Không biết viết gì hôm nay nên bốt 1 bài cũ :)
Chiều thứ Bảy em có về phố nhỏ
Có ngập ngừng trước khi gõ cửa
Lá sấu rơi xúc động bên thềm"
("Dòng chữ cho em", Thanh Thảo)
Năm ngoái, nhân dịp 25 năm ngày kết thúc cuộc chiến Việt Nam, một tờ báo nọ có đề nghị tôi viết vài dòng cảm tưởng: vào NGÀY ĐÓ, NĂM NÀY, tôi ở đâu, làm gì, có ấn tượng gì đặc biệt v.v...? Nhận lời, tôi đã ngồi vào bàn và viết một mạch như bị ma ám; mấy dòng đầu là một kỷ niệm khó quên của tôi:
"Tôi không có ý niệm gì lắm về những năm sơ tán và chạy tàu bay Mỹ, ngoại trừ một vài hình ảnh nhạt nhòa: tiếng còi báo động rú ngày đêm; giọng nói trầm bổng, đầy xúc cảm của người phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam qua chiếc tờ-ran-di-tô cổ lỗ sĩ; chiếc hầm trú ẩn tối tăm, ẩm ướt ở ngay trong vườn nhà; cô bạn gái nhí nhảnh, thân thiết trên một miền thượng du Bắc Việt; những buổi tối rủ nhau đi bắt đom đóm làm đèn; những trò chơi tinh nghịch, trong đó có một trò rất bẩn thỉu là - xin lỗi quý độc giả! - hai đứa rủ nhau cùng đi ị ngoài cánh vườn rộng mênh mông của gia đình cô bé..."
Gần một năm trôi qua. Đêm nay, không sao ngủ được, tôi bần thần lần giở mấy cuốn nhật ký ra đọc. Hồi xưa, ông ngoại tôi có cả thảy 4 đứa cháu nội ngoại và khi chúng còn nhỏ, ông tôi đã viết nhật ký cho cả 4 cháu. Tự nhiên, tôi tìm được đoạn này, trong cuốn ông viết cho cô em gái tôi:
"2/12/1973.
Hôm nay anh Hoàng Linh viết bức thư đầu tiên cho chị Hạnh. Ông ghi lại nội dung vì bức thư này là bức thư anh tập viết đầu tiên. Thư nói:
"Hạnh thân mến,
Linh vừa nhận được thư của Hạnh. Linh mừng lắm. Bao giờ Hạnh về chơi với Linh. Chúc Hạnh học giỏi và nhận lời thi đua với Hạnh.
Hoàng Linh"
Hạnh, chính là cô bé hồi nào mà tôi đã làm quen khi cả gia đình tôi lên sơ tán ở Thái Nguyên, thời "đế quốc Mỹ leo thang mang bom ra tàn phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa" (đây là cách nói dạo ấy). Hồi đó, nhà tôi ở đối diện với nhà Hạnh. Bố của Hạnh, ông Đường, về sau dẫn một cánh quân vào tấn công Sài Gòn. Ông còn tiếc mãi là trong chiến dịch 1975, đoàn quân của ông chỉ "chậm chân" một chút, chứ không, lẽ ra chính ông phải là người đưa quân vào giải phóng Sài Gòn. Do lỡ dịp đó, nên ông chỉ dừng lại ở cấp đại tá, không được lên tướng.
Tôi và Hạnh thân nhau lắm. Có cái gì cũng chia nhau. Nhất là nhà Hạnh lại có nhiều trái cây và những món xôi, chè... rất ngon do bà Huệ, mẹ Hạnh, thường nấu. Có một bận, nhà Hạnh còn bắt được một con kỳ đà khá to, bá Huệ (tôi gọi như thế) nấu cháo đãi mọi người, ai nấy vừa ăn vừa tấm tắc khen "đúng là ngọt hơn thịt gà!", nhưng tôi sợ không dám nếm vì trước đó đã trông thấy cảnh con kỳ đà bị nhốt trong một cái rọ tre, hơi hãi.
Quấn nhau cả ngày chưa đủ, cứ tối tối, 2 đứa lại rủ nhau ra vườn chơi ú tim hay trốn tìm với lũ trẻ con hàng xóm. Vào những đêm tối trời, cái vườn rộng thênh thang nhà Hạnh quả là đầy bí ẩn dưới ánh sáng nhờ nhờ, lập lờ của hàng vạn con đom đóm bay tứ phía. Nhiều khi, đang chạy như ma đuổi, thoáng nhìn bóng thằng bù nhìn rơm cứ tưởng là ai đang đứng giơ tay, cả bọn lại thét lên vì giật mình, nhưng vẫn thích và chả đứa nào bỏ cuộc cả. Chẳng hiểu sao mà hồi đó 2 đứa tôi không biết sợ là gì: có bận, khi trời đã tối om, bọn tôi còn chui vào một cái miếu ngay dưới một gốc cây đa đại thụ, nơi mà mọi người bảo là có một con xà tinh cai quản. Bằng chứng là thức ăn mà dân tình mang đến cúng vào ban ngày, cứ qua một đêm là hết sạch. Thế là đêm hôm ấy, 2 đứa lò mò rủ nhau vào xem có rắn thật không. Cũng hồi hộp lắm, đứa nào đứa nấy trống ngực đậm thình thình, nhưng rốt cục thất vọng vì chả có gì cả!
Còn cái trò rủ nhau đi ị trong vườn cũng là chuyện thực 100%. Tất nhiên là không đến nỗi ngồi ngay cạnh nhau - dạo đó bọn tôi ít nhiều cũng đã biết ngượng rồi -, thường là mỗi đứa chọn một gốc cây, cốt sao để khỏi thấy mặt đứa kia là được rồi. Cái kỳ quái ở đây là mỗi lần "hành sự" xong, lập tức mấy con chó to đùng nhà Hạnh lại vù ngay đến giải quyết "hậu quả chiến tranh". Bây giờ có kể ra, chắc bọn trẻ chả tin...
Chúng tôi còn những dịp cùng nhau đi tắm và vầy nước ở con suốt cách nhà chừng 100 mét. Suốt hẹp thôi, có lẽ chỉ vài thước, nhưng dài lắm (tôi chưa bao giờ đi đến ngọn nguồn của nó cả) và cũng có những lúc nước chảy khá xiết. Những trò nghịch ngợm, đi lại chơi bời ngang suối thì Hạnh bạo dạn (và can đảm) hơn tôi nhiều: lắm khi, Hạnh phải giơ tay cho tôi bám, hoặc kéo, tôi mới dám đi theo. Có lần, người ta đồn là phát hiện ra dấu vết biệt kích "ngụy" ở đâu đó. Mấy con chó lập tức được huy động đi đánh hơi và dân trong làng nhào đi mọi ngả kiếm tìm. Loài chó tinh thật: chỉ cần cho nó ngửi hơi tí chút, là cứ thế chúng chạy dọc theo suốt, đến tận đầu nguồn thì phát hiện ra một bộ quần áo kẻ nào bỏ lại. Nhưng cũng không biết là có phải biệt kích thật không vì bọn tôi trẻ con, theo đuôi người lớn một đoạn thì bị đuổi về nhà, và cũng chỉ được nghe kể đến thế.
Chinh chiến ở đâu không biết, nhưng vùng Thái Nguyên thật thanh bình. Thỉnh thoảng lắm mới nghe tiếng máy bay, nhưng không ầm ĩ như ở Hà Nội; chắc bọn Mẽo cũng không định rải thảm miền rừng núi ấy. Vào những ngày cuối cùng, loa phóng thanh đưa tin tình hình chiến sự đã tạm yên, bà con Hà Nội lên sơ tán có thể trở về. Nhưng tôi (và cả Hạnh) chỉ muốn cứ chiến tranh tiếp đi, để hai đứa được tiếp tục chơi với nhau! Ngày chia tay, tôi còn nhớ ông tôi bật cái đài bán dẫn - hồi đó quí hơn vàng! - và bài hát "Việt Nam, trên đường chúng ta đi" vang lên rất hùng tráng. Ai nấy hồ hởi sắp xếp đồ đạc chuẩn bị lên đường. Riêng tôi và Hạnh, đã khóc hết nước mắt!
