9/5/09

Mother's day



1. Ngày mai là Ngày các Bà Mẹ ở nhiều nước (Việt Nam mình cũng "xài" ngày này), nhưng ở Hungary thì đã tổ chức từ ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Năm.

Nói đến ngày này và đến Mẹ, ai cũng nhớ nhiều áng văn thơ nhạc họa quen thuộc.

Ở tầm loàng xoàng, có bài hát "Chỉ có một trên đời" của Trương Quang Lục (nghe đâu phần lời là "đạo" của Liên Xô?):

Trên trời cao có muôn ngàn ánh sao
Trên đồng xa có muôn ngàn cây lúa
Con chim rừng có muôn ngàn tiếng ca
Cây trong vườn có muôn ngàn lá hoa
Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi
Và mẹ em chỉ có một trên đời

Thanh cao hơn (và bị nhắc đi nhắc lại đến độ... nhàm chán), thì có "Bông hồng cài áo" của Thích Nhất Hạnh (ca khúc do Phạm Thế Mỹ phổ nhạc thì cá nhân bố cún không thích lắm, vì có cái gì cải lương, hát lên nghe chừng... giả tạo).

Hay, trường ca lớn "Mẹ Việt Nam" của Phạm Duy, mà Doãn Quốc Sỹ đã có bài bình luận "Nghĩa Mẹ tình Mẹ qua những tác phẩm văn nghệ Việt Nam" đọc thấy nao lòng: "Mẹ hiền như ánh đuốc soi sáng lương tâm những lúc đi lạc trong biển sương mù", và Đặng Tiến thì có bài "Mẹ Việt Nam trong nhạc Phạm Duy" tinh tế và nhạy cảm: "Nghe lại "Mẹ Việt Nam", trở lại Mẹ hiền, là về lại Yêu Thương, về lại Cội Nguồn, về với Bản Thân".

Nhưng từ tuần trước, bố cún lại có thêm một "áng" bất hủ khác, trong "tàng thư" đồ sộ: ấy là bài luận tặng mẹ của Thu Vân :)

2. Thu Vân có mấy món quà (ảnh) tặng mẹ từ tuần trước, trong đó có bài luận trên, đặt trong 1 tấm thiệp. Tất cả đều do Thu Vân tự tay làm, trong khuôn khổ giờ thủ công ở trường do cô hướng dẫn, để bọn nhóc về tặng Mẹ.

Đi học về, mẹ và em đang ngủ, Thu Vân rón rén nói thầm với bố, rằng đã chuẩn bị quà cho mẹ, nhắc bố đừng nói gì cả, "cho bất ngờ".

Rồi một lúc sau, do một sơ sẩy gì đó, Thu Vân bị mẹ gọi vào, mắng cho một trận. :)

Không rõ Thu Vân đưa mẹ xem món quà lúc nào, chỉ biết khi bố đi có việc về thì mẹ chuyển cho bố tấm thiệp để dịch cho mẹ. Hình như Thu Vân dọa mẹ rằng bài luận có nội dung "nói xấu" mẹ lắm, nên mẹ có vẻ hồi hộp tợn.

Dịch sơ sơ (và sát ý, giữ nguyên các hành văn Tây, ngồ ngộ của Thu Vân) ra tiếng Việt, nội dung bài luận ấy như vầy:

"Gửi mẹ yêu của con.

Nhân Ngày các Bà Mẹ, con muốn tặng mẹ một bài luận nhỏ này.

Điều căn bản chỉ được nhắc tới sau đây: giờ con mới kể, con có cảm xúc ra sao về mẹ. Các mẹ đều thích được khen con cái, đúng không mẹ? Nếu con hư, mẹ nghiêm khắc mắng con, nhưng mẹ làm điều đó cũng là vì lợi ích của con. Trong cặp mắt nâu của mẹ ánh lên dấu hiệu của tình yêu thương. Mẹ mệt mỏi vì em, vậy mà... con lại hay khiến mẹ bực. Và nếu đôi lúc mẹ có giận con đi nữa, con cũng hiểu được điều đó. Mẹ khó nhọc cùng bố, vất vả với gia đình. Con thích mẹ mỉm cười, khi khi ấy con biết rằng mẹ yêu con, mẹ ở bên cạnh con. Con cũng luôn cảm nhận được điều đó, kể từ khi con ra đời.

