Xong một đống việc nên tự cho phép liếc lốc mươi phút.
Thoáng một cái, thì thấy nhiều nơi đưa tin „nhà báo AP bị đánh rách da đầu vì chụp hình ở nhà Khâm sứ”. BBC còn loan tin ông Lê Dũng đã kịp „cực lực phản đối” những nguồn tin của „đài địch”: theo ông Dũng thì nhà báo Ben Stocking của AP chỉ bị „nhắc nhở” khi ông này „vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam, cố tình chụp ảnh tại khu vực đã có biển cấm”. Thậm chí, ông Ben Stocking còn „ngoan cố”, „cố tình không tuân thủ” sau khi đã được/bị nhắc. Không rõ là ngoan cố như thế thì „ta” xử lý ra sao, chỉ biết, theo ông Dũng, „hoàn toàn không có việc lực lượng an ninh Việt Nam hành hung ông Ben Stocking”.
Chửa cần biết ra ngô ra khoai thế nào, nhưng sau vụ này thì vẫn có thể rung đùi mà „phán” một câu cũ rích và nhạt nhẽo: „cái nghề ký giả quả là nguy hiểm”. Mà, trái với việc „nhà báo An Nam khổ như chó... An Nam” mà bạn Trang the Ridiculous hay than thở, thì sự nguy hiểm ở đây, lần này còn lan sang cả nhà báo Tây (may mà nhà bạn myselfvn đã kịp „đào tẩu” đi du lịch, rồi còn „lên đến đỉnh” điếc gì đó ;))
*
Gì thì gì, cứ dính đến tôn giáo đã là „nhạy cảm”, đụng đến Công giáo (vụ Thái Hà, Nhà chung...) càng „nhạy cảm”, mà lại vào đúng thời điểm „nhạy cảm” là chính quyền „ta” đang giải tỏa đất đai (rất gấp gáp và bất ngờ, để thi công :)), thì việc quay phim chụp ảnh tại hiện trường rõ là „nhạy cảm” rồi. Mà đã „nhạy cảm”, ký giả lại còn „ngoan cố”, có thể bị „xử lý”, ấy là cái nhẽ tất nhiên! ;)
Câu hỏi dễ đặt ra là trong những trường hợp ấy, „Tây” nó có thế không?
Ở các xứ dân chủ và tân tiến như Bắc Mẽo, Phú Lãng Sa, Anh Cát Lợi... thì chờ các bác trí giả như bạn Linh và các bạn thạo tin cho ý kiến. Còn bên Hung Gia Lợi này, ký giả thi thoảng mới bị hành hung thôi, mà thường là chưa đụng đến họ mấy, mới nói sẵng nhời thôi, là họ đã to miệng hơn rồi. Tuy nhiên, cũng có một vụ rất ầm ĩ đương thời, chi tiết ở đây, và đoạn vĩ thanh (không có hậu) ở đây, ta có thể tham khảo.
Vì mọi thứ còn mới nên bố cún chửa kịp ngó qua các bộ luật liếc có liên quan, nhưng cứ theo cái lý cùn, thì tạm nghĩ thế này:
- Chụp một người bất kỳ ngoài đường, hoặc một cảnh sát đang đi chơi, bát phố, thì cần tôn trọng các quyền nhân thân của họ, và phải hỏi họ trước khi hành sự,
- Nhưng chụp cảnh sát (hay các nhân viên cơ quan công quyền) đang thực thi nhiệm vụ thì là quyền tự do của bất cứ ai, dân hay ký giả đều được phép.
- Ngoại lệ duy nhất là khi cảnh sát thực thi nhiệm vụ tại khu vực không cho phép dân và ký giả vãng lai, thì phải chăng dây, dựng biển và thông báo trước thật rõ ràng cho thiên hạ tỏ tường (theo đúng quy định của luật định).
- Ngoài ra, những lý do mà cơ quan công quyền hay viện dẫn để cấm ký giả làm việc, như: như „tránh ra, tôi đang xử lý vụ việc nhạy cảm...”, „anh cứ lởn vởn, quấy quả, làm tôi... mất tập trung...”, „đã bảo [miệng] cấm chụp, mà cứ chụp...” đều không có ý nghĩa gì cả.
(*) Vụ tay ký giả Hung bị tẩn ở trên, có một chi tiết hay. Sau khi bị thụi rồi, ông trưởng nhóm cảnh sát mới ra, bảo, „sao anh cứ quay cảnh bọn tôi trấn áp hu-li-gan, thế lúc chúng nó oánh bọn tôi thì sao?” (Như vậy, lộ ra cái lý do phải hành hung tay phóng viên ảnh, là cảnh sát sợ hắn chỉ nhăm nhe chụp các „pha” cảnh sát ra đòn, rồi đưa lên báo kêu ca „mất nhân quyền”, „bạo hành cảnh sát” :). Thì tay phóng viên giơ ngay máy, cho xem tấm ảnh trước đó, có chụp chiếc xe cảnh sát bị đập vỡ cửa kính (minh họa ở đầu entry này). Ông cảnh sát im bặt luôn... :)