8/7/08

Chuyện buồn cười




Bận quá, nhưng vẫn phải kể câu chuyện này, khá tức cười.

Số là, sáng nay, vẫn cái cảnh thường lệ là bố ngồi làm việc, mẹ dọn dẹp và chuẩn bị bữa sáng, Thu Vân ngồi trông em (tiện thể xem truyện tranh, manga, thể loại này mới tràn ngập Hungary trong năm nay, kể từ dịp Hội chợ Sách Quốc tế Budapest hồi tháng Tư qua).

Chả biết nghe gì, bố mở... Quốc ca Hung nghe. Lập tức, Thu Vân bật dậy, kéo cún cùng... đứng nghiêm và nói rất trịnh trọng: "Nghe Quốc ca là phải đứng!"

Bản Quốc ca ấy họ chơi nhanh, nên Thu Vân có vẻ đắc chí "như vậy con sẽ không bị chồn chân mỏi gối!" ;)

Để trêu Thu Vân, bố bật tiếp Quốc ca Székely (*), buồn rười rượi của một chủng tộc mất nước, và cái chính là vừa thê lương, bi thương, vừa dài, chậm chạp... Thu Vân vẫn đứng nghiêm với cún, và phàn nàn "thế này có mà đứng hết đời à?" ;)

Mẹ vào, thấy vậy, bảo "đây là Quốc ca Hung kia mà, có phải của Việt Nam đâu mà phải đứng?" Thu Vân có vẻ hơi bối rối, đáp: "Nhưng... con là Hung mà..." (ý nói con học trong trường Hung thì bao giờ mọi người cũng đứng nghiêm trang khi nghe Quốc ca cả). Làm bố mẹ bật cười.

Sau đó, bố lại chọc Thu Vân bằng cách... đứng tấn (Vịnh Xuân), và bảo: "Thế đứng nghiêm, nhưng theo thế tấn kiểu này, thì có được không?" Thu Vân đáp ngay: "Nếu bố nghe Quốc ca Tàu thì đứng thế được, nhưng rất tiếc đây không phải Quốc ca Tàu" :)

Nói thêm về vụ Quốc ca Hung (thơ Kölcsey Ferenc, nhạc Erkel Ferenc), cứ mỗi lần nghe bố cún lại thấy... rơm rớm nước mắt (dù mình... có liên quan gì đến nước này đâu nhỉ?):

Thượng đế, hãy cầu phúc cho dân Hung
Luôn tươi vui và sung túc
Và giơ thanh gươm chở che
Khi họ chiến đấu với quân thù...

Dân tộc Hung có nhiều thế kỷ chìm đắm trong chinh chiến, đại bại trong cả 2 cuộc Thế chiến thế kỷ trước, bị cắt 1/3 đất và 1/3 dân cho các nước láng giềng, mà Quốc ca họ mang âm hưởng một bản Thánh ca với ngôn từ hiền hòa, nhân ái và yêu chuộng tự do, không hề có một câu chém giết, có chăng cũng nên để ta suy nghĩ? (**)

Minh họa: Kölcsey Ferenc (1790–1838), nhà thơ, chính khách Hungary. Thi phẩm lớn "Himnusz" của ông, hoàn thành ngày 22-1-1823, sau được nhạc sĩ, nhạc trưởng Erkel Ferenc (1810–1893) phổ nhạc năm 1844 trong cuộc thi viết nhạc cho bài thơ "Himnusz" và chính thức trở thành Quốc ca Hungary năm 1903.

Về sau, ngày 22-1 hàng năm được coi là Ngày Văn hóa Hungary và bản thảo viết tay của "Himnusz", có chữ ký của Kölcsey Ferenc, nay vẫn được giữ tại Thư viện Quốc gia Széchényi.

(*) Székely là một tộc người cổ của Hungary, nói tiếng Hung; có thuyết cho rằng họ chính là những người Hung đầu tiên đến từ Châu Á và định cư tại mảnh đất bây giờ là nước Hung. Trong lịch sử thăng trầm của nước Hung, những vùng đất tập trung người Székely bị tách khỏi Hungary (trong các dịp Hung bị cắt đất) và hiện tại, họ sống rải rác (chủ yếu là tại Romania) và trên thế giới, với con số ước tính là hơn 920.000 người.