Sau khi về Hà Nội, tôi và Hạnh không bao giờ có dịp gặp nhau nữa. Ông Đường, bố của Hạnh, mỗi lần đi công tác, thỉnh thoảng có ghé nhà tôi chơi, nhưng cái khoảng cách Hà Nội - Thái Nguyên dường như quá xa xăm vào thời đó nên 2 gia đình cũng chẳng có ý dinh cả nhà lên thăm nhau. Thời gian sau, hầu như tôi không được biết chút gì về Hạnh.
Cho đến tận năm 1985. Tôi đã học gần xong ngoại ngữ ở trường Thanh Xuân và rậm rịch cho chuyến đi Hung thì bố Hạnh - lúc đó đã về hưu - có lên Hà Nội chơi và đến thăm nhà tôi. Ông cho biết Hạnh đã qua Tiệp (không nhớ là làm gì, chắc là đi lao động) và phàn nàn: "Con bé bây giờ ăn chơi lắm, lúc nào cũng xà phòng, nước hoa thơm nức, lại còn guốc cao nữa chứ. Ăn mặc thì phong phanh. Rõ chướng mắt!" Dịp ấy, tôi đang hào hứng với cái ý nghĩ sắp được thoát khỏi gia đình, bay nhảy bốn phương trời, nên nào có để ý mấy đến lời ông Đường. Và dường như cũng quên khuấy đi cô bạn thân thiết thuở trước!
Thời gian trôi qua. Tôi đã viết hàng ngàn, hàng vạn lá thư, nhưng bây giờ ngồi nghĩ lại, chắc không có lá nào giản dị và trong sáng như lá thư đầu đời ấy. Cho đến đêm qua, đọc lại những trang nhật ký. Một thời thơ ấu, một vùng trời quá khứ lại ùa về, mát rượi và tinh khôi! Bỗng dưng, tôi có cảm giác như chẳng có gì đổi thay dù bao năm đã trôi qua, tôi vẫn là một cậu bé lên bốn, dắt tay một cô bé cùng tuổi (Hạnh hơn tôi vài tháng) lang thang dạo bước trong cánh rừng thưa lúc nào cũng râm ran tiếng côn trùng và cây cỏ (hồi ấy, bọn tôi có cảm giác như cỏ cây hoa lá cũng biết thở, biết trò chuyện)...
Khi đọc bài viết về ngày 30-4 của tôi, anh Trần Hoài Thư, một nhà văn sống ở Mỹ đã khuyến khích tôi viết lại những kỷ niệm thời thơ dại trên vùng thượng du Bắc Việt, mà anh ấy cho là chắc hẳn phải "tuyệt đẹp". Chả hiểu vì sao, dạo đó tôi đã không viết. Để giờ đây, trong một đêm trằn trọc, tôi có dịp lan man với các bạn về một cái gì đã trôi qua và không bao giờ trở lại.
Nhưng những kỷ niệm long lanh thì vẫn còn, vĩnh viễn, không phai mờ!
(*) Ảnh trên là Hạnh, ngày 22-11-1985 :)
16 nhận xét:
Tuyệt, câu chuyện hay và giản dị như chính tuổi thơ của anh và chị Hạnh. Có lẽ để mà viết chuyện của chính mình thì em cũng chịu và ko biết cho đến sau này đến thời con mình chúng có những câu chuyện giản dị về chính bản thân mình như thế này ko? Kỷ niệm ko phai mờ là câu kết cuối cùng của anh, điều mà em vẫn băn khoăn và trăn trở.
Câu chuyện đẹp quá!
Ơi mối tình đầu
Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu
Mà cũng hòa mau...
@ Cám ơn tất cả các cô bác, các em :)
@ Hoa Pion: Tức là tình đầu thì ko được phép dang dở? Tình dang dở, thì ko là tình đầu? v.v... Ý hay đấy, để anh nghiền ngẫm nhé :)
@ Minh: Em bị hội chứng PD mất rồi! Tẹo sẽ có entry liên quan đến PD nữa, nhé ;) Nhẹ nhàng thôi...
À, năm đó anh 5 tuổi mà. "Khóc hết nước mắt", ko phải vì đa tình, mà vì hết chiến tranh rồi, ko được chơi (những trò... mất vệ sinh!) với nhau nữa ;)
@ Anna: Tời nào chả có những câu chuyện kiểu thế này? Em cứ ngồi, nghĩ, là viết được. Viết xong, gửi nhé, anh biên tập cho :)
@ QUASIMODO: Cám ơn em!
