt Nam (anh hùng) được nhận một ngôi nhà tình nghĩa (đâu chỉ cần hơn hai chục triệu là tạm đủ), thì đã có một số tiền tương đương với ngôi nhà ấy bị ăn chặn, bị bỏ túi ở tất cả các cấp. Gần đây, TVN có đăng bài viết ngồ ngộ "Đôi điều thắc mắc xin được hỏi về... tiền cứu trợ", nhưng xem chừng thắc mắc cũng vô hiệu mà thôi: đây là vừa là "chuyện cơ chế", vừa là "yếu tố con người".

Nhân kỷ niệm cách mạng Hung 23-10, nhớ lại một câu chuyện cũ để lại trong tôi ấn tượng rất mạnh. Hơn nửa thế kỷ trước, cuối tháng 10-1956, người dân Hung làm cuộc khởi nghĩa đòi dân chủ, độc lập và chủ quyền dân tộc. Dĩ nhiên, Liên Xô đưa đại bác và chiến xa vào can thiệp, Hung không thể địch lại; rất nhiều gia đình có cha mẹ, con cái bị thiệt mạng, cả mấy trăm ngàn người Hung - trong đó có nhiều trí thức, nhiều nhân vật kiệt xuất, sau này được Nobel này nọ - phải chạy ra nước ngoài.

Trong cảnh tang thương ấy, một nhóm sinh viên trẻ đã tìm gặp các thành viên Hội Nhà văn Hungary, yêu cầu họ giúp đỡ để quyên tiền cho các gia đình có thân nhân bị chết trong cuộc cách mạng. Sau một hồi bàn bạc, 5 chiếc thùng lớn (vốn để đựng đạn dược) đã được đặt ra tại 5 điểm trong thành phố. Chỉ trong một đêm, số tiền thu được rất nhiều, một chiếc thùng đã đầy tú ụ tiền. Tổng cộng, 290 ngàn Forint (đơn vị tiền Hung) đã được quyên góp và đó là một số tiền khổng lồ thời bấy giờ!

Nhà văn Fekete Gyula, thư ký Hội Nhà văn Hung thời đó, hồi tưởng: hầu như bất cứ ai đi qua đều gom tiền, không ai kêu ca một câu. Ngoại trừ 1 cú điện thoại bực bội: "Tại sao các anh lại để bảo vệ cầm súng gác chiếc thùng? Các anh nghĩ có ai dám đánh cắp tiền chắc?"

Hóa ra là chỉ ở một điểm đặt thùng trong thành phố, có một anh bảo vệ tích cực tự đi lại trông thùng, chứ không ai cắt cử anh ta cả...

Vài năm trước, khi tôi kể lại câu chuyện này trên một diễn đàn trên Liên mạng, một bạn trẻ chất vấn ngay: chuyện nghe như... cổ tích, chắc gì đã là thật?

Thắc mắc ấy rất... hợp lý, nhưng tôi đã không giải thích cho bạn trẻ kia, tỉ dụ, có những thời, những lúc, hàng cứu trợ đã được sử dụng đúng mục đích và việc không trộm cắp, xà xẻo nó được coi là tự nhiên, chứ không có gì đáng phải bàn cả.

Vì, có nói ra lớp trẻ bây giờ chắc cũng chẳng tin...

(*) Ảnh: dân Hung quyên tiền giúp đỡ các nạn nhân trong cách mạng 1956.

14/10/08

Nguyễn Việt Chiến

12 nhận xét



Trưa 15-10-2008. Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến chịu bản án tù giam 2 năm, sau khi cương quyết và đường hoàng phủ nhận tội danh mà anh bị cáo buộc tại phiên tòa. Như vậy, anh đã giữ đúng những lời nói với đồng nghiệp khi bị bắt: "Tôi không có tội gì, tôi chỉ có tội duy nhất là tội tích cực chống tham nhũng... tôi sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ phải cho mình”.

*

Một người bạn ở Việt Nam cho biết: "Hôm nay Hà Nội mưa dầm, chuyển mùa, lạnh lẽo và bất an anh ạ".

Cảm giác bất an ấy còn thể hiện trên rất nhiều blog, dạo trước từng lên tiếng khi hai ký giả bị bắt, thì bây giờ im lìm. Chắc ai cũng ngại bị "quản lý"...

