1/8/08

Lan man nhân chuyện tước thẻ ký giả



Vài hôm nay, trên các blog nhắc nhiều đến chuyện 7 nhà báo bị tước thẻ. Trong số ấy, ngoài trường hợp phó TBT "Tuổi Trẻ" Bùi Thanh, thì "ca" của Việt Dũng (báo "Khoa học & Đời sống"), "tương truyền" bị mất thẻ vì đăng ảnh ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ngủ trên máy bay, là đáng chú ý.

Miễn nói chuyện đăng ảnh ông Dũng như thế là đúng hay sai, có "dụng ý" gì không, v.v..., thông thường nếu ông Dũng cảm thấy quyền cá nhân, riêng tư (chuyện ngủ nghê) của mình bị vi phạm, ông Dũng có thể kiện dân sự và nếu thắng, ký giả (và tờ báo đã đăng bài) có thể phải đăng lời xin lỗi, hoặc bồi thường, tùy theo phán quyết của tòa án. Ở ta, không thấy nói chuyện ông Dũng khởi kiện, chỉ biết thứ trưởng Đỗ Quý Doãn "tức thời" ký quyết định thu hồi thẻ (với lý trấu "vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động và thông tin trên báo chí"), chả hiểu chiểu theo luật gì?

Ở đây, có mấy vấn đề nho nhỏ được đặt ra:

- Đâu là giới hạn của chuyện "đời tư" và "đời công", của "thường dân" và các "nhân vật của công chúng"?

Chẳng hạn, bên này, nếu muốn (và trong thực tế), báo chí có thể thoải mái đăng tải (với ý phê phán, hoặc châm biếm) cảnh các ông nghị ngủ gà gật trong các phiên họp Quốc hội, mà chả ai nói năng gì cả. Bởi lẽ, dân biểu sống bằng tiền đóng thuế của dân, để phục vụ dân, "công bộc" vì dân, do dân..., trên nguyên tắc là như thế - đi họp cũng là chuyện "công vụ", Quốc hội không phải là chỗ để ngủ và dân có quyền giám sát, phản biện về chuyện này. Tuy nhiên, nếu ký giả tương ảnh người dân ngủ trong nhà họ (mà không được phép của thân chủ), thì có thể bị kiện vì vi phạm quyền cá nhân.

Trường hợp của ông Lê Dũng, thì cho dù ông đang trên đường thực hiện công vụ, nhưng máy bay dường như là địa điểm mang tính riêng tư (khác với phòng họp báo chẳng hạn), nên việc tung ảnh ông ngủ ở đó có thể là không nên, hoặc nếu người chụp quan niệm "ảnh ta chụp... ta cứ tung..." thì có lẽ ông Dũng có thể kiện, nếu muốn.

- Nhưng ở đâu đi nữa, trong bất cứ trường hợp nào, "người của đám đông", nhất là các chính khách, nên có sự chịu đựng và tự chủ hơn "người thường". Và pháp luật cũng nên hướng theo "xu thế" ấy.

Nhớ lại một chuyện cũ ở Hungary, cách đây hai năm. Gia đình thủ tướng Hung Gyurcsány Ferenc có một số phi vụ làm ăn luôn bị báo chí đối lập (cánh hữu) soi mói (bản thân ông Gyurcsány là một triệu hay tỉ phú, trước khi lên đứng đầu nội các). Cuối năm 2005, đầu 2006, tờ báo cánh hữu khét tiếng "Dân tộc Hungary" (Magyar Nemzet) đăng một bài viết rất căng thẳng, đi sâu vào chuyện làm ăn của thủ tướng, và phán rằng "thủ tướng là kẻ dối trá".

Là người tỉnh táo, thông thường phớt lờ những chuyện lẻ tẻ, nhưng không hiểu sao trong bận ấy, ông Gyurcsány (cũng là một blogger hóm hỉnh và có khả năng tự trào) lại phát hâm, đi kiện tờ báo. Dĩ nhiên là tòa án xử ông thua!

Chắc cũng đau, nên phát ngôn viên chính phủ, ông Batiz András - để cứu vẫn tình thế -, đã biện bách với báo chí rằng, thực ra tòa án đã không dựa vào câu chuyện khó xử liên quan đến thủ tướng (mà tờ báo trên đã nêu) để đưa ra phán quyết. Mà, sở dĩ thủ tướng Hung thua kiện, vì tòa án chỉ khẳng định chung chung (một cách đúng đắn) rằng, một "nhân vật của công chúng" phải chấp nhận những ý kiến kiểu "ông là kẻ dối trá!" :)

Lời biện bạch cũng khéo, tế nhị và vừa phải, nhưng vẫn không thoát! Tờ "Dân tộc Hungary" lập tức có bài "phản pháo", "vạch trần" "thâm ý" của ông phát ngôn viên chính phủ! Sau khi kể lại mọi chuyện, với ý khẳng định rằng chuyện tờ báo bảo thủ tướng Hung "dối trá" là có cơ sở (và vì thế, thủ tướng Hung phải thua kiện), bài viết còn "bồi" thêm một đòn khá nặng: "Đối với một thủ tướng thì dối trá lại càng là một điều xấu. Người dân lập tức phải đặt câu hỏi: phải chăng những khi khác thủ tướng thường hay dối trá, hay là ông cũng có nói thực? Và nếu đúng vậy, thì ai là người xác nhận điều này? Về đại thể, tỉ lệ giữa những lời nói thực và nói dối là bao nhiêu? Và nếu trong nền dân chủ, người dân phát hiện ra thủ tướng nói dối, thì thử hỏi, hậu quà cần thiết và không thể tránh khỏi là gì?"

Ác thật! Ở những nơi mà báo chí thực sự là "quyền lực thứ tư" (một cách tương đối), nói bậy, làm bậy cũng sợ lắm thay, vì rất dễ lộ! (Bác Osin đã có một entry hay về vụ này). Cho dù "Dân tộc Hungary" là một tờ cực đoan, đọc nó nhiều khi cũng thấy quá trớn, bực mình, nhưng trong vấn đề "giám sát xã hội", "phản biện lãnh đạo" này, cứ phải thừa nhận là nó có lý đi!

Chứ giả sử nó cứ tung hô thủ tướng thì chả ai đọc! ;))

Bổ sung: Bạn Linh ở đây có đặt câu hỏi, ví dụ, thay vì đăng ảnh ông Lê Dũng ngủ, báo chí đăng ảnh... Mai Phương Thúy, cũng là một "nhân vật công cộng", thì liệu nhà báo Việt Dũng có bị Bộ "đơn phương" tước thẻ như thế không? Câu hỏi rất... nai, vì dễ thấy là Việt Nam chỉ "nhiệt tình" bảo vệ đời tư các "nhân vật công cộng" là quan chức (trong bộ máy đảng, Nhà nước) - cứ xem vụ hai ký giả bị tạm giam, thì rõ. Chứ còn đời tư các "nhân vật công cộng" kiểu người mẫu, diễn viên... thì... kệ họ, phận ai nấy lo, không bị đưa đi... cải tạo, phục hồi nhân phẩm như Yến Vy là may lắm rồi :)

Đùa vậy thôi, chứ trong thực tế tư pháp của Hungary chẳng hạn, khi đụng chạm tới vấn đề "vi phạm đời tư cá nhân", cũng thấy có sự phân biệt (không rõ ràng lắm) giữa "nhân vật công cộng" là chính khách, và "nhân vật công cộng" không phải chính khách. Hình như nếu không phải chính khách, thì dù là "công cộng" đi nữa, nếu không muốn, khác với giới chính khách, họ cũng không có bổn phận chịu đựng khi bị ném trứng, cà chua, hoặc bị lôi đời tư ra bêu riếu trên mặt báo :)

(*) Minh họa: thủ tướng Hungary trong một góc độ không thật "chính thống" lắm.

7 nhận xét:

Hoa Pion nói...

Vụ ông Lê Dũng, người ta nói toẹt ra là do nhà báo đăng ảnh ông ý ạ?
Hmm, thấy thương và cảm phục những người làm báo chân chính ở nước ta. Vì nếu thực sự tình trạng thế này mà họ vẫn say nghề, vẫn cống hiến thì thật là đáng quý, đáng trọng. Hic.

Hoang Linh nói...

Ấy, 2Ti!!!
(Tiếu lâm Hungary thời XHCN:
Hai người Hung trò chuyện với nhau năm 1956 (1).
- Anh có ý kiến gì về tình hình chính trị nước ta hiện nay?
- Tôi có, nhưng không đồng tình với nó.
(1) Năm diễn ra cuộc cách mạng Hung.)

2Ti nói...

Qua vụ này, Đảng nhà mình thể hiện tính độc tài điển hình :(

chieuly2003 nói...

cos phair ai cumgx ddwowcj pheps to moomf nhw anh NCTG ddaau !!!

Trang nói...

Anh Linh định làm chúng em lồng lên ghen tị đấy à? Anh đã biết "nhà báo An Nam khổ như chó ta" rồi mà còn đay đi đay lại nữa để chúng em nghĩ mà chết hử?

Hoang Linh nói...

@ today20: Ý anh nói là, phàm là "nhân vật công cộng" thì chính khách hay không, trong thực tế, đều bị săm soi cả. Tuy nhiên, ở Hung (ko biết nơi khác thế nào), đã có những phán quyết của tòa án xử thua chính khách khi họ kiện với lý do "bị xâm phạm đời tư", với lời lý giải rằng do là chính khách nên họ phải có sự chịu đựng hơn người bình thường. Ngoài ra, chưa thấy phán quyết nào như vậy đối với "nhân vật công cộng" mà ko phải chính khác (ví dụ, ca sĩ, người mẫu, tài tử, v.v...)
Vụ YV là nói cho vui thôi :)

today20 nói...

Bác Hoàng Linh lấy ví dụ về Yến Vi cũng không đúng :p Yến Vi đi cải tạo là vì bán dâm chứ không phải vì bị leak video :p accordingly là nếu Yến Vi chỉ bị leak video thì dĩ nhiên sẽ không đi cải tạo.
Còn về các public figure không phải chính khách, Hung thì em không biết chứ hầu hết các nước phương Tây đều phải chịu bị soi mói đời tư, mặc dù có thể về nguyên tắc không bị ném cà chua trứng thối (về nguyên tắc thì không ai phải "chịu" sự xâm phạm thân thể cả). Như Jolie đi đẻ ở Pháp, thuê vệ sĩ canh khắp bệnh viện vẫn có 1 đống chú paparazzi xông vào dòm ngó đấy thôi. Hay như công nương Diana, chắc chắn không phải chính khách :p
Public figure ở hầu hết các nước phương Tây đều phải chịu sự soi mói như nhau, nhất là ở các nơi công cộng thì khỏi phải nói nữa.

Đăng nhận xét