16/2/09

Chuyện ngoại giao với Tàu - Tưởng



Thời gian gần đây, báo chí Việt Nam khi nói về chính sách ngoại giao uyển chuyển của cụ Hồ, hay nhắc tới cụm từ "ngoại giao Câu Tiễn" (nhưng ít khi nêu lại bối cảnh mà cụ dùng khái niệm ấy).

Nhiều người, nhân đấy, phát triển thành một học thuyết: Việt Nam mình nhỏ, phải biết nhẫn nhịn, "một điều nhịn là chín điều lành", "tránh voi chẳng xấu mặt nào", v.v...

Thuyết này đúng là nếu sử dụng đúng lúc, đúng chỗ và chừng mực, thì kể ra cũng tránh được nhiều thứ phiền toái. Nhất là, nếu tâm niệm như thế, thì tránh được tâm lý lạc quan tếu, tự tôn kiểu "đỉnh cao trí tuệ", mà ý thức được hơn với "tầm vóc" và những giá trị riêng của mình, để ứng xử sao cho hợp.

Tuy nhiên, "ngoại giao Câu Tiễn" phải đi kèm với sự đường hoàng, ngẩng cao đầu, mà chính cụ Hồ là người đã nêu gương, "làm mẫu" cho ngành Ngoại giao Việt Nam thời "trứng nước" (1945-46), theo như hồi ký sau đây của ông Nguyễn Đức Thụy, cụ của cún :).

Cụ của cún là người cách mạng, nhưng không bon chen, sống thanh liêm bần hàn, không ưa giàu sang phú quý, ghét bọn xu nịnh, dốt nát. Trong đời, cụ có nhiều lần là chứng nhân của lịch sử (nói cho to tát), nhất là thời kỳ 1945-46, trên cương vị thành viên nhóm Tham nghị (đại loại như trợ lý Ngoại giao, cùng các ông Bùi Lâm, Trần Đình Long, Nguyễn Văn Lưu và Tạ Quang Bửu) của cụ Hồ và hồi 1949, khi cụ cùng Lý Ban (Lý Bích Sơn), trên cương vị đặc phái viên cao cấp của Trung ương và cụ Hồ, đã đi... bộ (mất gần 4 tháng) qua Bắc Kinh gặp đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề bàn bạc vấn đề hợp tác.

Bốt lại hồi tưởng này của cụ Thụy để thấy là vào những khoảnh khắc "gây cấn" như thời 1945-46, nhưng ta vẫn rất đường hoàng, lịch sự và nhã nhặn. (Tư liệu này chưa thấy đăng rộng rãi ở đâu, chỉ thấy trích đăng, lược đăng một số đoạn trong 1 tuyển tập những bài viết của một số vị từng có thời kỳ gần gũi với cụ Hồ, NXB Sự thật và Bảo tàng HCM ấn hành. Bản bốt sau đây là tuype theo bản viết tay của cụ Thụy).

(*) Ảnh trên là cụ Thụy năm 1949, trong chuyến đi đặt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

*

MẤY ĐIỀU GHI LẠI VỀ TIỀN THÂN CỦA BỘ NGOẠI GIAO NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Tài liệu này ông viết cho Phòng Truyền thống của Bộ Ngoại giao cuối năm 1985 (tết Bính Dần). Ông để lại cho các cháu một bản để sau này khi nhớ đến ông thì các cháu lấy ra đọc.

*

Bộ Ngoại giao nước ta hiện nay là một Bộ quan trọng bậc nhất của Chính phủ. Nó có cơ sở vật chất to lớn, tổ chức rộng rãi với một đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đầy đủ tri thức và kinh nghiệm để gánh vác công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Kỷ niệm 40 năm ngày xây dựng Bộ năm nay, ôn lại những ngày đầu tiên của Bộ là một việc có ý nghĩa để xây dựng Phòng Truyền thống của Bộ.