@ Bác Trương Thái Du: Rất hân hạnh được sanh cùng năm với bác! Vẫn đọc bác đều, cám ơn bác vô chơi nhà tui! :)
Vụ viết thư, làm thơ (1-2 bài rất "trứ danh") năm lên 4-5, để tui lục lại Nhật ký ông tôi viết, scan lại, cho nó xác tín. Tư liệu bác ạ :)
@ Fortunate V.: Thơ hay, ko kém gì nhà thơ Minh! :)
hay quá anh ơi
Rất đồng cảm với anh, vì tôi cũng cỡ tuổi anh, cũng từng nghe B52 quần trên bầu trời HN. Gia đình tôi sơ tán về núi Thanh Tước, Phúc Yên.
Đọc entry của anh như một chất xúc tác, làm tôi nhớ lại nhiều thứ. Có điều là 4 tuổi tôi chưa biết viết thư, dù mẹ tôi là cô giáo, ông ngoại là nhà Nho.
Anh Linh:
1. Trông chị Hạnh giống Thái Hiền nhỉ? Hay là em bị ám ảnh bởi dòng họ PD mất rồi? :p
2. "Ai nấy hồ hởi sắp xếp đồ đạc chuẩn bị lên đường. Riêng tôi và Hạnh, đã khóc hết nước mắt!" --> năm đấy anh bao nhiêu tuổi, sao đã đa tình thế? ;)
@ Minh: Ừ nhỉ, vì bị cuốn theo luồng tư liệu thâm hậu của bác F., nên quên cả một đại tác phẩm nữa :((
Chúc mừng anh Linh!
Em thích một câu thơ của Hữu Việt, rằng "Nếu không dang dở, mới thật tình đầu".. Nên tình đầu với ta chính là mối tình ... không dang dở :P, đang ở cạnh ta, đang bế NM, đang chăm TV, đang "mắng mỏ" ta :D
Hix, vừa ở Bangkok cả tuần về. Vẫn chưa qua nhà Linh chơi được. Không rõ bà già và em Vân còn ở VN không. Hồi này công việc bu-du-nét không được trôi chảy nên hơi chán tí.
Lớp này lãng mạn ghê, viết hồi tưởng về tình đầu thời mẫu giáo nữa.
@ Fortunate V.: Thơ hay, ko kém gì nhà thơ Minh! :)
--> Troi, bac nay uong ruou say nen quen het roi. Day la Ngay xua Hoang Thi ma ;)
Ko sao dau anh, day chac la "trieu chung" cua tuoi 41 thoi :))
Để giờ đây, trong một đêm trằn trọc, tôi có dịp lan man với các bạn về một cái gì đã trôi qua và không bao giờ trở lại.
Nhưng những kỷ niệm long lanh thì vẫn còn, vĩnh viễn, không phai mờ!
--> Hihi, tam huyet qua anh a ;-)
Oi oi, cai Ym no do hoi, em tuong chua dc nen lo~bam may lan, anh xoa di ho em voi nhe a :D
@ Hà: Anh xóa rồi hihi.
Về nhà có thời gian, update các entry blog anh nhá. :)
À, mà phải chính thức chúc mừng em đã... mất từ do từ mấy ngày nay hihi. Đã quen với status mới chưa? ;)
@ Mẹ Scoo: "một quả tình yêu trong sáng", chữ "quả" này hay quá. Như kiểu "con xe" nhỉ?
Anh còn nợ em 1 bài chưa edit :((
Hôm nay em mới vào đọc bài này, hihi, nhớ ngày xưa em cũng có một quả tình yêu trong sáng thế đấy.. hứa với anh khi nào làm xong cái paper của nợ này em sẽ viết, phải chờ cảm hứng đã anh ạ vì hôm nọ em vừa gặp y, thấy chả có cảm hứng gì cả nên giờ chưa viết dc he he..Công nhận tình đầu nhiều khi nghĩ lại cũng thấy hí hí chả biết mô tả thế nào
Đăng nhận xét