31/5/08

Hà Anh

158 nhận xét




1. Thế là Hà Anh "trắng tay" trong cuộc thi HHHV Việt Nam 2008, hiểu theo nghĩa không được vào Top 5, lại cũng không được bất cứ một giải phụ nào. Hà Anh còn "trắng tay" trong mắt một số người, có thể trước kia có cảm tình với cô, nhưng giờ chuyển sang "phản cảm" vì hành động bỏ vào sau cánh gà và không ra sân khấu ngay cả khi lễ trao giải được tiến hành.

Trước ngày chung kết 1 tuần, VNN đăng bài phỏng vấn Hà Anh, Hạnh Phượng thực hiện, có đoạn sau:

Hỏi: Trước khi quyết định tham gia thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hà Anh có nghĩ nếu "trắng tay" tại cuộc thi này, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến "cái giá" của một siêu mẫu đã thành công tại nước ngoài không?

Đáp: "Cái giá" là độ hiệu quả công việc và khả năng trong công việc chứ không phụ thuộc vào danh hiệu, Hà Anh nghĩ vậy! Cuộc thi sẽ cho thí sinh khả năng để tỏa sáng, và việc có thể tận dụng hết cơ hội có được để tỏa sáng cũng là một trong những yếu tố thuyết phục mọi người về "thương hiệu" của Hà Anh.

Cuộc thi HHHV Việt Nam vừa qua có cho Hà Anh "khả năng để tỏa sáng", "tận dụng hết cơ hội có được để tỏa sáng" và "thuyết phục mọi người về "thương hiệu" của Hà Anh" hay không, mỗi người đều có thể có câu trả lời cho câu hỏi này. Riêng với Hà Anh, câu trả lời có lẽ là "không", "không" và "không", với hành động "bất phục" diễn ra trong đêm 31-5 qua.

2. Hà Anh trước nay vẫn được đánh giá là người hết sức chuyên nghiệp, hết sức tỉnh táo, thực tế và tham vọng trong công việc của cô, nghề người mẫu. Đến với kỳ thì HHHV lần này, có lẽ cô cũng đã mang cách nhìn nhận ấy, ít nhất là trong những bài trả lời báo chí.

Không chỉ một lần, Hà Anh đã khẳng định, đi thi lần này, mục tiêu của cô không phải là chỉ để "chơi" và "rút kinh nghiệm", mà "mục đích duy nhất là mong mình được lựa chọn làm thí sinh đại diện cho Việt Nam ở cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008". Cũng không chỉ một lần, Hà Anh khẳng định "khi đã thi thì không thể để tinh thần xao động", nên "sẽ không để ý đến những lời đồn đại mà chỉ tập trung thể hiện sắc đẹp và khả năng của bản thân". Bởi lẽ, "sự chuyên nghiệp, kỷ luật và tận tâm với cuộc thi là những điều Hà Anh sẽ thực hiện mọi nơi, mọi lúc". Và, cũng không chỉ một lần, Hà Anh nói đến sự tự tin của mình một cách... hết sức tự tin: "tự tin vào những gì thuộc về bản thân", và "chưa bao giờ cảm thấy thua thiệt hay kém cỏi hơn các người mẫu thế giới". Và cô còn nói thêm: "Khi đã xác định bản thân mình thế nào, thế mạnh của mình là gì thì đúng như các cụ bảo vậy: "Biết người biết ta, trăm trận trăng thắng".

Không ít người cho rằng, chính sự tự tin, quan niệm chuyên nghiệp về nghề nghiệp ấy của Hà Anh, xuất hiện trên nhiều bài báo dày đặc trên báo chí Việt Nam, lại trở thành "con dao hai lưỡi", dưới con mắt nhiều người, và con mắt BGK, ở một xứ mà mọi thứ đều nghiệp dư (kể cả việc tổ chức cuộc thi này, chắp vá, lộn xộn), và ở một nơi mà cá tính mạnh mẽ, cũng như, cái tôi và sự tự tin của cá nhân lắm khi trở thành... "phản cảm" trong cái biển lờ nhờ, xam xám của những bộ đồng phục chật hẹp.

3. Cũng có người, thạo hậu trường những trò tổ chức kiểu này ở Việt Nam (khi kết quả, nhìn chung, đã được dàn xếp và biết trước theo một cơ chế nào đó, có giời biết), cho rằng Hà Anh vẫn chưa chuyên nghiệp ở chỗ cô mới chỉ "biết mình", mà chưa... "biết người" (thực tế Việt Nam, BGK...)

Có lẽ không phải. Trong bài trả lời phỏng vấn nói trên, Hà Anh cũng đả động nhè nhẹ "Hà Anh nghĩ cuộc thi HHHV Việt Nam lần này sẽ phải chọn ra người xứng đáng đại diện cho đất nước mình trong cuộc thi HHHV thế giới nên Hà Anh tin là cuộc thi sẽ công bằng". Trước đó mươi ngày, sự công bằng cũng được Hà Anh ám chỉ, trong message cô gửi từ ngày 13-5 trên Diễn đàn Hiệp hội Học sinh Hà Nội - Amsterdam (HAO), khi cô tỏ ý "rất mong ban quản lý giúp đỡ cổ động các thành viên cổ động cho HA trong cuộc thi này để giới trẻ, sinh viên chúng ta có tiếng nói hơn đối với công luận và cuộc thi", bởi lẽ, như cô nói, "điều concern đối với Hà Anh là việc liệu có một cuộc thi công bằng như ý muốn, để chọn ra một ứng cử viên xứng đáng cho Việt Nam hay không?" Sau đó, đôi ngày trước chung kết, chị Lệ Hà, mẹ Hà Anh, một người chắc hiểu rõ "các CUỘC THI ở Việt Nam, nhất là các cuộc thi sắc đẹp" (như lời chị), đã có một entry khá u ám, trong đó, những quan ngại của chị về sự công bằng của BGK được thể hiện rất rõ.

Phải chăng, sai lầm của Hà Anh là dù trong thâm tâm đã biết đến những trở lực có thể rất lớn của "ngoại cảnh", mà vẫn tạm bỏ qua nó (như một thứ đồn thổi không đáng quan tâm) mà tập trung cho cuộc thi, vẫn "ngây thơ" khi đặt lòng tin quá lớn vào khả năng, vào tri thức của mình, để tự đặt cho mình mục tiêu cao nhất, để rồi chính những điều đó lại trở thành áp lực cho cô? Để rồi, với niềm khao khát rất "chân chính" là đại diện cho Việt Nam trong cuộc thi HHHV Thế giới - mà ở những hoàn cảnh bình thường (chứ không bất thường như Việt Nam) thì Hà Anh phải là một ứng viên rất sáng giá - đã gặp phải một thực tế phũ phàng với việc cô bị loại khỏi Top 10?

4. Cử chỉ bỏ đi của Hà Anh trong đêm chung kết, không ít người đã liên tưởng đến sự thiểu bản lĩnh, thiếu chuyên nghiệp... khi ấy mới lộ rõ, để rồi suy ngược lại là, việc Hà Anh không lọt vào Top 5 là... xứng đáng!

Có lẽ để đánh giá được đúng hành động ấy, cần biết thêm những thông tin hậu trường của cuộc thi (là điều người "ngoại đạo" chỉ có thể hình dung). Một số bài viết trên báo Việt Nam không phê phán nặng cử chỉ ấy, thậm chí VNN còn nhận xét khá... nhẹ nhàng: "Ngay thái độ của thí sinh Vũ Nguyễn Hà Anh (quay ngoắt người bỏ vào cánh gà khi tên mình không được xướng lên trong danh sách 5 thí sinh thi ứng xử) cũng được gắn với chuyện bất mãn vì không khí màu xám bao phủ quanh cuộc thi, thay vì có thể khẳng định đây là hành động không đẹp".

Bất mãn, hay "trung thực với tình cảm của mình, sống thật và không giả dối" như ai đấy nhận xét, có lẽ đều đúng trong trường hợp này. Không hiểu sao, có thể liên tưởng hơi khập khiễng đến cú đánh đầu - làm tan tành sự nghiệp của chính mình, và tan tành ước mơ vô địch WC - của Zidane mấy năm trước. Có những lúc, có thể làm như vậy, và thậm chí, cần làm như vậy, điều mà - trên lý thuyết - là không nên làm...

5. Nhân vụ này, mới lần mần tìm lại một số tin, bài cũ về Hà Anh trên NCTG xưa, post lại trên trang điện tử. Trong số đó, có bài có thể coi là (một trong) những bài phỏng vấn đầu tiên về Hà Anh, trên báo chí.

Lâu lắm, không "trò chuyện" với Hà Anh. Sau năm 2006 nhiều thành công, báo chí trong nước đã liên tục "khai thác" cô, đề tài Hà Anh có lẽ đến giờ gần như đã... cạn kiệt. :) Có điều, đọc lại mấy cuộc "trao đổi" đầu với Hà Anh, vẫn có cảm giác... thinh thích vì ngay khi ấy tính cách Hà Anh đã được thể hiện rất rõ, rất tập trung, tự nhiên và mạnh bạo. Với khả năng, học vấn và tầm hiểu biết rất khá, làm phỏng vấn Hà Anh, không cần phải "nhét chữ vào miệng" (kinh nghiệm của một cô bạn ký giả trong nước, thường xuyên có bài với giới ca sĩ, người mẫu thời thượng). Hà Anh cũng không né tránh bất cứ câu hỏi nào, dễ hay khó, bình thường hay "nhạy cảm", mà luôn có được những câu trả lời tự tin, quả quyết và dễ chịu.

Tiếc là Hà Anh không có dịp "tỏa sáng" khả năng ấy của cô trong cuộc thi HHHV Việt Nam này!

6. Thực ra, vẫn biết là Việt Nam mình hay mưu mẹo, sắp đặt này nọ, nhưng có lẽ cũng không cần nghĩ ngay đến chuyện giải năm nay bị mua đâu nhỉ? Hoặc, bảo BGK "mù", "điếc" cũng không thỏa đáng, vì xét về trình độ chắc họ không thể tệ hơn những người bình thường, với "lương năng bình dân", cũng nhận ra đại loại ai đẹp, ai xấu, ai xứng đáng! :)

Kết quả hoa hậu vừa rồi, rất có thể xuất phát từ một sự đồng thuận trên dưới, trên cơ sở những định kiến ngu dốt mà người Việt (trong và ngoài nước) hay gặp phải. Hà Anh cũng không cần phải tiếc vì đã bỏ công việc, thời gian... ở Anh về dự một cuộc thi mà nhiều người nhận xét là dưới tầm của cô, để rồi phải "trắng tay". Thất bại của cô, ngẫm lại, là "tất yếu" và chứng tỏ là Việt Nam vẫn là... Việt Nam :)

Chỉ ái ngại cho tân hoa hậu kiêm ca sĩ, làm sao trong trong vòng 2 tuần có đủ lực để "sánh vai với các cường quốc 5 châu", khi bản thân cô cũng thật thà thừa nhận: “Thùy Trang lâu nay chỉ có kỹ năng ca hát, nên kinh nghiệm sống, trí tuệ, kể cả ngoại ngữ cũng phải được trau dồi trong cuộc sống, đó là cả một quá trình dài, chứ không thể nhồi nhét được”.

7. Khi nãy định viết cái gì kiểu... kích động cho Minh ném đá :), nhưng nghĩ lại, ai lại thế :). Vả lại, cún phá liên hồi, không làm sao viết kích động được.

Nên, entry nghiêm túc này chỉ để Hà Anh thấy, mọi thứ đều... ổn, ở nước ta: cho dù khán giả có thể bất ngờ thì kết quả lại không hề bất ngờ với giới báo chí, thạo tin.

Thế là tốt, ổn định :)

(*) Ảnh chụp đầu năm 2007.

30/5/08

Ăn cắp bài vở

3 nhận xét

Mới đọc cái này ở blog của myselfvn:

Báo in bài ăn cắp là điều rất... thường ngày ở huyện của báo chí Việt Nam, và báo chí Việt Nam ngoài này thì cũng vậy thôi. Thành ra, chuyện "đồng nghiệp nước ngoài buột có một nhận xét khinh thị về báo chí nước nhà" là điều rất dễ hiểu và nên vui vẻ chấp nhận ;)

Ăn cắp trên báo chí ta dĩ nhiên cũng có nhiều mức độ:

- Cọp nguyên xi bài của người khác, đề tên mình,

- Lấy bài người khác, sửa đi dăm ba câu, đề tên mình (lịch sự tí nữa thì đề nguồn, kiểu "ABC, theo XYZ" - đây thực chất cũng vẫn là ăn trộm).

- Lấy nguyên văn bài người khác, nhưng tuyệt nhiên không đề nguồn.

- Lấy ý tưởng người khác (loại trộm này được coi là quá lịch sự, khiến "ý tưởng nhớn" trên báo Việt ngữ cứ gọi là gặp nhau thường xuyên, chan chát... ;))

Đấy là chuyện ta ăn cắp của ta. Còn ta ăn cắp của Tây thì ngoài 4 trường hợp cơ bản trên, còn có 1 trường hợp nữa mà từ 1 thế kỷ nay, vẫn được chấp nhận rất vui vẻ, ấy là (lược, phỏng, phóng...) dịch bài của ông Ốp, ông Ép nào đó, rồi ký tên mình (dĩ nhiên không hề nêu nguồn, cho dù chỉ là một câu rất cụt lủn "Theo Anh Mít", "Theo Chị Xoài...", nhưng để chứng tỏ mình còn chút lương tâm!) Cái này, đặc biệt ứng nghiệm trong giới "hàn lâm", nghiên cứu, vì hiếm hoi mới thấy một "công trình" của Việt Nam mà lại không do cọp của nước ngoái :((

Chán nhỉ?

29/5/08

Đàn ông - phái yếu!

42 nhận xét



Bài này trên "Pháp luật TP HCM" hay, cấp thời, phù hợp yêu cầu của bác nào hôm trước nhỉ, là cần có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ đàn ông trước sự bạo hành (cả tinh thần và thể xác) của phụ nữ.

Biết rồi, Nghị định Chính phủ hôm nọ, đã có tình tiết phạt tiền vợ nếu chửi chồng, nhưng cũng cần quy định chặt chẽ hơn nữa những trường hợp phải "chế tài" phụ nữ, khi quá trớn với đàn ông nói chung, và nạn bạo hành đối với đàn ông trong gia đình, nói riêng. Phụ nữ bị đụng chạm, có ngay đoàn thể phụ nữ, dân phố... can thiệp - hoặc... không can thiệp, nhưng tin sẽ được lan truyền, đồn thổi ngay, có thể cũng khiến kẻ vũ phu ít nhiều chờn tay ;) -, nhưng đàn ông bị bạo hành, tìm đến ai? ;)

Tít bài viết thật thà, hơi buồn cười và lê thê - "Vô khối anh là nạn nhân bạo lực của vợ, nhưng biết kêu ai?" -, nhưng giá trị là một số một số hành vi bạo ngược của phụ nữ đã được liệt kê, có lẽ cần bổ sung vào Nghị định. Tỉ dụ:

- Mặt nặng mày nhẹ, nhiếc móc khả năng kiếm tiền của chồng, nói xấu về khả năng làm trụ cột gia đình của chồng, "cấm vận" tình dục, kiểm soát các cuộc điện thoại, các mối quan hệ, lục lọi ví tiền, nói xấu và lôi kéo con cái chống lại chồng, coi thường chồng, ghen tuông vô lối...
- Đánh, tát, ném đồ vật vào chồng...
- Dọa "xẻo" chồng, nếu phát hiện thấy dấu hiệu... không chung thủy...
- Thói nanh nọc, ác khẩu, coi thường lấn át chồng, thấy chồng hiền thì "xỏ chân lỗ mũi", được đằng chân, lân đằng đầu...
- Nói móc, nói mỉa kiểu: "Nhìn chồng người ta mà thèm", "anh là đồ bất tài vô dụng, có giỏi kiếm tiền nhiều về đây, sai bảo gì tôi cũng... chiều", "loại bố như anh, có cũng như không"...

Câu kết để các bác bình loạn đúng, sai nhỉ: "Những anh chồng bị vợ hành hạ thường là những anh cán bộ, công chức, trí thức, có "chút sĩ" trong người, nên muốn cho êm cửa êm nhà, đành thực hiện phương châm "tránh voi chẳng xấu mặt nào". Họ đành mang tiếng sợ vợ. Nhưng các bà vợ lại được thể lấn át chồng. Ngoài ra, việc cậy của, cậy con, ỉ thế chồng... cũng là những nguyên nhân khiến những người chồng bị vợ hành hạ".

Nói chung, còn cần nỗ lực nhiều để đàn ông được "bình đẳng giới" với phụ nữ trong khoản này ;)

Sẽ bổ sung thêm mấy ý về vụ này...

Bổ sung: Tào lao tí. Vừa đọc lại danh mục những hình thức bạo hành thường gặp của phụ nữ (ở trên), có một hình thức có lẽ vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất. Mà đấy không phải nhân quyền... tư bản đế quốc đâu nhá, mà là thứ quyền con người căn bản nhất, mang tính tự thânphổ quát, mà cụ Hồ củng nhắc đến trong "Tuyên ngôn Độc lập" và các cụ khác đều nhất trí trong các tuyên ngôn, kháng thư, bạch thư, hắc thư... khác: quyền mưu cầu hạnh phúc.

Đố ai cả nhà biết, hình thức bạo hành nào mà dữ dội vậy? ;)

Bonus thêm cái này, tin VNE nhưng có thể tin được (?)

(*) Ảnh minh họa chổm của Hung.

26/5/08

Giai Tây

73 nhận xét





Bài này đã cũ, hình như hồi đấy các cô người đẹp từng bị "ném đá" vì một số phát biểu hơi nhạy cảm về đàn ông Việt, kiểu "những người đàn ông Việt vồ vập", "đàn ông nước ngoài họ lãng mạn hơn ta, họ quan tâm đến tinh thần và cảm nhận của người đàn bà họ yêu", "đàn ông Việt không tự tin", v.v... Đặc biệt, tự nhiên bạn Marie Sến giật cái tít ghê quá - "Đàn ông Việt "kém tắm", siêu mẫu nữ lấy chồng Tây?" -, chả hiểu phải... hiểu ra sao về tựa đề ấy (để còn biết mà... sửa chữa ;)).

Tất nhiên, các cô chân dài, VIP... thì có quyền nói tung tóe, kệ họ, không cần quan tâm nhiều (nếu mình không đồng tình với họ). Vả lại, vị thế của họ khi lấy chồng Tây, hẳn là hơn của các cô gái (phụ nữ) Việt Nam xa quê, gặp muôn vàn khó khăn, như bác Thọ tả trong bài viết sắp đăng "báo ta" nay mai.

Bài của bác Thọ có đoạn sau đáng chú ý, để cả nhà mổ xẻ nhé: "Nói chung, gái lấy chồng giai Tây đều nhận ra, đại đa số họ, giai Tây tôn trọng người đàn bà. Đúng là cái giống Tây nó không bao giờ đánh vợ bằng một nhành hoa. Loại ấy tốt hơn cả thánh. Nhiều khi cưu mang cả đàn con riêng của vợ dù đông tới nửa tiểu đội. Nhưng vô phúc mà gặp giai Tây diện “chập”, hay dở hơi, hoặc bệnh hoạn thì ngang gặp quỷ sứ đội lốt người. Nhưng bất luận thế nào, có trí thức mấy, lấy Tây, lại quá lơ ngơ về tri thức xứ sở họ, tiếng Đức lại quá kém, càng dễ đổ vỡ, thất vọng hơn; đau khổ hơn cả những người đàn bà kém về trí thức, nhưng chăm học tiếng Đức và, lấy câu "Chín bỏ làm mười" thì đỡ khổ. Gái có trí thức, bằng cấp mà quên đi câu "Một điều nhịn là chín điều lành" thì cũng dễ nản lắm. Bởi vì khó khăn lớn nhất với việc gái Việt lấy giai Tây là sự xa cách quá xa, khác biệt về Văn hóa Đông và Tây khi mà xứ sở này, tính độc lập, lòng tự trọng của con người ta, là một phẩm cách không thể thiếu được…"

;)

Ghi chú: Mà entry này không nhằm... phân biệt đối xử, kỳ thị chủng tộc, tung hô giai nọ, bài xích giai kia đâu nhá. Giai nào cũng có cái hay và cũng có cái dở, nói theo kiểu sư bảo phải, sãi cũng bảo phải. Còn 1001 lý do để yêu (lấy) giai Tây thì có hồi đã được chị em mổ xẻ ở đây rồi, cũng không phải hoàn toàn vô lý đâu.

Chỉ là nhằm bàn bạc, "gạn đục khơi trong" những cái được của giai Tây, để giai Việt Nam học tập và hoàn thiện mình ;)

(*) Minh họa (thuổng của Tây): giai Tây thật đẹp, ga-lăng, lại tâm lý là là... ;)

25/5/08

Cóc cụ

17 nhận xét



Ảnh chụp cún trước khi tắm, chưa nude hoàn toàn nên mới dám bốt ;)

Từ hai hôm nay, cún đã được mẹ và chị Thu Vân bón cho ăn chuối. Thoạt đầu thì nghiền nát, nhưng bữa nay Thu Vân lấy thìa nạo cho ăn "thô" thôi.

24/5/08

Tzigane

6 nhận xét



Bố cún đến giờ mới để ý sự khác nhau giữa hai khái niệm dân tộc thiểu sốsắc tộc thiểu số, nhân vụ hai ngôn ngữ của sắc dân Tzigane (cách gọi khác là Rom, hay Gypsy) sẽ được sử dụng chính thức trong các cơ quan, công sở giáo dục, văn hóa, xã hội, hành chính và tư pháp của Hungary, theo một dự luật sắp được thông qua ở xứ này.

Dân tộc thiểu số, tức là dân gốc ngoại quốc, ví dụ cộng đồng Slovakia hay Bulgaria tại Hung; những người này có "nước mẹ" của họ. Còn dân Tzigane (có chừng 800 ngàn người, trên tổng số khoảng 10 triệu dân Hung) thì không có "nước mẹ", nên là sắc tộc thiểu số.

Điều kiện để một nhóm dân được công nhận là dân tộc hay sắc tộc thiểu số tại Hungary, là họ phải có những đại diện sinh sống ở Hung ít nhất là 100 năm. (Bố cún cứ mơ ngày dân Việt được thừa nhận như thế, để có thể... chửi bọn Hung bằng tiếng Việt ;)

*

Từ 15 năm nay, khi Hungary phê chuẩn Luật về quyền của các dân tộc và sắc tộc thiểu số, 12 cộng đồng dân tộc thiểu số (Ba Lan, Đức, Croatia, Romania...) tại Hung đã có thể dùng ngôn ngữ riêng của họ trong các giao dịch hành chính với chính quyền. Bây giờ, đến lượt sắc tộc Tzigane sắp được quyền này.

Mặc dù, người Tzigane tại Hung, hoặc là... đã không còn nói được tiếng Tzigane (đa số thuộc về trường hợp này), hoặc thạo cả tiếng Hung lẫn tiếng Tzigane và trước nay, họ chỉ dùng tiếng Tzigane trong gia đình, hay khi nói về những chuyện... tâm tình, cá nhân, còn ngoài xã hội thì vẫn nói tiếng Hung. Vậy, nhà nước Hung sao tự nhiên lại... ngu vậy: chả ai đòi hỏi, mà sửa luật làm chi để phải xì thêm tiền (50 triệu Ft hàng năm) và rách việc thêm (phải tuyển nhân viên thạo ngôn ngữ Tzigane trong các công sở, để "tiếp dân")?

Câu trả lời của chính quyền Hungary là: việc đưa ngôn ngữ Tzigane vào sử dụng chính thức trong cơ quan, công sử hành chính và văn hóa sẽ tạo điều kiện để những chuyên gia người Tzigane, hoặc thông thạo tiếng Tzigane có thêm công ăn việc làm, cũng như, để gia tăng sự hội nhập của người Tzigane vào xã hội Hungary. Mặt khác, nó cũng nhằm đảm bảo sự bình đẳng về văn hóa, chính trị và bản sắc giữa các dân tộc, các sắc dân; đặc biệt, về mặt "tình cảm", người gốc Tzigane, khi có việc lên "cửa quan", sẽ cảm thấy tự tin hơn với "bản thể" của mình.

Chuyện nhỏ xíu của một nước yếu rệu rã, nhưng cũng cho thấy là, bằng thiện tâm và sự khéo léo trong cư xử, có thể tránh được nhiều vấn đề hóc búa về dân tộc, chủng tộc...

(Cơ mà, Việt Nam mình có dăm sáu chục dân tộc, mà cứ... tự do chủ nghĩa thế này thì cũng khổ cho chính quyền nhỉ? ;)

(*) Ảnh: "Người Tzigane trẻ" của William-Adolphe Bouguereau (1825-1905)

21/5/08

Chuyện mở rộng Hà Nội

9 nhận xét

Đọc cái này mà tức anh ách!

Vẫn biết là Quốc hội ta chả có mấy thực quyền, vẫn biết là trước kỳ họp Quốc hội chiều 22-5 về vụ mở rộng Hà Nội, truyền thông có được "điều chỉnh" để người dân nghĩ rằng mở rộng là... sự đã rồi, đã được "định hướng", giờ chỉ việc... bỏ phiếu thông qua thôi, lần này không được thì lần sau, chỉ là vấn đề thời gian... Cơ mà, vẫn thấy cái thái độ trịch thượng của mấy thành viên chính phủ - như ông bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân trong bài này - là đáng phẫn nộ.

Chính phủ muốn "xác định", "định hướng" thế nào là việc của chính phủ. Muốn được Quốc hội - danh chính ngôn thuận là thay mặt dân, làm theo lời "dân biểu" (bảo) - chấp thuận, phải giải trình trước dân và các đại biểu Quốc hội một cách lễ độ, từ tốn. Trước những vấn đề được đặt ra và người dân tỏ ý thắc mắc, không thể có kiểu nói khơi khơi "đây là vấn đề đã được xác định từ trước và Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị cũng như Pháp lệnh thủ đô cũng đã nói rõ vấn đề này", như ông Quân "dọa dẫm" trong bài này.

So sánh tất nhiên là khập khiễng, nhưng coi cái này, thì thấy chính phủ bên này họ... khổ thế, lụy thế trước Quốc hội, mà chính phủ ta thì sướng tểnh tềnh tênh :) Có lẽ do... đặc thù từng đất nước, nhỉ?

À, mà các bài report trên báo, hay phải có câu kết "trung dung", đại loại "đa số đại biểu đồng tình về chủ trương mở rộng, nhưng đề nghị Chính phủ cân nhắc lộ trình, giới hạn cũng như giải quyết các vấn đề xã hội khi mở rộng". Không rõ là các đại biểu có ý phản đối chủ trương mở rộng có dám nói ra không, hay sợ... vi phạm "chủ trương", "định hướng" của "Đảng và Nhà nước" :)

Đọc báo

4 nhận xét



1. Dăm bữa nay báo "chính thống" im bặt về vụ bắt ký giả, nhưng "báo công dân" (blog) thì vẫn rất sôi nổi. Đặc biệt, đã diễn ra những cuộc tranh luận nảy lửa giữa các cá nhân, các nhóm có quan điểm (ít nhiều) khác nhau trước sự việc này.

Tất nhiên, việc bắt bớ có khía cạnh phức tạp, "hậu trường" của nó (như ý bác Osin ngay trong entry đầu tiên), nhưng có lẽ, trong hoàn cảnh này, mình nên tập trung bảo vệ, bênh vực hai ký giả bị bắt nếu họ không có tội. Còn nếu họ có sai trái gì đó, thì sai đến đâu xử đến đấy, theo đúng pháp luật.

Còn những lý luận kiểu "báo chí Việt Nam cũng lắm bê bối lắm cơ", "truyền thông Việt Nam bị thao túng", v.v... có thể đúng, có thể sai, nhưng là chuyện nên để khi khác nói, và không ăn nhập gì đến vụ bắt hai nhà báo lần nay. Như thế cho nó rõ ràng nhỉ?

(Có người hỏi nên tiện đây, nêu "quan điểm" cái ;))

2. Xưa nay chưa thấy ai gọi "cố chủ tịch Hồ Chí Minh", thì lần này thấy ở bài này.

Minh và các chuyên gia ngôn ngữ cho ý kiến về nội dung và cách dùng chữ "cố" cho hợp lý nhé ;)

3. Nga miễn thị thực nhập cảnh các cổ động viên Anh đã có trong tay vé trận chung kết CL. Dễ hiểu vậy, mà báo Việt Nam lại dịch là "miễn hộ chiếu" ;)

Đi lại nước này qua nước nọ mà "miễn hộ chiếu" (sử dụng căn cước) là điều tương đối hiếm trên "trường quốc tế"; Nga với Anh thì chưa thể thế được, cho dù Medvedev mới lên ngôi và ông chủ Chelsea là người Nga ;)

(*) Ảnh minh họa chôm của AFP: Edwin van der Sar!

"Tình yêu" của Diễm My

73 nhận xét



Bài phỏng vấn nữ tài tử ảnh lịch thời xưa, không có gì hay ho. Tuy nhiên, câu này được, nghe "đã":

Hỏi: Ông xã chị có tạo cho chị niềm vui gì “khác người” không?

Đáp: Diễm My không thích hoa hồng và socola. Vì hoa hồng thì lắm gai, ăn socola thì nổi nhiều mụn. Mình chỉ thích hoa lan. Và một điều làm Diễm My thích thú nhất vẫn là: Tự nhiên có một khoản tiền xuất hiện trong tài khoản của Diễm My để “tự tung tự tác” với mọi ý thích của mình. Đó là “tình yêu” của ông xã dành tặng mỗi khi có dịp gì đặc biệt hoặc chỉ để lấy lòng vợ.

Ôi, "tình yêu" hay thế! Có ai không thích một "tình yêu" như thế không?

Rinat Dasayev

13 nhận xét



Ôi, bao năm mới thấy lại "Lá chắn thép" Rinat Dasayev lúc chàng bưng cái Cup CL ra sân Luzhniki ở Moscow! Tự nhiên nhớ lại hàng rừng kỷ niệm thời "bao cấp" khốn khổ, khi Việt Nam vừa dụng được "trạm vệ tinh mặt đất Hoa Sen" để truyền các trận bóng đá (Liên Xô là chủ yếu).

Thời ấy, khái niệm "bóng đá quốc tế" nói chung trùng với bóng đá Xô-viết, với bộ ba Dynamo Kiev - Spartak Moscow - Dynamo Tbilisi và những tên tuổi như Dasaev, Sulakvelidze, Kipiani, Chivadze, Demianenko, Bessonov, Gavrilov, Shengelia, Blokhin...

Trong số ấy, Dasayev có lẽ là tay đẹp trai nhất, người Tatar mà, nét rất đàn ông mà vẫn... thư sinh, điển! Thời hoàng kim, có lẽ chàng không thua gì Deanov trong "Trên từng cây số" của Bảo Gia Lợi là mấy...

(*) Nhân tán phét với T'A hôm qua, nhớ lại thời cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, Việt Nam mình thỉnh thoảng có truyền trực tiếp các trận của Liên Xô (hoặc các CLB Liên Xô được đi đá quốc tế, như Dynamo Tbilisi, dạo đó đá khá hay, hồi 1981 còn đoạt C2). Nhưng không lần nào là không có cái text "Nếu không có gì thay đổi và điều kiện kỹ thuật cho phép, chúng tôi sẽ truyền trực tiếp..."

Vấn đề ở đây là, làm sao biết được "có gì thay đổi", và "điều kiện kỹ thuật" có cho phép hay không; cái đó nhà TV không bao giờ thông báo. Cho nên, có vài lần, thức chong chong đến 2-3 giờ sáng (ở nhà dạo ấy, thiếu pờ-rô-tít mà thức được như thế là kinh lắm!), vẫn thấy màn hình trống không với cái text như thế ;)

20/5/08

Tư thế

4 nhận xét



Tư thế khoái tỉ nhất của cún hiện tại là nằm ngửa, chống bốn vó lên trời, rồi cứ thế quẫy chân tay và đưa chân lên miệng, sau đó ê a và cười có vẻ rất thú vị. Buổi sáng, khi cún dậy là bắt đầu ngay trò này.

Dạo này, chị Thu Vân lại thích sang ngủ cùng mẹ và cún, nên mỗi sáng luôn bị cún đạp và thụi túi bụi; nhưng chị yêu cún lắm nên chỉ nhẹ nhàng gạt ra, chứ không kêu ca gì.

Cún cũng đã biết thêm trò trùm chăn và ú òa khi thấy bố hay mẹ vào phòng.

19/5/08

Tin hay

41 nhận xét




Tin này hay và quan trọng, cấp thời, nên phải copy trọn gói ở đây (phá lệ blog của bố cún là các en-tờ-ri đều là "của riêng").

Nhận xét nhỏ:

- VNE giật tít hay thật. Cho nên, bài về một đề tài dài dòng, nghiêm túc, có thể khô khan, là "dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình và Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều về Luật phòng chống bạo lực gia đình", được tóm gọn ở một điểm... điển hình và bình dân: "Ép vợ xem phim 'phòng the' sẽ bị phạt" ;)

- Nghị định này quả là cặn kẽ, chi tiết (đến mức gây cười), có lẽ để tiện khi áp dụng? Không lờ mờ như vụ bắt mấy ký giả ;)

- Đọc kỹ Nghị định thì thấy, nói chung, rất hiếm ai sẽ không bị phạt, nếu theo "tinh thần pháp luật" ;)

(Mở ngoặc: Entry này có phần bắt chước của myselfvn, hy vọng sẽ được sự chú ý tương tự của... công luận ;))

(*) Minh họa: Cảnh "phòng the" tràn lan của thanh niên Hungary ;)

*

Ép vợ xem phim 'phòng the' sẽ bị phạt

Với việc luật hóa "quan hệ vợ chồng", hành vi ép buộc vợ hoặc chồng phải xem, nghe, đọc những văn hóa phẩm đồi trụy; sử dụng thuốc kích dục; cởi bỏ quần áo trước mặt nhiều người; hay theo dõi vì lý do ghen tuông... đều sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc hành chính.

Đó là nội dung dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình và Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều về Luật phòng chống bạo lực gia đình đang được Chính phủ lấy ý kiến đóng góp.

Theo đó, các hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên trong gia đình gây tổn hại về sức khỏe, tổn thương tinh thần sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Trường hợp nặng hơn như bắt người thân nhịn ăn, nhịn uống, chịu rét, mặc rách, giam hãm tại nơi có môi trường độc hại, mức phạt 300.000 đến 500.000 đồng.

Việc chăm sóc của chồng đối với vợ nếu không chu đáo cũng có thể bị phạt 500.000 đồng. Đó là hành vi bỏ mặc phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ... Quy định này mở rộng ra cả với các thành viên gia đình nếu không chăm sóc người già yếu, tàn tật.

Đặc biệt, trong quan hệ "phòng the" của vợ chồng, nếu người phụ nữ bị cưỡng ép thực hiện các hành vi khiêu dâm, xem hình ảnh sex ngoài ý muốn; hay phải chứng kiến cảnh sinh hoạt tình dục của chồng với người khác thì người chồng sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đến 1 triệu đồng.

Hành vi ép vợ sử dụng thuốc kích dục, sử dụng bạo lực trong sinh hoạt "giường chiếu" hay người vợ bị ép phải sống chung, ngủ chung với người tình của chồng hoặc ngược lại cũng sẽ bị xử lý như trên.

* Chửi chồng sẽ bị phạt 300.000 đồng

Dự thảo cũng quy định khá chi tiết về hành vi "hành hạ tinh thần" với thành viên gia đình. Theo đó, việc lăng mạ, chửi bới, chì chiết sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Nếu tiết lộ hoặc phát tán tư liệu thuộc bí mật đời tư nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hay cưỡng ép thành viên gia đình lột bỏ quần áo trước mặt nhiều người hoặc tại nơi công cộng, mức phạt tiền tăng thêm 200.000 đồng.

Việc cô lập cấm ra khỏi nhà, tiếp xúc với người thân, mối quan hệ xã hội; không cho xem tivi, đọc sách báo, tiếp cận với phương tiện truyền thông... bị phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Trong gia đình, người nào kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của gia đình hoặc tài chính chung nhằm tạo sự lệ thuộc của người khác vào mình; hay bắt đóng góp tài chính vượt quá khả năng.... cũng coi là "hành vi bạo lực về kinh tế". Mức phạt tối đa 5 triệu đồng, thấp nhất 300.000 đồng. Trường hợp bố mẹ hay những người khác ép buộc thành viên trong gia đình đi ăn xin cũng bị xử lý như trên.

Khoản tiền phạt 500.000 đến 1 triệu đồng được áp dụng với người thường xuyên đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên trong gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp vào ban đêm hoặc lúc trời mưa báo, gió, rét; hay gây sức ép để buộc họ phải rời khỏi nhà.

Nghị định không chỉ quy định mức xử lý với người có hành vi bạo hành mà cả người xúi giục, giúp sức cũng bị đề nghị xử lý. Mức xử lý trong trường hợp này là 300.000 đến 500.000 đồng.

* Chồng bạo hành bị cấm đến gần vợ trong 30 mét

Nạn nhân bị bạo lực gia đình có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho mình. Họ sau đó còn được bố trí nơi tạm lánh, và địa điểm này được giữ bí mật. Thẩm quyền xử phạt hành chính với người vi phạm thuộc về chính quyền xã, huyện; công an hoặc trưởng công an xã, huyện; thanh tra viên hay chánh thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao, du lịch các cấp...

Tùy theo vi phạm, chủ tịch UBND xã có thể ra quyết định cấm người có hành vi bạo lực đến gần nạn nhân trong khoảng cách 30 m. Trường hợp giữa hai người có sự ngăn cách về tường rào hoặc vật có tính chất thương tự ngăn cách và đủ đảm bảo an toàn cho nạn nhân thì không áp dụng quy định về khoảng cách.

Biện pháp này sẽ được "dỡ bỏ" khi có đơn yêu cầu của nạn nhân, người ra quyết định thấy không cần thiết phải áp dụng... hoặc khi gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi; có người bị tai nạn, bệnh nặng; hay các trường hợp khác mà phải tiếp xúc theo phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.

Theo Luật phòng chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua, ngày 21/11/2007, trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp là cán bộ công chức thì bị thông báo hành vi cho người đứng đầu cơ quan để giáo dục.

Hoàng Khuê

Bạn Minh (1)

13 nhận xét



Những người tên Minh thường giỏi, ví dụ (cụ) Hồ Chí Minh, tướng Minh (nhớn), hay... Nhật Minh (cún, hy vọng thế ;)). Dĩ nhiên, Minh (bạn Hana) cũng không ngoại lệ. Nhất là bạn lại sinh trùng ngày với một danh nhân văn hóa Việt Nam :)

Sinh nhật bạn Minh năm nay, đã có quà mừng là "nến cháy mãi không tàn" các kiểu, nên (loạt) entry này chỉ nhằm kể lại mối "giao tình" (chữ của Nguyễn Ngọc Ngạn trong một show Paris by Night nào đó, thời cổ) với bạn Minh ;)

Số là, đâu khoảng hè 2001, thì ngẫu nhiên bố cún làm quen được với bạn Thảo Nguyên, cũng là cây văn thơ cự phách. Sau mới hay rằng, Thảo Nguyên là bạn nối... váy với Minh ;)

Khỏi phải nói thì ai cũng biết rằng, bố cún, sau màn làm quen là đến màn... vòi bài vở. Bài (văn, thơ) thì Thảo Nguyên không thiếu, vì chuyện mỗi ngày, nếu thích, làm dăm bảy bài thơ, vài chục trang văn xuôi không là gì với bạn ấy. Ngặt một điều, báo cộng đồng, thơ phải đăng hạn chế ("mỗi bài thơ làm giảm 50% lượng độc giả", có lần bố cún phải thông báo như thế với một nhà thơ cộng đồng bên này ;)), mà văn lai láng quá, bài ngắn nhất cũng... mươi trang báo, thì quả là khó xài! Phàn nàn với Thảo Nguyên, thì đương sự điềm nhiên đáp rằng, "em làm gì có thời gian mà viết ngắn cho anh?"

Câu nói ấy hoàn toàn đúng, ở chỗ, Thảo Nguyên phàm đã ngồi vào máy thì phải viết theo hứng một mạch vài ba trang mới hết cái... ý đầu, rồi đến các ý sau nữa. Tệ hại ở chỗ, viết kiểu ấy, rất hay, nhưng bố cún chịu, không làm sao cắt xén được, cho nó vừa khuôn khổ phần văn gừng của tờ báo. Mà có lẽ, phải nhốt Thảo Nguyên lại, không cho chạy nhảy đâu, mới hy vọng có được một bài văn xuôi độ hai ba ngàn chữ (là điều hình như chưa thấy bao giờ!) ;)

Không biết có phải vì ay náy chuyện không tài nào viết ngắn được hay không, nhưng một bữa, Thảo Nguyên nảy ra ý "giới thiệu cho anh một cô bạn của em, nó viết tài gấp vạn em, đủ thể loại". Và, "nếu anh ngại thì để em xin luôn một bài của nó, cho anh".

Khi ấy là đúng lúc bố cún "tổ chức bài vở" (nói cho oách) số báo "thôi nôi" (12-12-2002). Chả còn thời gian nữa nên bố cún nhờ Thảo Nguyên chọn luôn cho một bài, với lời hứa là sẽ i-meo hỏi han, xin phép, trấn an... tác giả đúng lệ bộ của nó, và khi in rồi thì gửi báo cho tác giả.

Ấy là lần đầu tiên Minh xuất hiện trên báo (giấy), có minh họa hẳn hoi. Tên tác giả được/bị đánh nhầm là Nguyễn Thúy Minh ;). Truyện ngắn này của Minh, cũng như các trước tác về sau trên báo, dĩ nhiên theo khuynh hướng bi quan, bế tắc, thảm... rất đặc trưng, đã được nhắc đến ở đây.

Nói thêm là trước đó, thư hỏi han của bố cún được Minh trả lời một cách rất... ngoại giao, "anh", "tôi" đường hoàng, cứng cỏi, ra dáng một tính cách oanh liệt. Báo biếu được gửi đi ngay (nhưng rồi về sau mới biết, nhà bốt nó không chuyển đến tay tác giả).

Vạn sự như thế khởi đầu khá thuận lợi, nhưng rồi bố cún - sau khi đọc Minh trên forum vn2k - thấy tác giả rất uyên bác nhiều mặt, có điều tính tình bôn-sê-vích quá; thầm nghĩ tính mình bắng nhắng, tự do chủ nghĩa, phát ngôn tùy tiện, nhỡ có gì trái chủ trương, đường lối... nên về sau cũng không dám liên lạc nữa...

(Mở ngoặc tiết lộ thêm một bí mật: Thảo Nguyên, khi nhận được tờ báo "thôi nôi", bố cún làm... mửa mật, thì nhận xét một câu rất búa bổ: "Số này thực ra có độc bài cái Minh là xem được!" Bố cún lúc ấy bực tái mặt, nhưng xem lại thì thấy đúng thật ;))

(Còn tiếp, nếu có ai có nhu cầu ;))

(*) Dầu sao, vẫn phải bonus một bài nhân sinh nhật Cụ Hồ:

"Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó" (Nguyễn Tài Tuệ) - Đoàn Nghệ thuật Giai điệu Việt Nam

16/5/08

Nhân quyền

4 nhận xét



Sau chuyến công du của ngoại trưởng Göncz Kinga, đến lượt tổng thống Hungary Sólyom László đang thăm Việt Nam.

Vị GS TS Luật này là yếu nhân thời thay đổi thể chế tại Hung, chánh án Tòa án Hiến pháp Hungary thời kỳ 1990-2000. Về công trạng, ông ấy tự hào về hai thành tích chói lọi liên quan đến các đạo luật bồi thường các nạn nhân của thế chế cộng sản & phát-xít và xóa án tử hình tại Hung (đầu thập niên 90 thế kỷ trước).

Báo Hung đưa nhiều tin về chuyến thăm Việt Nam của Sólyom László. Hãng Thông tấn Hungary MTI loan một tin đáng chú ý: trong cuộc hội đàm với bác Triết, tổng thống Hung có đưa ra câu hỏi về nhân quyền và bác Triết "đã tiếp nhận câu hỏi đó một cách tích cực", "rất cởi mở trở lại vấn đề này"; bác Triết còn nói rằng "thực hiện đối thoại cũng là lợi ích của chúng tôi". Tuy nhiên, khi ông Sólyom đặt ra câu hỏi này với bác Mạnh, thì bác Mạnh đã không trả lời ;)

Ghi chú: Sólyom, tiếng Hung là chim ưng.

(*) Ảnh của Văn phòng Tổng thống Hungary.

Thu Vân 9 tuổi

7 nhận xét




Ảnh chụp tối hôm qua, Thu Vân đang cắt bánh ga-tô. Bố thì bế cún và tủm tỉm thường trực đến méo cả mặt để chờ mẹ ngắm nghía, chỉ sợ làm hỏng "ngoại cảnh" và nhân vật chính ;)

Hôm qua thật là một ngày kinh hoàng! Bố bận viết và làm báo, đến chiều mới xong, hớt hải như chạy giặc nên mình mẹ tổ chức hết phần sinh nhật cho Thu Vân. Chiều, thi xong Thanh nhạc, Thu Vân lại còn phải đi học piano bù hôm trước nghỉ, nên cũng gần 6 giờ mới về nhà. Cả nhà lục tục kéo nhau đi ăn uống để Thu Vân thấy không khí... lễ lạt, sau đó về nhà mới có màn quà cáp và bánh trái. Thu Vân có vẻ bất ngờ và cảm động lắm.

Thu Vân lẽ ra cũng mừng sinh nhật với các bạn ở trường nữa, mẹ đã dậy sớm đi mua kẹo, bánh, nước nôi rồi bố mang tới trường; nhưng rồi cô giáo không sắp xếp được thời gian nên tạm hoãn đến thứ Hai tuần sau.

*

Lâu lắm mới đọc lại những dòng bố viết cho Thu Vân ngày xưa, thì mới thấy, dạo mấy tháng Thu Vân cũng quậy lắm, có yên đâu. Ấy vậy mà trong mắt bố mẹ và mọi người thì Thu Vân luôn là mẫu mực! (Chỉ cún là hay quấy và nghịch thôi :)). Đúng là thời gian có thể... bóp méo nhiều thứ ;)

Ví dụ đoạn này, hồi Thu Vân hơn 3 tháng:

"Thứ Tư ngày 29-9-1999,

Bây giờ là gần 6 giờ chiều. Bố vừa làm một nồi xúp khoai, cà rốt rất ngon và vào làm việc tiếp. Mẹ con cũng vừa đi pha chè cho con. Bố nảy ra ý phải viết cho con ngay, vì một số sự kiện như sau:

- một tuần nay, con đã lẫy thành thạo và rất hùng hổ. Thoạt đầu, con phải rất cố gắng và những khi lẫy chưa được, con hò hét rất ghê để lấy khí thế. Nhưng bây giờ thì cứ đặt con nằm ngửa một tí là con đã lẫy điên loạn, và nếu lật con nằm ngửa lại thì con phản đối một cách rất đanh đá. Tuy nhiên, con mới biết lẫy một phía (từ phải sang trái) và chưa tự quay lại được.

- chiều nay, con đã bắt đầu có ý bò. Con chổng mông và tìm cách trượt trên giường.

- mẹ đã cho con ăn chuối, khoai tây nấu với táo, cà chua... được vài ngày nay và con ăn rất ngon lành. Lúc đầu, các bác sĩ khuyên là nên cho con ăn thử một chút, nếu thấy con có ý không thích thì thôi, hoặc cùng lắm cũng chỉ nên cho 2-5 thìa là tốt lắm rồi. Tuy nhiên, con ăn được nhiều và không có ý kiến gì cả.

Bố mẹ quan sát con ăn và nhận xét rằng con cũng dễ ăn, không kén chọn. Như vậy, con sẽ khỏe mạnh và cứng cáp, và bố mẹ cũng dễ nuôi con hơn. :-))

- tuy nhiên, dạo này con có trò rất du côn là ăn một tí rồi ngừng lại và chơi bời, thậm chí nói chuyện ê a rất dễ thương, trong khi đó vẫn ngậm sữa trong miệng. Sau đó, con sẽ phì ra khi có dịp, làm bố mẹ đến khổ."

Đúng là viết nhật ký có tác dụng ghi nhớ và hạn chế xuyên tạc lịch sử! ;)

15/5/08

Sinh nhật Thu Vân

11 nhận xét

Sinh nhật Thu Vân

Chúc mừng sinh nhật Thu Vân của bố mẹ và em cún!

Mai bố viết tiếp nhé, giờ chợp mắt chút đã…

(*) Ảnh chụp bố và Thu Vân sinh nhật con năm ngoái.

*

Đoạn sau là trong nhật ký bố viết cho Thu Vân, ngày 16-5-2000, sinh nhật con tròn tuổi tôi. Hồi ấy, bố mẹ ở dưới tỉnh, chưa có Internet ở nhà, mỗi chiều bố hay vào thư viện thành phố làm việc và gửi, nhận thư từ:

"Con biết không, bác Đỗ Ngọc bên Canada cũng có mấy vần thơ rất xúc động tặng con. Chiều hôm qua, bác bắt bố chờ ở thư viện để bác... nghĩ thơ! Lúc đó, bố chỉ sợ không kịp, vì thư viện sắp đóng cửa, bên kia bác lại bận làm việc tại tòa báo; lại còn thời gian gửi thơ qua e-mail nữa chứ. Nhưng cuối cùng, bố đã nhận được bài thơ ấy vào lúc 7 giờ kém 7 phút tối (tức là 7 phút trước khi thư viện đóng cửa ;))!

Bố hay trêu bác Đỗ Ngọc vì bác ấy hay làm "trường ca" và thơ của bác ấy là thơ "cách tân", rất trúc trắc, khó đọc, dù ngồn ngộn những sự kiện và ý tưởng. Nhưng, may thay, lần này, bác tặng con một bài thơ thật "trong sáng" và dễ hiểu! :-))

MỪNG SINH NHẬT THU VÂN

Xa đất trời quê mẹ
Giữa mùa Xuân hương bay
Nơi chôn nhau cắt rốn
Của cháu là nơi đây

Ngày mai theo năm tháng
Cháu sẽ còn bay xa
Về đâu đâu cũng một
Thân Việt hồn bao la...

Bác Đồ Râu"

Từ thiện

3 nhận xét

Chính phủ các nước dân chủ và... nghèo là khổ nhất! Làm gì cũng bị "bọn" đối lập nó kêu ca, ngăn chặn, thậm chí phá hoại, và người dân cứ thấy đụng đến... túi tiền của họ, là họ kêu, bất kể hay dở. Mà đó cũng là quyền của họ. ;)

Như ở Hung, ít năm trước, chính phủ có viện trợ cho Việt Nam vài trăm ngàn USD, cũng đã bị tờ báo này, forum nọ trên Net dè bỉu, kêu ca là "vô tích sự". Vật giá leo thang, dân phẫn uất, nên không đời nào có chuyện "các bác" Hung dám vui vẻ tặng "nhân dân Quy Ba anh em" 3 ngàn tấn gạo và 100 máy thu hình như kiểu Việt Nam, để rồi được bác Fidel hứng chí trầm trồ khen "ta" "có nhà máy sản xuất bóng đèn loại tiết kiệm điện" ;)

Có lẽ vì vậy, nên vụ lốc xoáy ở Miến Điện lần này, Hungary cũng chỉ gửi điện chia buồn, chứ không dám... viện trợ gì. ;)

Tuy nhiên, hai tổ chức từ thiện (tôn giáo) của nước này thì rất hăng hái: có tổ chức đã lập tức cử một ê-kíp chầu chực ở Thái Lan từ hơn tuần nay để chờ visa vào Miến, mà không được. Hungary còn có đội cứu hộ rất nổi tiếng trên thế giới, cùng vài chú cẩu chuyên tìm kiếm người trong các vụ thiên tai địch họa (như khủng bố ở Mẽo), cũng sẵn sàng lên đường, chỉ chờ Miến "bật đèn xanh", mà mãi không thấy. Họ điên lắm, nhưng vẫn phải ngọt nhạt khi trả lời phỏng vấn báo chí; phần vì muốn cho xong cái mà họ tự cho là bổn phận của họ (giúp đỡ người khác khi hoạn nạn), phần vì, làm từ thiện nhiều, họ cũng quen với những chính quyền độc tài & hành dân kiểu Bắc Hàn, lắm lúc thà để dân chết đói còn hơn là nhận đồ của "bọn phản động nước ngoài".

Theo tin hôm qua thì sau khi Tàu đồng ý "sẵn sàng nhận viện trợ quốc tế", mấy hội này khoái quá, chuẩn bị rời Thái qua Tàu rồi. Chứ chờ "anh" Miến có lẽ mạt kiếp! Lương thực, thực phẩm có khi cũng ôi thiu hết rồi!

(*) Tin mới: bọn Miến vừa cấp visa cho hai thành viên (đang ở Budapest) của Tổ chức Từ thiện Baptist, có lẽ vì họ cam kết sẽ mang... tiền mặt sang Miến. Còn nhóm ở Băng Cốc thì đến giờ cầm chắc sẽ không xin được thị thực, cho dù ở Thái, tổ chức này có cả một kho tân dược, thuốc tẩy trùng nước, đồ tiêm chủng... rất cần thiết cho người dân trong những vụ thiên tai thế này. Như thế, rất nghi là tiền sẽ lại vào túi bọn quan chức Miến!

Cứ nghĩ đến chuyện bọn chính phủ mấy nước thà để dân chết thảm còn hơn là cho nước ngoài vào cứu, mới thấy cái quyền "dân tộc tự quyết" quan trọng thật đấy, nhưng "dân tộc" không phải là bọn quan chức chết tiệt này và những khi ấy, quốc tế có lẽ vẫn cần phải "chuyên chính vô sản" và "tập trung dân chủ" với bọn chó chết này!

14/5/08

Báo chí

1 nhận xét



Thu Vân, hàng tuần, mỗi lần bố ra báo là lại giành ngay 1 tờ, đọc phần truyện cười, tiếu lâm rồi cười khúc khích. (Có những truyện Thu Vân không hiểu lắm thì bố lại giải thích, hoặc nếu cần thì dịch ngược ra tiếng Hung để Thu Vân so lại với bản tiếng Việt). Nói thêm là không hiểu sao Thu Vân đặc biệt khoái truyện hề, cứ đến lớp nghe các bạn kể là trên đường bố đón về, thế nào bố cũng bị tra tấn (cả tiếng Hung lẫn tiếng Việt) mà nói thực là nhiều khi bố không hiểu lắm (như ở đây chẳng hạn) ;)

Hết phần cười cợt trên báo, theo khuyến dụ của mẹ, Thu Vân tìm phần “Quà tặng cuộc sống” của cô Cammy, nhất là những mẩu ngắn, đọc ngấu nghiến.

Như vậy, bố làm báo dù mệt mỏi và vô bổ, nhưng cũng có một cái ích nho nhỏ là để Thu Vân không quên tiếng Việt.

Tối nay, Thu Vân vừa làm bố mẹ có một trận cười ngả nghiêng. Số là, mẹ xem xong vài tờ báo cộng đồng của bà con ta ở một nước láng giềng nọ, rồi nhận xét: “Báo này còn chán hơn báo bố Linh!” Thu Vân ứng khẩu ngay: “Như vậy là báo bố cũng chán, chỉ hơn được báo kia thôi chứ gì?” ;)

(*) Minh họa: tờ báo còn nóng hổi trên tay hai bà cháu ;)

13/5/08

"Những ánh sao đêm"

17 nhận xét



Sáng giờ, dạo một vòng đọc tiếp mấy tin về vụ bắt ký giả, ớn quá! Vẫn biết mấy khái niệm "phản động", "phản cách mạng" bây giờ ngoài Việt Nam mình ra rất ít nơi dùng (hoặc, thiên hạ chỉ dùng trong... môn Sử ;)), nhưng sự kiện vừa rồi, có lẽ vẫn phải gọi bằng hai từ ấy!

Nghe nhạc phát cho lạc quan hơn. Lục đống nhạc "cách mạng", nghe một loạt "Tình em" (Huy Du & Hồ Ngọc Sơn), "Câu hò bên bờ Hiền Lương" (Hoàng Hiệp & Đằng Giao), "Những ánh sao đêm" (Phan Huỳnh Điểu), "Màu hoa đỏ" (Thuận Yến & Nguyễn Đức Mậu)... thì thấy là nhạc "đỏ" xưa có để lại dăm ba bài chan chứa tình cảm, mà giờ nghe lại vẫn thấy cảm động...

Nhất là "Những ánh sao đêm", nghe hoài không chán. Nghĩ cũng... ngán cái ông quan chức nào thời xưa, nghe đến đoạn "em ơi" và "lời ân ái" trong bài này, thì bủn bủn chân tay rồi ra chỉ thị cấm, cũng phục cho ông ta.

Quan văn nghệ kiểu ấy, làm hại văn hóa biết bao nhiêu, nên bỏ tù lắm (hoặc bét ra cũng phải tạm giam và di lý rầm rộ, như hai ký giả hôm qua...)

Quang Lý

Trọng Tấn

Việt Hoàn

Thiếu đúng version kinh điển nhất của Vũ Dậu, bác TMH có không nhỉ, cho xin với!

* Bổ sung bản kinh điển của Vũ Dậu (tri ân Mẹ Dế! ;)):

* Bonus: Đây, tặng "nhà thơ nhân dân" Minh: "Nhà báo, nhà báo Việt Nam - Một lòng trung thành với Đảng..." (Bản full "Bài ca nhà báo Việt Nam", sẽ chờ đến Ngày Báo chí (cách mạng) Việt Nam mới bốt ;))

Những Ánh Sao Đêm

1. Làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua
Tôi đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa
Từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời bầu trời thêm muôn vì sao sáng
Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu nghe máu trong tim hoà niềm vui lâng lâng lời ca
Em ơi!

Anh còn đi xây nhiều nhà khắp nơi
Nhiều tổ ấm sống vui tình lứa đôi
Lòng anh thấy càng thương nhớ em
Dù xa nhau trọn ngày đêm anh càng yêu em càng hăng say xây cho nhà cao cao mãi
Ôi xinh đẹp Tổ quốc của ta
Anh lắng nghe bao lời ân ái những bài tình ca...

2. Lòng nhớ thương quê hương miền Nam anh hằng tha thiết mong ngày mai
Anh sẽ đi về khắp làng quê xây những ngôi nhà tương lai
Dòng sông mát xanh vòng quanh phố phường và nhiều công trường xây niềm vui mới
Khi bóng đêm trở về rực ánh đèn lên em thấy như muôn ngàn vì sao thêu trong đêm tối
Em ơi!

Tuy giờ đây hai miền còn cách xa
Niềm chia cắt thắt đau lòng chúng ta
Nhưng không thể xóa được hình bóng em
Dù xa nhau trọn ngày đêm, anh càng yêu em càng hăng say xây cho nhà cao cao mãi
Ôi xinh đẹp Tổ quốc của ta
Anh lắng nghe bao lời ân ái những bài tình ca.

(*) Nguồn ảnh: chôm của Tây.

11/5/08

Bắt ký giả

13 nhận xét

Đọc bản tin này của VNN “Vì đưa tin vụ PMU18: Nhà báo Nguyễn Văn Hải và Việt Chiến bị bắt tạm giam”, cũng như hàng loạt entry trên blog các anh osin (Huy Đức), búp bê bằng bột (Lê Anh Hoài), Bùi Thanh…, thấy buồn và chán nản ghê gớm!

Theo những nguồn trước đó, vẫn biết là những chuyện này không chóng thì chày kiểu gì cũng phải tới, nhưng không ngờ nó xảy ra theo kiểu thách thức công luận đến như vậy (khiến “báo giới và dư luận xã hội rúng động”, như VNN bình luận một cách… vô tiền khoán hậu trong những bản tin kiểu thế này!)

Mấy câu hỏi cá nhân của một kẻ “mù luật”, chờ các cơ quan hữu trách Việt Nam giải đáp trong vụ này:

- VNN cho hay là “từ giữa năm 2007, rất nhiều nhà báo của các cơ quan báo chí trung ương, và địa phương đã bị cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an triệu tập để thẩm vấn vì cho rằng đưa tin sai về vụ án PMU 18”. Vào thời điểm đó, PMU18 đã được đưa ra xét xử đâu (và đến giờ thực ra cũng chưa xong hoàn toàn), mà Bộ Công an ung dung đưa ra những kết luận kiểu trên với báo giới?

- Nhà báo đưa tin chuyên án PMU18, đúng sai đi nữa, có gì mà phải rầm rộ “bắt bớ tại trận”, tạm giam tức thì rồi di lý, khám xét này nọ? Nên biết tạm giam lẽ ra là biện pháp cưỡng chế thường chỉ được dùng (rất chừng mực) trong những vụ án hình sự trầm trọng: cơ quan tư pháp Việt Nam có nghĩ đến điều đó khi ký lệnh tạm giam ký giả “thoải mái” như thế?

Rất mong báo chí trong nước cập nhật được vụ này, trung thực và kịp thời!

*

Bổ sung: Ngay trong đêm 13-5, các báo "Tuổi Trẻ""Thanh Niên" đã kịp thời có bài bảo vệ cho các ký giả của mình. Cả hai bài viết đều mạnh mẽ ở mức cần thiết (và cho phép?) Đặc biệt, bài của phó TBT "Tuổi Trẻ" Bùi Thanh chắc sẽ khiến mọi người phải suy nghĩ, kể cả kẻ vô tâm nhất:

Tại sao?

Việc khởi tố, bắt giam hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến chiều qua đã thực sự gây rúng động làng báo. Hàng loạt blogger nhà báo từ Nam chí Bắc ngay lập tức bày tỏ thái độ của mình. Đau buồn và phẫn nộ!

Họ phẫn nộ vì biết rõ đồng nghiệp vừa bị bắt của mình là ai, đã sống và viết như thế nào để bảo vệ cuộc sống tươi đẹp này trước lũ sâu mọt. Không hề cường điệu khi nói rằng đồng nghiệp của chúng tôi - Nguyễn Văn Hải - là một nhà báo tử tế, một nhà báo trẻ đầy chuẩn chất "Tuổi Trẻ" tại phía Bắc.

Đồng nghiệp đó đang trả giá cho những dòng tin của mình về vụ PMU18 - một vụ án chưa kết thúc và đang có những diễn biến kỳ lạ. Ai ở trong hậu trường vụ án này mới hiểu hết sự kỳ lạ và phức tạp của nó. Ai đó đã đúng khi nói rằng công lý dường như bị nhạo báng qua vụ án này và nhà báo đã trở thành nạn nhân.

Và thật khó hiểu, khi hai nhà báo này bị khởi tố theo điểu 281 bộ Luật Hình sự : "lợi dụng chức vụ, quyển hạn khi thi hành công vụ”. Và điều 281 này nằm trong mục A chương XXI về các "tội phạm tham nhũng" (!!?) Thật kỳ lạ !

Còn nhớ, cách đây không lâu, trên tạp chí "Nghề báo", trung tướng Nguyễn Việt Thành (Tư Bốn), Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đã đề cập đến việc hàng chục nhà báo viết về vụ PMU18 đuợc mời lên cơ quan an ninh điều tra làm việc. Ông có nói một câu thế này : "Các nhà báo đừng vì sai sót nhỏ mà chùn bước, mà giảm ý chí chiến đấu chống tham nhũng. Tôi hiểu là Đảng, nhà nước và nhân dân rất tin tưởng các bạn!"

Kính thưa đồng chí Tư Bốn, chiều qua nhiều nhà báo đã tự hỏi mình về sự chùn bước và ý chí chiến đấu chống tham nhũng ấy, khi những đồng nghiệp tử tế và trong sáng của họ được xe cảnh sát đưa vào trại giam.

*

Bài của báo "Thanh Niên" có một chi tiết đáng chú ý: "Cho đến cuối buổi khám xét, báo "Thanh Niên" vẫn không được biết chính thức nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị bắt giam với thời hạn bao lâu. Một nguồn tin cho hay, nhà báo Nguyễn Việt Chiến sẽ bị tạm giam ít nhất 4 tháng".

Lệnh tạm giam, chắc chắn phải do tòa án phê chuẩn, chẳng lẽ cũng là một "bí mật quốc gia", phải ỉm đi, không thể công bố cho bất cứ ai, kể cả nghi can và cơ quan chủ quản của nghi can? Bao giờ Việt Nam mới có "văn hóa bắt bớ"? :((

Ngày các bà mẹ

5 nhận xét



Hôm nay Tây kỷ niệm Ngày các Bà Mẹ (Chủ nhật thứ hai của tháng Năm), nhưng Hung-gia-lợi thì làm sớm trước 1 tuần rồi.

Nhân dịp ấy, Thu Vân và các bạn trong lớp được cô giáo hướng dẫn làm những món quà con con cho mẹ (ảnh trên). Các năm trước thì còn có một buổi lễ kèm văn nghệ ở lớp, bọn trẻ con diễn rất nhiều trò hay ho, cảm động và chuyên nghiệp tặng các mẹ. Năm nay, dường như vì cô giáo chủ nhiệm bị ốm, không kịp tập cho hội diễn, nên đơn giản hơn.

Thu Vân rất trịnh trọng: nâng niu bằng cả hai tay quả tim vải có thêu thùa cùng tấm thiệp tự làm rất mỹ thuật, nó đứng nghiêm hát một bài tặng mẹ, kèm những câu “có cánh” tụng ca ngày này, rồi sau đó mới đưa cho mẹ. Khiến mẹ cảm động lắm.

(*) Ở đây, bố cún có một nhận xét nhỏ là, bọn Tây hình như được giáo dục từ nhỏ, rằng mình yêu quý ai, thì cứ mạnh dạn và trực tiếp thổ lộ cái tình cảm ấy bằng lời nói, không phải ngượng nghịu gì. Chẳng những con với bố mẹ như thế, mà bố mẹ cũng không hà tiện những lời khen, yêu thương với con. Cái này có vẻ khác ta: bố mẹ thì chủ trương “yêu cho roi cho vọt”, nên dù thương vẫn cứ hay chủ trương quát tháo "cho nó nghiêm" (!?). Con cái cũng không mấy khi nói được câu gì nên hồn với phụ huynh, vì… "ngượng miệng lắm" ;)

Rõ là cả một dân tộc… thân lừa ưa nặng :(

Ẩm thực

0 nhận xét





Trưa nay cả nhà đi cái lễ hội ẩm thực Óriás Csárdás Fesztivál (chả biết dịch ra sao: “óriás” -> khổng lồ; “csárdás” -> một điệu dân vũ Hungary, gắn liền với “csárda” là kiểu quán xá ven đường, có tính chất như “tửu quán” của hội giang hồ Lương Sơn Bạc xưa ;)).

Report (nhời và ảnh) thì đã có ở đây.

Lễ hội nhưng ở Tây nên không có được cái nhộn nhịp, rầm rĩ như ở Việt Nam. Nhất là, dính đến ăn uống, như các chợ ẩm thực Hà Nội, từ xa xa là đã thấy láo nháo, lộn xộn lắm rồi; ấy thế mà bên này ai nấy xếp hàng trật tự mua đồ ăn, rồi ngồi ăn, trò chuyện, nghe nhạc Tzigane khá vui vẻ, nhưng… lặng lẽ. Cũng không có các mùi mẽ sực lên rào rào như ở xứ ta. Cho dù, 4 món bố cún đã tường trình, đều thuộc “tứ trụ” trong nghệ thuật và văn hóa ẩm thực Hungary và nếu nhắc đến nấu nướng thì Hung dùng gia vị các kiểu (mạnh và phong phú) có lẽ không kém Việt Nam, nếu chưa muốn nói là có thể hơn!

Các món đều ngon, mọi nhẽ, nhưng bố cún chợt nghĩ rằng, tại sao BTC không kéo thêm các món khác, cho dù không nhất thiết đặc sản, như cơm, cháo, phở, kem… cho nó đa dạng hơn? Bán chắc cũng sẽ chạy hơn, vì, tỉ như, dân Việt đến “thưởng ngoạn”, nếu không ăn được những thứ quá “đặc thù” Hung, thì có thể xơi thịt gà rán, canh gà (Thọ Xương), v.v… Dĩ nhiên là họ có ý thức tôn vinh thương hiệu, không để những cái “lẹp nhẹp” ngang hàng, làm mất vị cơ bản, nhưng thế là không mềm dẻo, “lanh trí khôn” kiểu Châu Á, nhỉ?

Một tin ngoài lề: từ hôm nay, do mẹ khích (lệ), Thu Vân sẽ viết blog bằng tiếng Việt, và entry đầu tiên cũng là màn tường trình về ăn nhậu. (Lưu ý các cô, chú, bác… ký giả nào “lạc” vào đây, chiếu cố Thu Vân nhá ;))

(*) Ảnh minh họa: món thịt cừu kho (birkapörkölt) vùng Karcag, rất nổi tiếng, được nấu trong loại chảo lớn để tạo vị đặc biệt. Những món “truyền thống” kiểu này ngon nhưng đều “nặng”, mỡ màng, không hạp thời đại lắm.

10/5/08

Hạc cầm

3 nhận xét



Bố cún xưa nay rất khoái câu chuyện học sinh nhà mình nhiều người nhầm “Đàn Nam Giao” là “một loại đàn [nhạc cụ] cổ”. Bạ đâu, bố cún cũng khoái trá nhắc lại giai thoại đó một cách hơi độc địa, ác ý, như một minh chứng cho “vấn nạn” dân ta dốt sử (ta, Tây), mà các bậc thức giả ở nhà giờ hay “gióng chuông cảnh tỉnh”.

Nhưng hôm qua, bố cún cũng bị một vố tương tự như thế, bởi Thu Vân.

Số là, Thu Vân đọc sách kể chuyện “Kinh Thánh” tiếng Hung, thỉnh thoảng có từ nào không hiểu thì hỏi bố. Đến một từ là “hárfa”, bố thấy quen quen, nhưng không nhớ là gì. Lười không giở tự vị ra tra, nên bố trả lời bừa “à, là một loại cây gì đó”. Nói thế là vì từ này có chứa chữ “fa”, mà “fa” tiếng Hung là cây, nên bố nghĩ chắc nó là loại (cây) sồi, bàng… chẳng hạn.

Có điều, Thu Vân chắc thấy văn cảnh không hợp, nên không tin (trình độ) bố, giục bố coi lại đi. Cực chẳng đã, phải giở sách ra liếc, thì ra, nó là… hạc cầm (harp), loại đàn có lẽ Việt Nam mình thời xưa chỉ biết đến qua “Không gia đình” của Hector Malot và cách đây vài năm, thấy báo chí ta bảo toàn xứ An Nam chỉ có một người biết oánh ở trình độ… đại học ;)

Như thế, chuyện “bé cái nhầm” (do dốt, do… quên hoặc do ti tỉ lý do khác), là rất có thể, và bố cún rút ra kinh nghiệm là chê & bỉ thử người khác rất dễ, nhưng cũng phải nghĩ đến lúc mình bị những cái ngu si như thế ;)

(*) Ảnh minh họa là Thu Vân chụp với cún hôm kia…

8/5/08

Ngu & láo

22 nhận xét



Mấy bữa nay báo chí nói nhiều về vụ mở rộng Hà Nội, nhất là sau khi nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt có bài góp ý. (Các bài góp ý của ông Kiệt, xưa nay, nhìn chung đều hàm chứa những ý kiến mạnh mẽ, xác đáng, tuy nhiên giá hồi tại chức ông được như thế thì hay gấp bội ;)).

Co điều, đọc đến cái này thì hết chỗ nói: "Chủ trương đã quyết, sao lại cần thời gian!" Lãnh đạo ngu, cái đó bình thường, không lạ; tuy nhiên, công nhiên bô bô cái ngu ra trước bàn dân thiên hạ, láo khoét, không coi ai ra gì, có lẽ chỉ Việt Nam mình có?

(Ngẫm lại, có khi đây là cái ngu & láo... ăn bội tiền không biết chừng, vì vụ sát nhập này đi kèm với tiền nong béo bở lắm chứ không bỡn. Có điều, lịch sử sẽ phỉ nhổ nếu các ông làm láo...)

(*) Ảnh trên: nhân tiện, tranh thủ PR cho Budapest. Mấy trăm năm trước họ đã quy hoạch được cái bộ khung để đến bây giờ, chả có gì phải sửa!

Bà & cún

0 nhận xét



Sau vụ du lịch Áo (Quốc) vừa rồi, bố mẹ cún đã rắp tâm, trong năm nay và sang năm, nếu đi chơi đâu, quyết gửi cún cho bà nội trông hộ ;) Không thể để cún phá phách, gây hại đến đại cuộc trong những chuyến viễn du ấy được.

Bà, thoạt đầu, cũng hãi vì cún hò hét ghê quá. Đúng là phải chứng kiến những lúc cún "phong độ", mới thấy hết được "chân dung", "diện mạo" thực sự của cún khi quấy. Tuy nhiên, trẻ con như thế là thường, hy vọng là sự hiếu động ấy của cún sẽ khiến cún thông minh sau này ;)

Cún rất thích trò "kéo cưa lừa xẻ" mà bà hay làm để dỗ những khi cún hành sự. Nhưng làm cái đó cũng tổn hao năng lượng, cũng mau mệt, bà thì toát mồ hôi mà cún vẫn thích, vẫn muốn nữa ;) Có hôm bà chuyền cho bố để tiếp tục, bố làm được một lúc thì cũng nản, đành để cún nằm ngửa trên người, êm như nằm đệm, câu giờ cún được chút... ;)

Chị Thu Vân

2 nhận xét



Entry về vụ học hành của chị Thu Vân nhẽ ra phải viết tiếp, mà cứ đầu tắt mặt tối... mất hết cả hứng & phong độ! :((

Tuy nhiên, phải nói luôn ở đây là, Thu Vân bây giờ có vẻ đã thanh niên lắm, học hành có phần chểnh mảng, vì có nhiều cái khác thu hút. Điểm số nhìn chung vẫn tốt, nhưng hay có những "sự cố", như đi học quên vở, hộp bút..., quên không làm bài tập về nhà, v.v... Mà Thu Vân cũng không sợ lắm khi thỉnh thoảng bị điểm kém nữa: mẹ có hỏi thì Thu Vân nhún vai, ý nói "thì nó thế mà, biết làm sao được" ;)

Hơi tí, nếu nói nặng nhời một chút, là Thu Vân dỗi, quay ngoắt đi, như thể nhân quyền bị vi phạm trầm trọng lắm.

Hôm nay, Thu Vân đi diễn tập cho buổi diễn hòa nhạc (nghe oách nhỉ? ;)) của trường Nhạc vào thứ Năm tuần sau, bà giáo dạy dương cầm bảo Thu Vân chơi tốt, nhưng còn rụt rè, chưa thật tự tin. Thu Vân nói thật là Thu Vân chỉ thật tự tin nếu hát trong chorus, với... mấy chục bạn ;)

Được cái, Thu Vân yêu và chiều em vô cùng, và đỡ bố mẹ trông em được rất nhiều. Có những lúc cả ba người mà vẫn bị cún vần, mệt hết chịu nổi!

Tự chủ

0 nhận xét




Dạo này, cún tự chủ được trong khá nhiều hành động.

Ví dụ, có những lúc tỏ ra e thẹn, khi bị bố, mẹ trêu.

Đồ chơi phát ra tiếng động, để lên người cún, khi nào tắt tiếng là cún đưa mắt tỏ ý muốn cho nó kêu tiếp.

Hay nhất là cún đã biết tự lật gối, chui vào đó, để chơi ú òa với mẹ, như trong ảnh...

Cún ngồi

1 nhận xét



Cún là đứa hay thích làm những thứ trước tuổi. Ví dụ, mới lẫy vài tuần, đã ráng hết sức để bò. Bò không được thì kêu la ầm ĩ. (Đúng hôm cún 5 tháng - 7-5, kỷ niệm "một chiều hè lịch sử" - thì cún đã lật ngược được người rồi.)

Và mỗi khi bố mẹ tập cho ngồi, hoặc... đứng, thì cún sướng lắm, cố gồng, và đấy là cách để cún đỡ khóc tương đối có hiệu quả.

Còn trưa nay thì cún đã ngồi được một lúc, tương đối lâu, như trong ảnh này... Tư thế cún ngồi rất giống chị Thu Vân xưa, mà bố gọi là "cóc cụ".

Nude

2 nhận xét




Ôi chao, mệt quá!

Có rất nhiều cái muốn viết, vẫn biết là nếu để lâu, sẽ hóa bùn (như nhiều lần đã hóa bùn mà nghĩ lại vẫn tiếc hùi hụi), mà bận quá!

Bây giờ vừa xong việc, thư giãn một chút bằng cách bốt ảnh mới chụp của cún, để khoe. Bố cún không biết cách cho nhiều anh vào một entry (đã được hướng dẫn rồi mà... khó đào tạo, thế mới chán). Nên tách dần thành từng entry vậy.

Ảnh này chụp hôm qua, cún tròn 5 tháng. Mở ngoặc là bố cún cũng có một cái thế này, vào lúc 4 tháng, còn Thu Vân thì chừng 6 tháng. Khi nào sẽ phải lục lại để so sánh...

5/5/08

Kỹ nghệ “cọp” của Việt Nam

9 nhận xét



Xin nói ngay để tránh hiểu nhầm, và đỡ rầu (sầu) lòng cho các vị Trần Dần, Phan Văn Hùm, Phạm Hổ…: “cọp” ở đây không phải nói về “ông ba mươi”, mà về tệ “luộc”, “cọp-pi” rất thịnh hành và hồn nhiên của dân Việt, mà cố nhiên là không mới, và đến giờ thì cũng không có gì là lạ lẫm cả.

1. Số là thế này: sáng nay, dậy, mở hòm thư, thì nhận được một lá có “tít” rất gợi cảm, lả lơi: “Ai còn nhớ đến tên em?” Mở ra, thấy mấy dòng hết sức trầm trọng và đượm màu ta-bu:

CHUYỆN NGHIÊM TÚC
Phật Tử và Gái Bán Dâm
<link>
Hãy chuyển đến mọi người cùng đọc.
Mến chuyển đến các bạn.

Người gửi, dĩ nhiên bố cún không quen, và xem phần người nhận thì có thể lờ mờ hiểu rằng thư được chuyển đến một danh sách, mà bố cún chỉ là một trong số đó.

Những tưởng lại một vụ bê bối gì liên quan đến sư sãi, nhưng mở link ấy ra, té ra không phải. Đó là bài (kèm ảnh) “Cô gái bán thân”, được chú ngay ở đầu bài, rằng “Theo Cần Thơ Online - dịch từ Tân Hoa Xã”. Còn “nguồn” mà trang web về Phật Giáo trên có được để bốt bài, là “bạn đọc Trương Kim Anh – Na Uy”, theo như lời cám ơn ở cuối bài.

Âu cũng là chuyện thường: một trang web – cho dù là Phật Giáo – có quyền đăng những bài viết “thế tục” (kể cả chuyện gái mại dâm), miễn là nó không đi lại hệ thống giá trị “từ bi hỉ xả” của mình. Bài viết có thể do người chủ trương (BBT) trang web kiếm từ đâu đó (và thông qua các hình thức ứng xử tối thiểu như viết 1 cái mail chào hỏi, làm quen, xin phép tác giả - nếu được), hoặc do bạn đọc, “thân hữu” nào đó gửi tới giới thiệu (trong trường hợp này cũng nên kiểm tra lại chút, ví dụ, hỏi vị “thân hữu” ấy xem nguồn thật của nó ở đâu, v.v…)

Tuy nhiên, đáng nói ở đây là, bài báo về chuyện cô giáo (bên Tàu) làm gái điếm để giúp đỡ… trường sở, thì quen quá: ấy là bài Trang Hạ dịch và bắt đầu bốt cách đây cả chục ngày! Và Trang Hạ - sau khi dịch - còn nói rõ rằng đó là một bài báo bịa đặt của một nhà văn “lưu manh”, và đang bị lên án.

Cái “hay” là, tên Trang Hạ (trên tư cách người dịch và giới thiệu) dĩ nhiên bị ỉm đi, và đoạn nói về nguồn gốc mờ ám của bài báo, thì không hề được nhắc đến. Không rõ, đây là chủ ý của “bạn đọc” đã giới thiệu bài báo cho trang web, hay của chính người chủ trương trang web.

2. Tò mò, dạo một vòng trên google với từ khóa là tên cô gái trong bài viết, hóa ra bài của Trang Hạ xuất hiện trên khá nhiều blog, diễn đàn này nọ. Và đáng chú ý, là có mấy điểm khá đồng nhất, như đã nói ở trên:

- Tên Trang Hạ nói chung không xuất hiện ở bất cứ đâu ;) (cái này dễ hiểu, vì Việt Nam khi “cọp” thường giấu nhẹm nguồn đi – nhưng tại một vài nơi “tử tế”, thì danh tánh người “sưu tầm”, “giới thiệu” lại được chua trang trọng, tỉ dụ ở đây ;))

- phần hai bài của Trang Hạ về “nhà văn lưu manh” cũng đương nhiên bị “đục” mất (giả thiết là do muốn giữ và phát tán một câu chuyện mang yếu tố giật gân, nên cũng bất cần để tâm đến chuyện nó là bịa đặt?)

- tựa đề bài viết (nguyên thủy Trang Hạ đặt là “Nhà văn lưu manh hay câu chuyện cảm động về cô giáo làm điếm”) nhìn chung được thay tứ tung cho ăn khách và thu hút sự chú ý ;). Nghĩa là các vị “luộc” cũng có dụng công giật tít ;)

3. Tuy nhiên, để phòng trường hợp mình cứ hay nghĩ… tiêu cực cho người khác (biết đâu chính tác giả cho phép báo chí… thiên biến vạn hóa với chính bài viết của mình, thì sao? ;)), bố cún có hỏi ngay Trang Hạ thì được câu trả lời của Trang Hạ là đúng cô vừa dịch xong bài này hôm kia và cô không hề biết gì về mấy chuyện "cọp" này. Sau đó, một số “biện pháp cần thiết” đã được Trang Hạ đưa ra, ở đâyở đây.

4. Chuyện “cọp” thực chất xảy ra như cơm bữa, ngay NCTG rất vô danh mà bài vở cũng bị “cọp” đây đó, bố cún có thử “phản hồi” (rất lịch sự) cho một vài trang web, thì dĩ nhiên là không đời nào nhận được hồi âm.

Một chuyện xảy ra rất “thường ngày ở huyện”, thì có nên bức xúc không nhỉ?

- Không, vì như thế mình sẽ bị stress triền miên mất. Mình phải biết “sống chung với lũ”, hòa mình vào hoàn cảnh mình sống, "thích nghi với những điều kiện ngoại cảnh" (thuyết Darwin). Như thế mới thọ được.

- Ừ, cơ mà cũng không nên như thế. Nhân nhượng để họ “cọp” bài của mình cũng là cách dung túng một hành vi phi đạo đức và bẩn thịu! Sao ăn trộm mấy con vịt mà bị đưa tên, ảnh lên báo, như thể sắp… lật đổ chế độ, mà hội “cọp” này vẫn được nhơn nhơn như thế, nhỉ?

Ở đây chưa nói đến chuyện tác quyền, nhuận bút là những cái gắn liền với luật pháp và tài chính, to tát. Chỉ nói đến chuyện, các bạn có muốn đăng lại, mất gì một lời nói, một cái e-mail cho tác giả? Và nếu dẫn nguồn ở đó, thì các bạn thiệt hại lắm sao?

Nhân chuyện Trang Hạ, trả lời luôn “bạn” “VieTimes” về một chuyện cũ - và để các bạn khác được tỏ tường, nếu các bạn rất muốn đăng tải cho nó văn minh (xin phép tác giả, dẫn nguồn…), nhưng chả hiểu “tác giả” ở đâu mà “xin” -, rằng: các bạn làm ơn vào đây trước khi đưa lại bài của NCTG (điều mà bố cún và các tác giả của báo rất vui và sung sướng vô ngần, vì được để tâm, mưa móc ;)).

(*) Xin phép Trang Hạ cho "cọp" tấm hình cô gái trong bài viết làm minh họa!

+ Ghi chú: Trang "Phật Giáo Đại Chúng" bố cún nhắc đến ở đầu entry đã hạ bài với lý do "BÀI VIẾT ĐÃ XÓA KHỎI TRANG NHÀ DO THÔNG TIN CUNG CẤP KHÔNG CHÍNH XÁC TỪ BẠN ĐỌC..." (không rõ do ai phản hồi?). Vậy là rất nhanh chóng, có trách nhiệm và đứng đắn, trong vụ này.

Bố cún mong thông tin từ các trang khác, xem "văn hóa ứng xử" có những trạng thái đa dạng như thế nào ;)

Lẫy

7 nhận xét



Cún, nỗi hãi hùng của bố mẹ, sáng nay khi tỉnh dậy rất bứt rứt, cứ kêu ca mà không sao cho hắn im được cả.

Hóa ra, sau hai ngày đi chơi xa, đi nhiều, nằm ít, cún đã… hơi quên cách lẫy. ;)

Phải một lúc cho hồi lại phản xạ cũ, thử đủ kiểu, cún mới về lại được trạng thái “mặc định” trước đó, tức là quay và lộn như trảo (chảo?) chớp…

Ảnh trên là một cú lộn, lẫy các kiểu của cún, nước dãi ròng ròng, rất mất mỹ quan. Đây là tư thế cún khoái nhất: cố nâng cả đầu, cả mông lên thật cao, hai tay trải dài. Bố gọi đó là “bay” ;)

4/5/08

Áo (Quốc)

7 nhận xét




Đã về tới nhà sau hai ngày rùng rợn vì cún, tuy nhiên, có nhiều niềm vui và kỷ niệm đáng nhớ...

Bốt tạm 1 tấm ảnh chụp gần Stephansdom (bố cún chụp nên không hiện diện ở đây). Sẽ có loạt bài trần thuật (dài kỳ) về vụ viếng thăm thủ đô Áo (Quốc) này, ở đây chỉ xin nêu vài kết luận ngắn, rất nhỡn tiền:

- Không thể cho trẻ con đi cùng, nếu muốn viếng thăm bất cứ cái gì một cách nghiêm túc, kỹ càng và văn hóa (vì chúng sẽ phá đám dồn dập, như cún ;))

- Vienna rất đẹp, nói chung là... không thua gì Budapest cả ;)

- Việc Châu Âu nghĩ ra trò bỏ thị thực, và cho Hungary vào nhóm ấy, là rất... thông minh ;)

Hạ hồi phân giải các thứ khác sau, vì kiệt sức rùi ;)

2/5/08

Chuyện dịch dọt của Cavenui

8 nhận xét

Cavenui có entry này, như thường lệ, rất gợi mở về nhiều chuyện.

Bố cún để ý ngay đến phần dịch dọt, là cái cho dù... mắc dịch, mà vẫn cứ phải làm. Vì bét ra nó cũng có chút ích lợi gì đó.

Đối chiếu bản tiếng Việt và tiếng Nga bài "Lớp Một ơi lớp Một" mà trẻ con Việt Nam chắc không mấy đứa không biết, Cavunui rút ra kết luận là "bản dịch tiếng Việt có ít nhất 1 lỗi sai hẳn ý bản gốc": "Trong bản tiếng Việt cô giáo lớp 1 sẽ chia tay với các bạn nhỏ được lên lớp ("Chào cô giáo thân mến/Cô sẽ xa chúng em") còn ở bản tiếng Nga thì cô giáo sẽ cùng các bạn lên lớp 2". Và Cavenui bình: "Dịch giả không thể hiểu sai, nhưng bản dịch của ông hướng đối tượng là học sinh lớp 1 ở Việt Nam nên ông phải Việt hóa bản gốc cho phù hợp với thực tế Việt Nam (các cô giáo không theo học sinh lên lớp cao hơn). Lỗi dịch sai này (trong trường hợp này là cố tình) giống như nhiều lỗi dịch sai (trong nhiều trường hợp là không cố tình) các tác phẩm văn nghệ có lời (thơ, truyện, kịch bản sân khấu, lời bài hát…) khác, và khác với các lỗi dịch sai khi dịch hợp đồng kinh tế, tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc hay máy móc thiết bị, không gây hậu quả nghiêm trọng. Cho đến nay chúng ta vẫn quan niệm một cách hoàn toàn đúng đắn rằng việc dịch sai 1 tác phẩm văn nghệ có lời không gây hậu quả nghiêm trọng nên mặc dù nhân loại đã có những bước tiến mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật, đến nhỏ bé, nghèo nàn và lạm phát cao như Việt Nam ta cũng “tự hào và tự tin” với Vina Sất thì trong lĩnh vực văn nghệ có lời, người ta vẫn chưa tìm ra được (vì không đặt nhiệm vụ phải tìm ra) công cụ tránh dịch sai."

Một đoạn không dài lắm mà đánh động bao nhiêu vấn đề!

- Thứ nhất là về vụ "dịch sai" bài thơ Nga. Thực ra, hồi bé đi học, bố cún chỉ được đọc bản tiếng Việt, không thấy ai nói và cũng không biết đó là thơ (phỏng) dịch. Mãi về sau, mới hay là có khá nhiều trường hợp như thế, phỏng của tứ xứ. Và vì không công bố là thơ dịch, cũng chả hiểu dịch giả là ai, nên vấn đề dịch đúng/sai trước kia chưa đặt ra, nhỉ?

Bây giờ, coi như là chuyện truy tầm bản gốc tiếng Nga đã được Cavenui thực hiện, thì theo ý kiến của bố cún, với những bài như thế này, ta coi là phỏng dịch thôi (như "Đợi anh về", Tố Hữu dịch Simonov cũng vậy), cốt là lấy cái ý và hướng về độc giả Việt Nam. Tạm không coi đó là "lỗi dịch", hay "dịch sai". Vì tác giả chắc là hiểu đúng, mà chỉ dịch lái đi, cho phù hợp "đặc thù Việt Nam".

- Tuy nhiên, chuyện dịch sai (vì hiểu sai ấy, tạm bỏ qua các lý do khác, như chính trị, thuần phong mỹ tục, mà phải... sai ;)), có lẽ cũng là phổ biến khi dịch một tác phẩm. Có lẽ phải thông cảm thôi, chứ một tác phẩm Việt Nam lắm khi còn có ti tỉ cách phân tích, lý giải về ngữ nghĩa (mà của đáng tội, đọc lên thì thấy ông GS nào nói cũng hay, cũng đúng cơ, "người trần mắt thịt" như bố cún lắm khi cũng bị nhiễu lắm ;)), nói gì đến sách Tây, Tàu. Tất nhiên là ở đây, loại trừ chuyện dịch ẩu tả, thiếu "lương tâm nghề nghiệp" (vụ này bạn today20 đã nói rồi ;)), thì sai do.. hiểu sai, chưa thật chính xác, chắc cũng khó tránh khỏi.

Mà dịch sai tất nhiên cũng có nhiều cấp bậc. Sai về từ ngữ đơn thuần (như cây sồi ta biến thành cây thông), cũng có hại, nhưng có lẽ... chưa chết thằng Tây nào ;). Còn sai về khái niệm, làm hỏng hẳn một câu/đoạn... văn, thì chắc chắn phải có cách nào đó để đính chính hoặc "bồi hoàn" cho độc giả đã trót đọc và nhập tâm cái sai ấy.

Chắc là còn lâu mới tìm ra được một "công cụ để tránh dịch sai" như Cavenui kỳ vọng. Chỉ có cách khả dĩ hơn, là cấm, hoặc chôn sống tất cả những kẻ nào còn manh nha dịch dọt ;). Hoặc, trả thật hậu cho người dịch, nhưng cứ một lỗi dịch sai lại cũng phạt thật nặng. Và, tất nhiên, phải duy trì một đội ngũ "dọn vườn" đông đảo, hàng ngày chỉ có chức năng so lại với bản gốc đê tìm cái sai ;)

Có điều, như thế thì e rằng ngay cụ Hạo và các cụ "cổ thụ" (*) khác cũng chào thua mà kiếm nghề khác mất ;)

(*) Cách đây chục năm, có cuộc tranh luận khá vớ vẩn trên báo chí Việt Nam vì ai đó dùng từ "cây ná cổ thụ", ám chỉ cây ná cũ, và đương sự cho rằng dùng thế được, chả sao, cũng không sai gì về ngữ nghĩa ;)

Quần áo

5 nhận xét



Ảnh này là cún “lên bộ” mẹ mua để đi xa.

Những bộ khác của cún, cái thì chật rồi, cái thì giờ đã nóng, không dùng được nữa. Mẹ cún đi mua cỡ dành cho trẻ con 9-12 tháng, nhưng nghe chừng cũng chỉ xài được 1 tháng thì chật thôi.

Nói tiếp chuyện “Áo”, “Quần” trong entry trước ;)

Nhớ ngày xưa ở Việt Nam, những bộ thế này đều được giữ lại cho dăm bảy đứa về sau (trong gia đình hoặc cho họ hàng). Quần áo của bố cún cũng còn vài bộ để lại đến tận bây giờ, hơn bốn chục năm…

Nói chung, giữ quần áo của anh/chị cho các em, vừa là “thực hành tiết kiệm” ở một nước nghèo, cũng là một thói quen mà bố cún cho là đẹp: lưu lại những cái đã “đi cùng năm tháng” của một đứa trẻ, làm kỷ niệm và “lấy hơi” cho đứa tiếp theo. Hồi Thu Vân mới sinh cũng thế, các bác ở Đức gửi bao nhiêu quần áo của các anh chị, rất thiết thực và tình cảm, Thu Vân mặc mệt nghỉ. Mà đấy toàn là những đồ rất tốt: trẻ con lớn mau, dùng đôi ba tháng là chật, để lại cho đứa khác.

Hôm vừa rồi, thấy các tủ đều chật ních quần áo các kiểu, không còn chỗ nữa, mẹ cún mới phải thanh lý, lọc hết những cái cũ quá thì bỏ, những cái còn mới, có thể dùng tốt thì xếp phẳng phiu, mang đến Phòng Y tế Quận, để đấy cho những ai cần (hoặc họ sẽ chuyển đến các cô nhi viện). Được một tẹo, đã có một bà và hai con đến lựa chọn, rất rôm rả, rồi lấy gần như cả túi xách rất to, vui mừng ra mặt… Bố mẹ cún cũng mừng…

Ấy vậy mà, chia tay những bộ quần áo cũ như thế, về sau nghĩ lại cứ bố cún thấy buồn buồn, mới lạ. Đúng là bệnh của người già: như kiểu ăn cơm vẫn thích vét sạch tinh tươm, thức ăn còn để bữa sau, tuyệt nhiên không đổ đi, về nhà ăn cả cháy… Mà ăn thì kiểu gì cũng thấy ngon, không hay chê bai đài các này nọ. Mọi người thấy vậy, chê cười lắm, bảo “mày nhà quê, đi Tây mãi giữ thói cũ rích”, bố cún chỉ cười xòa…

Cún ăn bột ngày đầu

8 nhận xét




Đây là một khoảnh khắc lịch sử: ngày đầu cún xơi bột (29-4, tức là khi bộ đội "ta" vào đến Biên Hòa rồi nhỉ?) ;)

Khi bố bốt cái này thì mẹ cũng vừa cho cún ăn bột xong, và bú nữa, nhưng cún có vẻ thỏa thuê rồi nên rất a-ma-tơ, nhìn tí mẹ lơ đãng. Cảnh ấy đã chụp mấy lần, nhưng vì lý do tế nhị, không thể bốt bừa bãi (theo quye chế biểu diễn gì đó của Cục Văn hóa (?), cấm hở ba phần tư...)

Phải viết thêm là cún rất thích hai trường hợp sau đây:

- Mỗi lần thay tã, lau chùi sạch sẽ, khô ráo cho cún, và để cún nude một lúc,

- Đặc biệt, cún cười nắc nẻ như ma làm (*), thích thú lắm, mỗi khi bố mát-xa đùi. Có lẽ ở đó có dây thần kinh dễ chịu gì đó? ;)

(*) Xê-ri "Ma làng", thoạt đầu bố cún cứ đọc ra là "Ma làm".

Phim ấy chiếu còn 5 tập thì cắt phựt, không thấy thông báo gì cả. Vẫn biết Việt Nam ta ít có thói quen giải thích, phân trần lằng nhằng, mất thời gian, nhưng hình như phim này hay (bố cún không xem, thấy bảo thế), nên nhiều người ngạc nhiên, rồi bất bình. Nhiều người i-meo gửi về Vi-Ti-Vi bốn hỏi han, thắc mắc, nhưng cấm thấy hồi âm.

Lại thêm một chương mới cho vụ này của Mẹ Dế nhé... (2Ti làm sáng tỏ vụ này cái nhẩy, không bà con ngoài "chợ Tàu" đang đồn đại là vì kỷ niệm 30-4, "Nhà nước" ta tạm đình chỉ cho "công tác ăn mừng" đấy).

1/5/08

Chuyện cún & các thứ khác

3 nhận xét



Lâu lắm không bá cáo tình hình về cún! Thì vưỡn như phim nhiều tập, truyện dài kỳ, nói đi nói lại khôn xiết, nhưng với bố mẹ thì tập nào, chương nào cũng có cái mới…

1. Trước tiên, tung 1 ảnh bố cún và cún tập sự dùng cái địu cho chuyến đi dài đầu đời của cún: nhằm thứ Bảy và Chủ nhật này, nhân dịp Quốc tế Thợ thuyền 1-5 (bên này nghỉ liền 4 ngày), cả nhà cùng bác Chung "nến cháy tàn" qua Vienna, Áo Quốc (*).

Từ hồi sinh đến giờ, lần đi “dài hơi” nhất của cún là xuống Fót, cách Budapest độ 16-17 cây-lô-mếch (nơi bác Lê Thương làm triển lãm), hôm chia tay bác về nước. Lần này, đi xa hơn gấp bội, cũng lo lo. Các kiểu quân trang quân dụng, thuốc men, ăn uống… mẹ cún đã lục tục chuẩn bị từ hôm nay rồi. Sợ nhất là cún mệt, quấy quá, thì sẽ mất vui đi. Tuy nhiên, cún có lệ là, ở nhà hay quấy bố mẹ (phần vì được chiều), nhưng ra đường thì lại ít “hành sự”, nhiều người bảo “hiền thế”, “ngoan thế” vì chưa được chứng kiến lúc cún nổi nóng, đanh đá.

Hy vọng vụ đi này, cũng khả quan như vậy.

2. Cún mấy bữa nay dường như đã tiến sang một giai đoạn khác: ít quấy hơn, đã có những lúc nằm xoay tít như chong chóng và chơi một mình hồi lâu trên giường, lúc thi ê a, lúc thì vẫn thọc tay sâu tận cổ họng rồi nhả nước bọt dàn dụa, lấy đó làm vui. Chỉ lúc nào chán quá mới kêu. (Nhưng khi đã kêu thì bố mẹ phải khẩn cấp can thiệp ngay, nếu không muốn cún làm rầm rộ hơn).

Ấy là một bước tiến trọng đại: chuyển dần sang “kỳ tự chủ dân tộc!”

Mà thực ra cún cũng nhớn rồi: gần 5 tháng, xấp xỉ 9 ký. Mẹ mua cho mấy bộ quần áo mặc như người lớn, bảnh bao và trông rất buồn cười. Tay thì nắm rõ chặt, những lúc nắm tóc bố mẹ không rời, gỡ thế nào cũng không chịu bỏ, rất thương. Chân đạp cũng rất mạnh, hôm kia cún sút chị Thu Vân làm chị xước cả mặt (Thu Vân xót lắm, thỉnh thoảng lại hỏi bố “đã hết chưa bố?”, nhưng thương em lắm, mỗi bận đi học về chưa làm gì đã nhào vào bế em).

3. Về sự ăn uống, ẩm thực thì cún đã được mẹ cho ăn ngoài được vài bữa nay. Mẹ cún kỳ cạnh ninh thịt, rau (khoai tây, cà rốt)… thơm phức, rồi chế biến, nhồi vô lọ đủ cho vài bữa, bảo như thế vừa tươi, ngon, bổ, vừa rẻ hơn mua sẵn, lại đảm bảo. Được cái, cún cũng không chống cự gì đặc biệt khi ăn đồ lạ…

Cún cũng đã biết thích khi thấy cả nhà ăn, và nhìn có vẻ thèm thuồng. Cho mút đũa thì khoái trá lắm. Nhớ hồi xưa, chị Thu Vân ăn cùng bố mẹ rất sớm, nửa tuổi đã ăn được mắm tôm rồi ;) Có thể vì thế mà đến giờ, Thu Vân không “mất gốc” mấy: ngoại trừ, mỗi lần thấy những màn tuồng chèo, hoặc “giai điệu quê hương” ỉ eo trên VTV4, là Thu Vân lại điềm nhiên xổ tiếng Hung với bố “con ngán nhất vụ này!”, hoặc “điều con sợ nhất đã xảy ra…

(Mở ngoặc, Thu Vân thích xem phim trên VTV4, nhưng lại rất sợ khi trong phim Việt Nam, có nhiều người… ác, cả về tính nết lẫn diện mạo, hành tung, đặc biệt là bác sĩ, thày cô giáo… hay hành hạ bệnh nhân, học sinh… là điều Thu Vân không hiểu nổi. Trong số những chương trình giải trí, Thu Vân thích xem hài - mặc dù bố xem và nghe chả hiểu gì -, còn “Chúng tôi là chiến sĩ” thì sau vài lần đầu, Thu Vân đến giờ đã ít mặn mà, và khi thấy mấy anh “chiến sĩ” nhảy múa tươi vui, Thu Vân tuyên bố “con không tin đây là bộ đội!” ;))

4. Tiện đây, liệt kê vài “hoạt động xã hội” của bố mẹ cún dăm ba ngày nay, mà khi rảnh sẽ đào sâu (kèm ảnh), vì nhiều cái lý thú.

- Một là, đã nghinh tiếp Mẹ Scoo được một buổi, có màn ra “chợ Tàu” ăn phở và bát phố, khi về bị mưa nhưng không hề hấn gì cả ;) Mẹ Scoo phát biểu cảm tưởng thích Budapest vì đẹp hơn tưởng tượng ;)

- Hai là, cả nhà đã đi Liên hoan sách Quốc tế Budapest lần thứ 15, bạt ngàn là sách, vô vàn chữ nghĩa, hoạt náo vô kể nhưng rất lịch sự. Vụ này cũng sẽ có tường trình cụ thể sau…

- Ba là, hôm nay, vẫn trong chuỗi kỷ niệm lịch sử đấu tranh anh dũng của giới thợ thuyền quốc tế, cả nhà đã đến nhà bác Chung nướng thịt, vãn cảnh, tán gẫu… nói chung là rất văn hóa, đậm tính ẩm thực và thư giãn ;)

Tạm vậy đã, sẽ bổ sung nếu “thời gian và điều kiện kỹ thuật cho phép”.

(*) Hôm nọ, có người hỏi bố cún, sao kiểu phiên ngày xưa người ta hay thêm chữ “Quốc” (Đức Quốc, Pháp Quốc, Anh Quốc…) làm gì, ai chả biết là “nước” rồi. Và sao, có lúc thêm “Quốc”, có lúc không? Bố cún nói đại rằng, thêm “Quốc” cho nó long trọng, vả lại, nhiều khi không có “Quốc” nghe cụt lủn, bất nhã, không được… thanh lắm. Ví dụ: Áo (nghe muốn liên tưởng đến... “Quần”) ;) Nhưng người ấy bẻ lại: như Bỉ, nghe cũng ghê, sao không ai gọi Bỉ... Quốc? Bố cún chịu, nhưng phán bừa rằng, bản thân cái nước này phiên ra đã rất… bỉ rồi (Bỉ Lợi Thì), nên thôi, cứ mặc xác nó. Cho dù đầu não của EU ở đó…