Tháng Mười không chỉ là tháng của những cuộc cách mạng, mà đối với Việt Nam ta, còn là tháng... vì người nghèo.
Bên này cũng vậy: chắc dăm ba bữa nữa, sẽ lại có những thông báo kêu gọi bà con "hưởng ứng chương trình hành động của cơ quan XYZ [trong nước]", rồi có đoàn đi các chợ "gõ đầu" các hộ kinh doanh "tự nguyện" ủng hộ đồng bào đang trong cảnh khó khăn.
Phải nói ngay rằng, không ai tiếc hay ngần ngại khi ủng hộ cho những mục đích từ thiện (như giúp các bà mẹ, em nhỏ trong cảnh khốn khó, cho đồng bào bị bão lũ, thiên tai, địch họa...) Tuy nhiên, những đợt quyên góp thường niên (thường lệ) ấy luôn đụng chạm đến một vấn đề cốt yếu là niềm tin: người ủng hộ rất muốn được tin rằng số tiền đó sẽ được sử dụng đầy đủ, kịp thời và đúng mục đích một cách tốt nhất.
Trong rất nhiều trường hợp, những người nhận & phân bổ tiền quyên góp ở Việt Nam chưa đáp ứng được niềm tin ấy - về chuyện này, báo chí cũng đã đăng tải không ngớt. Nhiều người cho rằng, nếu một bà mẹ Việt Nam (anh hùng) được nhận một ngôi nhà tình nghĩa (đâu chỉ cần hơn hai chục triệu là tạm đủ), thì đã có một số tiền tương đương với ngôi nhà ấy bị ăn chặn, bị bỏ túi ở tất cả các cấp. Gần đây, TVN có đăng bài viết ngồ ngộ "Đôi điều thắc mắc xin được hỏi về... tiền cứu trợ", nhưng xem chừng thắc mắc cũng vô hiệu mà thôi: đây là vừa là "chuyện cơ chế", vừa là "yếu tố con người".
Nhân kỷ niệm cách mạng Hung 23-10, nhớ lại một câu chuyện cũ để lại trong tôi ấn tượng rất mạnh. Hơn nửa thế kỷ trước, cuối tháng 10-1956, người dân Hung làm cuộc khởi nghĩa đòi dân chủ, độc lập và chủ quyền dân tộc. Dĩ nhiên, Liên Xô đưa đại bác và chiến xa vào can thiệp, Hung không thể địch lại; rất nhiều gia đình có cha mẹ, con cái bị thiệt mạng, cả mấy trăm ngàn người Hung - trong đó có nhiều trí thức, nhiều nhân vật kiệt xuất, sau này được Nobel này nọ - phải chạy ra nước ngoài.
Trong cảnh tang thương ấy, một nhóm sinh viên trẻ đã tìm gặp các thành viên Hội Nhà văn Hungary, yêu cầu họ giúp đỡ để quyên tiền cho các gia đình có thân nhân bị chết trong cuộc cách mạng. Sau một hồi bàn bạc, 5 chiếc thùng lớn (vốn để đựng đạn dược) đã được đặt ra tại 5 điểm trong thành phố. Chỉ trong một đêm, số tiền thu được rất nhiều, một chiếc thùng đã đầy tú ụ tiền. Tổng cộng, 290 ngàn Forint (đơn vị tiền Hung) đã được quyên góp và đó là một số tiền khổng lồ thời bấy giờ!
Nhà văn Fekete Gyula, thư ký Hội Nhà văn Hung thời đó, hồi tưởng: hầu như bất cứ ai đi qua đều gom tiền, không ai kêu ca một câu. Ngoại trừ 1 cú điện thoại bực bội: "Tại sao các anh lại để bảo vệ cầm súng gác chiếc thùng? Các anh nghĩ có ai dám đánh cắp tiền chắc?"
Hóa ra là chỉ ở một điểm đặt thùng trong thành phố, có một anh bảo vệ tích cực tự đi lại trông thùng, chứ không ai cắt cử anh ta cả...
Vài năm trước, khi tôi kể lại câu chuyện này trên một diễn đàn trên Liên mạng, một bạn trẻ chất vấn ngay: chuyện nghe như... cổ tích, chắc gì đã là thật?
Thắc mắc ấy rất... hợp lý, nhưng tôi đã không giải thích cho bạn trẻ kia, tỉ dụ, có những thời, những lúc, hàng cứu trợ đã được sử dụng đúng mục đích và việc không trộm cắp, xà xẻo nó được coi là tự nhiên, chứ không có gì đáng phải bàn cả.
Vì, có nói ra lớp trẻ bây giờ chắc cũng chẳng tin...
(*) Ảnh: dân Hung quyên tiền giúp đỡ các nạn nhân trong cách mạng 1956.
6 nhận xét:
Cau chuyen ve Hung ma anh ke rat an tuong. Nghe roi lai... nhuc nhoi cho cai ``co - che - xa - xeo`` o nha minh.
Em thi ko bao gio tiec tien quyen gop ung ho (mac du so tien ko nhieu nhung voi nhung dang gap hoan nan thi nhieu so nho se thanh 1 so lon), nhung ma luon buc xuc cai vu rang tien co den tay ng ta duoc hay khong. Du sao em cung nghi la nhung ng an chan cua nguoi khac roi sau nay cung phai chiu nhan qua thoi, minh cu lam sao cho tam minh thanh than la dc
Em đang tổ chức một fund từ thiện đây, với bạn bè thôi ạ chứ không qua tổ chức nào cả. Hiện giờ thì em thấy mỗi lần cân nhắc làm gì là cả một vấn đề, vì cũng sợ mất lòng tin với bạn bè, người thân.
Có thời em đi kiểm toán em thấy rất nhiều dự án hiệu quả, tất nhiên cũng có những dự án thì rất lãng phí, tuy nhiên, người quản lý dự án từ thiện sẽ đóng vai trò quan trọng, cũng như những người ủng hộ mà có kiểm soát thì chắc chắn là số tiền ủng hộ cũng không thể nào không cánh mà bay được.
Hy vọng là có nhiều tấm lòng từ thiện hơn để giúp đỡ người nghèo ạ.
Không phải canh tiền tẹo nào á? Đúng là lạ thật :)
cơ quan kêu gọi từ thiện, trừ một ngày lương, hội cần làm từ thiện, quyên tiền, KTT cũng cần ủng hộ... lại cắt trừ trung bình từ 50 - 70k, chẳng còn 20k mong ước như ngày xưa. Chính ra, em thấy nếu có cái thùng để ở địa điểm công cộng mình lại ko bị ép... làm từ thiện. Song vẫn cứ cắc cớ, tiền mình nộp liệu sẽ chuyển tới cho ai!? (Thật lẩn thẩn bác Linh nhỉ).
@ 2Ti: Ừ, ko ai canh hihi, khó tin nhỉ? ;)
@ Thảo: Anh cũng phản đối kiểu trừ lương, đã gọi là "tự nguyện" kia mà, tức là tôi muốn đóng góp ở đâu, khi nào, cho ai... là chuyện của tôi, cơ quan chớ có dính mũi can thiệp vào :)
@ Mẹ Scoo: Chuyện nhân quả, dĩ nhiên rồi, nhưng vẫn phải chém đầu cái bọn ấy chứ? Hay bây giờ mình bỏ hết Luật Hình sự đi, cứ để nhân quả phán xét đi :)
Đăng nhận xét