1. Điều mà bồ cún sợ nhất, đã xảy ra!
Sáng hôm nay xem báo, thấy cái tít của VNN, ngán hẳn: "Hạ Long, Phong Nha-Kẻ Bàng, Fansipan dẫn đầu 7 kỳ quan TG"
Cần nói thêm, tít này không lương thiện ở chỗ, nó làm cho ai ít để ý tin tức có thể nghĩ rằng, đã xong phần bình chọn 7 kỳ quan, và 3 kỳ quan của Việt Nam dẫn đầu ;). Trong khi đó, nếu nói cụ thể thì - như nhiều bài viết, entry đã nhắc đến - trong cuộc bình chọn hoàn toàn mang tính cá nhân này, đây mới chỉ là vòng đầu để chọn ra Top 77, rồi chọn từ Top 77 ra Top 21 là việc của một nhóm chuyên gia (khả năng là tất cả những "kỳ quan" tào lao sẽ bị loại hết ở đây ;)). Như thế, "7 kỳ quan TG" mà cái tít nhắc đến - hay nói chính xác là "7 kỳ quan thiên nhiên mới của TG", theo cách gọi của BTC - cũng còn xa mới đến tay Việt Nam ;)
Làm báo, có những cái không thể đừng được, cho dù là báo độc lập :). Những phong trào này nọ, nếu thấy "lố", bố cún cố gắng tránh xa... Nhưng lần này thì vẫn phải tham gia, vì những lý do tế nhị ;) Tuy nhiên, xem bài (bán chính thống) này, hy vọng mẹ Dế và thiên hạ vẫn hiểu được là có thể vote cho... ngoại quốc mà không phải là không yêu Việt Nam? ;)
2. Ngày thơ Việt Nam 2008, như thế, đã trôi qua có vẻ rất vui...
Báo chí ta có nhất loạt đưa bài, nhưng đa phần là ảnh, có lẽ để tận dụng tác động thị giác? Tuy nhiên, VNE có bài này kỹ và có nhiều điểm đáng chú ý. Chẳng hạn như ở đoạn đầu, có nhiều mô tả hóm:
"Rộn ràng trống phách, réo rắt í a, những con chữ im lìm trên trang giấy bỗng rổn rảng cất lên bằng mọi cung bậc, khiến thơ như một thiếu nữ vốn tự ti chợt líu lo huyên náo bởi đã được thêu hoa mặc gấm và đeo bao trang sức lên mình.
Sáng 21/2, nhằm đúng lễ Nguyên tiêu, Ban tổ chức trải thảm đỏ từ cổng Văn Miếu đón người yêu thơ. Nhưng khoảng 200 chiếc ghế con, nhum nhúm trên sân Thái miếu chẳng thấm tháp vào đâu so với hàng nghìn người xem đổ về Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong ngày hội lớn. Vài phút trước khi khai mạc, đứng xem chẳng đặng, các cụ già cả chen lấn vào lối đi rồi nhất quyết ngồi phệt xuống sàn, bất chấp Ban tổ chức năn nỉ: "Xin các bác nhường đường để rước kiệu thơ". Ngày thơ Việt Nam 2008 khai cuộc trong âm vang của Nam quốc sơn hà và những vần thơ khác, ngợi ca non sông đất nước.
Chỉ chờ cho cha anh trống giong cờ mở, các tác giả trẻ cũng "hắng giọng" cất lời trên sân Thái học. Không bị tản mát vì trồng quá nhiều cây thơ, dựng lắm xóm thơ như năm trước, sân trẻ năm nay hút mọi chú ý của khán giả về một phía - sân khấu trình diễn thơ. Sau những lời giới thiệu ngắn gọn về mối "lương duyên" giữa thơ ca với các loại hình nghệ thuật, hai MC Hữu Việt và Phong Điệp dẫn nàng thơ đã điểm trang xúng xính ra trình độc giả. Thơ, không còn nguyên chất, nhưng được nêm thêm gia vị cũng tạo ra những thực đơn, nếu chưa ngon thì cũng rất mới và lạ. Chu Thị Minh Huệ gùi thơ xuống núi, Hồ Huy Sơn hóa thân thành chàng mục đồng hồn nhiên, hát lên khúc ca Chăn trâu của mình với sự phụ họa của các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Trung ương, Dạ Thảo Phương "phiêu" trong thơ cùng các ca sĩ Minh Ánh và Hoàng Yến, Đoàn Văn Mật gõ phách để nghệ sĩ Thanh Ngoan hát chầu văn những vần thơ hóm hỉnh..."
Đoạn khiến bố cún ấn tượng nhất, dĩ nhiên, vẫn là lúc bác Dương Tường "phiêu" với bạn myselfvn (ảnh trên), rất dồn dập và khẩn trương! Hãy xem báo tả:
"Ngày hội quy tụ nhiều gương mặt nổi tiếng của âm nhạc, sân khấu. Nhưng người yêu thơ vẫn nhận ra những ngôi sao của chính làng thơ. Khi Dương Tường, Hoàng Hưng, Vi Thùy Linh lên sân khấu, khán giả nhất loạt nhào lên phía trước, để tận mắt chứng kiến trò phá cách của họ. Hoàng Hưng điềm tĩnh đọc Người đi tìm mặt trong tiếng nhạc đệm dồn dập và gấp gáp. Vi Thùy Linh xuất hiện trong chiếc váy trắng tinh khôi, thể hiện niềm khát khao yêu thương cùng nghệ sĩ kịch câm Đào Kế Đoàn. Và ấn tượng nhất, khó hiểu nhất là khi lão thơ Dương Tường mang theo một cuốn giấy vệ sinh nhan nhản chữ lên sân khấu. Ông chầm chậm tháo giấy, quấn chặt quanh người trong tiếng đọc thơ của Phan Huyền Thư và Dạ Thảo Phương. Đến hồi cuối, Dương Tường cất tiếng đọc những vần thơ của chính mình, Huyền Thư và Thảo Phương bước lên sân khấu, mạnh mẽ giật tung những mảng giấy quấn quanh nhà thơ. Màn trình diễn có thể hữu ý hay chỉ nhằm gây ấn tượng về thị giác phụ thuộc vào cách nhìn của mỗi người, nhưng Dương Tường đã khẳng định sự trẻ trung trong tâm hồn và sự sáng tạo của ông."
Đọc báo, kèm xem clip mới thấy hết cái đặc biệt của màn trình diễn này. Đương nhiên, bố cún không thể hiểu những ngụ ý trong đó, nhưng đó không phải là điều quan trọng, vì khả năng là cử tọa, cầu trường đa phần cũng vậy. Cái đáng kể ở đây, là Ngày thơ đã có nhiều màn vui, đánh vào thị giác, thính giác, v.v... Còn câu hỏi "thơ ở đâu?", thì lại là chuyện khác. Chẳng hạn, thơ Trần Dần - chắc chắn là thơ nhỉ? - thì bị cấm cửa, và theo tường thuật của Phạm Xuân Nguyên ở đây thì các nhà thơ tham dự Ngày thơ "cũng đành hèn yếu và im lặng", chứ không có "động thái" gì đáng kể.
Chạy một loạt các forum, blog, cũng thấy lẻ tẻ các report, nhưng hình như không rầm rộ như năm ngoái. Trên forum Nam Định, bài này có nhiều ảnh đẹp và thông tin sau làm bố cún buồn cười (nhất là sau khi xem ảnh): "Sau tiếng trống khai mạc ngày thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh là phần rước kiệu thơ khá hoành tráng và phần thể hiện thơ của Thượng tướng Trần Quang Khải (giả) rất trang trọng. Hết phần đọc thơ, đoàn kiệu rút lui".
Sau khi tra, thì ra "thượng tướng Trần Quang Khải" (giả) đọc "Tụng giá hoàn kinh sư". Bố cún thì nghĩ rằng, giá để "đại tướng Nguyễn Trãi" (giả) đọc "Đại cáo Bình Ngô" thì nghe sướng hơn, hào hùng hơn. Hoặc giả, nếu sợ dài, thì chọn vài câu sau, rồi để "nguyên soái Nguyễn Huệ" (giả) đọc cũng được: "Đánh cho để dài tóc - Đánh cho để đen răng - Đánh cho nó chích luân bất phản - Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn - Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ".
Có điều, những áng thơ ấy bây giờ đều "nhạy cảm" cả rồi. Càng không hợp với một ngày Hội thơ thiên về các pha trình diễn ngoạn mục, vui khỏe trẻ trung như thế này...
Để "rộng đường dư luận", bố cún có "phỏng vấn nhanh" một nhà văn gái nổi tiếng, về cảm tưởng của cô trong Ngày thơ Việt Nam, thì được câu trả lời như sau: "Em đến 5 phút rồi lại ra ngồi ngoài cổng uống chén nước, trò chuyện với mấy ông nhiếp ảnh gia cũng... vào 5 phút như em, rồi cùng về. Với thơ, em thuộc hàng ăn no vác nặng, không tinh tế đủ để hiểu nổi thơ bây giờ. Mới lại em cũng không thích chỗ chen chúc. Có một bác nhà thơ hẹn gặp em ở đó, nhưng em phải cáo lỗi về, về nhà nấu cơm cho bà mẹ ốm thấy hợp lý hơn. Mình có phải triệu phú thời gian đâu mà sa đà hội hè thơ làm gì".
Dĩ nhiên, một ngày hội có thể có người thích, có người không, âu cũng là sự thường, là chuyện cá nhân. Nhưng bố để ý tới câu phàn nàn "không tinh tế đủ để hiểu nổi thơ bây giờ". Thơ, khởi thủy của nó, cho dù sâu sắc, ý tứ dồi dào thế nào đi nữa, có lẽ cũng không khó hiểu lắm (bằng không, có lẽ nó không tồn tại được đến giờ để tạo thành huyền thoại về "Việt Nam, xứ sở thi ca"). Ngay "Truyện Kiều", khi đọc phải lăm lăm cuốn tự vị giải nghĩa để thấu hiểu các điển tích, thì về căn bản cũng không đến nỗi đánh đố lắm.
Phải rồi, thơ hiện đại, rồi hậu hiện đại, tiền phong... thì phải "hũ nút", phải có những cách thể hiện "phá cách" như các nhà thơ, nhà văn vẫn hay trả lời phỏng vấn (mà nhiều khi bố cún chả hiểu phải... phá cái gì? ;)), nhưng bố cún hơi sợ nếu cứ phát triển theo hướng phải múa, phải "giấy vệ sinh"... mới trình diễn được những cái nhà thơ muốn bộc lộ, mới khẳng định được "sự trẻ trung trong tâm hồn và sự sáng tạo", thì sẽ đến lúc - đối với hạng mù thơ như bố cún - "thơ ai... nấy nghe" mất :(
TB. Blog của Người Buôn Gió cũng có chùm ảnh và những lời bình thú vị.
21 nhận xét:
@ VangAnh: Thì anh viết mà :)
Dĩ nhiên là có theo dõi báo ở nhà...
@ Mẹ Dế: Cứ comment đi mà...
@ TMH: hehe, được chứ! ;)
Anh Linh vẫn cứ bị kiểu gộp những vấn đề to lớn vào chung một entry, khiến người đọc đọc không thôi đã căng thẳng, muốn phát biểu lại sợ nói nhiều :D
Bùn cười nhất là sau khi DTP và PHT xé thơ viết trên giấy chùi ít rồi thì nó bắt đầu tơi tả, chả hiểu sao 1 số ông bà lại vồ lấy, ngắm ngắm nghía nghĩa dọc đọc, buồn cười chết thôi.
thuc su thi tro "binh chon" nay voi tro "danh hoi dong" chan chet cung chi la mot ma thoi.... Ma cai tro nay o ta, tiec thay lai rat pho bien...
@ TM: Đã xin myselfvn bài ấy rồi, khi nào làm 1 chùm. Đương sự đã hứa là sẽ cho nữa, khi rảnh, và "điều kiện kỹ thuật cho phép"... Nay bá cáo...
Thì có thấy chữ mà, chắc mấy ng đấy cũng tò mò như anh L muốn biết đó là thơ thật hay ko, hehe...
Thú thật bây giờ em cũng ít hiểu thơ ca nên chẳng thể lạm bàn cùng các anh chị. Em cũng nghĩ như chị 2Ti, rằng thơ có con đường riêng của nó đi vào lòng độc giả, (đó là nhạc là họa vẫn có trong thơ, là tình, là tứ, là ngôn ngữ riêng chỉ thơ mới có) đâu phải nhờ đến .."diễn trò"! Thậm chí hồi xưa, em nghe ngâm thơ đã không thấy đó là thơ, mà chỉ là hát, để ru ngủ. Rất thích, vì dễ ngủ. Nhưng chẳng bao giờ em nghe được người ta ngâm bài thơ cụ thể nào!
Nhưng trăm người vạn ý, mình không thích mà họ thích, thì cũng kệ họ :P, cho cuộc sống muôn màu mà. Grossman có một câu gần như thế này; "Cuộc sống lụi tàn ở nơi mà ... ta gắng sức xóa đi vẻ muôn màu và nét đặc sắc của nó." Hì.
Em không hiểu thơ trẻ bây giờ lắm, hiếm bài em cảm thấy thích. Em chỉ thích thơ già thôi!
Thơ nhảm/thảm cũng hay bị thích :P
Ờ há, đúng là phải học :D, học nữa, học mãi. Ơ, câu này nghe quen ghê :))
bai nay cua NBG ha anh?
em tuong anh cung theo sat bao vn
hehe
tinh hinh la hoi bi chinh xac
ui cm nham roi
hehe
anh chang noi blog cua anh toan bai cua anh viet la gi
hehe...sorry
1, Những thứ hào nhoáng và đông người ko hợp với thơ. Thơ, dù ở hình thức nào, cũng là tiếng nói của tâm hồn. Mà tâm hồn chỉ có thể hiểu bằng những tâm hồn đồng cảm. Riêng cái quãng chỉ-có-thể-hiểu là cả con đường cần nhất sự tĩnh tại, lắng đọng, chiêm nghiệm. Lấy đâu ra những cái đó ở 1 đám đông tấp nập "ngựa xe như nước, áo quần như nêm"?
2, Riêng màn trình diễn của Dương Tường &... chỉ là sự tự thú, rằng các vị đã bế tắc. Màn Sân khấu hoá thơ trong vài phút đó làm sao bằng các vở kịch thơ hoành tráng có từ bao đời nay? Trình diễn thơ kiểu đó giống như đem 1 bản nhạc ngẫu hứng bằng xô chậu ra so với các vở nhạc kịch kinh điển. Bởi vì, xô và chậu chỉ đẹp khi dùng đúng chức năng.
Màn trình diễn đã phức tạp hoá 1 thông điệp : "Bản thân cuộc sống trần trụi chính là những bài thơ đẹp, thơ trên giấy là rất ít giá trị". Cảm đựơc thông điệp đó không bao giờ là cả nhân loại (cảm được, thậm chí sẽ là toi!). Bởi, chính sự ko-cần-biết đến thông điệp đó của muôn loài đã tạo nên bài thơ :)
Các vị đã làm 1 động tác thừa. Mà biết là thừa mà vẫn làm thì chỉ là háo danh.
anh Linh ơi, cái trò bình chọn "tam đại kỳ quan" ý em gọi là "thẩm du tập thể" có được không? =))
@ Codet: trên giấy chùi ấy, có thơ thật à? Thơ bác Dương Tường hay thơ ai?
@ trangha: anh có đọc bài ấy, nhân vụ treo cờ đúng ko? Em viết câu này lấp lửng tệ: "Nhưng cũng có rất nhiều người đồng tình với "Tôi không yêu nước" ;)
Hay qua anh Linh oi, em cuoi tu nay den gio. Hom qua em vua chat voi 1 em gai ve cai man cuon giay ve sinh len nguoi, em bao hinh nhu em ngu qua, nen em dek hieu noi nhung cai kieu bieu dat nhu the :D.
Ah con doan "tham du tap the", em biet vi sao anh phai viet the roi nha :D
Anh Linh chinh ra trong the ma cung hay so vo/ gai etc. :D
Ngoai le: Da Thao Phuong vua post 1 bai tho tren blog, kha hay!
Nửa năm trước, hồi 2/9 em viết bài "Tôi không yêu nước theo cách của các bạn" có phản đối vụ bầu chọn Hạ Long này, thế là trên blog và các forum nó chửi em rùm beng. Có những thằng lập riêng blog để chửi bài viết đó. Nhưng cũng có rất nhiều người đồng tình với "Tôi không yêu nước.
@ TM: Nhảm nhí! Nhà thơ mà ko hiểu, thì ai hiểu? Nghệ thuật sắp đặt và trình diễn mà ;)
Thơ Minh có lẽ ko cần trình diễn, cũng đủ thảm/nhảm lắm rồi nhỉ? ;)
Hihi, ai bảo nhỉ, thơ là cái để „cảm”, ko phải để „hiểu”. Kể ra cũng nên học thêm để nếu ko „hiểu” thì „cảm” được thơ trình diễn ;). Hoặc giả, mình có thể „hiểu” hay „cảm” tùy thích, ko phải nhất thiết giống ý các nhà trình diễn đâu nhỉ?
Viết xong cái này mới nhớ chuyện, cún sẽ được bác họa sĩ Lê Thương tặng 1 tranh, được chọn. Tranh bác, ngoài thể loại phong cảnh và chân dung, thì thông thường là khó hiểu, và có lẽ cũng ko cần hiểu. Cả nhà có độc Thu Vân có học vẽ ở trường, và vì tin tường vào nền giáo dục Hung, nên mẹ cún tối nay cứ hơi tí lại bắt Thu Vân ra chọn tranh (trong số ảnh chụp mà bố cún có). Làm Thu Vân bực lắm, vì đang chơi bị quấy ;)
Cũng phải học nâng cao nữa để hiểu thơ... cái này là hợp lý!
Thích cái đoạn anh viết về “7 kì quan mới”, gọn và sắc ;)
Đăng nhận xét