29/2/08

Vụ Chanh & Trà

12 nhận xét



Như đã biết, ở phiên sơ thẩm, Trà thắng, Chanh thua.

Nói đúng hơn, vụ ca sĩ Phương Thanh kiện blogger Cô Gái Đồ Long (vì, ký giả Hương Trà và blogger Cô Gái Đồ Long được coi là hai thực thể độc lập ;)), từng được báo chí nói nhiều, cho rằng phán quyết của tòa có thể đặt ra một tiền lệ, v.v... và v.v… Cái đó hạ hồi phân giải, công bằng mà nói có lẽ bên nào cũng có chút lý riêng của mình, nhưng khi đến tòa, cần bằng cứ cụ thể và cứ chiểu theo luật mà xử, chứ tình cảm có thể có ít vai trò ở đây (cái này cũng tương đối, tùy Hội đồng Xét xử ;))

Nhà mình thử bình luận kết quả sơ thẩm nhé. Liên quan đến vụ này, bố cún chỉ hơi có một thắc mắc “ngoại vi” như vầy, khi xem một đoạn trong entry “Cô Gái Đồ Long ra tòa...”:

+ Tui bình chọn cho câu hay nhất trong phiên tòa khi bồi thẩm đoàn hỏi: "Nếu xin lỗi, nguyên đơn nghĩ là các báo sẽ đăng trong mục nào không?" Phương Thanh tự tin trả lời: “Chỉ cần Hương Trà viết nội dung xin lỗi, còn việc liên hệ với 3 tờ báo tôi sẽ làm” (!) Không biết các TBT từng cho đăng tải những bài viết mang tính hạ bệ tui, nghĩ gì về câu phát biểu đó!

Bố cún không rõ muốn đăng một lời xin lỗi trên báo ở Việt Nam, thì như thế nào? Lẽ thường, có thể làm như một quảng cáo trả tiền chứ nhỉ? Chả đi ngược lại lợi ích quốc gia, cũng không sợ sang lề trái gì cả! Về nguyên tắc thì nếu cần phải đăng xin lỗi, Cô Gái Đồ Long có thể đăng trên báo nào chả được, miễn là thỏa thuận được về hình thức, nội dung và giá cả. Phương Thanh lại đảm nhiệm được phần “liên hệ", có khi cũng sẵn sàng trả tiền luôn cho báo để được thấy câu xin lỗi, thì càng hay chứ sao (trong trường hợp Cô Gái Đồ Long buộc phải xin lỗi).

Nói thêm về chuyện quảng cáo trả tiền, bọn Tây có thể cho đăng những quảng cáo chính trị có nội dung đi ngược hẳn với quan điểm tờ báo, chả sao, miễn trả đủ tiền, sòng phẳng, và đề rõ ràng là QUẢNG CÁO TRẢ TIỀN là được. Đấy, cũng có thể gọi là một VĂN HÓA nhỉ?

28/2/08

(Tư liệu - Bạn hỏi, chúng tôi trả lời ;)) Phạm Duy và "Bến xuân"

15 nhận xét



Hôm qua, trên "Tuần Việt Nam" có bài "Bến Xuân" và giai thoại về mối tình dang dở" về mối tình của Văn Cao với Hoàng Oanh, là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ viết bài "Bến xuân".

Chuyện này, đâu đó rải rác đã có nhiều người nhắc đến. Tác giả Exorbinossimo của bài viết này có thể hơi thêm mắm thêm muối cho câu chuyện trở nên du dương, hấp dẫn (như thể anh/chị ta được chứng kiến, "nằm trong chăn" không bằng ;)), ví dụ như đoạn tả thực: "Cái ngày hôm ấy, trời nóng, Văn Cao cởi trần nằm bò ra sáng tác." Không thấy dẫn nguồn, tuy nhiên Văn Cao - cho dù thời ấy là một thanh niên điển trai - nhưng gày gò thế, mà trần như nhộng, e rằng... không mỹ thuật lắm ;)

Dầu sau, chính thức nhắc lại một ca khúc thuộc loại lãng mạn nhất của Văn Cao (mà sau này, độ bốn chục năm ròng, người yêu nhạc ở Việt Nam cứ phải nghe qua phiên bản "Đàn chim Việt" với phần lời có nội dung yêu nước ;), cũng là điều hay.

Phạm Duy đánh giá cao "Bến xuân", vì khi đó "chưa ai có thể mô tả cái đẹp của [...] người đẹp trong cảnh đẹp nơi "Bến Xuân" như Văn Cao", và ông coi đó là một trong loạt ca khúc "xưng tụng người con gái Việt Nam" mà không nhạc sĩ nào thời nay bì kịp Văn Cao (ý nói, Văn Cao... tán gái tuyệt vời, cho dù xem các video thời cuối đời cụ thì đấy chỉ là những mối tình câm lặng, một chiều, e ấp... từ phía người nhạc sĩ (cũng không biết có nên tin Văn Cao hay không? ;)).

Liên quan đến "Bến xuân", Sài Gòn "cũ" (và các nhà in thời 1942-1954) đều đề tác giả là Văn Cao & Phạm Duy. Ở miền Bắc trước 1975 và Việt Nam sau mốc đó, như đã nói ở trên, "Bến xuân" ít được biết đến, thay vì "Đàn chim Việt"; vả lại, cái tên Phạm Duy bị cấm tiệt bao lâu, nên giờ VTV đưa lại "Bến xuân" với cặp tác giả Văn Cao & Phạm Duy (bạn 2Ti có can dự vụ này không?), có mấy độc giả đặt câu hỏi, Phạm Duy có liên hệ gì đến bài này, có phải Văn Cao & Phạm Duy sáng tác chung không?

Bố cún làm mất cả bộ Hồi ký PD 3 tập (bị cướp thì đúng hơn! ;)), mà ngại tra trên máy tính, nên không trích lại được đoạn Phạm Duy kể về vụ này trong Hồi ký. Tuy nhiên, tốt nhất là cứ phỏng vấn ngay "đương sự", tránh đoán mò, nói bậy, tam tứ sao thất bổn! Thì được câu trả lời rất nhanh, rõ ràng và chính thức như sau:

"Anh Linh, tôi nhờ anh trả lời. Bài "Bến xuân" có hai lời. Lời hai là của Phạm Duy. (Ảnh trên)

Lúc Văn Cao soạn "Bến xuân", tôi ở bên cạnh ông và có góp chút ý kiến cũng như yêu thích bài hát nên soạn lời hai.

Tôi không bao giờ nhận bài "Bến xuân" là của tôi, chuyện tôi soạn lời hai chỉ là rất phụ. Vả lại ca sĩ thường chỉ hay hát lời 1, cho nên không cần đề tên tôi làm gì..."

Minh copy lại câu trả lời này cho mấy độc giả của VNN đi ;)

Mối tình đầu ;)

16 nhận xét




Không biết viết gì hôm nay nên bốt 1 bài cũ :)

KỶ NIỆM ĐẦU ĐỜI
"Gia đình mình đi sơ tán chưa em
Chiều thứ Bảy em có về phố nhỏ
Có ngập ngừng trước khi gõ cửa
Lá sấu rơi xúc động bên thềm
"
("Dòng chữ cho em", Thanh Thảo)

Năm ngoái, nhân dịp 25 năm ngày kết thúc cuộc chiến Việt Nam, một tờ báo nọ có đề nghị tôi viết vài dòng cảm tưởng: vào NGÀY ĐÓ, NĂM NÀY, tôi ở đâu, làm gì, có ấn tượng gì đặc biệt v.v...? Nhận lời, tôi đã ngồi vào bàn và viết một mạch như bị ma ám; mấy dòng đầu là một kỷ niệm khó quên của tôi:

"Tôi không có ý niệm gì lắm về những năm sơ tán và chạy tàu bay Mỹ, ngoại trừ một vài hình ảnh nhạt nhòa: tiếng còi báo động rú ngày đêm; giọng nói trầm bổng, đầy xúc cảm của người phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam qua chiếc tờ-ran-di-tô cổ lỗ sĩ; chiếc hầm trú ẩn tối tăm, ẩm ướt ở ngay trong vườn nhà; cô bạn gái nhí nhảnh, thân thiết trên một miền thượng du Bắc Việt; những buổi tối rủ nhau đi bắt đom đóm làm đèn; những trò chơi tinh nghịch, trong đó có một trò rất bẩn thỉu là - xin lỗi quý độc giả! - hai đứa rủ nhau cùng đi ị ngoài cánh vườn rộng mênh mông của gia đình cô bé..."

Gần một năm trôi qua. Đêm nay, không sao ngủ được, tôi bần thần lần giở mấy cuốn nhật ký ra đọc. Hồi xưa, ông ngoại tôi có cả thảy 4 đứa cháu nội ngoại và khi chúng còn nhỏ, ông tôi đã viết nhật ký cho cả 4 cháu. Tự nhiên, tôi tìm được đoạn này, trong cuốn ông viết cho cô em gái tôi:

"2/12/1973.

Hôm nay anh Hoàng Linh viết bức thư đầu tiên cho chị Hạnh. Ông ghi lại nội dung vì bức thư này là bức thư anh tập viết đầu tiên. Thư nói:

"Hạnh thân mến,

Linh vừa nhận được thư của Hạnh. Linh mừng lắm. Bao giờ Hạnh về chơi với Linh. Chúc Hạnh học giỏi và nhận lời thi đua với Hạnh.

Hoàng Linh"

*

Hạnh, chính là cô bé hồi nào mà tôi đã làm quen khi cả gia đình tôi lên sơ tán ở Thái Nguyên, thời "đế quốc Mỹ leo thang mang bom ra tàn phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa" (đây là cách nói dạo ấy). Hồi đó, nhà tôi ở đối diện với nhà Hạnh. Bố của Hạnh, ông Đường, về sau dẫn một cánh quân vào tấn công Sài Gòn. Ông còn tiếc mãi là trong chiến dịch 1975, đoàn quân của ông chỉ "chậm chân" một chút, chứ không, lẽ ra chính ông phải là người đưa quân vào giải phóng Sài Gòn. Do lỡ dịp đó, nên ông chỉ dừng lại ở cấp đại tá, không được lên tướng.

Tôi và Hạnh thân nhau lắm. Có cái gì cũng chia nhau. Nhất là nhà Hạnh lại có nhiều trái cây và những món xôi, chè... rất ngon do bà Huệ, mẹ Hạnh, thường nấu. Có một bận, nhà Hạnh còn bắt được một con kỳ đà khá to, bá Huệ (tôi gọi như thế) nấu cháo đãi mọi người, ai nấy vừa ăn vừa tấm tắc khen "đúng là ngọt hơn thịt gà!", nhưng tôi sợ không dám nếm vì trước đó đã trông thấy cảnh con kỳ đà bị nhốt trong một cái rọ tre, hơi hãi.

Quấn nhau cả ngày chưa đủ, cứ tối tối, 2 đứa lại rủ nhau ra vườn chơi ú tim hay trốn tìm với lũ trẻ con hàng xóm. Vào những đêm tối trời, cái vườn rộng thênh thang nhà Hạnh quả là đầy bí ẩn dưới ánh sáng nhờ nhờ, lập lờ của hàng vạn con đom đóm bay tứ phía. Nhiều khi, đang chạy như ma đuổi, thoáng nhìn bóng thằng bù nhìn rơm cứ tưởng là ai đang đứng giơ tay, cả bọn lại thét lên vì giật mình, nhưng vẫn thích và chả đứa nào bỏ cuộc cả. Chẳng hiểu sao mà hồi đó 2 đứa tôi không biết sợ là gì: có bận, khi trời đã tối om, bọn tôi còn chui vào một cái miếu ngay dưới một gốc cây đa đại thụ, nơi mà mọi người bảo là có một con xà tinh cai quản. Bằng chứng là thức ăn mà dân tình mang đến cúng vào ban ngày, cứ qua một đêm là hết sạch. Thế là đêm hôm ấy, 2 đứa lò mò rủ nhau vào xem có rắn thật không. Cũng hồi hộp lắm, đứa nào đứa nấy trống ngực đậm thình thình, nhưng rốt cục thất vọng vì chả có gì cả!

Còn cái trò rủ nhau đi ị trong vườn cũng là chuyện thực 100%. Tất nhiên là không đến nỗi ngồi ngay cạnh nhau - dạo đó bọn tôi ít nhiều cũng đã biết ngượng rồi -, thường là mỗi đứa chọn một gốc cây, cốt sao để khỏi thấy mặt đứa kia là được rồi. Cái kỳ quái ở đây là mỗi lần "hành sự" xong, lập tức mấy con chó to đùng nhà Hạnh lại vù ngay đến giải quyết "hậu quả chiến tranh". Bây giờ có kể ra, chắc bọn trẻ chả tin...

Chúng tôi còn những dịp cùng nhau đi tắm và vầy nước ở con suốt cách nhà chừng 100 mét. Suốt hẹp thôi, có lẽ chỉ vài thước, nhưng dài lắm (tôi chưa bao giờ đi đến ngọn nguồn của nó cả) và cũng có những lúc nước chảy khá xiết. Những trò nghịch ngợm, đi lại chơi bời ngang suối thì Hạnh bạo dạn (và can đảm) hơn tôi nhiều: lắm khi, Hạnh phải giơ tay cho tôi bám, hoặc kéo, tôi mới dám đi theo. Có lần, người ta đồn là phát hiện ra dấu vết biệt kích "ngụy" ở đâu đó. Mấy con chó lập tức được huy động đi đánh hơi và dân trong làng nhào đi mọi ngả kiếm tìm. Loài chó tinh thật: chỉ cần cho nó ngửi hơi tí chút, là cứ thế chúng chạy dọc theo suốt, đến tận đầu nguồn thì phát hiện ra một bộ quần áo kẻ nào bỏ lại. Nhưng cũng không biết là có phải biệt kích thật không vì bọn tôi trẻ con, theo đuôi người lớn một đoạn thì bị đuổi về nhà, và cũng chỉ được nghe kể đến thế.

