5/10/08

6-10




Tháng Mười, đối với người Hung, là một THÁNG-CÁCH-MẠNG với hai ngày đáng nhớ: 6-10 và 23-10.

6-10-1848 là ngày 13 vị tướng của Hungary bị hoàng đế Áo tử hình tại thành Arad (hiện thuộc Romania), sau khi cuộc cách mạng giành độc lập năm 1848 bị đè bẹp (Việt Nam ta biết đến cách mạng Hung 1848 qua nhà thơ - chiến sĩ Petőfi Sándor và bài "Tự do & Ái tình", mà Phùng Quán coi là "gối đầu giường"). Từ dạo đó, 6-10 được coi là Quốc tang của Hung, hay còn được gọi bằng cái tên Ngày của các liệt sĩ thành Arad. Tất cả các trường tiểu học, trung học ở Hungary đều kỷ niệm ngày 6-10 (sáng sớm nay, Thu Vân dõng dạc thông báo "con phải mặc áo trắng đến trường" và bố thì đang mắt nhắm mắt mở, nên chưa nghĩ ngay ra là nhân dịp gì :).

Bố vừa đọc sách "Tập đọc" lớp 4 của Thu Vân thì thấy Hung rất chú trọng dạy học sinh từ bậc tiểu học lòng tự hào dân tộc và tinh thần tự do, thông qua những sự kiện mà Hung từng đại bại (nhưng... "cũng thành nhân"). Ví dụ, bài tập đọc về ngày 6-10 đọc lên thấy rất cảm động và bi tráng. Còn những bài về cách mạng 1956 (23-10) thì phải nói là sôi sục và đầy hào khí.

Nhất là, thi phẩm "Một câu về độc tài" của Illyés Gyula, đã được trích cả vào sách lớp 4:

Ở nơi có độc tài,
thời độc tài ở đó,
không chỉ ở họng súng,
không chỉ trong những nhà tù,

...
bởi độc tài có ở
trong những nhà trẻ
trong lời khuyên của cha
trong nụ cười của mẹ.

...
nó ở trong đĩa và trong ly,
trong mũi anh, miệng anh
trong lạnh lẽo và trong bóng tối,
ở bên ngoài và trong cả buồng anh,

Thế mới sợ chứ! Bị "tiêm nhiễm" như thế, hèn gì trẻ con bên này (kể cả Thu Vân), từ nhỏ đã mang trong mình "mầm mống nổi loạn"! ;)

3 nhận xét:

PVNH nói...

Hihi, đọc thấy chữ "Áo" là em phải chú ý hơn 1 chút :p
Trong lịch sử của Áo, thì nói chung là ít nhắc đến vụ Arad này. Em vừa tra lại trên Wiki, thì thấy nó bảo là hồi đó có ông tướng của Áo, tên là Julius von Haynau, ông ý đc toàn quyền chỉ huy quân đội (cùng với sự trợ giúp của Nga) đánh lại quân cách mạng của Hung. Ông này là người ra lệnh tử hình 13 vị tướng này.
Em cũng không hiểu là đấy là sự thật, hay là nó viết thế để "đánh bóng" thể diện của Hoàng đế Ferdinand I.? :D

Hoang Linh nói...

@ Hà: Đúng vậy, ông Haynau được coi như người được hoàng đế Áo cử làm toàn quyền ở Hung, nên có quyền tối thượng trong việc thực thi án tử hình 13 vị tướng kia (thực ra có 12 vị tướng và 1 đại tá). Nhưng thực ra, việc đưa 13 vị này ra tòa án binh, xét xử qua loa để rồi kết án tử hình họ, đã được hoàng đế Franz Joseph thông qua trước đó.
Nói thêm là 13 vị tướng này sở dĩ bị hoàng đế Áo quyết định tử hình vì họ đã làm phật ý Áo, khi không đầu hàng Áo, mà lại đầu hàng quân đồng minh của Áo, là Nga :). Áo cho rằng đây là một sự sỉ nhục đối với họ, vì lẽ ra quân Hung phải đầu hàng họ, chứng tỏ cuộc cách mạng do Hung khởi ra chống họ đã thất bại. Tuy nhiên, Hung lại "cố tình" hạ vũ khí trước Nga, chứng tỏ việc đầu hàng là "cực chẳng đã", là do Hung không chống nổi cùng một lúc hai đại cường hồi đó là Áo & Nga mà thôi... (Nói thêm là quân Nga từng hứa sẽ không trao các tù binh Hung cho Áo, nhưng rồi sau đó lại bội ước).
Cũng vì Áo cho rằng họ đã bị xúc phạm, nên đối với các vị tướng Hung, thay vì "được" xử bắn như thông lệ (đối với cấp tướng), thoạt đầu cả 13 vị tướng đều bị án treo cổ, và sau đó, chỉ 4 người được Haynau (vốn khét tiếng là tàn ác) "ân xá" (cho tử hình bằng súng) :)

PVNH nói...

Ối, không phải là Ferdinand I. mà là Franz Joseph hả anh? :(
Hic, mất hình tượng quá... :(

Đăng nhận xét