Mẹ Dế vừa báo tin Solzhenitsyn đã qua đời! Nhảy lên mạng tìm, thì thấy có tin ở đây, nguồn "Interfax".
Hungary cũng đã đưa tin lúc 23 giờ 30 phút.
Cho dù những năm cuối đời bị chê bai là gàn dở, Solzhenitsyn vẫn là nhà văn có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn lao với thế giới (cộng sản) thế kỷ XX. Không biết báo chí Việt Nam sẽ đưa tin nào như thế nào? Bình luận ra sao?
Một việc chắc chắn là ngày mai, sẽ phải đọc lại "Gulag - Quần đảo ngục tù"...
Một vài bài về Solzhenitsyn trên NCTG Online:
BƯỚC SA LẦY CUỐI ĐỜI CỦA SOLZHENITSYN
TỔNG THỐNG NGA TẶNG GIẢI THƯỞNG QUỐC GIA CHO SOLZHENITSYN
SOLZHENITSYN VÀ NHỮNG ĐOẢN KHÚC “VỤN VẶT”
NHỮNG ĐOẢN KHÚC “VỤN VẶT” CỦA SOLZHENITSYN (1)
NHỮNG ĐOẢN KHÚC “VỤN VẶT” CỦA SOLZHENITSYN (2)
ALEKSANDR SOLZHENITSYN: “ĐÂY KHÔNG PHẢI NƯỚC NGA MÀ TÔI TỪNG MƠ ƯỚC!”
Bonus: Bốt lại một bài dịch cũ cách đây 8 năm. Năm ấy (2000), Giải thưởng Văn học mang tên Aleksandr Solzhenitsyn đã được trao cho Valentin Rasputin vào ngày 4-5-2000. Nhân dịp đó, trả lời câu hỏi của phóng viên Kênh truyền hình thương mại NTV (Moscow) - "Chúng ta phải làm gì với Chechnya? Càng ngày, số người thiệt mạng càng tăng và không ai thấy được kết cục của cuộc chiến này..." -, Solzhenitsyn đã có một phát biểu gay gắt, rất được một giai tầng (khá đáng kể) trong công luận Nga hưởng ứng.
Bài phát biểu phản ánh rõ rệt tinh thần quốc gia kiểu Solzhenitsyn: yêu nước nên chủ trương cần duy trì đế chế "Đại Nga" bằng mọi giá, kể cả với bàn tay sắt, phi dân chủ. Đọc cái này, dễ hiểu thái độ "hòa hợp hòa giải" những năm cuối đời của nhà văn với Putin, người cách đây vài chục năm, chắc chắn không cần nghĩ ngợi nếu phải dùng vũ lực với Solzhenitsyn trên tư cách một sĩ quan của cơ quan mật vụ chính trị trước một nhà đối lập.
Toàn văn bài này đã được đăng tải trên tờ "Novaya Gazeta" (Báo mới), số 18. Tựa đề bài phát biểu được đặt dựa trên câu hỏi "thường trực" của bao thế hệ trí thức Nga: "Shto delaty?" (Làm gì?)
LÀM GÌ?
Rằng phải làm gì với Chechnya ư? Chúng ta bận tâm rất nhiều đến Chechnya, chúng ta nói rất nhiều về mảnh đấy này, chúng ta được nghe nhiều về nó và điều này hoàn toàn hợp lý. Chỉ có điều trong lúc ấy, chúng ta đã đánh tráo những hệ tọa độ. Với một sự khinh suất tội lỗi, về cơ bản, chúng ta tưởng mọi sự ở ta đều diễn biến một cách bình thường. Nhưng hoàn toàn không phải vậy. Như một kết quả của thời đại Yelsin, tất cả mọi lĩnh vực quan trọng của đời sống nước ta, của nền kinh tế chúng ta, của đời sống văn hóa và tinh thần chúng ta đều bị phá hủy hoặc bị đánh cắp. Hầu như chúng ta sống giữa đống hoang tàn, nhưng giữa chừng, chúng ta làm như thể mọi thứ đều yên ổn, cuộc sống vẫn tiếp diễn như thường lệ. Trái lại, dân số nước Nga hàng năm giảm tới một triệu người. Không nhầm lẫn đâu, đúng là DÂN SỐ CỦA NƯỚC NGA. Dường như đang có một cuộc nội chiến. Chỉ số tử vong vượt quá rất nhiều sự tăng trưởng dân số.
