28/2/09

Sinh nhật

28 nhận xét



1. Sinh nhật hôm nay, kỳ thực đã bắt đầu từ hôm qua ("Ngày mai đã bắt đầu từ ngày hôm... qua..."), khi:

- Mẹ cún đã hì hụi đi chợ mua các thứ và chuẩn bị tất bật cho nồi bún bò Huế,

- Nhận được một món quà hết sức bất ngờ và chóng mặt từ nơi xa (ảnh).

May là kịp, vì nhà bốt Hung dạo này lười, không mở cửa hai ngày cuối tuần nữa, và họ đại lãn đến mức chỉ mang đến khu nhà mà không mang lên tầng cho mình, chỉ để lại giấy báo. Phải ra bưu điện lấy, và vì là quà đến trong ngày, nên phải đợi sau 7 giờ tối người bưu tá mới đem trả lại bưu điện (không rõ trong ngày thì anh ta để đâu, chắc chắn là không mang theo người, vì không mang lên phòng cho thân chủ thì mang đi làm gì cho nặng, vướng?)

2. Mẹ cún làm đơn giản, bún bò Huế và chả lá lốt ăn với bún, rau sống (ảnh trên cùng). Chính ra ăn thanh cảnh như thế lại... được nhiều và ngon phết. Như bố cún bây giờ, "ăn để mà sống" chứ không thấy thèm thuồng gì lắm, rất lạ :)

Đến màn thổi nến, bánh ga-tô, thì vỡ ra là mẹ cún không mua được số 4, nên đã mua... 42 cái nến con. Cắm chi chít vào bánh, như rừng (Na Uy) vậy :). Bánh lần này OK lắm (tên Hung nó là ga-tô "kem Nga", không hiểu sao lại gọi thế), thơm, không ngọt quá nên chắc là xơi 2 miếng cũng không sợ lên cân :)

Thu Vân hôm nay làm tặng bố một cái nhà bằng giấy, bên ngoài ghi mix Anh - Hung HAPPY SZÜLETÉS DAY, bên trong rỗng, và hai bố con thỏa thuận là sinh nhật sang năm Thu Vân sẽ mua thêm quà và để vào đó :)

3. Bà nội cún và nhà cô Cầm cùng em Thụy Bảo cũng đến tối nay. Thụy Bảo được 2 tuổi tưỡi, nói bi bô rất nhiều và liên hồi. Không biết ai dạy mà nói biết nói hạp-bì, lớp-biu bác Linh :)

Cún cũng hứng chí, chắp tay đi đi lại lại và nếm kha khá ga-tô. Trông cún thật là quái: mặt mày trầm trọng, dãi dớt thường trực, bẩn thỉu vô chừng, phải dùng 2 yếm dãi vẫn không thấu, muốn nói lắm rồi mà chưa thể hiện được ý của mình nên nhiều khi hò la ỏm tỏi :)

Khi đã tương đối no nê, đến màn cún đi phá máy tính của bố và lục tủ thuốc tùm lum (đây là trò cún khoái nhất, có thể cún sẽ là dược sĩ, đồng nghiệp cô Hà nhỉ? :)).

Hiện mẹ đang dụ cún đi ngủ, vì chừng nào cún chưa ngủ thì không thể làm được gì.

4. Thể theo yêu cầu của cô vitcon, cập nhật ảnh cún thời gian qua.

Cún dạo này đã đến ngưỡng của sự nguy hiểm, như sắp có thể tự trèo ra khỏi cũi, hoặc đã biết trèo tuốt lên lò sưởi cạnh cửa sổ để ngắm xe cộ. Các tủ đựng thuốc luôn là nơi cún nghịch, vày vò và tháo hết thuốc men khỏi hộp, khỏi vỏ để ngâm cứu. Bị mắng cũng không chừa, có lúc thì cún chuồn ngay như thể không liên can, nhưng cũng có lúc cún thây kệ bố mẹ, mắng thì mắng, cún vẫn điềm nhiên nghịch.

Báo của bố cùn thì hẳn nhiên là nguồn để cún xé, dẫm, đạp, có thể vì cái bìa nó bóng (vì đưa các loại báo khác, cún không thích mấy).

Sáng thì cứ đúng giờ là cún dậy, mặc mẹ hoặc bố còn say giấc nồng. Dậy rồi, tự bò xuống giường, tay lăm lăm cái thìa hoặc cái bút, đi các nơi và đập ầm ầm vào những mặt phẳng (bàn kính, máy laptop...), nếu có bút trong tay thì tiện thể rạch tứ tung trên những mặt ấy. Bảo giời cũng không nghe, sợ thật!

Tuy nhiên, nghịch như thế là tốt lắm, hiếu động tức là có sự động não và động chân tay, khỏe cả về tinh thần và thể xác. Chứ như bố cún, hồi trẻ con cũng ngoan, không thuộc loại tinh nghịch lắm, nên giờ lớn rồi cũng không làm được gì nên thân, chỉ biết đọc sách, nghe nhạc, viết bài vô bổ :)

Được cái, cún đã biết tình cảm, ví dụ những lúc ra ôm mẹ, hoặc xoa chân tay bố. Hoặc biết đùa, chơi ú òa, cười vang.

Nhìn hai chị em đùa giỡn nhau, bố mẹ cún thấy mãn nguyện ghê gớm... :)

27/2/09

Chuyến xe thử nghiệm

10 nhận xét



Đời có nhiều cái phi lý và kỳ quặc phết, như vụ "Ma Chiến Hữu" (mới được tái bản, xem blog bạn Linh), hay câu chuyện sau đây (*). Đã đọc từ mười mấy năm trước, giờ già thêm 1 tuổi, đọc lại vẫn thấy thích :)

(Mượn đất ở đây để cám ơn tất cả các bạn đã chúc bố cún nhân sinh nhật hôm nay :))

(*) Tiểu phẩm của Tarmo Vallist – đăng trên tờ „Pikker” của Estonia, số ra năm 1987 (tờ này kiểu như „Krokodil” của Nga, hay „Tuổi Trẻ Cười” của Việt Nam :))

*

A: Xin lỗi, tôi muốn xuống.

B: Không, không thể được.

A: Tại sao vậy?

B: Đây là chuyến thử nghiệm.

A: Thì có gì là không thể được đâu? Bác tài dẫm phanh và tôi xuống thôi.

B: Xe buýt này không có phanh.

A: Xe nào mà chả có phanh?

B: Đây là chuyến thử nghiệm.

A: Thử nghiệm, mà không có phanh?

B: Phanh mòn hết rồi.

A: Thế mà người ta cũng cho loại xe như thế vào thử nghiệm?

B: Ban đầu nó cũng không có phanh đâu. Vì lý do tiết kiệm.

A: Tôi muốn xuống. Bao giờ thì hết xăng?

B: Có đâu mà hết?

A: Xăng cũng không có?

B: Mô-tô cũng không.

A: Thế thì xe đi làm sao được?

B: May là xe đang xuống dốc...

A: Trời, xuống dốc mà không phanh? (Tìm cách mở cửa xe).

B: Cửa này chỉ đóng được thôi.

A: Sao cái gì anh cũng biết vậy?

B: Tôi thiết kế chiếc xe này mà. Người ta chỉ thị cho tôi, làm sao thiết kế càng tiết kiệm càng tốt.

A: Anh điên à?! Thế sao anh cũng lên xe làm gì?

B: Người ta hứa sẽ thưởng cho tôi ở bến cuối.

A: Vậy nghĩa là vẫn có bến cuối?

B: Chịu! Đây là chuyến thử nghiệm.

(*) Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: Chuyến xe thử nghiệm về bến cuối an toàn :)

22/2/09

Anh hùng

57 nhận xét



Gần đây, có mấy chuyện động giời, liên quan đến chiến tranh 1979 mà các forum, blog đều râm ran: chuyện Nghĩa trang Liệt sĩ Trung-Việt Thủy Khẩu Long Châu bị coi là nơi có có vòng hoa của phái đoàn Việt Nam (?) tưởng nhớ các chiến sĩ Tàu chết trận 1979 (?), rồi chuyện „Hà Nội Mới” đăng bài dịch ca ngợi tướng Tàu Hứa Thế Hữu (tổng chỉ huy quân đội Trung Quốc oánh Việt Nam hồi 1979), và chuyện cuốn „Ma Chiến Hữu” trong loạt sách mới in năm ngoái của Mạc Ngôn ca ngợi „người lính anh hùng đã hy sinh vì tổ quốc Trung Hoa vĩ đại trong chiến tranh phía Nam Trung Hoa tháng hai năm 1979” (được NXB Văn Học ấn hành với những lời PR có phần ồn ào).

Thông tin trong các vụ này thì rất nhiều và dồn dập, xem qua trên blog Sweet tearsNgười Buôn Gió là tương đối đủ. Nhìn chung, tự mỗi người đều có thể rút ra được kết luận cho mình về việc xử lý các info và cả những tình cảm dân tộc của mình.

Nói chung, dù ở mức độ khác nhau, nhưng các info trên đều bao hàm một ý nghĩa tích cực là dựng dậy tinh thần dân tộc, ái quốc trong người đọc, khiến người dân quan tâm lại với lịch sử đất nước. Ở câu chuyện nghĩa trang Thủy Khẩu, cho dù info có thể lệch lạc, hoặc nói nặng lên là thêu dệt, bịa đặt (ở đây tạm không xét đến „động cơ” của tác giả), ít ra, nó cũng có thể khiến nhiều người tìm hiểu, tại sao lại có chiến sĩ Việt Nam tử trận ở nước Tàu trong cuộc chiến chống Tưởng thống chế. Bởi lẽ, tìm hiểu lịch sự một cách đa chiều bao giờ cũng có ích và nên làm.

Nhưng cái hay trong cả 3 trường hợp trên, là nó đặt ra vấn đề nhìn nhận những cá nhân (hoặc tập thể) trong lịch sử, xuất phát từ các góc độ, quan niệm khác nhau.

Có lẽ không cần phải bài cãi, đối với đất nước và người dân Việt Nam, lính Tàu năm 1979 (trong đó có Hứu Thế Hữu), hẳn nhiên là địch, là kẻ xâm lược. Trên chiến trường là kẻ thù không đội trời chung. Bất kể trước đấy, họ có thể là những nông dân nghèo khó, thất học, bị chính quyền Tàu sử dụng như những con bài cho ván cờ của họ (theo ý mà bác Trương Thái Du dẫn lại của Mạc Ngôn trong một bài viết về sự „chính danh” của cuộc chiến 1979).

Nhưng với Trung Quốc, rất có thể họ được coi như những anh hùng, nhất là đối với những liệt sĩ (hiểu theo nghĩa thiệt mạng ngoài chiến trường). Đó là chuyện của Tàu, Việt Nam mình không làm gì được, dù bực. Kệ xác họ!

Những ví dụ tương tự, dù có thể khập khiễng, thì có rất nhiều.

Cựu chiến binh Mẽo tại Việt Nam, rất có thể được Mẽo coi là „những anh hùng trên mặt trận bảo vệ tự do”.

Còn Phương Tây nhiều nơi nhìn nhận Nguyễn Văn Trỗi như kẻ khủng bố, mặc dầu du kích Caracas thì coi anh là anh hùng.

Cho nên, ở thời buổi „đa nguyên” này, khi không thể cấm đoán hoặc áp chế một cách nhìn nhận cho tất cả mọi người, mọi nơi, lắm khi bức xúc nhưng cũng phải chấp nhận.

Vấn đề ở đây là, Tây Tàu nó bảo thế nào mặc kệ chúng nó, nhưng mình đừng có ngán! Tàu nó ca tụng lính nó đánh chiếm Việt Nam là anh hùng, sao mình không tưởng niệm và vinh danh những anh hùng của mình thời ấy, như Lê Đình Chinh và các anh khác? Và nếu tiểu thuyết của Mạc Ngôn có phản chiến hay ho đến mấy, Hứa Thế Hữu có đa mưu túc trí võ nghệ siêu quần đến đâu đi nữa, để cần phải dịch ra tiếng Việt và ngợi ca, thì cũng không sao cả, cứ dịch, cứ khen, nhưng mà nhớ ghi chú cho người đọc hiểu rằng, những nhân vật ấy đã làm gì trong mùa xuân 1979, với Việt Nam.

Vì, từ ấy đến giờ, có mấy thế hệ thanh niên Việt Nam không hề biết đến những tháng ngày ấy rồi? Và rất có thể, ngược lại, nếu không cẩn thận, họ chỉ biết đến những „anh hùng của Quân đội Nhân dân Trung Hoa”, thì thậm nguy...

Lịch sử cần được bảo lưu, và nhìn nhận đầy đủ từ nhiều phía, là như thế!

* Bonus: Bạn Codet có nêu một ý khá hay ở đây, là nếu mình cứ nhìn nhận kiểu „những đôi mắt mang hình viên đạn” với sách vở thế này (như đối với cuốn kể trên của Mạc Ngôn, hoặc với „Totem sói”), thì vớ vẩn, sách vở Tây Tàu lọt sang Việt Nam qua các bản dịch chắc sẽ bị cắt xén mòn mỏi, thiến hoạn đủ kiểu. Người đọc chả còn cái gì đáng đọc nữa, về nhà ôm nhau luyện chưởng ở mục „Tâm sự” bên VNE :)

Về vụ này, có lẽ phải phân biệt một báo cáo, luận văn chính trị, với một tác phẩm văn học. Nếu là một luận văn chính trị, kiểu như „Cuộc chiến đấu của tôi” (Hitler), tức là có những yếu tố kích động hằn thù „chống nhân loại”, ngay bên này cũng bị cấm in, hoặc nếu in với mục đích nghiên cứu, học tập thì cũng cần có những nghiên cứu khoa học kèm theo. Nếu họ Hồ (bên Tàu) có bài phát biểu chống Việt Nam ta, ta cũng không nên cứ long trọng in nguyên xi để người đọc bình thường tưởng đấy là... chân lý.

Còn tác phẩm văn học (dù là mang những yếu tố chính trị, thời cuộc) thì khác. Nếu hay, giá trị, ta vẫn có thể dịch, chớ cắt xén kiểm duyệt làm gì, vừa mang tính „bưng bít thông tin”, vừa vi phạm nguyên tắc tác quyền (tác giả có quyền bảo lưu sự „toàn vẹn thân thể” các tác phẩm mình : )). Nhưng nên cẩn trọng khi PR, tránh hiểu nhầm vô duyên, nhất là vào những thời điểm nhạy cảm, khi info đến độc giả từ những hướng khác (ít nhiều) bị hạn chế...

* Viết thêm: Mới một hôm mà thêm nhiều "hot blogger" có bài về vụ "Ma Chiến Hữu", như ở blog của Linh, Na Son, Mr. Do... Đặc biệt, bài ở blog Linh viết chỉnh chu, chừng mực và đanh thép :), có nhận xét sau được nhiều người hưởng ứng: "Như vậy, tự thân nó thì việc dịch, xuất bản và đọc cuốn sách này ở Việt Nam thực ra không có vấn đề gì cả. Nó cũng tương tự với việc ở Mỹ người ta xuất bản "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh. Nhưng nó chỉ là bình thường với một điều kiện: đó là sách vở, báo chí Việt Nam được tự do bàn luận tới chiến tranh biên giới, được tri ân những liệt sĩ hy sinh, được bình luận, phê phán những góc độ khác nhau của chiến tranh... Nếu điều kiện đó không được đáp ứng thì việc xuất bản cuốn sách này lại là một việc rất bất thường và phản cảm."

Thực ra, nhiều blogger phản đối sự hiện diện của cuốn sách (hoặc tác giả cuốn sách, hay người dịch, NXB và cách thức PR vô duyên của sách) không nhất thiết là xuất phát từ "chủ nghĩa bầy đàn của đám đông", như vài người dè bỉu. Nói như thế là coi thường khả năng tư duy, nhìn nhận vấn đề, cũng như khả năng đọc hiểu của người khác (tuy rằng, nói đúng ra thì nhiều lúc Việt Nam mình cũng có vấn đề về khả năng đọc hiểu :)). Theo tôi hiểu, ở đây, nhiều người không có vấn đề gì với tự do ngôn luận, viết lách, hay dịch và xuất bản một cách "tự thân" (vế 1 mà Linh nêu ra), mà họ phản đối về việc vế 2 của Linh (những điều kiện bình thường của việc đọc, bàn luận và thể hiện ý nguyện, chính kiến) đã không tồn tại.

Đấy là còn chưa nói đến sự PR vụng về và phản cảm của NXB Văn học và đối tác là Công ty Phương Nam trong vụ này.