Không cần thiết nói dài dòng về bối cảnh chính trị, quân sự, ngoại giao trong những năm 1945 - 1946: trong Nam quân Anh Pháp đổ bộ, ngoài Bắc quân Tưởng kéo sang để giải pháp quân Nhật và cũng là để âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân vừa mới thành lập. Tiêu Văn, một viên trung tướng của quân Tưởng đã nói trắng ra rằng "tiêu diệt Việt Minh trước, giải giáp quân Nhật sau". Bối cảnh đó cộng thêm hoạt động của bọn Việt gian bán nước đã làm cho tình hình công tác đối ngoại càng khó khăn, phức tạp hơn.

Sau Tuyên ngôn Độc lập 2-9, các Bộ của Chính phủ Lâm thời được thành lập, trong đó có Bộ Ngoại giao mà Bác Hồ là người Bộ trưởng đầu tiên chịu trách nhiệm trước Trung ương Đảng và Chính phủ, đứng mũi chịu sào về công tác đối ngoại khó khăn nghiêm trọng này. Một tổ công tác đối ngoại đầu tiên được thành lập gồm 5 người: Đ/c Bùi Lâm, Đ/c Trần Đình Long, Đ/c Nguyễn Văn Lưu, Đ/c Tạ Quang Bửu và Đ/c Nguyễn Đức Thụy, do Bác lãnh đạo. Tổ công tác được thành lập trong phòng làm việc của Bác tại Bắc Bộ Phủ (nay là Bộ Nội vụ). Bác nói: "Tôi mời các chú đến đây để tổ chức ủy viên hội của Bộ Ngoại giao" (lúc đó ta chưa dùng chữ "ủy ban", "ban"). Sau khi Bác nói tóm tắt về tình hình chung, nhận định về thuận lợi và khó khăn của công tác đối ngoại, Bác liền phân công cho từng người: Đ/c Bùi Lâm phụ trách công tác đối Pháp, kể cả đối với những đảng viên Đảng Xã hội Pháp tại Việt Nam; Đ/c Tạ Quang Bửu đối Anh, Mỹ; Đ/c Nguyễn Văn Lưu đối công tác tổng hợp của Bộ; Đ/c Trần Đình Long đối với công việc xẩy ra ở các địa phương; Đ/c Nguyễn Đức Thụy đối công tác quân Tưởng và Hoa kiều.

Sau khi phân công, Bác dặn dò:

- Chữ "ủy viên hội" và chữ "ủy viên" là ta dùng trong nội bộ, không được nói công khai vì quân Tưởng rất ghét chữ đó là chữ dùng để chỉ tổ chức cộng sản. Chức vụ của các chú nên dùng chữ "Tham nghị".

Chúng tôi bấm bụng cười, nhưng Bác cũng cười và nói: "Chức Tham nghị là chức rất phổ biến trong bộ máy chính quyền của Tưởng. Coi nó to cũng được, nhỏ cũng được, rất quan trọng cũng được, chẳng quan trọng gì cũng được. Anh là tham nghị thì anh nói đúng cũng được, anh nói sai thì cũng chẳng ai thèm trách cứ và càng dễ cải chính".

Bác không quên dặn đồng chí Nguyễn Đức Thụy phải khắc ngay con dấu tên mình để dùng trong các giấy tờ giao thiệp với quân Tưởng. Bác nói người Trung Quốc tin vào chữ ký kèm có con dấu. Giấy tờ có chữ ký mà không có con dấu son đỏ đóng trên chữ ký thì kém hiệu lực. Bác dặn như vậy là đúng, song tôi hay đánh mất con dấu nên đã phải khắc lại đôi ba lần. Con dấu mà tôi tặng Phòng Truyền thống của Bộ là con dấu khắc cuối cùng mà tôi đã sử dụng trong suốt 8 năm kháng chiến chống Pháp những khi giao thiệp với các tỉnh biên giới Trung Quốc, hay đi Nam Kinh theo lệnh Bác.

