29/7/08

"Như chưa hề có cuộc chia ly..."

4 nhận xét



Đọc "Như một lời chia tay" của blogger Ngoc N (nhà báo Nguyễn Tuấn Ngọc của báo "Pháp luật Việt Nam") mà buồn tơi tả!

"Hình thức kỷ luật mà anh Bùi Thanh phải nhận lấy là: cách chức, rút thẻ nhà báo, không cho làm việc gì liên quan đến nghề báo...không biết kết quả bỏ phiếu thế nào, nhưng tôi cảm thấy đó là một hành động tàn độc với một người dấn thân với nghiệp báo như anh Bùi Thanh. Một hành động mà người ta tước đoạt đi lòng đam mê của con người... Với một người làm báo như vậy là hết! Chỉ còn lại nước mắt và lời sẽ chia yêu thương từ cộng đồng..."

Mấy hôm nay, nghe phong thanh các nơi, rồi thấy blog của anh Bùi Thanh không còn tấm poster có hình nhà báo Nguyễn Văn Hải cùng slogan "Chúng tôi luôn ở bên bạn", cũng có thể cảm nhận được số phận của PTBT "Tuổi Trẻ". Nhớ lại những dòng anh viết trên blog: "Hình ảnh và slogan này sẽ xuất hiện tại trụ sở chính của báo "Tuổi Trẻ" và các Văn phòng đại diện "Tuổi Trẻ" trong cả nước. Như một lời nhắc về một đồng nghiệp đang nằm trong trại giam. Cho đến khi Hải và Chiến được tự do", thấy lòng rười rượt bất an!

Vẫn biết, tội anh Bùi Thanh lớn lắm!

Đúng lúc dầu sôi lửa bỏng HS - TS, đã có "chỉ thị yêu nước" chưa mà anh dám viết trong entry "Không thể chấp nhận được!": "Cho dù đó là gì đi nữa, chúng ta trước sau vẫn chỉ có một câu trả lời: Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam và mãi mãi là như thế! Những người đi trước đã ngã xuống vì mảnh đất này và do vậy, chúng ta cũng sẽ không lãng quên điều ấy. Và chúng ta cũng không cho phép ai thay đổi lịch sử, thay đổi bản đồ Việt Nam! Và xin bạn, mỗi ngày mở trang hai báo "Tuổi Trẻ", trong mục dự báo thời tiết, hãy xem Hoàng Sa, Trường Sa chúng ta bao nhiêu độ? Nơi ấy nắng ấm, mưa bão thế nào? Như chưa hề có cuộc chia ly…"

Rồi khi hai đồng nghiệp bị bắt giam một cách mờ ám, lại vẫn anh, công nhiên bày tỏ sự "đau buồn và phẫn nộ" trong entry "Vì sao?": "Ai ở trong hậu trường vụ án này mới hiểu hết sự kỳ lạ và phức tạp của nó. Ai đó đã đúng khi nói rằng công lý dường như bị nhạo báng qua vụ án này và nhà báo đã trở thành nạn nhân".

Những dòng của anh, trên blog, và đặc biệt, trên mặt báo "Tuổi Trẻ", đã mang lại niểm tin cho không ít người trong những giờ khắc căng thẳng ấy, thì bây giờ khiến anh phải ra đi...

Chia tay anh Bùi Thanh, một người chưa hề quen biết, và nghĩ đến câu anh viết để hy vọng: "Như chưa hề có cuộc chia ly..."

Trại hè của Thu Vân

5 nhận xét



Thu Vân đã đi trại hè về, sau 10 ngày, bố mẹ nhớ ghê gớm!

Hè này Thu Vân đi hai trại, kỳ trước (7 ngày) là của lớp Giáo lý Tin lành, còn lần này là trại hè thường niên do nhà trường tổ chức, năm nào cũng ở Balatonlelle là một thành phố nhỏ khá nổi tiếng về du lịch bên bờ hồ Balaton.

Năm nay, không may cho Thu Vân là đúng vào tuần đi trại, thì lại mưa gió thất thường, có hôm còn giông bão to, "gió cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, biển động dữ dội". Nên chỉ mấy hôm cuối mới tắm, phơi nắng được. Bù lại, ngày nào Thu Vân cũng có những chương trình chơi bời phè phỡn các kiểu (thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, nhảy nhót, dã ngoại, ăn uống nhậu nhẹt...) từ sáng đến tối, rất thú vị! Các cô phụ trách (trong đó có cô chủ nhiệm Thu Vân) thì vô cùng nhiệt tình, tâm lý và tốt như... thiên thần, nên phải nói là, gia đình nào cho con đi thế này cũng rất tin tưởng và yên tâm. Giá một "tour" như thế, trọn gói, 10 ngày, có 25.000 Ft (chừng 100 EURO).

Thu Vân được bố mẹ cho 5.000 Ft đi ăn quà (đây là số tiền tối đa mà trường quy định :)), nhưng chỉ tiêu hết chừng 3.700 Ft. Về nhà bố mẹ cứ hỏi "con tiêu những gì?", làm Thu Vân có vẻ bực ;)) (vì rốt cục đây là chuyện của Thu Vân, mà cứ bị bố mẹ xía vô, tọc mạch, mất tự do!) Nhưng, mát mặt nhất, là Thu Vân không quên mua quà cho bố mẹ:

- mẹ được 1 cái ví vải Thu Vân mua và tự dán hình nhím mẹ và những đứa con, khiến mẹ rất ứng ý vì có thể dùng đựng thuốc để đi đâu cần thì mang theo,

- bố được 1 cái bút có khắc tên GYULA (là tên Hung mà bạn bè đặt cho bố khi bố còn đi học), và một hàng chữ (tiếng Hung, tạm dịch): "Gyula là người cảm thấy thoải mái nhất khi ở nơi tự do. Là người bạn có thể trò chuyện rất khoái khẩu nhờ tính tình vui vẻ" (cái này bố thấy rất đúng ;)).

Sau đây là một vài ảnh có Thu Vân lấp ló, ở trại hè:

Đội của Thu Vân, được giải nhất một môn gì đó
Trên khán đài cổ vũ các bạn
Dã ngoại với cô chủ nhiệm và các bạn trong lớp
Thể dục buổi sáng
"Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia..." (Hoàng Lân)
Bố trông Thu Vân chạy tốc độ thế này mà sợ ;)

(*) Minh họa là ảnh Thu Vân do chú Trung Nghĩa (báo "Tuổi Trẻ") chụp rất nghệ thuật: mặt mày thì rõ, còn sông Danube và các kiểu thắng cảnh, di sản thế giới... đằng sau thì mờ tịt! ;)

Nhân đây, cám ơn chú Nghĩa đã gửi tặng cuốn sách mới "Tình yêu ở quanh ta", có nhiều bài bình luận về phim ảnh (Hàn, Mẽo, Tàu, Hương...), sách in đẹp, trẻ trung, bìa láng bóng, trình bày mỹ thuật! ;). Trân trọng giới thiệu đến bà con gần xa! :)

28/7/08

Ăn phân người, cắt tai nhắm rượu, v.v... à la "VieTimes"

0 nhận xét



"VieTimes" lại tiếp tục nhảm nhí với loạt bài này: "Bị ép ăn… phân người rồi cắt tai "nhắm rượu", v.v...

Đồng ý là có thể nhìn lại quá khứ xem dân ta từng khổ thế nào, v.v... và v.v..., nhưng qua một trường hợp của bà Mùi này (ảnh trên), mà phán những câu "có cánh" và rỗng tuếch như sau, thì có lẽ chỉ có "VieTimes" mới có gan lố bịch đến thế (Trang the Ridiculous bị cướp danh hiệu này rổi ;)).

Thời quái nào chả có những người là nạn nhân của những trò tàn ác như thế? Dễ thường thời nay ít hơn xưa, phỏng? Điểm một vòng báo chí, có lẽ vớ cả rổ, không khó! Nhưng nếu là nạn nhân "đương đại" - không phải do đế quốc, phong kiến, phát-xít, thực dân... - thì bác "VieTimes" biết "Mao Tôn Cương" vớ vỉn ra sao đây? :((

Phục tài các bạn "VieTimes" vô vàn!

*

Nhân loại đã có nhiều luận lý về cái sự khổ của kiếp phận con người. Có người thích khổ hạnh để “tu”, có người chỉ mong được đòn roi vấy máu để gánh tội cho một đấng siêu nhiên xa thẳm nào đó của mình, lại có những người tìm cách hiến đời vào trong nhục nhằn hy sinh vì một lẽ đời bác ái hơn.

Cũng thật khó để biết thế nào là khổ, thế nào là sướng, khổ bằng nào là quá sức con người. Tựu trung, người ta chỉ thực sự lâm vào khổ nạn, khi người ta coi những gì người ta gặp là… đớn đau. Bởi thế, loạt bài này chỉ nói về những tròng ách số phận mà “khổ chủ” trằn truội cả một đời không thoát ra được. Những đau đớn mà tự người gặp phải (cùng với chúng ta) đều thấy là không thể tưởng tượng được.

