Ngày Tết, hơi nhàn hạ, lại lan man vài chuyện thế sự, báo chí...
1. Ngày 8-2-2009. báo "Thanh Niên Online", ở mục "Chính trị - Xã hội", đưa lại một mẩu tin ngắn gọn của TTXVN:
Ông Hoàng Minh Chính đã qua đời
14:26:00, 08/02/2008
Ông Hoàng Minh Chính, nguyên Viện trưởng Viện Triết học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đã qua đời lúc 23 giờ 30 phút ngày 7.2.2008 (tức ngày mùng Một Tết Mậu Tý), tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội sau một thời gian dài bị bệnh nặng, hưởng thọ 89 tuổi.TTXVN
Lần này, TTXVN đưa tin nhanh (chỉ chậm hơn blog hay báo chí ngoài này có một ngày). Ít nhất, cũng nhanh hơn trường hợp tướng Trần Độ chẳng hạn. Mẩu tin ngắn gọn, tuy không nói gì nhiều với những ai không quan tâm đến "chuyện triều đình", nhưng cũng đủ tính trang trọng ở mức chấp nhận được. Và, âu cũng dễ hiểu đối với một con người được/bị (báo chí) chính quyền - có lúc, trong cơn nóng giận? - coi là "phản dân hại nước".
Bất giác, bố cún nhớ lại mấy mẩu tin ngắn khác, cũng "hàm súc" không kém.
- Tháng Năm 1960, tờ “Literaturnaya Gazeta” (Báo Văn học, Liên Xô) đưa một mẩu tin nhỏ về cái chết của một thành viên thuộc tổ chức Litfond (Quỹ Văn học). Ít ai ngờ rằng đó là lời vĩnh biệt (bán) chính thức dành cho một trong những văn hào Nga vĩ đại nhất thế kỷ XX: Boris Pasternak. Người từng bị chính quyền bêu riếu, đấu tố và mở một chiến dịch mạ lỵ - với sự tham gia và đồng lõa của nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi - đòi khai trừ ông khỏi Hội Nhà văn, tước quốc tịch (Xô-viết) và đày ông ra nước ngoài, khiến Pasternak phải chối từ giải thưởng Nobel cao quý mà ông vô cùng xứng đáng được trao nhận.
- Ngày 20-2-1988, tuần báo "Văn Nghệ" đưa một dòng tin 40 chữ ở trang 3: "Trong phiên họp này (1.2.88) Ban Thư ký cũng đã quyết định phục hồi hội tịch cho các nhà văn Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh, trên cơ sở đề nghị của các đồng chí ấy". Tin quá cô đọng, để lại nhiều dấu hỏi, nhất là đối với vài thế hệ trưởng thành trong 30 năm (1958-1988) mà cái tên của 5 nhân vật Nhân văn Giai phẩm hầu như không được biết đến, hoặc giả, nếu có, cũng dưới "sắc màu" của tư liệu bất hủ "Bọn Nhân văn Giai phẩm trước tòa án dư luận" (NXB Sự thật, Hà Nội, 1959).
Nhưng dầu sau, vẫn còn hơn không! Vẫn cần, biết bao, những mẩu tin như thế...
2. Đọc lại entry "Thế giới giờ nhỏ quá hay chuyện của bác Lại Văn Sâm" của bác Huy Đức (blogger Osin), bình về câu chuyện "đi Tây" của mấy quan chức truyền thông Việt Nam (*), vừa hách dịch, vừa lộ rõ sự... hơi ít văn hóa (bố cún giả định câu chuyện là thực vì cũng không thấy các "đương sự" phản ứng gì - có lẽ họ bận, không xem blog, hoặc không để tâm đến dư luận?), có câu này tâm đắc: "Viết, cũng như là để dặn dò mình. Thế Giới bây giờ làm bậy dễ lộ thiệt!"
Làm báo, viết tin thời nay quả là dễ như nhiều người quan niệm, vì cứ lên Mạng, info nhiều "vô thiên lủng", tha hồ mà "luộc", "thuổng", tha hồ mà chọn tin, bài này nọ để "định hướng" người đọc. Cái gì nhạy cảm, ta ỉm đi, cái gì giật gân, ta tấn tới, nhỉ?
Cơ mà, đừng nghĩ là "ai biết đấy là đâu" nhé! Thiên hạ bây giờ "tinh" lắm, và "địch" thì nó càng tinh. Nó chả cần bịa đặt gì, chuyện "ta" làm bậy có là cái kim đi nữa thì cũng dễ thòi ra, và báo "ta" tạm ỉm đi thì nó đăng trước, báo "ta" đăng một chiều thì nó tận dụng dăm ba chiều, đọc cho sướng. "Địch" nó cũng không... ngu gì mà phải đăng bậy bạ, vì độc giả bây chừ thạo tin lắm, có nhiều nguồn để tham khảo, và họ xử lý thông tin cũng rành!
Mà, cũng không làm sao mà cấm được "địch" nó đăng tin, nếu mình lỡ thất thố, thế mới ngặt? Lên lớp, mắng mẻ, đe nẹt nó là "tôi thu băng đấy" ("sếp" Nguyễn Xuân Hiển của Vietnam Airlines) thì nó phát luôn băng cho mà biết tay!
Kẹt nhỉ? Có lẽ chỉ còn một giải pháp khả dĩ, là chớ làm bậy, và nếu đã trót làm bậy rồi, thì cứ thành thực mà nhận đi!
3. Nói nhiều đến "địch", dễ thành căn bệnh tưởng, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù! Chứ thực ra, "địch" hiếm lắm, đa phần là những người yêu ta, mới muốn góp ý cho ta tiến bộ, mới đau trước cái tệ hại của ta. Chỉ cần ta thực lòng, bớt "tô hồng", năng đưa sự thực.
Chị Hoài Thu, một người Việt có đóng góp vô cùng lớn cho sự hội nhập (văn hóa, xã hội...) của cộng đồng Việt Nam tại Đức Quốc và đã được nhà nước Đức tưởng thưởng nhiều lần, cách đây ít hôm, gọi điện cho bố cún, rất bức xúc: "Thằng VTV4 nó cứ quảng cáo hoài về biển Nha Trang thần tiên này nọ, làm chị bực quá. Chị tận mắt nhìn những cái bẩn thỉu ở đấy, mà hàng ngày cứ phải nghe lải nhải như thế, thử hỏi chịu làm sao nổi?"
Cảm phiền đề nghị VTV4 cũng nên đưa tin đa chiều hơn nữa nhỉ? ;)
4. "VieTimes", chuyên san khét tiếng với những bài viết "nổ", kích động, "hạ bệ" người này, kẻ khác khiến nhiều người chán ngán, hôm kia lại có bài này, xin trích:
Nhà thơ Trần Quang Hải - Người định danh trường Viết Văn Nguyễn Du!
Thứ năm, 7/2/2008, 20:18 GMT+7Sau hai mươi năm tồn tại, với 6 khóa học, trường Viết văn Nguyễn Du giờ đã biến thành một khoa của trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Dẫu vậy, ngôi trường này cũng đã kịp để lại dấu ấn riêng trong đời sống văn học hiện đại với các thế hệ nhà văn, nhà thơ như Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Bảo Ninh, Phùng Khắc Bắc, Lâm Thị Mỹ Dạ, Đặng Thanh Hương, Tạ Duy Anh, Dương Thuấn, Vũ Hữu Sự, Dương Kiều Minh, Lương Ngọc An, Nguyễn Bình Phương...Mặc dù trường Nguyễn Du đã làm xuất hiện nhiều tác giả có tiếng nói ảnh hưởng đến đời sống văn học hiện đại như vậy nhưng Giáo sư Phạm Vinh Cư, Người thầy tinh thần và cũng là Người thầy trực tiếp quản lý, giảng dậy trong trường Viết Văn Nguyễn Du khẳng định chắc chắn rằng: Trần Quang Hải, học viên khóa V, là tác giả thành công đặc biệt nhất.
Thậm chí sau này, các nhà nghiên cứu lịch sử văn học khi muốn chứng minh sự tồn tại ấn tượng của Trường Viết văn Nguyễn Du, sẽ dùng tác phẩm của nhà thơ Trần Quang Hải để minh định điều đó. Giáo sư quả quyết, với những câu thơ bất tuyệt, Trần Quang Hải đã làm rạng rỡ tất thẩy những gì tồn tại xung quanh mình. Đó là lý do để Vietimes trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số bài thơ rút ra từ tập "Non trưa" của nhà thơ Trần Quang Hải.
Bố cún xin miễn bình luận về thơ của Trần Quang Hải (tùy "tạng" người đọc, có thể thấy hay, rất hay, hoặc bình thường), nhưng thử hỏi ở thời điểm thông tin cởi mở, bùng nổ thế này, mà viết bốc thơm vô độ như thế, không sợ độc giả có thể có sự suy xét riêng à?
5. Bốt ảnh cún và bà nội, trước khi bà về Việt Nam hôm nay, cho "mềm" bớt mấy đề tài cứ đòi hỏi phải suy nghĩ ;).
(*) Bài viết chua rằng "bốn người trong đoàn đã từng tốt nghiệp đại học tại Liên Xô"! Mới thấy, "học cao" mà "tầm văn hóa" có thể vẫn... lùn như thường nhỉ?
15 nhận xét:
@ 2Ti: Nói vậy thôi, chứ sợ bẩn... hì chả đi đâu được ;)
Nói thêm là chương trình VTV4 Tết này phong phú phết. 2Ti có can thiệp gì ở đó ko? ;)
@Chú Toan n: Chú ơi, đấy mới chỉ là một chuyện, còn khối chuyện hay nữa mà người ta chưa viết ra ấy chứ :). Nhưng mà hy vọng đây đó, thảng hoặc, vẫn có những người nổi tiếng mà tử tế, sống hay, để ta còn tin vào điều đẹp đẽ trong tâm hồn người Việt! ("Nổi tiếng nhưng mà tốt" ;)) )
Tôi đọc xong bài này, cả các đường link. tôi ngồi máy tính suốt 4 ngày Tết toàn vui giờ ngượng quá..Linh ạ. Như cơm đang dẻo, canh đang ngọt cóp hạt sạn muốn ẹo ngay...Bọn vô văn hoá!
@ Anh Thọ: Cả mấy tuần nay em bận quá, lại ọp ẹp nữa, giờ mới có tẹo thời gian để đọc. Tụ nhiên có những cái cứ... xông vào óc mình, khiến mình suy nghĩ. Chứ không phải em cố tình... làm hỏng niềm vui ngày Tết đâu :)
@ Hoa Pion: Để anh nhờ người hỏi nhà thơ phát! :)
Anh vẫn bốt ảnh đấy chứ, cho dù ảnh không hợp với đề tài mình cần minh họa (ảnh ko mang tính chất minh họa) ;)
Hì, cái bài trên Vietimes, có vẻ như nhà thơ Hải tự viết :P
Anh Linh đưa vào 1 cái entry thôi mà biết bao vấn đề. Thú thực, em bắt đầu mờ mắt vì đọc blog của anh. Thú vị vì có info, nhưng buồn quá. Làm em phải vứt "cặp kính hồng" của em đi mất thôi :D.
Đề nghị anh chăm post ảnh cún và TV, cho người đọc được thư giãn với ạ!
Biển Nha Trang bẩn lắm à? Em định đi nghỉ hè này ở đó đấy. Chán thật!
Mình bất bình với vài nhân vật "Nổi tiếng" trong cái link về mấy bố ở truyền thông ta ra ngoài mà ứng xử vậy. Cái thói ấy đáng căm ghét, cũng nên vạch mặt chỉ tên. Mình ko trách gì Linh cả. Buồn thật, viết ko như sống, nói thì có vẻ văn hoá mà ra ngoài làm vậy, toàn...như Cứt!
He he, hình như em có vài chương trình ca nhạc trên VTV4 anh ạ> Anh mừ ngó thấy chương trình " Ai có về", "Nét Xuân"... thì có tên em đầu tiên đấy :P
@ Anh Thọ: Còn nhiều cái lố lăng nữa anh ạ...
@ 2Ti: Để xem, để xem! Nhiều chương trình giải trí phết! Hôm qua lại còn có đến VTV 6!
@ Nghĩa: Đã bảo "hình ko mang tính chất minh họa" mà ;)
Bài hay nhưng sao anh đưa hình của cháu vào zậy?:D lần sau đưa hình khác anh nhé. Để cho cháu nó "hồn nhiên"
Chào Thân ái & Quyết thắng!
@ Sweet_T: "Ý kiến bạn đọc" ở đó cũng là họ cố tình "định hướng" tuốt đấy. Ở những bài "hạ bệ", cấm thấy ai bênh nạn nhân một câu! Còn ở những bài vô thưởng vô phạt thì có thể có những ý kiến ngô nghê, ăn nói vớ vẩn... cho nó có vẻ của độc giả... thật :)
Về vụ Vietimes, em không thể đồng ý hơn ạ. (Ý em là năng lực bốc thơm cũng như hạ bệ của bổn báo) Nhưng cái còn kinh khiếp hơn là màn ý kiến người đọc. Ôi chao, thật đời em chưa từng thấy cái gì lổn nhổn hơn thế. Em không hiểu là bổn báo nhân danh cái sự tôn trọng khán giả hay bổn báo quá ư là tắc trách, cẩu thả và kém chuyên nghiệp mà có thể đăng những thứ, thật, không thể xúc phạm tiếng Việt hơn :-( Thế nên là thôi, ta cứ "Nhịp cầu thế giới" cho lành, đúng không ạ? :-P
Em mà là nhân vật được bốc thơm như thế, chắc em ngại lắm, xin gỡ bài xuống ngay, đọc mà cứ tự ngường ngượng là sao nhỉ
Hố hố, dững câu thơ bất tuyệt!
@ Codet: Có tin đồn là VieTimes "chơi" nhà thơ. Hình như trò này VieTimes cũng từng làm với dăm ba người khác rồi ;)
Đăng nhận xét