Vì vậy, dù đồng tình hay không, cũng cần tôn trọng quan điểm của các blogger ấy. Mọi biểu hiện hùa vào bỉ thử họ mà không cần biết nguyên do gần xa, cũng là một biểu hiện của "chủ nghĩa bầy đàn", "đám đông" :)

(*) Minh họa: „Lão hổ tướng” Hứa Thế Hữu chỉ huy đánh vào 3 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh của Việt Nam, và đã thảm bại sau những ngày đầu

20/2/09

Lợn Việt đại náo ngoại quốc

5 nhận xét



Hung Gia Lợi có bản tin này khá đểu (dẫn nguồn "Annanova", Anh, nên lời lẽ có phần ngô nghê).

Lâu lắm mới thấy Việt Nam gây được cái gì náo nhiệt trên "trường quốc tế" :)

Lợn gây hỏa hoạn cháy nhà chủ

Nhân khi chủ nhà đi vắng, chú lợn xề Việt Nam làm đổ một cái đèn bàn, làm cháy chiếc rèm cửa.

Sự việc xảy ra ở thành phố Lulea (Thụy Điển?). Chú lợn xề Việt Nam này được coi như một vật nuôi được chủ nhà rất ưa thích. "Hành vi" của chú ta khiến căn nhà cháy rụi hoàn toàn. Nhưng chú lợn thì không sao cả vì trốn được vào bồn tắm. Lính cứu hỏa tìm thấy chú ta ở đó.

(*) Minh họa (Thế Quang, Hungary): Lợn trên "con đường cái quan" xuyên Việt.

19/2/09

Lexus

28 nhận xét



Mấy hôm nay, thay vì biên giới hải đảo, báo chí ta ầm ỹ vụ một người đàn ông bị giết trong xe Lexus (ảnh trên).

Kể ra, nếu ông này bị giết khi đi xe đạp, hoặc không chết đúng vào ngày Valentine, có lẽ sẽ không được chú ý như thế. ;)

Dầu sao đi nữa, công an ta vào cuộc vụ này cũng khá nhanh để sau 5 ngày, báo chí đã có thể loan tin "Hung thủ giết người trong xe Lexus là một nữ sinh viên", kèm các thông tin rất cụ thể (tên tuổi, dung nhan, quê quán, nơi học tập...)

Đáng để ý là việc buộc tội "hung thủ" - như báo chí loan - mới hoàn toàn dựa trên những lời khai của nghi can (mà báo chí còn bình luận là "thái độ vẫn tỏ ra lì lợm" (*) vì sau 1 ngày, cô gái này mới khai), nhưng VNN cũng đã đăng tin một cách rất xác quyết, như thể chính cô ta là... hung thủ thật. Chuyện này là phổ biến ở ta, khi chưa hề có phán quyết (có hiệu lực pháp lý) của tòa án, nhưng thay vì những cách gọi như "nghi can", "thủ phạm giả định"..., báo chí rất ưa công bố tên tuổi, xuất xứ của người bị bắt.

Tuy nhiên, cứ tưởng là sau mấy vụ gần đây, báo chí phải thận trọng hơn mới phải. Nếu, giả sử, vài năm nữa xử xong, mà thủ phạm hóa ra không phải là cô gái kia, thì ai chịu trách nhiệm ở đây nhỉ? ;)

(*) Nhận xét "lì lợm" này không được "trung tính" cho lắm vì theo nguyên tắc, nghi can có quyền không khai những gì bất lợi cho mình và có thể được sử dụng để chống lại mình trên phiên tòa. Cũng có thể tư pháp nhà ta quan niệm khác :)

PS. Thế nào mà bạn Tắc Kè lại có mấy bình luận trùng với ý của entry này quá ;) Dù sao đi nữa, cũng cám ơn Tắc Kè cho biết ký giả VNN đã sửa lại cho "khách quan" hơn :) (Mà xem lại thì hóa ra nội dung được update, viết thêm nhiều, sửa nhiều, thêm cả ảnh "hung thủ", sửa cả tít, nói chung là biến thành bài khác mất rồi :))

Bonus: Văn phong của ký giả ta vẫn đậm màu quân sự (và lủng củng): "... trong quá trình trinh sát các lực lượng phối hợp phá án phát hiện Vũ Thị Kim Anh đến khu vực phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân thăm bạn đã tiến hành mời về trụ sở để đấu tranh" :)

Bonus 2: Ý đồ của ông Cù Huy Hà Vũ ở bài này có thể tốt, nhưng sự thể hiện và lý luận kém quá, luật sư gì mà nói dở :(

16/2/09

1979

3 nhận xét



"Rồi anh lại ra đi - Vui như ngày hội..."

Trần Hoàn viết những câu này 2 năm sau cuộc chiến 1979. Nó cũng cùng âm hưởng với "Đường ra trận mùa này đẹp lắm", hay "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai" của những năm tháng trước đó.

Tất nhiên, không ai phủ nhận là chiến tranh có thể có những khoảnh khắc hân hoan như thế, nhưng về căn bản, chiến tranh là đau buồn, là chết chóc, là tang thương với người ra trận và người ở hậu phương. Cuộc chiến biên giới Việt - Trung cũng không phải ngoại lệ.

Ấn tượng của tôi về cuộc chiến ấy, thật lạ lùng, là khá nhiều, cho dù nhiều thứ giờ đây đã nhạt nhòa. Nhưng tôi vẫn nhớ như in hai cảnh tượng, khi cách tôi hai nhà, có một gia đình nhận tin người con tử trận, và một buổi khác, lúc các bà vợ, bà mẹ tiễn chồng con lên đường, ở SVĐ Quán Thánh.

Hình ảnh và âm thanh của những tiếng gào thét thất thanh và thảm thương không còn nghe rõ lời trong gia đình láng giềng xấu số, và những giọt nước mắt tuôn tràn như mưa không thể ngừng bên hàng xe chăng cờ, hoa, khẩu hiệu chở những người lính ra đi... còn mãi trong tôi, không rời, cho đến giây phút này, khi nhớ về 30 năm trước.

Lúc ấy, tôi mới là một đứa bé 11 tuổi, chả biết gì, đến lớp vẫn hồn nhiên rình lúc cô giáo chưa vào, cùng bạn bè ngồi vắt vẻo trên bàn học và rủ nhau nếu phải đi sơ tán thì cả lũ cùng nhau đăng ký theo trường "cho vui", đừng đi với gia đình, "buồn lắm"...

*

Cuộc chiến nào cũng bi thảm, nhưng đặc biệt, cuộc chiến 1979 bi thảm hơn ở chỗ, nó diễn ra với những kẻ "vừa là đồng chí, vừa là anh em", "môi hở răng lạnh", "bên kia biên giới là nhà - bên đây biên giới cũng là quê hương"... Nó tàn nhẫn và trớ trêu hơn ở chỗ, máu người Việt Nam đã đổ ngay trong thời bình, khi đất nước đã "sạch bóng quân thù", khi mà, lẽ ra, mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết mọi chuyện bằng con đường ngoại giao thông thường.

Tôi nghĩ rằng, phải nhớ đến ngày này, năm ấy, không phải để thù hận, chẳng phải để tôn vinh, mà chỉ để con cháu tôi khỏi phải chứng kiến cảnh tượng như tôi đã thấy, ở ngay Thủ đô chứ chẳng phải nơi chiến trường xa xăm...

Và để máu những người đã ngã xuống không uổng phí...

Chuyện ngoại giao với Tàu - Tưởng

17 nhận xét



Thời gian gần đây, báo chí Việt Nam khi nói về chính sách ngoại giao uyển chuyển của cụ Hồ, hay nhắc tới cụm từ "ngoại giao Câu Tiễn" (nhưng ít khi nêu lại bối cảnh mà cụ dùng khái niệm ấy).

Nhiều người, nhân đấy, phát triển thành một học thuyết: Việt Nam mình nhỏ, phải biết nhẫn nhịn, "một điều nhịn là chín điều lành", "tránh voi chẳng xấu mặt nào", v.v...

Thuyết này đúng là nếu sử dụng đúng lúc, đúng chỗ và chừng mực, thì kể ra cũng tránh được nhiều thứ phiền toái. Nhất là, nếu tâm niệm như thế, thì tránh được tâm lý lạc quan tếu, tự tôn kiểu "đỉnh cao trí tuệ", mà ý thức được hơn với "tầm vóc" và những giá trị riêng của mình, để ứng xử sao cho hợp.

Tuy nhiên, "ngoại giao Câu Tiễn" phải đi kèm với sự đường hoàng, ngẩng cao đầu, mà chính cụ Hồ là người đã nêu gương, "làm mẫu" cho ngành Ngoại giao Việt Nam thời "trứng nước" (1945-46), theo như hồi ký sau đây của ông Nguyễn Đức Thụy, cụ của cún :).

