"VieTimes" lại tiếp tục nhảm nhí với loạt bài này: "Bị ép ăn… phân người rồi cắt tai "nhắm rượu", v.v...
Đồng ý là có thể nhìn lại quá khứ xem dân ta từng khổ thế nào, v.v... và v.v..., nhưng qua một trường hợp của bà Mùi này (ảnh trên), mà phán những câu "có cánh" và rỗng tuếch như sau, thì có lẽ chỉ có "VieTimes" mới có gan lố bịch đến thế (Trang the Ridiculous bị cướp danh hiệu này rổi ;)).
Thời quái nào chả có những người là nạn nhân của những trò tàn ác như thế? Dễ thường thời nay ít hơn xưa, phỏng? Điểm một vòng báo chí, có lẽ vớ cả rổ, không khó! Nhưng nếu là nạn nhân "đương đại" - không phải do đế quốc, phong kiến, phát-xít, thực dân... - thì bác "VieTimes" biết "Mao Tôn Cương" vớ vỉn ra sao đây? :((
Phục tài các bạn "VieTimes" vô vàn!
*
Nhân loại đã có nhiều luận lý về cái sự khổ của kiếp phận con người. Có người thích khổ hạnh để “tu”, có người chỉ mong được đòn roi vấy máu để gánh tội cho một đấng siêu nhiên xa thẳm nào đó của mình, lại có những người tìm cách hiến đời vào trong nhục nhằn hy sinh vì một lẽ đời bác ái hơn.
Cũng thật khó để biết thế nào là khổ, thế nào là sướng, khổ bằng nào là quá sức con người. Tựu trung, người ta chỉ thực sự lâm vào khổ nạn, khi người ta coi những gì người ta gặp là… đớn đau. Bởi thế, loạt bài này chỉ nói về những tròng ách số phận mà “khổ chủ” trằn truội cả một đời không thoát ra được. Những đau đớn mà tự người gặp phải (cùng với chúng ta) đều thấy là không thể tưởng tượng được.
[...] Nhiều khi nghĩ về bà Mùi, tôi cứ nghĩ bà là một pho sử sống, nương theo các kiếp nạn của bà, chúng ta sẽ thấy những trang sử lấm láp, bi thương độ trước: sinh ra trong thời phong kiến, bố mẹ bị giết bởi địa chủ ác ôn và phát xít Nhật khi chúng xâm lược Việt Nam; đi ở cho địa chủ, bị hành hạ “trần đời có một”, bị cắt lìa tai, treo lên xà nhà, dùng dao ghè răng, tưới phân dòi bọ vào đầu, bắt ăn hết một gáo phân người; lớn lên đi làm công nhân vác đá, đập đá, rải đá đường tàu cho Nhà nước ta; sau giải phóng Điện Biên, từng chứng kiến những ngày vinh quang của người lao động xã hội chủ nghĩa. Rồi bị ép lấy một hàng binh châu Phi, bị hành hạ, bạo lực tình dục suốt gần chục năm, sinh ra 3 anh con giai, chạy bom Mỹ leo thang khắp nhiều tỉnh miền Bắc, chồng chết, mất mộ, mất xác, bới đất lật cỏ nuôi con, 3 đứa con lai Ma-rốc trưởng thành. Con nó cũng ra chiều phụ bạc ơn dưỡng dục sinh thành, bà Mùi đành sống nốt những ngày tủi nhục bằng tiền trợ cấp xã hội.
[...] Anh Hùng, người đưa tôi đến gặp bà Mùi, thở dài: nỗi khổ của bà làm tất cả chúng tôi bị ám ảnh. Nhiều lúc ghê rợn, sao con người ta có thể sống được với sự đày đọa ngần ấy?! Sao ngày xưa, cũng ở nước ta, mà lại có những “đồng bào” tàn ác như thế?
Bóng ma của chế độ phong kiến ở Việt Nam chính thức bị tiêu diệt cách năm 2008 này những 63 năm (từ 1945), thực dân Pháp bị đuổi khỏi Việt Nam cách đây 54 năm (từ 1954), cho nên, điều không mấy khó hiểu là: những “nhân vật” thậm khổ sở còn đang sống để kể chuyện mà chúng ta có thể gặp được hiện nay, thường họ đến từ… chế độ phong kiến, dưới ách xâm lược thực dân, phát xít, đế quốc. (Có lẽ, chỉ một hai thập niên nữa, “thế hệ” này sẽ hầu như không còn một nhân chứng sống nào). “Thì buổi” quái đản ấy, bao giờ cũng là cái nôi sản sinh ra những phận người sống dưới mức sống của một con người, sống buồn nhục nhất, buồn như bóng tối; như góc khuất của những khát khao được tử tế sống làm người. Họ bị vô cớ bắn giết người thân, bị tù đày, ly tán, bị hãm hiếp, bị ép làm nô lệ tình dục, bắt ăn cơm trộn dầu luyn, trộn máu của chính họ, bắt ăn phân người cùng dòi bọ (theo đúng nghĩa đen), bị “trừng trị” bằng cách cắt tai, cắt tay chân một cách thú tính nhất…
Nỗi đau của họ luôn làm ta thấy căm phẫn, thấy ngượng ngùng và hoang mang tột độ. Lại thấy rằng, lịch sử luôn được mang tải sinh động nhất, ám ảnh nhất chính trong mỗi phận người nhỏ bé kia. Không chỉ có chính sử bằng giấy trắng mực đen với các “điểm mốc” lớn in trong sách vở mà con trẻ đang học thuộc lòng - mỗi đời người, dù “vô danh”, “khuất nẻo”, “đáy cùng” nhất vẫn khắc tạc được lồng lộng từng bước đi của cộng đồng. Không có cội người kia, lịch sử chỉ là một bức tranh xơ cứng. Chính vì vậy, khi ghi lại những câu chuyện dài miên man, buồn thê lương, chi tiết mộc mạc mà rợn người sau đây, chúng tôi không mong gì hơn là để chúng ta cùng biết đến, sẻ chia với một “giai đoạn sống” mà cha anh ta, không ít người, đã phải đối mặt, mà đồng bào mình từng phải oằn lưng gánh chịu. Chẳng đâu xa, các pho sử sống ấy, vẫn lặng lẽ, sương khói, tủi hờn sống, viết tiếp những trang sử tươi mới cùng tôi và các bạn hôm nay.
(Ngán quá, còn nhiều, nhưng thôi, không PR cho "VietTimes" nữa!)
(*) Mà hôm nay vào lại "VieTimes" thì tuyệt nhiên không thấy loạt này nữa nhỉ. Chỉ thấy ở các nơi khác đã đăng lại...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét