13/7/08

Án tử hình



Đọc đoạn đầu của bài này mà thấy rờn rợn: "Rạng sáng ngày 1/7/2008, tử tù Nguyễn Văn Hùng (SN 1957 - trú phường Chính Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng) đã được gọi làm các thủ tục trước khi ra pháp trường. Sau khi xin được nghe lại quyết định bác đơn xin giảm án tử hình của Chủ tịch nước, Nguyễn Văn Hùng viết những dòng chữ cuối cùng về cho gia đình: “Vợ, xin tha lỗi cho anh, và các con xin tha lỗi cho ba… Cu Dũng và bé Út tha cho ba bỏ mấy con sớm ra đi khi mấy con còn quá nhỏ. Thôi, mấy con nghe lời ba học cho tốt, cu Dũng thương em bé Út nghe…” Bữa ăn cuối dành cho tử tù được dọn lên nhưng Hùng chỉ ăn một quả chuối và uống mấy ngụm nước rồi xin cán bộ cho mình ra trường bắn. Đó là cái giá mà Nguyễn Văn Hùng phải trả cho những tội lỗi đã gây ra..."

Những tưởng Hùng phạm tội giết người, hiếp dâm trẻ em... gì khủng khiếp lắm kia, nhưng đọc tiếp thì hóa ra tội của Hùng là trộm cắp, một mình và cùng vài "đối tượng" khác, tổng cộng gần 10 tỉ đồng. Cho nên, mức án tổng hợp đối với Hùng là tử hình, do "xét thấy hành vi trộm, cướp tài sản do Hùng gây ra là không thể tha thứ, cần loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi xã hội".

10 tỉ đồng tất nhiên là khoản tiền lớn, rất lớn, nhưng án tử hình cho một kẻ trộm cắp như thế có là quá nặng? Trong khi, có trường hợp hãm hiếp trẻ em, khiến em bé hoảng loạn tinh thần, gia đình tan nát, thì bị cáo được tòa "bênh" là do trẻ em... khiêu khích, nên chỉ bị vỏn vẹn vài năm tù?

Có lẽ, nếu không bỏ được án tử hình (như đại đa số các nước Châu Âu đã làm), Việt Nam mình cũng nên hạn chế và chừng mực khi sử dụng án này, ví dụ, đối với những kẻ chủ tâm giết người quá tàn bạo, giết nhiều người, hoặc phạm những tội ác chống nhân loại, mà thôi...

Vài info tham khảo: Theo wiki, hiện tại trên thế giới có 90 nước đã bãi bỏ án tử hình, 11 nước chỉ dùng trong những bối cảnh đặc biệt và 32 nước không áp dụng ít nhất trong 10 năm qua. Chỉ còn 64 quốc gia vẫn tiếp tục áp dụng. Năm 2004, Việt Nam là nước có số các bản án tử hình cao thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Iran, và trước... Mỹ.

Hiện nay, Hiến pháp của 42 quốc gia trên thế giới coi án tử hình là vi hiến. Liên hiệp Châu Âu coi việc hủy bỏ án tử hình và cam kết không tái lập án tử hình là một trong những điều kiện để một quốc gia gia nhập EU.

Tại Hungary, ngày 24-10-1990, Tòa án Hiến pháp đã tuyên bố án tử hình là bất hợp hiến và do đó, hủy bỏ hình phạt này. Ông Sólyom László (mà báo ta phiên thành Xô-li-ôm La-xơ-lô khiến Mẹ Scoo rất đắc chí), tổng thống đương nhiệm Cộng hòa Hungary, chánh án Tòa án Hiến pháp 2 nhiệm kỳ 1990-2000, là người có "công đầu" trong vụ này.

Kể từ đó, hình phạt nặng nhất tại Hung là án tù giam chung thân thực sự (đại đa số các án chung thân "bình thường" chỉ kéo dài 15-20 năm :)). (Án tử hình cuối cùng được thực thi tại Hungary là vào ngày 14-7-1988, cách đây tròn 20 năm: nạn nhân là Vadász Ernő, bị án tử hình vì tội giết hại trẻ em).

(*) Ảnh minh họa: "Phòng giam tử tù" (1896), kiệt tác của danh họa Hungary Munkácsy Mihály

13 nhận xét:

Khuê Việt nói...

"Dân tộc nào thì thể chế ấy."

Linh nói...