Chinh chiến ở đâu không biết, nhưng vùng Thái Nguyên thật thanh bình. Thỉnh thoảng lắm mới nghe tiếng máy bay, nhưng không ầm ĩ như ở Hà Nội; chắc bọn Mẽo cũng không định rải thảm miền rừng núi ấy. Vào những ngày cuối cùng, loa phóng thanh đưa tin tình hình chiến sự đã tạm yên, bà con Hà Nội lên sơ tán có thể trở về. Nhưng tôi (và cả Hạnh) chỉ muốn cứ chiến tranh tiếp đi, để hai đứa được tiếp tục chơi với nhau! Ngày chia tay, tôi còn nhớ ông tôi bật cái đài bán dẫn - hồi đó quí hơn vàng! - và bài hát "Việt Nam, trên đường chúng ta đi" vang lên rất hùng tráng. Ai nấy hồ hởi sắp xếp đồ đạc chuẩn bị lên đường. Riêng tôi và Hạnh, đã khóc hết nước mắt!

Sau khi về Hà Nội, tôi và Hạnh không bao giờ có dịp gặp nhau nữa. Ông Đường, bố của Hạnh, mỗi lần đi công tác, thỉnh thoảng có ghé nhà tôi chơi, nhưng cái khoảng cách Hà Nội - Thái Nguyên dường như quá xa xăm vào thời đó nên 2 gia đình cũng chẳng có ý dinh cả nhà lên thăm nhau. Thời gian sau, hầu như tôi không được biết chút gì về Hạnh.

Cho đến tận năm 1985. Tôi đã học gần xong ngoại ngữ ở trường Thanh Xuân và rậm rịch cho chuyến đi Hung thì bố Hạnh - lúc đó đã về hưu - có lên Hà Nội chơi và đến thăm nhà tôi. Ông cho biết Hạnh đã qua Tiệp (không nhớ là làm gì, chắc là đi lao động) và phàn nàn: "Con bé bây giờ ăn chơi lắm, lúc nào cũng xà phòng, nước hoa thơm nức, lại còn guốc cao nữa chứ. Ăn mặc thì phong phanh. Rõ chướng mắt!" Dịp ấy, tôi đang hào hứng với cái ý nghĩ sắp được thoát khỏi gia đình, bay nhảy bốn phương trời, nên nào có để ý mấy đến lời ông Đường. Và dường như cũng quên khuấy đi cô bạn thân thiết thuở trước!

Thời gian trôi qua. Tôi đã viết hàng ngàn, hàng vạn lá thư, nhưng bây giờ ngồi nghĩ lại, chắc không có lá nào giản dị và trong sáng như lá thư đầu đời ấy. Cho đến đêm qua, đọc lại những trang nhật ký. Một thời thơ ấu, một vùng trời quá khứ lại ùa về, mát rượi và tinh khôi! Bỗng dưng, tôi có cảm giác như chẳng có gì đổi thay dù bao năm đã trôi qua, tôi vẫn là một cậu bé lên bốn, dắt tay một cô bé cùng tuổi (Hạnh hơn tôi vài tháng) lang thang dạo bước trong cánh rừng thưa lúc nào cũng râm ran tiếng côn trùng và cây cỏ (hồi ấy, bọn tôi có cảm giác như cỏ cây hoa lá cũng biết thở, biết trò chuyện)...

Khi đọc bài viết về ngày 30-4 của tôi, anh Trần Hoài Thư, một nhà văn sống ở Mỹ đã khuyến khích tôi viết lại những kỷ niệm thời thơ dại trên vùng thượng du Bắc Việt, mà anh ấy cho là chắc hẳn phải "tuyệt đẹp". Chả hiểu vì sao, dạo đó tôi đã không viết. Để giờ đây, trong một đêm trằn trọc, tôi có dịp lan man với các bạn về một cái gì đã trôi qua và không bao giờ trở lại.

Nhưng những kỷ niệm long lanh thì vẫn còn, vĩnh viễn, không phai mờ!

(9-2-2001)

(*) Ảnh trên là Hạnh, ngày 22-11-1985 :)

27/2/08

28-2

15 nhận xét



1. Hôm nay, chiều đi học về, Thu Vân đã bố trí rủ một bạn mẹ Hung & bố Nhật (tên là Juli), thuộc loại thân nhất với Thu Vân, về nhà để cùng chuẩn bị quà sinh nhật cho bố.

Hai đứa loay hoay độ 30 phút, thì làm được 1 tấm card khổng lồ trên bìa các-tông (ảnh trên). Nôi dung là:

Thư:
CHÚC MỪNG SINH NHẬT! JULI VÀ SZILVI (tức Thu Vân) và LILI (chị em song sinh của Juli) và thay mặt lớp Ba chuyên Nhạc!
HAPPY BIRTHDAY!

Thiệp này ba chiều, ví dụ, cánh cửa nhà có thể mở ra được, hoặc phong bì cũng vậy. Nên chụp lại không thấu hết cái sự mỹ thuật của nó!

Đây là tấm thiệp kỷ lục về độ hoành tráng và về sự phối hợp quốc tế Á - Âu uyển chuyển mà bố nhận được trong đời!

2. Có một tấm thiệp khác, cũng rất mỹ thuật và chữ đẹp, phương phi, bay bướm, lẽ ra phải đến từ dịp... Tết ta, nhưng hôm nay mới đến. Tuy nhiên, lần này thì sự chậm trễ của nhà bốt lại hóa ra rất đắc dụng!

3. Ngoài ra, những tấm thiệp điện tử cũng rất dễ thương, nhạc dạt dào cả :)

Bố cún đã nhận được tất cả, rất cảm động, và... thơm tất cả! ;)

Lá thư tình đầu tiên :)

0 nhận xét





Đặt gạch ở đây đã, sẽ hầu chuyện cả nhà sau :)

26/2/08

"Cho nhau" - Cho Minh ;)

33 nhận xét



Chuyện để tài cho dễ thở chút, theo đề nghị của Con gái Tràng An ;)

1. Nhân Minh yêu cầu, bốt lại bài "Cho nhau", viết từ năm 1957 ở Sài Gềnh, điển hình của loại "Nhạc tình cảm tính" của Phạm Duy (PD). Tức là kiểu yêu nhau, mê mẩn nhau, không còn biết giời đất gì hết, cũng không cần cảnh vật hỗ trợ, kiểu "nai vàng ngơ ngác"... Như chính PD đã nói, "nhạc tình cảm tính của tôi khác với nhạc tình của Lê Thương, của Đặng Thế Phong… ở chỗ: hai người yêu nhau không cần phong cảnh nào cả, không cần “thuyền mơ”, “suối mơ”, “bến xuân”, chỉ có anh và em, chỉ có “ngày đó chúng mình yêu nhau”, “đừng xa nhau”, “kiếp nào có yêu nhau”. Đại khái thế". (PD hóm phết: kết luận phát biểu về một dòng nhạc khét tiếng mà hơn 50 qua, đến giờ vẫn làm khối người bê bết - trong đó có Minh ;) - bằng một cái phẩy tay, kiểu lãng xẹt "đại loại nó là như vầy :)).

"Cho nhau", hiển nhiên là một đại tác phẩm của PD, nhưng ngoài nhạc điệu rất hay rồi, thì ca từ bài này mới thật là khủng khiếp! Yêu như thế, chết đi cho rồi, ngay từ khi... mấp mé muốn yêu, nhưng yêu chưa được ;) Thử đọc lại nhé, chưa cần nghe nhạc!

Cho nhau chẳng tiếc gì nhau
Cho nhau gửi đã từ lâu
Cho nhau cho lúc sơ sinh ngày đầu
Cho những hoa niên nhịp cầu
Đưa tuổi thơ đến về đâu?
Cho nhau nào có gì đâu!
Cho nhau dù có là bao
Cho nhau cho phút yêu đương lần đầu
Cho rất luôn luôn cuộc sầu
Cho tình cho cả niềm đau.
Cho nhau làn tóc làn tơ
Cho nhau cả mắt trời cho
Cho nhau tiếng khóc hay câu vui đùa
Cho chiếc nôi cho nấm mồ
Cho rồi xin lại tự do.

Cho nhau ngòi bút cùn trơ
Cho nhau đàn đứt đường tơ
Cho nhau cho những câu thơ tàn mùa
Cho nốt đêm mơ về già
Cho cả nhan sắc Nàng Thơ.
Cho nhau tình nghĩa đỏ đen
Cho nhau thù oán hờn ghen
Cho nhau, xin nhớ cho nhau bạc tiền
Cho cõi âm ty một miền
Cho rồi cho cả đời tiên.
Cho nhau này dãy Trường Sơn
Cho nhau cả bốn trùng dương
Quê hương xin vẫn cho nhau như thường
Cho dứt tay chia đôi đường
Cho rồi, xin chẳng còn vương!

Phạm Duy đã viết về "Cho nhau" như sau:

... Từ 1956 cho tới 1962, tuy vẫn soạn nhạc tình, nhưng không bao giờ tôi có đủ lời ca và tấm lòng để nói lên tất cả những hoan lạc, khổ đau của những cuộc tình. Cho nên tôi phải vay mượn tiếng lòng của những người khác, bằng cách phổ nhạc rất nhiều bài thơ tình bất hủ, lúc trước là của Lưu Trọng Lư (HOA RỤNG VEN SÔNG, VẦN THƠ SẦU RỤNG, THÚ ÐAU THƯƠNG...), Huy Cận (NGẬM NGÙI), Xuân Diệu (CHIỀU), Hàn Mặc Tử (TÌNH QUÊ), Bích Khê (TỲ BÀ), Ðỗ Quý Toàn (MUÀ XUÂN YÊU EM), Cung Trầm Tưởng (MÙA THU PARIS, TIỄN EM, CHIỀU ÐÔNG, BÊN NI BÊN NỚ, lúc sau là của Phạm Thiên Thư (NGÀY XƯA HOÀNG THỊ, EM LỄ CHÙA NÀY...), Phạm Văn Bình CHUYỆN TÌNH BUỒN) v.v...

Trước và sau đợt tình khúc tìm nhau, dìu nhau, kiếp nào có yêu nhau, đừng xa nhau... tôi còn soạn thêm dăm ba bài hát trước khi chúng tôi xa nhau. Trước hết là bài CHO NHAU. Trong bài này tôi muốn được dâng cho người yêu tất cả, không thiếu một thứ gì, chỉ xin giữ lại một điều: đó là sự tự do cho nhau.

Thụy Khuê, trong "Thái Thanh, tiếng hát lên trời" (tập "Sóng từ trường"), nhân Thái Thanh "hát sai" một hai từ trong "Cho nhau", thì "bình loạn" rất "phiêu" (từ trong nước hay dùng, bố cún không hiểu nội dung lắm, nhưng cứ cọp đại, vì thấy ngồ ngộ):

Trong những cassette giới thiệu nhạc của mình, Phạm Duy một đôi lần có lưu ý Thái Thanh thỉnh thoảng hát sai. Dĩ nhiên một tác giả có quyền đòi hỏi người khác phải trung thành với văn bản của mình; riêng trong nghề ca xướng, nghệ nhân vẫn có thông lệ đổi vài chữ cho hợp với hoàn cảnh, nhất là ở Việt Nam, nền văn nghệ trình diễn vốn dựa trên truyền thống truyền khẩu lâu đời.

Ví dụ như bài "Cho nhau", Phạm Duy viết:

Cho nhau ngòi bút cùn trơ...
Cho nhau, cho những câu thơ tàn mùa
Cho nốt đêm mơ về già

Thái Thanh hát:

Cho nhau ngòi bút còn lưa
...
Cho nối đêm mơ về già

Lưa là một chữ cổ, có nghĩa là còn sót lại, nhưng mang một âm thanh u hoài, luyến lưu, tiếc nuối. Ca dao Bình Trị Thiên có câu:

Trăm năm dù lỗi hẹn hò
Cây đa bến Cộ con đò vắng đưa
Cây đa bến Cộ còn lưa
Con đò đã thác năm xưa tê rồi.

Chính Phạm Duy cũng có lần sử dụng chữ lưa trong bài "Mộng du": "Ta theo đường mộng còn lưa..." Dĩ nhiên ngòi bút cùn trơ chính xác hơn, nhưng không thi vị bằng ngòi bút còn lưa.

"Cho nốt đêm mơ về già", như Phạm Duy đã viết, là cho phứt đi, cho đi cho xong. Thái Thanh thay chữ nốt bằng chữ nối, tình tứ và thủy chung hơn: những giấc mơ về già chỉ là tiếp nối những giấc mơ tuổi xuân mà anh không tặng được em vì gặp em quá muộn; cho nhau chỉ còn trái đắng cuối mùa, nhựa sống trong thân cây chỉ còn dâng được cho em dư vị chua chát và cay đắng.

Phạm Duy viết:

Cho nhau thù oán hờn ghen...
Cho nhau cho cõi âm ty một miền

Thái Thanh hát:

Cho nhau cho nỗi âm ty một miền

Chữ nỗi vô tình buông ra mà hay hơn chữ cõi, vì cõi chỉ là một miền, một không gian, một ý niệm hiện hữu, có vẻ bao la nhưng thực ra hữu hạn. Chữ nỗi vô hình, nhỏ bé nhưng vô hạn, đi sâu vào tâm linh con người: với tuổi già nỗi chết nằm trong cuộc sống. Cho em nỗi chết là cho tất cả những niềm hoang mang, khắc khoải, đau thương còn lại, nghĩa là chút tình yêu còn lưa trong từng nhịp đập yếu ớt của trái tim đã cạn dần cạn mòn hết những mùa xuân.

Thôi, nhưng mà đừng nghe Thái Thanh làm gì, mệt người, hết nhuệ khí, cản trở lao động ;). Minh nghe Khánh Ly cũng được, nhá!

Bổ sung: Xem Minh bình PD ở đây, rất si mê, sùng kính ;)

2. Minh khoái nghe những cái này, hẳn nhiên, bệnh đã vào tới cao hoang, trầm kha rồi, Biển Thước cũng bó tay ;). Thơ Minh cũng vậy, hôm nọ bố cún vừa coi qua lại "tuyển tập", không biết kết luận gì, ngoài ba từ "nhảm" "thảm" và "âm u" (âm ty ;))!

Chẳng hạn như mấy bài sau (các trước tác thời trẻ):

ĐÊM TRẮNG

Đêm dài quá
mình em thao thức

Đốt cháy mình
trong nỗi nhớ vời vơi

Đêm thẳm sâu
vần thơ buốt nhức

Gọi thầm anh
chỉ khoảng trống chơi vơi

(Tháng 8-91)

KHÔNG ĐỀ

Những cánh hồng nhợt nhạt
Phủ đầy những trái tim đau
Những trái tim
Không úa màu
Theo năm tháng

Kỷ niệm trong
Như đáy hồ xanh thẳm

Anh thân yêu có hiểu
Những cánh hồng nhợt nhat
Cứ thế suốt đời
Rụng đầy những trái tim đau

(ĐHSPNNHN, tháng 9-1993)

Nhưng đến độ hoa niên mà vẫn thở than, kể lể dài dòng, lôi thôi thế này, cũng lạ! Cho dù, đôi lúc, cũng thấy héo hắt tia hy vọng, dầu không đáng kể mấy:

NÓI CÙNG ANH

Chắc anh chẳng thể hiểu được đâu
Em đã yêu anh nhiều đến nỗi
Có thể vì anh mà sẵn lòng đánh đổi
Những buồn vui từng chiu chắt một thời

Chắc anh chẳng thể hiểu hết em đâu
Em - ngọn lửa cuồng si
dám vắt kiệt cho tình yêu không hối tiếc
Em - con sóng khát khao
dám cuộn xé lòng mình hiến dâng cho biển
Em - cơn bão dập dồn
thổi tình yêu vào sâu thẳm tim anh

Như cơn gió nhiệt thành
Em ước mình có thể cuốn đi mọi hoang tàn của cuộc đời anh
Trả về cho anh niềm tin yêu cuộc sống
Em đã thấy mùa xuân gần lắm
Khi nhìn vào mắt anh

Nhưng em vẫn chỉ là em - quá yếu mềm, chông chênh
Người đàn bà đa đoan chơi vơi giữa hai bờ khao khát
Chẳng dám níu giữ anh cho riêng mình,
chảng dám làm khổ đau người đàn bà khác
Cũng yêu anh cuộn cháy như em
Hạnh phúc gần kề sao lại qua mỏng manh
Em không nỡ đưa tay ra với
Có nhau đó mà lại xa vời vợi
Là của nhau mà chẳng thuộc về nhau

Chắc anh chẳng thể hiểu được đâu
Khi em nói mong anh đừng hẹn ước
Đừng nói về tương lai - đừng vẽ cho em bức tranh hạnh phúc
Chuyện chúng mình ai biết sẽ ra sao

Chuyện chúng mình ai biết sẽ về đâu
Em sợ cho mình đớn đau
Khi những đền đài ta xây trong tim nhau đổ vỡ
Em sợ cho mình phải thêm một lần nữa
Bơ vơ trong thất vọng khôn cùng

Chắc anh chẳng hiểu hết được đâu
Em vẫn chỉ là em - người đàn bà đơn côi
Dẫu yêu anh cuồng say
Vẫn chẳng thể nào vượt qua được những buồn đau sợ hãi.

AN ỦI

Em sẽ không khóc nữa đâu khi ngày mai đến
Và nỗi nhớ sẽ ngủ yên
Cả niềm đau nào tưởng chừng không gánh nổi
Cũng vùi chôn trong ký ức lặng im
Khi em ngắm nhìn những đứa con của riêng em
Niềm hạnh phúc dâng lên đáy mắt
Em sẽ quên anh
Quên những gì em từng khao khát
Cả tình yêu xưa cả bao điều mơ ước
Cũng tan đi trước ánh mắt con thơ
Em sẽ yêu con bằng cả nỗi đợi chờ xưa
Bằng tất cả tình yêu em dành cho anh một thời cộng lại
Và em thấy mùa xuân ở mãi
Khi em ôm một mầm sống trong mình
Khi em hát ru con
Bên chiếc nôi tròn
Em sẽ thấy trái đất hồi sinh trở lại
Những nụ mầm vươn chồi cao mãi
Dâng cho đời hương hoa
Em sẽ không còn nhớ một nẻo đường xa
Một bến bờ chưa bao giờ tới được
Bởi hạnh phúc bao giờ cũng rất thật
Bữa cho gia đình, giấc ngủ các con yêu

Em sẽ không khóc nữa đâu khi ngày mai tới
Khi bóng anh xa khuất cuối trời
Em vẫn biết chẳng thể nào đến được
Bến bờ xưa vỡ bóng trăng rơi!

THƯ GỬI ANH (I)

Anh!
Xé lòng nhau chi
Những lời nước mắt
Quặn tim đau?

*

Có một ngày
Ta đã gặp nhau
Một ngày như thế
Đông sầu

*

Yêu làm chi
Cho tim tan nát
Mơ làm chi
Cho lòng khô khát

*

Gặp làm chi
Để rồi biệt ly?

II.

Sao nỡ bỏ đi anh
Đêm dài tàn úa
Héo hắt trăng rơi?

*

Sao nỡ đặt vào tay em
Một vì sao băng
Vụt sáng rồi vụt tắt?

*

Sao nỡ nói lời yêu em
Khi ta không thể đem con tim
Trao nhau
Khao khát?

*

Sao vội ngắm em
Bằng cái nhìn ngây ngất
Khi ta không thể là của nhau
Trọn vẹn
Suốt đời?

*

Sao nỡ nói cảm ơn em
Đã trao anh con tim nồng ấm
Lẽ nào bao đam mê say đắm
Còn lại chỉ là
Hai tiếng "Cảm ơn"

*

Khi ta không thể đến bên nhau
Xin đừng nói lời mong nhớ
Xin đừng nói lời yêu đương
Xin đừng đặt vào lòng em
Một vết thương
Tươi như buổi chiều hôm qua
Đọc thư anh viết.

Công bằng mà nói, Minh đôi lúc cũng sáng tác được dăm bảy bài thơ có chút vần điệu (để ý, trong những thi phẩm này, yếu tố "giả cổ" thường mạnh):

XUÂN LỖI HẸN

Người bỏ đi từ độ chớm xuân
Không một dòng tin, không hồi âm
Thêm mươi hôm nữa là vừa vặn
Ba vạn giây tròn ngóng cùng trông

Một mình ta uống cạn tình suông
Say cái thanh cao, cái sượng sùng
Ta say gom hết mùa xuân lại
Dệt lấy bài thơ thật não nùng

Có vạn ngày xuân đã sang sông
Tình suông ta uống cạn nhớ mong
Duy có một người không trở lại
Một người lỗi hẹn một viển vông.

CÁNH TRỞ
("Ai có về bên bến sông Tương")

Đứng bên này sông Tương
Bàng bạc trời nhớ mong
Người về như lá úa
Ta ngược đò bến sông

Trắng mòn đêm ngóng trông
Tiếng gọi đò tha thiết
Phía bên kia sông Tương
Nước cuộn dòng chảy xiết

Yếu tố "sến", cố nhiên bàng bạc, khó tránh khỏi. Nhưng đa phần là ổn, đúng cảnh đúng tình, đúng chỗ, không gây phản cảm. Thể hiện ngay cả trong một bài thơ dịch được giới chuyên môn đánh giá là không thua nguyên tác:

KHI EM THIẾU VẮNG ANH

Khi em thiếu vắng anh
Hoa kia không đẹp nữa
Bởi chẳng ai cùng em
Nâng niu màu rực rỡ

Khi em thiếu vắng anh
Trời chiều sao tàn nhanh
Bởi hoàng hôn yêu kiều
Cũng nhuốm màu tàn úa

Khi em thiếu vắng anh
Dòng nhạc sao buồn tênh
Ngàn sao thôi lấp lánh
Đêm bỗng thành mông mênh

Khi em thiếu vắng anh
Thế giới buồn lạnh lẽo
Và thiên nhiên diệu kỳ
Cũng nhạt màu úa héo

WHEN I'M MISSING YOU...
(Written by MQ Tú)

When I'm missing you
The flowers are in gloom
Cos there's no one to admire
Its beauty when in bloom

When I'm missing you
The afternoons so quickly fade
Cos the sunset doesn't remain
To cast the lovely shade

When I'm missing you
The music lacks melody
The stars loose their radiance
And the nights become so empty

When I'm missing you
The world no longer looks cheerful
And nature seems to have lost
The smile that is so wonderful

(September 2002)

v.v... và v.v...

3. Nhận định về thơ Minh, sẽ còn có nhiều, khôn xiết (nếu có nhu cầu). Tuy nhiên, mục đích của entry dài này là để cám ơn tấm thiệp (ảnh trên) từ nơi rất xa. Bưu điện Hung (và thế giới, nói chung), hay tắc trách, ẩu tả, nhưng lần này nhà bốt chuyển được đúng tay người (cần) nhận, âu cũng là đáng khen!

25/2/08

Đọc báo ta

14 nhận xét



Sáng nay, VNE có loan bài này, được dẫn là theo "Gia Đình và Xã Hội":

Một cô giáo vô tình làm mù mắt học sinh

Khi quay xuống xem cô giáo Mạc Thị Hinh cầm thước lệnh đánh bạn ngồi bàn dưới, Thiều không may bị đầu cây thước gẫy bật thẳng vào mắt.

Sự việc xảy ra ngày 19/12/2007, tại Trường tiểu học Hiệp An, huyện Kinh Môn (Hải Dương). Nạn nhân là cháu Nguyễn Văn Thiều, học sinh lớp 4. Hiện, một bên mắt của Thiều không nhìn thấy gì.

Chị Tô Thị Thanh (mẹ cháu Thiều) kể lại, sau khi một mắt của cháu bị hỏng, mắt còn lại của cháu Thiều cũng đang có những triệu chứng xấu. Hiện mắt bên phải của cháu đã có dấu hiệu mờ, luôn tiết ra các chất nhờn trong vắt, ngồi học một lúc là cháu lại kêu mỏi và đau mắt. Chị Thanh phải xin nghỉ hẳn việc, hằng ngày đến trường trông cháu, cứ học xong một tiết là lại phải xin cho cháu được nghỉ và nhỏ thuốc vào mắt.

Liên quan đến vụ việc này, cô giáo Hinh cho rằng: “Sự việc xảy ra là ngoài ý muốn. Tôi không hề chủ tâm làm hại em Thiều, đó chỉ là một tai nạn nghề nghiệp”.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng Công an xã Hiệp An cho biết đã tạo điều kiện cho hai bên tự hòa giải và ngày 31/1/2008 vừa qua, cô giáo Hinh đã bồi thường cho gia đình cháu Thiều 40 triệu đồng.

Ông Trần Bình Lục, Chủ nhiệm Ủy ban DSGĐTE huyện Kinh Môn cho hay, đã báo cáo việc này lên Huyện ủy, UBND huyện cũng trao đổi với bên công an. "Tuy nhiên, tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ các ngành liên quan nên chưa biết cụ thể lắm”, ông Lục nói.

Bản tin có mấy điểm chú ý:

- Cô giáo gây thương tích đáng kể cho học sinh (một mắt của cháu bị hỏng, mắt còn lại cũng đang có những triệu chứng xấu - ảnh trên), chưa biết phải trái ra sao, cũng nên truy cứu hình sự cái đã chứ nhỉ? Rồi để tòa phán xét. Sao công an lại tự tiện "tạo điều kiện cho hai bên tự hòa giải", trong khi nhiệm vụ của họ, đáng ra, là phải mở cuộc điều tra?

- Phát biểu của ông chủ nhiệm Lục rất đặc trưng cho các quan chức ở ta: kệ xác thiên hạ, chuyện gì xảy ra thì xảy, tôi cứ ung dung rung đùi "tôi chưa biết". Hoặc, tôi sẽ biết khi tôi muốn biết (à la ông Hiển, sếp VNA ;))

Thử hỏi, ông Lục ăn lương của dân để điềm nhiên "chưa biết cụ thể lắm"?

- Nhưng hay nhất vẫn là câu trả lời của cô giáo Hinh: "đó chỉ là một tai nạn nghề nghiệp". Tức là, cô coi việc cô đánh học sinh ngồi bàn dưới là một hành vi "nghề nghiệp", thực ra cô chỉ muốn đánh bạn ấy thôi, mà giữa chừng em Thiều nhỡ quay xuống nên bị mù mắt. Chứ cô có muốn đánh em Thiều đâu?

Sợ thật, các bậc phụ huynh có con đến trường, mà gặp những cô giáo có... tay nghề như cô Hinh, thì coi như đi toi! :((

23/2/08

Lại Kosovo

12 nhận xét



TTXVN có bản tin như sau về Kosovo, ngắn gọn mà "gợi mở" nhiều ý:

Biểu tình phản đối Côxôvô độc lập lan rộng

Hà Nội (TTXVN) - Một tuần lễ trôi qua kể từ khi tỉnh Côxôvô, trực thuộc CH Xécbia tuyên bố độc lập (17/2), các cuộc biểu tình phản đối vẫn tiếp tục lan rộng ở Côxôvô và nhiều thành phố trên thế giới.

