17/1/08

Sonata Ánh trăng



Hôm nay mệt quá nên thôi lại nhạc nhẽo tí cho thư giãn.

"Sonata Ánh trăng" (The Moonlight Sonata) có lẽ là bản cổ điển được "đại chúng hóa", "bình dân hóa" bậc nhất của Beethoven, bên cạnh "Für Elise". Những bản kiểu thế này, rất thích hợp cho loại "tai trâu" như bố cún, nghĩa là chả được học hành gì tử tế, chỉ dò dẫm nghe ngóng, và nếu thấy cái gì dễ nghe (hạp nhĩ), thì bảo là hay ;).

1. Về nguồn gốc bài này, chắc ai cũng biết là nó được sáng tác ở Hungary hè năm 1801, tại điền trang của gia đình Brunswick. Nó được công bố trong năm sau, và được đề tặng cô gái Countess Giulietta Gucciardi 17 tuổi, tương truyền là trò cưng, và cũng là người yêu của Beethoven. Khi đó, Beethoven 31 tuổi và sau chừng 5-6 năm bị lãng tai, ông đã có những triệu chứng đầu tiên của bệnh xơ hóa thính giác (khiến việc nhạc sĩ mất khả năng nghe là điều chắc chắn), cùng nhiều bệnh tật khác. Đau ốm triền miên, Beethoven đã có ý định tự sát.

"Sonat Ánh trăng", thực ra là bản Sonata Op. 27 nº 2 gồm 3 phần, mà dân ta chỉ hay nghe phần đầu, coi đó là toàn bộ "Ánh trăng". Sau đây là version dành cho dương cầm, Alberto Cobo chơi:

- ADAGIO SOSTENUTO

- ALLEGRETO

- PRESTO AGITATO

2. Cái tên "Ánh trăng" chỉ xuất hiện vào năm 1832, khi Ludwig Rellstab - một thi sĩ kiêm phê bình âm nhạc - nghe những âm thanh đầu tiên của bản nhạc và hình dung cảnh ánh trăng bên hồ Lucerne (Thụy Sĩ). Như vậy, những câu chuyện kiểu Beethoven sáng tác bản này dưới ánh trăng ra sao, hoặc để tặng một cô gái mù, cho cô tưởng tưởng ra ánh trăng như thế nào, v.v... xem ra, là hoang đường.

Tuy nhiên, đọc mẩu sau (của Hoàng Lân, "Những mẩu chuyện âm nhạc", Nhà xuất bản Giáo dục), vẫn thấy đẹp, kiểu Paustovsky. Dù, rõ là bịa ;)

… Khoảng gần 200 năm trước đây, ở miền Tây nước Đức, nằm bên bờ sông Rhein lịch sử, có một thị trấn bé nhỏ và nghèo nàn. Đó là thành phố Bonn ngày nay, quê hương của nhà soạn nhạc Beethoven vĩ đại.

Tối hôm đó, có một người đàn ông đang dạo bước tha thẩn. Từ căn nhà nhỏ cuối ngõ vọng ra tiếng đàn piano ấm áp, thanh thản, tỏa vào không gian tịch mịch. Âm điệu “quý phái” kia giữa nơi tối tăm này làm người đàn ông chú ý và đến bên cửa sổ lắng nghe. Giai điệu say sưa vang ngân bỗng vấp váp, một nốt chói lên và tiếng đàn dừng lại. Có tiếng nói yếu ớt của một người con gái:

- Đoạn này khó quá, lại hỏng, ước gì được nghe Beethoven đàn, chỉ một lần thôi, thì thật là hạnh phúc…

Có tiếng trầm trầm, giọng đàn ông:

- Nghe đâu dạo này Beethoven đang biểu diễn ở đây thì phải. Nhờ trời qua khỏi cơn túng quẫn thì tốn bao nhiêu anh cũng mua vé để em đi xem một buổi…

Tiếng nói đầy trìu mến của người đàn ông hạ thấp xuống, xen lẫn tiếng thở dài:

- Ôi, dạo này sinh hoạt còn khó khăn quá, em cố gắng chờ, biết đâu dịp may chẳng đến.

- Anh ạ, em mong thế thôi, chắc không làm bận lòng anh chứ !

Tiếng cô gái cảm động, nghẹn ngào, nghe buồn buồn, cứ lan xa, lan xa…

Rồi lại yên lặng…

Từ nãy, người đàn ông đứng nghe bên cửa sổ, bước đến gần cửa ra vào, đưa tay lên gõ cửa và nhẹ nhàng bước vào nhà.

Trong căn nhà tối tăm, chỉ có ngọn nến leo lắt. Nghe tiếng động, người đàn ông chủ nhà vội đứng lên hỏi: “Thưa… ngài là ai, chẳng hay có việc gì ?” Chủ nhà dáng cao lớn nhưng xanh xao, đang ngồi khâu giầy, bên những chiếc dùi, những mảnh da lớn nhỏ.

Ông khách lạ cảm thấy lúng túng, ấp úng nói: “Thưa, tôi là… nhạc sĩ, nhân qua đây thấy có đàn piano xin vào dạo chơi để gia đình thưởng thức”.

Chủ nhà và người em gái buồn rầu, ngần ngại nói: “Thật vô cùng sung sướng cho chúng tôi, nhưng nhà bần hàn, biết lấy gì tạ khách!”

“Ồ, không sao, xin lỗi, lúc nãy tôi đã nghe trộm câu chuyện, nhân biết chút đàn piano nên đánh bạo vào chơi!”

“Thực là may mắn!” - người đàn ông chủ nhà nói và thầm nghĩ: “À, ra đây không phải là nhạc sĩ như nhiều nhạc sĩ nghèo khổ khác ở Bonn thường đi bán rong nghệ thuật để sống”.

Đến bây giờ, người thiếu nữ mới quay mặt nhìn ra. Trên gương mặt non trẻ, ánh sáng đôi mắt không còn nữa. Thì ra, đây là một cô gái mù, em của người thợ giày, chủ căn nhà lụp xụp này.

Nhạc sĩ đứng lặng, chợt hỏi:

- Xin phép hỏi cô, cớ sao cô kém mắt mà còn tập được bản nhạc khó như vừa rồi?

Một nét buồn thoáng qua lẫn chút tự hào trên khuôn mặt thơ ngây của cô gái.

- Thưa, vì trước nhà tôi là một tòa lâu đài, có một vị nữ công tước hay đàn bản nhạc này nên tôi nhớ và đánh lại.

Không đợi mời, ông khách lạ bước đến bên đàn và ngồi dạo những âm thanh êm dịu. Các ngón tay lướt trên phím trắng muốt thả vào không gian những nốt nhạc lấp lánh, lấp lánh… Người biểu diễn say sưa, hai thính giả cũng say sưa. Âm nhạc đang ngợi ca những tình cảm cao đẹp nhất của con người, khiến trong phút chốc người ta quên cả căn nhà nhỏ tối tăm có chiếc đàn piano cũ kĩ, có những đôi giày rách.

Tiếng đàn vừa dứt, một ngọn gió thoảng vào làm cây nến lung lay rồi vụt tắt. Mặt trăng ló ra khỏi đám mây, ánh trăng tràn vào nhà.

Chủ nhà như bừng tỉnh, vội hỏi:

- Chết! Xin ngài cho biết quý danh?

Không trả lời, ông khách lạ lại ngồi xuống đàn, cảm hứng dào dạt. Chiếc đàn lại vang lên bản “Sonata” giọng Pha trưởng, bản nhạc cô gái đang tập lúc nãy.

Vui sướng, mừng rỡ hai anh em cùng kêu lên:

- Trời… chính ngài là…

- Vâng! – và khách đứng dậy cáo từ ra về, nhưng hai anh em vội nài nỉ người khách ở lại với một tấm lòng thiết tha.

Phải, đó chính là Beethoven. Ông đã từng sống trong cảnh nghèo, đã từng biểu diễn ở khắp châu Âu, và được hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng giữa bọn vương giả, quý tộc, giữa bọn “vừa gặm đùi gà, vừa thưởng thức âm nhạc”, chưa bao giờ ông tìm được cảm xúc mạnh mẽ và tình cảm thanh cao như lúc này.

Một lần nữa, Beethoven ngồi xuống dạo đàn theo tùy hứng. Âm nhạc tuôn chảy dào dạt trên phím. Giai điệu êm nhẹ như những dải mây bạc, lúc toả rộng bao la như biển cả, lúc như mặt trăng nhô lên từ mặt biển rực rỡ. Ánh sáng kỳ diệu toả lan trên bờ cát trắng tinh như muôn ngàn viên ngọc kim cương. Ánh sáng chạy đến những miền rừng rậm hoang vu, tỏa ra cánh đồng phì nhiêu, nô đùa trên sóng nước lăn tăn… Rồi nét nhạc chuyển sang nhịp nhàng, mờ ảo như vũ khúc của các nàng tiên trong thần thoại. Nhạc điệu cứ trào ra theo cảm xúc tràn trề, dồn dập. Phím đàn líu lại như không diễn tả nổi kịp những tình cảm đẹp đẽ, phong phú ấy, nghe như ngàn vạn tiếng reo, tiếng sóng vỗ bay lên bồng bềnh ngợi ca những gì đẹp đẽ nhất, vĩ đại nhất.

Khách ra về lúc nào, trong cái dư âm ngây ngất đó, chủ nhà vẫn vô tình không biết.

Ngay đêm đó, bản nhạc được ghi lại. Một tuyệt tác âm nhạc ra đời - một trong những thành công lớn của Beethoven đến ngày nay cả thế giới vẫn còn ngưỡng mộ. Đó là bản nhạc “Sonata” số 8 hay còn gọi là “Sonata Ánh trăng”…

3. Một cô Hung tên là Fátyol Szilvia (điện thư: fatyol.szilvia@freemail.hu), đã đề ra một cái project khá ngông nghênh (Vájt Fül Projekt), với mục tiêu cao cả là hướng những kẻ "mù nhạc" làm sao có thể thưởng thức âm nhạc một cách "sành điệu" ;)

Project này xuất phát từ một ý tưởng căn bản là khi xem ai đó diễn một bản nhạc, làm sao mình biết được nó hay hay không? Mình có... nên thích bản diễn ấy không?

Theo cô bé Hung này, có ba yếu tố căn bản tác động đến điều này, như sau (theo thứ tự giảm dần của sự quan trọng, đối với cô ta):

- Sự quen thuộc: mình nghe lần đầu, hoặc thường nghe một version nào, thì coi nó là hay,

- "Đua đòi", "học làm sang": hễ cứ thấy ai đó nổi tiếng chơi, thì bảo version ấy là hay,

- Thực chất: độc lập với hai yếu tố trên, chỉ dựa trên khía cạnh âm nhạc của version đó.

Cô Hung cho rằng, nếu thực sự muốn đánh giá một buổi hòa nhạc, hoặc một version nào đó, trên nguyên tắc, chỉ được để tâm đến yếu tố thứ ba, nhưng trong thực tế, yếu tố này lại ít được quan tâm nhất, đặc biệt là với dân mù nhạc, như bố cún.

Để thử nghiệm, cô bé đề xuất một project, theo đó, cô đưa ra 4 version của "Sonata Ánh trăng" (phần 1) và đề nghị mọi người nghe kỹ, rồi cho ý kiến (cho điểm từng version). Sở dĩ phần 1 của "Sonata Ánh trăng" được chọn, theo cô Hung, vì đây là một bản khá thông dụng (như vậy không cần bỏ quá nhiều thời gian để làm quen với nó), tương đối được chuộng và nghệ sĩ chơi nó tương đối "có đất" để tự do dụng võ (như thế, người nghe mới có cái để đánh giá), và cũng không quá dài (tương đối dễ "nắm bắt", đánh giá và so sánh).

Cô Hung này cũng "gà" cho người nghe rằng, dể giảm yếu tố quen thuộc (yếu tố 1), nên nghe mỗi version độ 3-4 lần và như thế, version nào nghe cũng sẽ "quen quen" cả. Còn để loại trừ yếu tố "đua đòi", cô chỉ đánh số chứ không đề tên người chơi.

Với project này, cô bé Hung khẳng định: người nghe không chỉ thử được "tai nhạc" của mình, mà còn thử được xem mình... "đua đòi" đến mức nào ;)

Nhà mình thử xem nhé :)

Version 1

Version 2

Version 3

Version 4

4. Truyền rằng, bài "Because" (John Lennon, 1969) là do "Sonata Ánh trăng" chơi... ngược lại mà thành ;) Hay ít nhất là theo lời John, một ngày nọ, Yoko Ono chơi "Sonata Ánh trăng" và tự nhiên, John đề nghị vợ chơi... ngược vài đoạn, rồi từ đó nghĩ ra giai điệu "Because the world is round it turns me on - Because the wind is high it blows my mind - Love is all, love is new - Love is all, love is you - Because the sky is blue, it makes me cry - Because the sky is blue..." :)

5. Cuối cùng là một slide show về "Sonata Ánh trăng" và Beethoven, với phần ảnh là nhiều công trình kiến trúc rất nổi tiếng ở Châu Âu.

16 nhận xét:

TA'May nói...

Em một hồi thích bản Sonata Moonlight. gần đây nghe lại thấy depressed.
hôm nay căng thẳng mệt mỏi, nghe bản because lại thấy thanh thản.
cám ơn anh Linh. Một kho kiến thức, một kho giai điệu âm nhạc :)

PVNH nói...

À, thêm nữa ạ:
Nhưng giữa bọn vương giả, quý tộc, giữa bọn “vừa gặm đùi gà, vừa thưởng thức âm nhạc”, chưa bao giờ ông tìm được cảm xúc mạnh mẽ và tình cảm thanh cao như lúc này.
--> nghe đoạn này, nó cứ.. ấy ấy thế nào ý nhỉ... :p
Còn ngoài ra, thì đây là 1 mẩu truyện rất hay. :-)
@ Mẹ Dế:
Hihi, em cũng toàn chỉ nghe bằng cảm tính. Thấy rất sung sướng chị ạ :D
@ anh Linh:
Em nghe cả 4 versions rồi, mỗi version chỉ nghe 1 lần thôi, mà cũng chả chịu nghe hết từ đầu đến cuối :D
Theo em:
- Version 1 hơi tẻ nhạt, đơn điệu...
- Version 2 thì hơi cứng...
- Version 3 ngay từ vài nốt đầu, em đã thấy có hồn. Nó mềm mại, cuốn em vào luồng của bản nhạc đó trong từng âm điệu, nốt nhạc... Version này là version duy nhất mà em nghe đầy đủ từ đầu đến cuối :D
- Version 4: như em dự đoán được trước, nó sẽ là kiểu chơi nhanh hơn hản 3 cái đầu :p Tuy nhịp điệu nhanh, nhưng người này khi chơi cũng có chứa đọng tình cảm của mình trong bản nhạc. NHưng vì nó hơi nhanh, làm người nghe cảm thấy hơi bị thúc đẩy. :D Vì thế nên không thấy cảm giáy sâu lắng, trầm ngâm như theo tinh thần của bản gốc :D
Hihi, ba hoa tí (theo cảm hứng thôi ạ), chả hiểu kết quả của cô bé kia là gì ạ? :D

PVNH nói...

* "...Vì thế nên không thấy cảm giáC sâu lắng..." (em gõ nhầm ạ)

2Ti nói...

Ôi, cái test dở òm. 4 bản khác hẳn nhau thế, tai trâu cũng phát hiện ra bản nào hay, dở...
Úi em ko có ý nói ai ở đây đâu nhé :)

Hoàng tử Dế nói...

Thanks anh Linh. Thế có còn khía cạnh thứ 4.. cho những người dốt về kiến thức âm nhạc, chỉ nghe nhạc bằng cảm tính như iem ko ạ? :P

2Ti nói...

À, để em lật tẩy tại sao lại chán òm cho anh thấy nhé.
Bản thứ nhất chơi như mới vỡ bài, dò từng nốt đều đều, chả có cảm xúc gì.
Bản thứ 2 đánh bằng đàn piano điện, tiếng khô khốc, nông choèn choèn.
Bản thứ 3 khá nhất vì có nhấn nhá, tiếng dương cầm êm như nhung, sạch sẽ và dung dị.
Bản thứ 4 đánh sai tốc độ, chơi nhạc như đi ăn cướp.
Nếu để thử, đích thực là có tai âm nhạc í, thì phải đưa những bản nhạc của những người nổi tiếng khác nhau chơi cùng 1 cây dương cầm, hoặc cùng 1 người chơi nhưng ở những thời điểm khác nhau cơ :)

Hoang Linh nói...

@ 2Ti: Thế à? Anh lại sợ cái test này chính là để lừa những hội "tai trâu" như anh đấy, nên đến giờ vẫn phân vân, dù đã nghe mấy lần, tùng version.
Tại sao á? Là vì với những ai ko được học hành tử tế, thì nghe đa phần bằng cảm tính (ở đây anh ko nói nhiều người có trình độ vẫn nghe bằng cảm tính, đó là thói quen của Việt Nam thì phải, trước nay vẫn vậy). Mà nghe bằng cảm tính, thì dễ "sa" vào mấy trường hợp (mà vô tình, cô bé Hung kia đưa ra có phần giống với suy nghĩ của anh, dù anh ko quen gì cô ta), ấy là: 1. thấy cái gì hay nghe, nghe quen, hoặc "ấn tượng ban đầu", thì cho là hay; 2. thấy cái gì do ngưòi có tiếng chơi, thì "mặc định" cho là ắt phải hay. (Ở đây, cô bé này bỏ qua một trường hợp, hay xảy ra với dân "mù nhạc" Việt Nam như anh, là thấy cái gì dễ nghe, thì bảo hay ;) - bọn Tây đỡ hơn trong khoản này, vì, ví dụ, như Hung, thì nhạc lý, thanh nhạc là môn học bắt buộc và cũng quan trọng trong nhà trường, từ cấp Tiểu học, đủ để chúng nó phân biệt hay dở, mà ko chỉ dựa vào những cái "hạp nhĩ").
Bản thân test này, anh thấy hay phết. Còn chuyện cô bé chọn 4 bài test như thế (lý do thì cô ta có nêu ra) có phù hợp hay ko, thì anh ko dám nhận xét. Chính là vì, cái sự "4 bản khác hẳn nhau" ấy, nó dễ làm mình bị lừa ;)
Dĩ nhiên, kể ra, nói chuyện nhạc với 2Ti thì "chít rùi" nhỉ? ;)

Hoang Linh nói...

@ Hà:
- "Rahn", anh viết nhầm đấy. Ở bản gốc, các danh từ riêng đều được phiên, ví dụ "Bét-tô-ven", "Bon", "Ranh"..., anh thấy hơi chướng nên để lại tên Tây của chúng. Tuy nhiên, bỏ sót cái "Ranh" này, và khi type lại còn bị đảo thành "Rahn" ;)
- Cái câu về bọn "vương giả, quý tộc" đúng là câu duy nhất trong bài anh định comment, nhưng xong lại thôi, xem có ai để ý ko. Anh ko có tư liệu lắm về "vương giả, quý tộc" Tây, và biết là ở đâu cũng có những kẻ lố bịch, "trưởng giả học làm sang", nhưng có lẽ ở bên này, càng "vương giả", "quý tộc" thì lại càng có văn hóa, được học hành tử tế (thời xưa ấy), nên khó có chuyện "gậm đùi gà" (khi xem hòa nhạc - còn nếu ở các cuộc vui có nhạc thì khác, nhưng làm gì đến nỗi Beethoven đi diễn ở đó? ;)). Có thể tác giả (Việt Nam) khi viết cái đó, liên tưởng đến "vương giả, quý tộc" Việt Nam chăng? ;)

Hoang Linh nói...

@ Mẹ Dế & Hà: "Chỉ" nghe bằng cảm tính, đề tài hay lắm. Ở đây, ko nhất thiết là do mình "dốt" nhạc mới nghe bằng cảm tính, mà vấn đề, có thể là, cách (quan niệm) thưởng thức, thẩm định nghệ thuật bằng cảm tính đã ăn sâu vào suy nghĩ của Á Đông, và Việt Nam. Ví dụ, phê bình văn học kiểu Hoài Thanh trong "Thi nhân Việt Nam" cũng là lối phê bình cảm tính. Đại đa số các tác phẩm văn hóa (Tây, ta...) mà mình có thể cảm nhận được, phần nhiều cũng dựa vào cảm tính. Mà "phàm là" đã cảm tính, thì mình khó hấp thụ được những cái hơi phức tạp, hơi khó, hơi lạ, hơi mới, khác với "truyền thống", v.v...
Cái này, một phần, do Việt Nam mình ít được học hành căn bản về văn hóa, nghệ thuật ở các cấp tiểu và trung học, cho nên, sau này, ngoài những ai trong nghề, thì đại đa số rất lơ mơ trong việc thưởng thức nghệ thuật. Ai ham mê thường phải tự học, mà tự học thì dễ... cảm tính, khó sâu. Dĩ nhiên, nếu mình học được thêm, thì khả năng "cảm tính" của mình sẽ được mở rộng, mình sẽ cảm thụ được ở một phạm vi bao quát hơn, nhưng vẫn bị hạn chế...
Như anh, khi nghe một bản nhạc cổ điển nào mới, lạ, anh hay test 1 cách tự trào, là hỏi Thu Vân xem bản đó có hay ko, dù có thể nó chưa nghe bao giờ (như thế càng chính xác, vì loại trừ được yếu tố nghe quen thì cho là hay)? :). Nó học nhạc lý, thanh nhạc 3 năm ở trường, hệ nâng cao, ăn đứt mấy chục năm tự mày mò của bố :)
Sẽ phải có 1 entry riêng về vụ cảm thụ các giá trị nghệ thuậ, đề tài Ph.D. đấy hihi

Hoang Linh nói...

@ 2Ti: Để anh dịch các comment "lật tẩy" của em, và gửi tham gia project nhé ;)
Thực ra, anh đồng ý với mẹ Dế ở chỗ, "cảm tính" (hay sự nhạy cảm trong cảm thụ), cũng là một điều cần có, bên cạnh sự học hỏi (nếu được "bài bản" thì hay nhất). Nhưng trong trường hợp của test trên, anh đã thử thật "cảnh giác", bỏ qua hết những "cảm tính". Nên có thể lại bị lừa. Ngu nhỉ? ;)
Còn kiểu thử mà em đề nghị ("đưa những bản nhạc của những người nổi tiếng khác nhau chơi cùng 1 cây dương cầm, hoặc cùng 1 người chơi nhưng ở những thời điểm khác nhau"), thường khó xảy ra trong thực tế, nhất là với "đại chúng". Ví dụ, mình có thể hỏi dân tình xem họ nghe "Em ơi, Hà Nội phố" ai hát hay, Hồng Nhung, Cẩm Vân, Sao Mại, hay Khánh Lý, Tuấn Ngọc, v.v... Chứ hỏi, cũng bài ấy, cũnng Hồng Nhung, xem version các năm 1990, 1995, 2000, 2005... version nào hay hơn, thì... khó tổ chức lắm ;)
Ở đây, chỉ là 1 test đối với những người "mù nhạc" như anh (tức là có để ý nghe, cũng hơi chịu khó tự tìm tòi, nhưng ko có trình độ nhạc lý). Chứ ko nhằm với chuyên gia âm nhạc như em ;)

Hoàng tử Dế nói...

@Hà: ừ, cái đoạn em lẩy ra, chị đọc hôm qua cũng cảm thấy hơi khó chịu, hơi "ấy" thật.
@Anh Linh: Nghe bằng cảm tính, chẳng qua vì không có điều kiện được học đầy đủ các kiến thức về âm nhạc như người ta. Nhưng suy cho cùng, thưởng thức bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào, theo em, kể cả có kiến thức, thì vẫn cứ cần... cảm tính.

PVNH nói...

Anh ơi, sông "Rahn", em đoán tiếng Đức đúng của nó là "Rhein" anh ạ. Ở Đức chỉ có dòng sông ấy là có nhiều lịch sử và truyền thuyết thôi... Nhưng nếu anh thích tôn trọng tác giả, thì anh cứ để là "Rahn" cũng được ạ ;-)

Hoang Linh nói...

Chưa, đã có thời gian mail hỏi cô Tây đâu. Mà có thể anh bị cô ấy lừa, dưới cái vẻ "học thuật" nhỉ? ;)
Report tình hình chiến sự ở nhà nhé hihi

PVNH nói...

O*, hoa ra em nghe cung khong den noi nao nhi...
Tuy em ko biet la piano dien hay gi gi, nhung em thay em nhan xet rat khop voi chi 2Ti.
Tuong hom nay vao day thi biet ket qua test, hoa ra la ko co ha anh?

bÔnG hOa nói...

chào a. tình cờ ghé qua blog a đọc entry này, thấy a có vẻ thik tìm hiểu nhạc cổ điển. sưu tầm những câu chuyện về tác phẩm nổi tiếg sonate Ánh trăng. Entry rất thú vị nh có 1 chỗ chưa đúng: bản sonate này là số 14 k fải số 8 a ah. :)

Hoang Linh nói...

Cám ơn em, anh biết gì về nhạc cổ điển đâu :)

Đăng nhận xét