22/9/08

Xào xáo

5 nhận xét





Lại một tin hết sức vớ vẩn ở bên này cũng bị các bác "Việt Nam & Thế giới" "luộc". Nhắc lại, các bác này là "Cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao" mà sao cù nhầy thế nhỉ: bữa trước đã "cọp" một lần rồi!

Mà, "đánh chết cái nết không chừa", đã "cọp" lẽ ra cứ copy nguyên cho nó chắc, ham hố "xào xáo", "biên tập" làm chi cho rách việc: chỉ thay đổi vài từ nho nhỏ mà cứ đụng đâu sai nghĩa (cả câu văn) đấy. :((

Tài thật!

(*) Minh họa: rau bí xào tỏi (hình lượm trên Net), ngon vô cùng!

21/9/08

Chuyện hành hung ký giả

10 nhận xét





Xong một đống việc nên tự cho phép liếc lốc mươi phút.

Thoáng một cái, thì thấy nhiều nơi đưa tin „nhà báo AP bị đánh rách da đầu vì chụp hình ở nhà Khâm sứ”. BBC còn loan tin ông Lê Dũng đã kịp „cực lực phản đối” những nguồn tin của „đài địch”: theo ông Dũng thì nhà báo Ben Stocking của AP chỉ bị „nhắc nhở” khi ông này „vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam, cố tình chụp ảnh tại khu vực đã có biển cấm”. Thậm chí, ông Ben Stocking còn „ngoan cố”, „cố tình không tuân thủ” sau khi đã được/bị nhắc. Không rõ là ngoan cố như thế thì „ta” xử lý ra sao, chỉ biết, theo ông Dũng, „hoàn toàn không có việc lực lượng an ninh Việt Nam hành hung ông Ben Stocking”.

Chửa cần biết ra ngô ra khoai thế nào, nhưng sau vụ này thì vẫn có thể rung đùi mà „phán” một câu cũ rích và nhạt nhẽo: „cái nghề ký giả quả là nguy hiểm”. Mà, trái với việc „nhà báo An Nam khổ như chó... An Nam” mà bạn Trang the Ridiculous hay than thở, thì sự nguy hiểm ở đây, lần này còn lan sang cả nhà báo Tây (may mà nhà bạn myselfvn đã kịp „đào tẩu” đi du lịch, rồi còn „lên đến đỉnh” điếc gì đó ;))

*

Gì thì gì, cứ dính đến tôn giáo đã là „nhạy cảm”, đụng đến Công giáo (vụ Thái Hà, Nhà chung...) càng „nhạy cảm”, mà lại vào đúng thời điểm „nhạy cảm” là chính quyền „ta” đang giải tỏa đất đai (rất gấp gáp và bất ngờ, để thi công :)), thì việc quay phim chụp ảnh tại hiện trường rõ là „nhạy cảm” rồi. Mà đã „nhạy cảm”, ký giả lại còn „ngoan cố”, có thể bị „xử lý”, ấy là cái nhẽ tất nhiên! ;)

Câu hỏi dễ đặt ra là trong những trường hợp ấy, „Tây” nó có thế không?

Ở các xứ dân chủ và tân tiến như Bắc Mẽo, Phú Lãng Sa, Anh Cát Lợi... thì chờ các bác trí giả như bạn Linh và các bạn thạo tin cho ý kiến. Còn bên Hung Gia Lợi này, ký giả thi thoảng mới bị hành hung thôi, mà thường là chưa đụng đến họ mấy, mới nói sẵng nhời thôi, là họ đã to miệng hơn rồi. Tuy nhiên, cũng có một vụ rất ầm ĩ đương thời, chi tiết ở đây, và đoạn vĩ thanh (không có hậu) ở đây, ta có thể tham khảo.

Vì mọi thứ còn mới nên bố cún chửa kịp ngó qua các bộ luật liếc có liên quan, nhưng cứ theo cái lý cùn, thì tạm nghĩ thế này:

- Chụp một người bất kỳ ngoài đường, hoặc một cảnh sát đang đi chơi, bát phố, thì cần tôn trọng các quyền nhân thân của họ, và phải hỏi họ trước khi hành sự,

- Nhưng chụp cảnh sát (hay các nhân viên cơ quan công quyền) đang thực thi nhiệm vụ thì là quyền tự do của bất cứ ai, dân hay ký giả đều được phép.

- Ngoại lệ duy nhất là khi cảnh sát thực thi nhiệm vụ tại khu vực không cho phép dân và ký giả vãng lai, thì phải chăng dây, dựng biển và thông báo trước thật rõ ràng cho thiên hạ tỏ tường (theo đúng quy định của luật định).

- Ngoài ra, những lý do mà cơ quan công quyền hay viện dẫn để cấm ký giả làm việc, như: như „tránh ra, tôi đang xử lý vụ việc nhạy cảm...”, „anh cứ lởn vởn, quấy quả, làm tôi... mất tập trung...”, „đã bảo [miệng] cấm chụp, mà cứ chụp...” đều không có ý nghĩa gì cả.

(*) Vụ tay ký giả Hung bị tẩn ở trên, có một chi tiết hay. Sau khi bị thụi rồi, ông trưởng nhóm cảnh sát mới ra, bảo, „sao anh cứ quay cảnh bọn tôi trấn áp hu-li-gan, thế lúc chúng nó oánh bọn tôi thì sao?” (Như vậy, lộ ra cái lý do phải hành hung tay phóng viên ảnh, là cảnh sát sợ hắn chỉ nhăm nhe chụp các „pha” cảnh sát ra đòn, rồi đưa lên báo kêu ca „mất nhân quyền”, „bạo hành cảnh sát” :). Thì tay phóng viên giơ ngay máy, cho xem tấm ảnh trước đó, có chụp chiếc xe cảnh sát bị đập vỡ cửa kính (minh họa ở đầu entry này). Ông cảnh sát im bặt luôn... :)

17/9/08

Thế sự

9 nhận xét




Lâu không nói chuyện thế sự Hung Gia Lợi, phần cũng vì trong dịp hè chả có gì đáng nói. Những khi ấy, làm tin thật là khổ sở!

Cuối tuần trước, đầu tuần này, chờ mãi, mới có một đề tài đình đám. Ấy là việc các đảng đối lập viện cớ chính phủ Hung làm ăn vớ vẩn, dân tình đói khổ, đất nước lầm than, nên đòi phải... giải thể Quốc hội! Thế là, cuối cùng, chiều thứ Hai qua, Quốc hội Hung phải đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự, cụ thể là phải tiến hành biểu quyết xem có nên giải thể... chính mình hay không :)

Kết quả là số các dân biểu đòi giải thể không đạt mức quá bán, nên Quốc hội hiện tại vẫn được tồn tại.

*

Cái đáng nói ở đây, thực ra không phải là về kết quả này (vì đa số dân tình đều tính đến một kết quả như vậy), mà là về cái cách mà báo đài Hung làm nhân động thái này. Suốt trong mấy ngày, họ đưa tin rầm rộ, liên tiếp và đa dạng đủ kiểu, khiến ai ít quan tâm nhất đến chính trị cũng phải biết đến sự kiện trên. Đặc biệt, từ sáng thứ Hai, Đài Truyền hình Quốc gia Hungary (MTV) phỏng vấn dồn dập, nô nức người này kẻ nọ với những vấn đề "nóng" như "cần bao nhiêu phiếu tán thành thì giải tán được Quốc hội?", "giải tán Quốc hội rồi thì nước Hung ra sao?", v.v... Các báo trực tuyến thì mở chuyên mục riêng, online từng phút một, rất gây cấn không kèm gì màn "chuyện cảnh giác" "công an bắt gián điệp" của đài ta thời bao cấp!

Thoạt nhìn qua, thì cứ nghĩ truyền thông Hung, chắc phải thích thú, tán thành lắm với viễn cảnh giải thể Quốc hội, thậm chí, có khi bị phe đối lập "kích động", hoặc cho tiền, nên mới sốt sắng thế!? Nhưng kỳ thực, đây chỉ là một cách làm rất bình thường của báo chí Tây: đảm bảo quyền được biết, được hiểu và được minh bạch thông tin của dân trong một đề tài có thể gọi là nhạy cảm với chính quyền. Không làm thế, dân họ không đọc, không xem, tẩy chay, thì chỉ có nước đóng cửa!

Ở ta, ngược lại, dĩ nhiên chả bao giờ có chuyện có ai dám đề xuất giải thể cơ quan này nọ của nhà nước, chính phủ. Nhưng, những đề tài "nhỏ con" hơn thế nhiều, như việc xử lý Hoa hậu chẳng hạn, cũng cứ phải là chuyện "cơ mật" giữa các cơ quan "chức năng", giấu giấu giếm giếm đến khổ. Báo chí có muốn "phản biện xã hội", cũng khó khăn, vì rào cản chính quyền, và dân thì thường biết đến chuyện "nhạy cảm" xảy ra ở làng bên cạnh trước tiên là qua các kênh ở... hải ngoại (hoặc... blog) :)

Dễ hiểu là đối với chính quyền, thì mọi việc cứ "lưu hành nội bộ", "bí mật quốc gia" là tiện nhất, đỡ gây "bất ổn cho xã hội". Dân không cần biết, càng không cần hiểu làm gì, rách việc, đã có lãnh đạo lo! Cho dù, lãnh đạo, hoặc đơn thuần là "công bộc của dân" (ý Cụ Hồ), hoặc chỉ được giữ cương vị của họ thông qua một "khế ước xã hội" mà người dân có quyền xé bỏ nếu thấy không phù hợp nữa (như cụ Mạnh Đức Tư Cưu dạy cách đây vài trăm năm), chứ có phải là... Ông Giời đâu? :). Cho nên, đôi khi, đọc được một bài viết trên báo ta, mà sau đó dăm bảy tiếng bị gỡ xuống không kèn không trống, thật là thích vì cảm giác sao lại có "bí mật quốc gia" bị lọt lưới ngoạn mục như thế? ;)

Dân Tây, quen đọc thoải mái, thả phanh, chả bao giờ có được khoái cảm (và điên rồ hợp lý) kiểu ấy :((

(*) Minh họa (để câu khách, chả liên quan gì đến entry này): Sáng nay, đọc tin "nhạc sĩ Duy Quang từ trần", sợ quá, định báo ngay cho bạn Minh :)

14/9/08

Trung thu

12 nhận xét



Bù đầu từ hai tháng nay vì nhiệm vụ Đảng, Bác giao, tới hôm qua mới kết thúc. Hôm nay mệt quá, ngó qua blog bạn Linh một phát, mới tiếc hùi hụi là mình đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng: viết blog kiếm tiền (bạn Trang the Ridiculous xui).

Nhưng ngẫm lại, có họa... rồ mới có ai cho mình tiền để viết blog :)

*

Trung thu năm nay, bên này không có tổ chức chung cho cộng đồng, "hoành tráng" như các năm trước. Nên một số tổ khu phố, gia đình nảy ra sáng kiến "xã hội hóa" lễ Trung thu, xưa kia vẫn được coi là nhiệm vụ và đặc quyền của các hội đoàn. "Trăm hoa đua nở", nhiều nơi tự làm, âu cũng là lành mạnh.

Nhà cún thì "ăn chơi" tại gia, kỳ cạch làm nem, ăn với bún, canh cá dấm, đơn giản và ngon. Rủ cô Cầm và Thụy Bảo đến chơi (và xơi), cho bọn trẻ con sum vầy với nhau chút. Ba đứa trẻ con tập trung ở một nơi, họp chợ phá nhà liên miên, vui nhưng nhức đầu quá!

Nhắc đến Trung thu là phải nhắc đến các cháu: "Trung thu trăng sáng như gương - Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng..." Mới thấy nhi đồng thúi tai thật quan trọng: mầm non đất nước mà què quặt thì vận mệnh dân tộc, sơn hà ta nguy biến lắm!

Ngẫm lại, hai nhi đồng nhà này, không biết sau có "làm gì cho Tổ quốc nhờ" được không? Xét những dấu hiệu cho đến giờ, thì chúng không làm loạn, là may lắm rồi!

Cứ như cún, thời gian qua đã thực sự trở thành một "hung thần" của bố mẹ với nhiều trò quỉ quái. Bò khắp nhà, nghịch như ranh, vớ và xé sách báo của bố, lê la nghịch đất và phá cây mẹ trồng, suốt ngày rớt rãi, bẩn thỉu vô cùng, thì không phải chuyện mới. Nhưng từ khi hơi biết đứng, sợ nhất là kiểu cún đứng độ 1 phút, rồi cố tình ngã ngồi đánh "bịch" xuống sàn hay giường, đợi một tí, mặt rất minh triết, rồi mới tiếp tục ngã nằm ra, ngả ngớn, khiến bố mẹ rất ngán và sợ (biêu đầu như chơi ấy chứ). Rồi, chiều nay, sau một thời gian quen lân la cạnh máy tính, nơi có nhiều dây dợ nghịch rất thích, cún đã sờ sà và tắt ngỏm được máy đúng lúc bố đang viết: hành vi phá hoại hiệu quả đầu tiên của cún đã thành hiện thực, mỹ mãn! :((

Thu Vân thì càng lớn càng bướng: cái trò bố mẹ bảo, nó điềm nhiên nhún vai, hất hàm rất Tây "thì đã sao?" bằng tiếng Hung, dân chủ và tự tin, nhưng lắm khi cũng khiến bố mẹ nóng gáy. Rồi hơi tí là dỗi, nội tâm này nọ, ngúng nguẩy, rõ là khó lường!

Ôi, đời sao mà mệt!

(*) Minh họa: Cún đứng hệt như kiểu bọn Sumo đứng tấn trước khi đẩy nhau, chân choãi, kiểu đánh dậm Giao Chỉ, có lẽ vững nhưng như thế khó đi sớm được, mẹ bảo vậy.