Tử hình công khai sân vận động thì hình như chỉ ở Trung Quốc chứ Việt Nam cũng đâu có nhỉ.
Em không rõ ở Mỹ có tử hình với tội hãm hiếp trẻ em không, nếu có thì chắc cũng từ lâu rồi, chứ những năm gần đây chưa nghe nói có ai bị tử hình vì tội này.
Ở Mỹ, án tử hình cũng là vấn đề gây tranh luận và chia rẽ xã hội lớn, gần tương tự như vấn đề nạo thai.

Hoang Linh nói...

@ Linh: Hình như Mẽo mới đây ra quyết định ko tuyên án tử hình cho tội hãm hiếp trẻ em nhỉ?
Chuyện bãi bỏ án tử hình, mà chờ đa số cư dân đồng ý, có lẽ còn lâu lắm. Có lẽ cứ phải có mấy ông "đơn phương" tuyên bố nó là vi hiến, rồi tự động bỏ đi, thì mới được ;)
"Làm chủ tập thể" thực ra nó là như thế mà :)

Hana nói...

Em nghi la truoc sau VN cung se bai bo an tu hinh thoi, xu huong chung cua the gioi tien bo la nhu vay. Em nghe noi hinh nhu QH da thao luan den van de nay?

Hoang Linh nói...

@ Mẹ Scoo: Em nói rất đúng, vấn đề là tính nghiêm minh của luật pháp. Ở những xứ mà luật pháp ko nghiêm minh thì những kẻ bị án tử hình nhiều khi chỉ là vật thí mạng để những tay ngồi trên nó thoát tội. Ấy là chưa nói đến chuyện có thể dùng tiền và các mối quan hệ để "chạy án". Một điểm nữa, hay được phái chủ trương bỏ án tử hình nhấn mạnh, là việc cắt cổ người ta thì dễ, nhưng nếu người ta oan thì sao, "sửa" bằng cách nào? Chuyện này thì ở nước "văn minh" và nước "lạc hậu" đều có thể xảy ra, cùng lắm là tần suất khác nhau thôi.
Bên này nói chung ma túy ko bị xử nặng (cái này tùy quan điểm luật của từng nước - có thể Châu Âu họ chủ trương ko xử nặng các tội ko phải là bạo lực, nmhư ma túy hay tham nhũng), mà nếu ko chứng tỏ được tội thì phải thả thôi. Nó khác với một số nơi, cứ dần cho một trận là khai tuốt, hoặc phiên tòa có thể là ngụy tạo :)
Hồi Hung bỏ án tử hình (năm 1990) thì một luận cứ chuyên môn được đưa ra, là án tử hình trong thực tế ko có tác dụng răn dạy người ta chớ gây tội, như mình nghĩ. Cái này được chứng tỏ bằng nhiều thống kê - và trong những năm qua thì phái chủ trương tử hình cũng cố dùng thống kê để chứng tỏ điều ngược lại. Chả ai ai đúng, ai sai :)
Nói chung, anh nghĩ rằng nếu một xã hội chưa phát triển lắm, có thể dùng án tử hình, nhưng phải rất thận trọng và chừng mực, và chỉ nên ứng với những tội danh đặc biệt mà thôi.
Nhất là ở các nước mà tham nhũng là "quốc nạn", và trình độ các quan chức tư pháp lại mù mờ, thì tử hình dễ đi kèm những "tiêu cực" lắm...
Ngoài ra, kiểu gì đi nữa, anh phản đối những trò man rợ kiểu tử hình công khai tại sân vận động cho dân đến xem, v.v..., cho dù chính quyền có viện bất cứ lý lẽ gì đi nữa!

Linh nói...

Việt Nam còn lâu mới bỏ án tử hình, khi mà cả Mỹ và Trung Quốc là hai nước Việt Nam vẫn trông vào đều áp dụng.
Hơn nữa đa số dân chúng vẫn ủng hộ án tử hình. Số người phản đối rất thiểu số. Cái này không phải thống kê chính xác nhưng nếu nói chuyện với những người chung quanh hay theo dõi trên các diễn đàn (ví dụ TNXM có một topic về án tử hình) thì có thể thấy như vậy. Mà nói chính xác thì ở Mỹ án tử hình do luật các bang quy định, khoảng một nửa số bang vẫn áp dụng án tử hình và một nửa không áp dụng.
Tội trộm cắp và tội tham nhũng bị tử hình là quá nặng. Cả tội hiếp dâm cho dù là hiếp dâm trẻ em cũng thế. Trong trường hợp Việt Nam, án tử hình chỉ nên áp dụng cho tội giết người.

