Giải Nobel Văn chương vừa được trao chiều nay, bố cún đi có việc về, bị chậm mất hai tiếng nên cũng đành vắt chân lên cổ tổng hợp 1 bài report cho nó có phong trào (khổ lắm, tính bày đàn ;)).
Việc dạo này Ủy ban Nobel hay trao giải cho các tay nhà văn nhà thơ... trời ơi đất hỡi, để rồi thế giới cố cắn răng tìm ra được cái hay cái đẹp ở họ, thì không mới. Ông nhà văn Phú Lãng Sa này, đến nay, đã có 5 cuốn được dịch và in ở Hung (cuốn đầu từ năm 1968), không khiến dân Hung biết đến ông ta là mấy.
Viết hay dịch tin khi chưa đọc tác phẩm, chưa "quen" tác giả, kể cũng bậy, nhưng... bất khả kháng! ;)
Tuy nhiên, có một cái thì bắt buộc phải đọc, thậm chí, phải dịch (để hiểu cho kỹ, hoặc, cũng để... lộ cái dốt ngoại ngữ của mình). Ấy là sự lý giải chính thức của Hàn lâm viện Thụy Điển khi trao giải.
Liếc một vòng các blog, thấy bác Trương Thái Du, bác VMC, rồi bạn Nhị Linh và Hoa Pion đã có ngay entry về vụ Nobel Văn gừng này. "Cọp" tí tẹo, ra khá nhiều bản dịch:
"author of new departures, poetic adventure and sensual ecstasy, explorer of a humanity beyond and below the reigning civilization" (nguyên bản tiếng Anh Cát Lợi)
"создатель новых отправных точек, поэтических приключений и чувственного восторга, исследователь человечности поверх царствующей цивилизации и под ней" (bản tiếng Nga La Tư)
"új kiindulási pontok, a költői kalandok és az érzéki eksztázis szerzője, az uralkodó civilizáción túli emberség kutatója" (bản tiếng Hung Gia Lợi)
"tác giả của những khởi điểm mới, những cuộc phiêu lưu của thi ca và những hưng phấn của nhục cảm, là người khám phá những giá trị nhân bản nằm bên ngoài nền văn minh đang cai trị thế giới này" (bản Hoa Pion dịch)
"một tác giả của một sự khởi hành mới, một sự mạo hiểm đầy chất thơ, là một người thám hiểm trong việc khám phá nhân loại và sự khai hóa văn minh" (bản "Tuổi Trẻ" dịch)
"tác giả của nhiều đường hướng mới, thử nghiệm thơ ca và trạng thái xuất thần của cảm giác, người khám phá nhân văn vượt khỏi nền văn minh hiện tại" (bản BBC dịch, bị bác Du "đì" :))
"tác giả của những sự ra đi mới, cuộc phiêu lưu thi ca và hứng khởi xuất thần nhục cảm, người khai phá một nhân loại bên ngoài và bên dưới nền văn minh đang thống trị” (bản VNN dịch)
"tác giả của những điểm xuất phát mới, của cuộc phiêu lưu đầy chất thơ và những trạng thái xuất thần của cảm xúc; người khám phá một nhân loại nằm ẩn sâu và bên ngoài nền văn minh đang ngự trị" (bản VNE dịch)
"tác giả của những khởi đầu mới, cuộc phiêu lưu đầy chất thơ và đê mê nhục cảm; người khai phá nhân tính bên ngoài và bên dưới nền văn minh đang ngự trị" (bản bác VMC loan)
"tác giả của những khởi điểm mới, những phiêu lưu thi ca, những hứng khởi nhục cảm, người tìm kiếm (*) một nhân loại bên ngoài nền văn minh đang ngự trị" (bản bố cún dịch)
Tất nhiên có bao nhiêu người dịch thì có bấy nhiêu bản dịch khác nhau, miễn đừng "dịch là diệt", hay như bọn Hung hay nói, "dịch là bóp méo" (a fordítás ferdítés, trò chơi chữ này hay quá!) là được. Tuy nhiên, ví như là ở Hung, trong những dịp trang trọng thế này, dầu đưa trước đưa sau, nhưng báo nào cũng đưa cùng một bản dịch, có thể gọi là "chuẩn", hình như do bên Thông tấn xã (MTI) họ phát đi, hoặc họ nhờ ai đó dịch thật chuẩn rồi "bắn" cho các báo (cái này cần điều tra lại). Không rõ các nước khác ra sao?
Chứ theo bố cún thì, những văn bản chính thức thế này, rất nên chuẩn hóa. Ngay cả cái diễn từ sắp tới nữa, chớ để mỗi vị dịch một phách, mệt lắm!
Tạm thời, nếu không ai phản đối, có lẽ Đảng và Nhà nước tin cậy và trân trọng trao cho bạn Nhị Linh trọng trách này nhé. ;)
(*) Xin sửa 1 từ ở đây so với ban đầu.
20 nhận xét:
Em thấy bản của VNE và bác VMC là chính xác trong việc dịch "poetic adventure" là phiêu lưu có chất thơ chứ không phải phiêu lưu thi ca (dễ hiểu thành phiêu lưu của thi ca). Nhưng chữ "đê mê nhục cảm" của bác VMC thì lại không chính xác. Ecstasy không phải là "đê mê", dùng chữ "hứng khởi nhục cảm" của bác HL hay "xuất thần nhục cảm" của VNN hợp lý hơn.
Bản dịch của Tuổi Trẻ là ẩu nhất, thất vọng với báo này quá.
author of new departures, poetic adventure and sensual ecstasy, explorer of a humanity beyond and below the reigning civilization
Em thử dịch:
"Tác giả của những hướng đi mới, những cuộc phiêu lưu đầy chất thơ và hứng khởi nhục cảm, người khám phá một nhân loại bên ngoài và ẩn dưới nền văn minh đang ngự trị.'
"ẩn dưới" thì lại quá đà rồi :))
Thế bỏ chữ "ẩn" đi dịch thành "ở dưới" nhỉ.
Cái tuyên dương này của Ủy ban Nobel hoàn toàn biểu lộ tình Eurocentric (dĩ Âu vi trung) của họ, và quá nhấn mạnh tính exotic: những từ như adventure, sensual, ecstasy..rất đặc trưng cho cách nhìn của văn minh phương Tây với các nền văn minh khác.
Vâng em nghĩ "ẩn dưới" có vẻ không ổn lắm :-D vì cái từ "reigning" cho thấy "below" ám chỉ vị trí bị đè, bị vùi dập.
Ối em không dám. Vietnamnet và bác Ngô Tự Lập thầu hết vụ diễn từ Nobel các năm rồi :)) đúng ra thì diễn từ Nobel là lúc rất quan trọng của một nhà văn quan trọng, cơ hội để họ nói một cái gì đó quan trọng về họ trước khối lượng độc giả đông nhất trong đời mình, thành ra ai cũng rất nghiêm túc (chắc chỉ trừ Jelinek là không lắm). Em thuộc loại không mê Le Clézio, đọc ít, hiểu ít ông ấy, dứt khoát là không đủ tư cách cho trọng trách :)))
Hìhì, mình dịch theo bản tiếng Hung, chả có ẩn dưới ẩn trên gì cả, chỉ có "bên ngoài" thôi. :)
@ Linh: Bọn Hung dịch chỉ dùng 1 từ "túli" (vượt qua, ở bên ngoài), đểu nhỉ?
Thực ra thì Ủy ban Nobel, trước đó, cũng đã bày tỏ sự thiên vị này rồi mà. Nhưng giải trong tay họ, họ làm gì ko được? Căn bản là dăn năm nữa còn ai nhớ đến tên người đưọc giải ko? ;)
Cơ mừ nghe lời ca tụng đấy ( dịch kiểu gì) nghe cũng thấy tò mò phết anh ạ ;)
Tên người được giải biết hay không nó cũng không quan trong mà bác HL. Kiếm triệu đô mua quả biệt thư chơi.
Nếu mà nhà văn Pháp hiện thời được nhiều người đọc nhất thì lại là chú bị bọn phê bình chửi và la lối nhất bởi cái gọi là "văn chương rẻ tiền và diễm tình". Chú này vừa sang thăm Việt Nam nhân dịp tuần đọc sách.
Nhà văn như chú Marc này mơ cũng ko thể có Nobel, nhưng tiền thì cả núi. Sách nó bán nghe đâu 15 triệu bản khắp mọi nơi. Mỗi quyển rẻ ra cũng 15€, tiền bản quyền trả cho chú ấy bèo cũng cả chục triệu € rồi.
Hồi trước có chú Pháp gấu Tàu là Cao Hành Kiện được giải Nobel mà sách của lão có ma nào mua đâu. Dân Tây Âu em nghĩ cũng không mấy ai biết tên ông này.
CHK bọn Hung dịch "Linh Sơn" từ hồi lão được giải Nobel, mà cách đây mấy tháng mới in được, hình như là vì kinh phí. Sách in đẹp lắm, dày dặn, giới thiệu trang trọng ở Hội chợ sách Quốc tế Budapest, nhưng cũng ko mấy ai mua. (Mình có đến chụp... ảnh bìa, chứ cũng ko mua vì bản tiếng Việt đọc cũng trầy trật rồi ;)).
Còn ông Pháp mới qua Việt Nam thì diễm tình nhưng mình đọc độc cuốn đầu tiên được dịch ở Việt Nam (bản dịch xưa của chị Lê Ngọc Mai), thì cũng lâm ly đấy chứ. Nếu đã tiêu hóa được phim "Ghost" thì đọc ông này cũng được mà, có gì đâu mà phải chê bai? :)
Trả lời nhanh quá đi.
Linh Sơn em chưa đọc dù đã nghe quảng cáo từ hồi mới được giải. Căn bản là em không thích văn học Tàu. Mà xem ra bên Pháp sách của Cao Hành Kiện bán còn thua cả sách của Zương Thu Hương (Nghe quảng cáo là bán hơn 200 ngàn bán cơ đấy, tiền tác quyền nếu thế cũng nhiều phết).
Lão Marc Levy kia em có dịch một số đoạn trong tiểu thuyết của lão đăng bên blog em. Kể ra thì pháp văn của ông này viết rất mượt và dịu dàng, tình tiết truyện cũng li kì lãng mạn và vì thế bán chạy là có lý do của nó. Người trẻ đọc rất nhiều và chung quy kiểu trẻ như em thì đọc sách giải trí lúc ngồi trên tàu hay cuối tuần ra bờ sông hóng mát thì quá hợp. Nghệ thuật cao siêu quá suy nghĩ rất mệt đầu.
Nhưng mấy lão phê bình có lẽ là nghề của các bác ấy là ném đá nên cứ thấy mới nổi là các bác ấy thi nhau ném cật lực không thương tiếc.
Em cứ có đường link nào, vứt cho bác, nếu đọc, bác chú ý ngày giờ lên web. Có gì bác cứ mổ xẻ giùm em nhá. Biết bác chả có thời gian, nhưng vẫn cảm ơn bác nhiều:
Trên VNE (báo này có hẳn cuộc trực tuyến hớt tay trên cánh báo giới, lúc 11h sáng ngày hôm đó, trước khi họp báo diễn ra tại L'Espace, 24 Tràng Tiền): http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/2008/10/3BA075DE/. Bài khóa sổ cuộc Marc Levy ở VN.
http://www.vnexpress.net/GL/Van-hoa/2008/10/3BA07191/ (chào đón)
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200841/20081011220440.aspx
http://www.nld.com.vn/tintuc/van-hoa/241790.asp
http://news.zing.vn/news/doi-song/marc-levy-tuan-trang-mat-cua-toi-o-viet-nam/a32993.html
@ Thảo: Nhớ mà. PM cho anh mấy cái link về Marc nhé, để xem mổ xẻ ông ta như thế nào :)
Có ai chê bai anh Marc đâu anh. Em quý anh Marc cực ấy chứ.
Nhưng trong số này thì đâu là bài của em mổ? Tất cả à?
Xem ra thì thấy báo chí Việt Nam ưu ái với nhà văn đấy chứ. Bên này, chuyện nhà văn nào sang thăm nước nào nói chung chỉ được nhắc đến qua quít, may ra thì các tạp chí văn học có thể đả động kỹ hơn một tẹo. Nnhững hoạt động kiểu giao lưu này nọ ít được report tỉ mỉ như nhà mình...
Đọc mấy cái comment của thread này của bác Hoàng Linh em phải nói là xin lỗi bác và các bạn cứ gọi là vãi đái cả ra quần. Em vừa vãi vừa nhớ tới một truyện của Azit Nexin về những ông nhà văn viết nhiều cuốn sách chỉ để tìm hiểu ra xem một nhân vật lịch sử nào đó sinh vào đêm ngày 21 hay sáng ngày 22 hay là gì khác.