[...] Nhiều khi nghĩ về bà Mùi, tôi cứ nghĩ bà là một pho sử sống, nương theo các kiếp nạn của bà, chúng ta sẽ thấy những trang sử lấm láp, bi thương độ trước: sinh ra trong thời phong kiến, bố mẹ bị giết bởi địa chủ ác ôn và phát xít Nhật khi chúng xâm lược Việt Nam; đi ở cho địa chủ, bị hành hạ “trần đời có một”, bị cắt lìa tai, treo lên xà nhà, dùng dao ghè răng, tưới phân dòi bọ vào đầu, bắt ăn hết một gáo phân người; lớn lên đi làm công nhân vác đá, đập đá, rải đá đường tàu cho Nhà nước ta; sau giải phóng Điện Biên, từng chứng kiến những ngày vinh quang của người lao động xã hội chủ nghĩa. Rồi bị ép lấy một hàng binh châu Phi, bị hành hạ, bạo lực tình dục suốt gần chục năm, sinh ra 3 anh con giai, chạy bom Mỹ leo thang khắp nhiều tỉnh miền Bắc, chồng chết, mất mộ, mất xác, bới đất lật cỏ nuôi con, 3 đứa con lai Ma-rốc trưởng thành. Con nó cũng ra chiều phụ bạc ơn dưỡng dục sinh thành, bà Mùi đành sống nốt những ngày tủi nhục bằng tiền trợ cấp xã hội.

[...] Anh Hùng, người đưa tôi đến gặp bà Mùi, thở dài: nỗi khổ của bà làm tất cả chúng tôi bị ám ảnh. Nhiều lúc ghê rợn, sao con người ta có thể sống được với sự đày đọa ngần ấy?! Sao ngày xưa, cũng ở nước ta, mà lại có những “đồng bào” tàn ác như thế?

Bóng ma của chế độ phong kiến ở Việt Nam chính thức bị tiêu diệt cách năm 2008 này những 63 năm (từ 1945), thực dân Pháp bị đuổi khỏi Việt Nam cách đây 54 năm (từ 1954), cho nên, điều không mấy khó hiểu là: những “nhân vật” thậm khổ sở còn đang sống để kể chuyện mà chúng ta có thể gặp được hiện nay, thường họ đến từ… chế độ phong kiến, dưới ách xâm lược thực dân, phát xít, đế quốc. (Có lẽ, chỉ một hai thập niên nữa, “thế hệ” này sẽ hầu như không còn một nhân chứng sống nào). “Thì buổi” quái đản ấy, bao giờ cũng là cái nôi sản sinh ra những phận người sống dưới mức sống của một con người, sống buồn nhục nhất, buồn như bóng tối; như góc khuất của những khát khao được tử tế sống làm người. Họ bị vô cớ bắn giết người thân, bị tù đày, ly tán, bị hãm hiếp, bị ép làm nô lệ tình dục, bắt ăn cơm trộn dầu luyn, trộn máu của chính họ, bắt ăn phân người cùng dòi bọ (theo đúng nghĩa đen), bị “trừng trị” bằng cách cắt tai, cắt tay chân một cách thú tính nhất…

Nỗi đau của họ luôn làm ta thấy căm phẫn, thấy ngượng ngùng và hoang mang tột độ. Lại thấy rằng, lịch sử luôn được mang tải sinh động nhất, ám ảnh nhất chính trong mỗi phận người nhỏ bé kia. Không chỉ có chính sử bằng giấy trắng mực đen với các “điểm mốc” lớn in trong sách vở mà con trẻ đang học thuộc lòng - mỗi đời người, dù “vô danh”, “khuất nẻo”, “đáy cùng” nhất vẫn khắc tạc được lồng lộng từng bước đi của cộng đồng. Không có cội người kia, lịch sử chỉ là một bức tranh xơ cứng. Chính vì vậy, khi ghi lại những câu chuyện dài miên man, buồn thê lương, chi tiết mộc mạc mà rợn người sau đây, chúng tôi không mong gì hơn là để chúng ta cùng biết đến, sẻ chia với một “giai đoạn sống” mà cha anh ta, không ít người, đã phải đối mặt, mà đồng bào mình từng phải oằn lưng gánh chịu. Chẳng đâu xa, các pho sử sống ấy, vẫn lặng lẽ, sương khói, tủi hờn sống, viết tiếp những trang sử tươi mới cùng tôi và các bạn hôm nay.

(Ngán quá, còn nhiều, nhưng thôi, không PR cho "VietTimes" nữa!)

(*) Mà hôm nay vào lại "VieTimes" thì tuyệt nhiên không thấy loạt này nữa nhỉ. Chỉ thấy ở các nơi khác đã đăng lại...

26/7/08

Luộc

10 nhận xét



Khổ lắm, đến một bài report chuyện cộng đồng rất bình (tầm) thường mà cũng bị luộc! :((

Kể ra, luộc cũng không sao, vì như thế một hoạt động cộng đồng của bà con xứ heo hút này được biết nhiều hơn trên... thế giới. Cơ mà, luộc, phịa tên tác giả đã đành, lại còn phải "biên tập" đi đôi chút (cho nó khác), mà "biên tập" thì sai bét: Hung Gia Lợi có phải "đất nước hoa hồng" Bảo Gia Lợi đâu (dù tên hai nước có trùng nhau cái đuôi "Gia Lợi" - ary và đều ở Châu Âu cả).

Tờ báo là cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao ta mà... lơ mơ kiến thức thế này, nguy quá! Khổ nhất là chỗ khác không biết, lại bệ y nguyên về, góp phần phát tán cái sai! :((

(*) Minh họa (không liên quan gì đến nội dung entry này): Rau muống luộc, một món ăn ưa thích, "quốc hồn quốc túy" của đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc - Nguồn: Anh-téc-nét.

20/7/08

"Vòng nguyệt quế"

38 nhận xét



Thấy nhà mình nô nức khen chê bộ phim "Vòng nguyệt quế" quá, cũng hơi sốt ruột, không biết VTV4 có định "đối ngoại" với bộ này không, và nếu có thì phải chờ bao lâu nữa.

Tuy nhiên, để "lên tinh thần", có info cho khỏi bỡ ngỡ, cũng nên nghiền ngẫm anh... "VieTimes" xem sao. Thì thấy ngay hai bài của ông đạo diễn NSND Khải Hưngcô nhà văn trẻ Hà Thủy Nguyên. Cả hai bài đều toát lên vẻ tự tin rất mạnh mẽ, xứng đáng với một bộ phim đang được bàn cãi ;).

Đặc biệt, bài trả lời của cô Nguyên, thì vừa tự tin, vừa rất "nổ", cứ băng băng như tàu hỏa! Xem mà thấy khoái. Đơn cử đôi ba ví dụ.

- "Vòng nguyệt quế" là sự đúc kết đời sống văn học của tôi. So với các bạn trẻ 8X, tôi là một người nổi tiếng khá sớm [Lạ thật, cái tiếng ấy không lan mấy ra ngoài này :((]. Tôi viết từ năm tôi 14 tuổi [Vẫn kém anh Khoa :)]. Năm 18 tuổi đã có tác phẩm xuất bản. Đời sống văn nghệ sĩ thế hệ 8X tôi đã muốn viết từ lâu rồi. Đầu năm 2007, tôi đã nghĩ tới kịch bản và đề cập với anh Phong. Sau đó do một số việc nên tôi chưa viết ngay được. Tháng 7 tôi bắt tay vào viết kịch bản trong vòng 1 tháng là xong, bởi vì tôi đã chuẩn bị đề cương sẵn rồi [Viết nhanh thế, có thể là thần đồng, nhưng cũng dễ ẩu tả lắm!]

- Tôi nghĩ rằng tôi viết kịch bản cho phim về những nhà văn trẻ. Điều cần thiết cho nhà văn là đọc nhiều và có vốn sống lớn. Cho nên suy nghĩ, ngôn ngữ của họ già là điều dễ hiểu. Mặt khác hiện nay báo chí đang đề cập tới trình độ văn hóa của nhà văn còn hạn chế. Tôi muốn xây dựng hình tượng một nhà văn với phông kiến thức đầy đủ. [Buông liền 4-5 câu cạnh nhau mà không hề có sự liên hệ logic nào tử tế, cũng phục!]

- Cái quan trọng nhất của người cầm bút là phải có đạo và chiến đấu hết mình cho cái đạo của mình, không bao giờ chùn bước cho dù bị người này người kia công kích hoặc là bị một cái gì đó ngáng trở, vẫn phải tiếp tục đi. Trước khi là một nghệ sĩ phải là một hiệp sĩ đã. [Sợ quá, lại "sứ mệnh" rồi!]

- Việc giới trẻ trong phim vấp ngã là điều đương nhiên [Sao lại đương nhiên?] Nếu không vấp ngã thì không phải là giới trẻ [Hô hô, hay!] Họ phải tự lột xác rất nhiều lần thì mới có thể có chân dung hoàn thiện được. Tôi cũng là một người trẻ nên tôi hiểu [Chắc không?] Vì vậy những nhân vật của tôi có những sai lầm thế nào đi chăng nữa thì cũng không sao bởi vì họ không phải là người già [Người già mà vấp ngã thì gay nhỉ, vì không còn khả năng gượng dậy hoặc sửa chữa nữa? Ui, ý này thâm! :)].

- Điều tôi muốn gửi gắm ở đây là giới trẻ có ngông cuồng, có ngạo mạn, tự tin vào bản thân mình rồi họ vấp ngã cũng là cách để họ nhận ra, họ tự đứng lên. Tôi tin vào sự ủng hộ của khán giả đối với bộ phim này. [Chà, bao giờ VTV4 mới chiếu đây nhỉ?]