*

Mấy tháng trước, lúc anh Chiến bị bắt tạm giam, nhà báo Huy Minh (TTXVN) có đặt câu hỏi: "Tại sao trong vụ án này, lại có quá nhiều người buồn đến vậy?" Tôi cũng đang như anh Việt Chiến, “bất lực trong cách giải thích” và cũng chẳng có gì cả, “ngoài những nỗi buồn”.

Chắc chắn, trong ngày hôm nay, rất nhiều người Việt có nỗi buồn như thế, dù có nói ra hay không. Như ở đây, và ở đây...

*

Dù bị gọi là "nguyên nhà báo", nhưng Nguyễn Việt Chiến còn là một nhà thơ và chắc sẽ mãi là một nhà thơ, để còn vịn vào câu thơ mà đứng dậy những khi ngã lòng...

Hãy vào đây đọc thơ Nguyễn Việt Chiến, và cùng mùa thu "tiễn anh qua miền phố vắng".

Vắng anh thu này, chắc Hà Nội buồn lắm, anh Chiến ạ...


(*) Ảnh của Na Sơn: Vợ của bị cáo Nguyễn Việt Chiến, nguyên phóng viên nội chính báo "Thanh Niên" sau phiên tranh tụng chiều 14-10-2008.

...

4 nhận xét



Nghe bản thu âm phiên tòa, anh Chiến trả lời đĩnh đạc và đường hoàng! Còn những câu vặn vẹo, thậm chí cắt ngang anh Chiến (chắc sợ... anh ấy nói ra nhiều cái "bất tiện"?) của ông đại diện HĐXX, thấy quá thảm hại và nhếch nhác. Thậm chí bất lịch sự! Buồn! :((

Ngẫm lại, sao đưa tin mà khổ như thế? Nếu đưa tin mà phải "phối kiểm thông tin từ 5 nguồn" như anh Chiến khẳng định, thì làm tin như thế là quá cẩn trọng còn gì? Nhà báo chỉ cần có nguồn là đủ, dẫn được ra nguồn là đủ, chuyện xác thực hay không, đúng sai đến đâu có phải là bổn phận của nhà báo đâu. Ký giả cũng không phải là thám tử hay... mật vụ mà phải làm thay việc của cơ quan điều tra.

Vừa vừa phải phải thôi, thì còn chịu được...

Bổ sung: Nói thêm về cách dùng từ nhố nhăng (đã được/bị chỉ đạo?) của báo chí: "nguyên nhà báo".

"Nguyên" là cái gì? Là đã từng, nhỉ. Như vậy, chỉ có thể dùng nó khi hai anh Hải và Chiến không còn viết báo nữa, ví dụ, hai anh chính thức tuyên bố chuyển nghề, đi cày, và đoạn tuyện với "cây viết". Còn, giả sử, hai anh có bị tước thẻ (hành nghề) báo chí, tước hội tịch (Hội Nhà báo), bị cấm viết... mà vẫn cứ viết (chui lủi, dưới tên người khác, hoặc viết để đấy, viết để lên blog...), thì họ vẫn cứ là nhà báo.

Cũng lạ! Sau thời Nhân văn Giải phẩm, hàng loạt nhà văn bị cấm viết, không thấy ai gọi họ là "nguyên nhà văn"...

(*) Ảnh trên là của VNN với chú thích "Đồng nghiệp và hoa". Lại nhớ hồi ông Nguyễn Việt Tiến được phóng thích, báo chí cũng loan những tấm ảnh ông ta ôm hoa...

9/10/08

Dịch diếc

20 nhận xét



Giải Nobel Văn chương vừa được trao chiều nay, bố cún đi có việc về, bị chậm mất hai tiếng nên cũng đành vắt chân lên cổ tổng hợp 1 bài report cho nó có phong trào (khổ lắm, tính bày đàn ;)).

Việc dạo này Ủy ban Nobel hay trao giải cho các tay nhà văn nhà thơ... trời ơi đất hỡi, để rồi thế giới cố cắn răng tìm ra được cái hay cái đẹp ở họ, thì không mới. Ông nhà văn Phú Lãng Sa này, đến nay, đã có 5 cuốn được dịch và in ở Hung (cuốn đầu từ năm 1968), không khiến dân Hung biết đến ông ta là mấy.

Viết hay dịch tin khi chưa đọc tác phẩm, chưa "quen" tác giả, kể cũng bậy, nhưng... bất khả kháng! ;)

Tuy nhiên, có một cái thì bắt buộc phải đọc, thậm chí, phải dịch (để hiểu cho kỹ, hoặc, cũng để... lộ cái dốt ngoại ngữ của mình). Ấy là sự lý giải chính thức của Hàn lâm viện Thụy Điển khi trao giải.

Liếc một vòng các blog, thấy bác Trương Thái Du, bác VMC, rồi bạn Nhị LinhHoa Pion đã có ngay entry về vụ Nobel Văn gừng này. "Cọp" tí tẹo, ra khá nhiều bản dịch:

"author of new departures, poetic adventure and sensual ecstasy, explorer of a humanity beyond and below the reigning civilization" (nguyên bản tiếng Anh Cát Lợi)

"создатель новых отправных точек, поэтических приключений и чувственного восторга, исследователь человечности поверх царствующей цивилизации и под ней" (bản tiếng Nga La Tư)

"új kiindulási pontok, a költői kalandok és az érzéki eksztázis szerzője, az uralkodó civilizáción túli emberség kutatója" (bản tiếng Hung Gia Lợi)

"tác giả của những khởi điểm mới, những cuộc phiêu lưu của thi ca và những hưng phấn của nhục cảm, là người khám phá những giá trị nhân bản nằm bên ngoài nền văn minh đang cai trị thế giới này" (bản Hoa Pion dịch)

"một tác giả của một sự khởi hành mới, một sự mạo hiểm đầy chất thơ, là một người thám hiểm trong việc khám phá nhân loại và sự khai hóa văn minh" (bản "Tuổi Trẻ" dịch)

"tác giả của nhiều đường hướng mới, thử nghiệm thơ ca và trạng thái xuất thần của cảm giác, người khám phá nhân văn vượt khỏi nền văn minh hiện tại" (bản BBC dịch, bị bác Du "đì" :))

"tác giả của những sự ra đi mới, cuộc phiêu lưu thi ca và hứng khởi xuất thần nhục cảm, người khai phá một nhân loại bên ngoài và bên dưới nền văn minh đang thống trị” (bản VNN dịch)

"tác giả của những điểm xuất phát mới, của cuộc phiêu lưu đầy chất thơ và những trạng thái xuất thần của cảm xúc; người khám phá một nhân loại nằm ẩn sâu và bên ngoài nền văn minh đang ngự trị" (bản VNE dịch)

"tác giả của những khởi đầu mới, cuộc phiêu lưu đầy chất thơ và đê mê nhục cảm; người khai phá nhân tính bên ngoài và bên dưới nền văn minh đang ngự trị" (bản bác VMC loan)

"tác giả của những khởi điểm mới, những phiêu lưu thi ca, những hứng khởi nhục cảm, người tìm kiếm (*) một nhân loại bên ngoài nền văn minh đang ngự trị" (bản bố cún dịch)

Tất nhiên có bao nhiêu người dịch thì có bấy nhiêu bản dịch khác nhau, miễn đừng "dịch là diệt", hay như bọn Hung hay nói, "dịch là bóp méo" (a fordítás ferdítés, trò chơi chữ này hay quá!) là được. Tuy nhiên, ví như là ở Hung, trong những dịp trang trọng thế này, dầu đưa trước đưa sau, nhưng báo nào cũng đưa cùng một bản dịch, có thể gọi là "chuẩn", hình như do bên Thông tấn xã (MTI) họ phát đi, hoặc họ nhờ ai đó dịch thật chuẩn rồi "bắn" cho các báo (cái này cần điều tra lại). Không rõ các nước khác ra sao?

Chứ theo bố cún thì, những văn bản chính thức thế này, rất nên chuẩn hóa. Ngay cả cái diễn từ sắp tới nữa, chớ để mỗi vị dịch một phách, mệt lắm!

Tạm thời, nếu không ai phản đối, có lẽ Đảng và Nhà nước tin cậy và trân trọng trao cho bạn Nhị Linh trọng trách này nhé. ;)

(*) Xin sửa 1 từ ở đây so với ban đầu.

7/10/08

Tin lá cải

12 nhận xét




Vừa thống nhất với bạn myselfvn là, chính ra, những tin tức mà mình cứ hay gọi một cách hơi bỉ thử là "lá cải" ấy, lại hay, vì nó "phản ánh hiện thực xã hội" :)

Vớ đại 1 tin "Cắt cổ vợ, bắt con trai làm con tin vì… thiếu tiền nhậu", thấy ngay nó là một minh chứng hùng hồn cho "nhận định" trên.

Mới đọc, thì tưởng chừng đây là một bản tin hình sự bình thường, anh A chém chị B, ngày nào cũng có kha khá, tuần sau lục lại tin tuần trước thêm mắm thêm muối chút, sửa lại tên họ các đương sự, có thể thành bản tin mới, vì người đọc đọc một lần rồi quên, dù thấy nó na ná, "chuyện đâm chém nào chả hao hao".

Nhưng xem đến lần hai thì thấy câu chuyện hay phết! Này nhé!

1. Lực lượng công an trang bị rất hùng hậu, tinh nhuệ, gồm "Công an phường Hoà Hiệp Bắc và Công an quận Liên Chiểu cùng lực lượng Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm (Công an TP Đà Nẵng) và Đồn Biên phòng 244", kế hoạch tác chiến cũng chuyên môn ("các phương án đột nhập đã được bàn tính", "phương án dùng hơi cay, thuốc mê cũng sẵn sàng"), nhưng hung thủ sau khi cắt cổ vợ, rạch mặt mẹ vợ, "dùng chân chà xát lên mặt đứa con trai [25 ngày tuổi] còn chưa đặt tên", đã đóng cửa nhà cố thủ, chính quyền bó tay vì sợ ảnh hưởng đến tính mạng của các con tin.

Mất đến hơn 7 giờ dùng dằng chờ đợi, tự nhiên vụ án được phá bất ngờ: một người hàng xóm "tình nguyện đứng ra thuyết phục" hung thủ mở cửa, để công an dễ dàng trấn áp tên nát rượu. Thế mới thấy "dân ta thật là giỏi".

2. Tác giả ghi lại được một chi tiết đắt: "Khi bị lực lượng đặc nhiệm áp giải ra xe, gương mặt tên Giang vẫn tỏ ra hết sức bình thản và trên tay thì vẫn mang theo chuỗi tràng hạt (!)" (ảnh trên)

3. Nhưng thú vị và đặc thù nhất là việc, trong khi công an đang án binh bất động, chưa biết làm gì với hung thủ, sợ y làm càn, thì "đám đông người dân hiếu kỳ kéo đến ngày càng đông, dẫn đến tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp". Đến nỗi, công an phải xử lý: "Lực lượng công an phải dùng roi điện, bình xịt hơi cay để giải tán đám đông, tránh trường hợp đối tượng bị kích động, phản ứng tiêu cực."

Mới thấy, tin lá cải đích thực là... "tấm gương phản chiếu xã hội" trung thực nhất. ;)

Bổ sung tẹo. Hôm qua xem VNN tường thuật thế, hôm nay xem VNE rì-pọt ở đâyở đây, thấy một số chi tiết khang khác. Tay hung thủ, hóa ra là bộ đội xuất ngũ, trụ cột chính gia đình, gần đây công ăn việc làm bấp bênh, vợ thì thất nghiệp, nhà đói không còn gạo, tiền, sinh rượu chè chán nản nên mới làm càn. Tức là mọi thứ cũng có chút "cội nguổn sâu xa" của nó, không đơn thuần là "cắt cổ vợ" như VNN tả. (VNE viết là đâm vào cổ thôi, không đến nỗi "cắt cổ" rùng rợn như VNN loan.)

Thêm nữa, con của Giang thì là hơn 40 ngày tuổi, theo VNE, chứ không phải 25 ngày như VNN bẩu. Ngoài ra, bản tin của VNE chả hề nói tới sự trợ giúp của dân trong vụ bắt tay Giang này: chỉ biết hắn "đột ngột mở cửa" "tự ra hàng", sau 6 giờ "thương thảo bất thành", thì công an lập tức ập vào bắt ngay ;)

Đọc xong mấy cái này, chợt nảy ra ý nghĩ sao không ai làm đề tài PhD về chuyện so sánh các bản tin "lá cải" (cùng một nội dung) của các nguồn khác nhau? Cũng rút ra được nhiều cái hay đấy chứ! Đem sáng kiến này gạ myselfvn (đang say bí tỉ, mưu đồ sa đọa) thì được lời hứa là chờ khi nào trình diễn thơ không ai buồn... ném cà chua nữa, và tòa báo thì sa thải, sẽ thử một cú như thế xem sao.

Biết đâu, chả được vào cái Trung tâm Tấn sĩ gì gì ấy... ;)

5/10/08

6-10

3 nhận xét




Tháng Mười, đối với người Hung, là một THÁNG-CÁCH-MẠNG với hai ngày đáng nhớ: 6-10 và 23-10.

6-10-1848 là ngày 13 vị tướng của Hungary bị hoàng đế Áo tử hình tại thành Arad (hiện thuộc Romania), sau khi cuộc cách mạng giành độc lập năm 1848 bị đè bẹp (Việt Nam ta biết đến cách mạng Hung 1848 qua nhà thơ - chiến sĩ Petőfi Sándor và bài "Tự do & Ái tình", mà Phùng Quán coi là "gối đầu giường"). Từ dạo đó, 6-10 được coi là Quốc tang của Hung, hay còn được gọi bằng cái tên Ngày của các liệt sĩ thành Arad. Tất cả các trường tiểu học, trung học ở Hungary đều kỷ niệm ngày 6-10 (sáng sớm nay, Thu Vân dõng dạc thông báo "con phải mặc áo trắng đến trường" và bố thì đang mắt nhắm mắt mở, nên chưa nghĩ ngay ra là nhân dịp gì :).

Bố vừa đọc sách "Tập đọc" lớp 4 của Thu Vân thì thấy Hung rất chú trọng dạy học sinh từ bậc tiểu học lòng tự hào dân tộc và tinh thần tự do, thông qua những sự kiện mà Hung từng đại bại (nhưng... "cũng thành nhân"). Ví dụ, bài tập đọc về ngày 6-10 đọc lên thấy rất cảm động và bi tráng. Còn những bài về cách mạng 1956 (23-10) thì phải nói là sôi sục và đầy hào khí.

Nhất là, thi phẩm "Một câu về độc tài" của Illyés Gyula, đã được trích cả vào sách lớp 4:

Ở nơi có độc tài,
thời độc tài ở đó,
không chỉ ở họng súng,
không chỉ trong những nhà tù,

...
bởi độc tài có ở
trong những nhà trẻ
trong lời khuyên của cha
trong nụ cười của mẹ.

...
nó ở trong đĩa và trong ly,
trong mũi anh, miệng anh
trong lạnh lẽo và trong bóng tối,
ở bên ngoài và trong cả buồng anh,

Thế mới sợ chứ! Bị "tiêm nhiễm" như thế, hèn gì trẻ con bên này (kể cả Thu Vân), từ nhỏ đã mang trong mình "mầm mống nổi loạn"! ;)

Chỉ điểm?

7 nhận xét



Đọc bài báo này thấy lạ quá!

Vẫn biết là "phóng sự - điều tra" hay soi mói vào những chi tiết giật gân ly kỳ như thế, nhưng giọng điệu và kiểu viết bài này sặc mùi chỉ điểm.

Chỉ thiếu nước gửi nó cho Liên đoàn Thế vận Quốc tế, nhỉ?

Bổ sung: Cả nhà tham khảo thêm bài này, có vẻ bác ký giả Triệu Ánh Dương đang lập hồ sơ để tổng tấn công chàng lực sĩ :)

Những cái này có hơi hướng VieTimes nhỉ? ;)

4/10/08

Dạo này...

16 nhận xét



1... quả thực là khủng hoảng vì bạn cún!

Mai kia là được 10 tháng, nhưng cún nghịch như... thanh niên, khiến cả bố lẫn mẹ đều kiệt sức và tuyệt đối kinh hoàng khi nhìn thấy vẻ mặt nhơn nhơn của cậu cả.