Cụ của cún là người cách mạng, nhưng không bon chen, sống thanh liêm bần hàn, không ưa giàu sang phú quý, ghét bọn xu nịnh, dốt nát. Trong đời, cụ có nhiều lần là chứng nhân của lịch sử (nói cho to tát), nhất là thời kỳ 1945-46, trên cương vị thành viên nhóm Tham nghị (đại loại như trợ lý Ngoại giao, cùng các ông Bùi Lâm, Trần Đình Long, Nguyễn Văn Lưu và Tạ Quang Bửu) của cụ Hồ và hồi 1949, khi cụ cùng Lý Ban (Lý Bích Sơn), trên cương vị đặc phái viên cao cấp của Trung ương và cụ Hồ, đã đi... bộ (mất gần 4 tháng) qua Bắc Kinh gặp đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề bàn bạc vấn đề hợp tác.

Bốt lại hồi tưởng này của cụ Thụy để thấy là vào những khoảnh khắc "gây cấn" như thời 1945-46, nhưng ta vẫn rất đường hoàng, lịch sự và nhã nhặn. (Tư liệu này chưa thấy đăng rộng rãi ở đâu, chỉ thấy trích đăng, lược đăng một số đoạn trong 1 tuyển tập những bài viết của một số vị từng có thời kỳ gần gũi với cụ Hồ, NXB Sự thật và Bảo tàng HCM ấn hành. Bản bốt sau đây là tuype theo bản viết tay của cụ Thụy).

(*) Ảnh trên là cụ Thụy năm 1949, trong chuyến đi đặt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

*

MẤY ĐIỀU GHI LẠI VỀ TIỀN THÂN CỦA BỘ NGOẠI GIAO NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Tài liệu này ông viết cho Phòng Truyền thống của Bộ Ngoại giao cuối năm 1985 (tết Bính Dần). Ông để lại cho các cháu một bản để sau này khi nhớ đến ông thì các cháu lấy ra đọc.

*

Bộ Ngoại giao nước ta hiện nay là một Bộ quan trọng bậc nhất của Chính phủ. Nó có cơ sở vật chất to lớn, tổ chức rộng rãi với một đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đầy đủ tri thức và kinh nghiệm để gánh vác công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Kỷ niệm 40 năm ngày xây dựng Bộ năm nay, ôn lại những ngày đầu tiên của Bộ là một việc có ý nghĩa để xây dựng Phòng Truyền thống của Bộ.

Không cần thiết nói dài dòng về bối cảnh chính trị, quân sự, ngoại giao trong những năm 1945 - 1946: trong Nam quân Anh Pháp đổ bộ, ngoài Bắc quân Tưởng kéo sang để giải pháp quân Nhật và cũng là để âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân vừa mới thành lập. Tiêu Văn, một viên trung tướng của quân Tưởng đã nói trắng ra rằng "tiêu diệt Việt Minh trước, giải giáp quân Nhật sau". Bối cảnh đó cộng thêm hoạt động của bọn Việt gian bán nước đã làm cho tình hình công tác đối ngoại càng khó khăn, phức tạp hơn.

Sau Tuyên ngôn Độc lập 2-9, các Bộ của Chính phủ Lâm thời được thành lập, trong đó có Bộ Ngoại giao mà Bác Hồ là người Bộ trưởng đầu tiên chịu trách nhiệm trước Trung ương Đảng và Chính phủ, đứng mũi chịu sào về công tác đối ngoại khó khăn nghiêm trọng này. Một tổ công tác đối ngoại đầu tiên được thành lập gồm 5 người: Đ/c Bùi Lâm, Đ/c Trần Đình Long, Đ/c Nguyễn Văn Lưu, Đ/c Tạ Quang Bửu và Đ/c Nguyễn Đức Thụy, do Bác lãnh đạo. Tổ công tác được thành lập trong phòng làm việc của Bác tại Bắc Bộ Phủ (nay là Bộ Nội vụ). Bác nói: "Tôi mời các chú đến đây để tổ chức ủy viên hội của Bộ Ngoại giao" (lúc đó ta chưa dùng chữ "ủy ban", "ban"). Sau khi Bác nói tóm tắt về tình hình chung, nhận định về thuận lợi và khó khăn của công tác đối ngoại, Bác liền phân công cho từng người: Đ/c Bùi Lâm phụ trách công tác đối Pháp, kể cả đối với những đảng viên Đảng Xã hội Pháp tại Việt Nam; Đ/c Tạ Quang Bửu đối Anh, Mỹ; Đ/c Nguyễn Văn Lưu đối công tác tổng hợp của Bộ; Đ/c Trần Đình Long đối với công việc xẩy ra ở các địa phương; Đ/c Nguyễn Đức Thụy đối công tác quân Tưởng và Hoa kiều.

Sau khi phân công, Bác dặn dò:

- Chữ "ủy viên hội" và chữ "ủy viên" là ta dùng trong nội bộ, không được nói công khai vì quân Tưởng rất ghét chữ đó là chữ dùng để chỉ tổ chức cộng sản. Chức vụ của các chú nên dùng chữ "Tham nghị".

Chúng tôi bấm bụng cười, nhưng Bác cũng cười và nói: "Chức Tham nghị là chức rất phổ biến trong bộ máy chính quyền của Tưởng. Coi nó to cũng được, nhỏ cũng được, rất quan trọng cũng được, chẳng quan trọng gì cũng được. Anh là tham nghị thì anh nói đúng cũng được, anh nói sai thì cũng chẳng ai thèm trách cứ và càng dễ cải chính".

Bác không quên dặn đồng chí Nguyễn Đức Thụy phải khắc ngay con dấu tên mình để dùng trong các giấy tờ giao thiệp với quân Tưởng. Bác nói người Trung Quốc tin vào chữ ký kèm có con dấu. Giấy tờ có chữ ký mà không có con dấu son đỏ đóng trên chữ ký thì kém hiệu lực. Bác dặn như vậy là đúng, song tôi hay đánh mất con dấu nên đã phải khắc lại đôi ba lần. Con dấu mà tôi tặng Phòng Truyền thống của Bộ là con dấu khắc cuối cùng mà tôi đã sử dụng trong suốt 8 năm kháng chiến chống Pháp những khi giao thiệp với các tỉnh biên giới Trung Quốc, hay đi Nam Kinh theo lệnh Bác.

Bác nói tổ chức đối ngoại này đồng thời là một tổ Đảng mà Bác là tổ trưởng. Cũng nên nói luôn là từ sau khi thành lập, tổ chức này sinh hoạt không đều vì tình hình chuẩn bị kháng chiến ngày càng khẩn trương. Tôi chỉ còn nhớ một lần sinh hoạt để kiểm điểm công tác và thảo luận về vấn đề đối phó với bọn Việt gian phản động tăng cường hoạt động khủng bố, ra báo và phát thanh phản động, cướp của, giết người. Một đồng chí trong tổ yêu cầu cho bắt bọn cầm đầu đem bắn, nhưng Bác chậm rãi nói: "Chưa phải lúc bắt bớ bắn giết chúng vì bọn phản động trong quân đội Tưởng còn chưa chịu bỏ bọn này và còn ủng hộ chúng". Lời Bác nói thật đúng. Phải đợi đến vụ Ôn Như Hầu bị ta phát giác, hàng đống xác chết của dân lương thiện bị bọn Việt Quốc, Việt Cách giết hại được đào lên trong các vườn nhà thì ngay bọn phản động nhất trong quân đội Tưởng cũng không còn lý do để giúp bọn phản động này khỏi bị trừng trị.

Tổ chức tiền thân của Bộ Ngoại giao này được Bác tổ chức rất giản đơn nhưng cũng rất nghiêm trang. Khi đó chưa có chế độ bổ nhiệm bằng văn bản, chưa có chế độ đãi ngộ, chưa có lương bậc gì cả. Song mỗi người trong tổ chức đó đều tận tâm làm việc, không kể hy sinh, mất mát vì nhiệm vụ như Đ/c Trần Đình Long bị bọn phản động Quốc dân Đảng giả danh quân Tưởng đến nhà bắt cóc đem đi giết hại; Đ/c Nguyễn Đức Thụy bị ô tô nhà binh Pháp đâm trong lúc đi giao thiệp để tiếp quản pháo đài Láng, hiện nay vẫn mang thương tật; một đồng chí cán bộ đối ngoại là Nguyễn Văn Thủy bị chấn thương sọ não ngớ ngẩn suốt đời. Ngay Bác Hồ có lần cũng suýt bị bọn Quốc dân Đảng đóng ở đường Quan Thánh bắn vào lốp xe ô tô của Bác đang chạy từ Phủ Chủ tịch, nơi Lư Hán đóng về Bắc Bộ Phủ.