Một cách tệ hại, chúng ta bỏ mặc những miền quê vô cùng quý báu ở phía Bắc, những vùng đất mà từ thuở Nga hoàng, chúng ta đã phải mất bao nhiêu công sức để chinh phục từ bàn tay thiên nhiên. Chúng ta bỏ mặc nó sau lưng chúng ta một cách khiếp đảm, như những kẻ đầu hàng: "Ai muốn thì cứ việc lấy, chúng tôi không cần đến nó nữa rồi, vùng đất phía Bắc ấy xa chúng tôi quá!" Rồi cả vùng Viễn Đông ngời sáng và giàu có của chúng ta. Chúng ta nhìn nó như thể một kẻ khất thực nào đó! "Thây kệ mày ở đó, ai muốn thì ôm ấp mày, chỉ cần làm sao chúng ông khỏi phải bận tâm đến mày!" Nhục nhã và đáng hổ thẹn thay, cái cách chúng ta đối xử với miền Viễn Đông. Chúng ta đã để mặc nó... Mà ai là người bỏ mặc nó ở đây? Chúng ta ư? Không, tổng thống Yeltsin đã bỏ mặc 25 triệu đồng bào chúng ta, những người hiện tại đang bị ngăn cách với chúng ta bởi biên giới các quốc gia thuộc Cộng đồng các quốc gia Độc lập, những người từng bị chúng ta phó mặc, không hề có một sự đảm bảo nào về mặt pháp lý, và chúng ta cũng không hề quan tâm đến những mối lo của họ, dù chỉ là đôi chút. Từ dạo ấy, họ vẫn chưa hoàn hồn: ngày nọ qua ngày kia, họ chợt thấy mình ở những đất nước xa lạ, họ trở thành ngoại kiều. Và trong thời gian đó, tổng thống của chúng ta làm bạn với những kẻ độc tài.
Và, nhà nước của chúng ta là thứ nhà nước gì? Trong các công sở quốc gia, ngự trị một sự hỗn loạn toàn diện. Trong nước, không tồn tại những bộ luật có giá trị ở mọi nơi và đối với mọi người. Mọi địa phương, mọi nước cộng hòa đều có những giao kèo riêng ngu xuẩn, tạo ra những "cửa ngỏ", đối với trung ương liên bang. Thử hỏi thế là sao? Những nước cộng hòa độc đoán, những vùng bướng bỉnh quyết định hiến pháp của chúng ta phải như thế nào, họ muốn duy trì mối quan hệ quốc tế với ai một cách tùy thích, họ tự vay nợ nước ngoài, nhưng rồi chúng ta sẽ phải trả thay họ. Nghĩa là, họ làm tất cả để đất nước tan rã, càng sớm càng tốt.
Cho đến tận thời gian gần đây nhất - ai ở xứ ta mà không biết điều này? - những tay tài phiệt vô hình trong giới tài chính đã giành giật quyền hành pháp trên những sợi dây vô hình. Và điều gì đã xảy ra từ dạo đó? Chúng ta đã nhận được bất cứ tín hiệu gì từ chính quyền mới, rằng họ sẽ cắt đứt những sợi giây đó, hay không? Cho đến nay, không!
Và tất cả những điều này được mặt tiền của cái gọi là "nền dân chủ đại nghị" che đậy. Duma Quốc gia đây này. Đã bao lần tôi từng nói: Duma Quốc gia, được lựa chọn trên cơ sở những nguyên tắc đảng dối trá từ đầu chí cuối, hoàn toàn không thể coi là diễn đàn của các đại biểu nhân dân. Các thành viên Duma không nói lên ý kiến của người dân. Nguyện vọng của những người lựa chọn ra họ không hề có tác động đến họ, không ai có thể đòi hỏi ở họ điều gì.
Thời trước, người ta đã lớn tiếng tuyên bố sự tư hữu hóa. Chúng ta hãy nhớ lại, điều gì đã xảy ra, đất đai và tổ quốc ta đã bị tiêu hủy như thế nào. Đơn giản, người ta đã đánh cắp phần quí giá nhất của di sản quốc gia. Những địa phận quí báu nhất đã bị chia xẻ với số tiền bằng 1-2% giá trị thực của chúng. Nhưng, chúng ta chưa hề được nghe một lời lẽ nào từ chính phủ mới, rằng lũ trộm cắp có định trả chút gì từ 98% còn lại hay không? Người ta có đòi lại những gì chúng đã đánh cắp, hay những thứ ấy bây giờ đã nằm trong các ngân hàng ngoại quốc, không làm sao cứu vãn được?