Bác nói tổ chức đối ngoại này đồng thời là một tổ Đảng mà Bác là tổ trưởng. Cũng nên nói luôn là từ sau khi thành lập, tổ chức này sinh hoạt không đều vì tình hình chuẩn bị kháng chiến ngày càng khẩn trương. Tôi chỉ còn nhớ một lần sinh hoạt để kiểm điểm công tác và thảo luận về vấn đề đối phó với bọn Việt gian phản động tăng cường hoạt động khủng bố, ra báo và phát thanh phản động, cướp của, giết người. Một đồng chí trong tổ yêu cầu cho bắt bọn cầm đầu đem bắn, nhưng Bác chậm rãi nói: "Chưa phải lúc bắt bớ bắn giết chúng vì bọn phản động trong quân đội Tưởng còn chưa chịu bỏ bọn này và còn ủng hộ chúng". Lời Bác nói thật đúng. Phải đợi đến vụ Ôn Như Hầu bị ta phát giác, hàng đống xác chết của dân lương thiện bị bọn Việt Quốc, Việt Cách giết hại được đào lên trong các vườn nhà thì ngay bọn phản động nhất trong quân đội Tưởng cũng không còn lý do để giúp bọn phản động này khỏi bị trừng trị.

Tổ chức tiền thân của Bộ Ngoại giao này được Bác tổ chức rất giản đơn nhưng cũng rất nghiêm trang. Khi đó chưa có chế độ bổ nhiệm bằng văn bản, chưa có chế độ đãi ngộ, chưa có lương bậc gì cả. Song mỗi người trong tổ chức đó đều tận tâm làm việc, không kể hy sinh, mất mát vì nhiệm vụ như Đ/c Trần Đình Long bị bọn phản động Quốc dân Đảng giả danh quân Tưởng đến nhà bắt cóc đem đi giết hại; Đ/c Nguyễn Đức Thụy bị ô tô nhà binh Pháp đâm trong lúc đi giao thiệp để tiếp quản pháo đài Láng, hiện nay vẫn mang thương tật; một đồng chí cán bộ đối ngoại là Nguyễn Văn Thủy bị chấn thương sọ não ngớ ngẩn suốt đời. Ngay Bác Hồ có lần cũng suýt bị bọn Quốc dân Đảng đóng ở đường Quan Thánh bắn vào lốp xe ô tô của Bác đang chạy từ Phủ Chủ tịch, nơi Lư Hán đóng về Bắc Bộ Phủ.

Tổ chức tiền thân của Bộ Ngoại giao này hoạt động đến khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong quá trình công tác, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, nó đã góp phần nhỏ bé của mình vào những thành tích to lớn về đối ngoại của Đảng và Nhà nước như xúc tiến việc rút lui khỏi Việt Bắc của quân Tưởng; đưa bộ đội Nam tiến được thuận lợi (do Bác tranh thủ được sự đồng tình của viên sư trưởng của sự vinh dự thứ hai của Tưởng); phá được âm mưu của bọn phản động Quốc dân Đảng cấu kết với bọn phản động trong quân đội Tưởng; giải quyết kịp thời nhiệm vụ xung đột xẩy ra ở các địa phương giữa quân Tưởng và lực lượng vũ trang địa phương v.v... Tất nhiên các ngành, các cấp địa phương, và Trung ương cũng có những đóng góp to lớn vào thành tích đó của tổ chức tiền phong của Bộ.

Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tổ chức tiền thân này phân tán làm các công tác khác; tôi được Trung ương phái lên Việt Bắc phụ trách công tác ngoại thương ở các cửa khẩu Cao Bằng, để tiếp tế vật tư, thuốc men cho nhân dân và bộ đội. Được vài tháng thì Bác gọi về bảo phải tiếp tục công tác với Chính phủ Tưởng, mãi đến cuối năm 1949, quân đội của Mao tiến gần biên giới thì công tác này mới kết thúc để quay sang làm công tác với Chính phủ Mao. Trong thời gian từ 1946 - 1949 đó, một chính sách lớn đối với Chính phủ Tưởng là ta vẫn nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết chống Pháp. Bác Hồ thường gửi thư cho Tiêu Văn, cho Ngô Thiết Thành, tổng bí thư của Quốc dân Đảng Trung Quốc, yêu cầu họ thuyết phục bọn Nguyễn Hải Thần và phe lũ về nước kháng chiến và hứa cho họ được hưởng những quyền lợi và chức vụ như cũ. Thậm chí Bác còn chủ trương cố thuyết phục Bảo Đại ở Hồng Kông về nước, hứa cho hắn 2 triệu Đông Dương và tổ chức cho hắn về nếu hắn đồng ý, nhưng chủ trương này không thành vì hắn đã trở thành một tên vua trác táng có tiếng ở các hộp đêm, tiệm nhẩy, sòng cờ bạc ở Hồng Kông.

Đem chủ trương đại đoàn kết này kêu gọi kẻ thù thật là một phương pháp thâm thúy tranh thủ kẻ thù, ổn định hậu phương, vạch mặt bọn Nguyễn Hải Thần. Đối với vùng biên giới Trung - Việt từ Quảng Đông sang Quảng Tây, Bác cũng dặn Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh phải gìn giữ cho yên để chúng ta tập trung lực lượng đánh Pháp, phá âm mưu của Pháp hoạt động tình báo, mua chuộc ở vùng đó. Bác có lần đề phòng tư tưởng chủ quan khinh địch và dùng 2 câu trong phương ngôn của Trung Quốc là: "Cư an, tư nguy - Cư trị bất vong loạn" (1) để nhắc nhở tôi trong công tác.

Cuối cùng, xin nói về tư tưởng và tác phong mà Bác đã dạy cho tổ chức đầu tiên của Bộ.

Suốt trong quá trình công tác, Bác luôn dặn cán bộ cần nắm những vấn đề lớn, biết rõ nhiệm vụ, nội tình của địch, Bác chỉ cho những phương pháp công tác có hiệu quả nhất. Bác dặn cán bộ làm công tác ngoại giao rằng khi tiếp xúc với đối tượng, nên khơi vấn đề để đối tượng nói nhiều mà mình thì nói ít. Đối tượng nói nhiều thì mình dễ biết ý đồ của họ. Mình nói nhiều thì dễ sinh ba hoa, thất thố để họ nắm được ý đồ của mình. Làm việc không nên hấp tấp vội vàng, cả tin, dễ sinh sơ suất. Trong thời gian quân Tưởng còn đóng ở Việt Nam, họ gây ra nhiều khiêu khích, nhưng Bác bảo phải tránh khiêu khích với họ; ngoại giao của ta lúc này là ngoại giao Câu Tiễn (có ý là nhịn nhục) để sau khi giải giáp xong quân đội Nhật, họ không còn lý do gì để trì hoãn việc rút quân, ta dễ dàng đối phó với quân đội Pháp. Nhưng một vài sự việc nghiêm trọng đã làm trái với chủ trương trên như vụ Chèm đã làm cho tình hình phức tạp thêm, sư đoàn 116 (2) của Lư Hán đe dọa bao vây, chiếm đóng Bắc Bộ Phủ, kéo dài việc rút quân. Việc này làm cho Bác hết sức lo ngại, làm cho ta thiệt người, tốn của, nhưng Bác nói "con dại, cái mang" và Bác vẫn chịu đựng để đẩy nhanh việc rút quân của sư đoàn đó.