Ngày 23/2, hàng nghìn người sắc tộc Xécbia tại thị trấn Mitrovica, Côxôvô, nơi có đông người Anbani sinh sống, đã biểu tình hòa bình, giơ cao các biểu ngữ phản đối Côxôvô độc lập và ủng hộ việc Nga từ chối công nhận độc lập của Côxôvô .

Đây đã là ngày thứ sáu liên tiếp người Xécbia ở Côxôvô biểu tình phản đối Côxôvô độc lập. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được triển khai dọc cây cầu ngăn cách cộng đồng người sắc tộc Xécbia và Anbani ở Côxôvô đề phòng xảy ra đụng độ.

Cũng trong ngày 23/2, tại Nga, khoảng 1.000 người đã tham gia cuộc biểu tình do Đảng Cộng sản Nga tổ chức, để phản đối Côxôvô tuyên bố độc lập và phản đối Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) can thiệp vào vấn đề Côxôvô.

Tại Hy Lạp, hơn một nghìn người, chủ yếu là các đảng viên Đảng cộng sản Hy Lạp (KKE) và Đoàn thanh niên cộng sản Hy Lạp (KNE) cùng ngày đã xuống đường biểu tình phản đối việc Côxôvô đơn phương tuyên bố độc lập, đòi NATO và Liên minh châu Âu (EU) rút khỏi Bancăng.

Hàng nghìn người cũng tham gia các cuộc biểu tình tương tự tại Zuerich, Thụy Sĩ và tại hai thành phố Stuttgart, Frankfurt của Đức.

Bố cún có mấy suy nghĩ như sau:

1. Chuyện Kosovo tuyên bố độc lập, người thích, kẻ không, người khen ngợi, kẻ phản đối, âu cũng là thường tình.

Ngay ở Belgrade, một nhóm trong đoàn người biểu tình chọn cách phản đối rất dữ dội, là tấn công tòa đại sứ Hoa Kỳ, rồi chấp nhận đụng độ với cảnh sát để thể hiện "lòng yêu nước" của họ (khi thấy "một mảnh đất của tổ quốc" bị cắt rời). Mà thoạt đầu, cảnh sát cũng để họ khá thoải mái. Như thế, ở đây, chưa nói họ đúng hay sai, nhưng việc họ được thể hiện "tình cảm yêu nước" một cách tự do và dân chủ như thế (cho dù là "tình cảm" ấy phù hợp với ý muốn của chính quyền ;)), cũng là cái hay, và nên.

2. Bản tin của TTXVN nói về chuyện "biểu tình chống Kosovo độc lập lan rộng". Cái đó đúng, dân Serbia ở Hungary cũng phản đối. Có điều, hy vọng, TTXVN cũng có bản tin khác, nói về việc càng ngày sẽ càng có nhiều nước ủng hộ độc lập của Kosovo, ít nhất là trong Liên hiệp Châu Âu. Để thông tin được đa chiều và chính xác.

3. Đức là một nước ủng hộ Kosovo ngay từ những ngày đầu. Nhưng như bản tin của TTXVN, một bộ phận dân chúng ở Stuttgart và Frankfurt là hai thành phố lớn của Đức vẫn có quyền xuống đường biểu tình để thể hiện ý nguyện chính trị của họ, là phản đối Kosovo. Không thấy ai có ý cấm đoán họ, sợ ảnh hưởng đến ngoại giao (ví dụ, với Mỹ và với nhiều nước đồng minh của Kosovo). Dễ hiểu: việc thể hiện quan điểm chính trị - một quyền hiến định của người dân - cho dù đi ngược lại quan điểm "chính thống" của chính phủ, về ngoại giao, cũng chả có... vấn đề gì, ở các xứ dân chủ.

4. Như đã nói ở đầu, người chống, kẻ hoan hô, đều có cái lý và cái quyền của họ, bố cún xin miễn bình luận đúng sai ở đây. Tuy nhiên, đòi NATO và EU "rút khỏi Balkans", như các tổ chức đảng, đoàn (Cộng sản) của Nga, Hy Lạp đề xuất, có cái gì đó hơi... buồn cười.

Để gia nhập NATO và EU, các quốc gia thường phải trưng cầu dân ý, hoặc... xin xỏ rất lâu, lích kích, không phải cứ muốn là được vào. Cũng không phải NATO và EU... bắt nước nào phải gia nhập ;) Bây giờ, nếu xem danh sách các quốc gia trong vùng bán đảo Balcans (Albania, Bosna và Hercegovina, Bulgaria, Croatia, Montenegro, Hy Lạp, Cộng hòa Macedonia, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Moldova, Romania, Slovenia) thì ngoại trừ mấy nước đã được vào NATO và EU, các nước còn lại, đa phần cũng... muốn vào bỏ xừ, mà chưa được ;)

Thế mà lại hô hào NATO và EU... rút khỏi vùng Balcans, thì thật vui! Tuy rằng, người dân (ở đây là các đảng viên cộng sản) vẫn có quyền thể hiện quan điểm và ý nguyện của mình! :)

5. Nhận xét cuối là về cách viết các danh từ riêng của TTXN, hơi bị loạn xạ: lúc thì phiên kiểu Côxôvô, Xécbia..., lúc thì để nguyên kiểu Zuerich, Stuttgart, Frankfurt... Hãng thông tấn Quốc gia của một nước lớn, nên chuẩn hóa hơn...

*

Nhân tiện, trả lời comment của T.H. ở một entry cũ:

Tóm lại, theo ý kiến của em thì anh Hoàng Linh vẫn phần nào cực đoan. Anh cho rằng mỗi sắc tộc nếu ko vì thế này thế khác thì đều có thể đứng riêng ra tuyên bố độc lập (và theo anh ấy là điều tự nhiên và dân chủ, có thể trong những điều kiện khả dĩ thì nên làm). Thế sao anh ko thử giả thiết, có nhiều dân tộc thích và tự nguyện sống chung với nhau, để hỗ trợ và bao bọc nhau, giúp nhau tiến lên.

Loài người đã vượt qua khó khăn phân biệt sắc tộc, muốn tiến đến cái đích xoá nhoà biên giới giữa các quốc gia. Vậy mà anh lại cho đó là hợp lý. Các sắc tộc nên tách ra cho rõ ràng. Thế thì số phận những người lai sẽ thế nào? Những người sinh ra người lai sẽ thế sao. Chẳng nhẽ họ phải bỏ mọi thứ để quay về sắc tộc của mình à? Hay là phải lập 1 quốc gia với toàn người lai và đặt 1 cái tên sắc tộc cho quốc gia đó?

Có chăng, trong tư duy của anh, có sự phân biệt sắc tộc. :)

Hình như em không đọc kỹ, hoặc không hiểu những gì anh nói. Anh chưa bao giờ cổ vũ cho mô hình "mỗi sắc tộc một quốc gia", vì những lý do lý thuyết và thực tiễn. Anh chỉ đưa ra vài lý do - mà anh nghĩ là khả dĩ -, để lý giải việc tại sao có những sắc tộc muốn độc lập. Còn nếu "có nhiều dân tộc thích và tự nguyện sống chung với nhau, để hỗ trợ và bao bọc nhau, giúp nhau tiến lên" thì hay quá, mình phải hoan nghênh chứ!

Chuyện "xóa nhòa biên giới giữa các quốc gia" không rõ em hiểu theo nghĩa nào? Nếu theo nghĩa nước nọ qua nước kia không cần thị thực, thì Châu Âu đã làm rồi, ở đại đa số các nước ;). Còn nếu "xóa nhòa" tức là theo mô hình "thế giới đại đồng", không còn quốc gia, thì anh sợ bất khả thi, trong vòng... vài chục đời nữa. Cho dù, có thể trên lý thuyết thì nó hợp lý :)

Anh nhấn mạnh một điều nữa, là cái anh nói khá nhiều, mà hình như em không để ý: việc muốn độc lập hay không, là quyền của mỗi sắc tộc, và "người ngoài" không thể cưỡng bức họ được. Chuyện hợp lý hay không sẽ do họ suy xét (và tất nhiên, phải được sự ủng hộ của quốc tế). "Người lai" thì họ sẽ tự chọn cho mình vị trí, là đứng về đâu ;) Có ai bắt ép được họ đâu?

Nói chung là, hình như ở đây, "ông nói gà, bà nói vịt" rồi đấy :)

(*) Ảnh minh họa của EPA: Serbia phản đối Hoa Kỳ ủng hộ nền độc lập của Kosovo.

Tam đại kỳ quan & Ngày thơ Việt Nam 2008

21 nhận xét



1. Điều mà bồ cún sợ nhất, đã xảy ra!

Sáng hôm nay xem báo, thấy cái tít của VNN, ngán hẳn: "Hạ Long, Phong Nha-Kẻ Bàng, Fansipan dẫn đầu 7 kỳ quan TG"

Cần nói thêm, tít này không lương thiện ở chỗ, nó làm cho ai ít để ý tin tức có thể nghĩ rằng, đã xong phần bình chọn 7 kỳ quan, và 3 kỳ quan của Việt Nam dẫn đầu ;). Trong khi đó, nếu nói cụ thể thì - như nhiều bài viết, entry đã nhắc đến - trong cuộc bình chọn hoàn toàn mang tính cá nhân này, đây mới chỉ là vòng đầu để chọn ra Top 77, rồi chọn từ Top 77 ra Top 21 là việc của một nhóm chuyên gia (khả năng là tất cả những "kỳ quan" tào lao sẽ bị loại hết ở đây ;)). Như thế, "7 kỳ quan TG" mà cái tít nhắc đến - hay nói chính xác là "7 kỳ quan thiên nhiên mới của TG", theo cách gọi của BTC - cũng còn xa mới đến tay Việt Nam ;)

Làm báo, có những cái không thể đừng được, cho dù là báo độc lập :). Những phong trào này nọ, nếu thấy "lố", bố cún cố gắng tránh xa... Nhưng lần này thì vẫn phải tham gia, vì những lý do tế nhị ;) Tuy nhiên, xem bài (bán chính thống) này, hy vọng mẹ Dế và thiên hạ vẫn hiểu được là có thể vote cho... ngoại quốc mà không phải là không yêu Việt Nam? ;)

2. Ngày thơ Việt Nam 2008, như thế, đã trôi qua có vẻ rất vui...

Báo chí ta có nhất loạt đưa bài, nhưng đa phần là ảnh, có lẽ để tận dụng tác động thị giác? Tuy nhiên, VNE có bài này kỹ và có nhiều điểm đáng chú ý. Chẳng hạn như ở đoạn đầu, có nhiều mô tả hóm:

"Rộn ràng trống phách, réo rắt í a, những con chữ im lìm trên trang giấy bỗng rổn rảng cất lên bằng mọi cung bậc, khiến thơ như một thiếu nữ vốn tự ti chợt líu lo huyên náo bởi đã được thêu hoa mặc gấm và đeo bao trang sức lên mình.

Sáng 21/2, nhằm đúng lễ Nguyên tiêu, Ban tổ chức trải thảm đỏ từ cổng Văn Miếu đón người yêu thơ. Nhưng khoảng 200 chiếc ghế con, nhum nhúm trên sân Thái miếu chẳng thấm tháp vào đâu so với hàng nghìn người xem đổ về Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong ngày hội lớn. Vài phút trước khi khai mạc, đứng xem chẳng đặng, các cụ già cả chen lấn vào lối đi rồi nhất quyết ngồi phệt xuống sàn, bất chấp Ban tổ chức năn nỉ: "Xin các bác nhường đường để rước kiệu thơ". Ngày thơ Việt Nam 2008 khai cuộc trong âm vang của Nam quốc sơn hà và những vần thơ khác, ngợi ca non sông đất nước.

Chỉ chờ cho cha anh trống giong cờ mở, các tác giả trẻ cũng "hắng giọng" cất lời trên sân Thái học. Không bị tản mát vì trồng quá nhiều cây thơ, dựng lắm xóm thơ như năm trước, sân trẻ năm nay hút mọi chú ý của khán giả về một phía - sân khấu trình diễn thơ. Sau những lời giới thiệu ngắn gọn về mối "lương duyên" giữa thơ ca với các loại hình nghệ thuật, hai MC Hữu Việt và Phong Điệp dẫn nàng thơ đã điểm trang xúng xính ra trình độc giả. Thơ, không còn nguyên chất, nhưng được nêm thêm gia vị cũng tạo ra những thực đơn, nếu chưa ngon thì cũng rất mới và lạ. Chu Thị Minh Huệ gùi thơ xuống núi, Hồ Huy Sơn hóa thân thành chàng mục đồng hồn nhiên, hát lên khúc ca Chăn trâu của mình với sự phụ họa của các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Trung ương, Dạ Thảo Phương "phiêu" trong thơ cùng các ca sĩ Minh Ánh và Hoàng Yến, Đoàn Văn Mật gõ phách để nghệ sĩ Thanh Ngoan hát chầu văn những vần thơ hóm hỉnh..."

Đoạn khiến bố cún ấn tượng nhất, dĩ nhiên, vẫn là lúc bác Dương Tường "phiêu" với bạn myselfvn (ảnh trên), rất dồn dập và khẩn trương! Hãy xem báo tả:

"Ngày hội quy tụ nhiều gương mặt nổi tiếng của âm nhạc, sân khấu. Nhưng người yêu thơ vẫn nhận ra những ngôi sao của chính làng thơ. Khi Dương Tường, Hoàng Hưng, Vi Thùy Linh lên sân khấu, khán giả nhất loạt nhào lên phía trước, để tận mắt chứng kiến trò phá cách của họ. Hoàng Hưng điềm tĩnh đọc Người đi tìm mặt trong tiếng nhạc đệm dồn dập và gấp gáp. Vi Thùy Linh xuất hiện trong chiếc váy trắng tinh khôi, thể hiện niềm khát khao yêu thương cùng nghệ sĩ kịch câm Đào Kế Đoàn. Và ấn tượng nhất, khó hiểu nhất là khi lão thơ Dương Tường mang theo một cuốn giấy vệ sinh nhan nhản chữ lên sân khấu. Ông chầm chậm tháo giấy, quấn chặt quanh người trong tiếng đọc thơ của Phan Huyền Thư và Dạ Thảo Phương. Đến hồi cuối, Dương Tường cất tiếng đọc những vần thơ của chính mình, Huyền Thư và Thảo Phương bước lên sân khấu, mạnh mẽ giật tung những mảng giấy quấn quanh nhà thơ. Màn trình diễn có thể hữu ý hay chỉ nhằm gây ấn tượng về thị giác phụ thuộc vào cách nhìn của mỗi người, nhưng Dương Tường đã khẳng định sự trẻ trung trong tâm hồn và sự sáng tạo của ông."

Đọc báo, kèm xem clip mới thấy hết cái đặc biệt của màn trình diễn này. Đương nhiên, bố cún không thể hiểu những ngụ ý trong đó, nhưng đó không phải là điều quan trọng, vì khả năng là cử tọa, cầu trường đa phần cũng vậy. Cái đáng kể ở đây, là Ngày thơ đã có nhiều màn vui, đánh vào thị giác, thính giác, v.v... Còn câu hỏi "thơ ở đâu?", thì lại là chuyện khác. Chẳng hạn, thơ Trần Dần - chắc chắn là thơ nhỉ? - thì bị cấm cửa, và theo tường thuật của Phạm Xuân Nguyên ở đây thì các nhà thơ tham dự Ngày thơ "cũng đành hèn yếu và im lặng", chứ không có "động thái" gì đáng kể.

Chạy một loạt các forum, blog, cũng thấy lẻ tẻ các report, nhưng hình như không rầm rộ như năm ngoái. Trên forum Nam Định, bài này có nhiều ảnh đẹp và thông tin sau làm bố cún buồn cười (nhất là sau khi xem ảnh): "Sau tiếng trống khai mạc ngày thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh là phần rước kiệu thơ khá hoành tráng và phần thể hiện thơ của Thượng tướng Trần Quang Khải (giả) rất trang trọng. Hết phần đọc thơ, đoàn kiệu rút lui".

Sau khi tra, thì ra "thượng tướng Trần Quang Khải" (giả) đọc "Tụng giá hoàn kinh sư". Bố cún thì nghĩ rằng, giá để "đại tướng Nguyễn Trãi" (giả) đọc "Đại cáo Bình Ngô" thì nghe sướng hơn, hào hùng hơn. Hoặc giả, nếu sợ dài, thì chọn vài câu sau, rồi để "nguyên soái Nguyễn Huệ" (giả) đọc cũng được: "Đánh cho để dài tóc - Đánh cho để đen răng - Đánh cho nó chích luân bất phản - Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn - Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ".

Có điều, những áng thơ ấy bây giờ đều "nhạy cảm" cả rồi. Càng không hợp với một ngày Hội thơ thiên về các pha trình diễn ngoạn mục, vui khỏe trẻ trung như thế này...

Để "rộng đường dư luận", bố cún có "phỏng vấn nhanh" một nhà văn gái nổi tiếng, về cảm tưởng của cô trong Ngày thơ Việt Nam, thì được câu trả lời như sau: "Em đến 5 phút rồi lại ra ngồi ngoài cổng uống chén nước, trò chuyện với mấy ông nhiếp ảnh gia cũng... vào 5 phút như em, rồi cùng về. Với thơ, em thuộc hàng ăn no vác nặng, không tinh tế đủ để hiểu nổi thơ bây giờ. Mới lại em cũng không thích chỗ chen chúc. Có một bác nhà thơ hẹn gặp em ở đó, nhưng em phải cáo lỗi về, về nhà nấu cơm cho bà mẹ ốm thấy hợp lý hơn. Mình có phải triệu phú thời gian đâu mà sa đà hội hè thơ làm gì".

Dĩ nhiên, một ngày hội có thể có người thích, có người không, âu cũng là sự thường, là chuyện cá nhân. Nhưng bố để ý tới câu phàn nàn "không tinh tế đủ để hiểu nổi thơ bây giờ". Thơ, khởi thủy của nó, cho dù sâu sắc, ý tứ dồi dào thế nào đi nữa, có lẽ cũng không khó hiểu lắm (bằng không, có lẽ nó không tồn tại được đến giờ để tạo thành huyền thoại về "Việt Nam, xứ sở thi ca"). Ngay "Truyện Kiều", khi đọc phải lăm lăm cuốn tự vị giải nghĩa để thấu hiểu các điển tích, thì về căn bản cũng không đến nỗi đánh đố lắm.

Phải rồi, thơ hiện đại, rồi hậu hiện đại, tiền phong... thì phải "hũ nút", phải có những cách thể hiện "phá cách" như các nhà thơ, nhà văn vẫn hay trả lời phỏng vấn (mà nhiều khi bố cún chả hiểu phải... phá cái gì? ;)), nhưng bố cún hơi sợ nếu cứ phát triển theo hướng phải múa, phải "giấy vệ sinh"... mới trình diễn được những cái nhà thơ muốn bộc lộ, mới khẳng định được "sự trẻ trung trong tâm hồn và sự sáng tạo", thì sẽ đến lúc - đối với hạng mù thơ như bố cún - "thơ ai... nấy nghe" mất :(

TB. Blog của Người Buôn Gió cũng có chùm ảnh và những lời bình thú vị.

20/2/08

Từ Ngày thơ Việt Nam 2007 đến vài chuyện linh tinh...

13 nhận xét




1. Hoa Pion bức xúc trong một entry, rằng: "Ngày Thơ Việt Nam có đã 6 năm nay, vậy mà mới năm ngoái mình mới biết. Mà không chỉ một mình mình không có info, các bạn mình không ai biết về ngày này! Đến bây giờ, báo với mọi người rằng mai là ngày thơ Việt Nam, đến quá nửa là ớ ra: "Thế à?" Xem ra, Thơ cũng cần phải được "quảng cáo", cho dù thế giới quảng cáo có bị lên án đến thế nào đi nữa, hì. Và Ngày thơ Việt Nam, một ngày hay như thế, rất cần được giới thiệu rộng rãi. Mình lên mạng search trong google, chỉ ra được duy nhất 1 tin! Mà thực ra, BTC có thể có biết bao nhiêu cách để đưa tin đến những người yêu thơ. Các phương tiện truyền thông họ đều nắm trong tay cơ mà", v.v... và v.v...

Khiến bố cún nhớ ra đã 1 năm trôi qua, kể từ ngày xảy ra vụ Phan Huyền Thư "đạo" Đặng Tiến, và tuyển tập “100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX” thùng rỗng kêu to ra mắt công chúng. Cả hai sự kiện này đều gắn liền với Ngày thơ Việt Nam năm ngoái, và theo bố cún nhớ thì Ngày thơ Việt Nam 2007 được cổ động rất dữ (năm nay thế nào, bố cún chưa kịp "ngâm cứu", mới đọc qua loa ở blog bạn myselfvn 1-2 info).

Rào trước đón sau thế, để thấy rằng với người ở xa như bố cún, Ngày thơ Việt Nam 2007 bị "định vị" trong óc (não) với hai sự kiện mang sắc màu "tiêu cực". Cho dù, Ngày thơ được mô tả rất nhộn nhịp, lắm sắc màu, có nhiều "động thái" vui tươi, mọi nhẽ, cứ như trong các chùm ảnh ở đây, ở đâyở đây (chùm cuối, cám ơn bạn Marie Sến và chúc mừng vì sắp bị lên xe hoa ;)), thì rõ. Và, VTV 4 cũng quay, rất đông nam thanh nữ tú! (Ảnh trên)

Ở bên này, có lẽ chả có hoạt động văn học nào mà rầm rộ và "quảng đại quần chúng" như thế, như trẩy hội ấy! Việt Nam đúng là một xứ sở thơ (văn)!

Rất văn hiến!

2. Tuy nhiên, nói đến vụ Phan Huyền Thư, bố cún lại hay nghĩ quẩn, về nhiều thứ. Sẽ viết dần ra...

Ở đây chỉ kể lại một chuyện nhỏ. Sau khi Phan Huyền Thư bị "phát hiện" là đã copy mà không ghi nguồn (cây thơ Thanh Tâm Tuyền), thì lập tức bố cún cũng thấy ngay là ở một cây thơ (poster) khác, tình trạng cũng hệt như vậy: một "tác giả trẻ" khác đã copy y chang của một nhà thơ đứng tuổi, trong phần giới thiệu một nhà thơ khác (rắc rối nhỉ? ;)).

Tất nhiên là bố cún ghi ngay lại nghi vấn (đã được khẳng định) này, nhưng chưa gửi đi đâu, mà muốn tham khảo ý kiến một người bạn làm báo ở nhà. Người bạn này, sau khi liên hệ với "tác giả trẻ" kia, thì nhắn lại với bố cún là, đừng công bố "phát giác" ấy. Bởi lẽ, "tác giả trẻ", khi copy, đã được sự đồng ý của nhà thơ đứng tuổi nọ!

Đến đây thì bố cún chán hẳn! Trên cương vị một độc giả, bố cún không cần biết thỏa thuận nội bộ ấy giữa hai người, nếu có. Bố cún chỉ biết, trên giấy trắng mực đen, đã xảy ra một màn copy mà không hề ghi nguồn gốc.

Tuy nhiên, nghe lời người bạn, bố cún cũng thôi ý định "công bố phát hiện" ;)

3. Câu hỏi ở đây là: tại sao lại phải copy (cọp)?

Biết rồi, khổ lắm, ở cái vòm trời này chả có gì là mới, tất cả được thiên hạ họ viết ra hết rồi, mình không copy của thiên hạ, cũng khó viết nổi cái gì, phải không?

Có một mẩu chuyện thế này, mà bố cún đã chép lại, từ báo. Khi nhà thơ Phùng Quán và Trần Dần vừa uống rượu vừa mạn đàm với nhau về thơ, Phùng Quán nói: "Theo tôi, thơ của nhân loại đã được cô đọng, đạt tới đỉnh cao tư duy của con người. Mọi cảnh đẹp của thiên nhiên, của vũ trụ, mọi vẻ đẹp của con người cả về thể xác lẫn tâm hồn... đều đã được các nhà thơ tự cổ chí kim trên khắp hành tinh miêu tả, xưng tụng hết rồi. Bây giờ ai mà làm được một câu thơ hay để góp vào kho tàng thơ đồ sộ của nhân loại thì cũng là một kỳ công, vắt trí tuệ tìm được ý thơ mới thật khó làm sao!" Trần Dần trả lời: "Sao ông tham thế? Theo tôi, bây giờ muốn thêm một dấu phẩy vào kho tàng thơ của nhân loại cũng là quá khó rồi chứ đừng nói tới một câu!" ;)

Đấy là chuyện về thơ. Rất thông cảm, thêm một dấu phẩy cũng khó, nên chuyện mượn tạm ý của nhau, thậm chí cả câu của nhau, là bình thường, mình chấp nhận cho nhau nhờ. Nhưng trong biên khảo, phê bình, lý luận, v.v..., làm gì đến nỗi không "tiêu hóa" được những gì mình học hỏi của người khác, bồi thêm cái ý của mình vào đó, dể được một thứ ít nhiều cũng mang tính riêng riêng của ta, mà phải copy?

Câu trả lời, có thể là: chúng ta... lười quá! Cứ bệ của người khác, thậm chí y nguyên, tiện hơn nhiều! Ai biết đấy là đâu? Vả chăng, truyền thống Á Đông "dĩ hòa vi quý", "chín bỏ làm mười", có biết đi nữa cũng không mấy ai nỡ làm gì nhau, ngoài sự trách cứ ngầm, nhỉ?

4. Sự copy có thể đến rất hồn nhiên, vô ý thức.

Như hôm nọ, đón Thu Vân đi học về, Thu Vân vui vẻ khoe bố là mới nghĩ ra một truyện cười, như vầy.

Cặp vợ chồng nọ mua vé máy bay đi du lịch. Tới nơi bán vé, chồng hỏi cô nhân viên: "Có được mang thiên thần lên máy bay không ạ?" Cô bán vé đáp: "Thưa, không. Hãng chúng tôi chỉ chở người". Chồng đắc thắng quay sang vợ: "Thiên thần của anh, em ở nhà vui vẻ nhé!"

Câu chuyện khá buồn cười, nhất là khi được kể diễn cảm bằng tiếng Hung. Nhưng nó quá hay, khiến bố cún nghĩ không thể là sản phẩm của một đứa bé 8 tuổi như Thu Vân. Bố gạn hỏi mãi, thì Thu Vân mới thú nhận là, Thu Vân nghe một bạn cùng lớp kể (bạn này thì xem ở báo gì đó ;)), có điều, trong bản original, thay vì "thiên thần", người chồng hỏi có được "mang vàng số lượng lớn lên máy bay không?" Trong tiếng Hung, vàng cũng đồng nghĩa với cái gì quý báu, và vợ cũng có thể được gọi là "vàng" vậy ;)

Như vậy, Thu Vân đã xào xáo một câu chuyện nghe được, và biến thành của mình, rất vô tư :)

5. Bố cún đố ai làm nghề viết, mà không bao giờ copy dưới một hình thức nào đó (ví dụ, có nhào nặn ;)). Nhất là với những ai phải "sản xuất" thường xuyên và trong thời gian ngắn ngủi - như bố cún ;) -, tệ mượn ý, tứ, v.v... càng dễ phổ biến ;) "Quên khẩn trương" tất cả những khẳng định, kiểu "cả đời tôi không bao giờ mượn của ai cái gì" (nếu có ai dám nói như thế).