(**) Không chỉ Việt Nam mà Hung cũng có thời "tối kiến": tổng bí thư Rákosi Mátyás, người được coi là thủ hạ trung thành nhất của Stalin ở Đông Âu (nhưng khác với Ông chủ, Rákosi là người rất có học thức, hiểu rộng, kiến văn tương đối uyên bác), thời thập niên 50, giao cho Illyés Gyula (nhà thơ) và Kodály Zoltán (nhạc sĩ) làm một bản "Quốc ca XHCN" cho "hợp thời đại mới". May mà đề xuất này bị gạt bỏ tức thời, vì Kodály Zoltán thủng thẳng đáp, rất bỉ thử: "Mới làm quái gì? Quốc ca cũ là hay rồi!" ;) (Thử tưởng tượng một câu trả lời như thế trước lãnh đạo, ở nhà ta, từ giới văn nghệ sĩ, hay "sĩ phu Bắc Hà" ;))

Về ông Kodály Zoltán này, cũng như về phương pháp sư phạm (giáo dục âm nhạc) của ông ta (mà thế giới dùng dài dài, nhất là Tàu sùng bái ổng vô kể!), phải có entry riêng! Mù nhạc, nhưng bố cún rất biết ơn mong ước (và project) của ông ta - phổ cập nhạc lý, thanh nhạc, chorus... đến toàn thể học sinh Tiểu học Hungary (điều đã được thực hiện từ nửa thế kỷ nay!) - khiến Thu Vân được học hành nhạc tử tế :)

14 nhận xét:

Linh nói...

Vâng, ý em là thời cộng sản mà không thay được Quốc ca hay ít nhất là đổi lời đi thì chứng tỏ nước Hung thời đó vẫn chưa cộng sản triệt để lắm.

Hoang Linh nói...

@ Stalin có đọc chứ, tủ sách ông ta có kha khá, và ông ta cũng đọc nhiều của các địch thủ mình, có lúc còn đọc kỹ và cmt vào lề sách. Tuy nhiên, về căn bản thì học thức của Stalin tầm thường, có thể hơn Brezhnev thôi, chứ không thể sánh với các lãnh tụ cộng sản (và cánh tả) thời đầu thế kỷ XX, đa phần đều có kiến văn giỏi, thạo nhiều ngoại ngữ, không ít người còn rất quảng bác trong nhiều vấn đề văn nghệ, khoa học như Bukharin, Trotsky, Zinoviev, Lunacharsky, v.v... Xét về khoản ấy thì Rákosi Mátyás cũng giỏi.
Cố nhiên, nếu nói về mưu mẹo, gian trá, thủ đoạn... thì Stalin vượt tất cả các vị kia vài nậc (nên đa phần họ mới bị Stalin chặt đầu ;))
Quốc ca này của Hung có từ mấy trăm năm nên mới "duy tâm" như thế mà...

2Ti nói...

Vụ giữ nguyên quốc ca này hay đấy. Nó chứng tỏ tính không màu mè hình thức, chối bỏ quá khứ của chế độ mới :)

đ.c.v nói...

Chuyen hoc nhac tu be the nay that tuyet. Tuyet nhat la no dduoc pho cap.

Hoang Linh nói...

Thì cũng một phần do Kodály Zoltán rất có uy tín trong đời sống văn nghệ thời ấy, mà ông ấy lại có chút chính kiến, không toa rập với chính quyền trong những "tối kiến" ngu si như thế.
Cho dù nếu ông ấy đồng tình thì "Quốc ca XHCN" của Hung chắc phần nhạc cũng ko thể dở lắm được :)

Linh nói...

Em nghĩ bác hơi đánh giá thấp Stalin. Stalin là người độc đoán nhưng cũng đọc nhiều chứ không phải không, từng làm Tổng biên tập tờ Pravda, bản thân ông ta cũng theo dõi khá sát tình hình văn học Nga.
Quốc ca Hung thời cộng sản mà vẫn có những câu như "Thượng đế, hãy cầu phúc cho dân Hung/ Luôn tươi vui và sung túc" thì cũng lạ nhỉ, chứng tỏ nước Hung không triệt để theo cộng sản lắm.

Vân, Lam & Scoo nói...

Anh Linh viết entry này hay (icon hoan hô)
Em thấy Hung nhợn dạy trẻ con có ý thức nghe quốc ca từ nhỏ vậy là quá đúng, khi trẻ con ý thức dc rằng khi nghe quốc ca phải nghiêm trang, thì sau này mới có ý thức vì đất nước quên mình dc. Không như 1 số phụ huynh ở VN hiện nay ko cho con học trường công mà học trường quốc tế vì nghĩ rằng đầu tuần mà phải nghe quốc ca nó cứ..bôn bôn..
Em chưa thấy bài quốc ca của đất nước nào em đã từng nghe mà ko hào hùng cả (dù em chả hiểu gì, chỉ thấy melody rất hay thôi), vote ***** cho bạn PVNH
À, hình dung cảnh TV nghiêm trang nghe quốc ca mà ông Cún vẫn đang nhào lộn như trảo chớp (tr trâu anh ạ) bên cạnh, mồm thì nhểu dãi, lại thấy buồn cười hihi

PVNH nói...

Hihi, em thấy, sao phần lớn quốc ca nào cũng tôn vinh tinh thần chiến đấu chống "quân thù" nhỉ :D

Hoang Linh nói...

Ơ kìa, thì vì lịch sử nhân loại là lịch sử... đấu tranh (giai cấp) (các cụ Mác-Ăng-Lê bảo thế), nên Quốc ca phải phản ánh tinh thần này chứ?
Mà, Hà về nhà rồi, ko lo... xây nhà, tậu trâu, vẫn online thế này hử? ;)

Hoang Linh nói...

@ Mẹ Scoo: Tuy nhiên, trong nhà trường, bọn Hung rất ít khi lạm dụng chào cờ (để tỏ lòng yêu nước :)). Thông thường chỉ lễ lạt to, hoặc khai và bế giảng. Có lẽ vì ít, nên lại nghiêm trang và đúng ý nghĩa, ko "đại trà", "phong trào" kiểu "lập thành tích". Anh thấy thế hay hơn, trong giáo dục trẻ em.
Khi Thu Vân đứng nghiêm trang thì cún cũng bị dựng dậy, xốc nách, đâu có lộn như trảo chớp được? Dãi dớt thì có thể có ;)

PVNH nói...

Hihi, em thấy sử dụng quốc ca chỉ trong những dịp lễ đặc biệt, thì sẽ hiệu nghiệm hơn. Chứ nếu hôm nào cũng nghe, ngày nào cũng nghe (vd như khi bắt đầu chương trình trong ngày của VTV4) thì sẽ không còn thấy sự "nghiêm trang" của bài quốc ca như những ngày đầu mới nghe nữa...
@ anh Linh:
Hơ, xây nhà cũng phải có lúc nghỉ ngơi chứ anh :D :p
Em đã mất cả sáng để dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm trưa rùi đấy anh, may là chồng về chồng rửa cho 1 đống bát với nồi niêu bầy đầy dãy bàn :p
Bây h, cả ngày chỉ có độ 1h để online với check mail thui... :p

PVNH nói...

PS:
À, em đang ăn hạt sen tươi, ngon quá, hí hí :D

Hoang Linh nói...

@ Hà: Xây đến đâu rùi? :)

Hoa Pion nói...

Hồi em học cấp 3, có một bác bảo vệ trường em, từng cho em một bài học về chuyện quốc ca, tương tự như TV ấy :). Hôm ấy là sáng thứ 2, trường đang chuẩn bị chào cờ thì bác ý phát hiện ra chỗ tường bể nước có bọn nào vẽ bậy. Bác ý lụi hụi đi lấy giẻ lau lau tường, thì đúng lúc ấy tiếng nhạc quốc ca vang lên. Bác ý liền đánh rơi cả giẻ lau, đứng nghiêm trang, mà mặt lại quay vào bức tường. Hic, bọn trẻ con đứng gần đó thì tủm tỉm cười, còn bác ý vẫn đứng nghiêm, đến khi hết nhạc mới tiếp tục lau tiếp.
Một tình huống cũng rất hay, khá cảm động, đúng ko ạ?
(Em rất quý bác này. Về sau bác ý thôi ko làm bảo vệ trường Ams nữa, đi bán thuốc lá ở gần đó. Nhìn con người lam lũ mà vẫn toát lên tư chất rất sáng).
@Hà: Iem ơi, thế là tàn đầm sen rồi à? :)

Đăng nhận xét