Toàn thể bộ máy nhà nước của chúng ta đã thối nát từ đầu đến cuối. Nạn hối lộ đồi bại đã phá hỏng tất cả. Chúng ta đã nghe biết bao lời ba hoa rỗng tuếch về điều này: biết bao sắc lệnh đã được tung ra để chống tham nhũng. Nhưng, chưa bao giờ, chưa ai có một hành động thực sự nào! Và thử hỏi: tại sao? Thì bởi lẽ, thưa quí vị, ai có thể làm được điều gì, kẻ ấy cũng bị cơ chế hành chính ngự trị đến tận cổ. "Dây mơ rễ má" là như thế, không thể có lối thoát ở đây.
*
Đã bao nhiêu lần, chúng ta từng nghe rằng có biết bao cải cách to lớn diễn ra ở xứ ta. Có điều, đây chỉ là những cải cách giả hiệu, vì chúng đẩy già nửa dân Nga vào cảnh bần cùng. Và chúng ta được nghe gì từ chính quyền hiện tại, chính quyền ấy rút ra kết luận gì khả quan từ những điều đã xảy ra? Trung tâm chiến lược của tổng thống mới thông báo cho chúng ta hay rằng chúng ta sẽ tiếp tục những cải cách. Nghĩa là, không ai nghĩ đến việc phê phán những cải cách, cự tuyệt những lơ là tội lỗi của chúng; theo một phương cách đáng công phẫn, người ta thỏa sức giễu cợt dân chúng. Tiếp tục những cải cách. Phải hiểu điều này như thế nào? Có lẽ, phải hiểu là tiếp tục sự cướp bóc đến cùng, sự phá hủy toàn diện nước Nga, chừng nào còn có thể!
Đất đai Nga là cái cuối cùng còn lại với chúng ta, cái tận cùng. Giờ đây, những tay đại tư sản đang giơ cánh tay tham lam để chiếm đoạt nó. Họ muốn giữ nhiều tỉ Mỹ kim mà họ đã cướp bóc được. Giải pháp hiển nhiên nhất là đầu tư vào kinh doanh đất đai. Đó là cách chắc chắn nhất. Để làm được điều này, một chiến dịch cổ động cho sự mua bán tự do đất đai đã được mở ra. Thưa quí vị, tất nhiên là ruộng đất phải thuộc về người cày bừa. Phải thuộc về họ, chứ không phải về những tay tài phiệt. Có điều, ngày nay, đâu là người nông dân có thể dành dụm đủ tiền để mua một mảnh đất nhỏ? Hoàn toàn rõ ràng là cái đạo luật đầy nguy hiểm này được tạo ra cho những kẻ đại tư sản. Và cuối cùng, chúng sẽ chia nước Nga thành điền trang lớn, người dân không thể đặt chân vào bất cứ đâu vì mọi đất đai sẽ thuộc sở hữu tư nhân. Và sẽ không còn gì, vĩnh viễn không còn gì, từ nước Nga.
Phải cứu vãn nước Nga. Chúng ta chỉ còn những tháng và những tuần, chứ không phải những năm, để làm điều này. Vậy mà, chính quyền mới, đã tồn tại không phải chỉ 40 ngày, cũng không phải 120 ngày, thậm chí, nếu tính cả 3 tháng cuối năm ngoái, nó đã có mặt từ hơn nửa năm nay. Tuy thế, cho đến ngày nay, ở trong nước, chúng ta vẫn chưa thấy những đề xướng đáng phấn khởi - nhằm hàn gắn các vết thương - từ nó. Đây là điều đáng lo ngại. Trước mắt, chúng ta chưa thấy cái đà tiến trong chính quyền mới. Cho đến giờ, ngoại trừ việc đó, tôi không trách móc nó điều gì. Tôi cảm thấy nó chưa có hành động gì mang tính phá hoại. Mặc dầu, những lời hứa hẹn cũng có thể mang tính phá hoại, chẳng hạn những câu kiểu "thực hiện đến cùng cải cách". Thôi đi, chớ nhắc tới việc "thực hiện những cải cách" cũ ấy! Tuy nhiên, trong những ngày tháng vừa qua, lẽ ra chính phủ mới đã có thể thực hiện các biện pháp hướng nội để hàn gắn những vết thương. Chúng ta không thấy những biện pháp này và đây là điều khiến chúng ta lo sợ. Không thể tiên liệu được đường hướng lịch sử. Có quá nhiều và quá nhiều loại người. Không thể kết án một ai đó trên cơ sở lời nói và ngoại hình anh ta, mà phải dựa vào những hành động trong thực tế của anh ta. Lời kết của bản án ấy, cho dù có thể sẽ tồi tệ, vẫn còn nằm trước chúng ta.
HL dịch