25/1/09

Cụ Hồ

9 nhận xét




Đọc lại mấy bài báo cũ về tết ở Việt Nam từ vài chc năm trước, tự nhiên lại nhớ tới... cụ Hồ: theo nhật ký của cụ ngoại viết cho bố, bố cún thời nhớn hơn cún bây giờ dăm bảy tháng, đã hơi nghêu ngao được "Năm qua thắng lợi vẻ vang..." :)

VTV4 cũng vừa đưa phóng sự về cụ Hồ và cảnh lãnh đạo Đảng ta vừa tới thắp hương tưởng nhớ cụ ở căn nhà số sáu mấy (quên không kịp ghi lại), là nơi cụ trút hơi thở cuối cùng cách đây 40 năm. Thế hóa ra không phải cụ mất ở Chủ tịch phủ nhỉ?

*

Một số bài báo của cụ (mà không ký tên cụ, chỉ bút danh), hay lắm chứ không phải không: ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề và ấn tượng. Nhưng đó là điều mà báo giới bây giờ khó làm, vì thời ấy cụ có thể nói thẳng như thế, không phải "lách", kể cả trong những vấn đề nhạy cảm...

Tết nhất, phải đưa lại đôi câu đối sau của cụ, đăng trên tờ "Cứu quốc" Xuân 1946, nhân dịp Tết Nguyên đán đầu tiên của Việt Nam độc lập:

Rượu cộng hòa, hoa bình đẳng, mừng Xuân độc lập.
Nắng tự do, gió bác ái, ăn Tết dân quyền.

Cụ thật sáng suốt: các khái niệm "tự do", "bình đẳng", "bác ái", "độc lập", "dân quyền"..., hơn 60 năm từ khi câu đối ra đời, vẫn là mục tiêu đeo đuổi và phấn đấu (dài dài) của xã hội Việt Nam!

(*) Minh họa: bà nội cún được chụp với cụ Hồ, thời kháng chiến, ở chiến khu, tháng 7-1953. Ảnh do ông Đinh Đăng Định chụp.

Tết đến rồi!

13 nhận xét



Thì 30 tết rồi mà...

Cái ảnh trên là Thu Vân sau khi cùng mẹ trang trí cây đào mini. Đây là lần đầu tiên nhà bố cún có đào, dù là... giả. Mà vì giả, nên sắc nó thắm lắm, rất chi là... “nhân diện đào hoa tương ánh hồng” ;)

Dù myselfvn có bảo "đào giả thì có làm quái gì?", nhưng, phần vì, bên này làm gì có đào thật (hoặc đôi khi có đi nữa thì cũng không đến lượt mình), phần vì, lên núi chặt trộm đào của Tây, về cắt tỉa, ấp ủ, hãm... cho nó nở đúng vào dịp tết, đúng là một hoạt động rất sang trọng kiểu Nguyễn Tuân, nhưng khốn cái bố cún chả có chút thời gian nào, nên đành viện cớ không muốn theo vết xe đổ của các bác phá phố hoa Hà Nội, để khiếu :) Do vậy, đây vẫn là một sự kiện quan trọng của nhà cún, và mẹ cún thì "vu" ngay là do có cún, nên mới có biến cố "gấm hoa" này. ;)

Dầu sao, tết năm nay, mẹ cún đã bỏ công chuẩn bị từ trước như giò thủ, bánh nếp, chè kho, măng miến..., và chiều nay thì rả rích một số thứ nữa, nên khả năng là sẽ rất thịnh soạn. Hẳn nhiên, vẫn biết, ăn uống là một trong những nét văn hóa... man rợ của người Việt, nhưng Tết nó phải vậy, từ thời các cụ rồi :) (Một nét văn hóa "man rợ" nữa là đi thăm hỏi hàn huyên này nọ, thì bên này gần như đã được miễn, và thay thế bằng cú "hội ngộ" tập thể của cộng đồng tối hôm kia, giản tiện và hiệu quả vô cùng ;))

Tết cũng là dịp bắt buộc phải tổng dọn nhà, và đây là cái bố cún e ngại vô cùng. Từ khi có cún, nhà đã biến thành một đống rác khổng lồ (dĩ nhiên, bố cún có góp phần đáng kể với phương châm "miễn là có trật tự trong hỗn loạn") và cứ dọn thì 5 phút sau thì kết quả đâu lại hoàn vậy. Cả ngày hôm qua, bố mẹ cún đã xả thân làm vụ này (nói đúng ra, mẹ cún dọn là chính :)), nhưng quả thật, đến hôm nay kết quả không còn mấy :)

*

Bây giờ là chiều tối ở nhà rồi, chắc ông nội cún đang lụi hụi với cành đào, hoặc ngồi xem TV tết. Còn bên này, cún chắp tay đi lại các phòng, quát tháo om sòm, đôi lúc lại diễn thuyết ỏm tỏi như... Trotsky. Cún có biết tết Việt Nam sắp đến không nhỉ?

Mẹ cún lo xa, cứ sợ cún và Thu Vân bị "mất gốc", nên có ý đào tạo, giáo dục "truyền thống" (trong trường hợp này là về lễ tết Việt Nam). Thì đây cũng là điều hôm trước bố cún được một tờ báo trong nước cật vấn: Tết với thế hệ thứ hai bên này, thì có ý nghĩa gì không? Hay cũng... vầy vậy thôi?

Bố cún nghĩ rằng, có lẽ ở đâu, đi đâu, thì cái "chất" Việt Nam nó vẫn có sẵn, hoặc (tiềm) ẩn trong tim (lòng) mỗi người Việt, dù là trẻ con hay ông già. Cùng lắm thì cái cách thể hiện ra ngoài nó khác thôi (ví dụ, trẻ con bên này sẽ không ưa những nghi lễ ồn ã và mệt mỏi mang tính bắt buộc của người lớn trong dịp tết). Với cún và Thu Vân, sống trong một gia đình Việt, bố hy vọng rằng cái tết truyền thống Việt Nam sẽ có vị trí đáng kể bên cạnh những lễ hội của Hungary, và như thế là các con đã "đa văn hóa", đã "mở" hơn bố mẹ rất nhiều rồi.

Chẳng cần phải sợ gì lắm đâu...

22/1/09

Ông đồ & Lộn ruột

13 nhận xét



Xem mấy bài viết ở đây, và ở đây, mà lộn ruột!

Đúng như Phạm Duy nói khi ổng làm "Vỉa hè ca", rồi "Tục ca", cách đây cũng đã 40 năm: có những lúc, kìm không nổi, cứ phải chửi!

Lại nhớ "Ồng đồ già" của Vũ Đình Liên: "Những người muôn năm cũ - Hồn ở đâu bây giờ?"

Bác Đông A còn bình tĩnh phân tích rốt ráo được ở đây. Còn bố cún chỉ biết văng: "TSB chúng nó..."

*

Bản dịch chữ Hán "Ông đồ":

LÃO TÚ TÀI

Mỗi niên đào hoa khai
Tổng kiến lão tú tài
Truy nghiễn hồng tiên bãi
Thông cù nhân vãng lai

Đa thiểu thị tự dã
Trách trách tiễn chu kì
"Xảo bút nhất huy tựu
Như phụng vũ long phi"

Lãnh lạc niên phục niên
Có khách hà mang nhiên
Hồng tiên bi sắc thân;
Truy nghiễn sầu mặc kiên...

Tú tài do tại ty
Quá lộ hữu thùy tri
Tiên thượng hoàng diệp lạc
Thiên biến tế vũ phi

Kim niên đào hựu tân
Bất kiến cựu thời nhân
Trù tướng không hàng vọng
Cổ hồn hà qui vân?

(Lý Việt Dũng dịch)

20/1/09

"Tiếng Việt"

20 nhận xét




Vừa được myselfvn gửi cho bài "Tiếng Việt" của Lê Tâm phổ thơ Lưu Quang Vũ (LQV).

Những bài thế này (hoặc như kiểu "Ôi quê tôi" của Lê Minh Sơn), nghe vào dịp năm hết tết đến, bâng khuâng nhớ nhà, thương quê nhớ nước, v.v... rất thích hợp. Nếu được nghe tại trận, sáo, bộ gõ, ghi-ta gỗ bập bùng, hẳn còn hay nữa.

Bài hay, tất nhiên một phần cũng vì lời (dựa theo thơ) LQV đã rất hay rồi. Với bài thơ này, bố cún có một kỷ niệm không đặc sắc lắm, nhưng cũng kể đây, ngõ hầu mua vui dăm ba trống canh.

Số là, hồi 1993 bố cún có dịp sang Nga, ở nhà một cô chú người quen. Do tiếng Nga ú ớ nên hay săn cái gì tiếng Việt để đọc giải sầu.

