25/1/08

Hữu Loan





Sinh năm 1916, tức cùng tuổi với Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu..., có lẽ Hữu Loan là nhà thơ cựu trào nhất của văn học Việt Nam hiện vẫn còn sống.

Đặc biệt, khác với phần lớn thi nhân Việt Nam, chỉ giỏi nói, chứ cần làm gì là... chạy biến, trói gà không chặt..., theo những lời kể, Hữu Loan to cao, khỏe khoắn, như đô vật, "giữa đường gặp sự bất bằng" là sẵn sàng ra tay, vũ lực hẳn hoi, chứ không "thiền", "nhu", coi đó là... "chuyện thiên hạ" như đại đa số. Hữu Loan nói và làm, như ông từng trả lời BBC:

"Tôi là thằng thích được tự do mà bảo vệ tự do của tôi, với tự do của mình và tự do của dân tộc, tự do của mọi người. Tôi thấy ai mất tự do thì tôi bênh vực cái người ấy và tôi cũng không bao giờ để cho tôi mất tự do, như là tôi làm những cái mà... bao giờ cũng làm cái đạo đức tức là thương người. Thấy đói thì thương, ai rách thì cho mà ai bị áp bức thì binh vực. Nhưng mà có một cái là không ai có thể áp bức tôi được. Áp bức là tôi chống lại. Chống bất cứ ai mà ngay cả đến cần phải đánh nhau với cả hàng lũ người mà làm tôi mất tự do tôi cũng chống lại và nếu cần đánh là cũng phải đánh."

Nam tính của Hữu Loan có lẽ cũng thể hiện ở một điểm khác: ông có... nhiều vợ, con cháu nhiều kể không xiết (đâu trên con số 100!)

*

Hôm nay hơi rảnh, dạo một vòng báo chí, đọc được bài này của Hà Đình Cẩn trên "Tiền Phong" (bài viết trước đó đã có trên blog của tác giả). Đoạn kết như vầy:

"Không biết có còn vận may nào đến nữa không, Hữu Loan vẫn chờ. Cái chỗ bao nhiêu năm ngồi uống rượu, ngắm rượu và chờ đợi, mồ hôi thấm lên tường hình một bờ vai. Hình bờ vai lún dần, lún dần xuống thấp, có dễ không lâu nữa ngả hẳn xuống gần mặt chiếu.

Tôi ghé sát tai ông:

- Thưa bác, bác có làm thơ nữa không?

Hữu Loan vẫn nhìn chén rượu:

- Có. Nhưng toàn thơ đểu - Bỗng nhiên ông cất tiếng cười, cười khà khà, mãn nguyện.

- Bác thử đọc vài câu thơ đểu cho con nghe với nào?

Hữu Loan ngồi im. Lát sau ông nói :

- Đọc "Đèo Cả" thì đọc, chứ đọc thơ đểu phí rượu.

Rồi ông như người bất ngờ vùng tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, tinh nhanh, hoạt bát hẳn ra, giọng vang và còn sáng. Ông đọc hết "Đèo Cả: không hề vấp váp. Đọc xong, ông vơ lấy chén rượu, nhưng không uống, chỉ nhìn mà nước mắt rơi."

Thấy xót!

Nguyễn Minh Châu, hình như trong "Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa", có kể một nhà văn cựu trào (Nguyễn Tuân) ngồi giữa chiếu rượu, nước mắt lã chã, than rằng mình còn sống được đến bấy giờ là vì biết sợ. Những giọt nước mắt ấy tất nhiên đáng thương cảm, nhưng khó so được với nước mắt & nỗi đau của Hữu Loan khi phải cắn răng, cực chẳng đã, làm toàn "thơ đểu"; chứ thực ra, ông vẫn muốn những "Đèo Cả", và có lẽ, "Màu tím hoa sim", "Yên Mô", "Tình thủ đô"... của thời xưa chứ.

Ngược lại, đọc lại Nguyễn Tuân trong 4-5 ngàn trang "Toàn tập", mới thấy thảm làm sao, vô vàn những sáng tác minh họa :(

*

Năm 1988, khi Việt Nam "Đổi mới" theo mô hình Liên Xô của các ông "Chốp", "Chép" (mà bây giờ, báo chí an ninh ta "phản tỉnh", coi đó là những kẻ "phản bội" :)), Hữu Loan quá lạc quan, đã viết một bài "Tự phỏng vấn" gửi báo "Lao động Chủ nhật". Mười chín năm sau, khi talawas đăng, độc giả dễ hiểu tại sao "Lao động Chủ nhật" đã không đi bài đó.

