"Tin tức Online" có bài "Khi các nhà văn làm... chú Cuội", phỏng vấn nhanh với các nhà văn nhân ngày nói dối 1-4 - đoạn Trang Hạ kể khá buồn cười.
"Có một lần tôi đi làm phóng sự về tình trạng ma túy học đường ở một quán bar trên phố Minh Khai. Khi ấy, để thâm nhập được vào đây, tôi đã phải đóng vai một cô bồ của cậu bé 17 tuổi. Nó 17 tuổi nhưng đã là đại ca và là chủ một sân trượt patin. Bài phóng sự thành công hơn cả mong đợi của tôi.
Nhưng mấy hôm sau, thằng đại ca đến bảo, bọn bạn nó trêu chọc dữ lắm. Chúng nó nói, gặp rất nhiều bồ của đại ca, nhưng chưa có cô bồ nào già và xấu như cô bồ này. Tôi không cho rằng đó là nói dối, nhưng đó là một lần tôi buộc không được là mình để làm những việc của mình tốt đẹp hơn"
Kèm bài là cái ảnh làm nên "thương hiệu" của Trang Hạ (hay thấy trên blog): nằm vắt vẻo trên xe máy, gợi cảm phết, dĩ nhiên là không già và cũng không... lấy gì làm xấu cả. Ảnh đó, đúng phong cách của Trang Hạ, "mạnh bạo, chân dài và tự tin", "thà bị cái xe thể thao 150kg đè còn hơn bị một người đàn ông 150kg đè" như chính lời Trang Hạ trong một bận trả lời phỏng vấn (hy vọng là người ghi chép... chép đúng lời Trang Hạ ;)). Ấy là kiểu phụ nữ mà đàn ông phải đâm sầm vào (chứ không phải chờ đợi gì cả ;)).
Thành ra nếu Trang Hạ đóng vai bồ của một đại ca, thì cũng hợp lý, không có gì... không đáng tin cả :) Vấn đề "già và xấu", nói chung là không hề đặt ra ở đây :)
*
Chuyện khác.
Trang Hạ xông xáo, tung hoành, lắm khi ngổ ngáo và hình như không biết sợ ai (văng cả với công an thì nhất rồi! :)) trên báo chí và blog là thế, ấy vậy mà đọc văn viết và dịch, hình như lúc nào cũng thấm đẫm một cái gì đó u uẩn, buồn muốn rơi nước mắt, là sao nhỉ?
Đọc cuốn truyện dịch "Mẹ điên" (NXB Phụ nữ, 2008) được Trang Hạ gửi tặng, cũng vậy. Đều là những mẩu, những truyện đã có trên blog, nhưng khi đọc trong sách, thấy những câu chữ khác đi, và nhiều khi, đau hơn.
Như bài "Viết trên tường nhà dưỡng lão" (ở Đài Loan) của một tác giả ký bút danh Thủy Khởi, Trang Hạ "dịch thô" văn xuôi, đọc vẫn tê tái:
Con ơi! Khi con còn thơ dại,
Mẹ đã mất rất nhiều thời gian,
Mẹ dạy con cầm thìa, dùng đũa ăn cơm;
Mẹ dạy con buộc dây giày, chải tóc, lau nước mũi;
Những kỷ niệm về những năm tháng mẹ con mình sống bên nhau
Làm mẹ nhớ thương da diết,
Vì thế, khi mẹ chóng quên, mẹ chậm lời
Con hãy cho mẹ chút thời gian, xin con chờ mẹ chút,
Cho mẹ suy nghĩ thêm...
Cho dù cuối cùng ngay cả định nói gì,
Mẹ cũng quên...
Con ơi! Con quên là mẹ con ta đã tập luyện hàng trăm lần,
Con mới thuộc khúc đồng dao đầu đời?
Con nhớ không mỗi ngày mẹ đáp
Những câu ngây ngô, hàng trăm câu con hỏi từ đâu?
Nên nếu mẹ lỡ kể lể nhiều lần những câu chuyện móm răng
Ngâm nga những khúc ru con thời con bé
Xin con tha thứ cho mẹ
Xin con cho mẹ chìm trong những hồi ức ấy nhé!
Xin con đáp lời mẹ kể những chuyện vụn vặt trong nhà!
Con ơi! Giờ mẹ thường quên cài nút áo, xỏ dây giày,
Ăn cơm vãi đầy vạt áo,
Chải đầu tay bần bật run,
Đừng giục giã mẹ,
Xin con nhẫn nại chút và dịu dàng thêm,
Mẹ chỉ cần có con ở bên
Mẹ đủ ấm.
Con ơi! Bây giờ mẹ đi chân không vững, nhấc không nổi bước
Mẹ xin con nắm tay mẹ,
Dìu mẹ, chậm thôi
Như năm đó,
Mẹ dìu con đi những bước đầu đời.
Cám ơn Trang Hạ cho sách, và cám ơn những bài như bài này nhé...
(*) Mr. Nguyễn Hữu Nhật (phu quân bà Nguyễn Thị Vinh, thành viên cuối cùng còn sống của Tự Lực Văn Đoàn) dịch thành thơ, cũng xuôi tai, nhưng chắc không bằng cứ để thể thơ tự do như Trang Hạ đã chuyển...
Thơ Viết Lên Tường
Dạy con còn bé, con ơi,
chải đầu, cầm đũa, mất thời gian lâu,
Dây giầy buộc, nước mũi lau,
kỷ niệm mình sống bên nhau nhớ đời
Bây giờ thương lắm, con ơi!,
hay quên, mẹ lại chậm lời nói năng
Con chờ mẹ chút… họa chăng…
cả điều định kể cầm bằng…, con ơi!
Ca dao học thuộc đầu đời
trăm lần con nhắc từng lời mẹ trao.
(Mẹ thường cắt nghĩa “tại sao?”,
ngây ngô con hỏi biết bao nhiêu lời…)
Xin tha cho mẹ, con ơi!,
kể đi kể lại chuyện người móm răng:
Chìm trong hồi ức xa xăm,
bài hát ru với bao năm … việc nhà
Dây giầy giờ mẹ xổ ra,
cơm rơi vạt áo, lỏng tra khuy cài,
Con càng giục, mẹ càng sai,
chải đầu tay yếu run hoài, con ơi!
Phải chi con sống chẳng rời
ấm lòng mẹ lại tình người bên nhau
Dịu dàng thêm mãi về sau
chút tình nhẫn nại, mẹ cầu xin con…
(Mẹ giờ chẳng vững bằng con,
nhấc chân không nổi, bước run cuối đời.)
Nắm tay dìu mẹ, chậm thôi,
như con xưa, thuở đầu đời tập đi…