29/4/09

Lại vụ bauxite: Phản biện xã hội



Cám ơn cả nhà đã khích lệ... cứ viết tiếp :) Và, như đã hứa với Hana, nhân vụ bauxite, post bài này cho "rộng đường dư luận".

Số là, gần tuần nay, và nhất là sau khi Bộ Chính trị đưa ra "kết luận về quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025" (ngày 24-4), bắt đầu rộ lên một số ý kiến "phản công", "đá móc", như trong bài "Chung quanh vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên" ("cần cảnh giác và có thái độ rõ ràng, kiên quyết với những mưu toan chính trị hóa vấn đề của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, muốn chia rẽ nội bộ chúng ta; xuyên tạc sự thật, lợi dụng những tình cảm thiêng liêng trong trái tim, khối óc mỗi người để kích động hòng thực hiện những mưu đồ xấu xa của họ" - blogger Osin đã có ngay "Bauxite & Báo Nhân Dân" về bài này), hoặc "đỉnh cao" là vụ "phản pháo" của Bộ Công thương đối với những người tham gia ký Kiến nghị bauxite (mà blogger Bút Lông có report đầy đủ ở đâyở đây).

Phản ứng này của chính quyền cũng không thật khó hiểu, cho dù có phần "bất nhất", vì trước đó chính quyền đã viện dẫn rằng vì "nghe lời dân", để "ý Đảng" cũng là "lòng dân","tạo sự đồng thuận trong xã hội", nên chính quyền mới có những điều chỉnh cần thiết trong vụ bauxite, như đã.

Vấn đề là, một khi chính quyền "chuyển hướng" rất tế nhị như vậy, báo chí khó lòng không theo! Chẳng hạn. "Tuần Việt Nam", chuyên san có những loạt bài giá trị (và nhiều khi, dũng cảm) về các vấn đề được công luận quan tâm, đưa "ý kiến độc giả" "Phản biện hay "tát nước theo mưa"?", phán: "Tuy nhiên, lợi dụng những phản biện đúng đắn trong xã hội của một nhà nước có luật pháp để chia rẽ, gieo rắc nghi ngờ giữa người dân với chính quyền, đi xa hơn nữa là để kích động sự chống đối chính quyền, là những việc làm không liên quan gì đến các vấn đề được phản biện. Việc làm với dã tâm như vậy không thể coi là phản biện. [...] Có thể nói, sự kích động quá lộ liễu như thế tự nó bóc trần mục đích và động cơ cá nhân của những người "tát nước theo mưa".

Đọc bài ấy, bố cún hơi... nóng gáy, nên trên tinh thần "đa chiều", "xây dựng", mới viết mấy dòng sau đây gửi "Tuần Việt Nam", mà chỉ nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Tòa soạn: "Để rộng đường dư luận, chúng tôi... [] mong nhận được những ý kiến trao đổi thẳng thắn từ độc giả". Gọi là "góp ý", nhưng bài cũng viết cẩn thận, có trích dẫn đàng hoàng, rất mang tính "xây dựng". :)

Bài viết tất nhiên không nhằm đăng tải (vì biết là khó), đơn thuần là sự chia sẻ một quan điềm, nhưng sau đấy mấy hôm lại thấy "Tuần Việt Nam" đăng thêm bài "Phản biện xã hội phải luôn mang tính trách nhiệm cao", có đoạn: "Chúng ta không thể đồng tình và cần cảnh giác với lối phản biện có tính chất chia rẽ xã hội, thù địch và hằn học của những kẻ tiểu khí nhằm thỏa mãn những toan tính vụ lợi cá nhân, vì xét cho đến cùng đó chỉ là lối phản biện “té nước theo mưa“ rất vô trách nhiệm và không có hiệu quả".

Thì hiểu được là, hẳn cũng phải sự định hướng và chỉ đạo tỉ mỉ, khi nào báo chí cần viết với "văn phong" và "màu sắc" thế nào trong vụ bauxite này :((

(*) Minh họa: Chủ tịch Hồ Chí Minh, người không xa lạ với "phản biện xã hội", chẳng hạn trong việc tham gia "Bản án chế độ thực dân Pháp".

*
KHÔNG SỢ "TẤT NƯỚC THEO MƯA", CẦN TĂNG CƯỜNG PHẢN BIỆN XÃ HỘI

Ở các quốc gia dân chủ, sự phản biện xã hội của công luận và giới truyền thông là điều hết sức bình thường, nếu không muốn nói là một truyền thống đã được thực thi khá hiệu quả từ nhiều thế kỷ nay.