Báo chí sách vở (từ Việt Nam "đánh" qua) hồi ấy ở Nga nhiều hơn hẳn Đông Âu, nhất là vì có mấy quầy sách báo trên DOM 5 (hồi nó còn chưa bị OMON dẹp). Hàng tuần, bố cún hay lên đó 1-2 lần mua báo, xem (cọp) sách, chủ yếu cũng để mua từng phần "Tiếu ngạo giang hồ" (dạo ấy Việt Nam mình chưa in lại đẹp đẽ trang trọng như giờ đâu, mà một ông nào đó bên Nga photocopy lại bản dịch cũ ở Sài Gòn, chữ được chữ mất, có khi mất cả vài trang do sách gốc chắc bị bác nào "ngồi trong hố xí đợi ngày mai" nên đã hứng chí thiến dăm tờ :). Những chuyện này đều hay, sẽ kể kỹ ở dịp khác.

Vì lượng sách báo Việt ngữ dồi dào như vậy, nên... thùng rác của khu tập thể nơi bố cún tạm trú cũng hay có sách vở :). Bố cún thường chực ở đó, để... bới - nhưng về sau thấy mất vệ sinh và thể diện quá, nên có đánh bạo đề nghị nhà hàng xóm, trước khi vứt cái gì vào hố rác, mà có liên quan đến chữ nghĩa giấy má, thì cho bố cún liếc qua kiểm duyệt cái.

Nhà ấy rất ngạc nhiên trước đề nghị (rất nhã nhặn) này, nhưng vì "thằng này hiếu học" nên cũng chấp thuận. Kết quả là, bố cún có nhiều báo để xem, cắt được một số tư liệu giữ lại, và hời hơn cả là vớ được một cuốn "Cổ học tinh hoa" (đầy đủ, nhưng đã mủn), và tập "Mây trắng của đời tôi" (NXB Tác phẩm mới, 1989 - đã bị trẻ con xé lung tung ở bên trong, mất tới hơn một nửa, nhưng kỳ diệu là vẫn còn bìa và bài "Tiếng Việt" thì nguyên xi, có thể vì là bài thứ hai, sau "Nơi ấy", mà trẻ con chỉ hay thích mân mê bìa và xé tận sâu bên trong thôi).

Đây là lần đầu tiên bố cún được đọc bài thơ ấy (cùng nhiều bài khác, rất hay, của LQV), và thú thật là ứa nước mắt!

Tuy nhiên, vì lý do... vệ sinh, tập thơ LQV không thể giữ được ở nguyên trạng của nó :((. Tiếc của giời quá, bố cún mò lên nhà một tay bạn, giờ là soái xiếc gì đó ở Nga, ở đấy có máy photocopy. Mất 1 buổi tối (lừa khi cả nhà tay bạn đã yên giấc nồng) để chụp lại cuốn thơ, rồi hì hụi cắt và lấy ghim dập lại để nó thành hình y như cuốn sách! Sáng sau, chào hỏi dăm ba câu lơ láo ngọt nhạt, bố cún chạy biến để phi vụ khỏi bị lộ.

Tuần sau, tay bạn gọi điện rủ lên ăn cơm. Hắn thông báo cái máy photocopy đã bị hỏng (có thể do máy Nga không chịu nổi công suất gần 100 trang 1 đêm?), nhưng hắn đã sửa rồi, và lần sau có muốn "lưu trữ tư liệu gì thì cứ làm vào ban ngày, anh em ở văn phòng đây sẽ giúp đỡ" :)

Nhờ cậu bạn tốt bụng, và tất nhiên, nhờ sọt rác của nhà hàng xóm, đến giờ bố cún vẫn giữ được tập photocopy ấy... Mỗi lần giở nó ra, và đọc LQV, có cảm giác như hay hơn nhiều so với đọc ở các tập mới, bìa bóng, thơm mùi mực bây giờ...

(*) Không dính dáng gì đến đề tài này, có một chuyện nữa khá buồn cười đối với bố cún. Ấy là, dạo ở Hà Nội, được myselfvn nồng nhiệt mời tới Tadioto giao lưu, thưởng thức trình diễn thơ, v.v..., mọi nhẽ. Qua điện thoại, thấy myselfvn giới thiệu rất nồng hậu về „cơ sở văn hóa” này, nhưng giờ mới dám thú thực là, khi ấy nghe câu được câu mất, cũng không hiểu lắm Tadioto là cái gì, nghe cứ như... Nhật Bổn :). Lại sợ bị „quê”, không dám hỏi lại - tất nhiên, phần cũng vì bận một số bổn phận nữa – nên cuối cùng đã xin phép được „hẹn dịp khác”.

Giờ mới thấy tiếc quầy quậy... :((

16/1/09

Quyền được sai lầm

8 nhận xét



Thấy cái này hay hay (chưa bàn đúng sai), dịch cho cả nhà coi cho vui.

PS. Tròn 3 tháng sau này bố cún viết cái entry này, anh Chiến được "đặc xá". Miễn bàn mọi thứ râu ria, anh Chiến - cũng như mọi ký giả - có quyền được sai. Mừng cho anh!

QUYỀN ĐƯỢC SAI LẦM

Nhiều người biết rằng một cá nhân trung bình chỉ sử dụng được 10% những năng lực thực sự có sẵn của họ. Vào những thời như Nghiêu Thuấn, khi dân tình sung túc và vấn đề lớn nhất chỉ là mùa hè đưa vợ con đi đâu chơi, con số 10% ấy cũng có thể coi là đủ.

Tuy nhiên, hiện tại, hẳn là bạn cần nhiều hơn thế. Trước một việc không như ý, thế nào bạn cũng có hai lựa chọn: hoặc là chửi rủa rầm rĩ (và dĩ nhiên, cảm thấy trong lòng thoải mái được chút ít, nhưng điều này không hề giúp bạn ra khỏi vũng lầy, cho dù chỉ nửa bước), hoặc tự đặt câu hỏi cho mình: làm sao để có một thêm một chút từ 90% còn lại...? Vì, bây giờ bạn rất cần điều đó!

Hãy thử nói về khả năng thứ hai - không phải vì chuyện chửi bới là không hay, và rất có thể bạn có lý khi chửi nữa kia. Tuy nhiên, câu hỏi cần được đặt ra là "chúng ta sẽ tốt hơn bằng cách nào?", chứ không phải là "vì ai mà chúng ta tệ hại thế?"

Nói cách khác, hãy xem xét những năng lực của bạn và thử tìm hiểu, điều gì ngăn cản bạn tận dụng những năng lực đó.

* Nỗi lo thất bại khiến bạn đánh mất những năng lực.

Một nhận định chả có gì đặc sắc phải không bạn? Hãy kiên nhẫn một chút, chúng ta thử đi tiếp. Thực ra, trong khẳng định đơn giản trên, tiềm ẩn lời đáp (cho dù, có thể chưa toàn diện) cho câu hỏi "tài năng là gì?" Một ví dụ điển hình: bạn hãy xem lại những clip cũ của Madonna vào thời 1983 chẳng hạn, cô ta gào thét ca khúc được ưa chuộng đầu đời của mình với chất giọng mà với nó, có thể thắng trong cuộc chiến Iraq. Nhưng nếu xem một concert nào đó gần đây của cô, bạn có thấy thấy rằng, Madonna đã học được rất nhiều trong nghệ thuật ca hát.

Nhưng tại sao con người chúng ta sợ thất bại? Vì sợ tổn thất? Bề ngoài thì có vẻ như thế, nhưng sự thật là ở đây:

* Cơ sở của nỗi lo thất bại là nỗi lo phạm sai lầm.

Đúng thế. Nói thực, con người có thể vượt qua bất cứ tổn thất nào và hồi sinh từ bất cứ trạng thái nào. Nhưng khi ai đó bị K.O. và trọng tài đếm đến 9 anh ta vẫn nằm dưới sàn, thì đây không phải là do sự tổn thất. Mà do anh ta không dám, không thể trực diện với sai lầm của mình.

Bạn thử nghĩ xem, từ nào khó nói ra nhất? Không phải là tên một hợp chất hữu cơ nào đâu. Mà là: "thật đáng tiếc", "tôi xin lỗi", v.v... Tại sao? Vì khi nói ra những câu đó, bạn đã thừa nhận bạn sai lầm. Nỗi lo phạm sai lầm là thứ trì níu bạn hơn bất cứ điều gì khác. Bất cứ lúc nào, bạn cũng có thể làm lại hầu như bất cứ thứ gì và nói thực, chúng ta không nên tin lắm vào huyền thoại của những vấn đề không có lời giải đáp. Nhưng, một điều có thể dồn bạn vào chân tường: nếu bạn không dám trực diện với khả năng bạn đã sai lầm.

* Bạn có quyền sai lầm!

Nhưng tại sao trực diện với khả năng bạn đã sai lầm lại khó nhọc như vậy? Là vì cái thế giới mà chúng ta đang sống luôn có chiều hướng lên án sự sai lầm. Ai sai lầm, đó là kẻ bại. Và kẻ bại là người hạ đẳng.

Nhưng bạn hãy nghĩ theo một hướng khác. Kẻ bại KHÔNG PHẢI là người sai lầm. Kẻ bại là người ĐẦU HÀNG, hạ vũ khí. Nghĩa là, có phạm sai lầm đi nữa, bạn cũng không phải kẻ bại. Ngược lại, bạn hãy để ý rằng, bạn càng cố gắng "phù hợp với những điều kiện ngoại cảnh" mà bạn đang sống bao nhiêu, bạn sẽ càng ít dám sai lầm bấy nhiêu. Và như thế, bạn càng ít có khả năng khai thác được những năng lực tiềm ẩn trong bạn bấy nhiêu.

Bạn có quyền sai lầm! Cố nhiên, mỗi sai lầm đều có giá, có hậu quả của nó, bạn phải gánh chịu những hậu quả ấy. Và vấn đề là ở đây. Dễ dàng tin rằng sở dĩ chúng ta không dám sai lầm là vì chúng ta sợ những hậu quả. Không phải vậy: kỳ thực, chúng ta sợ chính sự sai lầm. Càng có khả năng dẹp đi nỗi sợ hãi này, càng có khả năng ngẩng đầu nói rằng "tôi đã sai lầm" bao nhiêu - thì bạn sẽ càng có thể tận dụng những năng lực tiềm ẩn THỰC SỰ trong bạn bấy nhiêu. Thêm nữa, bạn sẽ càng ít sai lầm!

Chúc bạn thành công!

(H.L. dịch)

15/1/09

Tadioto & myselfvn

19 nhận xét



Ui, bận quá, bận quá, nên chưa dám vác mặt lên đây! Cám ơn các bạn đã thăm hỏi, và cám ơn các bạn mà bố cún đã có dịp được diện kiến trong mấy tuần ở Việt Nam. Nhiều chuyện ở nhà xin được thư thư, sẽ bá cáo sau...

Trước hết, quảng bá cái này của/cho bạn myselfn. Gấp, gấp, vì bạn ý sắp đi Đông Kinh ("thế là mợ nó đi Tây" ;)

Minh họa: ảnh đương sự (giữa), mùa đông 2008 (còn nhiều ảnh quý/nhạy cảm khác, liên hệ bố cún ;)

Bổ sung: Xin lỗi mấy bạn mà đã hứa (hão), nhưng rùi thì thời gian eo hẹp quá, cuối cùng không gặp mặt được. Và các bạn mà bố cún không kịp báo về chuyến về này - thực ra chỉ là đôi ba tuần cuối năm tranh thủ (lén, lẻn) về thăm nhà... Hẹn các bạn lần gần nhất! :((

*

Tadioto – 113 Triệu Việt Vương – Hà Nội
17-1-2009

Xin mời đến thưởng thức chương trình biểu diễn âm nhạc của nhóm tác giả M6 (Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngô Hồng Quang, Trần Đức Minh, Nguyễn Tuấn và Ngô Tự Lập) cùng nghệ sĩ Nati Brooks.

Nếu có điều kiện (và nhã hứng) - không có cũng chã sao, tại đây, bạn có thể chia sẻ quần áo ấm, giày dép và quà tết cho các em nhỏ ở Sơn Vĩ, một trong những xã nghèo nhất của Mèo Vạc. Nhà báo Nguyễn Thị Thu Trang (Blogger Tơ Rang) sẽ đích thân mang quà tết của chúng ta đến trao tận tay các em. Nếu nhiều quà mình chia cho các em bé nghèo khác nữa.

Nhận quà: 18h – 19h

Thưởng thức âm nhạc: 19h – 20h30

Xin cảm ơn anh xã, tình yêu của anh (nhà văn Nguyễn Quý Đức), nhóm M6 và bạn Tơ Rang - Những người đã rộng lòng sát cánh cùng tớ tổ chức vụ này.

Các bạn không cần tặng quà chia tay cho tớ, cứ mang quần áo ấm cho các em nhỏ là tớ cảm ơn lắm rùi (quà cho tớ thì mình tính sau:-P)

Hi all, please come to help make this event a success, with music and a good cause Saturday!

Musical warm-up

Hanoi musicians M6 and guest performer Nati Brooks play at

Tadioto, 113 Trieu Viet Vuong, on Saturday, Jan 17 from 6pm

Bring old sweaters, scarves, children's clothes, toys, etc and give them to poor villagers in Ha Giang. Journalist Nguyen Thi Thu Trang, who has won awards for writing on children's issues and for her charity work, will take them up to the mountains on her annual Tet winter run.