- Cún đã biết trèo khỏi cái ghế ăn, cao hơn 1m, trong nháy mắt, không ai kịp can thiệp, và ngã nhào (thường là cắm đầu) tương đối nhiều bận từ đó xuống sàn nhà, làm bố mẹ mặt mũi tái mét.

- Cún biết leo lên những cái ghế thấp để với và phá hoại những đồ vật ở ngoài tầm với của cún một chút.

- Ngoài vụ tự động tắt máy tính (bàn) của bố, làm bố mất khá nhiều những cái đang viết, cún đã biết đấm ầm ầm vào cái laptop, và một lần còn trèo lên ghế để... thượng quả chân Sumo & Giao Chỉ lên bàn phím, giày xéo cho... bõ!

- Cây mẹ trồng rất khó nhọc trong nhà đã bị cún vặt trụi, nên thế vào đó, mẹ phải mua... cây và hoa giả ;). (Sợ nhất là, chiểu theo Phong Thủy, cái góc ấy "phụ trách" về mặt sức khỏe của nhà, mà cún cứ "trêu hoa ghẹo nguyệt" như thế, hẳn nào dạo này bố ốm hoài!)

- Buổi chiều, mà cún không "giấc nồng" được một mạch 3 tiếng liền, thì tối và đêm đó bố mẹ chịu trận...

Nói chung là, không thể làm được bất cứ việc gì, ngoài việc chơi và... ngủ với cún. Bố thì vừa ngồi viết, vừa quay như chong chóng xem cún có nghịch dại gì không, kết quả là sinh trầm uất nặng nề, vì cả núi công việc bỏ xó đó. Mẹ và chị Thu Vân cũng hết sức quá tải với cún...

Nhưng không sao, vì mỗi lần cún nở nụ cười (dù là ngây ngô, hay xinh xẻo), hoặc méo mặt khóc nức nở (ví dụ khi không được chơi trò gì đó), mà bố lập tức mềm lòng ngay... Sợ thật đấy!

2... hay được xem bài vở bên này xuất hiện ở báo nhà, dĩ nhiên là với tên người khác.

Như đã nói nhiều lần, chuyện đó không sao, không sao, vì với người làm báo, làm tin, mà tin mình làm được lan đi chỗ này chỗ nọ, thì đó là niềm vui. Thêm nữa, nhà mình ít tin xác tín về cuộc sống bà con ngoài này, nên nếu thấy một tin khả dĩ mà các bạn ký giả "dùng luôn", có khi hay hơn, là các bạn tự viết, dễ tam sao thất bổn, dẫn đến sai lạc.

Bố cún cũng hiểu là, báo trong nước với nhau, "luộc" của nhau mà ở cuối bài có đưa chút nguồn "theo XYZ", thì cũng không sao. Nhưng đối với báo ngoài này, nhất là khi chả xác minh được ngoài hay trong luồng, cũng không rành là nó đi bên lề phải hay trái, thì việc đưa tên tờ báo, như nguồn mình dẫn, lắm khi có thể phiền phức.

Nhưng, có khó lắm đâu, chuyện gửi một cái "mật thư", chỉ cần một dòng "tớ dùng tin/bài cậu nhé", thì người viết, người đưa tin gốc cũng thấy nhẹ lòng. Và trong những trường hợp như thế, chớ "đóng mác" bổn báo, như là một thứ bản quyền, vì các bạn cũng biết các bạn "cọp" kia mà?

Như việc bạn Lan Anh ở TPO, đơn thuần lắp ráp bài này này và bài này thành bài của bạn "tổng hợp" (hoặc cắt dán bài nàybài này cũng thành bài của bạn), rồi còn "dán nhãn" TPO vào trước mỗi bài, bố cún thấy chả hay lắm. Đồng ý là bạn có thể tham khảo tin/bài của bọn mình, có thể dùng ảnh của bọn mình, nhưng mà để được cái tiếng "tổng hợp", bạn làm ơn "chế biến" cho nó khác đi chứ, lấy ý và sự kiện thôi, phần "nhận định", "nhận xét" chớ giữ nguyên như thế :((.

