29/4/09

Cuộc chiến Việt Nam dưới mắt một ký giả Hung



Cách đây 9 năm, nhân 25 năm sự kiện 30-4-1975, Aczél Endre - một chuyên gia chính trị học uy tín, một ký giả gạo cội của Hungary - có viết một bài "tổng quan" về cuộc chiến Việt Nam, đăng trên tuần báo "168 giờ" (168 óra), Hungary.

Bài cũ rích, không có gì đặc sắc vì chỉ mang tính "điểm xuyến", nhưng bài viết cũng cho thấy vài nét trong cái nhìn của giới ký giả thời "hậu cộng sản" của một quốc gia Đông Âu về Bắc Việt, một cựu đồng minh của họ. Thời chiến, Hungary là một nước đã hỗ trợ Bắc Việt Nam rất nhiều, cả về tinh thần và trong thực tế - đặc biệt là chừng 600 quân nhân Hungary đã có vai trò rất đáng kể (thiên vị và hướng về miền Bắc :)) với hoạt động gìn giữ hòa bình của họ, trong khuôn khổ Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Quốc tế về Hiệp định Paris về Việt Nam (thời kỳ 1973-1975).

(*) Minh họa: TS Déri Miklós (giữa), một trong 2 cựu chiến binh Hungary đã giám sát, chứng kiến sự ra đi của những người Mỹ cuối cùng khỏi Việt Nam. (Ảnh chụp ngày 29-4-2009)

VIỆT NAM, 25 NĂM TRƯỚC

25 năm trước, sáng ngày 30-4-1975, tại Sài Gòn, một chiếc xe tăng T-54 của Bắc Việt đã đè nát cánh cửa Dinh Độc lập (phủ tổng thống Nam Việt Nam) và sau đó ít phút, những người lính tràn vào đã cắm lá cờ 2 màu xanh, đỏ với 5 ngôi sao vàng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Việt Nam (phương Tây thường gọi bằng cái tên Việt Cộng) lên tòa nhà.

Với hành động mang tính tượng trưng này, cuộc chiến Việt Nam - kéo dài từ thời tổng thống Kennedy đến những ngày cùng của Nixon - đã chấm dứt. Bắc Việt đã nuốt chửng Nam Việt, đất nước bị chia đôi được thống nhất.

Việt Nam chính thức bị phân chia vào năm 1954. Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam không bao giờ chấp nhận trạng thái này. Sáu năm sau đó, Việt Cộng bắt đầu hoạt động và khởi sự cuộc chiến tranh du kích chống lại thể chế miền Nam. Vì thực dân Pháp đã hoàn toàn rút khỏi Đông Dương, Hoa Kỳ trở thành người bảo trợ cho "thế giới tự do" miền Nam.

Trong 4 năm đầu, sự can thiệp của Hoa Kỳ còn khá hạn chế: ở miền Nam Việt Nam, những đơn vị Sài Gòn có nhiệm vụ chống lại quân du kích được nhận chỉ huy người Mỹ, và những lực lượng đặc biệt (Special Forces) - thường được gọi bằng cái tên "mũ nồi xanh" - chỉ xuất hiện một cách rải rác, cũng để chống lại phong trào du kích. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, ai nấy đều thấy rằng quân đội miền Nam không thể đè bẹp một phong trào thống nhất được miền Bắc ủng hộ "hết mình", song chủ yếu vẫn dựa vào các phần tử miền Nam.

Rốt cục, ngay trong thời tổng thống Johnson, đã có hàng chục ngàn, rồi hàng trăm ngàn binh lính Hoa Kỳ bước chân vào mảnh đất Việt Nam, và chẳng mấy chốc, cuộc chiến đã lan rộng ra cả nước. Ở miền Nam, quân lực Mỹ (Army) tìm cách thanh toán các đơn vị Việt Cộng và tại miền Bắc, không lực Mỹ (Air Force) "trừng phạt" hậu phương của quân du kích.