Tổ chức tiền thân của Bộ Ngoại giao này hoạt động đến khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong quá trình công tác, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, nó đã góp phần nhỏ bé của mình vào những thành tích to lớn về đối ngoại của Đảng và Nhà nước như xúc tiến việc rút lui khỏi Việt Bắc của quân Tưởng; đưa bộ đội Nam tiến được thuận lợi (do Bác tranh thủ được sự đồng tình của viên sư trưởng của sự vinh dự thứ hai của Tưởng); phá được âm mưu của bọn phản động Quốc dân Đảng cấu kết với bọn phản động trong quân đội Tưởng; giải quyết kịp thời nhiệm vụ xung đột xẩy ra ở các địa phương giữa quân Tưởng và lực lượng vũ trang địa phương v.v... Tất nhiên các ngành, các cấp địa phương, và Trung ương cũng có những đóng góp to lớn vào thành tích đó của tổ chức tiền phong của Bộ.

Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tổ chức tiền thân này phân tán làm các công tác khác; tôi được Trung ương phái lên Việt Bắc phụ trách công tác ngoại thương ở các cửa khẩu Cao Bằng, để tiếp tế vật tư, thuốc men cho nhân dân và bộ đội. Được vài tháng thì Bác gọi về bảo phải tiếp tục công tác với Chính phủ Tưởng, mãi đến cuối năm 1949, quân đội của Mao tiến gần biên giới thì công tác này mới kết thúc để quay sang làm công tác với Chính phủ Mao. Trong thời gian từ 1946 - 1949 đó, một chính sách lớn đối với Chính phủ Tưởng là ta vẫn nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết chống Pháp. Bác Hồ thường gửi thư cho Tiêu Văn, cho Ngô Thiết Thành, tổng bí thư của Quốc dân Đảng Trung Quốc, yêu cầu họ thuyết phục bọn Nguyễn Hải Thần và phe lũ về nước kháng chiến và hứa cho họ được hưởng những quyền lợi và chức vụ như cũ. Thậm chí Bác còn chủ trương cố thuyết phục Bảo Đại ở Hồng Kông về nước, hứa cho hắn 2 triệu Đông Dương và tổ chức cho hắn về nếu hắn đồng ý, nhưng chủ trương này không thành vì hắn đã trở thành một tên vua trác táng có tiếng ở các hộp đêm, tiệm nhẩy, sòng cờ bạc ở Hồng Kông.

Đem chủ trương đại đoàn kết này kêu gọi kẻ thù thật là một phương pháp thâm thúy tranh thủ kẻ thù, ổn định hậu phương, vạch mặt bọn Nguyễn Hải Thần. Đối với vùng biên giới Trung - Việt từ Quảng Đông sang Quảng Tây, Bác cũng dặn Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh phải gìn giữ cho yên để chúng ta tập trung lực lượng đánh Pháp, phá âm mưu của Pháp hoạt động tình báo, mua chuộc ở vùng đó. Bác có lần đề phòng tư tưởng chủ quan khinh địch và dùng 2 câu trong phương ngôn của Trung Quốc là: "Cư an, tư nguy - Cư trị bất vong loạn" (1) để nhắc nhở tôi trong công tác.

Cuối cùng, xin nói về tư tưởng và tác phong mà Bác đã dạy cho tổ chức đầu tiên của Bộ.

Suốt trong quá trình công tác, Bác luôn dặn cán bộ cần nắm những vấn đề lớn, biết rõ nhiệm vụ, nội tình của địch, Bác chỉ cho những phương pháp công tác có hiệu quả nhất. Bác dặn cán bộ làm công tác ngoại giao rằng khi tiếp xúc với đối tượng, nên khơi vấn đề để đối tượng nói nhiều mà mình thì nói ít. Đối tượng nói nhiều thì mình dễ biết ý đồ của họ. Mình nói nhiều thì dễ sinh ba hoa, thất thố để họ nắm được ý đồ của mình. Làm việc không nên hấp tấp vội vàng, cả tin, dễ sinh sơ suất. Trong thời gian quân Tưởng còn đóng ở Việt Nam, họ gây ra nhiều khiêu khích, nhưng Bác bảo phải tránh khiêu khích với họ; ngoại giao của ta lúc này là ngoại giao Câu Tiễn (có ý là nhịn nhục) để sau khi giải giáp xong quân đội Nhật, họ không còn lý do gì để trì hoãn việc rút quân, ta dễ dàng đối phó với quân đội Pháp. Nhưng một vài sự việc nghiêm trọng đã làm trái với chủ trương trên như vụ Chèm đã làm cho tình hình phức tạp thêm, sư đoàn 116 (2) của Lư Hán đe dọa bao vây, chiếm đóng Bắc Bộ Phủ, kéo dài việc rút quân. Việc này làm cho Bác hết sức lo ngại, làm cho ta thiệt người, tốn của, nhưng Bác nói "con dại, cái mang" và Bác vẫn chịu đựng để đẩy nhanh việc rút quân của sư đoàn đó.

Bác là một người có tri thức văn hóa Đông Tây rất rộng, Hán học uyên thâm nên dễ chinh phục được tướng lĩnh của Tưởng. Chỉ một vài lần tiếp xúc với Bác là họ rất kính trọng Bác. Lần đầu tiên Bác đến thăm Lư Hán tại Phủ Chủ tịch hiện nay, Lư Hán cho một viên quan tùy tùng ra đón Bác ngồi chờ ở phòng khách rồi Lư Hán mới ra chào hỏi, nhưng sau khi nói chuyện xong, Lư Hán đưa Bác ra tận cổng (chỗ bậc đá mà ngày nay hay chụp ảnh tập thể) đợi Bác lên xe rồi mới vào. Nhưng lần sau Bác đến, Lư Hán đều ra đón tại cổng và tiễn tại cổng, tỏ ra hết sức tôn trọng Bác. Đầu tiên họ xưng hô là "Hồ Chí Minh tiên sinh", nhưng dần dần mọi người khi nói chuyện đều xưng hô Bác là "Hồ Chủ tịch". Bác cười và nhận xét: "Trong công văn giấy tờ thì họ vẫn viết là kính gửi ông Hồ Chí Minh, nhưng trong khi nói chuyện thì họ lại gọi Bác là Hồ Chủ tịch. Thế là họ đã phải công nhận ta trên thực tế".

Cách ăn mặc của Bác rất giản dị. Dù tiếp ai hay đi đến ai, Bác cũng chỉ đội mũ cát, mặc áo quần kaki đi đôi giày vải và chống ba toong bằng song đã cũ. Song đối cán bộ đi theo Bác, Bác bảo: "Tôi ăn mặc thế nào thì mặc tôi, còn các chú đi với tôi thì phải ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ".

Tổ chức tiền thân của Bộ là như thế. Linh hồn, khả năng, thành tích của nó không thể có được nếu không được Đảng và Hồ Chủ tịch lãnh đạo và hướng dẫn.

Từ tổ chức tiền thân, chúng ta ngày nay luôn luôn phải suy nghĩ đến Bác, học tập tư tưởng và tác phong của Bác.

Cán bộ ngoại giao chúng ta nên nhớ một điều có ý nghĩa này: Bác Hồ là người Bộ trưởng đầu tiên của Bộ. Ngoài làm Bộ trưởng Ngoại giao ra, từ 1945 đến lúc Bác qua đời, Bác chưa từng là Bộ trưởng một Bộ quan trọng nào khác. Đây là vinh dự của đội ngũ cán bộ ngoại giao.

Năm nay tôi đã 76 tuổi. Viết lách khó khăn, trí nhớ tàn lụi, tôi cố gắng viết xong mấy trang này hòng góp phần nhỏ bé của mình trong Phòng Truyền thống của Bộ.

Xuân Bính Dần (1986)
Nguyễn Đức Thụy
Ngõ Quan Thổ I, Tổ 54,
số nhà 18,
phố Hàng Bột,
Hà Nội.

Ghi chú:

(1) "Cư an tư nguy": lúc yên, vẫn phải nghĩ đến những mối nghi tiềm ẩn, sống yên bình phải nghĩ đến lúc nguy biến.