"Tự phỏng vấn" có đoạn kể về "Màu tím hoa sim":

"Bài thơ “Màu tím hoa sim” của tôi (từ trước vẫn do dân tự tiện truyền tụng ngầm, bất chấp lệnh nghiêm cấm của những tướng trấn ải giáo điều), được đăng công khai lần đầu tiên báo "Trăm Hoa". Nguyễn Bính còn cho thuê taxi có loa phóng thanh đi quảng cáo khắp Hà Nội là "Trăm Hoa" số này có thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. Mấy tháng sau tôi đi cải cách ruộng đất, làm bài thơ “Hoa lúa”, 22 anh em nhà báo nhà văn đi cải cách truyền tay nhau chép. Chị Bạch Diệp báo Nhân dân xin chép đầu tiên, nhưng ý trung nhân của chị là anh Xuân Diệu ở báo "Văn Nghệ" không đăng, bảo là thơ tình cảm hữu khuynh, mất lập trường. Trần Lê Văn đến mách với Nguyễn Bính, Bính đến xin ngày bài “Hoa lúa” về đăng “Trăm Hoa”. Anh Bính còn làm một cử chỉ rất hào hùng là đem đến trả cho vợ tôi 15 đồng nhuận bút, trong khi đăng "Văn Nghệ" chỉ được 7 đồng. Anh bảo với vợ tôi: “Hữu Loan ở nhà thì tôi xin (tôi vẫn viết không lấy nhuận bút để giúp những tờ báo nghèo, mới ra) nhưng Hữu Loan đi cải cách chị cũng cần tiêu (15đ bằng 150.000đ bây giờ). Một chỉ vàng lúc ấy mới 20 đ. Nói ra điều này để thấy rằng mức sống của người cầm bút hiện nay đã vô cùng xuống dốc. Nhuận bút của cả một quyển sách hiện nay không bằng tiền của một bài thơ Nguyễn Bính trả cho tôi."

Những thông tin rất đắt giá, vì nhiều nhẽ. Ít ra, cũng dễ hiểu rằng, "Trăm Hoa" của Nguyễn Bính "sớm nở tối tàn" không chỉ vì nhà thơ của "Lỡ bước sang ngang" "vốn chỉ biết làm thơ, không quen quản lý", nên "chỉ sau vài ba số, hết tiền, "Trăm Hoa" đã chết không trống không kèn", như anh Chung viết. :)

*

Ba năm trước, khi VITEK mua bản quyền "Màu tím hoa sim" (mà bố cún vẫn thích nhất bản phổ nhạc "Áo anh sứt chỉ đường tà" của Phạm Duy), anh Văn Khoa đã ưu ái cho NCTG phỏng vấn trước giờ G (và như thế, bố cún có được bài viết về vụ này trước tất cả báo chí Việt Nam - điều này, tự hào nho nhỏ đấy, ít ai biết :)).

Trả lời câu hỏi của bố cún, anh Văn Khoa đã nói rất hay về cái gọi là "văn hóa doanh nghiệp", và về bài thơ "Màu tím hoa sim", theo sự nhìn nhận của anh:

"Chúng tôi biết có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư những khoản tiền lớn cho người mẫu, hoa hậu hay các cầu thủ siêu sao. Là doanh nghiệp 100% Việt Nam, Vitek có những cảm nhận về văn hóa Việt Nam mà các đồng nghiệp người nước ngoài (và cũng là đối thủ cạnh tranh) không dễ dàng có được. Vitek muốn chọn một tác phẩm nghệ thuật Việt Nam với niềm tin là sự vĩnh cửu của văn hóa sẽ bền vững hơn sự mong manh của nhan sắc mỹ nhân. Sự khéo léo và tài hoa của đôi chân một cầu thủ siêu sao sẽ rất nhỏ bé nếu đem so sánh với sự kỳ vĩ của một thi phẩm vượt thời gian!

