5/6/09

Ô-lem-bích

12 nhận xét



Chương trình Đường lên đỉnh Ô-lem-bích mới đây có câu hỏi về "chủ nghĩa mang tính hiếu chiến, thủ tiêu mọi quyền tự do, dân chủ trong xã hội" (chép lại theo trí nhớ, có thể không đúng từng chữ).

Hai thí sinh trả lời "chủ nghĩa phát-xít", được cho là đúng. Một bạn còn lại nói là "chủ nghĩa đế quốc" (sai). Cũng may là không có đáp án nào quá chệch hướng lạc đề ;).

Tuy nhiên, thực ra phát-xít, đặc biệt là phát-xít Đức không đến mức là "thủ tiêu mọi quyền tự do, dân chủ trong xã hội" đâu nhá. Chỉ cần nhớ, bác Dimitrov (Bảo Gia Lợi) nhà mình, bị buộc tội, còn được ra tòa rất tử tế, rồi còn hùng dũng biến phiên tòa thành diễn đàn để tuyên truyền và kể tội phát-xít.

Có nhiều chủ nghĩa khác không cho phép thế đâu...

(*) Minh họa (thuổng ở wiki): Bác Dimitrov và ông Xít-ta-lin ("Thương cha, thương mẹ, thương chồng - Thương mình thương một, thương Ông thương mười", Tố Hữu). Dimitrov "máu" là như thế trước tòa án phát-xít, mà hồi sang Liên Xô làm cán bộ Đệ tam Quốc tế Cộng sản, Xít-ta-lin ho 1 cái là run cầm cập! Thế mới thấy chủ nghĩa của ông Xít-ta-lin rất ưu việt :((

29/5/09

Loa phường

9 nhận xét



Bạn Linh có bài bình luận về loa phường, rất hay, như thường lệ, nhân vụ "Báo Mỹ viết về 'loa phường' Hà Nội" trên VNE.

Ở đây, chỉ nói về cảm tưởng cá nhân của bố cún về loa phường trong vài... giai đoạn cuộc đời :).

1. Độ ba chục năm trước, không nhớ rõ lắm, nhưng hình như cứ độ 5 giờ sáng là đã có loa rồi.

Thời ấy, tin chả có gì, nên loa, trước hết, có chức năng là hàng sáng khua mọi người dậy để... tập thể dục, theo phương châm "Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia". Vả lại, "con người mới XHCN", tất nhiên không được sa đà chuyện ăn nằm...

Lũ trẻ cùng phố với bố cún dạo đó, đứa nào đứa nấy rách như tổ đỉa. Cả hội, chỉ độc một thằng, tên là Hiển, có một trái bóng da. Nịnh nó chán, nó mới cho đá. Mỗi lần cần bơm bóng, mà không phải lúc nào cũng có bơm, cả mấy chục đứa phải ghé miệng thổi, phùng mồm trợn má. Bóng thì lồi lõm, vỏ ngoài vá chằng vá đụp, trông rất "phản cảm".

Một dạo, vào mùa hè, thằng Hiển tự nhiên... thảo, rủ cả lũ cứ sáng sớm, khi nào có loa, thì chạy dọc đường Thụy Khuê lên sân Quán Thánh, chừng 1km. Đá một trận tơi bời ở đó, xong lại kéo nhau ra Hồ Tây tắm truồng.

Công nhận, những lúc ấy, tiếng loa phường réo rắt, nhạc hoành tráng, rất kích động tinh thần... thiếu niên. :)

Nhưng được vài bữa thì quả bóng bị thằng chết tiệt nào đó sút một cú cực mạnh, bắn vào bụi gai, nổ luôn. Mà dừng ở lúc đấy là phải, vì bố cún sau mấy ngày đầu hăng hái, sau tinh thần có phần xuống vì đang tuổi ăn tuổi ngủ, mà bữa cơm thì có mấy pờ-rô-tít đâu, nên vận động mạnh thường xuyên vào sáng sớm, kể cũng mệt...

2. Cuối năm 2003, bố cún về thăm nhà lần đầu sau 19 năm. Dĩ nhiên, trong đầu đầy những suy nghĩ (rất hợp lý) như bạn Linh, về "không gian cá nhân, riêng tư", về "quyền tự quyết" (thích nghe cái gì, hay không).

Sáng đầu tiên, tỉnh dậy, rất sớm, không phải do tiếng loa phường, mà bởi tiếng gà gáy, tiếng chửi bới ở nhà hàng xóm (nhà ấy có một bà cụ tính rất tốt, chỉ tội thích mắng mỏ chồng con, nhưng rồi ai cũng lấy đó làm, quen, không hề hấn gì cả), tiếng rao, rồi vô vàn thứ tiếng khác nữa. "Không gian riêng tư", như vậy, đã bị xâm phạm, mà mình chả làm gì được. Việt Nam là vậy ;)

Rồi, dĩ nhiên, kế đến là cái loa phường với những tin tức đa phần không mấy bổ ích. Nhưng quan sát kỹ thì dường như trò tuyên truyền, nhồi sọ qua phương tiện "thông tin đại chúng" này được/ bị "tích hợp" vào đời sống của cư dân quá rồi, nên không mấy ai lấy làm rầu.

Hoặc giả, phải có điều tra, thống kê khoa học hẳn hoi, thì mới biết được dân tình yêu ghét nó thế nào, tỉ lệ bao nhiêu...

3. Cuối năm ngoái, bố cún cùng ông về quê Quảng Ngãi. Có ngủ 1 đêm tại một khách sạn Đà Nẵng do người nhà thuê cho từ trước.

Khách sạn, có lẽ thuộc sở hữu nhà nước xưa, kiểu như một nhà công đoàn gì đó, đến giờ cũng chả biết đã tư nhân hóa chưa - vấn đề là chăn đệm mọi thứ hôi rình nhớp nháp ẩm mốc như thể cả trăm năm không ai lui tới, mà giá hình như cũng không rẻ. Không sao, ngủ có một đêm, vả lại, quê mình nó thế.

Chập chờn cả đêm không ngủ được, thì rạng sáng, rõ sớm, đã bị ngay cái loa mắc ở cột điện sát bên ngoài tra tấn. Không rõ là những tin tức gì vì bố cún nghe không ra, mặc dù có căng tai ra theo dõi (đằng nào cũng không ngủ được, vả lại, mấy hôm không vào được Net, có phần tụt hậu :)).

Tuy nhiên, cũng không bực lắm. Hình như, về thăm nhà ít bữa, cái cảm giác kiên nhẫn trộn lẫn hoài niệm (một cách vô ý thức) dâng lên rất mạnh. Chứ bên này, thằng hàng xóm làm sinh nhật, bật đài to nhảy nhót muộn muộn là mình tím mặt, sang hằm hè chỉ chực gây sự rồi.

Cho dù, mình ở nhờ chúng nó!

3. Cái lý và cái tình nhiều khi nó vớ vẩn luyên thuyên như vậy đấy.

Lắm khi, cái gì bị nhồi cho thành quen, mòn mỏi, thì đâm ra mình có xu hướng chấp nhận nó, coi nó là một phần của đời mình, dù lúc này lúc khác có thể khó chịu, nhưng mình cũng "chịu được", thậm chí còn có... tình cảm với nó, gán cho nó những mỹ từ mà hiển nhiên nó không có (ví dụ, coi nó là một... nét văn hóa :).

Cho dù, xét theo lý, thì trò loa liếc này vi phạm đủ các quyền cá nhân. Và người dân, tất nhiên là có thể, thậm chí, có quyền đề nghị bỏ béng nó đi, vì nó được thực hiện bằng tiền dân...

(*) Bên "Tiền Phong" cũng có diễn đàn về loa phường, ở đây. Ảnh minh họa trên được chổm từ đó.s1`

27/5/09

Lại bàn về ứng xử của quan chức Việt Nam

4 nhận xét



1. myselfvn, sau một thời gian dài đi tu, ở ẩn và càu nhàu vì chuyện viếng thăm đều đặn blog bố cún, mà không thấy "có gì tương tự xảy ra với cuộc đời" (như của Hana), đã "tái xuất giang hồ" với một entry đầy rẫy bức xúc.

Lý do, thì xuất phát từ một bài trên blog Minh T, đang làm thiên hạ xôn xao vài bữa nay.

Có người nghi ngờ về tính xác tín của entry ấy, nhưng đa số dường như tin câu chuyện được thuật lại trong đó.

Ở đây, hình như vấn đề là niềm tin, mà trên talawas cũng đã bàn tới.

Khi một tác giả bảo rằng, trong vụ bô-xít, Chính phủ đã bảo thế rồi, phải tin Chính phủ chứ. Thì nhiều người, ồ ạt, bảo tin sao được, đã có bao tiền lệ cho thấy không nên tin rồi :((

Dường như vụ này cũng vậy: chưa cần biết đầu cua tai nheo ra sao, thực hư thế nào, nhưng đa số người đọc, thấy có thể tin được, vì chuyện quan chức Việt Nam nói chung, và quan chức ngoại giao nói riêng, có những phi vụ rất lùm xùm và bê bối, đã trở nên quá quen thuộc trên báo chí.

Dĩ nhiên, quá quen thuộc, không có nghĩa là không nên làm sáng tỏ vụ này, và không nên bức xúc hay cảm thấy nhục nhã nếu đó là sự thật. Ngược lại!

2. Bài viết của Hana về "cách cư xử của quan chức Việt Nam", được/ bị các bạn "Việt Nam Tự Do" đưa lại ở đây, với tựa đề đã edit một tẹo: "Cách cư xử của các quan chức Cộng sản Việt Nam".

Kể ra, sửa như thế cũng không sai lắm về ngữ nghĩa, vì phàm đã quan chức, gần như đương nhiên, đa phần phải là đảng viên.

Tuy nhiên, tự tiện edit để "tổng quát hóa" lên như thế, bấy nay, có vẻ cũng rất đặc thù cho cung cách của các bạn báo chí "đấu tranh cho dân chủ & nhân quyền" ở ngoài này.

Coi chừng, có thể "lợi bất cập hại", các bạn ạ...

(*) Minh họa (ít liên quan đến đề tài): Trong khi Việt Nam hay "có tiếng" vì sự tệ hại trong cư xử của một số quan chức, thì ở Hungary, cách đây 2 năm, quan chức có quá khứ gợi tình cũng bị công luận kêu ca để rồi phải từ chức tức thì. Rõ rách việc!

26/5/09

Họp Quốc hội

1 nhận xét



1. VTV4 mấy hôm nay có đưa tin về kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhưng với phong cách „định hướng dư luận” đặc thù.

Ví dụ, nhắc đến vấn đề bô-xít thì tuyền đưa hình ảnh và ý kiến mấy vị dân biểu Lâm Đồng và Đăk Nông, hồ hởi „khen ngợi” quyết sách của Chính phủ, coi đại dự án bô-xít sẽ góp phần... „nâng cao dân trí”, „đưa ánh sáng văn hóa vào vùng sâu” cho cư dân trong vùng ;)

Cấm thấy mấy ý kiến phản biện của các vị cấp tiến, như của thân phụ Hana (ông Nguyễn Minh Thuyết - ảnh trên) đâu cả!

2. Đọc mấy chục bài phát biểu, thấy rất nhiều vị vẫn chưa ý thức được về chức năng của mình: nghe lời dân bảo („dân biểu” mà), để đại diện cho dân mà đấu tranh!

Một hình ảnh nữa cũng khá phản cảm là đa số các vị đều giương mục kỉnh, đọc tham luận ê a rất ngán! Có vị còn giơ lên tận mắt để đọc.

Nếu vậy, cần gì họp? In hết các tham luận thành một tập, phát cho các dân biểu tự đọc, có hơn không? Đỡ tốn kém và mất thời gian ngồi trong phòng...

25/5/09

Hana

8 nhận xét



1. Trong giới giang hồ trên mạng, Hana hiển nhiên là một tay đại bút.

Về thơ, ngót hai trăm bài, bài nào bài nấy đều thảm và nhảm.

Về văn xuôi, đôi ba chục truyện ngắn, tiểu phẩm, thảy đều lộ rõ sự bế tắc trong tình trường ;)

"Văn tức là người", nên sự nghiệp "kén (chú) rể" (*) của Hana nhìn chung là hoành tráng, kéo dài nhiều... kế hoạch 5 năm, và thường là... không đạt kế hoạch, thì đúng hơn là vượt mức ;)

2. Tuy nhiên, mọi sự đã chấm dứt từ hôm nay: cô dâu đã được/bị một chàng đại bàng cắp đi, mọi nhẽ!

Mà cái hay là, trong câu chuyện này, cố nhiên có sự góp mặt của bá quan văn võ, nhưng vạn sự khởi đầu, lại xuất phát từ cái blog này :)

Như vậy, sự tồn tại của blog bố cún, xem ra không đến nỗi vô nghĩa!

3. Tấn trò đời, bố cún bây giờ khó hy vọng những "kiệt tác văn nghệ" màu sắc lãng mạn của Hana :). Thôi thì đành chờ mong những bài theo xu hướng "xã hội" vậy ;)

Chúc "bách niên giai lão" thì có vẻ cổ, không hợp với "tư duy" thời hiện đại, nhưng có lẽ vẫn nên kỳ vọng đôi nam thanh nữ tú chịu đựng nhau lâu dài - cái đó tối quan trọng! :)

Hỉ hả nhé, Hana! :)

(*) Bà con nào từng xem bộ phim "Kén rể" thời bao cấp ở Việt Nam, thì ý thức được "đoạn trường tân thanh" trong vụ này ;)

23/5/09

VTV các kiểu

4 nhận xét


1. Vẫn biết VTV được lập ra để toa rập và phụ họa chính quyền, có phải báo chí độc lập đâu mà đòi với chả hỏi? Nhưng cái màn tương phim "hướng dẫn dư luận" trong vụ bô-xít ngay trước kỳ họp Quốc hội lần này, thì quá lố! ("Tuần Việt Nam" đã report ở đây và Hana thì bình luận ở đây).

Như Hana có để ý, lời dẫn của TVN khá đểu: loại phim "minh họa" như thế, rặt những tuyên truyền, "nhồi sọ" một chiều, lấy đâu ra mà "tạo nên dư luận nhiều chiều trong xã hội cũng như ngoài hành lang Quốc hội." :)

TVN lại còn "chơi xỏ" nữa, khi viết: "... cũng nhằm đảm bảo tính đa chiều của truyền thông, "Tuần Việt Nam" xin tóm lược một số nội dung chính trong bộ phim tài liệu đó". Thông lệ, nếu đưa bài vở gì có vẻ "trái chiều", "lề trái"... thì báo chí ta mới phải rào đón thế, đằng này... ;)

Mà ngay cả cái tít của TVN - "VTV: Bô-xít sẽ thay đổi diện mạo Tây Nguyên?" (lưu ý dấu chấm hỏi, ?) - cũng toát lên sự châm biếm rồi, trong khi nội dung bộ phim của VTV là một khẳng định đanh thép cho tính đúng đắn của chủ trương khai thác bô-xít tại Tây Nguyên.

2. Mấy hôm nay, VTV4 lăng-xê rầm rộ đêm nhạc "Tiếng lòng Hữu Ước", coi đó là "tấm lòng nhân ái bao la của một vị tướng..." Nghe, cứ như đang nhắc tới... Bác Hồ, hoặc tướng... Giáp :)

Xem quảng cáo đã ngán đến tận cổ, nên chả buồn coi nữa (cho dù có một số chiến tướng hát hay mọi nhẽ, như Tùng Dương, Trọng Tấn, v.v..., hoặc mỹ nữ như Hồ Quỳnh Hương...)

3. Phàn nàn mấy vụ VTV với người bạn làm báo ở nhà, thì được nhận một đánh giá: "Cave chuyên nghiệp, anh chấp làm gì?"

Ô hay! Cave chuyên nghiệp thì tốt chứ, hay chứ, vì họ biết họ cần phục vụ tử tế nhu cầu "người tiêu dùng", chứ không thể làm ăn vô trách nhiệm, lừa đảo được.

Còn mấy anh VTV này, thử xem lại đã phục vụ được gì "Thượng đế", là người dân đã và đang nuôi họ?

(*) Minh họa (giật của Nguyễn Trung): Chè và cafe mọc rất tốt nơi sẽ bị bốc đi để khai thác bauxite.

19/5/09

Trong vòng tay em...

9 nhận xét




Hôm qua đi đường, bố cún nhặt được 1 tờ báo Quận, loại phát không, nhưng khá nhiều thông tin bổ ích.

Trong ấy, có bài nói về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của một nhà thơ Hungary là Radnóti Miklós (1904-1944), được coi là đại diện xuất chúng của nền thơ ca hiện đại Hung.

Bố cún chưa đọc ông này, cũng như có lẽ đa số phụ huynh Việt Nam ở đây, tự hào vì "ấn" được con mình vào một "trường điểm" tại Budapest mang tên ông, nhưng cấm biết ông là ai :)

Tờ báo miễn phí có đăng một bài thơ ngắn của Radnóti. Cũng như rất nhiều bài thơ tình tương tự, hình như không cần ý tứ gì nổi trội, nhưng bao giờ cũng gây cảm động (dịch ý):

Trong vòng tay em
anh được ru
lặng lẽ.
Trong vòng tay anh
em được ru
lặng lẽ.
Trong vòng tay em, anh là cậu bé
âm thầm.
Trong vòng tay anh, em là cô bé
âm thầm.
Trong vòng tay, em ôm anh
mỗi khi anh sợ hãi.
Trong vòng tay, anh ôm em
và anh không sợ hãi.
Trong vòng tay em
tĩnh lặng vô biên của cái chết
cũng sẽ chẳng còn khiến anh sợ hãi
Trong vòng tay em
anh qua cái chết
như qua một giấc mơ

("Trong vòng tay em")

Nhờ Hana "chuyển thể" thành thơ bài này cho anh nhá...

(*) Minh họa: của 1 blogger Hungary.

18/5/09

Nhục nhã!

2 nhận xét




Quốc hội Việt Nam, thông qua ông Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, lại có một động thái hết sức nhục nhã khi tuyên bố "hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bô-xít".

Lý do được đưa ra rất đơn giản, là vì "chủ trương này đã được Đảng và Nhà nước ta nói ngay từ Đại hội IX và X của Đảng. Ngày 24-4, Bộ Chính trị đã ra thông báo về chủ trương tổ chức khai thác, quản lý khai thác giá trị công nghiệp nhằm phát triển đất nước, khu vực Tây Nguyên".

Và nếu Đảng (Nhà nước) đã "phán" vậy, thì theo ông Đàn: "Chắc chắn Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ. Về việc làm như thế nào, triển khai thế nào, dự án nào cần làm, quy hoạch thế nào là trách nhiệm của cơ quan hành pháp là Chính phủ".

Xin lỗi ông, vậy Quốc hội của các ông tồn tại để làm gì? Đã là "nghị gật", hiển nhiên, bét ra quý vị cũng nên có chút liêm sỉ chớ có bô bô ra thế chứ? Vài bữa nữa, cứ để đem ra "bàn bạc dân chủ", có phe ủng hộ, phe phản đối, rồi bố trí để phe ủng hộ chiến thắng (đừng tuyệt đối quá, nên sắp đặt căng thẳng một chút cho nó "phản ánh sự thật"), thi dân chúng tôi khắc im họng, cũng có nói được gì đâu?

Đằng này... bức xúc quá!

(*) Ảnh: Ông Trần Đình Đàn, hy vọng sẽ được "lưu danh thiên cổ" với phát biểu không thể... thúi hơn, ở trên!

16/5/09

Concert nhân... sinh nhật Thu Vân :)

12 nhận xét



Hôm nay là sinh nhật Thu Vân, con tròn (*) 10 tuổi.

Cũng đúng hôm nay, dàn đồng ca của trường Thu Vân tham dự một concert ở Áo, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Joseph Haydn (1732-1809) – Áo coi 2009 là Năm Haydn (Haydn-Jahr).

Thu Vân không hát vì thuộc chorus thiếu nhi (còn bữa nay chorus thiếu niên diễn), nhưng cũng muốn đi cổ vũ các anh chị. Mẹ thì bảo, coi như đây là quà sinh nhật cho Thu Vân, nên hai bố con sẽ rong ruổi qua Áo Quốc để xem concert. :)

Gọi là Áo cho... oách, chứ thực ra thành phố nhỏ này (Việt Nam có lẽ gọi là thị trấn) – tiếng Áo là Eisenstadt - chỉ vỏn vẹn chừng 12 ngàn dân, và cách biên giới Hungary có 12 km.

Thời trước, nó thuộc về Hung (Hung gọi là Kismarton), đến tận 1921, khi Hiệp ước Hòa bình Trianon (chấm dứt Đệ nhất Thế chiến) khiến Hungary mất hai phần ba dân số và hai phần ba diện tích. Hiện, Eisenstadt là thủ phủ của tiểu bang Burgenland (Áo).

Vốn là vùng đất của dòng họ quý tộc nổi tiếng Esterházy (Hungary) nên danh thắng lớn nhất ở Eisenstadt là Cung điện Esterházy, nơi diễn ra concert hôm nay. (Việc tổ chức các concert cho thanh thiếu niên ở những nơi „đô hội”, long trọng như vậy cũng góp phần để lũ nhóc bên này thêm yêu âm nhạc, và để thể hiện sự tôn trọng hội „chíp hôi”, „trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”).

Haydn có câu, đại ý „cả thế giới hiểu ngôn ngữ của tôi”, ngụ ý ngôn ngữ của âm nhạc. Đúng phết, và càng cần thiết trong thời đại đảo điên này...

(*) Chuyện vuông, tròn. Nhật ký ông nội cún ghi lại cho bố, thời bố 4 tuổi. Khi nhà bảo „ngày mai con tròn 4 tuổi”, thì bố vặn lại: „Thế hôm nay con vuông 4 tuổi à?” Rồi bố còn đòi hỏi: „Mai không tổ chức thì còn gì là „tròn trịa” nữa!” Đại loại hồi nhỏ bố hay „trứng khôn hơn vịt” như thế, nhiều khi rất khó chịu, hay bị mắng là „lý sự cùn!" :)

11/5/09

Báo cáo nhân quyền

3 nhận xét



Vụ Việt Nam báo cáo về nhân quyền tại LHQ được coi là một tin nổi bật về chính trị trong vài bữa nay. "VietNamNet" có hẳn tường thuật tại trận từ Geneva, Thụy Sỹ.

Tất nhiên, kết quả vụ báo cáo nhân quyền này, thì không cần xem báo cũng biết: chắc chắn phải "thành công rực rỡ" :). Như bố cún còn nhớ, thời ngay sau 1975, cụ Phạm Văn Đồng, thủ tướng bất lực nắm quyền dài nhất trong lịch sử (Việt Nam và thế giới), có tuyên bố (hình như với các ký giả quốc tế) rằng Việt Nam không hề có tù chính trị, tù vì bất đồng chính kiến (mà "bọn phản động" hay gọi là "tù nhân lương tâm").

Một đất nước chiến tranh triền miên, nội ngoại xâm liên tục, mà thực hiện được điều đó ngay sau ngày thống nhất, thì bây giờ, 34 năm sau, tình hình nhân quyền ắt phải ưu việt. Cái đó miễn bàn!

Cái hay ở đây là một "thừa nhận" rất khéo và tế nhị của phía Việt Nam, mà "VietNamNet" đã diễn đạt rất nhẹ nhàng: "Đề cập tới các thành tựu song Việt Nam cũng thừa nhận các thách thức, khó khăn phải đối mặt trong việc đảm bảo thực hiện quyền con người, có lúc còn để xảy ra vi phạm, ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền của người dân".

"Có lúc xảy ra vi phạm", nghĩa là cũng không mấy khi. Và, "các thách thức, khó khăn phải đối mặt", nghe cứ như nó đến từ đâu, có thể từ bên ngoài (bọn phản động), hoặc do những lý do "khách quan", chả phải do chính quyền không muốn ;)

Tay ký giả nào "chấp bút" những dòng ấy, thật là bậc đại bút ;)

*

Trong khi Việt Nam không hề có vấn đề nhân quyền, thì tại Hung, tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ: dân tham gia biểu tình, đập phá ở trung tâm thành phố, thì hay bị cảnh sát ngăn cản, thỉnh thoảng còn "hành hung" họ (ảnh trên); các tổ chức dân sự muốn kiểm soát sự trong sạch của chính phủ, thì đôi lúc không được chính phủ sẵn lòng hợp tác, không được chia sẻ lập tức những "bí mật" quốc gia như họ đòi hỏi.

Thật là một thảm họa (nhiều cư dân đã kiện Hungary trên Tòa án Nhân quyền Châu Âu vì quá bức xúc trước những sự này)!

9/5/09

Mother's day

5 nhận xét



1. Ngày mai là Ngày các Bà Mẹ ở nhiều nước (Việt Nam mình cũng "xài" ngày này), nhưng ở Hungary thì đã tổ chức từ ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Năm.

Nói đến ngày này và đến Mẹ, ai cũng nhớ nhiều áng văn thơ nhạc họa quen thuộc.

Ở tầm loàng xoàng, có bài hát "Chỉ có một trên đời" của Trương Quang Lục (nghe đâu phần lời là "đạo" của Liên Xô?):

Trên trời cao có muôn ngàn ánh sao
Trên đồng xa có muôn ngàn cây lúa
Con chim rừng có muôn ngàn tiếng ca
Cây trong vườn có muôn ngàn lá hoa
Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi
Và mẹ em chỉ có một trên đời

Thanh cao hơn (và bị nhắc đi nhắc lại đến độ... nhàm chán), thì có "Bông hồng cài áo" của Thích Nhất Hạnh (ca khúc do Phạm Thế Mỹ phổ nhạc thì cá nhân bố cún không thích lắm, vì có cái gì cải lương, hát lên nghe chừng... giả tạo).

Hay, trường ca lớn "Mẹ Việt Nam" của Phạm Duy, mà Doãn Quốc Sỹ đã có bài bình luận "Nghĩa Mẹ tình Mẹ qua những tác phẩm văn nghệ Việt Nam" đọc thấy nao lòng: "Mẹ hiền như ánh đuốc soi sáng lương tâm những lúc đi lạc trong biển sương mù", và Đặng Tiến thì có bài "Mẹ Việt Nam trong nhạc Phạm Duy" tinh tế và nhạy cảm: "Nghe lại "Mẹ Việt Nam", trở lại Mẹ hiền, là về lại Yêu Thương, về lại Cội Nguồn, về với Bản Thân".

Nhưng từ tuần trước, bố cún lại có thêm một "áng" bất hủ khác, trong "tàng thư" đồ sộ: ấy là bài luận tặng mẹ của Thu Vân :)

2. Thu Vân có mấy món quà (ảnh) tặng mẹ từ tuần trước, trong đó có bài luận trên, đặt trong 1 tấm thiệp. Tất cả đều do Thu Vân tự tay làm, trong khuôn khổ giờ thủ công ở trường do cô hướng dẫn, để bọn nhóc về tặng Mẹ.

Đi học về, mẹ và em đang ngủ, Thu Vân rón rén nói thầm với bố, rằng đã chuẩn bị quà cho mẹ, nhắc bố đừng nói gì cả, "cho bất ngờ".

Rồi một lúc sau, do một sơ sẩy gì đó, Thu Vân bị mẹ gọi vào, mắng cho một trận. :)

Không rõ Thu Vân đưa mẹ xem món quà lúc nào, chỉ biết khi bố đi có việc về thì mẹ chuyển cho bố tấm thiệp để dịch cho mẹ. Hình như Thu Vân dọa mẹ rằng bài luận có nội dung "nói xấu" mẹ lắm, nên mẹ có vẻ hồi hộp tợn.

Dịch sơ sơ (và sát ý, giữ nguyên các hành văn Tây, ngồ ngộ của Thu Vân) ra tiếng Việt, nội dung bài luận ấy như vầy:

"Gửi mẹ yêu của con.

Nhân Ngày các Bà Mẹ, con muốn tặng mẹ một bài luận nhỏ này.

Điều căn bản chỉ được nhắc tới sau đây: giờ con mới kể, con có cảm xúc ra sao về mẹ. Các mẹ đều thích được khen con cái, đúng không mẹ? Nếu con hư, mẹ nghiêm khắc mắng con, nhưng mẹ làm điều đó cũng là vì lợi ích của con. Trong cặp mắt nâu của mẹ ánh lên dấu hiệu của tình yêu thương. Mẹ mệt mỏi vì em, vậy mà... con lại hay khiến mẹ bực. Và nếu đôi lúc mẹ có giận con đi nữa, con cũng hiểu được điều đó. Mẹ khó nhọc cùng bố, vất vả với gia đình. Con thích mẹ mỉm cười, khi khi ấy con biết rằng mẹ yêu con, mẹ ở bên cạnh con. Con cũng luôn cảm nhận được điều đó, kể từ khi con ra đời.

Mẹ, con yêu mẹ!

Con bé nhỏ và yêu thương của mẹ"

3. Các bậc phụ huynh thường kể lể về sự bao dung của mình cho con cái, nhưng đã bao giờ họ nghĩ, lắm khi, con cái cũng rất bao dung với họ?

Trong nhà, mẹ cún nghiêm khắc nên có "uy" hơn với hai đứa. Bố thì xuề xòa, ít nói, và có nói chúng nó cũng không nghe. Phần "dạy" con (hiểu theo nghĩa giảng giải, đôi lúc "lên lớp"), bố hay nhường cho mẹ. Cho nên mẹ thường nói rằng, bố "khôn" vì đẩy phần khó cho mẹ, rằng bố có "mắng" bọn nhỏ bao giờ đâu, hèn gì chúng nó quấn bố hơn, và có thể, quý bố hơn mẹ...

Nhưng con trẻ, do trong trắng nên không hề có định kiến, và do thông minh nên không bao giờ hiểu sai những thiện ý mà cha mẹ dành cho chúng. Và cho dù, sinh ra và trưởng thành bên này, hưởng nền giáo dục của Tây thiên về tôn trọng những giá trị cá nhân, quen với suy nghĩ dân chủ và độc lập, sính tự do và không ưa bị can thiệp quá sâu, quá... trắng trợn vào những chuyện mà chúng coi là riêng tư, nhưng chúng luôn phân biệt được đâu là tình thương, đâu là sự lo lắng của cha mẹ. Kể cả, đôi khi, nỗi âu lo cho con cái thường được thể hiện dưới những hình thức cực đoan kiểu Á Đông, hơi tí lại chủ trương "yêu cho roi cho vọt", "cá không ăn muối", "chúng mày chớ có trứng khôn hơn vịt"...

Mới thấy, lũ trẻ bây giờ hơn chúng ta xưa nhiều lắm! Và, cũng cần lắm từ các ông bố bà mẹ, sự ý thức rằng con cái không chỉ là… con cái, mà còn là những người bạn của chúng ta… Như thế, mới mong “’dạy dỗ” được chúng hiệu quả!

Bố mẹ cám ơn Thu Vân, thương con lắm!

1/5/09

Cún du côn

12 nhận xét



Lâu không viết cho cún, thực ra cún đã trở thành một chàng thanh niên thực thụ rồi!

Từ lâu nay, cún đã vượt quá ngưỡng "hung thần" của bố mẹ. Những trò phá của cún nhiều khi để lại hậu quả thảm khốc, ví dụ: sách bị xé, đĩa CD bị dẫm đạp, băng video và cassette bị kéo ra... Nhưng không chỉ trên địa hạt văn hóa phẩm, mà cún có xu hướng phá tất cả những gì cún muốn.

Mẹ bảo cái tính đó, cún thừa hưởng từ bố, "ưa tự do". Cũng đúng phần nào, nhưng phải nói là bố kiên nhẫn hơn cún nhiều. Chứ cún, dạo này, nghĩ ra trò ăn vạ rất láo: muốn làm gì mà không được, hoặc không muốn làm gì mà bố mẹ "khuyến dụ", y như rằng cún bảo lưu một tư thế đáng ghét là người nhũn ra, lăn quay ra sàn, chân tay giãy đành đạch như đỉa phải vôi, khóc vang dội không ngớt (nhiều khi còn nhắm tịt mắt, không quan tâm gì đến trò đời khi hành sự nữa). Cứ mỗi lần thấy cún chuẩn bị cho trò Chí Phèo ấy là bố mẹ biết ngay, cười thầm nhưng ngoài mặt vẫn phải làm ra vẻ nghiêm nghị.

Tính đanh đá của cún còn được áp dụng với người ngoài, chứ không chỉ nội bộ, tại gia. Bữa trước mẹ đưa cún đi dạo ở phố đi bộ, cún thấy một bạn gái người Hung cùng khoảng tuổi, liền sấn đến, nói bi bô linh tinh rồi nhanh như cắt, giật phăng hộp nước 33cc trong tay bạn. Phải khó khăn lắm, mẹ cún mới hoàn trả được trạng thái ban đầu của hộp nước, kết quả là cún làm một tràng rên rỉ rất to, chừng 20 phút, khiến ai nấy kinh hoàng.

Tất nhiên, kèm theo sự hư đốn ấy, cún cũng ý thức được nhiều điều hơn. Mẹ đã dạy được cún biết mắt, mũi, miệng... và làm một số cử chỉ như nhẹo mắt, khịt mũi hoặc đưa tay vào miệng khi họ nói ra những từ đó. Cún khoái chơi ú tim, trốn tìm với chị và bao giờ cũng đoán được khá nhanh chỗ chị trốn. Những trò trèo leo thì cún thạo quá rồi, nhưng bây giờ thêm phi vụ mới là trèo tót sỗ sàng lên bàn gương mà không cần bắc ghế.

Cún nhìn chung cũng là tay thực dụng. Kể từ nụ hôn: bằng lòng ai thì nhào vào hôn ngấu nghiến, dớt dãi chả khác gì hôn kiểu Pháp :). Bà nội đến chơi, bảo thế nào cũng không chiều bà, nhưng khi bà mang sục-cù-là ra thì vui vẻ hòa nhã ngay, gọi dạ bảo vâng khác hắn. (Nói thêm là về ngạch ăn uống, lâu nay cún lười ăn, một bữa cho cún đến mệt, ăn xong lại nhè, nhìn chung là hư đốn).

Về thiên hướng, chưa thấy cún có gì nổi bật. Đã qua cái thời cả ngày cún lăm lăm cái bút (hay cái thìa) đi kiểm sát các phòng, đến nỗi bố có đặt cho cún cái biệt hiệu là "lão già sử phán quan bút", và bắt Thu Vân học cụm từ rối rắm đó. Ngoài ra, cún thỉnh thoảng vẫn thích chơi trò yêu ai thì... ngồi phịch lên mặt, lên bụng hoặc lên các điểm nhạy cảm khác của người đó (chiêu này cả nhà đều đã từng bị). Bới thùng rác htì vô địch! Cho nên, khả năng cún làm... bồi bút, đầu bếp, võ sĩ sumo hoặc nhân viên Công ty Vệ sinh Môi trường, nghe chừng vẫn chưa có gì xác quyết lắm.

Nói vậy thôi, dầu hỗn như ranh, chứ cún cũng ngoan. Vụ đi vòng vèo Châu Âu 5 ngày hồi Phục sinh vừa rồi, cún mà quấy như hồi sang Vienna của cô Hà thì "hỏng hết bánh kẹo". May là dịp này, cún đã biết đi, thậm chí chạy như bay, nên tự giải quyết được những vấn đề bức xúc tâm lý của mình, mà cho bố mẹ và mọi người thăm thú, giao lưu được chút chút...

(*) Minh họa: Tư thế ăn vạ thường trực của cún mỗi khi bị bắt làm gì không thích (ảnh chụp ở Erfurt, Đức nhợn, dịp Phục sinh).

29/4/09

Lại vụ bauxite: Phản biện xã hội

1 nhận xét



Cám ơn cả nhà đã khích lệ... cứ viết tiếp :) Và, như đã hứa với Hana, nhân vụ bauxite, post bài này cho "rộng đường dư luận".

Số là, gần tuần nay, và nhất là sau khi Bộ Chính trị đưa ra "kết luận về quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025" (ngày 24-4), bắt đầu rộ lên một số ý kiến "phản công", "đá móc", như trong bài "Chung quanh vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên" ("cần cảnh giác và có thái độ rõ ràng, kiên quyết với những mưu toan chính trị hóa vấn đề của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, muốn chia rẽ nội bộ chúng ta; xuyên tạc sự thật, lợi dụng những tình cảm thiêng liêng trong trái tim, khối óc mỗi người để kích động hòng thực hiện những mưu đồ xấu xa của họ" - blogger Osin đã có ngay "Bauxite & Báo Nhân Dân" về bài này), hoặc "đỉnh cao" là vụ "phản pháo" của Bộ Công thương đối với những người tham gia ký Kiến nghị bauxite (mà blogger Bút Lông có report đầy đủ ở đâyở đây).

Phản ứng này của chính quyền cũng không thật khó hiểu, cho dù có phần "bất nhất", vì trước đó chính quyền đã viện dẫn rằng vì "nghe lời dân", để "ý Đảng" cũng là "lòng dân","tạo sự đồng thuận trong xã hội", nên chính quyền mới có những điều chỉnh cần thiết trong vụ bauxite, như đã.

Vấn đề là, một khi chính quyền "chuyển hướng" rất tế nhị như vậy, báo chí khó lòng không theo! Chẳng hạn. "Tuần Việt Nam", chuyên san có những loạt bài giá trị (và nhiều khi, dũng cảm) về các vấn đề được công luận quan tâm, đưa "ý kiến độc giả" "Phản biện hay "tát nước theo mưa"?", phán: "Tuy nhiên, lợi dụng những phản biện đúng đắn trong xã hội của một nhà nước có luật pháp để chia rẽ, gieo rắc nghi ngờ giữa người dân với chính quyền, đi xa hơn nữa là để kích động sự chống đối chính quyền, là những việc làm không liên quan gì đến các vấn đề được phản biện. Việc làm với dã tâm như vậy không thể coi là phản biện. [...] Có thể nói, sự kích động quá lộ liễu như thế tự nó bóc trần mục đích và động cơ cá nhân của những người "tát nước theo mưa".

Đọc bài ấy, bố cún hơi... nóng gáy, nên trên tinh thần "đa chiều", "xây dựng", mới viết mấy dòng sau đây gửi "Tuần Việt Nam", mà chỉ nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Tòa soạn: "Để rộng đường dư luận, chúng tôi... [] mong nhận được những ý kiến trao đổi thẳng thắn từ độc giả". Gọi là "góp ý", nhưng bài cũng viết cẩn thận, có trích dẫn đàng hoàng, rất mang tính "xây dựng". :)

Bài viết tất nhiên không nhằm đăng tải (vì biết là khó), đơn thuần là sự chia sẻ một quan điềm, nhưng sau đấy mấy hôm lại thấy "Tuần Việt Nam" đăng thêm bài "Phản biện xã hội phải luôn mang tính trách nhiệm cao", có đoạn: "Chúng ta không thể đồng tình và cần cảnh giác với lối phản biện có tính chất chia rẽ xã hội, thù địch và hằn học của những kẻ tiểu khí nhằm thỏa mãn những toan tính vụ lợi cá nhân, vì xét cho đến cùng đó chỉ là lối phản biện “té nước theo mưa“ rất vô trách nhiệm và không có hiệu quả".

Thì hiểu được là, hẳn cũng phải sự định hướng và chỉ đạo tỉ mỉ, khi nào báo chí cần viết với "văn phong" và "màu sắc" thế nào trong vụ bauxite này :((

(*) Minh họa: Chủ tịch Hồ Chí Minh, người không xa lạ với "phản biện xã hội", chẳng hạn trong việc tham gia "Bản án chế độ thực dân Pháp".

*
KHÔNG SỢ "TẤT NƯỚC THEO MƯA", CẦN TĂNG CƯỜNG PHẢN BIỆN XÃ HỘI

Ở các quốc gia dân chủ, sự phản biện xã hội của công luận và giới truyền thông là điều hết sức bình thường, nếu không muốn nói là một truyền thống đã được thực thi khá hiệu quả từ nhiều thế kỷ nay.

Cho nên, ở những xứ đó, chính quyền và lãnh đạo, trước khi đi vào quyết định hoặc thực thi một chính sách có thể ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích và quyền lợi của nhân dân, thường phải đắn đo rất kỹ. Những biện pháp như thăm dò, điều tra dư luận một cách rộng rãi - hoặc ở mức cao nhất là trưng cầu dân ý - cũng thường được thực hiện.

Do vậy, các nước ấy giảm thiểu được tình trạng cứ giấu dân làm bừa, đến khi dân kêu quá, "cực chẳng đã", mới "sửa chữa".

Còn như ở ta, cho dù đã "sửa sai" đi nữa, qua những vụ như xây dựng TTTM tại chợ 19-12, xây khách sạn trong công viên Thống Nhất, xây dựng chợ tại sân chơi "Con voi"…, niềm tin của người dân đã bị sói mòn nhiều lắm vì cách ứng xử rất chủ quan, cửa quyền và thiếu sót của chính quyền. Ấy là chưa nói đến những thiệt hại vật chất (do phải bồi thường), mà suy cho cùng cũng vẫn trích từ tiền thuế của người dân mà ra.

Vẫn biết, tại Việt Nam, phản biện xã hội là điều mới, chưa ăn sâu vào suy nghĩ của người dân. "Nói thẳng nói thật", về căn bản, mới manh nha từ sau thời kỳ Đổi mới cách đây hơn 20 năm và cho đến nay, những công dân tâm huyết, nhiệt thành với sự phát triển xã hội, mỗi khi muốn góp ý với chính quyền vẫn luôn phải "nhìn trước ngó sau" để tránh bị quy chụp là "phản động", "động cơ đen tối", v.v... Nhưng thử hỏi, nếu không cổ vũ và khích lệ quyền được nói, được góp ý kiến, được biết và xử lý thông tin của người dân, dẫn đến quyền được kiểm sát theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", làm sao phát huy dân chủ cho sự tiến bộ của đất nước?

Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh hiện tại, không nên đặt câu hỏi "phản biện hay "tát nước theo mưa" như một bạn đọc TVN đã nêu ra, mà nên tạo điều kiện hơn nữa, khuyến khích hơn nữa những ý kiến phản biện từ mọi giai tầng trong xã hội. Bởi một lẽ đơn giản: những ý kiến phản biện hiện tại vẫn còn ít lắm, so với mật độ dày đặc của những bất cập, những vụ việc khiến người dân phải bức xúc.

Không chỉ những trí thức khoa bảng, mà bất cứ người dân nào - từ ý thức trách nhiệm công dân của mình - cũng nên và cần mạnh dạn nêu ý kiến phản biện, nâng cao chất lượng phản biện, để hoàn thiện hóa chính quyền "do dân, vì dân" như chúng ta mong đợi.

Chớ sợ "địch" "xuyên tạc", "bôi nhọ" "ta", hãy sợ khi chúng ta không ai dám nói ra điều trung thực. Hơn 60 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong “Sửa đổi lối làm việc”, “Thuốc đắng giã tật”, v.v… (với bút danh X.Y.Z.), đã nghiêm khắc khuyên giới cán bộ - những người theo lời cụ, là “đày tớ của nhân dân” - bao giờ cũng nên nói thật, nói thẳng, nói hết. Chỉ như thế mới mong khắc phục được những yếu kém, và khiến “kẻ địch” không thể “phá hoại” được “ta”.

Có những cán bộ tưởng rằng: nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại vì:

- Kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền;

- Giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền;

- Làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy;

- Chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi.

Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình.

Nếu không muốn để kẻ địch phản tuyên truyền thì không gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm.

Một khi đã phạm đến khuyết điểm, thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết. Phải nhớ câu tục ngữ “sừng có vạch, vách có tai”.

Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì chẳng những uy tín không giảm mà lại thêm cao.

Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ.

Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự, phê bình chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa thì sự phê bình mới hoàn toàn.

Đọc lại những dòng này, cũng là để thấu hiểu và làm đúng tinh thần theo những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra!

Cuộc chiến Việt Nam dưới mắt một ký giả Hung

0 nhận xét



Cách đây 9 năm, nhân 25 năm sự kiện 30-4-1975, Aczél Endre - một chuyên gia chính trị học uy tín, một ký giả gạo cội của Hungary - có viết một bài "tổng quan" về cuộc chiến Việt Nam, đăng trên tuần báo "168 giờ" (168 óra), Hungary.

Bài cũ rích, không có gì đặc sắc vì chỉ mang tính "điểm xuyến", nhưng bài viết cũng cho thấy vài nét trong cái nhìn của giới ký giả thời "hậu cộng sản" của một quốc gia Đông Âu về Bắc Việt, một cựu đồng minh của họ. Thời chiến, Hungary là một nước đã hỗ trợ Bắc Việt Nam rất nhiều, cả về tinh thần và trong thực tế - đặc biệt là chừng 600 quân nhân Hungary đã có vai trò rất đáng kể (thiên vị và hướng về miền Bắc :)) với hoạt động gìn giữ hòa bình của họ, trong khuôn khổ Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Quốc tế về Hiệp định Paris về Việt Nam (thời kỳ 1973-1975).

(*) Minh họa: TS Déri Miklós (giữa), một trong 2 cựu chiến binh Hungary đã giám sát, chứng kiến sự ra đi của những người Mỹ cuối cùng khỏi Việt Nam. (Ảnh chụp ngày 29-4-2009)

VIỆT NAM, 25 NĂM TRƯỚC

25 năm trước, sáng ngày 30-4-1975, tại Sài Gòn, một chiếc xe tăng T-54 của Bắc Việt đã đè nát cánh cửa Dinh Độc lập (phủ tổng thống Nam Việt Nam) và sau đó ít phút, những người lính tràn vào đã cắm lá cờ 2 màu xanh, đỏ với 5 ngôi sao vàng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Việt Nam (phương Tây thường gọi bằng cái tên Việt Cộng) lên tòa nhà.

Với hành động mang tính tượng trưng này, cuộc chiến Việt Nam - kéo dài từ thời tổng thống Kennedy đến những ngày cùng của Nixon - đã chấm dứt. Bắc Việt đã nuốt chửng Nam Việt, đất nước bị chia đôi được thống nhất.

Việt Nam chính thức bị phân chia vào năm 1954. Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam không bao giờ chấp nhận trạng thái này. Sáu năm sau đó, Việt Cộng bắt đầu hoạt động và khởi sự cuộc chiến tranh du kích chống lại thể chế miền Nam. Vì thực dân Pháp đã hoàn toàn rút khỏi Đông Dương, Hoa Kỳ trở thành người bảo trợ cho "thế giới tự do" miền Nam.

Trong 4 năm đầu, sự can thiệp của Hoa Kỳ còn khá hạn chế: ở miền Nam Việt Nam, những đơn vị Sài Gòn có nhiệm vụ chống lại quân du kích được nhận chỉ huy người Mỹ, và những lực lượng đặc biệt (Special Forces) - thường được gọi bằng cái tên "mũ nồi xanh" - chỉ xuất hiện một cách rải rác, cũng để chống lại phong trào du kích. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, ai nấy đều thấy rằng quân đội miền Nam không thể đè bẹp một phong trào thống nhất được miền Bắc ủng hộ "hết mình", song chủ yếu vẫn dựa vào các phần tử miền Nam.

Rốt cục, ngay trong thời tổng thống Johnson, đã có hàng chục ngàn, rồi hàng trăm ngàn binh lính Hoa Kỳ bước chân vào mảnh đất Việt Nam, và chẳng mấy chốc, cuộc chiến đã lan rộng ra cả nước. Ở miền Nam, quân lực Mỹ (Army) tìm cách thanh toán các đơn vị Việt Cộng và tại miền Bắc, không lực Mỹ (Air Force) "trừng phạt" hậu phương của quân du kích.

Tuy nhiên, nếu nhìn trên một phương diện nhất định, có thể thấy những cố gắng trên đã khá vô hiệu quả. Bằng chứng là cuộc tấn công của Việt Cộng trong dịp tết Mậu Thân 1968, nhằm vào các thành phố miền Nam, trong số đó có thủ đô Sài Gòn. Trong chiến dịch này, Việt Cộng tuy không giữ được trong thời gian dài những cứ điểm mà họ chiếm được, song họ đã đạt được một mục đích: khiến công luận Hoa Kỳ cảm thấy chán ngán cuộc chiến. Một mặt, tinh thần anh dũng của quân du kích và những hành động "cảm tử" của họ; mặt khác, hình ảnh những người du kích bị đối xử một cách dã man, đã tạo được ảnh hưởng của chúng. Nhiều người tin rằng Hoa Kỳ muốn tìm cách vùi dập những lực lượng giải phóng dân tộc của một quốc gia Á châu xa xôi. Từ đó trở đi, nổi lên một phong trào phản chiến trên khắp nước Mỹ, thậm chí, có lẽ trên cả nửa địa cầu; phong trào đó đã được tiếp sức bởi một thực tế đơn giản: theo ý nghĩa quân sự, chàng anh hùng David đang đối đầu với người khổng lồ Goliat. Và con người ta thường có bản năng đồng cảm với kẻ yếu.

* Bắc và Nam.

Trong thời gian 1968 - 1972, cùng với tất cả những điều nói đến ở trên, hàng chục ngàn lính Mỹ đã bỏ mạng nhằm mục đích thanh toán phong trào du kích và đánh quỵ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giúp chính quyền Sài Gòn tồn tại bằng một cách nào đó và lập nên một rào chắn chống sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, sự hy sinh của họ (58 ngàn binh lính Hoa Kỳ đã thiệt mạng trong suốt cuộc chiến) là vô ích. Cuối cùng, cuộc chiến tranh bị đa số dân chúng chán ghét đã không đem lại những kết quả quân sự như ý, khiến Hoa Kỳ phải lựa chọn con đường "ra đi trong danh dự". Tháng Giêng 1973, trong cuộc hòa đàm bốn bên ở Paris, một hiệp định đã được ký kết, theo đó chính thể miền Nam và các lực lượng vũ trang của Việt Cộng vẫn
ở nguyên vị trí của họ (một hình thức phân chia lãnh thổ miền Nam); miền Bắc đảm bảo nền hòa bình và quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam.

Cố nhiên, kịch bản - theo đó những phe phái đối nghịch ở miền Nam chịu hòa hoãn với nhau và Nam Việt Nam được độc lập dưới sự kiểm soát của một chính phủ dân chủ thống nhất - rõ ràng là không có sức sống. Ngay sau khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam, sự đình chiến - mà người viết bài này cũng tham gia quá trình kiểm soát trong một thời gian ngắn ngủi - trở nên hỗn loạn hẳn. Chính quyền Sài Gòn và Việt Cộng chỉ bận tâm đến việc tăng cường vị thế của mình, họ lấn chiếm của nhau từng tụ điểm chiến lược.

Ai nấy đều biết: việc Đảng Cộng sản Việt Nam dụng công lật đổ chính thể Sài Gòn chỉ còn là vấn đề thời điểm. Quyết định được đưa ra vào cuối năm 1974. Mùa xuân 1975, bắt đầu "cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc": cuộc chiến đó tuy được miền Bắc gán cho bộ quần áo của Việt Cộng và trá hình như một cuộc khởi nghĩa nhân dân, nhưng kỳ thực, nó không hề có chút "cách mạng" và "dân tộc" nào, mà là một cuộc đụng độ chính qui, được thực hiện bằng những công cụ truyền thống nhất.

* Cuộc chiến chớp nhoáng.

Theo những số liệu của sách vở phương Tây mà Bắc Việt không bao giờ công nhận, 22 sư đoàn Bắc Việt vượt giới tuyến và trong vòng 50 ngày, đạo quân đó đã đè bẹp một cách dễ dàng sự phản kháng của quân đội Sài Gòn. Người Mỹ không hề can thiệp, ngoại trừ hành động cứu trợ: dùng máy bay trực thăng và tàu bè đưa bộ máy (cố vấn) quân sự Hoa Kỳ còn sót lại miền Nam, và một phần nhỏ giới lãnh đạo Nam Việt Nam, ra nước ngoài.

Và chẳng mấy chốc, quá trình "cộng sản hóa" miền Nam được tiến hành. Quá trình đó được biểu lộ rõ rệt khi quyền hành bề ngoài của những cán bộ - từng mang danh "dân tộc" - của Việt Cộng được trao cho những cán bộ đảng từ miền Bắc tràn vào, và sự hòa hợp dân tộc được tuyên bố trong thời gian trước đó cũng hoàn toàn bị bác bỏ. Hàng trăm ngàn nhân viên và quân nhân (tham chiến theo chế độ nghĩa vụ quân sự) của chính thể miền Nam bị tống vào những "trại cải tạo". Năm 1977, những cơ sở công nghiệp và thương mại trong tay cá nhân bị đưa vào sở hữu nhà nước, nền nông nghiệp bị tập thể hóa. Chỉ riêng ở Sài Gòn, chính sách sở hữu hóa công nghiệp đã khiến một triệu người Việt gốc Hoa mất mọi điều kiện sinh sống; công cuộc tập thể hóa nông nghiệp dẫn đến tình trạng thiếu thực phẩm, gây nên nạn đói ở đầu thập niên 80.

Nhưng các lãnh đạo Bắc Việt hoàn toàn say sưa với thành công trong việc biến đổi miền Nam theo hình mẫu của họ. Công cuộc "giải phóng miền Nam", thống nhất đất nước, niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản đã dẫn họ vào cuộc phiêu lưu chinh phục Campuchia (1979); vì cuộc chiến đó, ngoài việc bị Trung Quốc "trừng phạt" về quân sự, họ còn phải trả giá đắt trên mọi phương diện.

* Nhịp độ Trung Quốc

Chuyển biến chỉ diễn ra vào năm 1986, khi dưới ảnh hưởng của Liên Xô thời kỳ Gorbachev - người bạn tốt duy nhất còn duy trì mối quan hệ với Việt Nam - cánh "cải tổ" đã thắng thế trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và đã "mở cửa" Việt Nam, một phần cho những doanh nghiệp tư nhân nhỏ, một phần cho đầu tư nước ngoài. Kết quả là trong nửa đầu của thập niên 90, Việt Nam phát triển với nhịp độ "bão táp", sự phát triển đạt đến mức độ của Trung Quốc, "người anh cả" vẫn được Việt Nam coi là chuẩn mực. Nhưng, cho đến ngày hôm nay, đội "cận vệ" giáo điều cũ - những trợ thủ theo trường phái vị chủ tịch Hồ Chí Minh đã quá cố - vẫn giữ ảnh hưởng lớn trong đảng, những cải tổ bị kìm hãm với thời gian. Giai đoạn thứ hai, mang tầm quan trọng quyết định - khi Việt Nam phải thực hiện quá trình tư hữu hóa, phải tạo những điều kiện thuận lợi cho tư bản nước ngoài đầu tư vốn, và phải giảm thiểu bộ máy quan chức cộng sản đã bành trướng đến mức khó tưởng tượng nổi, cùng những tệ nạn quan liêu, hối lộ, đồi bại... - đã tỏ ra chậm trễ đến ngày hôm nay.

Một điểm đặc biệt của lịch sử: miền Nam, nơi diễn ra cuộc chiến, sau thời kỳ tan rã ban đầu, đã phát triển hơn nhiều so với miền Bắc "giải phóng". Sài Gòn, dù bị đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh", nhưng vẫn là Sài Gòn. Ở Nam, kinh tế cá thể phát triển hơn nhiều và nguồn vốn đầu tư địa phương cũng phong phú hơn nhiều so với miền Bắc. Cũng chính bởi những lý do đã khiến miền Nam, và miền ven biển phía Nam, Đông Nam Trung Quốc đã phát triển hơn miền Bắc nước này: ở cả 2 nước Trung Quốc và Việt Nam, những người di tản, tị nạn, định cư ở nước ngoài phần lớn ra đi từ miền Nam và sau khi đã tự tạo cho mình một cuộc sống ổn định, họ bắt đầu gửi tiền và đầu tư về quê hương. Cạnh đó, nhờ việc phục hồi lại "thị trường", ngày nay, ở Sài Gòn, cuộc sống sinh động hơn nhiều so với Hà Nội: Sài Gòn nhiều xe hơi, xe máy, quán xá, vũ trường, nơi giải trí... hơn Hà Nội; người ta còn bảo số gái mại dâm ở Sài Gòn cũng nhiều gấp bội so với Hà Nội. Theo những kẻ "xấu bụng", con số này đã gần bằng thời người Mỹ còn ở Việt Nam.

(HL dịch)

21/4/09

Entry for April 21, 2009

10 nhận xét




Blog yahoo dạo này chán quá. Dân tình lũ lượt bỏ đi hết rồi, "như những dòng sông nhỏ..."

Già rùi, ngại thay đổi, chả muốn đi đâu. Nhưng ở đây nay mai chắc cũng chẳng còn mấy bạn bè...

Thui, có lẽ đóng cửa, được rồi...

Mệt mỏi...

8/4/09

Quyết định không khiến ai bất ngờ...

9 nhận xét




Thế là Hội thảo về khai thác bô-xít Tây Nguyên đã "thành công tốt đẹp" với kết quả có lẽ không khiến ai bất ngờ: bảo lưu quyết định khai thác bô-xít ở Tây Nguyên đã được đưa vào thực tế từ nhiều tháng nay, bất chấp những ý kiến phản đối của giới khoa học, của các chuyên gia, các nhà văn hóa, của cả những công thần của chế độ về hiểm họa xã hội, an ninh, kinh tế và môi sinh rất nhãn tiền của dự án này.

Quyết định ấy không khiến ai bất ngờ vì ngay từ đầu, nó đã được đóng mác, là "phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ", đã được "đưa ra một cách cân nhắc" trong đủ thứ Nghị quyết này nọ, và cái chính là đối tác của phía Việt Nam là một tập đoàn Trung Quốc...

Nó cũng không khiến ai bất ngờ, vì Chính phủ đã tìm được những lãnh đạo địa phương vừa ngu xuẩn, vừa có óc thiển cận, ham cái lợi trước mắt để rắp tâm... bán nước, như vị này.

Cuối cùng, nó không khiến ai bất ngờ, vì báo chí đã được chỉ đạo trước, là nhất nhất phải "theo lề phải", chớ có "càm đèn chạy trước ô tô" ngay cả trong việc tường thuật hội thảo, đến mức một bài report bình thường, chả có gì đụng chạm, chỉ thuần túy thuật lại một số chi tiết của Hội thảo, cũng phải bị dỡ xuống vài giờ sau khi tải lên.

Chính vì được bố trí một cách hoàn hảo và bài bản như thế, quyết định ấy thật nhục nhã! Vì nó đi ngược lại lòng dân, vốn rất ít khi đồng thuận ở mức gần như tuyệt đối như trong vấn đề về bô-xít lần này.

Có chăng, một điểm son của Hội thảo, là một số chuyên gia, một số nhà khoa học đã kiên nhẫn đấu tranh đến cùng, cho dù họ cũng biết là mọi thứ đã "hóa bùn"... Xin ngả mũ trước quyết tâm ấy của họ...

(*) Ảnh minh họa: Màu xanh Tây Nguyên, còn giữ được đến bao giờ?

28/3/09

Thi Văn học

12 nhận xét




Chiều nay chị Thu Vân tham dự Cuộc thi Văn học Móra Ferenc do Giáo hội Tin lành vùng Kőbánya tổ chức :)

Nghe thì rùng rợn như thế, nôm na, đó là một cuộc thi đọc các tác phẩm của nhà văn Hung Gia Lợi Móra Ferenc (1879–1934), nhân 130 năm ngày sinh và 75 năm ngày mất của ổng. Móra Ferenc viết nhiều cho thiếu nhi, sách của ông được đưa vào chương trình Ngữ văn bậc Tiểu học - ngoài ra, ổng cũng là thành viên của hội Tam Điểm (chi nhánh Hungary) nữa.

Thoạt tiên, Thu Vân không muốn đi thi, chắc vì ngại. Nhưng bị mẹ "đấu tranh" ghê quá, kể từ việc cật vấn "tại sao không muốn đi?" (là câu hỏi Thu Vân rất ngán, phần vì nó mang tính cá nhân, riêng tư :)), cho đến đòn "tâm lý chiến" "con cố đi để rèn luyện, có kinh nghiệm ăn nói trước đám đông", v.v... nên Thu Vân rốt cục cũng đồng ý, và có luyện tập ở nhà.

Bố thì góp một ý với Thu Vân (về sau mới biết là sai bét!), rằng mình không cần thuộc lòng, chỉ cần nắm cái nội dung cốt yếu của câu chuyện, rồi thuật lại theo cách nói của mình, sao cho thoải mái là được. Chỉ riêng những câu "đắc địa" của nguyên bản, thì mới cần lưu ý để nhớ thôi. (*)

Buổi trưa, trước khi đi, Thu Vân có đứng lên ghế, diễn thuyết, làm như thế vài lần thì có vẻ tương đối hoàn hảo. Bố đoán là nếu giữ được "phong độ" như thế, thì có thể được giải. Đặc biệt là giải lần này còn kèm... tiền :)

Trời mưa lâm thâm, hai bố con đến "hiện trường" cuộc thi. Đó là một hội trường nhỏ, trực thuộc và ở ngay cạnh Nhà thờ Tin lành quận. Đây cũng là chỗ tổ chức các buổi cầu nguyện hàng tuần.

Không đông thí sinh dự thi lắm, nhưng bố trấn an Thu Vân - khi ấy đang rất hồi hộp - rằng như vậy thì khả năng đoạt giải càng cao (chủ nghĩa thành tích ;)). Cuối cùng, các thí sinh được chia theo độ tuổi, từ lớp Ba bậc Tiểu học đến sinh viên Đại học :)

Trước cuộc thi, cô MC (đồng thời cũng là người dẫn các buổi cầu nguyện Chủ nhật, không rõ có phải là mục sư chưa?) nói rằng, hãy quan niệm kỳ thi như một cuộc chơi, tìm hiểu và tưởng nhớ một nhà văn thanh thiếu niên của Hung, nhưng hình như cô, cậu nào cũng run run. Thu Vân đăng đàn thứ ba, nói có phần bối rối, có lúc hơi cuống, và hai lần bị ngắc ngứ, giám khảo phải nhắc, nhưng về tổng thể thì tạo ấn tượng tốt.

Xong xuôi, các thí sinh và phụ huynh được mời đi ăn bánh, uống nước, trò chuyện tào lao dài dài, trong khi Ban giám khảo - hai cô giáo độc lập - làm việc cật lực cả tiếng đồng hồ!

Ăn bao nhiêu bánh ngọt, nhâm nhi bao nhiêu trà của Nhà thờ, thì mới đến mục công bố kết quả: Thu Vân được giải nhì, được nhận một văn bằng kèm 1 cuốn sách tặng (tự chọn trong danh sách 7-8 cuốn, của nhà văn nọ), và tiền thưởng khá nặng ký, là 5.000 Ft! (Minh họa ở trên)

Đây quả là một chiến công lớn của Thu Vân, xét trên cả khía cạnh... vật chất! Bữa trước, Thu Vân song ca được giải nhất dân ca Quận, cũng chỉ được 1 phiếu mua sách 500 Ft. Thêm nữa, 5.000 Ft tiền mặt đến với Thu Vân vào lúc Thu Vân đang... kiệt quệ tài chính ("cập thời vũ"). Số là, hàng tuần Thu Vân được mẹ cho vài trăm Ft tiêu vặt, nhưng do tích cóp để mua 2 tập "Harry Porter" (thay vì mượn thư viện, vì bố xui dại là "chắc thư viện không có loại sách ăn khách kiểu này" - về sau mới biết, hóa ra thư viện cũng có ;)) nên hết sạch, phải vay tiền mẹ. "Họa vô đơn chí", mới đây trả sách thư viện chậm mấy tuần, Thu Vân còn bị phạt 1.200 Ft, thế là nợ mẹ đầm đìa. May là mẹ cho trả dần, trong vòng dăm ba tháng (không tính lãi suất), nên giờ mỗi tuần vẫn được tí tiền túi (đã bị giảm) ;)

Rõ ràng là Tây họ tổ chức thi cử trên tinh thần vui vẻ, để khuyến khích học sinh học hỏi, thắng không kiêu, thua không cay cú, ai cũng được giải này nọ, rất lành mạnh. Mẹ cún thì tự hào với khoản tiền (mặt) đầu tiên, rất lương thiện, mà Thu Vân "kiếm" được nhờ tri thức, nên gạ Thu Vân "từ sau, nếu thấy có thi là ta cứ đi... bừa" :)

Và bắt bố phải làm ngay entry này để biểu dương con gái :)

(*) Khi thông báo kết quả, Ban giám khảo có nói, một trong những yêu cầu của cuộc thi, vì đây là thi nói lại tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, nên vì sự tôn trọng họ, cứ phải "sao y bản chính", chỉ làm sao mình nói cho hùng hồn, có xúc cảm, ngữ điệu và tự tin thôi. Chứ nếu thi... kể chuyện, thì mới tự do nói theo nhời mình được ;)

Entry for March 28, 2009

7 nhận xét



1. Hôm nay mẹ cún làm phở gà và bánh cuốn (ảnh trên), rất ngon!

Dĩ nhiên bên này làm tại gia không thể theo cung cách ở nhà, nên chỉ dùng chảo để tráng bánh. Nhưng làm một vài lần, có kinh nghiệm thì cũng mỏng, đều và kết quả là bánh cuốn cũng ngon chả kém ở nhà!

Mỗi người đánh bay một đĩa to, bố thì "no bụng đói con mắt" còn làm thêm 1 bát phở "cho nó ấm bụng" :)

2. Nhà cún không tham gia chiến dịch Giờ Trái đất được vì lý do rất "phồn thực": lúc ấy mẹ cún đang làm những mẻ bánh cuốn cuối cùng, còn mấy bố con thì đói meo, đi đi lại lại chờ xơi. Nên không có đầu óc cho chuyện "bao đồng" (đúng xì-tai "người Việt xấu xí").

Nói nghiêm túc: đọc báo chí nhà mình, nhất là bài này trên VNE, thấy nhà mình ùa ra đường nhộn nhịp quá. (Một nguồn tin ẩn danh cho hay: Nhà nước ta tốn nhiều tiền cho vụ này - cho các tình nguyện viên, cho công tác tuyên truyền, cho các nhân vật nổi tiếng đi PR...- hơn là khoản năng lượng tiết kiệm được từ 1 giờ không dùng điện).

Có bạn bảo là Việt Nam mình quen lối "thành tích", "bầy đàn", không sai hoàn toàn, nhưng phải nhấn mạnh một yếu tố nữa là ngoài ý nghĩa bảo vệ môi sinh và tiết kiệm (mà bố cún không chắc là sẽ được "quán triệt" mấy), thì đây cũng là dịp rất vui đối với thanh niên, nhắc nhớ những phong trào của Đoàn ngày xưa.

Nghĩa là, cho dù, cái "lợi" thực tiễn (và nhỡn tiền) của nó không nhiều (tay GS Bjorn Lomborg bảo lượng nến thắp trong 1 giờ ấy thải nhiều CO2 hơn bóng điện, và nếu có cả tỉ người tham gia đi nữa thì cũng chỉ "hãm" được bằng lượng CO2 mà Trung Quốc thải ra trong 6... giây!), nhưng ý nghĩa biểu tượng thì vẫn có...

(*) Hung cũng có hơn 50 tỉnh thành - trong đó có Budapest và già nửa thủ phủ của các tỉnh - tham gia chiến dịch này, báo chí cũng có đưa tin (vắn), nhưng phong trào ỉu xìu, chắc cư dân cũng không mấy để ý, vì sự tuyên truyền không ồ ạt như mình...

27/3/09

Đông du

4 nhận xét



Hôm nay bạn myselfvn Đông du, chắc nhiều tâm sự.

Bờ lốc bờ liếc, lâu nay bỏ bê, ngoài lý do vùng sâu vùng xa Net không đến nhà, hẳn cũng vì chuẩn bị "Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc"...

Tất nhiên bên ấy khó có điều kiện lê la, trà xu rồi nghêu sò ốc hến như ở nhà. Hoặc, thích thì một cú điện thoại, rồi túm năm tụm bảy, như trong minh họa ở trên...

Đi, ở, nhiều khi là sự lựa chọn bắt buộc. Nhưng mà, cho dù thế giới bao la, đâu chả là nhà!

Mong myselfvn từ từ "ổn định tổ chức", rồi report Đông Kinh cho bà con lối xóm tường minh...

Chân cứng đá mềm!

25/3/09

Chuyện trong ngày

2 nhận xét



1. Thế là lần thứ hai (sau vụ Chợ Âm Phủ 19-12), ông KTS Nguyễn Thế Thảo đã "nhượng bộ" trước "sức ép" của cư dân (và báo chí, công luận nói chung): "Tạm dừng dự án "trung tâm thương mại" trên sân Con Voi"

Gì thì gì, như vậy cũng là một động thái tích cực. Không biết có thể chờ đợi một quyết định tương tự trong vụ xây KS ở Công viên Thống Nhất hay không?

Những vụ này đều có một điểm chung, là viện cớ "vì lợi ích nhân dân", thậm chí, "do dân yêu cầu", mà kỳ thực cả ma nào biết. Nếu báo chí không làm rầm rĩ lên thì kết quả là ông Thảo chuẩn bị đi cắt băng khánh thành mấy nơi ấy.

Thử hỏi, có thể chấp nhận kiểu lãnh đạo "vì dân" như thế không? Và một lần nữa, câu hỏi được đặt ra: để dân bức xúc như thế, thì ai phải chịu trách nhiệm?

Đã thế, ông Thảo còn lý luận dài dòng trong bài đã dẫn, về mô hình "quen dần với cách lãnh đạo dân chủ!":

"Một chủ trương đúng đắn, một quyết định hợp pháp hợp lý nhưng chưa được sự ủng hộ của nhân dân thì phải xem lại ngay chủ trương, quyết định đó. Có thể nó đúng nhưng dân chưa hiểu thì phải cần thời gian giải thích, làm rõ; còn nếu dân đúng thì phải xem lại chủ trương của mình. Không phải cứ tập thể quyết định, thống nhất rồi, tính pháp luật, pháp lý đúng rồi là không có gì sai. Dân chưa đồng thuận thì chưa thể làm được!"

Ở đây, ông rất khéo ở chỗ, ông cứ làm như người dân... dốt nát, nên khi được Nhà nước "làm cho mà hưởng", lại còn không biết đường. Thâm thúy phết! :)

Dĩ nhiên, sự nhẫn nại của ông Thảo (bỏ thời gian "dân vận", để họ "đồng thuận", họ hiểu ra là thực ra những gì chính quyền làm đều là "dân ý", "dân nguyện" và đúng mọi quy trình pháp luật cả đấy) là quý, nhưng xin ông xem lại, chứ tôi ngờ rằng, trong đại đa số những động thái của chính quyền mà gặp phải sự phản đối, bức xúc của người dân, thì những quyết định ấy cũng thường là trái luật hoặc ít nhất cũng sai be bét, đủ đường!

2.cái này của bác TMH, nghe và xem, nhẹ cả lòng.

(*) Minh họa: Cầu Thanh Niên tại Công viên Thống Nhất (ảnh của ký giả Hungary Kékesdi Gyula, 1975). Chắc chắn "nhân dân" không muốn bất cứ một thước đất nào của nơi này trở thành KS cho các ông đút tiền túi!

20/3/09

Tôn vinh nghề xe ôm?

11 nhận xét



Lại một quyết định ngu si và tối kiến, nếu được phê chuẩn: "Quản lý xe ôm để... tôn vinh nghề xe ôm"!

Bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), người chủ trì soạn thảo bản thông tư "quản lý xe ôm", có mấy câu hay:

Hỏi: Nhưng thưa ông, quan trọng nhất là làm sao để phân biệt được người hành nghề xe ôm với người dân bình thường đi đưa đón người thân để từ đó, lực lượng chức năng biết mà xử lý?

Đáp: Vì thế, cần phân loại đối tượng xe ôm. Nghề này rất đa dạng. Có người làm thêm, nhưng cũng có người làm nghề "chuyên nghiệp". Mà tôi nghĩ, những người làm nghề chuyên nghiệp, nghĩa là muốn kiếm tiền thường xuyên và chân chính bằng nghề này thì họ nên đăng ký, nên tập hợp lại, có đồng phục, có tổ chức. Như thế cũng là một cách để tôn vinh một nghề lao động đàng hoàng.

Hỏi: Về việc quản lý giá, ngay trong vận tải hành khách bằng ô tô nhà nước cũng không còn quản lý giá trần, nhưng dự thảo lại nói đưa ra khung giá trần. Vậy có phải một bước thụt lùi về chính sách?

Đáp: Lúc soạn thảo, anh em cũng bức xúc xe ôm ở chỗ bị chặt chém, bị ép giá nên họ "máu" quá mà đưa vào. Cái này là thuộc thẩm quyền ngành tài chính. Nên dự thảo việc quản lý giá vé chắc sẽ phải bỏ đi.

Ai muốn nói gì thì nói, lạy cụ những kiểu quản lý nhằm "tôn vinh" nghề nghiệp thế này. Thêm nữa, nếu dự thảo quản lý lại do các "anh em" "máu" như thế làm, thì chết mất!

*

Hồi về Việt Nam, bố cún cũng hay đi xe ôm. Có cảm giác đa phần xe ôm là người làm ăn lương thiện, cực khổ, bần cùng nên mới phải làm cái nghề mệt nhọc này. Tất nhiên họ cũng có nói thách (nhất là khi thấy bố cún có vẻ ngớ ngẩn, đường xá chẳng biết), nhưng thường cứ mặc cả chừng 30-50% là ra giá đúng (hoặc cũng chỉ sai lệch vài ngàn, cũng không nhiều). Mấy khi "chặt", "chém" được ai đâu?

Trong số những xe ôm bố cún đi, chưa thấy ai ăn nói lỗ mãng, bất lịch sự (như bố cún đã thấy ở nhiều ngành dịch vụ khác ở Việt Nam), thậm chí có người còn thơ phú rất khá (thơ bậy bạ thôi, nhưng hay - tiếc là không nhớ lại được để bốt ở đây). Nói chung, có lẽ xe ôm chưa phải là nhóm đối tượng gây hại gì đáng kể cho xã hội để phải "xử lý", "quản lý". Ngược lại, bố cún đã thấy cảnh một xe ôm đứng tuổi phải van lạy một cô gái "chó cậy gần nhà" (có lẽ chỉ bằng tuổi cháu ông), sau khi cô kia chửi bới ỏm tỏi rất tục tằn, rồi đập phá chiếc xe máy và dọa "sẽ không cho mày còn đường sống ở đây nữa".

*

Dĩ nhiên, việc của nhà nước là cứ ra thông tư, quản lý bừa bãi những gì mà thực ra, họ bất lực. Tuy nhiên, làm gì cũng nên phai phải thôi: sao đến giờ, chưa có những quy định để phạt thật nặng những tối kiến ngu đần và có hại đến tâm trạng của cả xã hội (nói đúng hơn là gây stress cho một bộ phận đáng kể trong xã hội), như kiểu cấm phụ nữ ngực nhỏ lái xe máy, hoặc "quản lý để tôn vình nghề xe ôm" này nhỉ?

(*) Minh họa của H.Lê, VNN.

14/3/09

Cách mạng Hung & Tung Của

2 nhận xét



Hôm nay là ngày kỷ niệm cách mạng Hung 1848, thời ông Petőfi Sándor "Tự do và Ái tình". Bốt loạt bài tư liệu dưới đây cho nó có khí thế.

Dân Hung ưa yêu đương (có hồi VNE loan tin người Hung make love nhất thế giới gì đó, chắc giờ nhiều bạn vẫn nhớ :)), nhưng cũng ham cách mạng, dù Hungary yếu rệu rã ;)

Chả sao, cái chính là khí phách, ví dụ thể hiện trong bài dịch sau. Ký giả Hung khi ấy thuộc hàng những nhà báo Âu Tây hiếm hoi được "mục sở thị" Tung Của sau vụ "Tứ nhơn bang" và Đặng Tiểu Bình bắt đầu lên ngôi. Qua Trung Quốc, được chiều chuộng đủ đường, thế mà về không "bẻ cong ngòi bút", cũng tài! :)

(*) Minh họa: Công xã nhân dân Nhị Kiều (1978) - nguồn: ký giả Hung.

TRUNG QUỐC NĂM XƯA DƯỚI CON MẮT MỘT KÝ GIẢ HUNGARY (1)

Một tờ báo dân sự Pháp đã tổng kết những sự kiện xảy ra vài tuần sau khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, rằng „Trung Quốc đã đánh mất sự trong trắng của mình”. Một cách diễn đạt ý nhị, nhưng không đúng. Nếu nhìn trên phương diện vai trò toàn cầu của đất nước này trong thế giới mà chúng ta đang sống, phải nói rằng trong 20 năm qua, Trung Quốc chưa bao giờ trong trắng và bất cứ lúc nào, nước này cũng hàm chứa trong mình khả năng gây tội ác” - nhà báo Hungary Bokor Pál viết trong cuốn sách "Một mùa hạ Trung Quốc", xuất bản cách đây đúng 30 năm.

TRUNG QUỐC NĂM XƯA DƯỚI CON MẮT MỘT KÝ GIẢ HUNGARY (2)

"Nếu sự nghiệp đòi hỏi, những người cộng sản đến nạn đói cũng không từ! Có cái gì không được chỉnh ở đây. Không lẽ, sự nghiệp của người cộng sản Việt Nam hiện nay đòi hỏi phải có nạn đói, còn sự nghiệp của người cộng sản Trung Quốc đòi hỏi phải cắt viện trợ trong khoảnh khắc như thế? May thay, hiện nay, không có sự nghiệp nào đòi hỏi hàng triệu người dân Trung Quốc phải đói khát" - nhà báo Hungary Bokor Pál kinh ngạc trước câu trả lời của nhà ngoại giao Trung Quốc cách đây 3 thập niên.

TRUNG QUỐC NĂM XƯA DƯỚI CON MẮT MỘT KÝ GIẢ HUNGARY (3)

"Như vậy, hiện tại chỉ có một Trung Quốc. Một Trung Quốc đã chối bỏ sự lạc hậu, nhưng chưa tìm thấy con đường để khắc phục sự lạc hậu. Một Trung Quốc, thay vì duy trì quyền lực nhân dân, thì khao khát địa vị một siêu cường thế giới. Một Trung Quốc mà lãnh đạo của nó, trong hai thập niên cuối, đã phạm hết từ sai lầm này đến sai lầm khác, và từ khi tấn công Việt Nam, họ còn có khả năng gia tăng chúng bằng những tội ác trầm trọng" - nhận định của một ký giả Hungary trong chuyến thăm Trung Quốc cách đây 30 năm, đến nay vẫn chưa hết thời sự tính?

10/3/09

Đối ngoại nhân dân

4 nhận xét



Bản tin này cũng thuộc hàng các bản tin chính trị như đã nói ở entry trước: "Đối ngoại nhân dân đang bị hành chính hóa".

Dầu sao đi nữa, đọc kỹ, nó vẫn bao hàm 1 ý đặc sắc. Ấy là khi: "Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, trong nhiều nhu cầu hoạt động bức xúc hiện nay, trên hết, VUFO [Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam] cần tận dụng lợi thế của mình để tham gia mạnh mẽ hơn công tác đấu tranh về nhân quyền, dân chủ, tôn giáo, dân tộc".

Giật mình vì không hiểu VUFO phải "đấu tranh về nhân quyền, dân chủ, tôn giáo, dân tộc" mạnh mẽ hơn nữa ở đâu? Ở Việt Nam thì chắc là không cần, vì trên nguyên tắc ta đã có những cái đó :). Còn đấu tranh ở nước ngoài thì... e rằng khó, vượt tầm tay của VUFO.

Tuy nhiên, đọc tiếp câu sau thì mới hiểu: "Theo Chủ tịch nước, không có lý do nào khiến Việt Nam, một quốc gia từng bị đô hộ, đàn áp bởi giặc ngoại xâm, phải đấu tranh cho người dân được độc lập giờ lại bị hiểu không có nhân quyền, dân chủ..."

À, hóa ra VUFO cần đấu tranh để thế giới vỡ ra rằng Việt Nam ta đã có nhân quyền, dân chủ!

Tiên sư anh ký giả, viết tù mù thế, hiểu sai như bỡn? ;)

(*) Ảnh minh họa: Chủ tịch nước cùng các cán bộ làm đối ngoại nhân dân :) (Ảnh rất đứng đắn, đề phòng myselfvn bảo là cố tình đưa ảnh huê hậu, huê tình... vào các entry đề tài chánh trị để câu khách :))

Lưu ý nhỏ: cái băng-ron quá dài, rườm rà và hình như cũng mang tính hình thức, xơ cứng, hành chính hóa... Hệt như lời ông chủ tịch VUFO Vũ Xuân Hồng thừa nhận về công tác đối ngoại nhân dân: "Vẫn còn không ít các hoạt động đối ngoại mang tính hình thức, xơ cứng, hiệu quả thấp..." :)

8/3/09

Dọn vườn

9 nhận xét



Nói chung, mục "Chính trị" của các báo ở Việt Nam thường có những tin, bài chả ai buồn đọc. (Tuy nhiên, vì những lý do này khác nên vẫn cần phải đăng).

Ví dụ như bài sau: "Hungary sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cải cách tư pháp". Đọc phần dẫn nhập đã thấy, đây là một tin nói chung là không cần đọc đối với đại đa số độc giả: "Quyền Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Hungary Kaposvari Bestalan vừa có chuyến thăm và làm việc tại Hà Nội theo lời mời của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam. Ông cho hay Hungary sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong cải cách tư pháp".

Tuy nhiên, chỉ trong một bản tin được viết bằng thứ ngôn ngữ quan liêu (và nói chung, có thể thay ông X đến từ nước A bằng bà Y đến từ nước B, mà nội dung cũng không có gì sai lạc), đã thấy hai điểm "hay":

- Cái tên của vị khách Hung (Kaposvári Bertalan) dĩ nhiên được/bị viết sai thành "Bestalan". May Hung là nước yếu, thử viết sai tên ông Tàu xem?! :)

- Ở Hungary, từ 20 năm nay, từ "nhân dân" đã được được "biến" khỏi tên các cơ quan nhà nước. Như vậy, không hề có cái gọi là "Tòa án Nhân dân Tối cao", chỉ có "Tòa án Tối cao". Bạn ký giả nào viết tin, chắc cứ "suy bụng ta ra bụng người" khi tự tiện ghép thêm từ "nhân dân" vào đấy.

Dầu sao đi nữa, ông Kaposvári Bertalan cũng là người giỏi (là chuẩn tướng cảnh sát, thành viên Hội Nhà văn Hungary với nhiều tác phẩm văn học, kiểu bác... Hữu Ước ;)) và việc ông ta sang thăm Việt Nam là điều đáng mừng :)

(*) Ảnh (chỉ mang tính minh họa cho Hungary): Dammak Jázmin, HHHV Hungary 2008, được lọt vào Top 15 trong cuộc thi Miss Universe 2008 tại Việt Nam.

6/3/09

Blog mới, hy vọng sẽ "trường tồn" :)

9 nhận xét



Dân tình đồn đại về việc Yahoo sẽ đóng cửa blog vào tháng Tư này. Bố cún mù kỹ thuật nên cũng chỉ biết đến vậy.

Dù đóng hay không thì đúng là vào Blog Yahoo dạo này quá là khó khăn, cực lâu và lỗi thì đầy rẫy. Nên thử dùng song song cái này, xem sao. Sản phẩm Hungary, hy vọng sẽ "thân thiện" với "người tiêu dùng".

Mẹ cún cứ sợ một ngày nào đó, tỉnh dậy thì tất cả những gì bố viết về hai đứa không còn nữa, nên cứ giục bố "nghiên cứu" để "chuyển nhà". Thời gian không có, nên nếu phải copy lại tất cả và "mu" thì chết. Nhất là những cmt, đều thuộc "tài sản" của Blog.

Thôi, sống ngày nào, cứ biết ngày ấy cái đã. Lo nhiều, mau già :)

Bây giờ kể về chuyện tấm ảnh nói trên.

Số là, Chủ nhật vừa rồi, bố và TV đi nhà sách để ngó nghiêng, vì lâu rồi bố chỉ biết đọc trên Net chứ kỳ thực "văn hóa đọc" (sách) rất mù. Còn TV thì bao giờ cũng thích đi thư viện, hiệu sách, mà thời gian thì ít vì học nhiều và trông em.

Khi đi, bố mang cái máy ảnh, định chụp TV giữa một núi sách, về ngắm cho thích. Tuy nhiên, mới bấm được một kiểu, loay hoay tìm hướng chụp kiểu nữa thì một ông bảo vệ đứng tuổi đến bảo: "Xin lỗi anh, nhưng ở đây không được chụp ảnh!"

Tính bố cún thực ra hòa nhã, nhưng lại không thích khi bị "hạn chế quyền tự do". Không kìm được, bố nói rất xẵng: "Tôi chụp con tôi thì có hề gì? Ở đây có biển cấm chụp ảnh đâu?!"

Ông bảo vệ vẫn rất chừng mực: "Có, anh ạ, ở ngoài cửa ra vào..."

Bực bội, bố cún cút ra cửa, xem có phải mình bị "kỳ thị chủng tộc", "phân biệt đối xử" vì là người ngoại quốc hay không? Chứ làm gì có biển cấm chụp?

Nhưng lần này thì bố cún tẽn tò quá, vì đúng là ngay ở cạnh bảng Giờ mở cửa, có một bảng khác, chứa toàn dấu hiệu những thứ không được mang vào nhà sách, tỉ như kem, đồ ăn...., trong đó có máy ảnh, máy quay phim. :((

Ông bảo vệ điềm nhiêm chấp nhận lời xin lỗi lí nhí của bố cún: "Không sao anh, thế này là thường, anh cứ tự nhiên... đọc sách đi, chớ nghĩ ngợi gì cả..."

Bố cún vừa thẹn (vì mọi sự xảy ra trước mặt con gái, và con gái, vớ vẩn, lại tưởng thế là "bố anh hùng" như có lần nó đã trầm trồ, "bố thật dũng cảm vì hay cãi cọ với người Hung", ám chỉ bố chỉ "lép vế" ở nhà, chứ ra đường không thua kém dân bản xứ :)), vừa cảm thấy cái đầu óc hơi tí là đa nghi anh Tào Tháo của mình, kể ra có lúc cũng không nên...

(Lại thầm nghĩ, xử sự láo toét như thế, ở Việt Nam chắc bị ăn đòn to rồi!)

5/3/09

Tin hay

6 nhận xét



"Dành tiền lấy vợ để đi bộ đòi công lý cho nạn nhân dioxin"

Từ thành phố Biên Hoà (Đồng Nai), anh Nguyễn Tuấn Linh, cán bộ Thành đoàn, đã dùng toàn bộ số tiền tích cóp để lấy vợ làm kinh phí cho cuộc đi bộ đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Xuất phát từ ngày 3/2, sau hơn một tháng, Nguyễn Tuấn Linh đã đến được 13 trường học tại 11 tỉnh thành và thu thập được gần 13.000 chữ ký đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Chiều 5/3, Linh đã đến trường THPT Lê Lợi ở thị xã Đông Hà (Quảng Trị), địa phương có 15.400 nạn nhân chất độc da cam/dioxin để thu thập chữ ký của học sinh.

Theo kế hoạch, sau 61 ngày đi qua 21 tỉnh thành, cuộc đi bộ của Nguyễn Tuấn Linh sẽ kết thúc vào ngày 4/4 (đúng vào ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch) tại đất tổ Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ.

Vị cán bộ đoàn này sẽ dâng lên đền Hùng 2 nắm đất ở nghĩa trang liệt sĩ TP HCM và nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn mà trong chuyến đi Linh đã mang theo.

(Theo TTXVN)

Kể ra, đi bộ đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam cũng cần đấy, nhưng dành tiền lấy vợ để làm điều này, có vẻ như không ổn. Có lẽ vị cán bộ Đoàn này chưa thể có ai trong thời gian trung hạn (3-5 năm), nên mới manh động thế?

Tuy nhiên, các quan tham, nếu mỗi người bỏ ra vài phần trăm tiền ăn cắp của công (hoặc của dân) để làm quỹ cho các nạn nhân thôi, chẳng cần phải bắt họ đi bộ, nghe chừng có lý hơn?

(*) Minh họa: vô nghĩa, nhưng chả lẽ không có?

Từ thiện

3 nhận xét




Hôm trước vô tình lạc vào trang web của nhóm Nghị Lực Sống, do Nguyễn Công Hùng chủ trương.

Hôm nay đọc được cái này ở blog Người Buôn Gió.

Nguyễn Công Hùng (Hiệp sĩ CNTT - ảnh trên) thì ai cũng biết rồi.

Người Buôn Gió đầu trò vụ "Ma Chiến Hữu" thì chắc các bác cũng rành :)

Vậy đăng lại info ở đây, mong đề án từ thiện giúp trẻ em nghèo Sơn La thành công với sự góp sức của cả nhà...

*

Rất cần giúp đỡ.

Hiện ngay có vụ này rất cần các bạn giúp đỡ.

Chả là Người Buôn Gió có mối thâm giao với Nguyễn Công Hùng (thằng này các bạn cứ tìm trên mạng là ra đây), chủ tịch hội nghilucsong.net. Cái hội này toàn những người bị khuyết tật thôi. Họ cùng nhau lập tổ chức này để làm từ thiện. Người Buôn Gió cũng tham gia làm thành viên của hội.

Nay có việc thế này. Trung tâm Nghị Lực Sống quyên góp được rất nhiều đồ đạc, quần áo, bánh kẹo cho trẻ em nghèo ở Sơn La. Nhưng... đúng ở đời hay có chữ "Nhưng". Cái "Nhưng" ở đây là thiếu tiền thuê xe ô tô tải chở đồ.

Khổ thế đấy, Người Buôn Gió nào biết cái chuyện vận động xin tài tài từ thiện thế nào đâu. Bảo nói phét này nọ khoác lác cho thiên hạ thì rành. Viết thư kêu gọi thì chưa bao giờ làm. (nhưng kêu biểu tình chống Trung Quốc thì biết đấy).

Thôi thì trăm sự nhờ các bạn hữu xa gần trên blog, đọc đuợc tin này làm ơn giúp Người Buôn Gió và cũng giúp trung tâm NLS trong việc mang đồ từ thiện đến các trẻ em nghèo vùng cao.

Tiền xe khoảng 6 triệu đồng.

Dạo này Người Buôn Gió cũng nghèo. Cho nên rất tha thiết mong các bạn hữu có tấm lòng hảo tâm, chung sức chỉa sẻ. Một cây làm chẳng lên non.

Cá nhân Người Buôn Gió rất tri ân sự giúp đỡ của các bạn. Mọi sự đóng góp xin gửi về tài khoản

- Vietcombank:
- Nguyễn Công Hùng – 0101000357953 - Chi nhánh TP. Vinh

Chi tiết đóng góp sẽ công khai trên trang web nghilucsong.net. Nếu ai là bạn Người Buôn Gió gửi xin ghi kèm theo là bạn Người Buôn Gió.

Rất cần sự giúp đỡ, san sẻ của các bạn trong vụ này.

Một lần nữa, rất mong sự giúp đỡ của các chiến hữu xa gần.

Chân thành cám ơn các bạn đã đọc tin.

4/3/09

Phở

15 nhận xét



Hôm này cả nhà được mẹ cún đãi phở bò (ảnh trên), ngon lịm cả người!

Đây là thứ bố ít xơi, vì sợ nhiều chất quá, bất lợi cho sức khỏe (chưa "phú quý" nhưng đã sinh rách việc là ở chổ này). Tuy nhiên, hôm sinh nhật ăn bún bò, rồi hôm qua lại dàn trang có bài về phở Việt Nam, có cái hình minh họa hấp dẫn quá, đâm thèm. Mạnh dạn đề xuất với mẹ cún, được đáp ứng ngay, thích quá!

Liên quan đến phở, bốt lại tra tấn các bác một đoạn nhảm nhí viết cách đây cũng đã 12 năm. Ấy còn là cái thời còn hào hứng nhiều thứ, và với tờ "Gió Đông" theo phương châm "tao đàn, mày hát" của mấy anh em bên Đông Âu, mà ông bạn Vũ Hồng Lâm (bây giờ đã biến thành TS Alexender Vuving, chuyên gia an ninh, địa chính trị, biên giới hải đảo, TS HS, Tàu Tưởng...) thường hay gọi là "đống gio", để ám chỉ cái kết cục "sớm nở tối tàn" của nó.

Đọc lại để nhớ một thời, và để thấy mình cũng... linh tinh: có thời gian để ngồi viết tào lao đến 9 ngàn từ, và bậy nhất là còn được duyệt để đăng :)

TB. Các bạn BBC cho lên đây, vinh hạnh quá ;)

Update: Cám ơn Linh, đưa luôn link lên đây để bà con thưởng ngoạn.

Có hai ý kiến "phản biện" này hay, trả nhời các bạn Làng Ven luôn ở đây, Linh chuyển giùm nhé:

* Dandelion: Em xem bài viết về phở của ông Hoàng Linh (theo link bác Gấu) được vài dòng xong chạy mất dép. Mịa, không hiểu ông ấy lấy đâu ra lắm chữ thế, tận 9000 chữ để viết về thứ ngày nào em cũng ăn, mỗi lần ăn nhõn 5 phút.

=> Đâu, đoạn về Phở chưa đến 3.00 từ mà. Chắc bạn đọc lộn ở đâu? ;)

* Milou: Ok bi rờ liếc sơ qua cái bài trên cùng có ghi là được đăng trên BBC lày lọ. Anh này chẳng có thật sự tâng bốc phở rì sất, anh í chỉ muốn khoe cái bộ đồ lòng iu quê hương VN vô bờ bến của ảnh để tỏ ra ta đây không mất gốc. Thía tui là ghét quê hương vô bờ bến, hầu như là thề không quay về nữa, tự cho mình mất gốc, tuy nhiên tui có thể nói tui iu mấy cái chuồng mấy cái hang trong làng này là đủ.

=> Hìhì, mất gốc đủ đường, ai hơi đâu khoe "bộ đồ lòng iu quê hương VN vô bờ bến" làm gì?! ;)

***

(Đoạn) 4

Lại nói về Nguyễn Tuân. Khi nói về ăn, ông làm cho ta có cảm tưởng đó không chỉ thuần túy là một miếng ngon. Nó còn là một miếng đẹp, miếng-tinh-thần, khiến ta phải đối xử với nó một cách "có văn hóa". Nghĩa là ăn cũng phải theo đúng phép tắc, nghi lễ, kiểu cách.

Người ta bảo ngay ở khoản này, Nguyễn Tuân cũng ngông, tức là ông cố tình nâng lên tầm quan trọng, thiêng liêng những thứ vốn bị coi là phàm tục, tầm thường. Tôi thì cho rằng chẳng qua ông coi ăn cũng như một thú chơi nhàn tảng, như muôn vàn các thú khác của người quân tử, mà ông đã thuật lại trong "Vang bóng một thời".

Truyền thống Á Đông hay quan trọng hóa vấn đề và đặt ra lắm chuẩn mực rối rắm. Thời xưa, khát mấy nhưng gặp con suối mà kẻ đạo tặc đã uống, cũng phải bấm bụng mà đi. Người Trung Quốc còn đỡ, họ chỉ hay làm to chuyện những gì dính dáng trực tiếp và gián tiếp đến văn hóa, nghệ thuật, như viết lách, vẽ vời (phải chọn bút nghiên, chọn mực, giấy má, rồi ngóng chờ thời điểm thích hợp), hay thưởng ngoạn văn học (trước khi đọc, phải tắm rửa sạch sẽ, ăn vận chỉnh tề, thắp nến bạch lạp). Chứ đến như Nhựt Bổn thì thật quá trớn; không phải vô cớ mà có nhà văn ta đã gọi cái sự làm gì cũng chiểu theo những nghi thức, điệu bộ đẹp đẽ mà giả tạo ấy, là cuộc sống "lấy lễ làm gốc"! Ở xứ hoa anh đào, cái gì cũng được (bị?) nâng lên thành đạo: cắm hoa, cứ tưởng dễ mà phải học dài dài; uống trà, phải qua lắm thủ tục phiền phức, tốn thời gian và nhiêu khê. Chưa nói gì đến trò chơi cây cảnh và non bộ (bonsai) công phu và khó có tiếng. Ngay võ nghệ là thứ mang tính chân tay mà họ cũng còn lạy lục, chào hỏi nhau chán mới động thủ, đến rút một thanh kiếm ra chém cũng phải diễn một màn kịch dài dằng dặc và nghiêm trọng như tuồng cổ của ta vậy (phải chăng cái nghi thức rạch bụng của các Cảm tử quân dăm chục năm ngày xưa, cũng có nguồn xa xăm tự đây?)

Dài dòng lạc đề như thế để bảo rằng cái sự tôn trọng lễ nghi trong ăn uống của ta, chắc hẳn không ít thì nhiều, chịu ảnh hưởng những tập tục các nước trong vùng. Tiêu chuẩn ăn uống của Tản Đà (món ngon, chỗ tốt, bạn hiền, thời gian thích hợp) cũng chứng tỏ việc đưa ăn uống vào những phép tắc, có lẽ đã được mô phỏng theo những "chuyên ngành" khác của đời sống (ví dụ: ba chục cái thú của Kim Thánh Thán).

Ăn uống đúng cách, đúng khẩu vị và sành điệu, dĩ nhiên là cái hay mà không phải ai cũng biết và cũng rành. Nhưng đẩy nó đến mức cực đoan như Nguyễn Tuân trong "Phở" chẳng hạn, tôi e chửa chắc đã thú. Trong ăn uống cũng như đời sống, giáo điều, cứng nhắc quá, thiếu tự do và sự lựa chọn, là điều không hay.

Bình sinh con người, ăn nhậu muốn ngon, cứ phải thoải mái, không quá câu nệ. Vả lại, ăn là chuyện có dính nhiều đến sở thích cá nhân. Xin được tiếp tục bằng phở. Được biết lúc sinh thời, ông Nguyễn chỉ xài được loại phở bò chín, không ớt, không chút nước mắm, dấm phụ trợ; ông hết sức tán tụng nó, và bài xích các thể loại khác là "phở tẩm bổ". Dĩ nhiên, đây là quyền tự do của ông. Nhưng, tôi vẫn khoái ăn phở tái (miễn là làm khéo) mà không cảm thấy hề hấn gì về cái "giá trị mỹ học của bát phở chín", cùng lời châm chích về sự "muốn bổ, sao không uống Păng-tô-cờ-rin của Liên-xô, còn có tác dụng bằng mấy!" của ông Nguyễn. Và chắc rằng, đối với nhiều người trong đó có tôi, phở bò hay phở gà đều có thể ngon như thường, miễn là được làm đúng cách: nước dùng nấu bằng xương, sủi lăn tăn, ngọt, trong, thơm, đủ vị gừng, hành, hồi, thảo quả và hạt tiêu, bánh phở dai, luộc chín đến.

Rõ ràng, có thời, phở đã không được như cung cách nó phải có, mà ông Nguyễn phàn nàn trong bài của mình. Ông kể đến lý do chiến tranh, đôi khi phải tùy tiện và "tùy nghi". Nhưng sau đó, không thấy ông điểm đến phở của thời bao cấp cách đây gần hai chục năm, khi chiến tranh đã chấm dứt, và không còn lý gì làm cho phở phải luân lạc. Tôi không làm sao quên được cái thời phở được chia thành mậu dịchtư nhân ấy: phở mậu dịch có hai loại, phở nước, không người lái chỉ gồm bánh phở và nước dùng (giá 2,5 hào) và phở thịt, có lõng bõng cả vài miếng thịt (giá 5 hào). Gia đình tôi vốn công nhân viên chức, nên nói chung, chỉ dám xài loại mậu dịch, dù biết nó không được đạt tiêu chuẩn lắm; vả lại, thường chỉ khi nào ốm mới được nếm, lúc ấy ngon mấy cũng khó nuốt dzô, phân biệt làm chi ngon dở. Phở tư nhân dĩ nhiên khá hơn nhiều (tôi liệt vào hạng này cả thứ phở của những tổ hợp tác, một hình thức "tư hữu hóa" cấp thấp hồi ấy), cố nhiên, giá cả cũng mắc hơn, từ 7,5 hào đến một đồng rưỡi. Cái giá sau này chỉ những hàng phở danh giá, cự phách nhất mới dám đòi (hay nhắc đến giá cả, cũng chỉ muốn nhớ về dư âm một thời. Hình như đầu thế kỷ, độ 1,2 xu là được một bát phở không tồi. Cái giá trung bình hiện nay, là bốn, năm ngàn đồng bạc bác Hồ) Những quán phở, không hiểu sao thường được đặt trong một căn buồng không mấy lớn, tôi tối, có phần ẩm thấp, với những bộ bàn ghế gỗ thấp lè tè. Khách đến, lắm khi phải chờ đợi để có bàn, nhưng không ai tỏ ra sốt ruột và cáu gắt như khi xếp hàng mậu dịch. Hẳn ai nấy đều tâm niệm rằng đó là cái giá phải trả, khi được thưởng thức một món ngon có chất lượng cao. Vả lại, lúc chờ đợi, người ta có thể nói và nghe đủ thứ trên trời dưới đất, kể cả những tin "tuyệt mật" như chuyện tăng giá gạo hoặc đổi tiền vào ngày hôm sau, mà đài báo vẫn cứ chối đây đẩy.

Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng được đến những nơi đó, thường là khi cha mẹ mới có lương, hay được thưởng. Cứ độ mỗi tháng một lần, mấy đứa trẻ khốn khổ vì thòm thèm được ngồi sau xe đạp, lắm khi đi đến những nơi rất xa lạ với chúng, vì ở đó có hàng phở ngon ("Bà A. bảo thế", cha mẹ chúng nói; "bà A." ở đây thường là một nhân vật buôn bán, phe phẩy, theo ngôn ngữ thời bấy giờ). Khoảng thời gian chờ đợi, nhìn lão chủ quán có cái bụng to cồng kềnh múa chiếc muôi và con dao sáng loáng - trong lòng thầm mơ "giá được thành lão ta để ăn cả ngày thì sướng nhẩy!" -, là những giây phút hồi hộp và hạnh phúc nhất của lũ trẻ. Và cuối cùng thì bát phở nghi ngút khói, thơm nồng được đưa lên, chúng tôi được dạy cách ăn từ từ, chậm rãi để cái vị của phở ngấm vào huyết quản, vào từng đường gân, thớ thịt. Tôi hay có cảm giác hẫng và tiếc, pha chút hoảng hốt khi bát phở sắp cạn: lại phải chờ hàng tháng giời đằng đẵng nữa! Cho đến giờ, không phai trong tôi ấn tượng những đêm giá rét, trên con đường về nhà từ quán phở, các bậc phụ huynh hể hả vì "cái quán khá thật, đáng tiền bỏ ra!", còn tôi vẫn râm ran cả thân thể vì bát phở nóng hổi trong bụng, và phấn khích vì vừa được "tiêu thụ" một thứ mĩ vị đến thế.

Đối với nhiều người, ăn phở, muốn tận hưởng được hết cái sướng, cứ phải chọn hàng phở gánh ngoài phố, ngồi xổm (hay bệt) xì xụp, nước mắt nước mũi dàn dụa, húp thành tiếng rõ to rồi suýt xoa khoái trá. Lắm ông to bà lớn mà vẫn mê thứ phở bình dân đó, nhưng vừa sĩ vừa ngại lộ diện, phải để xe ở rõ xa, ăn mặc giản dị cuốc bộ hòa nhập vào dòng người lam lũ gồm đủ các thành phần. Cảnh tượng ăn uống như thế, nhìn thì có vẻ thô lậu và hơi mất "mỹ quan", nhưng cứ ở trong cuộc, mới hay cái lý nhất định của nó. Nó cũng phản ánh phần nào cái triết lý "sống để mà ăn" rất đặc thù của Á Đông: ăn say mê, ăn hể hả, ăn một cách tận hưởng, chứ không chỉ đơn thuần thưởng thức. Đừng tưởng đây là một biểu hiện "xuống cấp" của văn hóa thời nay, dân ta hằng nửa thế kỷ trước đã vậy. Nguyễn Huy Tưởng trong "Sống mãi với thủ đô", có kể về cung cách xài phở của người Hà Nội thời xưa, như sau: "... Những người Hà Nội suốt đời chỉ có một mục đích là cái bát phở buổi sáng, họ đem hành tây, họ đem trứng đi hàng phở quen, họ đánh dấu bát để đưa chan, họ hỏi hồ tiêu, họ đòi ít ớt, họ xin ít nước béo, họ vùi đầu vào bát phở một cách thô tục, xấu xí, rồi họ ra đi một cách tự mãn, có khi còn khinh khỉnh với người không sành phở như họ nữa". Dĩ nhiên, qua những dòng trên, nhà văn muốn đả kích cái thói tục trong ăn uống, nhưng phải nhận rằng, thói tục ấy chửa chắc sẽ mất đi ngay cả trong thời đại Internet này.

Sự phân biệt giữa phở mậu dịch và tư nhân, có lẽ chỉ chấm dứt vào thời tiền kinh tế thị trường (theo định hướng XHCN). Vào những năm đầu của thập niên 80, có một đơn vị nhà nước chỉ bằng một cải cách nhỏ nhoi, đã gây tiếng vang và thu hút khá đông khách đến ăn. Người ta truyền nhau là ở cửa hàng Ga (gần ga Hàng Cỏ, Hà Nội), phở nhà nước mà khá ngon, phục vụ không đến nỗi nào, hơn thế, mỗi người mua được nhận một tích-kê có số thứ tự, ai gặp phải số chẵn chục, chẵn trăm là được thêm thịt, thêm nước béo. Cái tên "phở Đường sắt" có từ đó, tồn tại trong vài năm, như tượng trưng cho một thứ đồ "quốc doanh", mà không điêu trác, không bôi bác, tồi tệ.

Cốt lõi của phở ngon là nước trong và ngọt. Thế thì phải có nhiều xương bò, mà nước ta hồi xưa không đặc trưng mấy ở phạm trù lắm thịt cá. Thành thử, nhiều hàng phở chỉ nổi tiếng ngon vì cho lắm mì chính: người ta thả công khai vào bát phở hàng thìa bột ngọt. Dù sao, đây cũng là thứ được coi là xa xỉ vào thời ấy, nên không cần bàn gì nhiều: cứ thế nào mà chẳng được, miễn ngọt và ngon miệng, không xương thì đánh lừa cảm giác bằng thứ khác, có sao. Nhưng sau đó ít lâu, lại có nhiều bài báo và dư luận bảo rằng mì chính độc, ăn lắm có hại cho cơ thể (đào đâu ra mà lắm! Tôi cho rằng thứ tuyên truyền này cũng giống như kiểu rau muống bổ hơn thịt bò, đường đen (của Quy Ba) tốt hơn đường trắng mà lũ "chân gỗ" thời trước nghĩ ra để làm dịu người dân trước những mặt hàng thiếu thốn), nên lắm người cũng hỏi chờn chợn. Ai đó nghĩ ra cách thử cho các loại có mùi tanh như tôm, cá vào nồi hầm, xem sao. Và đặc biệt thay, họ làm thế nào mà ta không thấy có chút vị tanh gì sất, lại ngọt và trong vắt! Không biết, nước phở loại ấy có được liệt vào hạng "chính thống" của ông Nguyễn không? (Nhớ đâu viết đấy, Thạch Lam có kể - hình như trong "Hà Nội băm sáu phố phường" thì phải -, rằng ở Hà thành xưa, có một hàng phở gánh duy nhất trong nhà thương Phủ Doãn, còn cho mấy giọt cà cuống vào bát nước dùng. Chửa nếm, nên tôi không hình dung ra nổi mùi vị bát phở như thế, sẽ ra sao).

Phở chính hiệu, có lẽ phải là phở (xuất xứ từ) Hà Nội. Nhưng từ khi hai miền lưu thông, thời thế nổi trôi, phở cũng bị lai tạp đi nhiều lắm. Một số hàng phở trong Nam, xưng là Bắc Kỳ, mà cho cả rau, giá, đỗ hệt như hủ tiếu Sài Gòn. Phở một số nơi còn được nêm cả tương, xì dầu, mắm tôm, rất lộn xộn. Chưa nói gì đến thứ phở sốt vang (?) hay thấy ở Hà thành một thời, dính làm gì chữ phở vào đây cho bôi bác nhỉ? Phở hết thành thứ quà ngon, và trở nên món ăn no của lũ trưởng giả mới. Một hồi, tại Hà Nội, ăn phở sang là phải đập vào đó vài quả trứng, có thể mang sẵn từ nhà, hoặc mua thêm ở hiệu. Lắm kẻ đòi thêm mấy miếng thịt được chặt kiểu "chém to kho mặn" rồi vênh váo ngồi ăn trước con mắt thán phục của đại chúng. Rồi chuyện gọi một tô phở đặc biệt, thịt đầy tú ụ, cho con chó bẹc-giê phốp pháp ngồi lên ghế ăn cùng với người, hình như không phải là chuyện quá hiếm hoi ở xứ ngàn năm văn vật. Tôi vốn chủ trương đa nguyên trong ăn uống nói chung, và trong lĩnh vực phở nói riêng, nhưng vẫn không chịu nổi và dị ứng với những tìm tòi, "cải cách" không phải lối kiểu trên.

Nhưng cũng có những thứ "cải cách" khác, rất đáng được thông cảm, bởi hoàn cảnh những chủ nhân của chúng, dù nó đi ngược lại mọi nguyên lý cơ bản và sơ đẳng của phở. Đó là thứ phở cơm, hay cơm phở, món ăn được lũ sinh viên nghèo khó rất ưa thích: chung nhau bỏ ra ít tiền, mua nước phở, tiện thể bốc trộm chút hành xanh, về trộn với cơm hẩm ký túc xá, xì sụp húp ăn rồi thi nhau khen ngon. Hay những hàng phở gánh bình dân, phục vụ tận nơi tận chốn lũ học trò vào những đêm mất điện, lúc ấy, mọi thứ bánh phở, nước dùng, hành, rau thơm, nước mắm, tương ớt, dấm được đổ ụp với nhau thành một thể tạp-pí-lù (hay đả biên lô, theo cụ Vương Hồng Sển, nghĩa là thập cẩm, tào lao, ba lăng nhăng), cay xè, lắm khi mặn chát chúa, vậy mà ai dám bảo là dở?

Phở ở xứ Tây, do những điều kiện "kỹ thuật" nhất định, chắc không thể làm theo những phương thức kinh điển, và ngon như ở nhà. Phở quận 13 Paris, phở Cali, người khen, kẻ chê, tôi chưa được nếm nên không dám lạm bàn nói bậy. Nhưng người viết bài này cảm thấy rất hài lòng về phở ở xứ Đông Âu, được nấu tại những quán ăn đứng nho nhỏ tại chốn chợ búa tất bật, lam lũ của đồng bào mình: ở đó, người nấu phải dùng bánh phở khô, nước dùng có khi nguội, và bát phở không nóng một cách tự nhiên, mà bởi microwave, có khi thiếu cả những gia vị phụ trợ tối thiểu; người ăn dùng bát, thìa và dĩa nhựa, một lần rồi bỏ. Thế mà mỗi lần thưởng thức nó, tôi vẫn bùi ngùi như đụng chạm vào một mảnh quê hương.