Có điều, nên lắm, ý thức kìm hãm bản thânhạn chế khi mượn của người khác. Và nếu cực chẳng đã, phải mượn, cũng nên rạch ròi, và nếu được thì biến nó ít nhiều thành của mình, bằng cách dụng công, đào sâu chút chút...

Nói thì dễ nhưng hình như làm cũng khó phết ;)

(Còn tiếp - rảnh sẽ "tám")

18/2/08

Xin lỗi

5 nhận xét



1. Như thường lệ, bác búp bê bằng bột (nhà văn Lê Anh Hoài) lại có một entry rất khiêu khích, nhân vụ chính phủ Úc xin lỗi thổ dân vì những sai lầm trong quá khứ, lịch sử: "Lời xin lỗi - nhân cách của cả một thể chế".

Đoạn kích động nhất, là như vầy:

"Lời xin lỗi kia là một hành động văn hóa, rất rất văn hóa. Bởi nó dám vượt qua "quá khứ hào hùng". Cái rất khó vượt qua bởi những lý do to cụ, trong đó có cái được gọi là "đạo lý". ("Chẳng nhẽ mình lại chửi lại bố mình ư?" - nghe rất xuôi, nhể).

Tất nhiên đầu tiên nó phải vượt qua một ngưỡng văn hóa, với cái nhìn thật sự vì CON NGƯỜI, từ góc độ CON NGƯỜI nhìn ra, bỏ qua mọi cái nhìn khác từ phía dân tộc hẹp hòi, đảng phái ba gai, tôn giáo bọ xít, quốc gia thuốc chuột... niềm tin củ chuối, tự hào suông... trăm thứ bà dằn. Tất nhiên nó phải vượt qua cả sự sĩ diện. Cái mà những kẻ tự hô muôn năm mình không thể vượt qua!"

Đọc mà thấy... khoái tỉ! ;)

2. Xin lỗi (cũng như cám ơn) là một nét đặc thù của văn hóa Tây... dãy chết, của loại... dân chủ giả hiệu. Chính phủ Hung, lắm khi, cũng đi theo... vết xe đổ này.

Tỉ dụ, cuối năm 2005, thủ tướng Hung (ảnh trên) cũng chính thức lên tiếng xin lỗi quốc dân đồng bào về sự đồng lõa của chính phủ Kádár thời ấy với Liên Xô trong vụ đàn áp cách mạng 1956: "Những anh hùng của cách mạng 1956 thật dũng cảm, vì họ dám mơ ước tới một thế giới công bằng hơn và tự do hơn! Thay mặt chính phủ Hung, tổ quốc và dân tộc chung của người Hung, tôi xin cúi đầu mặc niệm thủ tướng Nagy Imre và các liệt sĩ, đồng chí của ông!" Và: "Cho dù tôi chưa ra đời vào năm 1956, nhưng tôi biết rằng những kẻ đã thực hiện hành vi bẩn thỉu thời đó không bao giờ cất lời xin lỗi, nên trên cương vị thủ tướng đương nhiệm Cộng hòa Hungary, cho tôi được nói lời xin lỗi tất cả những ai bị đày ải, xua đuổi trong cuộc cách mạng ấy và những năm tháng sau đó".

Vụ này, bộ cún có report ở đây.

Thực ra, như đã nói ở trên, thủ tướng Hung có thể... im bặt, coi như không liên can gì, vì... hồi 1956 ông đã đẻ đâu? Ông cũng có thể coi như mọi thứ đã... đi vào lịch sử, "thời thế thế thời phải thế", theo cái nhìn... Nho giáo ;). Hoặc giả, ông cũng có thể bảo "cứ từ từ, chờ lịch sử phán xét, hạ hồi phân giải", v.v... Có ti tỉ cách để hành xử.

Có điều, ông đã nói lời xin lỗi. Dạo ấy, bố cún cũng mon men "nhận định" về hành động này: "Việc ông Gyurcsány - trên cương vị thủ tướng đương nhiệm Cộng hòa Hungary - cất lời xin lỗi các nạn nhân của cách mạng 1956, lại càng có ý nghĩa và giá trị lớn lao: nó cho thấy các chính phủ, trong quá khứ, hiện tại và tương lai, phải có bổn phận và trách nhiệm - ít nhất là về mặt chính trị và tinh thần - với những gì mà những người tiền nhiệm của họ đã làm".

Đọc lại, giờ vẫn không thấy sai là mấy ;)

3. Nói gì thì nói, chứ văn hóa và truyền thống Á Đông có vẻ không thịnh hành cám ơn và xin lỗi. Ngượng lắm, nói những câu ấy, xa lạ bỏ xừ! Bố cún có anh bạn, học ỏ đây mười mấy năm, về nhà thoạt đầu đi ăn phở, cứ lễ độ cám ơn xin lỗi hoài, mãi chả thấy người ta bưng bát phở ra. Sau rồi, một thời gian, quen dần với "thuần phong mỹ tục" ta, anh ấy "truyền kinh nghiệm" cho bố cún: "Cứ phải quát tháo, mới mong nhanh đến lượt!" ;)

Mà quả vậy, điều này bố cún nhiều lần mục sở thị khi quan sát cảnh phố phường, chợ búa ở ta, trong chuyến về phép dăm ba năm trước. Kẻ mua người bán, thông thường là cộc lốc, có thể xẵng giọng, hô hào, đe nẹt cũng coi là bình thường. Thói tục của Tây - người mua cám ơn kẻ bán, sau khi đã xong "thương vụ" - dường như bị coi là xa xỉ, "ngoài hành tinh". Dẫm phải chân nhau, thường dẫn đến quyền cước, tỉ thí, bét ra cũng bắt bố mẹ đương sự ăn cái này cái kia, chứ không mấy khi dừng lại ở câu xin lỗi.

Nói chung là, chiểu theo phong tục ta, những động thái cám ơn, xin lỗi đầy vẻ yếu ớt, lền bà, cũng... làm mất mặt thân chủ lắm. Ngượng lắm!

Khổ thế!

Chớ mong có "văn hóa xin lỗi" ở ta, bác búp bê ơi!

Kosovo

27 nhận xét



Như đã thấy từ trước, chuyện Kosovo tuyên bố độc lập vào cuối tuần trước đã chia thế giới làm 2 phần: phần phản đối và phần ủng hộ (hoặc không có ý kiến gì, coi như “nhắm mắt cho qua”).

Phản đối (và thậm chí, dọa dẫm), dĩ nhiên phải kể tới hai đại cường chuyên mang trong óc tư tưởng bành trướng, bá chủ khu vực như Nga, Tàu. Trong số các quốc gia “không hài lòng” về vụ này (Serbia, Romania, Bulgaria, Hy Lạp, Cyprus, Tây Ban Nha, Slovakia…), có những nước hoặc “liên đới” ở mức độ nhất định, hoặc lo ngại việc Kosovo “ngang nhiên” độc lập sẽ tạo ra tiền lệ không hay ở xứ họ, hoặc khu vực của họ.

Tuy nhiên, đứng sau Kosovo, hiện tại, ít nhất cũng có “sen đầm quốc tế” Mẽo, và chừng 17 trên tổng số 28 quốc gia thuộc Liên hiệp Châu Âu, trong đó có Pháp, Anh, Đức…

Việt Nam có ý kiến thế nào trong vụ này?

Kể ra, là một quốc gia yêu chuộng độc lập, tự do từ ngàn đời nay, nếu không tiện phát biểu ý kiến thẳng thắn ủng hộ nền độc lập của Kosovo (đã là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từ đầu năm nay, có lẽ Việt Nam cũng phải “nhìn ngó” xem hai “ông anh cả” Nga & Trung Quốc nói gì ;)), thực chất Việt Nam cũng có thể mềm dẻo hơn, ví dụ: “Để chúng tôi xem xét, nghiên cứu… rồi phát biểu sau” ;)

Nhưng theo báo giới, ngày 18-2, đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, ông Lê Lương Minh, đã tuyên bố "tái khẳng định chính sách của Việt Nam rằng sự kiện đơn phương tuyên bố độc lập của Kosovo không phải là một việc thực hiện đúng đắn nghị quyết số 1244 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc". Và: "điều đó sẽ làm phức tạp thêm tình hình ở Kosovo và khu vực Balkan".

Thực ra, từ lâu nay, cả Liên Hiệp Quốc lẫn các siêu cường đã thất bại hoàn toàn trong mọi giải pháp nhằm giữ “nguyên trạng” đối với Kosovo. Việc Kosovo tuyên bố độc lập, ai cũng thấy chỉ là vấn đề thời điểm. Hay, hay dở, đó là một quyết định của Kosovo và việc nó có làm “phức tạp thêm tình hình ở khu vực Balkan” hay không, phụ thuộc rất lớn vào cái nhìn (và sự xử lý) của các nước lân cận (và có liên quan).

Cố nhiên, nguy hiểm ở đây là, theo gương Kosovo, các nơi khác có thể sẽ “đơn phương tuyên bố độc lập”, gây đau đầu cho các “ông chủ”. Nhưng biết làm sao?

Mọi so sánh đều là khập khiễng. Có điều, trong lịch sử, Việt Nam đã bao lần “đơn phương” giành độc lập cho mình?

Bổ sung: Dù sao thì báo cũng vẫn phải có bàichùm ảnh (kiểu official) về ngày trọng đại này của dân Kosovo ;)

(*) Ảnh minh họa của Huszti István ([index])

17/2/08

Chuyện yêu - Mỵ Châu & Trọng Thủy

31 nhận xét



1. Chuyển đề tài cho thư giãn chút.

Mấy bữa trước nhân post bài về lịch sử Việt Nam, liên quan đến An Dương Vương - Mỵ Châu - Trọng Thủy; rồi lại xem bài về vụ tái tạo nỏ thần ở Việt Nam (coi ảnh thì thấy cũng có gì kỳ diệu lắm đâu? có lẽ các nhà nghiên cứu của ta chưa phát hiện ra cáo tinh túy của nỏ thần, bét ra cũng phải như hỏa tiễn Cachiusa của Nga La Tư ấy chứ???), mới nhớ ngày xưa có hai bài thơ được coi là khá “nổi đình đám” về tích Mỵ Châu - Trọng Thủy.

Đáng chú ý là cả hai tác giả đều là “nhà thơ quân đội”, ấy thế mà cả hai đều bốc phết, rắp tâm cổ vũ… cứ yêu tràn, yêu đại, bừa bãi, không cảnh giác, dầu… mất nước cũng đành ;) Có lẽ hai ông này trót quên lời phê của đại thi hào Tố Hữu, bảo Mỵ Châu “trái tim lầm chỗ để trên đầu” nhỉ? (*)

TRIẾT LÝ KHI YÊU
(Vương Trọng)

Chừng mực với mọi điều
Với tình yêu xin đừng chừng mực
Đã yêu thì yêu như lửa đốt
Cây cành nào cũng phải cháy thành tro
Đã yêu thì yêu như rượu bốc
Trên có trời, dưới đất, giữa hai ta

Đã yêu thì yêu như ông bà
Tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội
Lên đò sang ngang, vai mang khăn gói
Thương mẹ thì thương, con cứ theo chồng

Đã yêu thì yêu như Tiên Dung
Đẳng cấp sang hèn không bàn đến
Đã yêu thì yêu như Mỵ Châu
Đầu dù rơi vẫn không sai lời hẹn
Đã yêu thì yêu như Trương Chi
Thân dù tan, hồn lặn vào đáy chén ...

Nồng ấm thế ơi em thương mến
Rượu bốc trên môi, lửa rực trong tim
Nghe anh nói, vòng tay em siết chặt
Đã yêu thì quý nhất khoảng lặng im!

MỴ CHÂU
(Anh Ngọc)

Lông ngỗng lông ngan rơi trắng đường chạy nạn
Những chiếc lông không tự biết giấu mình

Nước mắt thành mặt trái của lòng tin
Tình yêu đến cùng đường là cái chết
Nhưng người đẹp dẫu rơi đầu vẫn đẹp
Tình yêu bị dối lừa vẫn nguyên vẹn tình yêu

Giá như trên đời còn có một Mỵ Châu
Vừa say đắm yêu đương vừa luôn luôn cảnh giác
Không sơ hở, chẳng mắc lừa mẹo giặc
Một Mỵ Châu như ta vẫn hằng mơ
Thì hẳn Mỵ Châu không sống đến bây giờ
Để chung thủy với tình yêu hai ngàn năm có lẻ
Như anh với em dẫu yêu nhau chung thủy
Đến bạc đầu bất quá chỉ trăm năm

Nên chúng ta dù rất đỗi đau lòng
Vẫn không thể cứu Mỵ Châu khỏi chết
Lũ trai biển sẽ thay người nuôi tiếp
Giữa lòng mình viên ngọc của tình yêu

Vẫn còn đây pho tượng đá cụt đầu
Bởi cụt đầu nên tượng càng rất sống
Cái đầu cụt gợi nhớ dòng máu nóng
Hai ngàn năm dưới đá vẫn tuôn trào

Anh cũng như em muốn nhắc Mỵ Châu
Đời còn giặc xin đừng quên cảnh giác
Nhưng nhắc sao được người hai ngàn năm trước
Nên em ơi ta đành tự nhắc mình...

Hai bài này, vào lúc điểm ra đời (loanh quanh thời “cổi trói” của ông Nói & Làm), thuộc loại rất “cấp tiến”. Như bố cún nhớ, “Triết lý khi yêu” còn bị một “độc giả” báo nọ phê phán, vì con ông ta đọc bài này sẽ không thể lý giải được những gì học trong trường phổ thông, theo đó cần lên án cha con An Dương Vương & Mỵ Châu nhẹ dạ, mất cảnh giác, gây mất nước. Còn bài “Mỵ Châu”, tuy có khổ thơ cuối vớt vát lập trường (đây là khổ yếu nhất trong bài), nhưng rõ ràng là tác giả tỏ ý “bênh” tình yêu Mỵ Châu & Trọng Thủy.

Thế mới thấy yêu là thứ phức tạp, phức tạp trong đời thường đã đành, mà trong "truyện triều đình", còn dẫn đến vong quốc như bỡn. Như huyền thoại về mối tình Đường Minh Hoàng & Dương Quý Phi, hay Chu U Vương & Bao Tự, mà bố cún có dịp đến tận “hiện trường” ngó nghiêng…

2. Cũng vẫn đề tài mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy, bài viết sau không bằng lòng với việc đơn thuần “đi” chùm ảnh về “Dân Cả Quậy tưng bừng mở hội Cổ Loa”, mà còn có “tham vọng” “lập thuyết”:

“… huyền thoại giếng Ngọc Mỵ Châu thì bao lâu nay vẫn chỉ là huyền thoại. Các nhà văn hóa chỉ có thể đưa ra kết luận xơ cứng như: “Tình yêu lầm lẫn của nàng Mỵ Châu đã dẫn đến câu chuyện mất nước: “Tôi nhớ ngày xưa chuyện Mỵ Châu / Trái tim lầm chỗ để trên đầu / Nỏ thần vô ý trao tay giặc / Đến nỗi cơ đồ đắm biển sâu”.

“Như vậy, lễ hội Cổ Loa có vẻ như một bài học cảnh tỉnh cần phải nhắc đi nhắc lại mỗi năm một lần để mọi người dân Việt phải ghi lòng tạc dạ chuyện an nguy của nước nhà bao giờ cũng phải đặt trên tình riêng, hạnh phúc cá nhân. Nhưng ý nghĩa của huyền thoại giếng Ngọc Mỵ Châu có phải chỉ là bài học giản đơn như thế? Tại sao những viên ngọc trai nơi nàng Mỵ Châu gặp nạn nếu đem rửa nước giếng Ngọc nơi chàng Trọng Thủy trẫm mình lại trở nên trong hơn và phát sáng?”

Có lẽ lần đầu mới có người dám “chê” thi hào Tố Hữu một cách “xấc xược” như vậy ;) Ý bài viết thì không có gì mới – vẫn là kiểu “chỉ tình yêu ở lại”, blah blah (bá láp)… - nhưng câu cuối vậy là mạnh bạo: “Tình yêu có hóa giải được thù hận giữa con người với con người hoặc cao hơn, giữa các quốc gia?

Chỉ tiếc là kết luận hơi mang dáng dấp “vẻ vang dân Việt”: “Chỉ nguyên mấy câu hỏi này thôi, huyền thoại giếng Ngọc Mỵ Châu cũng đã xứng đáng là một kiệt tác văn hóa của nhân loại.” Nhưng không sao, cao hứng… bất tử ngợi ca tình yêu, có quá đà chút, âu cũng là sự có thể thể tất!

3. Tò mò, bố cún lang thang trên mạng thì thấy ở đây có nhiều thơ thẩn tụng ca tích Mỵ Châu - Trọng Thủy.

Đã thống nhất với bạn Minh rằng, thơ thẩn yêu đương, dễ đọc, dễ xúc động, dĩ nhiên có thể sến (nhiều hay ít, tùy), nhưng cũng có chút ý nghĩ của nó. ;)

Chả thế mà các chùm thơ yêu trên NCTG, nhất là nếu khéo chọn được một câu mùi mẫn làm “đề từ” cho cả chùm để “câu khách”, thì bao giờ cũng có lượng người đọc rất đông đúc.

Bố cún vẫn nhớ một câu tay bạn Hung cùng lớp, vẻ rất thương hại, khi một tay khác tự nhiên vô cớ bỗng đâm đầu đi… yêu (chuyện cách đây cũng chừng 18 năm rồi). Nếu dịch ra tiếng Việt thì là như vầy: “Hỏng rồi, ngay từ rễ! Biết thế còn cố đấm ăn xôi làm gì!

Ý cậu ta nói, tình yêu – vì bản chất của nó - hỏng ngay từ khi bắt đầu. Theo ngôn ngữ bố cún thì, “nhà Hán đổ từ đấy!

Thế mà thiên hạ tự cổ chí kim vẫn yêu, lạ! Chắc là để chuốc lấy “thú đau thương” ;)

4. Entry này ý tứ lộn xộn, rất vô nghĩa, chỉ là chuyện làm quà chứ không có ngụ ý gì ;)

(*) Cũng trong bài này, ngay sau khổ thơ cổ kính về Mỵ Châu, lại có một khổ “tân kỳ” hơi bị chán (và điển tích rắn rết này thiết nghĩ cần phải chú thích cho hạng độc giả loàng xoàng như bố cún ;)):

Chuyện cô du kích xóm Lai Vu
Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù:
“Mỹ hại trăm nhà, lo diệt trước
Rắn, mình em chịu, có sao đâu!”

Ghi chú: đã đưa thêm link vụ rắn rết để bà con "ôn cố tri tân" :)

16/2/08

Thứ Sáu 15-2

10 nhận xét



1. Hôm nay bố được ở nhà với cún cả ngày. Cún có vẻ thích những ngày như thế, mặc dù nó tương đối hiếm hoi…

Mẹ nhắc là bố phải viết lại, kẻo quên, là từ 3-4 ngày nay, cún đã có thể thể hiện tình cảm khá rõ rệt, nhất là khi vui: cún có kiểu cười nhếch mép, rất quấy, rất u mặc! Chiều qua, bố đi làm về thì phải nhào vào bàn làm giúp mấy thứ giúp bác Lê Thương chuẩn bị triển lãm: cún hờn ngay vì chưa bao giờ bố đi về, mà không vào ôm và bế cún ngay! Phải nói thêm là cún hờn cũng dữ dội: khóc nức nở, môi rung rung, được một lúc thì… chảy nước mắt! Chị Thu Vân ngày xưa hiền và ngoan hơn cún ở điểm này.

Cún đã nặng gần 7 cân (kể cả bì) nên mẹ cún bế một lát, là thấy mỏi tay, có lúc rã rời, muốn… bại liệt! Thành thử, những lúc cún ăn xong, bố hay bế dựng đứng cún để cún… ợ; những lúc ấy, cún ngả vào vai bố, tin cậy, cảm giác rất thích. Nhưng, cũng chính vì thế mà áo bố, dù thay liên tục, vẫn không kịp với những cú ợ như thế. Bữa trước, bố vào cơ quan, cô đồng nghiệp người Hung của bố phát hiện ra ngay là “mày lại vừa bế con phải không?” – hôm ấy vội đi quá nên bố chưa kịp thay áo, mà cũng vì không biết là bên vai bị cún phì ra đầy ;)

2. Chị Thu Vân hôm kia vừa đi chơi piano “báo cáo” trước một hội đồng toàn là các cô giáo dạy nhạc, và cụ thể là dương cầm, của chi nhánh của Nhạc viện Budapest tại Quận. Phụ huynh không được vào xem: thấy các cô giáo ai cũng có sổ ghi chép, rất nghiêm túc. Cuối buổi, Thu Vân được khen là “chơi rất tự tin, mạnh bạo và thành công”. Bố cún tự hào lắm! (Về vụ piano này, bố cún sẽ viết một entry riêng, với nhiều tâm tư, mọi nhẽ ;))

Thu Vân giờ lớn rồi, nên mọi “lập trường”, “quan điểm” cũng dứt khoát. Và “nhiễm Tây” trầm trọng ở cái sự hay có chính kiến độc lập, “tự do chủ nghĩa”, không chịu theo “định hướng”, không nhắm mắt “hùa” theo ý bố mẹ. Ví dụ:

- Làm gì đó khiến mẹ không hài lòng, mẹ nói đi nói lại vài lần, Thu Vân cự ngay: “Sao mẹ phải nói nhiều lần thế? Nói một lần không đủ hay sao? Con đã nghe rồi mà” ;)

- Với một hảo ý – nghĩ theo kiểu Việt Nam – là để “kích thích lòng tự hào dân tộc”, giúp con tiến bộ, thỉnh thoảng mẹ hay nói vui, kiểu “dạo này Thu Vân có vẻ học kém bạn X. trong lớp, mặc dù bạn này ngày xưa thua Thu Vân”. Biết đâu, bên này, ở cấp Tiểu học (và dĩ nhiên, trước đó, ở nhà trẻ, mẫu giáo), một nguyên tắc giáo dục căn bản là các cô (và điều này được khuyến cáo đối với cả phụ huynh) không bao giờ đưa ra những so sánh này nọ, cho dù là ở dạng “tế nhị” nhất, để khỏi ảnh hưởng đến tâm lý lành mạnh của đứa trẻ, khiến chúng nó có tư tưởng ganh đua, lao theo “chủ nghĩa thành tích”, “chủ nghĩa hình thức” quá sớm, lợi bất cập hại. Dạo trước, mỗi lần nói thế thì Thu Vân đều tỏ vẻ bực bội, nhưng không nói gì. Đến hôm qua, Thu Vân đã chính thức ngỏ lời đề nghị không nên so sánh như thế ;)

- Rất nhiều lần, khi bố nêu một mong muốn gì đó, có thể nhiệt tình quá, thì Thu Vân lập tức “cảnh cáo” ngay: “Sao con lại cứ phải làm theo những gì bố muốn?!” Khiến bố, dù bực, vẫn phải cố nén và rất từ tốn giải thích rằng, không phải, đây là bố nêu ra ý kiến của bố và nghĩ rằng điều đó là tốt, là hợp lý, để con tham khảo thôi, chứ không hề có dụng ý áp đặt, v.v…

Những ví dụ kiểu này có thể nêu dài dài không hết!

Nhiều bậc cha mẹ Việt Nam hay quan niệm bố mẹ phải có “uy”, phải khiến con sợ, phải… áp đảo - thậm chí, nếu cần thì cứ “yêu cho roi cho vọt” một chút cũng không hề hấn gì (vì “Á Đông vốn dĩ không có… truyền thống dân chủ”, “tự do ắt sinh loạn” ;)), thì con cái mới tử tế được. Mỗi người một quan điểm, bố cún không lạm bàn ở đây. Về phần mình, bố cún chủ trương bình đẳng và dân chủ với con cái, để chúng nó coi mình như… bạn bè khi trò chuyện, trao đổi, chứ không bao giờ viện dẫn cái sự “tao đẻ ra mày”, “trứng khôn hơn vịt” để “cả vú lấp miệng em”, và đương nhiên giành cái lý về mình…

Chả biết như thế có tốt không…

(*) Minh họa là Thu Vân chơi đàn ở lớp trong ngày Lễ hội Giáng sinh cuối năm ngoái.

14/2/08

Vẩn vơ nhân Ngày Tình nhân

2 nhận xét



1. Trong số những đoản khúc "Vụn vặt" của Solzhenitsyn, bố cún rất thích cái này:

GIỎ NÔNG TRANG

Nếu bạn đi xe buýt liên tỉnh và bạn bị cạnh cái giỏ cứng như đinh của ai đó quệt vào ngực hay vào cạnh sườn, bạn chớ lên tiếng nguyền rủa mà hãy quan sát thật kỹ cái giỏ bằng vỏ cây, đeo trên vai bằng một dây vải tua rộng bản. Chủ nhân của nó chở sữa, pho-mát tươi, cà chua - của bà và của cả hai láng giềng - lên thành phố, rồi từ thành phố, bà lại mang về dăm chục mẩu bánh mì tròn cho ba gia đình.

Thứ giỏ miệng loe, bền và rẻ tiền này của các bà, các cô, không thể sánh với những loại túi thể thao màu sắc, có biết bao ngăn và khuy cài sáng choang. Thứ giỏ ấy có thể tải một sức nặng khiến dây đeo vai của nó, thấu qua chiếc áo gi-lê ấm áp, vẫn khiến đôi vai dãi dàu của người nông dân phải đau đớn khôn cùng.

Vì thế, các bà, các cô phải đeo nó theo cách sau đây: đặt chiếc giỏ cân đối sau lưng, căng sợi dây đeo ngang trước ngực như một thứ yên cương. Bằng cách đó, trọng lượng sẽ được xẻ đều xuống hai vai và ngực.

Các bạn viết của tôi ơi! Tôi không bảo các bạn hãy thử đeo trên lưng thứ giỏ như thế. Nhưng nếu các bạn thấy khó chịu khi bị thúc vào cạnh sườn, xin mời các bạn hãy đi tắc-xi!

2. Bố cún, nhìn chung, không phải người lười làm việc nhà. Nấu cơm, giặt giũ, quét nhà, hút bụi, rửa bát... và hàng trăm việc lặt nhặt khác, nếu cần, bố cún cũng làm, vui vẻ, vô tư.

Nhưng mà, đàn ông ấy, thành thật mà nói, chắc ít ai mê, hoặc khoái làm những việc ấy.

Cũng có thể, do nghĩ rằng "chức năng" của mình là khác cơ, hoặc giả, do "kỹ thuật" của mình không cao, nên làm những việc ấy, đàn ông thường là dễ mệt, sinh chán ;)

Trong khi đó, phụ nữ âm thầm làm những việc không tên ấy, hàng ngày. Như một lẽ tự nhiên. Như một "thiên chức" của họ...

