16/2/09

1979



"Rồi anh lại ra đi - Vui như ngày hội..."

Trần Hoàn viết những câu này 2 năm sau cuộc chiến 1979. Nó cũng cùng âm hưởng với "Đường ra trận mùa này đẹp lắm", hay "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai" của những năm tháng trước đó.

Tất nhiên, không ai phủ nhận là chiến tranh có thể có những khoảnh khắc hân hoan như thế, nhưng về căn bản, chiến tranh là đau buồn, là chết chóc, là tang thương với người ra trận và người ở hậu phương. Cuộc chiến biên giới Việt - Trung cũng không phải ngoại lệ.

Ấn tượng của tôi về cuộc chiến ấy, thật lạ lùng, là khá nhiều, cho dù nhiều thứ giờ đây đã nhạt nhòa. Nhưng tôi vẫn nhớ như in hai cảnh tượng, khi cách tôi hai nhà, có một gia đình nhận tin người con tử trận, và một buổi khác, lúc các bà vợ, bà mẹ tiễn chồng con lên đường, ở SVĐ Quán Thánh.

Hình ảnh và âm thanh của những tiếng gào thét thất thanh và thảm thương không còn nghe rõ lời trong gia đình láng giềng xấu số, và những giọt nước mắt tuôn tràn như mưa không thể ngừng bên hàng xe chăng cờ, hoa, khẩu hiệu chở những người lính ra đi... còn mãi trong tôi, không rời, cho đến giây phút này, khi nhớ về 30 năm trước.

Lúc ấy, tôi mới là một đứa bé 11 tuổi, chả biết gì, đến lớp vẫn hồn nhiên rình lúc cô giáo chưa vào, cùng bạn bè ngồi vắt vẻo trên bàn học và rủ nhau nếu phải đi sơ tán thì cả lũ cùng nhau đăng ký theo trường "cho vui", đừng đi với gia đình, "buồn lắm"...

*

Cuộc chiến nào cũng bi thảm, nhưng đặc biệt, cuộc chiến 1979 bi thảm hơn ở chỗ, nó diễn ra với những kẻ "vừa là đồng chí, vừa là anh em", "môi hở răng lạnh", "bên kia biên giới là nhà - bên đây biên giới cũng là quê hương"... Nó tàn nhẫn và trớ trêu hơn ở chỗ, máu người Việt Nam đã đổ ngay trong thời bình, khi đất nước đã "sạch bóng quân thù", khi mà, lẽ ra, mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết mọi chuyện bằng con đường ngoại giao thông thường.

Tôi nghĩ rằng, phải nhớ đến ngày này, năm ấy, không phải để thù hận, chẳng phải để tôn vinh, mà chỉ để con cháu tôi khỏi phải chứng kiến cảnh tượng như tôi đã thấy, ở ngay Thủ đô chứ chẳng phải nơi chiến trường xa xăm...

Và để máu những người đã ngã xuống không uổng phí...

3 nhận xét:

Trang nói...

Em không tin là bằng con đường ngoại giao thông thường có thể tránh được xung đột quân sự với Tàu khựa. Ở cạnh một thằng láng giềng Chí Phèo như thế, sớm muộn cũng phải có xô xát, không lúc này thì lúc khác, không “đã” thì “sẽ”. Chỉ có làm thế nào để giảm tổn thất cho phía mình thôi.

Nông Thị Nở nói...

Máu đã đổ, cây vẫn mọc, nhưng tên gọi lại thay đổi: Nghĩa trang Liệt sĩ Trung-Việt.

PVNH nói...

Nhưng mà có vẻ như lịch sử nhà mình tránh nói đến vụ này anh nhỉ...

Đăng nhận xét