Hoang Linh nói...

@ Linh: Mình có xem lại vụ này, thì thấy là hồi cuối tháng 6-2008, Tối cao Pháp viện Mỹ có ra quyết định rằng không thể thực hiện án tử hình đối với tử tù bị xử vì tội hãm hiếp trẻ em, vì trong trường hợp ấy, án tử hình vi phạm mợt điều khoản trong Hiến pháp Mỹ, theo đó cần phải cấm những hình phạt "dã man và bất thường". Quyết định này được đưa ra với tỉ lệ sát nút 5-4: thẩm phán Anthony Kennedy và 4 đồng nghiệp thuộc phe "tự do" của ổng cho rằng, "án tử hình là quá trớn đối với việc hãm hiếp một đứa trẻ". Ngược lại, ông Samuel Alito và ba đồng nghiệp "bảo thủ" (bị thiểu số), thì có ý kiến khác: những kẻ hãm hiếp trẻ em gây hậu quả cho các nạn nhân và cho xã hội nói chung ở mức độ trầm trọng, khiến án tử hình với chúng là thích đáng.
Tất nhiên là người dân, khi nghe điều này, đa phần phản đối, kiểu "thử cho mấy tay thẩm phán "tự do" ấy có cháu chắt bị hãm hiếp xem sao!", "ko tử hình cũng được, nhưng hoạn luôn nó đi là vừa!", "cho nó án chung thân, nhưng để bọn "đầu gấu" chúng nó "làm thịt" hàng ngày xem sao"... (ý kiến trên một forum của Hung về vấn đề này). :)
Ở Việt Nam mình tử hình công khai ở SVĐ thì có lẽ hồi sau 1975 mới có, nhưng bây giờ vẫn có tử hình ngoài bãi, cho dân đứng xem (hôm trước trên báo có chụp hình một vụ như thế).

Vân, Lam & Scoo nói...

Em ko phản đối án tử hình ở VN vì có nhiều tội quá ư là kinh khủng ví dụ giết người man rợ, buôn ma tuý... Giết vài thằng để những thằng khác nó sợ cũng tốt... nghe có vẻ vô nhân đạo nhưng anh cứ xem sự khác nhau giữa những thằng "chạy được án" từ tử hình xuống chung thân mới là vấn nạn. Chẳng hạn như cùng 1 tội danh, thằng nào tử hình thì chỉ vài tháng là dựa cột, bòm phát, xong... Trong khi thằng nào được "giảm" xuống chung thân, chỉ cần chân nụ tay hoa tí, chạy thêm tí vài năm sau xuống còn 20 năm, rồi còn 10 năm, có vụ ân xá nào rầm rộ mà tù nhân đó "cải tạo tốt" là thôi xong, lại hoà nhập xã hội.
Nói chung tử hình hay chung thân ko là điều đáng bàn, cái đáng bàn là tính nghiêm minh của luật pháp. Anh có nhớ em đã từng hỏi anh ở BP là Hung còn án tử hình không, nên bãi bỏ, giờ em đã nghĩ lại sau khi biết 1 nàng trong đường dây ma tuý mà chúng nó lộn vào kiếp khác sắp đi học rồi, nàng vừa được tháo cũi sổ lồng về với quê hương thân yêu, trong khi ngày ấy tội nàng với mấy đồng chí kia như nhau, con bà nó chứ, hẹ hẹ

Vân, Lam & Scoo nói...

Tử hình mà công khai thì man rợ quá, em phản đối !!
Nhưng mà chừng nào anh Khựa còn tử hình thì bố Việt Nam mình còn tử hình. Anh chưa dám huỷ sao em dám, hi hi

Hoang Linh nói...