Bổ sung: "VieTimes" tiếp tục chiến dịch PR cho "Vòng nguyệt quế" ghê quá! Nếu chán, nên chuyển sang "Nghệ thuật cộng đồng không là cái gì cả?": "Với những gì đang diễn ra, với những phản biện của một chuyên gia đến từ Viện Goeth, thì nên chăng có thể hiểu, nghệ thuật đương đại là nghệ thuật “làm rối rắm, khó hiểu những vấn đề đơn giản”? Một người trong giới còn cảm thấy, sự xuất hiện của nghệ thuật đương đại chưa đúng lúc, thì công chúng, những người chưa biết gì về nó, đã sẵn sàng để “vào chợ”, “ra đường”???" (cảnh cáo bác Búp bê bằng bột ;))

(*) Ảnh: "Nụ cười hiền lành, nhưng lại bộc lộ sự tự tin hiếm có của cô gái tuổi 22", theo tác giả Giang Bách Phương.

17/7/08

Chuyện chữ nghĩa: Chớ tán càn!

7 nhận xét




Bốc thơm tất nhiên là cái thông dụng của báo chí ta (ngoài này lắm khi cũng vậy thôi :)), nhưng không lẽ thấy không nói. Bốt thêm một bài cũ để nhà mình tham khảo "trình" cùa các ký giả chúng ta.

*

Tờ “An ninh Thế giới Cuối tháng” (tháng 2-2007) có bài viết “Bữa cơm của chủ tịch tỉnh thết… trưởng ty” của tác giả Nguyễn Ánh, thuật về chuyện nhà văn Mạnh Phú Tư, thời đầu cuộc kháng chiến 9 năm, được ông Đặng Thái Mai, khi đó là chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, đãi cơm.

Bữa cơm có cá, có đậu, vậy cũng coi là “xôm tụ” thời chinh chiến bấy giờ; nhất là, ông Đặng Thai Mai vốn đau dạ dày nên không ăn được mấy, hầu như một mình tác giả “Làm lẽ” “làm chủ tập thể”.

Tuy nhiên, Mạnh Phú Tư không khoái cá, mà cá trong bữa ăn này lại thuộc loại nhỏ, lắm xương nên nhà văn của chúng ta vừa ăn, vừa nhằn và càu nhàu: “Hừ, cá sao mà lắm xương thế!

Cứ thế mấy lần, ông Đặng Thai Mai thoạt đầu chỉ lặng lẽ ngồi uống nước và xỉa răng, sau đành đáp lời: “Này, cậu có muốn bảo mình là cá gỗ thì bảo!

Khi đó, Mạnh Phú Tư mới giật mình, buột miệng “bỏ mẹ chưa!”, vì biết sự vô ý của mình đã đụng chạm đến “quê hương bản quán” của ông chủ tịch tỉnh!

Câu chuyện nếu dừng ở đó, thì cũng thú vị, có thể liệt vào hàng vô vàn giai thoại văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, cái… vô duyên của người kể lại chuyện, là ở những dòng “đao to búa lớn” rất “bất thành cú” như sau:

… Phải chăng văn tức là người nên con người của Mạnh Phú Tư cũng… đặc Việt Nam? Tính cách Việt Nam đặc biệt của nhà văn Mạnh Phú Tư là ngay ở bữa cơm được ông Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa… thết!

May mà nhà văn mang tính cách Việt Nam đặc biệt cả con người lẫn văn chương chỉ buột… ra ba từ trên thôi [”bỏ mẹ chưa!”] rồi thầm nghĩ: Chết, mình cứ thực thà phê bình cá nhân chứ có phải cạnh khóe gì đến gốc gác quê hương bản quán của Chủ tịch đâu! Bỏ mẹ chưa!

Một lần được ăn cơm thết của Chủ tịch tỉnh lại còn cằn nhằn nhiều điều đến như thế của anh cán bộ cấp dưới là Mạnh Phú Tư hẳn sẽ trở thành… đại họa cho anh!? Nhưng không! Chỉ ít lâu sau Mạnh Phú Tư được Chủ tịch đề bạt làm Trưởng ty Thông tin tỉnh Thanh Hóa! Thế nghĩa là con người và văn chương của Mạnh Phú Tư thật đặc biệt Việt Nam, còn con người của nhà văn hóa lớn cũng thật lớn! Một tính cách thẳng thắn, có sao nói vậy, không uốn éo, xun xoe! Một tính cách đại lượng, đại nhân không tị hiềm, để bụng…

Rõ chán!

Câu chuyện trên đây, nếu có thực, cũng chỉ phản ánh một cử chỉ không được tế nhị và lịch sự lắm của Mạnh Phú Tư; nói nhẹ đi là “vô tâm”. Nếu coi sự vô ý ấy là “tính cách thẳng thắn, có sao nói vậy, không uốn éo, xun xoe“, thậm chí phong nó thành “đặc biệt [tính cách con người] Việt Nam” như tác giả Nguyễn Ánh đã nhắc đi nhắc lại mấy lần trong bài, thì hẳn là vô duyên!

Việc ông Đặng Thai Mai không trù dập, ngược lại, còn đề bạt Mạnh Phú Tư, cũng có gì ghê gớm mà phải ca tụng đến cả “con người của nhà văn hóa lớn cũng thật lớn“, rồi “một tính cách đại lượng, đại nhân không tị hiềm, để bụng…“? Để làm sáng tỏ điều này, hãy thử xem lại, Đặng Thai Mai và Mạnh Phú Tư “là ai” trong thời gian câu chuyện diễn ra.

- Về mặt tuổi tác, Đặng Thai Mai hơn Mạnh Phú Tư 11 tuổi. Nhưng trong làng văn nghệ thời bấy giờ, tuổi tác không phải là yếu tố khủng khiếp để hễ ai hơn tuổi là có cách cư xử kiểu “cha chú”.

- Về sự nghiệp văn học, tính đến đầu kháng chiến chống Pháp, Đặng Thai Mai nổi tiếng với các tác phẩm nghiên cứu “Văn học khái luận”, “Lỗ Tấn”, “Tạp văn Trung Quốc” (đều năm 1944), cùng một số bản dịch Lôi Vũ, Tào Ngu. Trong khi đó, Mạnh Phú Tư cũng là một nhà văn “có danh”, với tiểu thuyết đầu tay “Làm lẽ” được giải nhất về tiểu thuyết của Tự lực Văn đoàn (1939). Ngoài ra, ông còn tiểu thuyết “Gây dựng” (1941), “Một cảnh sống” (1941), “Một thiếu niên” (1942), “Nhạt tình” (1942) và tập truyện ngắn “Người vợ già” (1942). Mạnh Phú Tư cũng nổi tiếng với tiểu thuyết tự truyện “Sống nhờ” (1942), tác phẩm được coi là tiêu biểu hơn cả, về tuổi thơ bươn chải cay đắng của tác giả trong hoàn cảnh hủ bại của xã hội phong kiến tại nông thôn.

Như vậy, trên tư cách một nhà văn, Mạnh Phú Tư cũng không có gì đáng “hổ thẹn” trước ông Đặng Thai Mai!

- Về hoạt động xã hội và chính trị, Đặng Thái Mai là người đi trước, với sự tham gia trong đòi ân xá Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh (1925), gia nhập Đảng Tân Việt, cũng như, tham gia phong trào Cứu tế đỏ (1930) và Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ (1936). Ông còn ứng cử Viện dân biểu Trung Kỳ (1939), rồi sau năm 1945, là đại biểu Quốc hội khóa I, ủy viên Ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời, là bộ trưởng Bộ giáo dục trong Chính phủ Liên hiệp. Đầu kháng chiến, Đặng Thai Mai là chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thanh Hóa.

Ngược lại, Mạnh Phú Tư trước 1945 không tham gia chính trị và sau 1945, ông cũng chỉ chủ tâm viết báo phục vụ kháng chiến, ngoài một chức vụ về sau là phó chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Thanh Hà (Hải Dương). Tuy nhiên, thời đầu kháng chiến, giới văn nghệ sĩ cũng chưa hay mắc phải tệ ỷ “thâm niên” hay chức quyền trong chính trị, xã hội để trù úm hay “chơi xấu” lẫn nhau.

Nhất là, một khi đã biết khả năng của nhau, thì chẳng ai “để bụng” mấy chuyện nhỏ (như câu chuyện trên), mà còn cất nhắc, bố trị nhau vào những cương vị xứng đáng, như Đặng Thai Mai đã làm đối với Mạnh Phú Tư. Nếu chỉ vì vậy mà “tung hô” lên là “đại lượng, đại nhân, không tị hiềm”…, tưởng là ca ngợi, thức ra lại là “bỉ” người xưa lắm thay!

Phải chăng, một câu chuyện ngắn ngủi, kể lại đơn thuần có lẽ không đủ thành bài viết, nên cần vẽ rắn thêm chân, “Mao Tôn Cương” bừa bãi, vô duyên?!

(*) Ảnh: Khen như thế… bằng mười phụ nhau! - Ảnh: Nhà văn hóa Đặng Thai Mai (1902-1984)

16/7/08

Bốc thơm

29 nhận xét




Vụ hoa hậu lẽ ra đã kết thúc, nhưng xem báo chí thời "hậu hoa", thấy có bài này cần cho giải về "bốc thơm" toàn tập!

Có lẽ nên đưa lại nguyên văn để PR cho tác giả Hà Thành (tên oách gớm :)) và Thùy Lâm, chứ xin miễn bình!

Bổ sung: Đọc đoạn này "Thùy Lâm cho biết, cô được sắp xếp ở cùng với HH Trinidad & Tobago và HH Malaysia. HH Levy Li (Malaysia) đã trở thành người bạn thân của Thùy Lâm. Lâm thường kể cho Levy Li nghe về văn hóa, phong tục, tập quán Việt Nam khi hai người có thời gian tâm sự", lại nhớ có tờ lá cải Hung giật tít "Jázmin dạy tiếng Hung ở Việt Nam". Đây chính là tờ, hồi hè năm ngoái, đã tổ chức "Ngày hội hôn" ngay trước Nhà Quốc hội Hungary, để tái chinh phục kỷ lục "Cùng một lúc, có nhiều cặp hôn nhau nhất" từ tay Manila.

Nghe thì có vẻ giật gân và khó tin, vì tiếng Hung ma nó học ở Việt Nam! Đọc, thì hóa ra cô hoa hậu Hung ở cùng phòng với hoa hậu Slovakia, thân nhau, cô Hung dạy cô Slovakia vài từ tiếng Hung ;). Tay ký giả đặt tít thật dở hơi, vì Slovakia có xa lạ gì với Hung đâu, thủ đô Slovakia (Bratislava) xưa thuộc Hung, vớ vẩn cô hoa hậu Slovakia cũng phải biết chút tiếng Hung, dạy làm gì :)

Thêm vài nhận xét ngoại cuộc về kết quả Miss Universe 2008. Như đã nói, Hungary chỉ tổ chức 1 cuộc thi để tìm ba cô đi dự Miss World, Miss Universe và Miss Earth. Ngoài Dammak Jázmin (Á hậu 1) đi dự Miss Universe thì Polgár Krisztina (Hoa hậu) và Freire Szilvia (Á hậu 2) là hai cô đi dự hai cuộc kia. Các cô này có theo dõi kỹ cuộc thi ở Việt Nam, rất mừng vì kết quả của Jázmin (Top 15) và lập tức gửi SMS chúc mừng. Theo họ, kết quả của Jázmin dầu là rất ngoạn mục, nhưng Jázmin lẽ ra phải đi tiếp được nữa, ít nhất là đến Top 10 vì theo họ, trong Top 10, có nhiều cô không nhất thiết xứng đáng, ví dụ cô Ý và cô Nga! Tuy nhiên, họ cho rằng phải chấp nhận điều đó, vì "đáng tiếc, trong một cuộc thi sắc đẹp tầm thế giới thế này, không chỉ cái đẹp là được tính đến: những lợi ích chính trị và kinh tế cũng có ảnh hưởng lớn!"

Tất cả đều thừa nhận vương miện về tay cô Venezuela là rất chính xác!

Bổ sung 2: Cám ơn bạn Hoàng Nhật, xin bổ sung link tham khảo: "Từ đêm thi “Duyên dáng Áo dài”: Hoa hậu hoàn vũ phải lòng áo dài Việt!" (PGS TS Nguyễn Thị Minh Thái)

Thùy Lâm đã đóng "trọn vai"

Công chúng đặt niềm tin vào sứ mệnh tôn vinh vẻ đẹp dân tộc trên vai Thùy Lâm. Bản thân ý thức rõ sứ mệnh ấy, Thùy Lâm cũng đã cố gắng hết sức, dù chưa chạm tới giấc mơ vẻ đẹp toàn năng mang tên Việt Nam.

* "Vũ khúc hạc" bay lên hồn dân tộc

Một trong những điểm nhấn nổi bật về Thùy Lâm, trước hết, phải kể đến bộ trang phục “Vũ khúc hạc” của nhà thiết kế Thuận Việt mà hoa hậu chọn mặc trong đêm thi Trang phục truyền thống.

Với bộ áo đặc biệt này, Hoa hậu Việt Nam đã để lại rất nhiều ấn tượng trong mắt người xem. Đâu đó bóng dáng của lầu cung triều Nguyễn hiện về. Trang phục Vương phi quyền quý, ẩn chứa bên trong là câu chuyện về một người phụ nữ đức độ, sang mà không kiêu, nụ cười e lệ, kín đáo của một người vợ hiền thảo, hiếu thơm trong lịch sử dân tộc.

Hoàng hậu Nam Phương (Vợ vua Bảo Đại) như biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam năng động, nhạy cảm với thời cuộc đã hóa thân vẻ đẹp vào “Vũ khúc hạc” để rồi gần một nửa thế kỷ sau, biểu tượng ấy lại được một hoa hậu thả hồn bay lên trong ánh mắt ngỡ ngàng của bạn bè ngoại quốc.

Ban giám khảo và các người đẹp đã thực sự bất ngờ trước vẻ lộng lẫy, sang trọng của "Vũ khúc hạc". Họ còn bất ngờ hơn khi được nghe câu chuyện ẩn mình trong ”Vũ khúc hạc”. Thùy Lâm đã gợi lại một nét đẹp truyền thống mang đậm bản sắc của người phụ nữ Việt Nam. Cô xứng đáng có mặt trong Top 10 người đẹp trình diễn trang phục truyền thống đẹp nhất.

* Hoa hậu làm hướng dẫn viên du lịch

Trong thời gian diễn ra cuộc thi HHHV 2008, từ thành phố Hồ Chí Minh, các người đẹp lần lượt "Bắc tiến" và lưu lại tại nhiều địa danh nổi tiếng của Việt Nam như Hội An, Hà Nội, Quảng Ninh trước khi trở vào Nha Trang.

Mỗi cuộc dừng chân là một lần họ được giao lưu, tìm hiểu và khám phá về con người và vùng đất ấy. Thùy Lâm luôn tiên phong giới thiệu đến các bạn Quốc tế vẻ đẹp, ý nghĩa và những giá trị bảo lưu trong tấc đất, viên gạch, mái ngói phố xưa… đã thành tên đất.

Trong hành trình khám phá Hạ Long, các hoa hậu bạn bè còn nhớ cảnh hoa hậu Việt Nam đứng trên boong tàu cười rạng rỡ trong nắng gió chan hòa, trên đầu là vành nón lá quai thao, không ngớt lời giới thiệu về những ngọn núi, hang động trên vịnh. Các người đẹp chăm chú lắng nghe, họ cười, nói, tỏ vẻ ngạc nhiên và choáng ngợp trước vẻ đẹp hùng vĩ mà tạo hóa ban tặng cho vùng biển này.

Sau chuyến đi không ít người đẹp đã tham gia bầu chọn cho vịnh Hạ Long trở thành di sản thiên nhiên Thế giới. Cho đến giờ và có thể còn rất lâu nữa, Hoa hậu Colombia Taliana Vargas - sẽ không quên ấn tượng và cảm xúc về chuyến khám phá Hạ Long trong đó có "hướng dẫn viên" - Hoa hậu Thùy Lâm.

Thùy Lâm cho biết, cô được sắp xếp ở cùng với hoa hậu Trinidad & Tobago và HH Malaysia. HH Levy Li (Malaysia) đã trở thành người bạn thân của Thùy Lâm. Lâm thường kể cho Levy Li nghe về văn hóa, phong tục, tập quán Việt Nam khi hai người có thời gian tâm sự. Cũng qua Li, Thùy Lâm được biết nhiều hơn về đất nước, con người Malaysia.

* Hậu "đấu trường sắc đẹp"

Hoa hậu hoàn vũ Thế giới là một cuộc thi sắc đẹp mang tính mở. Đây không chỉ là cuộc thi mà còn là cuộc giao lưu văn hóa giữa các quốc gia có người đẹp tham dự. Tất nhiên, mỗi người đẹp đến Việt Nam đều mang theo những nét đẹp văn hóa của quốc gia mình và lấy đó là niềm tự hào đem “khoe”.

Có thể đơn giản chỉ là những chi tiết nhỏ trên trang phục, những món quà xinh xinh, hoặc cử chỉ, lời nói, cách biểu hiện tình cảm cũng có nguồn cội từ bản sắc văn hóa.

Ngoại trừ những sự vắng mặt khiến Hoa hậu Việt Nam bị "trừ điểm", bởi lý do sức khoẻ, có thể tạm hài lòng vì chúng ta có một Thùy Lâm đã “trọn vai” trong những phần thi “không giám khảo” mỗi khi cô xuất hiện.

Dù Thuỳ Lâm đã không đủ yếu tố nổi trội để lọt vào các Top cao nhất của cuộc thi, dù giấc mơ về một vẻ đẹp Việt Nam toàn năng ở tầm cỡ thế giới vẫn còn xa vời vợi, nhưng cá nhân Thuỳ Lâm đã nỗ lực hết sức bằng mọi khả năng có thể.

Sau những ngày thi thố căng thẳng, các người đẹp trở về nước, trong câu chuyện của họ về Việt Nam, chắc chắn có hình bóng cô bạn Thuỳ Lâm. Có thêm một câu chào thân thiện bằng Tiếng Việt mà họ đã học được từ người bạn hoa hậu, ca sĩ.

Theo Hà Thành, VTC News

13/7/08

Án tử hình

13 nhận xét



Đọc đoạn đầu của bài này mà thấy rờn rợn: "Rạng sáng ngày 1/7/2008, tử tù Nguyễn Văn Hùng (SN 1957 - trú phường Chính Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng) đã được gọi làm các thủ tục trước khi ra pháp trường. Sau khi xin được nghe lại quyết định bác đơn xin giảm án tử hình của Chủ tịch nước, Nguyễn Văn Hùng viết những dòng chữ cuối cùng về cho gia đình: “Vợ, xin tha lỗi cho anh, và các con xin tha lỗi cho ba… Cu Dũng và bé Út tha cho ba bỏ mấy con sớm ra đi khi mấy con còn quá nhỏ. Thôi, mấy con nghe lời ba học cho tốt, cu Dũng thương em bé Út nghe…” Bữa ăn cuối dành cho tử tù được dọn lên nhưng Hùng chỉ ăn một quả chuối và uống mấy ngụm nước rồi xin cán bộ cho mình ra trường bắn. Đó là cái giá mà Nguyễn Văn Hùng phải trả cho những tội lỗi đã gây ra..."