Câu này xuất phát từ một câu thành ngữ cổ từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc bên Tàu: "CƯ AN TƯ NGUY, TƯ TẮC HỮU BỊ, HỮU BỊ VÔ HOẠN", nghĩa là lúc sống bình an, hoan lạc thì phải phải nghĩ đến hồi nguy nan đau khổ - nghĩ như vậy thì không bao giờ gặp cảnh hoạn nạn cả.

Cũng có nguồn bảo câu này bắt nguồn từ "Hệ từ hạ" của Khổng Tử:

Nguy giả an kỳ vĩ giả dã
Vong giả bảo kỳ tồn giả dã
Loạn giả hữu kỳ trị giả dã
Thị cố quân tử an nhi bất vong nguy,
tồn nhi bất vong vong
Tri nhi bất vong loạn
Thị dĩ nhân an nhi quốc gia khả bảo gia

Nghĩa là:

Người bị nguy là bởi cứ yên vui nơi ngôi phận mình
Bị mất là bởi chỉ tới cái hiện có
Bị loạn bởi tin cậy cái trị có sẳn,
Bởi thế, người quân tử lúc sống yên không quên cái nguy,
còn không quên lúc mất
Khi thịnh trị không quyên cảnh loạn suy,
như vậy mới yên thân mà giữ được nước nhà

Rút lại còn 8 chữ: "Cư an tư nguy, xử trị tư loạn" - gọn hơn nữa còn chữ: "CƯ AN TƯ NGUY" (Đây cũng là một khẩu hiệu của Trường Võ bị (Trường Sĩ quan Trừ bị) Thủ Đức miền Nam thời xưa).

* "Cư trị bất vong loạn": có lẽ lấy ý từ Khổng Tử (ở trên).

(tạm ghi chú bừa như thế, mong bác Trương Thái Du và các bác am tường Hán học chỉ giáo :)

(2) Trong một bản thảo viết tay, chỗ này là "sư đoàn 16".

15/2/09

Lợn chuẩn EU

3 nhận xét



Giải lao phát, tạm để vụ 17-2 lại chút :)

Ít bữa trước báo chí nhà mình rầm rộ đăng tin về vụ dân tình nhào ra cướp gà ở Thường Tín. Bạn Linh từng có entry rất đanh thép và có lý về "động thái" này.

Tuy nhiên, xem lại thì đây là lượng gà chưa qua kiểm dịch, chứ không chắc chắn là bị bệnh. Mà bị bệnh chưa chắc là người ăn đã... sao :) Vì vậy nên có người đến cướp, cũng là thường. (Thời bao cấp, đôi khi có con gà rù, gà toi... dân mình vẫn ăn ngon lành mà, sự thường, chỉ cần nêm gừng ghiếc cho thơm lừng lên là được).

Dù sao đi nữa, link lại với chuyện báo chí loan, là trong mấy ngày Tết, cua, ốc đông lạnh nấu xương thối, vẫn tấp nập người ăn, mới thấy có những "truyền thống" Việt Nam mình rất khó bỏ: "Ăn bẩn sống lâu - Người Tầu bảo thế" (không hiểu sao lại dính đến người Hoa ở đây). Vì, đúng là sự này có phần đáng kể là do hoàn cảnh, nhưng phần khác nữa cũng không kém phần quan trọng, là bởi "tập quán": mất vệ sinh chút, chả sao, không chết :)

Liên hệ với chuyện hôm nọ, ở đây. Bố cún có được đến thăm (và "tác nghiệp" :)) ở một nhà máy chế biến thịt của Hungary ở một tỉnh nọ (ban lãnh đạo nhà máy này có ý hợp tác với Việt Nam).

Đi một lượt "thị sát", cảm giác đầu tiên là sao nó sạch thế! Mỗi ngày hóa kiếp cho 2-300 con lợn cỡ 100-110kg, xử lý mọi thứ ngay tại trận, để làm chừng 150 thành phẩm (trong đó có loại szalámi mà bạn myseflvn khen ngon :)), mà đâu đâu cũng thấy thoáng mát, sạch như ly như lau! Dĩ nhiên là ở vài chỗ thì cái mùi con heo nó không hết được (có lẽ cần phát minh biến đổi gen làm sao để thịt có mùi... hoa hường, thì mới khắc phục được sự này :)), nhưng nhìn chung là ở đại đa số các phân xưởng, có thể mắc võng mà nằm ngủ, không sao cả.

Bố cún chưa đến một lò sát sinh nào ở Việt Nam, nhưng trông cảnh gà, vịt bị/được vặt lông cắt tiết ngay ngoài chợ hay đường phố, là thấy ớn rồi. Và hình dung được nhiều cái kinh khủng ở một lò mổ tại xứ mình.

Tranh thủ phỏng vấn nhanh vài câu với ông giám đốc người Hungary, thì được biết nhà máy của ông rất quan tâm đến vấn đề chất lượng của lợn: phải là lợn hảo hạng (chuẩn EU), có nhân thân rõ ràng, qua kiểm dịch khắt khe, khối lượng đảm bảo (không to không nhỏ, chỉ được từ 110 đến 120 kg thôi), thì nhà máy ông mới xử lý. Ngoài ra, các khâu trong nhà máy đều được vận hành bằng máy tính, lịch sự, sạch sẽ, chuẩn EU hết. Và khi chuyến tham quan xong xuôi, trà dư tửu hậu, ông cho biết vì rất muốn hợp tác với Việt Nam, ổng đã qua nước ta hai lần, không rõ kết quả ra sao, nhưng ấn tượng về việc thịt cá bày bán và giết, mổ ngay ngoài đường khiến ông hơi ớn :)

Phải cố gắng lắm, bố cún mới kìm được một nhận xét, là nếu ông cứ bảo thủ mà mang cái quan niệm về sự sạch sẽ và văn minh trong việc... giết lợn (chuẩn EU) của ông sang Việt Nam, chắc chắn ông sẽ bị phá sản tắp lự :)

Nhưng khả năng cao hơn là sẽ chả có đối tác nào làm ăn với ông...

(*) Minh họa: Lợn chuẩn EU ở nhà máy.

Tự nhiên nhớ đến câu chuyện tiếu lâm của Nga: Khrushchev đi thăm một trại nuôi lợn. Khi tập trung bài vở ở tòa soạn tờ "Sự thật" (Pravda), mọi người hoảng hốt bàn bạc nhau: phải đề thế nào dưới tấm ảnh cỡ lớn sẽ được đưa lên trang nhất. Mọi người thay nhau đưa ra những đề nghị: "Đồng chí Khrushchev giữa đàn lợn", "Đàn lợn bao quanh đồng chí Khrushchev"... Ngày hôm sau, tấm ảnh được chú như sau: "Đồng chí Khrushchev - thứ ba từ bên trái". ;)

14/2/09

Trình diễn thơ 14-2

7 nhận xét



Trước hết cứ phải trách móc myselfvn cái đã: khí thể 17-2 đang hừng hực, thì lại thúc thủ, không làm gì ngoài nghe nhạc kích động, và trình diễn thơ... tình ;).

Nói nghiêm túc, lần về Việt Nam vừa rồi, rất tiếc là không đi thưởng thức myselfvn trình diễn được (dù có đi vị tất đã hiểu :))

Có mấy bạn, lúc trao đổi, hỏi: trình diễn làm gì? Thơ đọc là đủ, sao lại phải trình diễn? Câu hỏi này chính hợp lý ra phết, vì ở Việt Nam, ngay cả những môn rất cần trình diễn như hát hò, mà ngày xưa phần trình diễn cũng ít được để tâm (cùng lắm thì ca sĩ để tay lên tim, lim dim mắt khi ngân tới đoạn ca ngợi Đảng, Bác...), chỉ cần giọng hay (?) là đủ. (Về khoản này thì những tay như Michael Jackson hay Madonna, nếu bị... trói lại chắc chả ai thèm xem/nghe họ hát :)).

Nhưng nếu hiểu đơn giản theo kiểu "khi tác giả đứng trước khán giả đọc thơ, dù nhà thơ khác thừa nhận hay không, đó đã là trình diễn thơ, sự giao thoa giữa thơ và nghệ thuật trình diễn" (myselfvn), thì kể ra trình diễn thơ cũng không có gì... bất hợp lý lắm. Như thế, hồi đầu thế kỷ trước, Mayakovsky và các nhà thơ vị lai Nga ngâm thơ ở các quảng trường theo kiểu múa may, quát tháo om sòm, lại kèm các tranh minh họa, cổ động... , là trình diễn thơ được lắm chứ nhỉ? Còn ở ta thì các... NSND, NSƯT ngâm thơ truyền cảm với nền nhạc bầu, sáo, nhị réo rắt, cũng cứ nên coi bừa là một dạng sơ khai của trình diễn thơ.