@ Batigol: Ở đâu cũng vậy, như bên này cũng thế, gần 20 năm rồi mà mỗi lần có một án mạng dã man là lại có nhiều người (chính khách) kêu gọi, đề xướng việc tái lập án tử hình. Chỉ có điều khi vào EU (và cả trước đó), Hung đã cam kết ko làm điều này (một phần, vì nó... vi hiến :)), và còn cam kết kêu gọi các nước khác hủy bỏ án tử hình, nên dân Hung mới ko dùng được vũ khí trưng cầu dân ý trong vụ này (bằng ko, với trưng cầu dân ý, chắc chắn họ sẽ buộc được chính phủ phải tái lập án tử hình).
Điều đó cho thấy, cảm tình, cảm tính là điều rất mạnh mẽ trong những vụ án mạng. Chẳng hạn, thấy 1 đứa trẻ bị giết sau khi bị hãm hiếp, 1 cụ già bị giết chỉ vì dăm bảy đồng bạc, ai chả muốn xé xác thằng dê thằng cướp? Anh cũng vậy! Cơ mà, cơ quan tư pháp mà bị ảnh hưởng những cảm tính như thế (mà cảm tính kiểu này rất hay xuất hiện tại các bài report trên báo chí, điều đó có cái hay là phản ánh sự phẫn nộ và tình cảm thành thực của người viết, nhưng hình như hơi đi ngược lại nguyên tắc trung dung, trung tính của thể văn này, và gây ảnh hưởng ko nhỏ đến công luận, và nhiều khi, cả cơ quan xét xử), thì có lẽ loài người trở lại thời mông muội mất. Ăn cắp là chặt tay, hãm hiếp là thiến, hoạn, giết người là tứ mã phanh thây, v.v...
Sẽ còn rất nhiều những tranh luận về án tử hình. Với anh, án tử hình có lẽ ko nặng hơn chung thân thực sự. Mà tùy người, có người thì 10-15 năm đủ để biến thành cái rẻ rách rồi (ko nói đến gia đình); với họ thì tử hình có khi còn nhân đạo hơn. Nhưng có kẻ sau 25 năm vẫn bình thường, hiểu theo nghĩa vẫn tỉnh táo (chuyện hội nhập với xã hội thì chưa rõ). Ví dụ, 1 tên tòng phạm trong vụ giết công an khét tiếng ở Hung năm 1988, đồng bọn bị tử hình hết, tên này may vẫn vị thành niên (chỉ vài tháng sau vụ án thì hắn mới 18 tuổi) nên bị 20 năm. Giờ mới được thả, ngày ra tù hắn được TV, báo chí tường thuật như VIP... Tất nhiên cũng có người sợ hắn lại "giở quẻ", nhưng với hắn, đến giờ thì 20 năm vẫn hơn tử hình. :)
Châu Âu có một lý do nữa để bỏ án tử hình, ấy là lý do tôn giáo: ko ai có quyền cướp đi sự sống mà... Thượng đế đã ban cho con người (dĩ nhiên, trừ... Thượng đế và bọn giết người :)). Cá nhân anh nghĩ rằng, ko nên loại bỏ án tử hình trên nguyên tắc, nhưng nên hết sức hạn chế khi áp dụng nó, và ngành Tư pháp phải hết sức công minh. Ấy là những điều kiện để án tử hình thực sự thực hiện được ý đồ của những người đề ra nó...

Hoang Linh nói...

Nói thêm: hôm nay nhận được mess của anh Nguyễn Anh Tuấn, làm việc tại báo "Công an TP Đà Nẵng", là người viết bài report về vụ tử hình Nguyễn Văn Hùng ở trên. Mời anh Tuấn vào đây chia sẻ nhé :)

Batigol nói...

Tội trộm cắp mà tử hình thì quá nặng tay nhỉ. Người chết dù sao còn hết chuyện, vợ con ở lại với cái ký ức và cái tai tiếng ấy mới thực sự khó khăn.
Ngày xưa trên HHT em có đọc 1 bài báo ghi lại lời tâm sự của 1 đứa con trai 1 người bị lĩnh án tử hình vì buôn ma tuý. Những ngày bố nó bị giam và nhất là ngày ra pháp trường… đúng là nặng nề quá sức với nó.
Nhưng, em thì vẫn ủng hộ tử hình, về lâu dài, vì XH có nhiều tội man rợ quá.
Bố mẹ em đọc nhiều tin cướp - giết - hiếp trên Dân trí (rất thích đọc mới chết) là lại nguyền rủa: Thằng này phải vài lần tử hình cũng ko hết.
Khi đa phần dân chúng đều như bố mẹ em thì nói chung để từ bỏ án này cực khó.

Thành Công nói...

Em cũng bị phân vân giữa đồng tình và phản đối...
Nếu không tử hình thì nhỡ gì tên này thoát ngục rồi tiếp tục thì sao? Hoặc là có khi sau khi hết hạn thì lại tái phạm để trả thù chẳng hạn? :-s
Còn nêu tử hình nhỡ gì người ta bị oan thì sao? Hoặc nỡ người ta biết hối hận, có khi lại trở thành người có ích cho xã hội...?

Đăng nhận xét