Những tưởng Hùng phạm tội giết người, hiếp dâm trẻ em... gì khủng khiếp lắm kia, nhưng đọc tiếp thì hóa ra tội của Hùng là trộm cắp, một mình và cùng vài "đối tượng" khác, tổng cộng gần 10 tỉ đồng. Cho nên, mức án tổng hợp đối với Hùng là tử hình, do "xét thấy hành vi trộm, cướp tài sản do Hùng gây ra là không thể tha thứ, cần loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi xã hội".

10 tỉ đồng tất nhiên là khoản tiền lớn, rất lớn, nhưng án tử hình cho một kẻ trộm cắp như thế có là quá nặng? Trong khi, có trường hợp hãm hiếp trẻ em, khiến em bé hoảng loạn tinh thần, gia đình tan nát, thì bị cáo được tòa "bênh" là do trẻ em... khiêu khích, nên chỉ bị vỏn vẹn vài năm tù?

Có lẽ, nếu không bỏ được án tử hình (như đại đa số các nước Châu Âu đã làm), Việt Nam mình cũng nên hạn chế và chừng mực khi sử dụng án này, ví dụ, đối với những kẻ chủ tâm giết người quá tàn bạo, giết nhiều người, hoặc phạm những tội ác chống nhân loại, mà thôi...

Vài info tham khảo: Theo wiki, hiện tại trên thế giới có 90 nước đã bãi bỏ án tử hình, 11 nước chỉ dùng trong những bối cảnh đặc biệt và 32 nước không áp dụng ít nhất trong 10 năm qua. Chỉ còn 64 quốc gia vẫn tiếp tục áp dụng. Năm 2004, Việt Nam là nước có số các bản án tử hình cao thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Iran, và trước... Mỹ.

Hiện nay, Hiến pháp của 42 quốc gia trên thế giới coi án tử hình là vi hiến. Liên hiệp Châu Âu coi việc hủy bỏ án tử hình và cam kết không tái lập án tử hình là một trong những điều kiện để một quốc gia gia nhập EU.

Tại Hungary, ngày 24-10-1990, Tòa án Hiến pháp đã tuyên bố án tử hình là bất hợp hiến và do đó, hủy bỏ hình phạt này. Ông Sólyom László (mà báo ta phiên thành Xô-li-ôm La-xơ-lô khiến Mẹ Scoo rất đắc chí), tổng thống đương nhiệm Cộng hòa Hungary, chánh án Tòa án Hiến pháp 2 nhiệm kỳ 1990-2000, là người có "công đầu" trong vụ này.

Kể từ đó, hình phạt nặng nhất tại Hung là án tù giam chung thân thực sự (đại đa số các án chung thân "bình thường" chỉ kéo dài 15-20 năm :)). (Án tử hình cuối cùng được thực thi tại Hungary là vào ngày 14-7-1988, cách đây tròn 20 năm: nạn nhân là Vadász Ernő, bị án tử hình vì tội giết hại trẻ em).

(*) Ảnh minh họa: "Phòng giam tử tù" (1896), kiệt tác của danh họa Hungary Munkácsy Mihály

Xấu đẹp & "tính đại diện"

33 nhận xét



Miss Universe 2008 đến màn nước sôi lửa bóng quá rồi, báo chí nhà mình rầm rộ quá, nên cũng đành góp vài thông tin ở đâyở đây, về cô hoa hậu Hungary tham dự vụ này, cho phải phép.

Nói thực là cô ấy xấu. Bọn Hung cũng bảo vậy (và chúng nó còn bảo cả 3 cô Hung đi thi ba cuộc thi lớn năm nay đều xấu mù). Tuy nhiên, bên này, mấy thứ hoa hậu hoa hiếc này, nói chung là chuyện nội bộ của một số người làm về tổ chức, công nghiệp làm đẹp, mẫu mã, v.v... chứ không lan rộng ra quảng đại dân chúng, cho nên, những đàm tiếu sôi nổi và cập nhật như ở Việt Nam vừa qua đã không xảy ra (*). Báo chí thì tin tức vô cùng thưa thớt (chứng tỏ so với các đồng nghiệp Việt Nam thì họ đã bỏ lỡ những "cơ hội vàng" ;)), tham khảo cả chục tờ - mà đa phần là báo lá cải, hoặc báo phụ nữ - mới nặn được vài thông tin (như ở hai bài trên), để gọi là có.

Nói đến chuyện cô Hung xấu (mà lại... dám hy vọng lọt vào Top 10), mới thấy... tính đại diện ở đây chỉ mang ý nghĩa rất tương đối. Cho dù là đại diện cho một nước, nghe to tát như vậy, nhưng kỳ thực cùng lắm cô ấy chỉ đại diện được cho cá nhân mình! Cô ấy bị chê xấu, dĩ nhiên không phải... con gái Hungary xấu, nói chung, và ngược lại. Tất nhiên, những gì cô ta quảng bá cho Hung - không rõ có hữu hiệu hay không, như ăn vận quần áo dân tộc truyền thống, hay mang khối vuông Rubik và mấy thứ đặc thù của Hung đi giới thiệu... -, thì cũng có một ý nghĩa nhất định nào đó, nhưng chỉ dừng ở đấy thôi. Không ai có ý tung hô "vẻ đẹp Hung trên trường quốc tế" gia tăng, hoặc than vãn là nó đang... lụi tàn. ;)

Cũng như vậy, Jázmin được báo chí Hungray cho là một cô gái vừa đẹp, vừa có tính cách, lại vừa thông minh (!), nhưng giả dụ cô ấy, khi trả lời Ban giám khảo, có lỡ nói được câu hay, hay dở gì đi nữa, thì cũng không liên quan gì mấy đến vinh nhục của đất nước mà cô đại diện ;) (Ví dụ, được hỏi "khác biệt lớn nhất giữa Tổ quốc cô và Việt Nam?", Jázmin thản nhiên đáp "thời tiết" :))

Nói những cái này, để đặt mọi thứ vào đúng chỗ của nó. Các cô gái đẹp (hay xấu), dĩ nhiên là hay, ai cũng thích ngắm. Nhưng đừng đặt lên vai họ những trọng trách mà thực ra họ chả (hơi đâu) phải gánh. Để rồi cả nước hừng hực hy vọng, mà ngộ nhỡ các cô bị thất thố này nọ, thì xoay sang bỉ thử, kêu ca họ... Hay nói theo kiểu myselfvn thì, "có lẽ nhiều người thiếu thông tin, vẫn coi hoa hậu là một cái gì đó “sành điệu”, nếu có được 1 người Việt Nam lĩnh giải gì gì đó thì hẳn không ít người sẽ nghĩ đó là một bước “hội nhập”, “toàn cầu hóa” của Việt Nam, một vinh dự của Việt Nam!" :)

Vừa vừa phai phải thôi, thì hoa hậu sẽ là một cuộc thi vui vẻ, có chút ý nghĩa!

Bonus: Đọc cái này mà thấy thảm hại: "Được chọn là mẫu nam duy nhất dẫn 80 hoa hậu ra sân khấu trong đêm chung kết Miss Universe tổ chức tại Nha Trang, Hồ Đức Vĩnh rất sung sướngtrở thành người đàn ông may mắn nhất năm 2008, nhưng nghĩ mình sẽ run khi nắm tay nữ hoàng sắc đẹp trong phút đăng quang".

Hãy nghe khổ chủ rưng rưng sung sướng: "Chiều 10-7, tôi nhận được điện thoại từ ban tổ chức Miss Universe 2008 mời làm người đặc biệt cho đêm chung kết. Trước đó, khi đứng cạnh các người đẹp trong một buổi đấu giá mấy ngày đầu cuộc thi, tôi đã thực sự mong muốn góp mặt trong lễ đăng quang. Mơ ước ấy bây giờ đã thành hiện thực. Đó là một cảm giác thật sự tuyệt vời khi được vinh dự đứng cùng sân khấu với 80 hoa hậu trên thế giới. Tôi nghĩ, vào giây phút đó, hẳn tôi sẽ có cảm giác là người đàn ông hạnh phúc nhất hành tinh... Đức Vĩnh cũng cảm thấy vinh dự và hạnh phúc vô cùng. Đây sẽ là một kỷ niệm đẹp mà tôi không bao giờ quên".

Được đứng gần, hay nắm tay người đẹp, thì cảm động và vui mừng là đúng, cố nhiên là hay hơn đấu đá hay đi đánh nhau. Cơ mà, nếu người đẹp ấy không phải của mình, thì làm gì đến mức phải "mơ ước" tới "vinh dự" và "hạnh phúc" "trở thành người đàn ông may mắn nhất năm 2008", "người đàn ông hạnh phúc nhất hành tinh"?

Cái ước mơ rất... nô lệ, mang tầm... là là mặt đất này, có lẽ cũng có tội của truyền thông Việt Nam, làm cho anh người mẫu kia cứ ngỡ Hoa hậu Hoàn vũ là cái gì khủng khiếp thiêng liêng lắm. (Anh này cao đến 1m86, cũng đẹp đẽ đấy, ở "sân nhà" chắc muốn đứng cạnh cô nào cũng không khó lắm, làm gì mà khổ thế?)