Cho nên, ở những xứ đó, chính quyền và lãnh đạo, trước khi đi vào quyết định hoặc thực thi một chính sách có thể ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích và quyền lợi của nhân dân, thường phải đắn đo rất kỹ. Những biện pháp như thăm dò, điều tra dư luận một cách rộng rãi - hoặc ở mức cao nhất là trưng cầu dân ý - cũng thường được thực hiện.

Do vậy, các nước ấy giảm thiểu được tình trạng cứ giấu dân làm bừa, đến khi dân kêu quá, "cực chẳng đã", mới "sửa chữa".

Còn như ở ta, cho dù đã "sửa sai" đi nữa, qua những vụ như xây dựng TTTM tại chợ 19-12, xây khách sạn trong công viên Thống Nhất, xây dựng chợ tại sân chơi "Con voi"…, niềm tin của người dân đã bị sói mòn nhiều lắm vì cách ứng xử rất chủ quan, cửa quyền và thiếu sót của chính quyền. Ấy là chưa nói đến những thiệt hại vật chất (do phải bồi thường), mà suy cho cùng cũng vẫn trích từ tiền thuế của người dân mà ra.

Vẫn biết, tại Việt Nam, phản biện xã hội là điều mới, chưa ăn sâu vào suy nghĩ của người dân. "Nói thẳng nói thật", về căn bản, mới manh nha từ sau thời kỳ Đổi mới cách đây hơn 20 năm và cho đến nay, những công dân tâm huyết, nhiệt thành với sự phát triển xã hội, mỗi khi muốn góp ý với chính quyền vẫn luôn phải "nhìn trước ngó sau" để tránh bị quy chụp là "phản động", "động cơ đen tối", v.v... Nhưng thử hỏi, nếu không cổ vũ và khích lệ quyền được nói, được góp ý kiến, được biết và xử lý thông tin của người dân, dẫn đến quyền được kiểm sát theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", làm sao phát huy dân chủ cho sự tiến bộ của đất nước?

Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh hiện tại, không nên đặt câu hỏi "phản biện hay "tát nước theo mưa" như một bạn đọc TVN đã nêu ra, mà nên tạo điều kiện hơn nữa, khuyến khích hơn nữa những ý kiến phản biện từ mọi giai tầng trong xã hội. Bởi một lẽ đơn giản: những ý kiến phản biện hiện tại vẫn còn ít lắm, so với mật độ dày đặc của những bất cập, những vụ việc khiến người dân phải bức xúc.

Không chỉ những trí thức khoa bảng, mà bất cứ người dân nào - từ ý thức trách nhiệm công dân của mình - cũng nên và cần mạnh dạn nêu ý kiến phản biện, nâng cao chất lượng phản biện, để hoàn thiện hóa chính quyền "do dân, vì dân" như chúng ta mong đợi.

Chớ sợ "địch" "xuyên tạc", "bôi nhọ" "ta", hãy sợ khi chúng ta không ai dám nói ra điều trung thực. Hơn 60 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong “Sửa đổi lối làm việc”, “Thuốc đắng giã tật”, v.v… (với bút danh X.Y.Z.), đã nghiêm khắc khuyên giới cán bộ - những người theo lời cụ, là “đày tớ của nhân dân” - bao giờ cũng nên nói thật, nói thẳng, nói hết. Chỉ như thế mới mong khắc phục được những yếu kém, và khiến “kẻ địch” không thể “phá hoại” được “ta”.

Có những cán bộ tưởng rằng: nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại vì:

- Kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền;

- Giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền;

- Làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy;

- Chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi.

Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình.

Nếu không muốn để kẻ địch phản tuyên truyền thì không gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm.

Một khi đã phạm đến khuyết điểm, thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết. Phải nhớ câu tục ngữ “sừng có vạch, vách có tai”.

Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì chẳng những uy tín không giảm mà lại thêm cao.

Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ.

Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự, phê bình chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa thì sự phê bình mới hoàn toàn.

Đọc lại những dòng này, cũng là để thấu hiểu và làm đúng tinh thần theo những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra!

1 nhận xét:

Hana nói...

giời ơi anh post vào 360+ đi. cái 360 này chậm lắm, em ko có hứng để vào nữa :((

Đăng nhận xét