4/1/08

Thông dịch viên của Stalin: Bê bối và cuốn tiểu thuyết




Entry này hoàn toàn nghiêm túc :)

Post lại 1 bài dịch cũ, chưa đăng ở đâu. Bài đăng trên mục "Văn hóa" của tuần báo "160 giờ" (168 óra, số 47, ra ngày 25-11-2004), của ông E. Fehér Pál, một chuyên gia về văn học Nga (Xô) của Hungary. talawas xưa có đăng một bản dịch về bài này, nhưng tệ quá!

Tự nhiên lục lại để post, cũng vì định, nếu rảnh, sẽ dịch Erofeev một chút.

Vài dòng giới thiệu về Erofeev. Victor Erofeev (1947 - ), nhà văn Nga, là đại diện xuất sắc nhất của dòng văn học "alternativ" Nga đương đại; nhiều nhà phê bình còn đánh giá ông là tên tuổi nổi bật nhất và được tranh cãi nhiều nhất trong nền văn xuôi Nga hiện nay. Sinh ra trong một gia đình ngoại giao, cha từng là trợ lý cho ngoại trưởng Molotov ở thập niên 40, 50 và là thông dịch viên tiếng Pháp của Stalin trong một thời gian, thời thơ ấu, Erofeev sống ba năm ở Paris và ông thú nhận: "Cho đến nay, những cây dẻ Paris vẫn quý báu hơn đối với tôi, so với rặng bạch dương Nga". Mặc dầu trong một bài trả lời phỏng vấn, Erofeev nói ông không cảm thấy mình là một người Nga hay một người châu Âu thực sự, phải nói rằng trái với đa số các văn hào Nga các thế hệ trước, Erofeev không tự cột mình trong khuôn khổ nước Nga: có thể nói ông là một "công dân thế giới", cảm thấy thoải mái ở mọi nơi. Thành công văn học trong thời gian sau này của ông, một phần cũng nhờ đó.

Từ một cậu bé được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi của giới thượng lưu chính trị Xô-viết, chẳng mấy chốc Erofeev đã trở thành một "persona non grata" ở Liên Xô thời Brezhnev. Ngay từ những bài viết đầu tiên (1973), ông đã làm xôn xao dư luận. Erofeev tốt nghiệp khoa Triết trường Đại học Tổng hợp Lomonosov (Moscow) và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại Học viện Văn học Thế giới với chuyên khảo "Dostoyevsky và chủ nghĩa hiện sinh Pháp" năm 1975, nhưng công trình này không được công bố vì lý do tư tưởng (thời trước, Dostoyevsky và hiện sinh là những khái niệm rất "có vấn đề" ở Liên Xô!). Trong công trình đầu tiên được in ấn, ông nghiên cứu sự nghiệp của hầu tước de Sade, người có ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển thế giới quan của nhà văn; sau này Erofeev tin tưởng sâu sắc rằng con người, về cơ bản, là một thực thể cuồng dâm. Sau một vài bê bối nho nhỏ (chẳng hạn, bài viết của ông về Leon Tolstoy khiến Ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tức tối và tòa soạn tờ báo đã đăng tải bài viết đó buộc phải làm bản kiểm điểm đệ lên các cán bộ đảng), Erofeev cùng bạn là nhà văn Aksyonov tổ chức phát hành bộ kỷ yếu văn học "Metropol", thời đó bị coi là một thứ "văn hóa phẩm" bất hợp pháp, phản động. Tuyển tập này gây nên một vụ tai tiếng rất lớn, khiến Erofeev bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn và trong gần một thập kỷ, các tác phẩm của ông không được phát hành. Chỉ đến năm 1988, bốn truyện ngắn của Erofeev mới được ra mắt trên hai tờ báo "Yunosty", "Ogonok" và cuốn hợp tuyển "Zerkala". Một trong bốn truyện ngắn đó ("Con vẹt") đã khiến phương Tây ngỡ ngàng trước văn phong mới lạ và đặc biệt của nhà văn, lúc đó đã đến độ chín muồi về tư tưởng và nghệ thuật.

Trong vòng ít năm, Erofeev đã liên tục ra nhiều tập truyện ngắn và tiểu luận nổi tiếng, được thế giới biết đến như "Cơ thể Anna, hay là sự cáo chung của chủ nghĩa tiền phong Nga" (1989), "Trong mê lộ của những vấn đề chết tiệt" (1990), "Mỹ nhân Nga" (1990), "Sự phán xét cuối cùng"... Hè 1989, Erofeev còn viết một tiểu luận lừng danh mang tựa đề "Lời ai điếu cho văn học Xô-viết" - thoạt đầu được dành cho hội nghị của Quỹ Wheatland (tổ chức ở Budapest tháng 6-1989). Bài viết mạnh mẽ đã gây nên một cuộc tranh luận căng thẳng và dữ dội, kéo dài hàng năm trời: Erofeev bị mấy chục nhà phê bình văn học lên án kịch liệt vì theo họ, ông đã muốn khai tử toàn bộ nền văn học Xô-viết mà không lựa chọn những giá trị bền vững của nó. (Đọc bài tiểu luận vô cùng quan trọng này, chúng ta khó lòng không liên tưởng đến "Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa" của nhà văn quá cố Nguyễn Minh

Trở thành "con cưng của phương Tây" (ở Moscow, ông được tờ báo Anh ngữ "Moscow Magazin" bầu làm "người của năm"), từ đầu thập niên 90 trở đi, Erofeev bươn chải khắp hoàn cầu, phổ biến không biết mệt mỏi văn chương bản thân nói riêng và nền văn học "hậu không tưởng" Nga nói chung. Ông thường xuyên đi nói chuyện và tổ chức những cuộc đọc sách tại nhiều trường đại học Tây Âu và Mỹ; các bài viết của ông được đăng tải đều đặn trên các tạp chí nước ngoài như "New York Review of Books", "Die Woché", "Nowel Observateur"... Truyện ngắn "Sống với chàng ngốc" viết năm 1982 của ông được Alfred Snitke chuyển thể nhạc kịch năm 1993 và được trình diễn ở rất nhiều thành phố lớn ở châu Âu; tác phẩm đó cũng được đạo diễn Rogozhkin dựng thành phim ở Saint Petersburg. "Mỹ nhân Nga" được dựng thành phim cộng tác của Ý - Pháp - Nga. Năm 2001, được một nhà xuất bản Đức ủy nhiệm, ông vừa đi thăm năm con sông lớn trên thế giới và sẽ viết một cuốn sách dựa trên cảm hứng đi đường.

Toàn tập các tác phẩm của Erofeev đã được phát hành ở Moscow cách đây dăm năm. Có thể nói hiện nay, Erofeev là nhà văn Nga thành công nhất ở trong và ngoài nước, là "món hàng xuất khẩu" được ưa chuộng nhất của nước Nga.

*

Trên thị trường sách vở Nga, bản thân một tác phẩm chưa đủ để thành công: cần cả bê bối nữa. Lượng ấn phẩm khổng lồ thời xưa đã giảm đi rất nhiều. Dạo đó, không nhất thiết cứ phải là sách của Solzhenitsyn thì mới có thể in ra hàng triệu bản. Còn ngày nay, ở quốc gia 160 triệu dân này, in 10 ngàn ấn bản đã là thành công rồi.

Không phải tinh thần nổi loạn tuổi trẻ đã nung nấu nhà văn Victor Erofeev (57 tuổi). "Tôi như một tay Tzigane, với hàm răng giả bằng vàng, viết về thói trộm vặt của dân tộc mình" - trong tiểu thuyết tùy bút "Bách khoa toàn thư của tâm hồn Nga" (xuất bản năm 2002), nhà văn đã tự mô tả bản thân như vậy. Cũng trong tác phẩm đó, ông nói: "Nếu tại Paris có quảng trường Stalingrad thì điều đó không phải là ngẫu nhiên. Rốt cục, trong thập niên 30, Hitler đã quyến rũ toàn bộ giới trí thức phương Tây - những chuyên gia tình báo tư tưởng Xô-viết - sang phe Nga - Xô, và đến những năm 40 thì cả thế giới ngả sang phe này".

Khởi đầu sự nghiệp trên cương vị một nhà nghiên cứu văn học, công trình đầu tay của Erofeev về hầu tước de Sade cố nhiên gây sự chú ý. Erofeev thuộc số ít những người được che chở. Giới tinh hoa Xô-viết (trong số đó, có những nhân vật đầy ảnh hưởng như Konstantin Simonov) đã uốn nắn sự nghiệp của ông. Bởi lẽ, thân phụ Erofeev là cố vấn của Molotov, thông dịch viên tiếng Pháp của Stalin, tham tán ĐSQ Liên Xô tại Paris và là một trong những phó chủ tịch của tổ chức UNSECO. Cuối cùng, trên cương vị đại sứ Liên Xô tại Wien, ông đang chờ được bổ nhiệm chức ngoại trưởng thì con trai ông nổi loạn. Năm 1979, cùng một số đồng sự (trong số đó, có Aksynonov và Vozhnesensky), Erofeev xuất bản một hợp tuyển văn nghệ chui (samizdat). Sự kiện này đã gây nên một scandal vô cùng lớn. Aksyonov buộc phải di tản, chàng trai Erofeev bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, còn cha của anh, do không từ con, nên cũng bị chuyển khỏi ngành Ngoại giao. (1)

"Tôi đã giết cha tôi - về sau, Erofeev viết. - Án mạng mà tôi là thủ phạm là một án mạng chính trị, không phải là án mạng về thực thể, nhưng với những điều luật Xô-viết, cái chết của cha tôi là thực sự" (2). Erofeev dùng hình ảnh này vì sau đó, ông đã "cất lời ai điếu" cho nền văn học Liên Xô (3). Sau đó, ông cho ra đời tiểu thuyết lừng danh "Mỹ nhân Nga" (đã được dịch ra tiếng Hung). Nhân đó, ông nói: sở dĩ gái điếm Nga "xuống giá" trên thị trường ngoại quốc vì với việc quên đi Stalin, cảm giác đồi bại cũng giảm đi.

Mới đây, Erofeev đã viết trên báo chí: "Tôi lại giết cha tôi lần thứ hai!" Bởi lẽ, cuốn tiểu thuyết mới của ông - mang tựa đề "Stalin chính diện", được ra mắt đồng thời bằng tiếng Đức và tiếng Nga - nhìn bề ngoài, là một câu chuyện gia đình. Nhưng, người cha 83 tuổi của nhà văn, khi xuất hiện trong buổi ra mắt sách, thì vẫn chưa đọc cuốn sách. Đọc xong, ông nổi đóa. Không chỉ vì nhà văn đã phanh phui những bê bối của gia đình. Thân phụ Erofeev buộc tội đạo văn cho con trai mình vì theo ông, cậu con đã sử dụng những hồi tưởng (sắp được ấn hành) của người cha. Chẳng hạn, những việc ông bố đã làm khi còn là nhân viên của bà Kollontai ở Stockholm. Hoặc những mẩu chuyện trong chuyến đi đầy nguy hiểm thời chiến tranh. Đấy là chưa kể đến những mẩu về Stalin mà người cha được biết trong thời gian làm thông dịch viên cho Stalin.

Cậu con thanh minh: ông đã được nghe kể tất cả những chuyện này từ thời thơ ấu, vả lại, ông viết tiểu thuyết, "thứ do tôi nghĩ ra, cho dù nó không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng". Theo đề nghị của thân mẫu, Erofeev đã đăng một lời tạ lỗi công khai vì theo lời bà mẹ, bà cũng tìm thấy những điểm sai sự thật trong tác phẩm của con, chẳng hạn về bản thân nhà văn. Có lẽ cậu con đã nhầm lẫn chỗ này, chỗ khác. Sự cay đắng của các bậc phụ huynh là dễ hiểu, khi họ cho biết: thời trước, họ đã hi sinh cả sự nghiệp và cuộc sống no đủ mà cậu con, ngay một việc tối thiểu là cho cha mẹ xem trước bản thảo có dính đến cha mẹ, cậu cũng không chịu làm.

Tuy nhiên, "Stalin chính diện" chỉ nói về gia đình Erofeev trên hình thức. Thực chất, cuốn sách mô tả cuộc sống của tầng lớp được ưu đãi của Stalin, khi nhà độc tài còn sống, và bằng những công cụ hậu hiện đại trong thời kỳ hậu Stalin. Nó nhắc nhớ lại thời đại Stalin, cùng lầm lẫn của những kẻ đã tin tưởng vào thể chế Stalin. Và nó cũng phản ánh bản thân thể chế đó. Chuyện người cha của nhà văn có ý kiến như thế nào về nghệ thuật hiện đại thì không có ý nghĩa gì ở đây cả, cho dù, chẳng hạn, ông đã có dịp làm quen với Picasso, người được ông đánh giá cao trên cương vị một "chiến sĩ vì hòa bình".

Sự ra đời của "Stalin chính diện" không phải là bất ngờ trong sự nghiệp sáng tác của Erofeev: năm 1996, nhân 850 năm ngày ra đời của thủ đô Moscow, ông đã viết một tiểu luận mang tựa đề "Sức mạnh của đoạn đầu đài", về thành phố và về bản thân mình. Erofeev ghi nhận về mốc thời gian 1947: "Tôi sinh ra tại một khu chung cư tại trục đường quốc lộ Mozhaiskoye, đúng vào dịp kỷ niệm 800 năm ngày thành lập thành phố... các lãnh đạo đảng và chính phủ cho rằng khi ấy cần cải cách tiền tệ và khi họ đến thăm dân cư tại chỗ chúng tôi, tôi đã được tặng nhiều đồng tiền mới có in hình của họ". Erofeev nhìn nhận như thế, về cái thế giới mà ông đã sống (không phải lúc nào cũng bất hạnh) và đã nổi loạn. "Stalin chính diện" có ý nghĩa sâu xa như thế. (4)

Tuy nhiên, dầu vậy, những xung đột gia đình của Erofeev không hề ảnh hưởng gì đến sự ăn khách của tác phẩm.

Ghi chú:

(1) Cuộc "nổi loạn" của Erofeev và các đồng sự - cùng những hậu quả của nó - được nhà văn thuật lại trong bài "Án mạng tại Moscow - Một câu chuyện gia đình thời chiến tranh lạnh" (1989). Trong bài viết, Erofeev cho biết rằng đúng vào thời điểm cuốn hợp tuyển đối lập được ra đời, thân phụ ông đang chuẩn bị nhậm chức thứ trưởng Ngoại giao.

(2) Trích "Án mạng tại Moscow - Một câu chuyện gia đình thời chiến tranh lạnh" (1989).

(3) "Lời ai điếu cho văn học Xô-viết" - Victor Erofeev (1989)

(4) Mùa hạ 1997, Erofeev đã viết một tiểu luận cũng mang tên "Stalin chính diện". Bài viết này có thể coi là "sườn" cho tác phẩm "Stalin chính diện" mới được ấn hành.

Đoạn cuối của bài tiểu luận trên giải thích về khái niệm "Stalin chính diện": "Chỉ khi trưởng thành, tôi mói hiểu ra rằng đối với Phương Tây và giới trí thức Nga, Stalin có một ý nghĩa hoàn toàn khác so với hàng triệu người dân Nga. Dân Nga không tin vào một Stalin phản diện. Họ không muốn tin rằng Stalin lại có thể hành hạ, tra tấn bất cứ ai. Dân Nga sống trong huyền thoại về một Stalin chính diện, đối với họ, Stalin vĩnh viễn là người cứu vãn nước Nga, là người cha của một dân tộc vĩ đại. Và cha tôi song hành với những người dân Nga ấy. Ông không cho phép được nói xấu về Stalin".

13 nhận xét:

Bảo Lâm nói...

Này này, những vấn đề to tát này nên để vào www.nhipcauthegioi thì hợp lý hơn là để vào blog. Sao ở đâu cũng toàn nói chuyện lớn không vậy. Thế lúc nào mới được nghỉ ngơi đây.

Hoang Linh nói...

@ Bảo Lâm: Ơ kìa, blog là cái hỗn loạn, lúc to lúc nhỏ, lúc nhảm lúc nghiêm túc: sao lại ko nói được ở đây?
Vả lại, khi nào dịch xong Erofeev thì sẽ post cả lên NCTG nữa, như thế mới đủ bộ mà... Nhưng, tình hình này, biết bao giờ xong? ;)

2Ti nói...

Cái ông Erofeev này ghê thật đấy. Nước mình bao giờ mới có 1 nhà văn, nhà nghiên cứu biết phản biện & phơi bày tinh quái như vầy?

Hoàng tử Dế nói...

Bác Linh: Cái bà Kollontai anh nhắc đến trong bài có phải là Aleksandra Kollontai, nhà nữ cách mạng, chồng là Pavel Dybenko ko ạ? Nếu đúng thì quả là tình cờ thú vị. Em đương định gửi anh cái bài có liên quan đến bà này mà đang viết dở từ hôm qua, nhưng ở khía cạnh khác, ko phải chuyện cách mạng hay là lưu vong đâu :) (Mà em nghĩ chắc 99% là đúng hi hi).

Hoang Linh nói...

@ Mẹ Dế: Thì chỉ có một bà Kollontai nổi tiếng ấy thôi, còn ai vào đây nữa? Đề tài mẹ Dế viết, nếu ko phải cách mạng hay lưu vong, thì về... yêu đương nhỉ? ;)
Ví như, về đôi Kollontai & Dybenko này. Đẹp đôi phết, về chính trị: vợ dân ủy Xã hội, chồng dân ủy Hải quân, tuổi chênh nhau cũng chỉ có... 17 năm thôi :). Dĩ nhiên là vợ hơn tuổi, vì bà Kollontai này chủ trương "nữ quyền" (theo kiểu XHCN, gọi là "vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ" ;)), "yêu đương tự do" (mà Việt Nam mình ngày xưa hay nghe chuyện bà ấy chủ trương ân ái - thật ấy, ko phải kiểu... bằng mắt... của 2Ti đâu! :) - cũng như uống cốc nước, thì bị Lenin vặn lại là, cốc nước đi nữa thì cũng phải nước sạch chứ ;)). Mà bà Kollontai ko chỉ nói, mà còn làm: bỏ chồng đầu (là tướng Nga hoàng) và con, đi làm cách mạng, lấy cậu Dybenko (thủy thủ, có tiếng là... dữ dằn), được 5 năm rồi cũng chủ động bỏ ;)
Nói vậy, chứ bà Kollontai này "xịn" về nhiều mặt: xinh đẹp, sành điệu, thời đầu theo men-sê-vích cũng hăng, và về sau cũng quảng giao, ko bị "ngu dân" như rất nhiều lãnh tụ bôn-sê-vích khác. Bà này với bà Inessa Armand, người yêu & đồng chí của Lenin, là những phụ nữ bôn-sê-vích sáng giá nhất về nhiều mặt!

Hoang Linh nói...

@ Mẹ Dế: Không, ở Việt Nam mới nghe chuyện "giải phóng phụ nữ", "thuyết cốc nước" và vụ Lenin quặc lại thôi. Một số chi tiết khác, thì về sau, nhớn mới biết chứ. Nhưng cũng không hệ thống, vì chưa nghiên cứu cụ thể về cặp này Nên mẹ Dế cứ viết chứ, "tìm hiểu lịch sử" mà.
Về đôi này, thì cần lưu ý là ông Dybenko có lẽ "võ biền", học hành ít, nhưng có lẽ tính tình quả quyết, thủy thủ mà, nhất là thủy thủ Baltic, con cưng của cách mạng lắm. Nên bà kia, dù học thực, sành sỏi quyền quý đầy mình, nhưng lại thích. Như thế là không nhất thiết cứ phải cùng trình độ, học vấn, hoặc cùng "cảm quan" thì mới thích nhau được, phỏng? :).
Nhân chuyện các vị bôn-sê-vích Nga, lại có thêm mấy tư liệu (tổng hợp) về bộ ba Lenin - Krpskaya - Inessa, khá thú vị (dù, căn bản, cũng là chuyện đã được biết đến từ lâu rồi). Cái hay là, thư từ Lenin gửi Inessa, những đoạn "hôn đồng chí nồng nàn", hoặc "cho tôi gửi muôn vàn nụ hôn tới đồng chí", điều bị... biên tập trong "Lenin Toàn tập".
Thế mới thấy, vai trò anh BTV, có khi to: đến Lenin còn bị "chỉnh sửa", thì họ "từ" ai? ;)
TB. Chuyện bố trí đi công tác để họ xa nhau, ko nhất thiết là mưu của Lenin, cho dù cũng có thể. Vì, ông chồng, dù là dân ủy Hải quân, nhưng thực ra chỉ là anh thủy thủ, cũng ko am hiểu gì mấy, luôn phải có người tư vấn đủ kiểu về sông nước. Cho nên nếu đi đâu, thì cũng quẩn quanh... mấy con sông ở Nga ;). Còn bà vợ là lãnh tụ (phụ nữ) tầm thế giới, phải cử đi tứ xứ theo kiểu "mang chuông..." Cái này dễ hiểu mà...

Hoang Linh nói...

@ Mẹ Dế: Đúng vậy, thời Liên Xô xung đột với Đức, Dybenko cậy kiêu binh, hay đả phá Trotsky (dân ủy Quốc phòng, cũng là người sáng lập Hồng quân), rồi bị vạ (dĩ nhiên lý do chính thức là khác). Nhưng thực ra, không phải bà Kollontai "bày trò" đâu, mà là Krylenko (công tố viên trưởng Liên Xô thời ấy) buộc bà này phải... cưới Dybenko (chứ không được... cứ luyến ái tự do, chơi bời như trước :)), nếu ông ta thả (kiểu gì thì đâu có dễ tử hình Dybeko đâu).
Vụ "biên tập nụ hôn" là ở bản tiếng Nga ấy chứ, nên các bản "ăn theo" như tiếng Việt càng bị "xuyên tạc" dữ :). Cứ cho là Tây hay... "hôn trong thư" tự nhiên như thế, thì tại sao lại phải kiểm duyệt? Nhất là, những đoạn ướt át khác cũng bị "chỉnh sửa" mà...

Hoang Linh nói...

@ Mẹ Dế: Không, dĩ nhiên Kollontai cho ràng bà ta có quyền đòi thả Dybenko, vì bà ta yêu ông này (với bà, vậy là đủ, không cần vợ chồng gì cả, vì bà ta chủ trương "tự do luyến ái" mà). Vả lại, bà ta thuộc loại bôn-sê-vích cựu trào, tuổi tác cũng xấp xỉ Lenin, có ngán gì đâu? Cho nên, Lenin mới bàn với Krylenko là đằng nào cũng phải thả (tử hình hay tù tội cũng không ổn), thì ta tương kế tựu kế, làm um vụ này lên. Nhưng điểm mấu chốt là phải bắt Kollontai lấy ông này hẳn hoi, chứ ko - nếu bà kia cứ chơi bời thôi - thì mọi thứ tuyên truyền đều hỏng bét. Chuyện là vậy!
Như vậy, "kế" là phe Lenin, chứ bà kia chả cần "kế" gì cả. Yêu thì can thiệp, đòi thả. Bắt lấy thì lấy (mà ko bắt thì thôi, cũng ko sao :))
Sa đà cái này, lạc đề quá!

Hoàng tử Dế nói...

:D, eo, hồi ở VN bác Linh đã nghe những chuyện này rùi á, thế thì mẹ cháu ko viết nữa :D... Hồi ý vị thành niên mà cũng nghe được những chuyện tày giời thế này à? :P
Hì, ko phải bà ý chủ động bỏ ông kia, mà là ghen tuông đủ thứ chứ rồi mới bỏ, tại vì ông ý trẻ và tất nhiên là có nhiều cô... Túm lại là với tính cách như bà ấy, bà ấy bỏ là phải! Bà ấy từng than rằng, mình từng chủ trương yêu đương tự do, gạt bỏ chuyện "chiếm hữu" trong tình yêu, nói "không" với các loại tình cảm ghen tuông vớ vẩn, nhưng giờ lại ko thể thoát được những tình cảm ấy! Thế, nghĩa là phụ nữ thì lúc nào cũng là phụ nữ, đàn ông... cũng thế, hì.

Hoàng tử Dế nói...

Mà theo nguồn tin phản động, Lenin cũng quá đáng, sau này toàn lấy cớ điều động công tác để hai vợ chồng luôn phải xa nhau...

Hoàng tử Dế nói...

Vụ Lenin bố trí .. là, theo như tin đồn, là Lenin và nhất là Trotski rất giận vụ bà này cứu Dybenko thoát khỏi tội chết một cách ngoạn mục, bằng cách bày ra trò "Hôn Nhân (hợp pháp) Xô-Viết" đầu tiên! Ko, mẹ cháu ko viết về đôi này đâu ạ, viết chuyện khác hi hi, có đả động đến ông bà ý thôi. Mà vụ "nụ hôn" bị biên tập là chuyện thật hay chuyện đồn đại ạ? Vì theo như em biết thì bọn Nga cuối thư hay viết thế, cũng ko cần phải quá đặc biệt tình cảm mới viết như thế, hì. Bạn bè cũng viết như vậy được, họ coi đó là bình thường mà. Tất nhiên, người VN mà lần đầu tiên nhận được cái thư có câu kết như thế thì choáng lắm!!!

Hoàng tử Dế nói...

Bản dịch trên talawas hình như ko được ai biên tập ạ?

Hoàng tử Dế nói...

Hì, vụ này thực ra vẫn được coi như là huyền thoại, chưa ai thực sự biết rõ ràng như thế nào. Tuy nhiên, em thì em nghi ngờ cái vụ "bắt, ép" lắm, vì đàn bà trông tưởng yếu vậy chứ cũng khó bắt với lại ép! Theo một thuyết, thì là Lenin hỏi bà ta, cương vị gì mà đòi thả Dybenko, bà ta mới nghĩ ra chiêu đó. Chứ còn, Krylenko can hệ gì đến vụ tự do yêu đương của bà này ạ?
Thêm nữa, chuyện hôn nhân Xô Viết này được đưa lên báo chí, là hôn nhân hợp pháp "đầu tiên" đối với chế độ Xô-Viết non trẻ, vô thần (trước đó có nhà thờ đứng ra chứng kiến cưới xin), thì việc bắn bỏ một chú rể Xô-Viết đầu tiên rõ ràng là rất ko nên. Nếu coi đó là "kế" của bà này thì em thấy rất là hợp lý (tất nhiên, em suy luận đôi chút theo kiểu đàn bà :P)

Đăng nhận xét