Nữa (để chấm dứt): Đua với các bạn báo & báo bạn ở nhà, cũng phải có mẩu tin ở đây để chấm dứt đề tài này ;) Hoan hô hoa hậu Hung - Việt (đều lọt vào Top 15!)

(*) Một năm trước, khi đi thi Miss Balaton (và lọt vào Chung kết), chiều cao của cô Dammak Jázmin còn được coi là 174cm. Vừa rồi, trong kỳ Hoa hậu Hungary để tuyển đi Miss World, Miss Universe và Miss Earth, tự nhiên chỉ số này bị giảm, còn 170cm. Bản dự thi chính thức ở Việt Nam là 172cm. Vậy mà chả thấy báo chí nào kêu cả? Dân blogger của Hung cũng... vịt, chứ nếu Việt Nam thì có chuyện như của... Thùy Lâm rồi ;)

Còn nếu bác nào vẫn lấn cấn về chuyện "người mẫu đi thi hoa hậu" thì xin mời vào đây ngắm ảnh cô hoa hậu này, trên cương vị người mẫu ;) Ảnh minh họa trên cũng vậy, với "tuyên ngôn" của cô ta: "Với tôi, tình dục chỉ liên quan đến hai người, và [hai người đó chỉ có thể] là nam và nữ!" ;)

12/7/08

Cọ nhà xí ;)

7 nhận xét




Thu Vân, không hiểu sao, rất thích tiếu lâm. Ở lớp thì hay nghe các bạn kể, về nhà thuật lại, có thể thêm mắm muối. Hàng tuần khi bố nhận được số báo mới, Thu Vân bao giờ cũng giở trang truyện cười, đọc đầu tiên. Nhiều khi, có những truyện dành cho người lớn (tiếu lâm Việt Nam thường vậy, phải pha chút tục tĩu, đanh đá cá cầy mới gây cười được thì phải), bố không biết làm sao giải thích cho Thu Vân hiểu được.

Bữa trước, tự nhiên Thu Vân gọi bố ra cửa. Sau đó, Thu Vân làm điệu bộ rất trịnh trọng, tươi cười đi tới, giơ tay bắt tay bố, rồi bảo (bằng tiếng Hung): "Xin chúc mừng ngài! Ngài đã trúng tuyển cương vị nhân viên... cọ hố xí!" ;)

Câu ấy thực tế có thể không gây cười gì đặc biệt, nhưng điệu bộ kịch nghệ thì rất khá. Làm bố cười lăn lộn! (Sau kể cho mẹ, mới biết mẹ cũng đã bị "trúng tuyển cọ hố xí" như thế, khi bố còn đi làm chưa về).

Hỏi nguồn gốc thì, hóa ra, Thu Vân được một bạn (trai) Hung kể cho nghe cái này, trong tuần đi trại hè của Lớp Giáo lý Tin Lành.

Ngẫm lại, bố thấy cái cười Tây ta ít nhiều cũng có chút tương đồng: ví dụ Việt Nam mình, thay vì bảo "nhập ngũ" (bắt buộc), thì lại phóng lên rất long trọng là "trúng tuyển nghĩa vụ quân sự", như thể được... đi Tây, hay... lấy vợ, không bằng ;)

8/7/08

Chuyện buồn cười

14 nhận xét




Bận quá, nhưng vẫn phải kể câu chuyện này, khá tức cười.

Số là, sáng nay, vẫn cái cảnh thường lệ là bố ngồi làm việc, mẹ dọn dẹp và chuẩn bị bữa sáng, Thu Vân ngồi trông em (tiện thể xem truyện tranh, manga, thể loại này mới tràn ngập Hungary trong năm nay, kể từ dịp Hội chợ Sách Quốc tế Budapest hồi tháng Tư qua).

Chả biết nghe gì, bố mở... Quốc ca Hung nghe. Lập tức, Thu Vân bật dậy, kéo cún cùng... đứng nghiêm và nói rất trịnh trọng: "Nghe Quốc ca là phải đứng!"

Bản Quốc ca ấy họ chơi nhanh, nên Thu Vân có vẻ đắc chí "như vậy con sẽ không bị chồn chân mỏi gối!" ;)

Để trêu Thu Vân, bố bật tiếp Quốc ca Székely (*), buồn rười rượi của một chủng tộc mất nước, và cái chính là vừa thê lương, bi thương, vừa dài, chậm chạp... Thu Vân vẫn đứng nghiêm với cún, và phàn nàn "thế này có mà đứng hết đời à?" ;)

Mẹ vào, thấy vậy, bảo "đây là Quốc ca Hung kia mà, có phải của Việt Nam đâu mà phải đứng?" Thu Vân có vẻ hơi bối rối, đáp: "Nhưng... con là Hung mà..." (ý nói con học trong trường Hung thì bao giờ mọi người cũng đứng nghiêm trang khi nghe Quốc ca cả). Làm bố mẹ bật cười.

Sau đó, bố lại chọc Thu Vân bằng cách... đứng tấn (Vịnh Xuân), và bảo: "Thế đứng nghiêm, nhưng theo thế tấn kiểu này, thì có được không?" Thu Vân đáp ngay: "Nếu bố nghe Quốc ca Tàu thì đứng thế được, nhưng rất tiếc đây không phải Quốc ca Tàu" :)

Nói thêm về vụ Quốc ca Hung (thơ Kölcsey Ferenc, nhạc Erkel Ferenc), cứ mỗi lần nghe bố cún lại thấy... rơm rớm nước mắt (dù mình... có liên quan gì đến nước này đâu nhỉ?):

Thượng đế, hãy cầu phúc cho dân Hung
Luôn tươi vui và sung túc
Và giơ thanh gươm chở che
Khi họ chiến đấu với quân thù...

Dân tộc Hung có nhiều thế kỷ chìm đắm trong chinh chiến, đại bại trong cả 2 cuộc Thế chiến thế kỷ trước, bị cắt 1/3 đất và 1/3 dân cho các nước láng giềng, mà Quốc ca họ mang âm hưởng một bản Thánh ca với ngôn từ hiền hòa, nhân ái và yêu chuộng tự do, không hề có một câu chém giết, có chăng cũng nên để ta suy nghĩ? (**)

Minh họa: Kölcsey Ferenc (1790–1838), nhà thơ, chính khách Hungary. Thi phẩm lớn "Himnusz" của ông, hoàn thành ngày 22-1-1823, sau được nhạc sĩ, nhạc trưởng Erkel Ferenc (1810–1893) phổ nhạc năm 1844 trong cuộc thi viết nhạc cho bài thơ "Himnusz" và chính thức trở thành Quốc ca Hungary năm 1903.

Về sau, ngày 22-1 hàng năm được coi là Ngày Văn hóa Hungary và bản thảo viết tay của "Himnusz", có chữ ký của Kölcsey Ferenc, nay vẫn được giữ tại Thư viện Quốc gia Széchényi.

(*) Székely là một tộc người cổ của Hungary, nói tiếng Hung; có thuyết cho rằng họ chính là những người Hung đầu tiên đến từ Châu Á và định cư tại mảnh đất bây giờ là nước Hung. Trong lịch sử thăng trầm của nước Hung, những vùng đất tập trung người Székely bị tách khỏi Hungary (trong các dịp Hung bị cắt đất) và hiện tại, họ sống rải rác (chủ yếu là tại Romania) và trên thế giới, với con số ước tính là hơn 920.000 người.

(**) Không chỉ Việt Nam mà Hung cũng có thời "tối kiến": tổng bí thư Rákosi Mátyás, người được coi là thủ hạ trung thành nhất của Stalin ở Đông Âu (nhưng khác với Ông chủ, Rákosi là người rất có học thức, hiểu rộng, kiến văn tương đối uyên bác), thời thập niên 50, giao cho Illyés Gyula (nhà thơ) và Kodály Zoltán (nhạc sĩ) làm một bản "Quốc ca XHCN" cho "hợp thời đại mới". May mà đề xuất này bị gạt bỏ tức thời, vì Kodály Zoltán thủng thẳng đáp, rất bỉ thử: "Mới làm quái gì? Quốc ca cũ là hay rồi!" ;) (Thử tưởng tượng một câu trả lời như thế trước lãnh đạo, ở nhà ta, từ giới văn nghệ sĩ, hay "sĩ phu Bắc Hà" ;))

Về ông Kodály Zoltán này, cũng như về phương pháp sư phạm (giáo dục âm nhạc) của ông ta (mà thế giới dùng dài dài, nhất là Tàu sùng bái ổng vô kể!), phải có entry riêng! Mù nhạc, nhưng bố cún rất biết ơn mong ước (và project) của ông ta - phổ cập nhạc lý, thanh nhạc, chorus... đến toàn thể học sinh Tiểu học Hungary (điều đã được thực hiện từ nửa thế kỷ nay!) - khiến Thu Vân được học hành nhạc tử tế :)

5/7/08

Báo cáo tổng kết (1)

8 nhận xét




Ui, thế mà cũng đã gần hai tuần chả viết được gì, cái "căn bệnh của thời đại" - BẬN - xâm nhập ghê quá!

Một số entry sau (sẽ viết lai rai vào cuối tuần, hy vọng thế) chỉ nhằm báo cáo tổng kết thời gian qua, chứ không có ý nghĩa gì đặc biệt :)

Đầu tiên vẫn là chủ đề cún, dĩ nhiên đã trở nên nhàm chán thời gian qua ;).

Vài hôm nữa là cún tròn 7 tháng rồi đấy, thời gian nhanh quá. Cún đã biết rất nhiều thứ, mà với bố mẹ thì thích nhất vẫn là, gọi "cún!", cún quay lại ngay, cười rạng rỡ (có lẽ dần dần cũng phải dạy cho cún biết... tên thật, chứ không sau này gọi không thưa, thì gay :)).

Một số thứ nữa mà cún rành:

- Bò ngang dọc, tứ tung, nhanh như chảo (trảo?) chớp. Yếu tố an toàn đối với cún bây giờ là chuyện nan giải, trừ phi có người ngồi ôm cún khư khư - bằng không, phản xạ của bố mẹ có thể không bằng vận tốc nhào lộn của cún.

- Cún thích tư thế nắm sấp, rồi gồng mình, cong như con tôm, mông nhỏm lên rất cao, như thể muốn đứng phắt dậy. Những lúc bố nâng để cún đứng, rồi kéo lê cho... đi, thì cún hứng khởi lắm.

Cún đã ngồi rất cũng vững vàng, bàn tọa ngoạn mục. Đặc biệt, cặp đùi cún tương đối quá trớn, vẫn khiến bố liên tưởng... nồi măng. Thói tục gặm chân và mút thì đến giờ cún vẫn khoái.

- Cún thích soi gương, thấy mình trong gương thì khoan khoái, nheo mắt, trông rất "trí giả".

- Khoản ăn uống, khả năng từ ngày mai mẹ sẽ cho ăn thêm một bữa ngoài. Hiện tại, cún có một bữa chính buổi trưa, và một bữa phụ là 1 quả chuối. Mẹ không muốn cho cún ăn ngoài nhiều, sợ... béo ;), và cũng lo cún ham đồ "ngoại", bỏ bú. Thực ra, cho cún ăn bao nhiêu thì cún ăn bấy nhiêu, rất dễ tính, bao nhiêu cũng được, nên cần phải tiết chế :)

- Mẹ và Thu Vân gọi cún là "chú bé vui vẻ" (theo mẫu "cô gái xấu xí", bộ phim vô duyên nhất của mọi thời đại, mà nhiều người thích phết ;)), vì tính cún có vẻ lạc quan, không yếm thế - và đó cũng là điều bố rất thích. Bố thì, ảnh hưởng mấy pho Kim Dung lôi ra gặm lại, hay nựng cún là "thằng tiểu tử thối tha" (cái này nhờ Trang Hạ tra ngược lại, xem trong tiếng Trung là gì, mà các dịch giả chưởng hay dùng ;)).

Kiểu gì đi nữa, bố mẹ cũng chỉ muốn nụ cười trên miệng cún, như thế cún xinh và dễ thương hơn, là những khi mặt hằm hằm đầy sát khí ;)

Kiêu hãnh Đồng tính

9 nhận xét




Tối nay, xem TV mới thấy khắp Châu Âu, đâu đâu cũng tổ chức ngày hội của dân đồng tính, và dường như đâu đâu cũng diễn ra trong hòa bình. Trong khi đó, ở Hung lại xảy ra đụng độ lớn, và cảnh sát, mặc dù đã đề phòng và chuẩn bị rất kỹ lưỡng, vẫn không đảm bảo nổi an ninh cho sự kiện Kiêu hãnh Đồng tính này. Cần nói thêm là năm ngoái, dân đồng tính cũng từng bị quấy phá và lẽ ra, cảnh sát và chính quyền phải biết "rút kinh nghiệm" qua dịp đó.

Chuyện này đáng tiếc ở chỗ, Hungary thực ra là một xứ sở hiền hòa, người dân nhân hậu, hiếu khách và biết cảm thông với những gì khác mình. Tuy nhiên, vài năm gần đây, "nghèo hèn sinh đạo tặc", xuất hiện những bọn cực đoan, quá khích, rất chi là "làm rầu nồi canh". Kể ra, cũng nên có phương cách gì hữu hiệu để "vẻ đẹp truyền thống" của Hungary khỏi bị ô danh ở ngoại quốc (giống như Việt Nam đang hết sức PR cho cô huê hậu Thùy Lâm, nhằm "vinh danh vẻ đẹp Việt Nam" ngày càng được "thượng phong" ở nước ngoài, theo khẳng định của đài, báo "ta" ;))

Nhìn xa một chút, có lẽ ngay từ bậc tiểu học (hoặc trước đó, mẫu giáo, nhà trẻ), Hungary cũng nên đưa việc giáo dục sự đồng cảm với những giá trị dị biệt, coi đó là chuyện bình thường, bằng nhiều cách có sức thuyết phục với trẻ em, như thử nghiệm của Anh. Kế đó, càng ngày, càng nên có nhiều những VIP (chính khách, nghệ sĩ, nhân sĩ...) công khai xu hướng tính dục của mình, công khai tự hào với điều đó, để xã hội Hungary (thực ra vốn đã cởi mở) càng cởi mở hơn với vấn đề đồng tính.

Nhân vụ này, bốt lại ở đây bài phát biểu cách đây tròn 1 năm, của quốc vụ khanh Szetey Gábor, thành viên chính phủ đầu tiên của Cộng hòa Hungary đã công khai thừa nhận sự đồng tính của mình. Có thể nói, đây là một trong những phát biểu nhân bản và cảm động nhất của giới chính khách, mà bố cún được đọc (nên hồi đó phải dịch ngay, để chia sẻ :)).

Đọc cái này, cũng mong (dư luận, và nhiều khi, truyền thông) Việt Nam mình bỏ tức khắc, khẩn trương, luận điệu kỳ thị và ngu dốt, cho rằng đồng tính là một cái gì đó bệnh hoạn, thậm chí, gắn đồng tính với những khái niệm tội phạm, "trụy lạc"... ;)

Bổ sung: Câu trả lời chính thức của chính phủ Hungary, sau một ngày, ở đây.

(*) Ảnh minh họa: "Trời! Tôi đã nói ra điều đó!" - Quốc vụ khanh phụ trách Nhân sự, Văn phòng Chính phủ Hungary, ông Szetey Gábor, công khai thừa nhận mình là người đồng tính trong diễn văn khai mạc Liên hoan Đồng tính lần thứ 12 (ngày 5-7-2007, Budapest)

TÔI LÀ NGƯỜI ĐỒNG TÍNH

Các bạn thân mến của tôi,

Cám ơn các bạn đã mời tôi đến đây. Tôi muốn được nói về bản thân tôi và về các bạn. Về niềm tin, về tình thương yêu và sự đổi thay, tức là về cuộc sống chung của chúng ta.

Tôi tin tưởng rằng tất cả mọi người đều bình đẳng. Không chỉ trên giấy tờ, và cũng không chỉ trong lời nói. Mà ngay trong đời thực, ở đây. Trong Quốc hội và trong rạp phim Művész (Nghệ thuật), ở đại lộ Nagykörút và ở vùng Cegléd, trong bóng tối và giữa thanh thiên bạch nhật. Bình đẳng trong đời sống xã hội và trong đời tư.

Bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, trong trách nhiệm và cơ hội. Và sự bình đẳng này không chỉ và không chủ yếu là một vấn đề luật pháp, mà là chuyện tình cảm.

Tôi tin tưởng rằng, không thể có bình đẳng nếu chúng ta phải hổ thẹn, hoảng hốt và run sợ. Phải bình đẳng một cách kiêu hãnh, quả cảm, với niềm tin và sự xác quyết. Nếu chúng ta không phải hổ thẹn vì bị người khác gọi bằng một cái tên, ở đâu đó. Nếu kiêu hãnh, chúng ta có thể kiêu hãnh vì chúng ta là người Hung, người Ru, người Do Thái, người Công giáo, người đồng tính hoặc dị tính luyến ái. Nếu có thể tự hào vì sự khác biệt, chúng ta cũng có thể tự hào vì sự tương đồng của chúng ta.

Tôi tin vào Thượng đế và tin rằng mọi con người đều có thể thương yêu và đều có thể được thương yêu. Ở mọi nơi. Tình yêu và tình thương, sự lựa chọn lứa đôi và niềm hạnh phúc là thứ phi đảng phái. Phi tín ngưỡng, phi giới tính. Ai cũng có quyền yêu. Mọi con người ở tuổi trưởng thành đều có quyền tự do lựa chọn bạn đời. Người mà họ có thể yêu, có thể chung sống, có thể ôm và có thể hôn, người mà họ có thể sẻ chia niềm vui và nỗi sầu muộn. Hoặc, có thể sà vào lòng nhau, khi sợ hãi, mệt mỏi, lúc yếu đuối. Ai cũng có thể yếu đuối và chính điều đó khiến chúng ta cứng cỏi. Và không thể tước đoạt khỏi bất cứ ai, quyền được nhận sự trợ giúp, ủng hộ, quyền được xin và nhận tình thương yêu mỗi khi họ yếu đuối. Để làm được điều này, cần một người bạn đời dám công khai thừa nhận mình, cần một tình thương mang lại nghị lực.

Tôi tin tưởng rằng nước Hung đang có một cơ hội lịch sử. Vì thế, tôi mới hồi hương từ Argentina. Vì thế, tôi mới bước từ thế giới kinh doanh, sang thế giới của chính trị.

Lịch sử đã tạo ra cơ hội. Nhưng cơ hội ấy còn phụ thuộc vào việc, chúng ta biết sử dụng nó đến đâu. Rằng nước Hung - và trên xứ sở đó, người Hung - tạo dựng ra được cuộc sống ra sao cho mỗi chúng ta, điều này chủ yếu phụ thuộc vào chúng ta. Không chóng thì chầy, những vấn đề như ngân sách quốc gia, hệ thống hành chính, nền kinh tế... sẽ đi vào ổn định. Nhưng, thử hỏi, những ngày thường của chúng ta, tình cảm của chúng ta, niềm kiêu hãnh của chúng ta, sự thỏa mãn và niềm hạnh phúc của chúng ta liệu có được yên ổn hay không?

Nếu tự mình làm hỏng những thứ ấy, chúng ta không thể buồn phiền. Đã phá hỏng thì phải sửa. Chúng ta phải có trách nhiệm với mỗi quyết định, mỗi hành động của chúng ta. Dù là dưới tư cách cá nhân hay con người xã hội, thương gia, nhân công hay công chức.

Tôi tin tưởng rằng cần phải phá bỏ những bức tường. Những bức tường được xây ngăn chúng ta, trong cũng như ngoài. Tất cả những kẻ bị công kích, bị ngược đãi, bị khinh thị, sẽ trốn chạy đến nơi không tồn tại những điều này. Và tất cả những kẻ đi công kích, ngược đãi, khinh thị kẻ khác, sẽ loại trừ những người mà họ sợ hãi. Mặc dù, trong thực tế, họ sợ chính sự hoài nghi, sự yếu ớt trong niềm tin của chính họ. Những bức tường cứ được dựng lên, trở thành vô vàn ghét-tô trong cuộc sống thường nhật chúng ta, trở thành hội chợ của sự bất bình đẳng và phù hoa. Cần phải phá bỏ những bức tường, từ trong và cả ngoài!

Tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể làm được điều đó. Rằng, với lòng quả cảm, với niềm tin và sự xác quyết, chúng ta có thể khởi đầu việc dỡ bỏ bức tường phân cách người đồng tính và dị tính luyến ái. Hôm nay là Ngày Kiêu hãnh Đồng giới, khắp Châu Âu và trên thế giới. Có hai loại thế giới.

Một thế giới mà ở đó, ngày Kiêu hãnh Đồng giới là một cuộc tuần hành khổng lồ, rực rỡ sắc màu và hạnh phúc, nơi mà vào cuối tuần, các gia đình đưa con cái đi dự để cảm thấy thoải mái trong lòng, thanh niên đến để nghe nhạc hay, còn người đồng tính và dị tính luyến ái thì đến cùng nhau để chỉ ra rằng cũng có thể sống theo cách khác.

Ở nơi đó, Ngày Kiêu hãnh Đồng giới không phải là cuộc chiến của dân đồng tính, mà là ngày hội của sự coi trọng người đồng tính. Và còn một thế giới khác, tại đó ngày Kiêu hãnh Đồng giới đi kèm những cuộc đụng độ đẫm máu, với những hỉ nộ bạo lực, với sự can thiệp của cảnh sát, sự cấm đoán của chính giới. Trong thế giới đầu, những người đồng tính thực sự bình đẳng, có thể yêu thương nhau, có thể làm việc, kết hôn, còn ở thế giới thứ hai, họ phải khiếp sợ, phải ẩn náu và phải phủ nhận mình.

Tôi tin tưởng vào điều đó vì tôi muốn tin rằng chúng ta thuộc về thế giới đầu, thế giới Phương Tây. Nhưng để được thế, chúng ta phải hành động. Phải bắt tay vào việc vì nếu chúng ta không bắt đầu, nếu tôi không bắt đầu, thì mọi thứ sẽ không được khởi động.

Như vậy: Tôi là Szetey Gábor. Là quốc vụ khanh Nhân sự Chính phủ Cộng hòa Hungary. Tôi tin ở Thượng đế, ở tình yêu thương, ở tự do và bình đẳng. Tôi là người Hung, và là công dân Châu Âu. Tôi là một nhà kinh tế, và lãnh đạo nhân sự. Là bạn đồng hành, là bạn hữu, và đôi khi là địch thủ.

Và là người đồng tính.

Như các bạn. Như vài trăm ngàn người trên đất nước này, những người mà tôi hy vọng rằng, sẽ nghe thấy những lời này của tôi.

Trời!

Tôi đã nói ra điều đó!

Và tôi sẽ còn nói nhiều lần, mỗi khi cần phải nói để người khác cũng dám nói ra diều này. Và khi đó, sự kiêu hãnh đồng giới sẽ là thứ mà chúng ta đạt được. Và nước Hung, tổ quốc của tôi, cũng sẽ trở thành xứ sở như chúng ta mong muốn. Một quốc gia tự do, nơi mà trong ngày hôm nay, có thêm một người được bình đẳng.

Một lần nữa. Tôi là Szetey Gábor. Là người theo đạo, người Châu Âu và Hung. Là một công dân, công chức, thành viên chính phủ. Và người đồng tính. Tôi sống cùng với một người mà tôi yêu, người ấy hôm nay cũng ở bên tôi và thiếu người ấy, giờ đây tôi đã không thể có mặt ở nơi này. Cũng như đối với đa số chúng ta, ở đây và nơi khác, nếu một điều quan trọng gì đó diễn ra.

Tôi tin tưởng rằng cần có một sự khởi đầu. Cần phải nói ra - tôi, các bạn và tất cả chúng ta. Nói một cách tự hào, với nghị lực, niềm tin và sự quả quyết. Hoặc giả, nói thì thầm, như một thực tế của cuộc sống, với niềm vui và cảm giác bình an. Đối với tôi, Ngày Kiêu hãnh Đồng giới là như vậy. Và từ hôm nay, 365 ngày của năm, tất cả mọi ngày của năm, là như vậy.

Tôi tin tưởng rằng, là người đồng tính không phải là vấn đề lựa chọn. Nhiều khi và đối với nhiều người, đây là điều khó chấp nhận, với tôi cũng vậy - tôi đã mất 28 năm. Các bậc phụ huynh, thanh niên, người trưởng thành đều lẩn trốn trước nó. Sự lựa chọn không phải là ai đó có đồng tính hay không. Mà là, người ấy có khả năng chấp nhận không. Tôi đã biết rằng việc không chấp nhận chính bản thân mình sẽ khiến chúng ta phải lẩn náu, phải dối trá đến cuối đời, và sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Tôi tin tưởng vào sự thật và tôi đã chán chường sự dối trá. Chúng ta được Thượng đế tạo dựng như chúng ta đang có. Như thế, chúng ta khác biệt nhau theo mọi dạng. Không có gì đáng hổ thẹn ở đây cả. Điều này, thoạt đầu tôi đã cần phải nhận biết, sao cho những người xung quanh tôi cũng cảm nhận như thế.

Tôi tin tưởng vào tình thương yêu. Tình thương của bạn bè, đồng nghiệp, nhưng chủ yếu là của gia đình và phụ huynh. Luôn luôn, ở mọi lúc. Chấp nhận là tiếng nói của tình thương yêu, còn bác bỏ là của sự khước từ. Các bậc cha mẹ sẽ làm được nhiều nhất cho con cái đồng tính của mình, nếu họ yêu thương con cái như họ đang có. Đơn thuần, hãy chỉ yêu họ. Như yêu những đứa trẻ khác.

Tôi tin tưởng rằng lẽ ra, tôi đã có thể nói sớm hơn. Khi thân mẫu tôi còn sống. Trong đời ít có điều gì khiến tôi phải hối hận, nhưng chắc chắn có một điều: tôi chưa bao giờ thổ lộ với người mẹ mà tôi hằng thương mến. Cho dù chắc chán bà đã biết... Đến giờ, tôi còn nhớ chính xác về cuộc trò chuyện cuối cùng của chúng tôi, bà bảo: "Mẹ không để tâm con sống với ai, như thế nào, quan trọng nhất là con được hạnh phúc!" Chỉ một tháng nữa là tròn 10 năm kể từ dạo ấy...

Tôi tin tưởng rằng thân mẫu tôi biết tôi đang làm gì và sẽ nở nụ cười với tôi. Tôi biết rằng nếu còn sống, bà sẽ đứng bên tôi lúc này và tự hào về con trai mình. Cũng như thuở sinh thời, trong mỗi ngày của cuộc đời, bà đã tự hào về tôi với lòng thương yêu tràn đầy. Chúng ta không lựa chọn được số phận, nhưng có thể lựa chọn những quyết định của mình.

Tôi tin tưởng rằng phải chấm dứt và có thể chấm dứt cái văn hóa im lặng này. Tôi cần phải nói thẳng tôi là ai, để rốt cục có thể đưa ra những quyết định điều khiển đời tôi. Chúng ta cần nói thẳng để nắm trong tay số phận mình. Để có thể là người mà chúng ta đang là. Là người mà chúng ta có thể thành, bởi tài năng, sự cần cù, bởi những ngẫu nhiên đến với chúng ta và những hiểm nguy mà chúng ta phải tránh. Để chúng ta đừng phải có hai cuộc sống.

Một cuộc sống công khai, và một cuộc sống khác trong âm thầm. Để chúng ta đừng phải tiếp tục nói bằng thứ ngôn ngữ mã hóa về những chuyện quan trọng nhất của cuộc đời mình. Về bạn bè, về gia đình chúng ta. Để chúng ta có thể kiêu hãnh vì cái chúng ta đang là. Đơn giản, thì thầm và nhẹ nhõm.

Tôi là người đồng tính. Và tôi hạnh phúc. Và tôi kiêu hãnh vì được có mặt ở đây cùng các bạn.

Đến đây, tôi xin khai mạc chuỗi những Ngày Kiêu hãnh Đồng giới, năm 2007!

Xin cám ơn các bạn đã chú ý theo dõi.