Hôm qua đọc báo mới biết Nguyễn Khải mất. Thế là chỉ trong vòng hơn 1 tháng, văn học cách mạng miền Bắc mất liền mấy cây đại thụ (từ "đại thụ" dạo này có vẻ được dùng tương đối... thoáng): Phạm Tiến Duật, Vũ Cao, Chính Hữu, và đến giờ là tác giả những cuốn nổi tiếng, được coi là trí tuệ, sắc sảo, sâu sắc, đả động đến nhiều vấn đề xã hội, thậm chí chính trị, của miền Bắc, rồi Việt Nam, như "Xung đột", "Mùa lạc"; "Hãy đi xa hơn nữa"; "Chủ tịch huyện","Cha và con, và...", "Cách mạng"; "Gặp gỡ cuối năm", "Thượng đế thì cười", v.v...
Chắc chắn báo chí sẽ có nhiều bài vinh danh Nguyễn Khải, nên ở đây, bố cún chỉ muốn viết lại, kẻo quên, vài điểm coi như "ấn tượng Nguyễn Khải" trong bố cún.
*
Lục trong tủ sách, bố cún chỉ còn hai cuốn sách cũ (bìa ở hình trên) của Nguyễn Khải. Cuốn đầu là "Chủ tịch huyện" (1972), Nhà xuất bản Văn học in lần thứ hai năm 1978, 160 trang, giá 0,85 đồng, giấy tương đối trắng, bìa của... Văn Cao! Cuốn thứ hai, "Gặp gỡ cuối năm" (1982), gây chấn động một thời (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982), có lẽ là cuốn "tiểu thuyết luận đề" đầu tiên của một tác giả miền Bắc, hơn thế nữa, chứa nhiều "tư liệu" về miền Nam trước 1975 - bản bố cún có do Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới in lần thứ hai, 148 trang, giá 17 đồng. Sách in giấy rất xấu, đen sì, chữ nhỏ li ti...
Đáng chú ý là lượng ấn bản, như ghi trong sách, cuốn đầu là 15.200, cuốn thứ hai là 30.000 - những con số mà thời nay không tác giả nào dám mơ tới!
"Chủ tịch huyện" đọc lại, thấy nội dung không có gì đặc sắc - có chăng, hơn được "Cái sân gạch" với "Vụ lúa chiêm" của Đào Vũ :) Nhưng "Gặp gỡ cuối năm" thì khá khủng khiếp! Trong ấy, bằng một lượng info vàng thau lẫn lộn, thực hư len lỏi nhau, cái chất thông minh & sắc sảo của Nguyễn Khải đã hướng người đọc vào một ma trận không có lối, nói đúng hơn, lối ra duy nhất là chấp nhận những "biện luận" được tác giả "nhét" vào miệng vài nhân vật ;)
Đặc biệt, có một chi tiết khá phản cảm trong sách, là khi Nguyễn Khải để nhân vật trong sách nói một chuyện bịa đặt về Nguyễn Thế Truyền, nhà cách mạng từng là "đàn anh" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thời thập niên 20 thế kỷ trước, một trong "ngũ long" ở Paris (gồm Phan Châu Trinh, Phan Vân Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh).
Được coi như thần đồng trong giới du học sinh Việt Nam tại Pháp, với ba bằng cử nhân (kỹ sư hóa học, cử nhân lý hóa, cử nhân văn chương ban triết) và chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ khoa học vật lý thiên văn. Là bạn thân của các nhân vật nổi tiếng ở Pháp, Nguyễn Thế Truyền gia nhập Hội Liên hiệp Thuộc địa, là ký giả sáng giá của "Le Paria" (Người cùng khổ), chủ bút tờ "Việt Nam hồn", và cũng chính là người đã dẫn Nguyễn Ái Quốc đến "giao lưu" với nhiều lãnh tụ Xã hội (Léon Blum, Marius Moutet...), và cộng sản Pháp (những người tách Đảng Xã hội, theo Đệ nhị Quốc tế, chuyển sang Đệ tam Quốc tế Cộng sản, nhánh Lenin), như Paul Vaillant Couturier, Marcel Cachin. Được coi là có tài viết văn Pháp giỏi như các nhà văn Pháp, Nguyễn Thế Truyền là người sửa chữa, biên tập, hiệu đính và viết lời nói đầu cho "Bản án chế độ thực dân Pháp", rồi cho in sách năm 1926. Nguyễn Thế Truyền còn đóng vai trò rất lớn trong việc đưa Phan Chu Trinh về nước sinh sống an toàn, cũng như, vẫn động để Pháp phải bỏ án tử hình cho Phan Bội Châu.
Những chi tiết trên, sách vở miền Nam đã viết từ lâu, và gần đây báo chí trong nước cũng đã đưa với nội dung tương tự. Ấy thế mà trong "Gặp gỡ cuối năm", Nguyễn Khải đã bày đặt để nhân vật của ông nói những lời xúc phạm đến Nguyễn Thế Truyền, đưa ra hình ảnh nhà cách mạng họ Nguyễn bệ rạc, nói những lời quỵ lụy, rồi nhịn ăn gần 2 tuần để... chết theo Hồ Chí Minh. Chả hiểu, cụ Hồ nếu còn sống, có thích kiểu bịa đặt, vô hình trung "hạ" cụ thế không?
(Vẫn với kiểu cách như vậy, Nguyễn Khải đã "đâm sau lưng" Trần Dần khá tệ, trong "Người vợ". Nguyễn Khải cũng tận dụng sự "thông tuệ" của ông để đả phá Nguyễn Huy Tưởng, Trần Dần, Lê Đạt... khá ghê, thời Nhân Văn...)
*
Đoạn trích sau của Nguyễn Khải trong truyện ngắn "Người ở làng Pháo", về sau được Phạm Xuân Đài đưa lại trong "Chúa là cái thiện của làng" (tập "Hà Nội trong mắt tôi", Thế Kỷ xuất bản, năm 1994), là một ví dụ khá điển hình cho cái được coi là trí tuệ trong văn của Nguyễn Khải: "Làng tôi có nghề làm pháo là nghề của tổ cho, thì nhà nhà đều được quyền làm pháo, cấm thế quái nào được. Ðình là cái gốc của làng, tôi hô hào dân bỏ tiền ra tu sửa, soạn lại phần mả. Chùa là cái Thiện của làng, tôi mời sư về trông nom, tối một hồi chuông, sáng một hồi chuông, thằng ăn cướp nghe chuông mãi cũng có lúc phải hồi tâm nghĩ lại: Có cơm để ăn, có Phật để lễ, người ngợm lại khác ngay, lại hiền lành tử tế không đâu bằng". (Nhân vật "tôi" ở đây là một cán bộ có tư tưởng cởi mở ở nông thôn...)
*
Những ấn tượng ("tích cực", "tiêu cực" lẫn lộn) này về Nguyễn Khải, chỉ nhằm "đối trọng" với những lời ca ngợi một chiều (hẳn sẽ rất nhiều) của mọi người sau khi ông ra đi. Chứ thực ra, nếu nói về tính trí tuệ (ở đây hiểu theo nghĩa thực sự, bỏ qua những "châm chích" thường lệ của bố cún :)) trong tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ Bắc một thuở, có lẽ cạnh Chế Lan Viên, sẽ là Nguyễn Khải...
11 nhận xét:
Về bản chất tới cùng, mọi nhân vật đều phát biểu thay cho Tác giả thôi. Nhà văn tài, giỏi thì dấu được nhiều người, nhàvăn dở thì huỵch toẹt, chưa viết thiên hạ đã biết, nhét chữ vào miệng nhân vật. Tạo thành sự giả trở thành nhạt toét. Có những trường hợp, sự ám chỉ tuy có nhưng vì ngòi bút tài hoa lại trở thành điển hình của một lớp người, ví như Đôi mắt ấy...Cho nên nếu có này khác thì cũng chả lạ gì, ông Linh ạ. Ông Khải muốn hay không cũng ghi nhận ở lịch sử văn học một thời. Kể cả sự mâu thuẫn trong tác phẩm của ông mà Linh đã chỉ ra. Không có mâu thuẫn ấy thì có lẽ "lão ta"( dung từ cho có vẻ xa lạ thôi chứ ko hàm y coi thường ông) cũng nhạt hoét. Thiên hạ ca ngợi ông ở Xung đột, rồi gần đây là những trang ông viết về Người hà Nội, tớ thấy hai cái ấy không sài được, Nhất là với tớ Hà nội sượng.Đọc Cuộc gặp gỡ cuối năm chất báo chí nhiều, nhưng lại gợi mở nhiều ray rứt, lắm vấn đề và rất Nguyễn Khải. Chê và khen là với tư cách bạn đọc, chứ mình thây ông ấy đáng phục ở sự lao động. Tâm sự gần đây của ông (Tôi viết vậy thì tôi tồn tại- Nguyễn Khải) gần như tự bạch, là những tâm sự rất thực, cần cho các bạn nào muốn làm văn sĩ. Tôi không tin thiên hạ sẽ ca ngợi một chiều đâu. Không khí hôm nay khá cởi mở rồi, còn đương nhiên , khi ông mất đi, có phê gì cũng chả ai nói nặng gì. Văn hoá VN vẫn là thế mà như Đặng Tiến viết: lễ độ văn chương ko cho phép như vậy. Vả lại Văn điếu chả bao giờ họ nói khuyết điểm cả, người vô danh còn liệt kê đủ công tích cơ mà. Phải không ông Hoàng Linh thân quý?
@ Anh Thọ: Hìhì, văn điếu... Nguyễn Hữu Đang họ vẫn nêu "khuyết điểm" đấy anh :). Đùa vậy, ở đây tự nhiên em thấy chối vụ Nguyễn Thế Truyền, mà có thể ít người biết, hay để ý, nên mới viết theo kiểu "ghi lại cho nhớ". "Ấn tượng" cá nhân mà. Chứ tất cả những cái khác, kể cả những cái ông Khải viết thời Nhân Văn, em đều thấy... bình thường. Thời thế, nó thế, rất hiếm ai vượt qua nổi. Nguyễn Khải có vị trí đường hoàng trong văn học sử Việt Nam (nói kiểu trang trọng), cái đó ko có gì cần bàn...
@Chú Toan n: Đọc những điều chú viết, thấy buồn quá :(
@Anh Linh: Trẻ là trẻ thế nào ạ? Ví như tuổi bọn em có gọi là trẻ không, hay đã già rùi? Lại còn làm bên bộ văn hóa nữa, hì. Như những người "phi văn hóa" (với ý là không làm cái gì dính đến văn hóa) như bọn em còn biết về NHĐ, các "anh" ý mà ko biết thì thật là đáng trách!
Nhưng mà em thích văn Nguyễn Khải :)
@ Alma: Có thể phải để lắng xuống chút, rồi mới viết được đấy...
Cám ơn anh. Nhiều thông tin "bên lề" thú vị quá!
Nói về đám tang cụ NGuyễn Hữu Đang thì buồn rồi. Các anh bên bộ văn hoá chủ trì, nhiều người không biết ông Đang là ai. Tớ tới tham dự, một vì kính trọng tiền bối, hai là khi ông Đang ở tỉnh TB họat động, thì ông cụ tớ cũng họat động văn hoá Việt Minh. Buồn nữa là cácnhà văn trẻ hôm đó hầu nhu ưkhông có không tháy ai đến. Chả nhẽ bấy nay không ai biết tới một người ấy ư? Mà rò ràng là có xa xôi lắm đâu. Rồi mai kia, cháu ông và cháu tôi khéo lại tưởng ông Đang là ngùwo Trung Hoa nếu có ai nhắc tới...Hê hê cười lên chua chua một tiếng vậy.
@ Anh Thọ: Các "anh" bên Bộ Văn hóa chắc là còn trẻ, làm sao biết cụ Đang? Người mà có người đánh giá là, cho đến năm 1946-47, vẫn còn là nhât vật nổi tiếng thứ hai, sau cụ Hồ :)
Những nhân nhật kiệt xuất như thế, Việt Nam mình ko mấy khi có đâu (còn các quan chức văn hóa thì... ko thiếu :)), tuy nhiên, đúng là có nguy cơ, thế hệ trẻ tưởng cụ Đang là nhân vật trong dã sử Tàu thật. Buồn!
@ Hoa Pion: "Trẻ" trong quản lý văn hóa, anh nói là ở độ tuổi như... anh chẳng hạn. Rõ ràng là các vị "quan" cỡ tuổi anh, sức mấy biết đên cụ Đang? Biết bằng cách nào? Họa chăng, biết qua những bài phỉ nhổ của Hồng Vân (Hoàng Trung Thông?), hoặc qua cuốn "Bọn Nhân văn Giai phẩm trước tòa án dư luận" (*) - nhưng toàn là tư liệu cả nửa thế kỷ rồi, đào đâu ra mà đọc?
Em thích Nguyễn Khải thì có ai cấm em đâu? ;)
(*) Cuốn này là một hợp tuyển của những bản cáo trạng hết sức sấm sét nhé, kiểu đồng nghiệp đả nhau, mọi nhẽ - nhưng sau đó dường như nó cũng bị thu hồi, để ko ai nhớ đến vụ Nhân văn nữa, coi như các nạn nhân là ko hề tồn tại ;). Cách đây chừng chục năm, anh có vào thư viện khoa Đông Phương học của Viện Hàn lâm Khoa học Hung, kiếm được cuốn ấy, giấy đã ố vàng vì thời gian - từ 1959 mà -, nhưng còn mới tinh, có lẽ chưa ai đọc, vì nhiều trang giấy còn chưa rọc. Hẳn là thời XHCN, Việt Nam và Hung có khoản "giao lưu" về sách, nên nhà mình cứ "tương" sang đây thôi, bất kể là có độc giả hay ko. Nhưng cuốn ấy quả là một tư liệu quý!
Nguyễn Khải là một trong các nhà văn VN ưa thích của em. Từ khi nghe tin ông mất, nhiều cảm xúc mà vẫn chưa thể viết được gì. Buồn.
Em đọc Nguyễn Khải không nhiều. Hồi bé đọc Một người Hà Nội thì thích thích vì về cơ bản nó dung dị, khác hẳn Mùa lạc. Tuy nhiên, theo em văn chương Nguyễn Khải cũng chỉ là dạng văn chương một thời, cổ động thôi. Văn chương mà cứ để nhân vật nói choang choang thế, không thích.
Em trẻ, không biết nhiều về vụ Nguyễn Khải tham gia Cải cách ruộng đất hay chọc ngoáy người này người kia trong Nhân văn giai phẩm, nên ko rõ về con người ông ấy. Hai vị tài năng bậc nhất trên văn đàn Việt Nam như anh kể: Chế Lan Viên và Nguyễn Khải thì đều được đồng nghiệp "khen" là sống quá khéo. haha
Đăng nhận xét