Vấn đề chỉ là, cứ theo báo chí thì một buổi trình diễn thơ lắm khi chỉ thấy các tác giả trình diễn, mà không thấy thơ đâu? Mấy bạn đã ca cẩm như vậy khi xem các nhà thơ/nhạc sĩ/ca sĩ đầu trọc lốc, chạy tu tu như tàu hỏa vào ga, hay hầm hầm đi lại, đứng ngồi quát tháo, hoặc quấn giấy WC rồi múa may... Dĩ nhiên, có thể hình dung, tưởng tượng xem họ muốn thể hiện điều gì, cơ mà kể ra cũng khó đối với những kẻ "ngoại đạo" (rất có thể chiếm số đông)...

Thôi thì, phải chăng ta cứ mở rộng khái niệm trình diễn thơ, là một cuộc chơi (nghệ thuật, nghiêm túc - hy vọng như thế) để tác giả trình diễn bản thân mình, cái tôi của mình, thông qua việc thể hiện vài bài thơ, hay ý thơ nào đó? Nghe thì có vẻ cao siêu, và có lẽ không phải tác giả nào khi trình diễn cũng ý thức được, biết được là mình (muốn) làm gì, thể hiện cái gì. Nhưng như thế thì đi xem trình diễn thơ cũng là cái thú vị chứ, và rất có thể còn tao nhã nữa :) Dù cái sự hiểu, tiếp nhận của khán thính giả có lẽ sẽ rất "tự do chủ nghĩa", mỗi người một phách, chả sao, nghệ thuật chính ra nên là như thế :)

Nhất là, nếu đi xem myselfvn và ViLi thì bét ra cũng được một sự bảo đảm, ấy là sẽ được mục kích "phần trình diễn" của hai cao thủ trong ngạch này - cao thủ đến mức, như báo chí đã loan, bạn myselfvn Ngày Thơ vừa rồi còn quyết định nhường bước cho "lớp trẻ", và chỉ "thị phạm" cho họ học tập thui (lúc chuẩn bị ấy). Còn bạn "ViLi in love", "say mê và điên cuồng", "là đối tượng hờn ghen của rất nhiều người" và "chỉ khi chết mới biết đâu là bài thơ cuối" (lời đương sự), thì đi xem bạn ấy hẳn nhiên là điều rất nên rồi... (Một nhận xét cá nhân là bây giờ trông ViLi "đằm" hơn rất nhiều so với xưa, chỉ thấp thoáng trong buổi "Minh họa Kiều" của Phạm Duy ở Hà Nội cũng đủ có nhận định như thế :))

Vòng vo 3Quốc, entry này để cổ vũ thô cho vụ "Thời gian cho tình yêu" tại Công viên Thiên Đường Bảo Sơn (km8 đường Láng - Hòa Lạc), 18 giờ thứ Bảy, ngày Valentine. Chi tiết rất quan trọng: vào cửa miễn phí! :)

(*) Minh họa (ảnh tư liệu): myselfvn in love :)

10/2/09

Chiến tranh biên giới, 1979 (1)

13 nhận xét



1. Sáng nay lúc đang làm báo, có bạn gửi cho cái link này về những tư liệu hồi chiến tranh biên giới 1979.

Bận quá, chỉ ngó qua, thấy một số đoạn trích từ cuốn "Không được đụng tới Việt Nam" (NXB QĐND 1979), lại nghĩ bụng: "Có khi bây giờ những loại sách thế nào bị liệt vào danh mục sách cấm, "trái chiều", "lề bên trái"... rồi cũng nên" :((

2. Hôm qua, đi kiếm mấy cái tư liệu, vô tình sa vào đây, có liệt kê nhiều Anh hùng LLVTND thời 1979 (nhiều người là liệt sĩ). Quy một lượt, thấy cái tên Lê Đình Chinh!

Thời ấy, trẻ con hay nghêu ngao "Cắc bụp bum - Cắc bụp bum - Lê Đình Chinh, Lê Đình Chinh đứt dây thần kinh", phỏng theo điệu bài "Tiếng chày trên sóc Bom-bo". Đúng là tếu táo, chả biết gì: chiến tranh cũng coi là trò đùa...

Có lẽ Lê Đình Chinh là liệt sĩ trẻ nhất (18 tuổi) được truy tặng danh hiệu Anh hùng, phần vì anh hy sinh quá sớm (tháng 10-1978, tức là trước ngày khởi đầu chính thức của cuộc chiến tới mấy tháng). Nhưng còn biết bao người như anh, mà bây giờ, ai nhớ?

Mà nhớ đi nữa, cũng có được nhắc đến trên báo, đài?

3. Cũng như, "Bài hát cũ bây giờ ai hát nữa". Từ "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới..." ("Chiến đấu vì Độc lập - Tự do", Phạm Tuyên), bài hát đầu tiên sau khi cuộc chiến bùng nổ, mà đến giờ bác Osin cứ đụng đến đề tài 1979 là cấm ai bắt bác ấy đừng trích :), cho đến những ca khúc xa xôi hơn như "Quan san xa cách nhau hề chi - Hồ Gươm vẫn nhớ, và em vẫn đợi chờ" ("Đêm hồ Gươm", Trần Hoàn).

Có độ hai chục bài thôi, trong đó có nhiều bài hay, có thể bình tâm mà xếp vào list những bài nhạc đỏ xuất sắc. Nhưng đến giờ, mấy ai hát lại, và nhất là, mấy ai nhớ chúng được viết cho/ nhân sự kiện 1979?

Biết rồi, khổ lắm, nhắc đến 1979 là nhắc đến nhiều sự nhạy cảm. Nhưng có lẽ, nghe (và phát tán) nhạc đỏ thì không ai cấm, nhỉ? ;)

Vậy bạn nào muốn nghe cùng thì PM hay cmt ở đây nhé, cùng chia sẻ vậy (các bài dạng mp3 hoặc wma)...

(List bài hát sẽ cập nhật sau).

Bonus: Đã định cho cún đi ngủ, thì lại đọc được cái này: "Trẻ 5 - 6 tuổi [...] cần biết kính yêu những người có công với quê hương, đất nước và quan tâm đến di tích lịch sử", tự nhiên thấy ứa nước mắt...

(*) Minh họa: Hình ảnh bộ đội Việt Nam, được cho là trong cuộc chiến 1979.

Chuyện nhà

8 nhận xét



1. Cún hôm nay bị sụt sịt, mước mũi dàn dụa. Mẹ thương, lo cún cúm (vì đang có dịch), và đã nghĩ ngay đến tình huống xấu hơn cả là nếu sốt, mà nhỡ sốt cao, thì cún dễ bị giật :)

Dạo này cún không thích đồ chơi gì khác ngoài cái bút, làm bố rất ngán ngẩm. Cô myselfvn đã trấn an bố là, có thể cún sẽ là nhân viên bàn giấy gì đó, chứ chắc gì đã viết lách, mà phải sầu?

Bố đáp là, nếu vậy, chỉ mong cún làm nhân viên bàn giấy gì mà... tham nhũng được thật nhiều vào :))

2. Chị Thu Vân thích đọc sách lắm, mẹ mượn thư viện 4 tập sách đề tài ly kỳ, hồi hộp về cho chị, chị đọc vèo xong 2 cuốn. Nói chung bây giờ chị đã đọc nhanh hơn bố.

Mà kỹ năng tìm kiếm info trên mạng của chị cũng "khủng". Giờ, nếu chị hỏi bố cái gì thì bố phải rất cẩn thận khi trả lời, vì có thể là trước đó chị đã tra trên mạng rồi, chỉ hỏi lại để kiểm tra xem "tri thức" của bố đến đâu.

Ví dụ, chị đọc trong sách có vụ ma cà rồng (vampire), chị hỏi xuất xứ thì bố cung cấp được chút thông tin cơ bản. Ấy là tối hôm trước, nhưng đến chiều hôm sau, đi học về, chị đã tra wiki và một tẹo sau đó, đã trở thành chuyên gia ngành "Dracula học", bố không sao bì kịp.

Cạnh tranh với lớp trẻ quả là mệt!

(*) Minh họa: Cún phụ họa để mẹ tác nghiệp quả tắm bồn :)

4/2/09

Chữ nghĩa

8 nhận xét



Trang website này có nhiều bài hay, và vui, về nghiệp vụ báo chí. Ví dụ ở mục "Nhặt sạn".

