Bố cún đã có lần kể, nhỉ, là vào dạo trung tuần tháng Năm, chủ tịch Quốc hội Hungary - bà Szili Katalin - bị một phen khó xử, khi các dân biểu đảng đối lập đưa ra một dự thảo nghị quyết lên án Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng. Dự thảo này yêu cầu Trung Quốc hãy tôn trọng những quyền con người được quốc tế công nhận, chấm dứt tình trạng bạo lực, đồng thời kêu gọi chính phủ Hungary ủng hộ các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Đức Đạt lai Lạt ma về nền tự trị của Tây Tạng.
Sở dĩ bà Szili khó xử, vì khi ấy bà đang chuẩn bị công du Trung Quốc để bế mạc Năm Hungary tại Trung Quốc, được coi là một sự kiện văn hóa, chính trị lớn chưa từng có trong lịch sử Cộng hòa Hungary. Như thế, nếu dự thảo được thông qua, một nghị quyết lên án Trung Nam Hải của Quốc hội Hungary sẽ khiến bà "muối mặt" lắm. Cho nên chính phủ Hung và đảng cầm quyền MSZP (Đảng Xã hội) phải dùng mọi cách để thuyết phục, thậm chí nài nỉ phe đối lập, rằng vẫn biết "Tàu nó làm bậy đấy", cơ mà đừng "cà khịa" với nó vào lúc này, không "hợp thời", "tổn hại bang giao"! Cực chẳng đã, đích thân bà Szili phải tuyên bố rằng, nếu Quốc hội Hungary thông qua nghị quyết, thì bà sẽ không sang Trung Quốc nữa, "khó ăn khó nói" lắm!
Tuy nhiên, nhiệm vụ của phe đối lập đâu phải là... chiều chính phủ?! Họ cũng không cần biết khi nào là "hợp thời" đối với chính phủ, cứ thấy "đúng" (?) là họ làm. Mạng tin [index] (lớn nhất nhì Hungary, đại loại như VNN của ta) còn đổ thêm dầu vào lửa khi loan tin: trong cuộc họp của Ủy ban Quốc hội, bà Szili Katalin đã phải đề nghị tắt máy ghi âm (thu biên bản phiên họp) và điện thoại di động của các dân biểu, rồi òa khóc khi yêu cầu các nghị sĩ Hung chớ thông qua một dự thảo nghị quyết như thế.
Ngay sau đó, nguồn tin này của [index] đã bị Văn phòng Báo chí Quốc hội Hungary bác bỏ, theo đó, bà Szili "không khóc" và đề nghị của bà với các thành viên Ủy ban Quốc hội được đưa ra một cách "vô tình cảm". Bản tin kể trên của [index], về sau, bị Văn phòng Báo chí Quốc hội coi là "sự đồn thổi vô cơ sở, gây bất bình, dối trá và không thể chấp nhận được"; tuy nhiên, như [index] bình luận, bản chất của sự việc - chủ tịch Quốc hội Hung phải tắt máy thu, viện cớ sắp công du Trung Quốc để đề nghị Ủy ban Quốc hội chớ thông qua nghị quyết - thì không bị ai bác bỏ.
Một chuyện tày đình, ảnh hưởng trầm trọng đến uy tín lãnh đạo như thế, ở một số nơi trên thế giới, hẳn phải để lại những hậu quả thảm khốc với báo giới, hoặc người ký giả viết bài. Tuy nhiên, để ý thì vẫn thấy [index] để nguyên bản tin mang màu sắc "kích động" trên, và sau đó, đăng thêm tin về thông cáo (bác bỏ) của Văn phòng Báo chí Quốc hội Hungary, như một cách "rộng đường dư luận". Cho đến hôm qua (19-6), tròn một tháng trôi qua, mới thấy [index] đăng thêm một mẩu như sau:
Đính chính
[index] đã đưa tin thất thiệt <link> rằng, TS Szili Katalin, chủ tịch Quốc hội Hungary, đã òa khóc đề nghị các thành viên Ủy ban Quốc hội, đừng ủng hộ nghị quyết lên án Trung Quốc của nhóm dân biểu đối lập, vì như thế, chuyến thăm Trung Quốc của bà sẽ rơi vào cảnh bất khả. Trong phiên họp bàn bạc, bà đã đề nghị các dân biểu tắt điện thoại.
Thực ra, sự thật trong sự kiện này là, tại phiên họp của Ủy ban Quốc hội, TS Szili Katalin đã không hề thể hiện chút tình cảm nào khi đề nghị các dân biểu hãy suy xét khi đưa bản dự thảo nghị quyết vào chương trình nghị sự ngày 19-5-2008. Trong phiên họp bàn bạc, bà đã không đề nghị các dân biểu phải tắt điện thoại cầm tay.
Mẩu đính chính ngắn gọn, rõ ràng (dù giọng điệu hơi... đểu ;)), đăng ở vị trí bình thường như bất cứ bản tin trong nước nào khác của mạng [index]. Trong số những độc giả đọc bản tin dài hàm chứa điểm "thất thiệt" trước kia của [index], có thể rất nhiều người không bao giờ đọc, và do đó, không thể biết đến đính chính này của mạng tin.
Nhưng, như thế là đủ, theo bố cún!
Chính quyền và các chính khách, là đày tớ, nô bộc của nhân dân; chưa nói tới Quốc hội là cơ quan đại diện cho ý nguyện của dân, dân... biểu sao phải làm vậy (dân biểu). Cho nên phải chịu búa rìu của dân, cho dù thỉnh thoảng búa rìu ấy có quá đà, cũng phải ráng thôi. Ấy là sự thường ở bên này! Có lẽ cũng là một phần của "văn hóa chính trị", "văn hóa chính khách" của "Tây".
Trong quá trình giám sát, phản biện, báo chí có quyền... đưa tin sai, và sai thì cải chính ở mức độ phù hợp. Nhất là trong trường hợp này, [index] có sai, cũng chỉ là sai về chi tiết (tiểu tiết). Tinh thần bản in mà tờ báo đưa ra không hề sai! Những lúc ấy, cái "văn hóa chính khách" sẽ giúp các nhà chính trị có được thái độ ứng xử phù hợp. Không lu loa, không tìm cách "cả vú...", viện dẫn luật này nọ để "rọ miệng" truyền thông, ấy là thái độ thông minh và chừng mực của những người cầm quyền... "do dân", "vì dân" và chịu sự kiểm soát của dân.
Hôm 18-6 rồi, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp và hội đàm với bà Szili Katalin; theo lời ông, đôi bên đã trao đổi rất thẳng thắn, chân tình và xây dựng. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng "khen" bà Szli Katalin đã "nói rất hay" về quan hệ giữa hai nước, và rằng ông "cũng không thể nói hay được như thế" :). Nhưng, theo bố cún, sẽ còn hay hơn nữa, nếu bà Szili chia sẻ với ông kinh nghiệm cá nhân về cách ứng xử với bọn báo chí cứng đầu, sao cho chừng mực và hiệu quả.
Trước thềm Ngày Báo chí (cách mạng) Việt Nam, cũng là điều hay lắm thay!
(*) Ảnh: bà Szili Katalin (từng công du Việt Nam năm 2004) và người đồng nhiệm, chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (Budapest, 18-6-2008)