Tuy nhiên, nếu nhìn trên một phương diện nhất định, có thể thấy những cố gắng trên đã khá vô hiệu quả. Bằng chứng là cuộc tấn công của Việt Cộng trong dịp tết Mậu Thân 1968, nhằm vào các thành phố miền Nam, trong số đó có thủ đô Sài Gòn. Trong chiến dịch này, Việt Cộng tuy không giữ được trong thời gian dài những cứ điểm mà họ chiếm được, song họ đã đạt được một mục đích: khiến công luận Hoa Kỳ cảm thấy chán ngán cuộc chiến. Một mặt, tinh thần anh dũng của quân du kích và những hành động "cảm tử" của họ; mặt khác, hình ảnh những người du kích bị đối xử một cách dã man, đã tạo được ảnh hưởng của chúng. Nhiều người tin rằng Hoa Kỳ muốn tìm cách vùi dập những lực lượng giải phóng dân tộc của một quốc gia Á châu xa xôi. Từ đó trở đi, nổi lên một phong trào phản chiến trên khắp nước Mỹ, thậm chí, có lẽ trên cả nửa địa cầu; phong trào đó đã được tiếp sức bởi một thực tế đơn giản: theo ý nghĩa quân sự, chàng anh hùng David đang đối đầu với người khổng lồ Goliat. Và con người ta thường có bản năng đồng cảm với kẻ yếu.

* Bắc và Nam.

Trong thời gian 1968 - 1972, cùng với tất cả những điều nói đến ở trên, hàng chục ngàn lính Mỹ đã bỏ mạng nhằm mục đích thanh toán phong trào du kích và đánh quỵ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giúp chính quyền Sài Gòn tồn tại bằng một cách nào đó và lập nên một rào chắn chống sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, sự hy sinh của họ (58 ngàn binh lính Hoa Kỳ đã thiệt mạng trong suốt cuộc chiến) là vô ích. Cuối cùng, cuộc chiến tranh bị đa số dân chúng chán ghét đã không đem lại những kết quả quân sự như ý, khiến Hoa Kỳ phải lựa chọn con đường "ra đi trong danh dự". Tháng Giêng 1973, trong cuộc hòa đàm bốn bên ở Paris, một hiệp định đã được ký kết, theo đó chính thể miền Nam và các lực lượng vũ trang của Việt Cộng vẫn
ở nguyên vị trí của họ (một hình thức phân chia lãnh thổ miền Nam); miền Bắc đảm bảo nền hòa bình và quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam.

Cố nhiên, kịch bản - theo đó những phe phái đối nghịch ở miền Nam chịu hòa hoãn với nhau và Nam Việt Nam được độc lập dưới sự kiểm soát của một chính phủ dân chủ thống nhất - rõ ràng là không có sức sống. Ngay sau khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam, sự đình chiến - mà người viết bài này cũng tham gia quá trình kiểm soát trong một thời gian ngắn ngủi - trở nên hỗn loạn hẳn. Chính quyền Sài Gòn và Việt Cộng chỉ bận tâm đến việc tăng cường vị thế của mình, họ lấn chiếm của nhau từng tụ điểm chiến lược.

Ai nấy đều biết: việc Đảng Cộng sản Việt Nam dụng công lật đổ chính thể Sài Gòn chỉ còn là vấn đề thời điểm. Quyết định được đưa ra vào cuối năm 1974. Mùa xuân 1975, bắt đầu "cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc": cuộc chiến đó tuy được miền Bắc gán cho bộ quần áo của Việt Cộng và trá hình như một cuộc khởi nghĩa nhân dân, nhưng kỳ thực, nó không hề có chút "cách mạng" và "dân tộc" nào, mà là một cuộc đụng độ chính qui, được thực hiện bằng những công cụ truyền thống nhất.

* Cuộc chiến chớp nhoáng.

Theo những số liệu của sách vở phương Tây mà Bắc Việt không bao giờ công nhận, 22 sư đoàn Bắc Việt vượt giới tuyến và trong vòng 50 ngày, đạo quân đó đã đè bẹp một cách dễ dàng sự phản kháng của quân đội Sài Gòn. Người Mỹ không hề can thiệp, ngoại trừ hành động cứu trợ: dùng máy bay trực thăng và tàu bè đưa bộ máy (cố vấn) quân sự Hoa Kỳ còn sót lại miền Nam, và một phần nhỏ giới lãnh đạo Nam Việt Nam, ra nước ngoài.