Đằng này, bạn "tổng hợp" mà cứ để y xì như thế, đến nỗi có lúc thời quá khứ, tương lai trong mạch văn lẫn lộn nhau chan chát, hèn chi trong vòng chưa đầy một giờ (từ 16h32 đến 17h23 ngày 3-10) mà bạn sản xuất (bốt) được những 3 tin/bài mới (trên cơ sở các tin/bài cũ cả tháng nay!), dày dặn, thì cũng nên phục sức lao động của bạn lắm!

Vẫn biết là... "biết rồi, khổ lắm...", những có lẽ cứ nên kiên nhẫn "nói mãi" thế này, cho đến khi nào bọn mình có được cái "nếp sống văn minh" khi dùng bài của nhau!

(*) Minh họa là cún chơi piano dưới sự giám sát của chị Thu Vân, phong cách cùi chỏ của Văn Cao, và trang phục thì có hơi hướng "bán Borat" của hai bạn FPT ;)

1/10/08

Rùa

9 nhận xét





Tin này của VNN không lạ nhưng cũng có chỗ đặc sắc "tiềm ẩn": "Công trình "rùa": Lãnh đạo Hà Nội nhận lỗi điều hành".

Cái hay, là ở những lời tuyên bố của các quan chức. Ví dụ ông Phí Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thẽ thọt: "Để các công trình trọng điểm 1.000 năm Thăng Long chậm so với tiến độ, chúng tôi xin nhận khuyết điểm do lỗi điều hành". Chuyện quốc gia mà ông... nhận lỗi như chơi, như đùa. Chả thấy có "chế tài" đâu cả: dự kiến vòng xoay cầu Vĩnh Tuy chỉ hết 350 tỷ đồng, đến nay đã đội lên 600 tỷ đồng, trượt giá 250 tỷ đồng - gây thiệt hại đến ngần này cho Nhà nước (tức là cho dân), chắc tử hình đến... 3 họ vẫn chưa bù được?

Biết rõ con số trượt giá 250 tỷ đồng ấy, ông Lê Quang Nhuệ, Phó Chủ tịch HĐND, lại rất "khảng khái": "Với công trình trọng điểm, Hà Nội không tiếc tiền để hoàn thành đúng tiến độ". Không tiếc tiền, vì là tiền dân, cái đó đã rõ. Cơ mà, chủ nghĩa thành tích nó vừa vừa phai phải thôi chứ, ai lại trắng trợn lên báo thế?

Tiếp đó, lại vẫn ông Thái Bình (rõ khéo chọn, quan chức Hà Nội thì tên là Thái Bình, cũng như sử gia hay lên báo của Việt Nam thì tên là Trung Quốc, hỏi làm sao... toàn tâm toàn ý với "địa bàn" mình được? ;) "than" trong số 38 công trình trọng điểm, đến 2010, "có lẽ chỉ hoàn thành được phân nửa". Tuy nhiên, sau khi "nhận trách nhiệm do điều hành", ông Bình tỉnh bơ, cho hay "thành phố sẽ rà soát, căn cứ vào tình hình và năng lực thực tế để cân nhắc dự án nào cần cho 1.000 năm Thăng Long thì sẽ tập trung làm". Tất cả có vẻ biến thành một trò đùa!

Mà có phải không ai bảo đâu, báo chí vẫn... phản biện đều đều đấy chứ (xem các link trong bài). Chỉ tiếc là, những tệ hại của con người cụ thể, lại bị gán cho... "rùa": "Thi công kiểu "rùa", "Công trình "rùa", v.v... (cũng giống như cái bẩn thỉu, khắc nghiệt của ta, thì "vu" cho... Lào: hắc "lào", gió "Lào", v.v... :). Rùa chậm là vì... nó không cần nhanh, chứ sự chậm cùa rùa có ảnh hưởng đến ai đâu? Còn cái chậm của quý vị, hại tiền dân biết bao mà kể (chưa kể những cái thuộc "thể diện" khác, khó tính bằng tiền)?

Thế mà... xây công viên, sao nhanh nhẹn thế? :((

(*) Minh họa: Cụ Rùa Hồ Gươm (ảnh luộc trên Net): "Đừng lấy tụi tôi ra mà ví với cả von, tội tụi tôi lắm!"