Vớ đại một bài "nhặt sạn" để... nhặt sạn nhé :)

Xứ... cảng thơm

Hoa hậu xứ cảng thơm năm 2005 Diệp Thúy Thúy cho rằng không nên tiết lộ tên của kẻ sàm sỡ những nữ nghệ sĩ trong đài TVB mà cho nhân vật này một cơ hội. (Hoa hậu Hong Kong cho ‘yêu râu xanh’ cơ hội; VNExpress, 5/2/2009)

Hương Cảng được gọi thành "cảng thơm" thì đại khái là không sai về chữ nghĩa, nhưng xưa nay có ai gọi Xứ cảng thơm như kiểu Xứ Anh Đào (Nhật) hay Xứ sở Sương mù (Anh) đâu nhỉ? Không lẽ cứ tên như thế nào, dịch ra tiếng Việt như thế rồi đặt thành điểm đặc trưng.

Còn nhờ một cuốn hồi ký của một nhạc sĩ nổi tiếng (xin không nêu tên) gọi Midway Town là "Thị trấn Giữa Đàng." Ngày xưa thế nào không biết, chứ bây giờ thì chả biết nó nằm giữa cái gì. Và mùi thơm thì không phải là đặc trưng của Hongkong rồi.

Vậy Sừng châu Phi liệu có được gọi là... xứ sừng hay không?

Kết luận: Phát minh giỏi đấy, và... không hợp lý!

*

Bình luận:

1. Gọi Hương Cảng thành "xứ cảng thơm" thì hơi buồn cười, vả chăng, đối với những ai chỉ biết Hồng Công qua cái tên bây giờ là... Hongkong, thì có thể không hiểu được.

2. Nhưng không thể ví kiểu gọi này với kiểu gọi "Xứ (sở) Sương mù", "Xứ anh đào" (tức là lấy một đặc điểm của một địa danh để gọi một cách hình ảnh về vùng đấy ấy, cho dù trong tên của địa danh không có cái đó). So thế thì quả là khập khiễng!

3. Phạm Duy thì có gì đâu mà phải giấu tên nhỉ? Mà nơi Phạm Duy ở là Midway City chứ Midway Town nào đâu?

Nói chung, không nên tổng quát hóa quá. Nếu trong văn cảnh khi người ta "hình tượng hóa" một tên gọi bằng tiếng Tây (bằng cách "dịch" nó ra tiếng Việt), mình vẫn hiểu địa danh ấy là cái gì, ở đâu, thì cũng tạm chấp nhận được rồi. Ví dụ, gọi là nước "Bờ biển ngà" (voi), nghe hơi thô, nhưng cũng hiểu mà. (Bọn Hung cũng gọi như vậy, có thể vì Hung lạc hậu, đọc Côte d'Ivoire hay Ivory Coast khó vô? ;)

4. Kết luận: Bài "Dọn vườn" trên muốn hóm, nhưng không hay lắm :)

Bonus: Cũng ở đây, ngẫu nhiên tìm được 1 bài của NCTG. Website đăng lại có nguồn (người dịch, xuất xứ...) đàng hoàng, chuẩn xác.

Nhưng có 1 điều đáng nói là tên nước Hung được Việt hóa thành Hungari, còn Budapest lại giữ nguyên (nhẽ ra, phải là Buđapét, hoặc Bu-đa-bét như nhiều người hay gọi, kiểu "đèn pin - đèn bin". Biên tập như thế là "nhất bên trọng..." rồi ;)

Nếu bên cạnh việc giữ nguyên theo một chuẩn nào đó của Tây (quốc tế), ta chủ trương để phiên âm hoặc cách viết thông qua Hán - Việt của một số danh từ riêng đã quen mắt quen tai với người Việt thì nên thống nhất, ví dụ: Hung (Gia Lợi), Ba Lan, Mễ Tây Cơ (Mếch Xích)... Chứ không nên để xen kẽ Budapest, (hồ) Balatông, v.v... (Thiển ý thui).

(*) Minh họa (chôm của wiki): Phụ nữ "Bờ biển ngà", chả hiểu liên quan gì đến "Sừng châu Phi" trong bài "dọn vườn" hay không?

"Huyền thoại bất tử"

16 nhận xét



Nhờ các bạn ở nhà cho biết các info là phim này có đáng xem không, có đáng đưa đi quốc tế không nhé...

Vì hai năm trở lại đây, "Sống trong sợ hãi" và "Chuyện của Pao" (thời chưa có Thủy Top) nói chung các bạn Hung bên này đều hài lòng.

Nhất là vì trong cả hai phim, đều có yếu tố mà các bạn ấy bảo đàn ông Việt Nam sướng, là có thể đa thê :)

(*) Ảnh minh họa chỉ có ý nghĩa giải trí, câu khách, ít liên quan đến nội dung entry này :)

2/2/09

Lặt vặt

3 nhận xét



1. Hôm nay thì quả thực đã hết tết rồi. Xem TV thấy ở nhà đi lễ chùa nườm nượp, nhưng bên này thì chẳng hề có chút không khí gì. Nghe kể hôm qua có thầy bên nhà qua làm lễ cầu an hay tụng niệm đầu năm gì đó, tổ chức ngay tại hội trường một TTTM của người Việt, mà bà con bán ở đấy cũng chả buồn đi, mới thấy sự thờ ơ, chán chường có vẻ đã lên đến tột đỉnh.

Cũng không có gì lạ. Năm nay, có vẻ mọi thứ sẽ còn khó nhọc gấp nhiều lần năm ngoái. Xem tin Hung mà sờ đâu cũng thấy hung tin, khiếp đảm!

2. Bị hỏng Net có 2 hôm mà công việc đình trệ ghê gớm. Mới thấy, khoa học kỹ thuật làm cuộc sống và cách sống của con người đổi thay ghê rợn. Không cần nói gì xa xôi, bây giờ chỉ cần không có cái mobile chả biết hẹn hò công việc thế nào?

Cơ mà, ông bà bố mẹ mình ngày xưa, khổ nhưng có khi sướng hơn vì không phải dị ứng với những tiếng chuông reo giục giã công việc có thể khiến mình phát điên thời nay...

(Tuy nhiên, hiện đại vẫn có thể hại điện như thường, tỉ dụ vụ này :)

3. Cún hôm nay có vẻ mệt, hay khóc, cho vào cũi một tí là đòi ra, dậm giật khóc lóc ầm ĩ.

Cu cậu lớn rồi, đã biết nhiều trò quái, ví dụ nghe ai hắt xì hơi thì cũng bắt chước để trêu ngươi. Hoặc, nghịch phá quá trời, nhưng cứ thấy mẹ vào là chắp tay sau đít bỏ đi, ra vẻ ta đây không can hệ gì (bố thì cậu cả chả sợ :)). Tối qua cu cậu nghịch thế nào mà ngã té nhào, cắn vào lưỡi, máu chảy hết áo mẹ, hoảng quá. Nhưng trong khi mẹ gọi điện cho bà nội hỏi xem phải làm thế nào thì chị Thui Vân điềm nhiên bảo, ở trường cô giảng trong nước bọt có muối, sẽ tuụ cầm máu thôi... Thế mới thấy bố mẹ tụt hậu kiến thức cơ bản quá :)

4. Cứ tưởng có Net, thư từ, thiệp viết tay coi như tuyệt chủng. Ấy vậy mà đúng mùng 1 Tết, bố nhận được thiệp của cô Anna Hoàng, gửi (bưu điện) từ nhà sang! Vui và cảm động lắm!

Nhờ có Net - chính xác hơn là nhân vụ bạn sinh viên Vũ Anh Tuấn bị bọn đầu trọc (?) giết - mà bố mới biết cô Anna hồi 2004. Cũng trong vụ ấy, vô tình (nhưng rất ngoạn mục) mới tìm lại được bạn Hana, người có phong cách bài đầu trọc Nga rất hung hãn, cương quyết và trước sau như một: ý tưởng lái máy bay "ném bom chết hết bọn trọc" hồi 2004, đến bây giờ vẫn được Hana bảo lưu trong vụ bạn sinh viên bị sát hại mới đây :).

Bonus: Quyền tự do ngôn luận và thể hiện ý kiến "thực chất là một tội lỗi mà mọi dân tộc văn minh đều lên án" (Mark Twain) - có thể coi là câu nói hay nhất của ngày :)

Minh họa: vẫn là cành đào thắm, vật đắc ý của mẹ cún tết năm nay, đã có tấm thiệp của Anna đặt lên...