Đọc mấy cái tranh luận ranh này mới hiểu kỹ thêm tại sao cái đất nước này không thể nào có được những nhà văn hóa lớn cũng như các nhà kinh tế lớn. Học bằng đấy năm ở Âu ở Mỹ mà đọc một cái câu ngắn còn không hiểu nổi thì cứ cố làm những cái việc to tát làm gì cơ chứ?
Giờ có một câu văn tương tự tiếng Việt viết thế này:
Ông Kiệt trầm ngâm nói: Anh Gấu ạ, tôi mong càng ngày càng có nhiều người như anh, những người có tâm nguyện giúp đỡ người dưới, người thấp, người không có ai bênh vực trong cái thời đồng tiền lên ngôi này.
Thì mấy đứa em anh có xấn xổ vào bảo là ông Kiệt đề cao đồng tiền kỳ thị người nghèo không? Nếu không thì sao lại coi cái đoạn explorer of a humanity beyond and below the reigning civilization là đề cao văn minh châu Âu, kỳ thị người thế giới thứ 3?
Ý nghĩa của câu đó thực rất là hay và hoàn toàn không kỳ thị nếu không nói là đề cao những người nằm ngoài và nằm dưới cái nền văn minh đang ngự trị (reigning = dominant) trên thế giới hiện thời. Nền văn minh ngự trị đó là nền văn minh nào? Chính là nền văn minh trọng vật chất, hào nhoáng, nền văn minh tiền bạc, tài sản, thuyền buồm 300 triệu đô, đá bóng 12 triệu bảng 1 tuần, những thứ xa hoa tráng lệ - beyond and below cái đó là cái gì và có tầm quan trọng nào không là công việc của nhà văn đi khám phá, tìm kiếm, tìm hiểu. Nếu câu văn này đại diện cho chủ kiến của ủy ban thì câu đó là đề cao hay hạ bệ những gì không phải là chủ lưu? Nếu hạ bệ thì có trao giải thưởng cao quý cho người làm công việc thám sát đó không?
Học thì lắm mà dốt vẫn hoàn dốt. Đấy là lý do làm sao anh không thể nào mà đứng xuống nói chuyện nghiêm chỉnh với cái bọn kỳ lạ nhà mình được. Cách tốt nhất lắm khi chỉ là cười cợt cho nó xong.
PS. Linh cho anh hỏi trong cái câu "hoàn toàn biểu lộ tình Eurocentric (dĩ Âu vi trung) của họ" thì cái đoạn "dĩ Âu vi trung" có í nghĩa đ gì và tiếng Tầu phồn thể nguyên văn của nó viết thế nào? Thêm cái câu ngớ ngẩn đấy vào một cái nhận xét ngớ ngẩn có thành ra là dĩ tầu vi trung không?
Chào bác. Bác còn nhớ em. Hôm nay, thấy entry này của bác hấp dẫn quá. Năm nay, em hổng được dính vô vụ dịch tin nhanh và làm bài về giải Nobel văn học 2008. Tiếc hùi hụi vì ko được dịp kiểm chứng và biết đâu bài của mình cũng được bác lôi lên blog. Tuy nhiên, em thấy bác tinh. Còn vụ Marc sang VN em cũng "nhảy xô" vào gặp mặt, có bài và còn một số bài ở báo mạng khác "giải phẫu, hiện tượng Marc Levy đến VN" đấy mà bác. Chúc sức khỏe của cả gia đình bác.
Vâng bác Gaup quả là giỏi, biết tiếng Tây tiếng Tàu phồn thể nguyên văn beyond below.
Chỉ có điều nếu lần sau bác gọi tôi đề nghị bác không xưng anh với tôi. Tôi thực ra chả quen chả biết gì bác, hơn nữa theo tôi, blog này cũng không phải forum Tathy hay TNXM để bác áp dụng cách nói đó với tôi.
Có vậy thôi.
Em dung la mot dien hinh cua "dot van hoan dot", em doc cac comment trong entry nay ma cha hieu gi. Dung la cho em di hoc o Au o My no phi di.. Em an han 2 phut, nhung em dot la do troi phu, lam the nao dc
@ Gaup: Có người khen Gaup thông minh đấy :)
Đăng nhận xét