Khi lựa chọn, chúng tôi cũng đã bàn bạc rất nhiều. Một số thi phẩm hay khác như "Quê hương", "Núi đôi"... cũng đã được đưa ra bàn chọn. Tuy nhiên, cuối cùng, chúng tôi dừng lại ở MTHS của thi sĩ Hữu Loan vì Vitek cảm nhận đây là một trong những bài thơ tình hay nhất của thế kỷ trước, khi đất nước ta còn gian khó trong chiến tranh. Lời bài thơ tuy dung dị, nhưng ý thơ hùng tráng và cảm xúc mãnh liệt thể hiện trong toàn bài đã khiến MTHS trở thành một thi phẩm còn mãi với thời gian, luôn được sự mến mộ của công chúng yêu thơ suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Ngoài ra, làm việc này, chúng tôi cũng còn một ước vọng nho nhỏ nữa: cho thế giới thấy là Việt Nam chúng ta nghèo, nhưng chúng ta còn biết kính trọng thơ văn! Thái độ trân quý một bài thơ sẽ khiến cho mọi người nhìn nhận lại những giá trị vô hình, vốn đang bị khuất lấp bởi những nỗ lực thực dụng của nền kinh tế thị trường."

Dịp ấy, anh Văn Khoa còn gửi cho bố cún mấy tấm ảnh anh chụp khi về thăm Hữu Loan. Trong số đó, có tấm hình "Chiếc bình hoa ngày cưới - thành bình hương - tàn lạnh vây quanh" (minh họa ở trên), mỗi lần nhìn lại, bố cún vẫn thấy rờn rợn.

Cũng như, khi đọc lại đoạn này:

Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí.
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt.

Thi sĩ đã làm những vần thơ xuất thần như thế, giờ toàn làm... thơ đểu ở tuổi chín mươi mấy...

8 nhận xét:

Hoa Pion nói...

"Thơ đểu" là như thế nào ạ? Anh có được bài thơ nào của HL sau này ko ạ?
À, cái bài anh Chung viết hay thật! Về NB ấy, sao giờ mới thấy nhỉ?

Hoang Linh nói...

@ Hoa Pion: Không, để anh thử kiếm xem.
Bây giờ mới repost, thì mới thấy chứ sao ;)
@ 2Ti: Tự nhiên lại cảm thán thế?

2Ti nói...

:)
Tại sao Việt nam chưa thể có chỗ đứng trong làng văn thế giới dù bề dày văn hoá ko kém ai?

Hoang Linh nói...

@ 2Ti: Em chỉ cho anh xem "bề dày văn hóa của Việt Nam" cái :). Rồi mình sẽ thống nhất là nó có hơn, kém ai ko :)

2Ti nói...

Ôi, thơ đểu-nỗi đau của Hữu Loan nhưng cũng là nỗi đau của toàn bộ nền văn nghệ VN sau này :(

2Ti nói...

Hi hi...hôm nay mới quay lại cái bài này nên em mới bit câu đề nghị của anh.
1. Rõ ràng là mình có lịch sử ít nhất là trên 2000năm ( chỉ tính từ thời các Vua Hùng). Và vì thế, so với lục địa già châu âu, mình chỉ kém có chút xíu :P
2. Theo những sử chứng để lại thì nền văn hoá của ta cũng có đủ các thể loại : cầm kỳ thi hoạ từ thời cổ?
3. Thời tiết của ta cũng khá khắc nghiệt nhưng dân ta vẫn trụ vững bằng các phương pháp canh tác riêng, những bài thuốc dân gian... cách chống lại thổ nhiễu cũng là 1 nét văn hoá chứng tỏ bản lĩnh kiên cường của cha ông.
4. Ở gần 1 nước lớn như TQ nhưng ta vẫn ko bị chìm khuất mà có bản sắc riêng chứng tỏ những dấu ấn sâu đậm của văn hoá bản địa.
...
Túm lại, thực ra em cũng rất hoài nghi những gì mình đc học trong trường nhưng điều em muốn nói khi thốt lên câu " nỗi đau của toàn bộ nền Vn Việt nam sau này" là 1 ý hoàn toàn độc lập, khác hẳn. Nó thuộc về sự lỏng lẻo trong giống nòi, hệ thống đức tin và cơ sở lý luận của cả dân tộc.
Có gì thiếu sót, mong anh chỉ giáo :)
5.

2Ti nói...

Úi, nhầm nhọt, lịch sử Vn có trên 4000 năm chứ :)

Zee Tran nói...

Nhầm rồi, văn nghệ sỹ ngày nay có thể...làm tiền cả đám TV reporter đấy!

Đăng nhận xét