Mẹ, con yêu mẹ!

Con bé nhỏ và yêu thương của mẹ"

3. Các bậc phụ huynh thường kể lể về sự bao dung của mình cho con cái, nhưng đã bao giờ họ nghĩ, lắm khi, con cái cũng rất bao dung với họ?

Trong nhà, mẹ cún nghiêm khắc nên có "uy" hơn với hai đứa. Bố thì xuề xòa, ít nói, và có nói chúng nó cũng không nghe. Phần "dạy" con (hiểu theo nghĩa giảng giải, đôi lúc "lên lớp"), bố hay nhường cho mẹ. Cho nên mẹ thường nói rằng, bố "khôn" vì đẩy phần khó cho mẹ, rằng bố có "mắng" bọn nhỏ bao giờ đâu, hèn gì chúng nó quấn bố hơn, và có thể, quý bố hơn mẹ...

Nhưng con trẻ, do trong trắng nên không hề có định kiến, và do thông minh nên không bao giờ hiểu sai những thiện ý mà cha mẹ dành cho chúng. Và cho dù, sinh ra và trưởng thành bên này, hưởng nền giáo dục của Tây thiên về tôn trọng những giá trị cá nhân, quen với suy nghĩ dân chủ và độc lập, sính tự do và không ưa bị can thiệp quá sâu, quá... trắng trợn vào những chuyện mà chúng coi là riêng tư, nhưng chúng luôn phân biệt được đâu là tình thương, đâu là sự lo lắng của cha mẹ. Kể cả, đôi khi, nỗi âu lo cho con cái thường được thể hiện dưới những hình thức cực đoan kiểu Á Đông, hơi tí lại chủ trương "yêu cho roi cho vọt", "cá không ăn muối", "chúng mày chớ có trứng khôn hơn vịt"...

Mới thấy, lũ trẻ bây giờ hơn chúng ta xưa nhiều lắm! Và, cũng cần lắm từ các ông bố bà mẹ, sự ý thức rằng con cái không chỉ là… con cái, mà còn là những người bạn của chúng ta… Như thế, mới mong “’dạy dỗ” được chúng hiệu quả!

Bố mẹ cám ơn Thu Vân, thương con lắm!

5 nhận xét:

PVNH nói...

Ôi, đọc bài luận của TV em cảm động quá, thấy cay cay ở mũi, nhòe nhòe ở mắt :">
Thu Vân tình cảm và ngoan quá :x
Mà anh ơi, ở VN ko có cái ngày này đâu, Mẹ em bảo là chả thấy ai nhắc đến cả, chỉ có ngày 8/3 với cả 20/10 thôi... (nhưng em vẫn dặn anh T nhà em phải quan tâm hơn nữa tới 2 Mẹ vào ngày này :D )

Hoang Linh nói...

@ Hà: Có mà, thấy quảng cáo ầm ầm. Việt Nam bây giờ có gì mà ko có đâu?
@ Thảo: Đã bảo dịch sát để bám chắc văn phong ngô nghê, Tây Tây mà. Mượt làm gì? ;)

Thảo nói...

Có chớ PVNH à, quảng cáo Vinamilk có nhắc tới ngày của mẹ nè. Mà hôm nay đúng là ngày của mẹ, rơi đúng CN thứ hai của tháng Năm mà. Nhưng bác Linh fải dịch bài luận của Thu Vân mượt hơn nữa đi. :D

2Ti nói...

Thu Vân rất hay, em rất thích cá tính của con bé. Đảm bảo sau này, bố mẹ sẽ được phổng mũi dài dài, à quên, to to đấy :D

PVNH nói...

Thế ạ? (Mẹ em đang ở VN mà)
Thế chắc là nó ko rùm beng bằng 2 ngày kia...
Trong khi em thấy ngày này là ngày quan trọng nhất hơn cả...

Đăng nhận xét