Bác là một người có tri thức văn hóa Đông Tây rất rộng, Hán học uyên thâm nên dễ chinh phục được tướng lĩnh của Tưởng. Chỉ một vài lần tiếp xúc với Bác là họ rất kính trọng Bác. Lần đầu tiên Bác đến thăm Lư Hán tại Phủ Chủ tịch hiện nay, Lư Hán cho một viên quan tùy tùng ra đón Bác ngồi chờ ở phòng khách rồi Lư Hán mới ra chào hỏi, nhưng sau khi nói chuyện xong, Lư Hán đưa Bác ra tận cổng (chỗ bậc đá mà ngày nay hay chụp ảnh tập thể) đợi Bác lên xe rồi mới vào. Nhưng lần sau Bác đến, Lư Hán đều ra đón tại cổng và tiễn tại cổng, tỏ ra hết sức tôn trọng Bác. Đầu tiên họ xưng hô là "Hồ Chí Minh tiên sinh", nhưng dần dần mọi người khi nói chuyện đều xưng hô Bác là "Hồ Chủ tịch". Bác cười và nhận xét: "Trong công văn giấy tờ thì họ vẫn viết là kính gửi ông Hồ Chí Minh, nhưng trong khi nói chuyện thì họ lại gọi Bác là Hồ Chủ tịch. Thế là họ đã phải công nhận ta trên thực tế".

Cách ăn mặc của Bác rất giản dị. Dù tiếp ai hay đi đến ai, Bác cũng chỉ đội mũ cát, mặc áo quần kaki đi đôi giày vải và chống ba toong bằng song đã cũ. Song đối cán bộ đi theo Bác, Bác bảo: "Tôi ăn mặc thế nào thì mặc tôi, còn các chú đi với tôi thì phải ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ".

Tổ chức tiền thân của Bộ là như thế. Linh hồn, khả năng, thành tích của nó không thể có được nếu không được Đảng và Hồ Chủ tịch lãnh đạo và hướng dẫn.

Từ tổ chức tiền thân, chúng ta ngày nay luôn luôn phải suy nghĩ đến Bác, học tập tư tưởng và tác phong của Bác.

Cán bộ ngoại giao chúng ta nên nhớ một điều có ý nghĩa này: Bác Hồ là người Bộ trưởng đầu tiên của Bộ. Ngoài làm Bộ trưởng Ngoại giao ra, từ 1945 đến lúc Bác qua đời, Bác chưa từng là Bộ trưởng một Bộ quan trọng nào khác. Đây là vinh dự của đội ngũ cán bộ ngoại giao.

Năm nay tôi đã 76 tuổi. Viết lách khó khăn, trí nhớ tàn lụi, tôi cố gắng viết xong mấy trang này hòng góp phần nhỏ bé của mình trong Phòng Truyền thống của Bộ.

Xuân Bính Dần (1986)
Nguyễn Đức Thụy
Ngõ Quan Thổ I, Tổ 54,
số nhà 18,
phố Hàng Bột,
Hà Nội.

Ghi chú:

(1) "Cư an tư nguy": lúc yên, vẫn phải nghĩ đến những mối nghi tiềm ẩn, sống yên bình phải nghĩ đến lúc nguy biến.

Câu này xuất phát từ một câu thành ngữ cổ từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc bên Tàu: "CƯ AN TƯ NGUY, TƯ TẮC HỮU BỊ, HỮU BỊ VÔ HOẠN", nghĩa là lúc sống bình an, hoan lạc thì phải phải nghĩ đến hồi nguy nan đau khổ - nghĩ như vậy thì không bao giờ gặp cảnh hoạn nạn cả.

Cũng có nguồn bảo câu này bắt nguồn từ "Hệ từ hạ" của Khổng Tử:

Nguy giả an kỳ vĩ giả dã
Vong giả bảo kỳ tồn giả dã
Loạn giả hữu kỳ trị giả dã
Thị cố quân tử an nhi bất vong nguy,
tồn nhi bất vong vong
Tri nhi bất vong loạn
Thị dĩ nhân an nhi quốc gia khả bảo gia

Nghĩa là:

Người bị nguy là bởi cứ yên vui nơi ngôi phận mình
Bị mất là bởi chỉ tới cái hiện có
Bị loạn bởi tin cậy cái trị có sẳn,
Bởi thế, người quân tử lúc sống yên không quên cái nguy,
còn không quên lúc mất
Khi thịnh trị không quyên cảnh loạn suy,
như vậy mới yên thân mà giữ được nước nhà

Rút lại còn 8 chữ: "Cư an tư nguy, xử trị tư loạn" - gọn hơn nữa còn chữ: "CƯ AN TƯ NGUY" (Đây cũng là một khẩu hiệu của Trường Võ bị (Trường Sĩ quan Trừ bị) Thủ Đức miền Nam thời xưa).

