2/5/08

Chuyện dịch dọt của Cavenui

Cavenui có entry này, như thường lệ, rất gợi mở về nhiều chuyện.

Bố cún để ý ngay đến phần dịch dọt, là cái cho dù... mắc dịch, mà vẫn cứ phải làm. Vì bét ra nó cũng có chút ích lợi gì đó.

Đối chiếu bản tiếng Việt và tiếng Nga bài "Lớp Một ơi lớp Một" mà trẻ con Việt Nam chắc không mấy đứa không biết, Cavunui rút ra kết luận là "bản dịch tiếng Việt có ít nhất 1 lỗi sai hẳn ý bản gốc": "Trong bản tiếng Việt cô giáo lớp 1 sẽ chia tay với các bạn nhỏ được lên lớp ("Chào cô giáo thân mến/Cô sẽ xa chúng em") còn ở bản tiếng Nga thì cô giáo sẽ cùng các bạn lên lớp 2". Và Cavenui bình: "Dịch giả không thể hiểu sai, nhưng bản dịch của ông hướng đối tượng là học sinh lớp 1 ở Việt Nam nên ông phải Việt hóa bản gốc cho phù hợp với thực tế Việt Nam (các cô giáo không theo học sinh lên lớp cao hơn). Lỗi dịch sai này (trong trường hợp này là cố tình) giống như nhiều lỗi dịch sai (trong nhiều trường hợp là không cố tình) các tác phẩm văn nghệ có lời (thơ, truyện, kịch bản sân khấu, lời bài hát…) khác, và khác với các lỗi dịch sai khi dịch hợp đồng kinh tế, tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc hay máy móc thiết bị, không gây hậu quả nghiêm trọng. Cho đến nay chúng ta vẫn quan niệm một cách hoàn toàn đúng đắn rằng việc dịch sai 1 tác phẩm văn nghệ có lời không gây hậu quả nghiêm trọng nên mặc dù nhân loại đã có những bước tiến mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật, đến nhỏ bé, nghèo nàn và lạm phát cao như Việt Nam ta cũng “tự hào và tự tin” với Vina Sất thì trong lĩnh vực văn nghệ có lời, người ta vẫn chưa tìm ra được (vì không đặt nhiệm vụ phải tìm ra) công cụ tránh dịch sai."

Một đoạn không dài lắm mà đánh động bao nhiêu vấn đề!

- Thứ nhất là về vụ "dịch sai" bài thơ Nga. Thực ra, hồi bé đi học, bố cún chỉ được đọc bản tiếng Việt, không thấy ai nói và cũng không biết đó là thơ (phỏng) dịch. Mãi về sau, mới hay là có khá nhiều trường hợp như thế, phỏng của tứ xứ. Và vì không công bố là thơ dịch, cũng chả hiểu dịch giả là ai, nên vấn đề dịch đúng/sai trước kia chưa đặt ra, nhỉ?

Bây giờ, coi như là chuyện truy tầm bản gốc tiếng Nga đã được Cavenui thực hiện, thì theo ý kiến của bố cún, với những bài như thế này, ta coi là phỏng dịch thôi (như "Đợi anh về", Tố Hữu dịch Simonov cũng vậy), cốt là lấy cái ý và hướng về độc giả Việt Nam. Tạm không coi đó là "lỗi dịch", hay "dịch sai". Vì tác giả chắc là hiểu đúng, mà chỉ dịch lái đi, cho phù hợp "đặc thù Việt Nam".

- Tuy nhiên, chuyện dịch sai (vì hiểu sai ấy, tạm bỏ qua các lý do khác, như chính trị, thuần phong mỹ tục, mà phải... sai ;)), có lẽ cũng là phổ biến khi dịch một tác phẩm. Có lẽ phải thông cảm thôi, chứ một tác phẩm Việt Nam lắm khi còn có ti tỉ cách phân tích, lý giải về ngữ nghĩa (mà của đáng tội, đọc lên thì thấy ông GS nào nói cũng hay, cũng đúng cơ, "người trần mắt thịt" như bố cún lắm khi cũng bị nhiễu lắm ;)), nói gì đến sách Tây, Tàu. Tất nhiên là ở đây, loại trừ chuyện dịch ẩu tả, thiếu "lương tâm nghề nghiệp" (vụ này bạn today20 đã nói rồi ;)), thì sai do.. hiểu sai, chưa thật chính xác, chắc cũng khó tránh khỏi.

Mà dịch sai tất nhiên cũng có nhiều cấp bậc. Sai về từ ngữ đơn thuần (như cây sồi ta biến thành cây thông), cũng có hại, nhưng có lẽ... chưa chết thằng Tây nào ;). Còn sai về khái niệm, làm hỏng hẳn một câu/đoạn... văn, thì chắc chắn phải có cách nào đó để đính chính hoặc "bồi hoàn" cho độc giả đã trót đọc và nhập tâm cái sai ấy.

Chắc là còn lâu mới tìm ra được một "công cụ để tránh dịch sai" như Cavenui kỳ vọng. Chỉ có cách khả dĩ hơn, là cấm, hoặc chôn sống tất cả những kẻ nào còn manh nha dịch dọt ;). Hoặc, trả thật hậu cho người dịch, nhưng cứ một lỗi dịch sai lại cũng phạt thật nặng. Và, tất nhiên, phải duy trì một đội ngũ "dọn vườn" đông đảo, hàng ngày chỉ có chức năng so lại với bản gốc đê tìm cái sai ;)

Có điều, như thế thì e rằng ngay cụ Hạo và các cụ "cổ thụ" (*) khác cũng chào thua mà kiếm nghề khác mất ;)

(*) Cách đây chục năm, có cuộc tranh luận khá vớ vẩn trên báo chí Việt Nam vì ai đó dùng từ "cây ná cổ thụ", ám chỉ cây ná cũ, và đương sự cho rằng dùng thế được, chả sao, cũng không sai gì về ngữ nghĩa ;)

8 nhận xét:

Cavenui nói...

Em không biết gì về dịch mà cứ liều mạng nói chuyện dịch là để dụ bác vào blog em chơi, làm sang cho Cavenui. Bác không thèm vào mà lại bêu xấu em ở đây!

PVNH nói...

Hihi, anh Linh làm em tự nhiên nhớ đến bài hát Scaborough Fair của Simon & Garfunkel bị dịch thành "dàn thiên lý..." (và nhiều trường hợp tương tự), làm em hồi bé cứ ngỡ là nhạc Việt chính gốc. Sau này lớn lên, tự tìm hiểu âm nhạc mới hiểu ra... :p

Hoa Pion nói...

Hi hi, vụ "cổ thụ" hay nhỉ, chắc người ta nghĩ đến cái cây mới dịch thế! Ko thì có thể dịch "Cây ná lão thành" được không ạ? :)

PVNH nói...

À, vâng, thì em nói lạc đề mà anh. Tự nhiên nghĩ ra thế thì em kể ra thôi anh ạ :D

Hoang Linh nói...

@ Hà: Cái đó là đặt lời Việt, có người đặt sát (hoặc bét ra cũng theo ý nguyên gốc), có người "bịa" lời hoàn toàn khác. Miễn là nghe xuôi tai, thấy... êm ái một bài hát Tây (mà text nguyên bản có thể không hay ho gì lắm), chứ không gọi được là "dịch".
@ Hoa Pion: Vấn đề là có một số từ mình cứ nghĩ, hoặc cứ "ngầm mặc định" là nó phải dùng trong trường hợp này, mà ko được dùng trong trường hợp khác. Trong trường hợp này, từ "cổ thụ" chỉ dùng cho... cây, mà ko dùng cho người hoặc những đồ vật khác. Cái này đúng sai ở đây tạm chưa bình luận (tự điển bảo "cổ thụ" nghĩa là "cây to sống đã lâu năm" ;)), nhưng trên nguyên tắc thì có nhiều từ mình dùng với một nhóm "đối tượng" theo thói quen mà thôi, chứ không "luật" nào cấm dùng nó đối với một nhóm "đối tượng" khác. Cũng như vậy, "lão thành" hay dùng với người "lão thành cách mạng" ;)), nhưng nếu cứ dùng cho cây cỏ, súc vật... thì làm sao nhỉ ;)

Nguyen Canh Binh nói...

Chà, chuyện dịch dọt thì kể sao hết được, bao giờ em viết được chuyện bếp núc dịch dọt ở nhà mình nhỉ cho các anh chị đọc nhỉ? Bao nhiêu chuyện hay ho về các dịch giả, dịch thật.
8=) (Bình "dịch thật", k phải Bình "dịch giả")

Hoang Linh nói...

Bình kể đi, dịch dọt (cũng như dịch tả, dịch hạch, tiêu chảy...) bao giờ cũng là chuyện hay...

TM nói...

oi em chao anh Canh Binh, long time no C

Đăng nhận xét