Và chẳng mấy chốc, quá trình "cộng sản hóa" miền Nam được tiến hành. Quá trình đó được biểu lộ rõ rệt khi quyền hành bề ngoài của những cán bộ - từng mang danh "dân tộc" - của Việt Cộng được trao cho những cán bộ đảng từ miền Bắc tràn vào, và sự hòa hợp dân tộc được tuyên bố trong thời gian trước đó cũng hoàn toàn bị bác bỏ. Hàng trăm ngàn nhân viên và quân nhân (tham chiến theo chế độ nghĩa vụ quân sự) của chính thể miền Nam bị tống vào những "trại cải tạo". Năm 1977, những cơ sở công nghiệp và thương mại trong tay cá nhân bị đưa vào sở hữu nhà nước, nền nông nghiệp bị tập thể hóa. Chỉ riêng ở Sài Gòn, chính sách sở hữu hóa công nghiệp đã khiến một triệu người Việt gốc Hoa mất mọi điều kiện sinh sống; công cuộc tập thể hóa nông nghiệp dẫn đến tình trạng thiếu thực phẩm, gây nên nạn đói ở đầu thập niên 80.

Nhưng các lãnh đạo Bắc Việt hoàn toàn say sưa với thành công trong việc biến đổi miền Nam theo hình mẫu của họ. Công cuộc "giải phóng miền Nam", thống nhất đất nước, niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản đã dẫn họ vào cuộc phiêu lưu chinh phục Campuchia (1979); vì cuộc chiến đó, ngoài việc bị Trung Quốc "trừng phạt" về quân sự, họ còn phải trả giá đắt trên mọi phương diện.

* Nhịp độ Trung Quốc

Chuyển biến chỉ diễn ra vào năm 1986, khi dưới ảnh hưởng của Liên Xô thời kỳ Gorbachev - người bạn tốt duy nhất còn duy trì mối quan hệ với Việt Nam - cánh "cải tổ" đã thắng thế trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và đã "mở cửa" Việt Nam, một phần cho những doanh nghiệp tư nhân nhỏ, một phần cho đầu tư nước ngoài. Kết quả là trong nửa đầu của thập niên 90, Việt Nam phát triển với nhịp độ "bão táp", sự phát triển đạt đến mức độ của Trung Quốc, "người anh cả" vẫn được Việt Nam coi là chuẩn mực. Nhưng, cho đến ngày hôm nay, đội "cận vệ" giáo điều cũ - những trợ thủ theo trường phái vị chủ tịch Hồ Chí Minh đã quá cố - vẫn giữ ảnh hưởng lớn trong đảng, những cải tổ bị kìm hãm với thời gian. Giai đoạn thứ hai, mang tầm quan trọng quyết định - khi Việt Nam phải thực hiện quá trình tư hữu hóa, phải tạo những điều kiện thuận lợi cho tư bản nước ngoài đầu tư vốn, và phải giảm thiểu bộ máy quan chức cộng sản đã bành trướng đến mức khó tưởng tượng nổi, cùng những tệ nạn quan liêu, hối lộ, đồi bại... - đã tỏ ra chậm trễ đến ngày hôm nay.

Một điểm đặc biệt của lịch sử: miền Nam, nơi diễn ra cuộc chiến, sau thời kỳ tan rã ban đầu, đã phát triển hơn nhiều so với miền Bắc "giải phóng". Sài Gòn, dù bị đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh", nhưng vẫn là Sài Gòn. Ở Nam, kinh tế cá thể phát triển hơn nhiều và nguồn vốn đầu tư địa phương cũng phong phú hơn nhiều so với miền Bắc. Cũng chính bởi những lý do đã khiến miền Nam, và miền ven biển phía Nam, Đông Nam Trung Quốc đã phát triển hơn miền Bắc nước này: ở cả 2 nước Trung Quốc và Việt Nam, những người di tản, tị nạn, định cư ở nước ngoài phần lớn ra đi từ miền Nam và sau khi đã tự tạo cho mình một cuộc sống ổn định, họ bắt đầu gửi tiền và đầu tư về quê hương. Cạnh đó, nhờ việc phục hồi lại "thị trường", ngày nay, ở Sài Gòn, cuộc sống sinh động hơn nhiều so với Hà Nội: Sài Gòn nhiều xe hơi, xe máy, quán xá, vũ trường, nơi giải trí... hơn Hà Nội; người ta còn bảo số gái mại dâm ở Sài Gòn cũng nhiều gấp bội so với Hà Nội. Theo những kẻ "xấu bụng", con số này đã gần bằng thời người Mỹ còn ở Việt Nam.

(HL dịch)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét