3/1/08

Thiên hướng?



Các vị phụ huynh Việt Nam hình như ai cũng có tật hay tò mò xem con cái mình, từ nhỏ, đã có "thiên hướng" gì chưa, để rồi... "nhồi" nó theo đó, hoặc nếu "thiên hướng" ấy không thiết thực, hay không thật "truyền thống" (ví dụ: văn nghệ, văn gừng ít ra tiền; ca sĩ, người mẫu... "sống buông thả", "xướng ca vô loài"...), thì bắt nó bỏ đi, và "định hướng" sang cái khác, "lành mạnh" hơn (tỉ như kỹ sư, bác sĩ, v.v...)

Cái này hay, hay dở, có lẽ phải bàn dài dài. Hình như, bọn Tây đỡ hơn Việt Nam trong khoản "hướng nghiệp" ấy, hay bét ra, nếu có, thì cũng "tế nhị" hơn, không "thô bạo" hay mang tính "cưỡng chế" như ta. Vả lại, giáo dục của Tây rất đều, rất toàn diện, không thấy kiểu học lỏi, học tủ, học lệch... như ta, nên đứa học sinh trung bình nào cũng có hiểu biết rất khá và căn bản về những cái, mà Việt Nam mình coi là "năng khiếu", "ngoại khóa", như nhạc, họa, thể dục, hay văn vẻ, nghệ thuật nói chung.

Như Thu Vân thì trước mắt, chả thấy có "thiên hướng" gì nổi bật, nhưng cái gì cũng thích một ít: hát hò, vẽ vời, bơi lội, thủ công, nặn tượng, v.v... Và hễ cứ thích gì, là tự đi làm ra "thành phẩm", chả sợ bị... chê là dở, là kém :)

Ví dụ, gần đây Thu Vân tự nhiên thích... làm thơ, viết truyện. Truyện thì bố đọc cũng chả hiểu lắm, vì có nhiều từ... không có trong tự điển :). Còn thơ thì điển hình là bài sau đây, làm trong đêm Noel, chả có tí vần điệu gì, nhưng mẹ Dế nhận xét là có chút "ý" và "tứ". Bố cháu không hiểu và không biết làm thơ, nhưng thấy thi ca mà mang hình ảnh... ruồi nhặng vào, thì quả là có phá cách và mạnh bạo ;)

Bản dịch bài thơ (tiếng Hung) ấy (ảnh scan ở trên) như sau:

MÙA GIÁNG SINH

Đêm Giáng sinh sáng bừng ánh nến
Đúng bốn ngọn lung linh
Nhạc vang lừng
"Zi - zi- zi" - Lũ nhặng cũng xôn xao

Suốt một ngày ta chỉ hét vang:
"Merry Christmas & Happy New Year!"
Nghĩa là gì bạn nhỉ?
Không cần biết, chỉ cần mình Hạnh Phúc!

Đêm Giáng sinh ta reo to, reo to:
Quà nhiều quá!
Gấu, bút, táo -
Ai cũng kêu lên như thế.

Đêm Giáng sinh Chúa Jesus ra đời
Đứa trẻ thiêng liêng,
Và cả một cây thông ở đó
Nhanh nhanh nào, mình hãy trang trí nó.

Đêm hôm nay tất cả cùng hòa giọng:
"Giáng sinh an lành và hạnh phúc Năm sau!"

Khiếp luôn!

8 nhận xét:

Tomato.DK nói...

đúng rồi, ruồi nhặng mà vào thơ là cả một nghệ thuật, mang tính nhân văn rõ rệt đấy anh ạ. Yêu thương động vật mà.
em cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình có khả năng cho ruồi muỗi nhặng vô thơ bao giờ, nếu em viết nó chắc chắn xuất hiện với 1 cái... vỉ đập ruồi, hiz hiz
Nhưng Thu Vân có... thiên hướng quá còn gì
mới bé nhìn đã xinh như hoa, quả là... tài sắc rồi.

Hoang Linh nói...

@ Bảo Lâm: Công nhận, công nhận là bố "củ chuối" ;) Đã nhận đủ hết ảnh rồi, ngắm rồi nữa, cám ơn nhiều nhé...

Hoang Linh nói...

@ Mẹ Dế: Để sẽ bỏ công dịch truyện gần nhất, hình như là cổ tích thì phải :)
@ TOMATO: Em toàn làm thơ yêu đương, đưa ruồi nhặng vào sao được? Phải là thơ có nội dung... xã hội mới có ruồi nhặng được :)

Bảo Lâm nói...

Thơ con gái hay như thế, có hình ảnh như thế bố lại bảo là "Khiếp luôn". Chứng tỏ bố hơi củ chuối và không có tâm hồn nghệ sĩ. Hy vọng con gái sẽ trở thành nhà thơ cho bố biết thế nào là lễ độ nhé.

Hoàng tử Dế nói...

Đưa được ruồi vào thơ là một kỳ tích không phải ai cũng làm được đâu bác Linh ạ!

Hoàng tử Dế nói...

Ơ, tò mò quá, anh dịch vài truyện của TV đi ạ! Các độc giả sẽ đợi nghe! Dế nhà em chưa biết viết nhưng cũng sáng tác "dân gian truyền miệng" rồi đấy, em cũng chép lại mà! Bác nhớ dịch chị TV đi nhé!

Hoàng tử Dế nói...

Cái "Cô bé bán diêm" của NCTG lại khác khá nhiều về câu chữ trong bản dịch của NXB Văn Học 1997. Như vậy là người ta vẫn thường kể lại, lược bớt, truyện của Andersen, đúng ko ạ? :)

Hoang Linh nói...

Vụ "Cô gái bán diêm" này thuộc về văn bản học rồi. Ngay trong đời Andersen đã có nhiều (dị) bản. Sau khi ông ấy mất thì có thêm nữa. Rồi tùy là dịch theo bản nào, ai dịch, lại "tam sao thất bản" nữa. (Điều căn bản là truyện vẫn của... Andersen, ko đứng tên người khác, và nếu có khác một bản nhất định nào đó, hoặc ngay cả khác bản đầu tiên, thì cũng là "đại đồng tiểu dị".
Cho nên, nếu có thể tra được nguồn, thì nên viết là: XYZ dịch, theo bản tiếng Á Căn Đình, NXB Xuân Thu, năm 1872. Ví dụ thế.
Chưa nói đến chuyện, ở các nước, cũng có thông lệ các nhà văn, các dịch giả viết lại một tác phẩm kinh điển cho thiếu nhi, và người ta đề rõ ràng như vậy. Các cuốn như "Ngàn lẻ một đêm", "Truyện cổ Grimm", "Truyện cổ Andersen", "Lỗ Bình Sơn" (Robinson Crusoe), "Guliver du ký", "Đông Ki-sốt", "Không gia đình"... đều có vài bản viết lại như thế. Cái đó không sao cả, vì người ta chua rõ ràng ;)

Đăng nhận xét