* "Cư trị bất vong loạn": có lẽ lấy ý từ Khổng Tử (ở trên).

(tạm ghi chú bừa như thế, mong bác Trương Thái Du và các bác am tường Hán học chỉ giáo :)

(2) Trong một bản thảo viết tay, chỗ này là "sư đoàn 16".

17 nhận xét:

Hana nói...

A.Linh ko giong ong :P

Hoang Linh nói...

@ 2Ti: Năm 1949 mà, ở Tàu.
@ Hana: Ko giống ở chỗ nào???

2Ti nói...

Chòi, ảnh chụp năm nào vậy anh? Cụ ông phong độ và rất hiền, không giống một nhà ngoại giao mà giống một nhà văn, như kiểu NGô Tất Tố í :)

2Ti nói...

Chòi, ảnh chụp năm nào vậy anh? Cụ ông phong độ và rất hiền, không giống một nhà ngoại giao mà giống một nhà văn, như kiểu NGô Tất Tố í :)

LêTê nói...

Hay quá. Cảm ơn bác đã cho đọc :D

TMH nói...

Oh, như thế là bác là dòng dõi trâm anh thế phiệt, ngoại giao "nòi" đây!

TMH nói...

Oh, như thế là bác là dòng dõi trâm anh thế phiệt, ngoại giao "nòi" đây!

Hana nói...

ông thì thanh mảnh thế kia :))

PVNH nói...

Mẹ anh giống ông ngoại :D
ANh có những tài liệu quý giá quá ạ!!

Hoang Linh nói...

@ Hana: Anh độ 20 năm trước cũng vậy :)

Hana nói...

đề nghị lời nói đi đôi với việc làm, anh Linh nhé. Nghĩa là: ảnh đâu, minh họa đê, ko thì em ứ tin :D

Hoang Linh nói...

Minh họa sẽ để ở entry khác, phải đi đôi với nội dung entry chứ :)

global operations nói...

Xin Chào Anh. Em cũng là người từng biết đến ông Nguyễn Đức Thụy. Nhưng cho đến năm ngoái khi đọc cuốn kỉ yếu họ Nguyễn làng Tư Thế (Ông là đời thứ 5, chi Hàng Bông còn em là đời thứ 8, trong cuốn kỉ yếu cũng có ghi đoạn hồi kí của ông) thì mới biết ông cũng là người có liên quan máu mủ với mình. Nếu như anh đúng là con cháu của ông Thụy, thì tức là anh và em là họ hàng rồi (họ hàng rất xa)

global operations nói...

Xin Chào Anh. Em cũng là người từng biết đến ông Nguyễn Đức Thụy. Nhưng cho đến năm ngoái khi đọc cuốn kỉ yếu họ Nguyễn làng Tư Thế (Ông là đời thứ 5, chi Hàng Bông còn em là đời thứ 8, trong cuốn kỉ yếu cũng có ghi đoạn hồi kí của ông) thì mới biết ông cũng là người có liên quan máu mủ với mình. Nếu như anh đúng là con cháu của ông Thụy, thì tức là anh và em là họ hàng rồi (họ hàng rất xa)

Hoang Linh nói...

Ừ, mình nhận họ hàng nhé :)
Tiếc là vừa rồi về Việt Nam, khi đi anh lại ko mang theo cuốn kỷ yếu ấy nên ko tra ra được em :), nhưng có gì liên hệ với anh qua mail nhé...

Ngọc Hồ nói...

Cảm ơn chú! Tư liệu quý quá về lịch sử (nhất là về ngành ngoại giao) của ta, chú ạ.

Ngọc Hồ nói...

Chú ơi có thể dùng phần mềm lập gia phả sẽ rất tiện chú ạ. Bà con dòng họ dù ở đâu trên thế giới cũng có thể xem được.

Đăng nhận xét