29/4/09

Lại vụ bauxite: Phản biện xã hội

1 nhận xét



Cám ơn cả nhà đã khích lệ... cứ viết tiếp :) Và, như đã hứa với Hana, nhân vụ bauxite, post bài này cho "rộng đường dư luận".

Số là, gần tuần nay, và nhất là sau khi Bộ Chính trị đưa ra "kết luận về quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025" (ngày 24-4), bắt đầu rộ lên một số ý kiến "phản công", "đá móc", như trong bài "Chung quanh vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên" ("cần cảnh giác và có thái độ rõ ràng, kiên quyết với những mưu toan chính trị hóa vấn đề của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, muốn chia rẽ nội bộ chúng ta; xuyên tạc sự thật, lợi dụng những tình cảm thiêng liêng trong trái tim, khối óc mỗi người để kích động hòng thực hiện những mưu đồ xấu xa của họ" - blogger Osin đã có ngay "Bauxite & Báo Nhân Dân" về bài này), hoặc "đỉnh cao" là vụ "phản pháo" của Bộ Công thương đối với những người tham gia ký Kiến nghị bauxite (mà blogger Bút Lông có report đầy đủ ở đâyở đây).

Phản ứng này của chính quyền cũng không thật khó hiểu, cho dù có phần "bất nhất", vì trước đó chính quyền đã viện dẫn rằng vì "nghe lời dân", để "ý Đảng" cũng là "lòng dân","tạo sự đồng thuận trong xã hội", nên chính quyền mới có những điều chỉnh cần thiết trong vụ bauxite, như đã.

Vấn đề là, một khi chính quyền "chuyển hướng" rất tế nhị như vậy, báo chí khó lòng không theo! Chẳng hạn. "Tuần Việt Nam", chuyên san có những loạt bài giá trị (và nhiều khi, dũng cảm) về các vấn đề được công luận quan tâm, đưa "ý kiến độc giả" "Phản biện hay "tát nước theo mưa"?", phán: "Tuy nhiên, lợi dụng những phản biện đúng đắn trong xã hội của một nhà nước có luật pháp để chia rẽ, gieo rắc nghi ngờ giữa người dân với chính quyền, đi xa hơn nữa là để kích động sự chống đối chính quyền, là những việc làm không liên quan gì đến các vấn đề được phản biện. Việc làm với dã tâm như vậy không thể coi là phản biện. [...] Có thể nói, sự kích động quá lộ liễu như thế tự nó bóc trần mục đích và động cơ cá nhân của những người "tát nước theo mưa".

Đọc bài ấy, bố cún hơi... nóng gáy, nên trên tinh thần "đa chiều", "xây dựng", mới viết mấy dòng sau đây gửi "Tuần Việt Nam", mà chỉ nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Tòa soạn: "Để rộng đường dư luận, chúng tôi... [] mong nhận được những ý kiến trao đổi thẳng thắn từ độc giả". Gọi là "góp ý", nhưng bài cũng viết cẩn thận, có trích dẫn đàng hoàng, rất mang tính "xây dựng". :)

Bài viết tất nhiên không nhằm đăng tải (vì biết là khó), đơn thuần là sự chia sẻ một quan điềm, nhưng sau đấy mấy hôm lại thấy "Tuần Việt Nam" đăng thêm bài "Phản biện xã hội phải luôn mang tính trách nhiệm cao", có đoạn: "Chúng ta không thể đồng tình và cần cảnh giác với lối phản biện có tính chất chia rẽ xã hội, thù địch và hằn học của những kẻ tiểu khí nhằm thỏa mãn những toan tính vụ lợi cá nhân, vì xét cho đến cùng đó chỉ là lối phản biện “té nước theo mưa“ rất vô trách nhiệm và không có hiệu quả".

Thì hiểu được là, hẳn cũng phải sự định hướng và chỉ đạo tỉ mỉ, khi nào báo chí cần viết với "văn phong" và "màu sắc" thế nào trong vụ bauxite này :((

(*) Minh họa: Chủ tịch Hồ Chí Minh, người không xa lạ với "phản biện xã hội", chẳng hạn trong việc tham gia "Bản án chế độ thực dân Pháp".

*
KHÔNG SỢ "TẤT NƯỚC THEO MƯA", CẦN TĂNG CƯỜNG PHẢN BIỆN XÃ HỘI

Ở các quốc gia dân chủ, sự phản biện xã hội của công luận và giới truyền thông là điều hết sức bình thường, nếu không muốn nói là một truyền thống đã được thực thi khá hiệu quả từ nhiều thế kỷ nay.

Cho nên, ở những xứ đó, chính quyền và lãnh đạo, trước khi đi vào quyết định hoặc thực thi một chính sách có thể ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích và quyền lợi của nhân dân, thường phải đắn đo rất kỹ. Những biện pháp như thăm dò, điều tra dư luận một cách rộng rãi - hoặc ở mức cao nhất là trưng cầu dân ý - cũng thường được thực hiện.

Do vậy, các nước ấy giảm thiểu được tình trạng cứ giấu dân làm bừa, đến khi dân kêu quá, "cực chẳng đã", mới "sửa chữa".

Còn như ở ta, cho dù đã "sửa sai" đi nữa, qua những vụ như xây dựng TTTM tại chợ 19-12, xây khách sạn trong công viên Thống Nhất, xây dựng chợ tại sân chơi "Con voi"…, niềm tin của người dân đã bị sói mòn nhiều lắm vì cách ứng xử rất chủ quan, cửa quyền và thiếu sót của chính quyền. Ấy là chưa nói đến những thiệt hại vật chất (do phải bồi thường), mà suy cho cùng cũng vẫn trích từ tiền thuế của người dân mà ra.

Vẫn biết, tại Việt Nam, phản biện xã hội là điều mới, chưa ăn sâu vào suy nghĩ của người dân. "Nói thẳng nói thật", về căn bản, mới manh nha từ sau thời kỳ Đổi mới cách đây hơn 20 năm và cho đến nay, những công dân tâm huyết, nhiệt thành với sự phát triển xã hội, mỗi khi muốn góp ý với chính quyền vẫn luôn phải "nhìn trước ngó sau" để tránh bị quy chụp là "phản động", "động cơ đen tối", v.v... Nhưng thử hỏi, nếu không cổ vũ và khích lệ quyền được nói, được góp ý kiến, được biết và xử lý thông tin của người dân, dẫn đến quyền được kiểm sát theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", làm sao phát huy dân chủ cho sự tiến bộ của đất nước?

Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh hiện tại, không nên đặt câu hỏi "phản biện hay "tát nước theo mưa" như một bạn đọc TVN đã nêu ra, mà nên tạo điều kiện hơn nữa, khuyến khích hơn nữa những ý kiến phản biện từ mọi giai tầng trong xã hội. Bởi một lẽ đơn giản: những ý kiến phản biện hiện tại vẫn còn ít lắm, so với mật độ dày đặc của những bất cập, những vụ việc khiến người dân phải bức xúc.

Không chỉ những trí thức khoa bảng, mà bất cứ người dân nào - từ ý thức trách nhiệm công dân của mình - cũng nên và cần mạnh dạn nêu ý kiến phản biện, nâng cao chất lượng phản biện, để hoàn thiện hóa chính quyền "do dân, vì dân" như chúng ta mong đợi.

Chớ sợ "địch" "xuyên tạc", "bôi nhọ" "ta", hãy sợ khi chúng ta không ai dám nói ra điều trung thực. Hơn 60 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong “Sửa đổi lối làm việc”, “Thuốc đắng giã tật”, v.v… (với bút danh X.Y.Z.), đã nghiêm khắc khuyên giới cán bộ - những người theo lời cụ, là “đày tớ của nhân dân” - bao giờ cũng nên nói thật, nói thẳng, nói hết. Chỉ như thế mới mong khắc phục được những yếu kém, và khiến “kẻ địch” không thể “phá hoại” được “ta”.

Có những cán bộ tưởng rằng: nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại vì:

- Kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền;

- Giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền;

- Làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy;

- Chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi.

Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình.

Nếu không muốn để kẻ địch phản tuyên truyền thì không gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm.

Một khi đã phạm đến khuyết điểm, thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết. Phải nhớ câu tục ngữ “sừng có vạch, vách có tai”.

Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì chẳng những uy tín không giảm mà lại thêm cao.

Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ.

Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự, phê bình chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa thì sự phê bình mới hoàn toàn.

Đọc lại những dòng này, cũng là để thấu hiểu và làm đúng tinh thần theo những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra!

Cuộc chiến Việt Nam dưới mắt một ký giả Hung

0 nhận xét



Cách đây 9 năm, nhân 25 năm sự kiện 30-4-1975, Aczél Endre - một chuyên gia chính trị học uy tín, một ký giả gạo cội của Hungary - có viết một bài "tổng quan" về cuộc chiến Việt Nam, đăng trên tuần báo "168 giờ" (168 óra), Hungary.

Bài cũ rích, không có gì đặc sắc vì chỉ mang tính "điểm xuyến", nhưng bài viết cũng cho thấy vài nét trong cái nhìn của giới ký giả thời "hậu cộng sản" của một quốc gia Đông Âu về Bắc Việt, một cựu đồng minh của họ. Thời chiến, Hungary là một nước đã hỗ trợ Bắc Việt Nam rất nhiều, cả về tinh thần và trong thực tế - đặc biệt là chừng 600 quân nhân Hungary đã có vai trò rất đáng kể (thiên vị và hướng về miền Bắc :)) với hoạt động gìn giữ hòa bình của họ, trong khuôn khổ Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Quốc tế về Hiệp định Paris về Việt Nam (thời kỳ 1973-1975).

(*) Minh họa: TS Déri Miklós (giữa), một trong 2 cựu chiến binh Hungary đã giám sát, chứng kiến sự ra đi của những người Mỹ cuối cùng khỏi Việt Nam. (Ảnh chụp ngày 29-4-2009)

VIỆT NAM, 25 NĂM TRƯỚC

25 năm trước, sáng ngày 30-4-1975, tại Sài Gòn, một chiếc xe tăng T-54 của Bắc Việt đã đè nát cánh cửa Dinh Độc lập (phủ tổng thống Nam Việt Nam) và sau đó ít phút, những người lính tràn vào đã cắm lá cờ 2 màu xanh, đỏ với 5 ngôi sao vàng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Việt Nam (phương Tây thường gọi bằng cái tên Việt Cộng) lên tòa nhà.

Với hành động mang tính tượng trưng này, cuộc chiến Việt Nam - kéo dài từ thời tổng thống Kennedy đến những ngày cùng của Nixon - đã chấm dứt. Bắc Việt đã nuốt chửng Nam Việt, đất nước bị chia đôi được thống nhất.

Việt Nam chính thức bị phân chia vào năm 1954. Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam không bao giờ chấp nhận trạng thái này. Sáu năm sau đó, Việt Cộng bắt đầu hoạt động và khởi sự cuộc chiến tranh du kích chống lại thể chế miền Nam. Vì thực dân Pháp đã hoàn toàn rút khỏi Đông Dương, Hoa Kỳ trở thành người bảo trợ cho "thế giới tự do" miền Nam.

Trong 4 năm đầu, sự can thiệp của Hoa Kỳ còn khá hạn chế: ở miền Nam Việt Nam, những đơn vị Sài Gòn có nhiệm vụ chống lại quân du kích được nhận chỉ huy người Mỹ, và những lực lượng đặc biệt (Special Forces) - thường được gọi bằng cái tên "mũ nồi xanh" - chỉ xuất hiện một cách rải rác, cũng để chống lại phong trào du kích. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, ai nấy đều thấy rằng quân đội miền Nam không thể đè bẹp một phong trào thống nhất được miền Bắc ủng hộ "hết mình", song chủ yếu vẫn dựa vào các phần tử miền Nam.

Rốt cục, ngay trong thời tổng thống Johnson, đã có hàng chục ngàn, rồi hàng trăm ngàn binh lính Hoa Kỳ bước chân vào mảnh đất Việt Nam, và chẳng mấy chốc, cuộc chiến đã lan rộng ra cả nước. Ở miền Nam, quân lực Mỹ (Army) tìm cách thanh toán các đơn vị Việt Cộng và tại miền Bắc, không lực Mỹ (Air Force) "trừng phạt" hậu phương của quân du kích.

Tuy nhiên, nếu nhìn trên một phương diện nhất định, có thể thấy những cố gắng trên đã khá vô hiệu quả. Bằng chứng là cuộc tấn công của Việt Cộng trong dịp tết Mậu Thân 1968, nhằm vào các thành phố miền Nam, trong số đó có thủ đô Sài Gòn. Trong chiến dịch này, Việt Cộng tuy không giữ được trong thời gian dài những cứ điểm mà họ chiếm được, song họ đã đạt được một mục đích: khiến công luận Hoa Kỳ cảm thấy chán ngán cuộc chiến. Một mặt, tinh thần anh dũng của quân du kích và những hành động "cảm tử" của họ; mặt khác, hình ảnh những người du kích bị đối xử một cách dã man, đã tạo được ảnh hưởng của chúng. Nhiều người tin rằng Hoa Kỳ muốn tìm cách vùi dập những lực lượng giải phóng dân tộc của một quốc gia Á châu xa xôi. Từ đó trở đi, nổi lên một phong trào phản chiến trên khắp nước Mỹ, thậm chí, có lẽ trên cả nửa địa cầu; phong trào đó đã được tiếp sức bởi một thực tế đơn giản: theo ý nghĩa quân sự, chàng anh hùng David đang đối đầu với người khổng lồ Goliat. Và con người ta thường có bản năng đồng cảm với kẻ yếu.

* Bắc và Nam.

Trong thời gian 1968 - 1972, cùng với tất cả những điều nói đến ở trên, hàng chục ngàn lính Mỹ đã bỏ mạng nhằm mục đích thanh toán phong trào du kích và đánh quỵ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giúp chính quyền Sài Gòn tồn tại bằng một cách nào đó và lập nên một rào chắn chống sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, sự hy sinh của họ (58 ngàn binh lính Hoa Kỳ đã thiệt mạng trong suốt cuộc chiến) là vô ích. Cuối cùng, cuộc chiến tranh bị đa số dân chúng chán ghét đã không đem lại những kết quả quân sự như ý, khiến Hoa Kỳ phải lựa chọn con đường "ra đi trong danh dự". Tháng Giêng 1973, trong cuộc hòa đàm bốn bên ở Paris, một hiệp định đã được ký kết, theo đó chính thể miền Nam và các lực lượng vũ trang của Việt Cộng vẫn
ở nguyên vị trí của họ (một hình thức phân chia lãnh thổ miền Nam); miền Bắc đảm bảo nền hòa bình và quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam.

Cố nhiên, kịch bản - theo đó những phe phái đối nghịch ở miền Nam chịu hòa hoãn với nhau và Nam Việt Nam được độc lập dưới sự kiểm soát của một chính phủ dân chủ thống nhất - rõ ràng là không có sức sống. Ngay sau khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam, sự đình chiến - mà người viết bài này cũng tham gia quá trình kiểm soát trong một thời gian ngắn ngủi - trở nên hỗn loạn hẳn. Chính quyền Sài Gòn và Việt Cộng chỉ bận tâm đến việc tăng cường vị thế của mình, họ lấn chiếm của nhau từng tụ điểm chiến lược.

Ai nấy đều biết: việc Đảng Cộng sản Việt Nam dụng công lật đổ chính thể Sài Gòn chỉ còn là vấn đề thời điểm. Quyết định được đưa ra vào cuối năm 1974. Mùa xuân 1975, bắt đầu "cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc": cuộc chiến đó tuy được miền Bắc gán cho bộ quần áo của Việt Cộng và trá hình như một cuộc khởi nghĩa nhân dân, nhưng kỳ thực, nó không hề có chút "cách mạng" và "dân tộc" nào, mà là một cuộc đụng độ chính qui, được thực hiện bằng những công cụ truyền thống nhất.

* Cuộc chiến chớp nhoáng.

Theo những số liệu của sách vở phương Tây mà Bắc Việt không bao giờ công nhận, 22 sư đoàn Bắc Việt vượt giới tuyến và trong vòng 50 ngày, đạo quân đó đã đè bẹp một cách dễ dàng sự phản kháng của quân đội Sài Gòn. Người Mỹ không hề can thiệp, ngoại trừ hành động cứu trợ: dùng máy bay trực thăng và tàu bè đưa bộ máy (cố vấn) quân sự Hoa Kỳ còn sót lại miền Nam, và một phần nhỏ giới lãnh đạo Nam Việt Nam, ra nước ngoài.

Và chẳng mấy chốc, quá trình "cộng sản hóa" miền Nam được tiến hành. Quá trình đó được biểu lộ rõ rệt khi quyền hành bề ngoài của những cán bộ - từng mang danh "dân tộc" - của Việt Cộng được trao cho những cán bộ đảng từ miền Bắc tràn vào, và sự hòa hợp dân tộc được tuyên bố trong thời gian trước đó cũng hoàn toàn bị bác bỏ. Hàng trăm ngàn nhân viên và quân nhân (tham chiến theo chế độ nghĩa vụ quân sự) của chính thể miền Nam bị tống vào những "trại cải tạo". Năm 1977, những cơ sở công nghiệp và thương mại trong tay cá nhân bị đưa vào sở hữu nhà nước, nền nông nghiệp bị tập thể hóa. Chỉ riêng ở Sài Gòn, chính sách sở hữu hóa công nghiệp đã khiến một triệu người Việt gốc Hoa mất mọi điều kiện sinh sống; công cuộc tập thể hóa nông nghiệp dẫn đến tình trạng thiếu thực phẩm, gây nên nạn đói ở đầu thập niên 80.

Nhưng các lãnh đạo Bắc Việt hoàn toàn say sưa với thành công trong việc biến đổi miền Nam theo hình mẫu của họ. Công cuộc "giải phóng miền Nam", thống nhất đất nước, niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản đã dẫn họ vào cuộc phiêu lưu chinh phục Campuchia (1979); vì cuộc chiến đó, ngoài việc bị Trung Quốc "trừng phạt" về quân sự, họ còn phải trả giá đắt trên mọi phương diện.

* Nhịp độ Trung Quốc

Chuyển biến chỉ diễn ra vào năm 1986, khi dưới ảnh hưởng của Liên Xô thời kỳ Gorbachev - người bạn tốt duy nhất còn duy trì mối quan hệ với Việt Nam - cánh "cải tổ" đã thắng thế trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và đã "mở cửa" Việt Nam, một phần cho những doanh nghiệp tư nhân nhỏ, một phần cho đầu tư nước ngoài. Kết quả là trong nửa đầu của thập niên 90, Việt Nam phát triển với nhịp độ "bão táp", sự phát triển đạt đến mức độ của Trung Quốc, "người anh cả" vẫn được Việt Nam coi là chuẩn mực. Nhưng, cho đến ngày hôm nay, đội "cận vệ" giáo điều cũ - những trợ thủ theo trường phái vị chủ tịch Hồ Chí Minh đã quá cố - vẫn giữ ảnh hưởng lớn trong đảng, những cải tổ bị kìm hãm với thời gian. Giai đoạn thứ hai, mang tầm quan trọng quyết định - khi Việt Nam phải thực hiện quá trình tư hữu hóa, phải tạo những điều kiện thuận lợi cho tư bản nước ngoài đầu tư vốn, và phải giảm thiểu bộ máy quan chức cộng sản đã bành trướng đến mức khó tưởng tượng nổi, cùng những tệ nạn quan liêu, hối lộ, đồi bại... - đã tỏ ra chậm trễ đến ngày hôm nay.

Một điểm đặc biệt của lịch sử: miền Nam, nơi diễn ra cuộc chiến, sau thời kỳ tan rã ban đầu, đã phát triển hơn nhiều so với miền Bắc "giải phóng". Sài Gòn, dù bị đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh", nhưng vẫn là Sài Gòn. Ở Nam, kinh tế cá thể phát triển hơn nhiều và nguồn vốn đầu tư địa phương cũng phong phú hơn nhiều so với miền Bắc. Cũng chính bởi những lý do đã khiến miền Nam, và miền ven biển phía Nam, Đông Nam Trung Quốc đã phát triển hơn miền Bắc nước này: ở cả 2 nước Trung Quốc và Việt Nam, những người di tản, tị nạn, định cư ở nước ngoài phần lớn ra đi từ miền Nam và sau khi đã tự tạo cho mình một cuộc sống ổn định, họ bắt đầu gửi tiền và đầu tư về quê hương. Cạnh đó, nhờ việc phục hồi lại "thị trường", ngày nay, ở Sài Gòn, cuộc sống sinh động hơn nhiều so với Hà Nội: Sài Gòn nhiều xe hơi, xe máy, quán xá, vũ trường, nơi giải trí... hơn Hà Nội; người ta còn bảo số gái mại dâm ở Sài Gòn cũng nhiều gấp bội so với Hà Nội. Theo những kẻ "xấu bụng", con số này đã gần bằng thời người Mỹ còn ở Việt Nam.

(HL dịch)

21/4/09

Entry for April 21, 2009

10 nhận xét




Blog yahoo dạo này chán quá. Dân tình lũ lượt bỏ đi hết rồi, "như những dòng sông nhỏ..."

Già rùi, ngại thay đổi, chả muốn đi đâu. Nhưng ở đây nay mai chắc cũng chẳng còn mấy bạn bè...

Thui, có lẽ đóng cửa, được rồi...

Mệt mỏi...

8/4/09

Quyết định không khiến ai bất ngờ...

9 nhận xét




Thế là Hội thảo về khai thác bô-xít Tây Nguyên đã "thành công tốt đẹp" với kết quả có lẽ không khiến ai bất ngờ: bảo lưu quyết định khai thác bô-xít ở Tây Nguyên đã được đưa vào thực tế từ nhiều tháng nay, bất chấp những ý kiến phản đối của giới khoa học, của các chuyên gia, các nhà văn hóa, của cả những công thần của chế độ về hiểm họa xã hội, an ninh, kinh tế và môi sinh rất nhãn tiền của dự án này.

Quyết định ấy không khiến ai bất ngờ vì ngay từ đầu, nó đã được đóng mác, là "phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ", đã được "đưa ra một cách cân nhắc" trong đủ thứ Nghị quyết này nọ, và cái chính là đối tác của phía Việt Nam là một tập đoàn Trung Quốc...

Nó cũng không khiến ai bất ngờ, vì Chính phủ đã tìm được những lãnh đạo địa phương vừa ngu xuẩn, vừa có óc thiển cận, ham cái lợi trước mắt để rắp tâm... bán nước, như vị này.

Cuối cùng, nó không khiến ai bất ngờ, vì báo chí đã được chỉ đạo trước, là nhất nhất phải "theo lề phải", chớ có "càm đèn chạy trước ô tô" ngay cả trong việc tường thuật hội thảo, đến mức một bài report bình thường, chả có gì đụng chạm, chỉ thuần túy thuật lại một số chi tiết của Hội thảo, cũng phải bị dỡ xuống vài giờ sau khi tải lên.

Chính vì được bố trí một cách hoàn hảo và bài bản như thế, quyết định ấy thật nhục nhã! Vì nó đi ngược lại lòng dân, vốn rất ít khi đồng thuận ở mức gần như tuyệt đối như trong vấn đề về bô-xít lần này.

Có chăng, một điểm son của Hội thảo, là một số chuyên gia, một số nhà khoa học đã kiên nhẫn đấu tranh đến cùng, cho dù họ cũng biết là mọi thứ đã "hóa bùn"... Xin ngả mũ trước quyết tâm ấy của họ...

(*) Ảnh minh họa: Màu xanh Tây Nguyên, còn giữ được đến bao giờ?