3. Sáng dậy, mở máy tính, thấy báo chí Việt Nam tràn ngập tin về Ngày Valentine (như thể một năm chỉ ngày này mới yêu và bày tỏ tình yêu được). Thấy bảo ở Sài Gòn, chiều qua, 1 bông hồng đã lên tới 25 ngàn đồng (thua gì giá bên này đâu). Rồi bao nhiêu tỉ đã được "nướng" vào hoa trong ngày này...

Tặng hoa nhau trong Ngày Tình nhân, cho dù đắt đỏ đến mức nào, cũng hay lắm và đẹp lắm. Nước ta đi lên, cuộc sống tinh thần phong phú, cái đó có thể thấy rõ trong các bài report về những cung cách khiến nhau bất ngờ - và thường là nếu không đắt giá, thì cũng rất dụng công, mang đậm vẻ "bày binh bố trận" - trong ngày 14-2 này.

Nhưng sao ở đây, bố cún vẫn thấy có một cái gì đó mang tính phong trào. Mà phong trào thì không chắc đã hay, ngay cả phong trào tặng sách, đọc sách ;). Nói gì đến phong trào bày tỏ tình yêu một cách ồn ào và tặng nhau quà đắt đỏ?

4. Thắc mắc vớ vẩn! Rõ là những suy nghĩ tạp nham của kẻ... đầu bốn ;)

Với bố cún, ngày này cũng sẽ bình thường như bao ngày khác. Sau khi gửi cái entry này, bố cún sẽ đi làm, đến chiều. Trước khi về, sẽ mua hoa, nhỉ, nhưng chỉ cần vài bông thôi. Sẽ dọn dẹp nhà cửa chút, rồi chơi với cún, Thu Vân, và có thể sẽ nấu nướng một cái gì đó. Tất cả sẽ không có gì hoành tráng và lãng mạn lắm cả...

Chỉ là một sự thầm phục và biết ơn...

(Nếu không có phụ nữ trên đời này, đàn ông tẻ nhạt lắm nhỉ? Mà họa may có làm được gì "nên cơm nên cháo", cũng chả vẻ vang gì! :)

May là Thượng đế đủ sáng suốt để khi Ngài nặn ra loài người, có cả nếp lẫn tẻ ;))

12/2/08

Cún 2 tháng

6 nhận xét



Thực ra, cún được 2 tháng từ hôm mùng Một tết kia, nhưng hôm nay mới đưa đi khám định kỳ ở phòng khám quận.

Trưa hôm qua, bà phụ trách cún hốt hoảng chạy đến nhà hỏi: “Sao không thấy anh chị cho cháu nó đi khám, cân đo… định kỳ? Hai tháng là bắt đầu chuỗi tiêm chủng rồi đấy! Cháu bị ốm hay sao? v.v…” Bố cún đành khai thật là do chúng tôi… nghỉ ăn Tết “ta” nên lười (thực ra một phần cũng vì bận quá nữa), chứ vẫn biết là đã chậm 1 tuần. Thế mới thấy Tây họ cẩn thận và tử tế: chuyện của mình, mà họ lo như là của họ!

Sáng nay, đưa Thu Vân đi học xong là bố cẩu cún đến phòng khám. Khá cồng kềnh, vì cún phải ăn mặc nhiều thứ, và bố cún thì ngại cho cún vào xe đẩy, nên cứ vác vậy thôi. Tuy nhiên, cún ngoan và không hề có ý kiến gì suốt quãng đường đi.

Đến nơi, chờ ở phòng ngoài, cậu bé vào trước cún đã hơn 4 tháng rồi, nhưng khóc váng tai từ đầu đến cuối. Và nhất là khi bị tiêm thì cậu ta gào rất thảm thiết, nên bố sợ cho cún lắm.

Đến lượt, cún cũng bị lột… truồng, rồi cân: 6.450g! Thế là cún lên được 2 cân trong 5 tuần qua, bà bác sĩ bảo vậy là “vượt mức kế hoạch”. Chỉ số này cũng bác bỏ hùng hồn nỗi lo của mẹ cún, rằng cún sút cân do mấy bữa sữa mẹ “khan hiếm”. Rồi cún bị vần đủ kiểu, bị bà bác sĩ đưa thìa sâu vào họng để khám, rồi tiêm chủng (vào đùi, rơm rớm máu), mà cún vẫn thản nhiên như không có gì xảy ra! Khiến mấy bà ở đó ngạc nhiên lắm, và thán phục “Việt Nam chúng mày anh hùng” ;).

Dĩ nhiên, theo thông lệ, cún lại “để lại dấu ấn” bằng cách tè cồng vồng ướt hết cái cân và ghế ở phòng bà bác sĩ!

*

Từ khi có cún, bố cún thêm một đam mê là bế cún, rung rinh rồi hai bố con lăn ra ôm nhau ngủ ;) (Minh họa trên là sau khi đưa cún đi tiêm chủng về).

Mà ngủ với bố, cún hay… mê mệt! Bố cún thì hít nhiều hơi của cún, có lúc thấy… ngấy, uẩy oải (chắc là vì cún nhiều vị sữa mẹ). Nói chung là “năng suất lao động” của bố cún giảm nhiều, tuy nhiên đó cũng là một cơ hội thư giãn…

Chuyện khác. Sáng nay bế cún từ phòng khám về, thấy nặng tay, tự nhiên bố cún thầm nghĩ: thế là cún lớn hàng ngày, và đồng nghĩa với việc bố cún… già hàng ngày ;)

Bữa trước, gặp một bác người quen, trò chuyện, bố cún tự hào là “đã xong phận sự gia đình”. Lập tức, bác kia bảo: “Đây mới là khởi đầu!

Theo bác, phải tính ít nhất 24 năm nữa, khi cún tốt nghiệp đại học. Thậm chí, thanh niên thời nay ở bên này thường thích theo học hết trường này đến trường khác, để làm gì cũng chưa cần biết, cứ biết là kéo dài cái tuổi học trò, đồng thời cũng là thực thi tinh thần “Học - Học nữa - Học mãi!” của cụ Lệ Ninh. Theo xu hướng ấy thì đến khi bố cún “xưa nay hiếm”, có thể cún vẫn thong dong “dưới mái trường XHCN”…

Bao giờ cún mới… lấy vợ nhỉ? ;)

Vẻ vang dân Việt

8 nhận xét



" Tiền Phong Online" có bài này đáng để ý, về việc ông Đỗ Văn Xuyền, một nhà giáo đã nghỉ hưu, "bước đầu công bố công trìnhgiải mã chữ Việt cổ”, "gây được sự chú ý của giới khoa học".

Mới nghe những từ "giải mã", "chữ Việt cổ"..., bố cún thấy có vẻ đi sâu vào chuyên môn ngôn ngữ học của bạn Minh, hoặc bét ra cũng mang màu sắc Hán - Nôm, hay Tạ Chí Đại Trường, sợ khó hiểu và mệt. Nhưng đọc lướt thì thấy bài viết dễ hiểu, và bố cún rất "kết" cái kết luận của bài báo, cho rằng chữ Quốc ngữ có lẽ không phải "sáng kiến" độc quyền của thày A Lịch Sơn Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), mà khả năng là thày đã "tiếp thu bộ chữ cổ của người Việt" (từ một "thiếu niên bản xứ"), và "có công La Tinh hóa nó, để ra được chữ Quốc ngữ".

Nếu đúng như vậy thì quả là... vẻ vang dân Việt!

Mà rõ là bài báo có những khẳng định, hoặc giả định, rất đáng tự hào, lâng lâng, về nền văn hóa và giáo dục (rất văn minh!) của nước ta thời... vua Hùng:

- Phải chăng trước khi chìm đắm vào đêm dài Bắc thuộc, nước Văn Lang đã có một nền văn hiến rực rỡ?

- Không chỉ để lại cho hôm nay những chiếc trống đồng Đông Sơn tuyệt hảo, cha ông ta còn để lại (đâu đó, trong những di tích như Thiên Cổ miếu) bằng chứng về một nền giáo dục, một thể chế kén chọn người tài phát triển ngay từ thời dựng nước?

- Hầu khắp các tỉnh lưu vực sông Đà, sông Lô, sông Hồng, xa hơn nữa mạn Thanh Hóa, Nghệ An, đều có các bằng chứng về các thầy giáo danh tiếng và các học trò giỏi thời Hai Bà Trưng, An Dương Vương, Hùng Vương!

- Những sưu tầm còn cho thấy từ thời Hùng Vương, việc kén tìm người giúp nước trị dân thường được tuyển chọn trong những học trò giỏi, hoặc qua việc thi cử mà khẳng định, hoặc lập được chiến công chống ngoại xâm.

Rồi kết cục, là việc chữ Quốc giữ có khả năng bắt nguồn từ chữ Việt cổ cách đấy hai ngàn năm, v.v... và v.v...

Cơ mà, đọc xong, nghĩ đi nghĩ lại, mới thấy hồ nghi. Những chuyện to lớn tầy đình thế này mà giới sử học chuyên nghiệp Việt Nam đâu rồi (chắc vẫn còn lo... đấu tranh giai cấp ;)), sao bỏ qua hết, để một thày giáo nghiên cứu nghiệp dư tìm ra? Chuyện một cái miếu từ thời vua Hùng vẫn còn "ngang nhiên" tồn tại, có ngọc phả hẳn hoi, mà không ai để ý? Cái thời mà ngay sự tồn tại một cách xác thực của nó, trên văn bản giấy tờ, hầu như không (chưa) có - có chăng chỉ là những huyền sử, trong đó có huyền sử về cậu bé có thể bị thiểu nang (hoặc Down), mà sau trở thành anh hùng, và sẽ được Giáo hội Phật giáo Việt Nam "chủ thầu đầu tư" dựng tượng từ tiền cúng đường của thiện nam tín nữ ;) - giờ không lẽ được "giải mã", "giải mật" một cách dễ dàng thế?

Nên chăng, tạm thời, ta hẵng cứ "hoài nghi tất cả" theo phương châm mà cụ Mã Khắc Tư yêu thích đã, cho chắc, nhỉ?

(*) Minh họa không liên quan đến đề tài: cún hôm nay, khi tắm, đã biết đạp để nghịch ngợm và khoái chí lắm với trò vờn nước.

10/2/08

Cái sự ngủ của cún

12 nhận xét



Hai ngày hôm nay, bố cún ở nhà, viện cớ tết nhất, tự cho mình rảnh rỗi, trừ lúc dịch diếc linh tinh, công việc, bờ-lốc này nọ, ngoài ra bỏ thời gian chơi với cún nhiều vô kể! Cún thích chí vô cùng!

Cún bây giờ đã quen hơi bố, đó là điều nguy hiểm. Vì cún thích và sẽ đòi bố bế trước khi ngủ, hoặc bất cứ khi nào cún cảm thấy cần cảm giác... phê phê ;)

Quy trình để cún ngủ là như vầy. Thường, sau khi cún đã bú mẹ, hiếm hoi có lúc cún xỉu, và ngủ. Thưòng, phải ru, vỗ về chán, cún mới chịu im lìm. Bố cún hay nhận phần để cún ợ, sau đó bế cún ê a mấy câu hát nhàm chán, rồi thơm cho cún từ khóc nức nở chuyển sang dịu dần, rồi thiếp đi (cái này kéo dài độ 30 phút). Bế cún trong lòng chừng 15-20 phút nữa, thì có hai khả năng:

- Một là cún chịu cho đặt xuống giường, và bố... ngủ cùng cún. Kiểu ấp cún vào... nách này thực ra rất nóng, bí, nhưng tỏa ra sự tin cậy, nên nhiều khi cún khoái. Một nhược điểm là trò ngủ theo này khiến bố cún giảm năng suất làm việc, người lờ đờ vì hít nhiều hơi trẻ con ;)

- Hai là, có thể đặt cún nằm sấp, một mình, cứ lom khom chổng mông như thế... Cái này không phải khi nào cũng thành công, nhưng nếu được thì cún sẽ tự tìm thế thích hợp, rồi lăn ra ngủ một mình. Bố cún được giải phóng, có thể trong vòng 1, nhiều nhất là 2 tiếng, để làm việc.

Thế mới thấy, công nghệ để dỗ trẻ con ngủ cũng lắm công phu! Mà cún là do bố già rồi, mới có, nên hẳn nhiên là được bố chiều. Chị Thu Vân xưa bố không phải bế nhiều như thế, mà chị cũng không quấy: cùng lắm, ban đêm, chị chỉ nằm chơi lơ thơ, mà không ngủ thôi, chứ không khóc rầm rĩ và cương quyết như cún.

Mấy tin mới cần ghi để nhớ, là:

- Sau gần 2 tháng cứ chọc cả nắm đấm vào miệng, rồi khi chọc không vô thì khóc, bây giờ cún đã biết cho ngon lành 1-2 ngón, tùy thích, để ê a và phởn chí.

- Hôm nay tắm cho cún trong chậu, cún đã biết tự gác hai chân lên thành chậu để gồng bổng người – có lẽ đây là trò nghịch ngợm có ý thức đáng kể đầu tiên của cún.

Nuôi cún, như thế, vất vả nhưng thích. Mà có thể chả ăn thua gì so với ông bà, bố mẹ nuôi bố ngày xưa: dạo ấy, muốn để bố ngủ, ông bà phải bế lên tàu điện, đi một „cua” khứ hồi Bưởi - Đồng Xuân, mà lắm khi còn chửa ăn thua!

Thế nên, rất cần kiên nhẫn với con cái, nếu biết bản thân mình xưa kia lắm lúc còn tệ hại hơn thế nhiều!

(*) Minh họa là chị Thu Vân đang cổ vũ cún ngỏng đầu.