28/3/09

Thi Văn học

12 nhận xét




Chiều nay chị Thu Vân tham dự Cuộc thi Văn học Móra Ferenc do Giáo hội Tin lành vùng Kőbánya tổ chức :)

Nghe thì rùng rợn như thế, nôm na, đó là một cuộc thi đọc các tác phẩm của nhà văn Hung Gia Lợi Móra Ferenc (1879–1934), nhân 130 năm ngày sinh và 75 năm ngày mất của ổng. Móra Ferenc viết nhiều cho thiếu nhi, sách của ông được đưa vào chương trình Ngữ văn bậc Tiểu học - ngoài ra, ổng cũng là thành viên của hội Tam Điểm (chi nhánh Hungary) nữa.

Thoạt tiên, Thu Vân không muốn đi thi, chắc vì ngại. Nhưng bị mẹ "đấu tranh" ghê quá, kể từ việc cật vấn "tại sao không muốn đi?" (là câu hỏi Thu Vân rất ngán, phần vì nó mang tính cá nhân, riêng tư :)), cho đến đòn "tâm lý chiến" "con cố đi để rèn luyện, có kinh nghiệm ăn nói trước đám đông", v.v... nên Thu Vân rốt cục cũng đồng ý, và có luyện tập ở nhà.

Bố thì góp một ý với Thu Vân (về sau mới biết là sai bét!), rằng mình không cần thuộc lòng, chỉ cần nắm cái nội dung cốt yếu của câu chuyện, rồi thuật lại theo cách nói của mình, sao cho thoải mái là được. Chỉ riêng những câu "đắc địa" của nguyên bản, thì mới cần lưu ý để nhớ thôi. (*)

Buổi trưa, trước khi đi, Thu Vân có đứng lên ghế, diễn thuyết, làm như thế vài lần thì có vẻ tương đối hoàn hảo. Bố đoán là nếu giữ được "phong độ" như thế, thì có thể được giải. Đặc biệt là giải lần này còn kèm... tiền :)

Trời mưa lâm thâm, hai bố con đến "hiện trường" cuộc thi. Đó là một hội trường nhỏ, trực thuộc và ở ngay cạnh Nhà thờ Tin lành quận. Đây cũng là chỗ tổ chức các buổi cầu nguyện hàng tuần.

Không đông thí sinh dự thi lắm, nhưng bố trấn an Thu Vân - khi ấy đang rất hồi hộp - rằng như vậy thì khả năng đoạt giải càng cao (chủ nghĩa thành tích ;)). Cuối cùng, các thí sinh được chia theo độ tuổi, từ lớp Ba bậc Tiểu học đến sinh viên Đại học :)

Trước cuộc thi, cô MC (đồng thời cũng là người dẫn các buổi cầu nguyện Chủ nhật, không rõ có phải là mục sư chưa?) nói rằng, hãy quan niệm kỳ thi như một cuộc chơi, tìm hiểu và tưởng nhớ một nhà văn thanh thiếu niên của Hung, nhưng hình như cô, cậu nào cũng run run. Thu Vân đăng đàn thứ ba, nói có phần bối rối, có lúc hơi cuống, và hai lần bị ngắc ngứ, giám khảo phải nhắc, nhưng về tổng thể thì tạo ấn tượng tốt.

Xong xuôi, các thí sinh và phụ huynh được mời đi ăn bánh, uống nước, trò chuyện tào lao dài dài, trong khi Ban giám khảo - hai cô giáo độc lập - làm việc cật lực cả tiếng đồng hồ!

Ăn bao nhiêu bánh ngọt, nhâm nhi bao nhiêu trà của Nhà thờ, thì mới đến mục công bố kết quả: Thu Vân được giải nhì, được nhận một văn bằng kèm 1 cuốn sách tặng (tự chọn trong danh sách 7-8 cuốn, của nhà văn nọ), và tiền thưởng khá nặng ký, là 5.000 Ft! (Minh họa ở trên)

Đây quả là một chiến công lớn của Thu Vân, xét trên cả khía cạnh... vật chất! Bữa trước, Thu Vân song ca được giải nhất dân ca Quận, cũng chỉ được 1 phiếu mua sách 500 Ft. Thêm nữa, 5.000 Ft tiền mặt đến với Thu Vân vào lúc Thu Vân đang... kiệt quệ tài chính ("cập thời vũ"). Số là, hàng tuần Thu Vân được mẹ cho vài trăm Ft tiêu vặt, nhưng do tích cóp để mua 2 tập "Harry Porter" (thay vì mượn thư viện, vì bố xui dại là "chắc thư viện không có loại sách ăn khách kiểu này" - về sau mới biết, hóa ra thư viện cũng có ;)) nên hết sạch, phải vay tiền mẹ. "Họa vô đơn chí", mới đây trả sách thư viện chậm mấy tuần, Thu Vân còn bị phạt 1.200 Ft, thế là nợ mẹ đầm đìa. May là mẹ cho trả dần, trong vòng dăm ba tháng (không tính lãi suất), nên giờ mỗi tuần vẫn được tí tiền túi (đã bị giảm) ;)

Rõ ràng là Tây họ tổ chức thi cử trên tinh thần vui vẻ, để khuyến khích học sinh học hỏi, thắng không kiêu, thua không cay cú, ai cũng được giải này nọ, rất lành mạnh. Mẹ cún thì tự hào với khoản tiền (mặt) đầu tiên, rất lương thiện, mà Thu Vân "kiếm" được nhờ tri thức, nên gạ Thu Vân "từ sau, nếu thấy có thi là ta cứ đi... bừa" :)

Và bắt bố phải làm ngay entry này để biểu dương con gái :)

(*) Khi thông báo kết quả, Ban giám khảo có nói, một trong những yêu cầu của cuộc thi, vì đây là thi nói lại tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, nên vì sự tôn trọng họ, cứ phải "sao y bản chính", chỉ làm sao mình nói cho hùng hồn, có xúc cảm, ngữ điệu và tự tin thôi. Chứ nếu thi... kể chuyện, thì mới tự do nói theo nhời mình được ;)

Entry for March 28, 2009

7 nhận xét



1. Hôm nay mẹ cún làm phở gà và bánh cuốn (ảnh trên), rất ngon!

Dĩ nhiên bên này làm tại gia không thể theo cung cách ở nhà, nên chỉ dùng chảo để tráng bánh. Nhưng làm một vài lần, có kinh nghiệm thì cũng mỏng, đều và kết quả là bánh cuốn cũng ngon chả kém ở nhà!

Mỗi người đánh bay một đĩa to, bố thì "no bụng đói con mắt" còn làm thêm 1 bát phở "cho nó ấm bụng" :)

2. Nhà cún không tham gia chiến dịch Giờ Trái đất được vì lý do rất "phồn thực": lúc ấy mẹ cún đang làm những mẻ bánh cuốn cuối cùng, còn mấy bố con thì đói meo, đi đi lại lại chờ xơi. Nên không có đầu óc cho chuyện "bao đồng" (đúng xì-tai "người Việt xấu xí").

Nói nghiêm túc: đọc báo chí nhà mình, nhất là bài này trên VNE, thấy nhà mình ùa ra đường nhộn nhịp quá. (Một nguồn tin ẩn danh cho hay: Nhà nước ta tốn nhiều tiền cho vụ này - cho các tình nguyện viên, cho công tác tuyên truyền, cho các nhân vật nổi tiếng đi PR...- hơn là khoản năng lượng tiết kiệm được từ 1 giờ không dùng điện).

Có bạn bảo là Việt Nam mình quen lối "thành tích", "bầy đàn", không sai hoàn toàn, nhưng phải nhấn mạnh một yếu tố nữa là ngoài ý nghĩa bảo vệ môi sinh và tiết kiệm (mà bố cún không chắc là sẽ được "quán triệt" mấy), thì đây cũng là dịp rất vui đối với thanh niên, nhắc nhớ những phong trào của Đoàn ngày xưa.

Nghĩa là, cho dù, cái "lợi" thực tiễn (và nhỡn tiền) của nó không nhiều (tay GS Bjorn Lomborg bảo lượng nến thắp trong 1 giờ ấy thải nhiều CO2 hơn bóng điện, và nếu có cả tỉ người tham gia đi nữa thì cũng chỉ "hãm" được bằng lượng CO2 mà Trung Quốc thải ra trong 6... giây!), nhưng ý nghĩa biểu tượng thì vẫn có...

(*) Hung cũng có hơn 50 tỉnh thành - trong đó có Budapest và già nửa thủ phủ của các tỉnh - tham gia chiến dịch này, báo chí cũng có đưa tin (vắn), nhưng phong trào ỉu xìu, chắc cư dân cũng không mấy để ý, vì sự tuyên truyền không ồ ạt như mình...

27/3/09

Đông du

4 nhận xét



Hôm nay bạn myselfvn Đông du, chắc nhiều tâm sự.

Bờ lốc bờ liếc, lâu nay bỏ bê, ngoài lý do vùng sâu vùng xa Net không đến nhà, hẳn cũng vì chuẩn bị "Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc"...

Tất nhiên bên ấy khó có điều kiện lê la, trà xu rồi nghêu sò ốc hến như ở nhà. Hoặc, thích thì một cú điện thoại, rồi túm năm tụm bảy, như trong minh họa ở trên...

Đi, ở, nhiều khi là sự lựa chọn bắt buộc. Nhưng mà, cho dù thế giới bao la, đâu chả là nhà!

Mong myselfvn từ từ "ổn định tổ chức", rồi report Đông Kinh cho bà con lối xóm tường minh...

Chân cứng đá mềm!

25/3/09

Chuyện trong ngày

2 nhận xét



1. Thế là lần thứ hai (sau vụ Chợ Âm Phủ 19-12), ông KTS Nguyễn Thế Thảo đã "nhượng bộ" trước "sức ép" của cư dân (và báo chí, công luận nói chung): "Tạm dừng dự án "trung tâm thương mại" trên sân Con Voi"

Gì thì gì, như vậy cũng là một động thái tích cực. Không biết có thể chờ đợi một quyết định tương tự trong vụ xây KS ở Công viên Thống Nhất hay không?

Những vụ này đều có một điểm chung, là viện cớ "vì lợi ích nhân dân", thậm chí, "do dân yêu cầu", mà kỳ thực cả ma nào biết. Nếu báo chí không làm rầm rĩ lên thì kết quả là ông Thảo chuẩn bị đi cắt băng khánh thành mấy nơi ấy.

Thử hỏi, có thể chấp nhận kiểu lãnh đạo "vì dân" như thế không? Và một lần nữa, câu hỏi được đặt ra: để dân bức xúc như thế, thì ai phải chịu trách nhiệm?

Đã thế, ông Thảo còn lý luận dài dòng trong bài đã dẫn, về mô hình "quen dần với cách lãnh đạo dân chủ!":

"Một chủ trương đúng đắn, một quyết định hợp pháp hợp lý nhưng chưa được sự ủng hộ của nhân dân thì phải xem lại ngay chủ trương, quyết định đó. Có thể nó đúng nhưng dân chưa hiểu thì phải cần thời gian giải thích, làm rõ; còn nếu dân đúng thì phải xem lại chủ trương của mình. Không phải cứ tập thể quyết định, thống nhất rồi, tính pháp luật, pháp lý đúng rồi là không có gì sai. Dân chưa đồng thuận thì chưa thể làm được!"

Ở đây, ông rất khéo ở chỗ, ông cứ làm như người dân... dốt nát, nên khi được Nhà nước "làm cho mà hưởng", lại còn không biết đường. Thâm thúy phết! :)

Dĩ nhiên, sự nhẫn nại của ông Thảo (bỏ thời gian "dân vận", để họ "đồng thuận", họ hiểu ra là thực ra những gì chính quyền làm đều là "dân ý", "dân nguyện" và đúng mọi quy trình pháp luật cả đấy) là quý, nhưng xin ông xem lại, chứ tôi ngờ rằng, trong đại đa số những động thái của chính quyền mà gặp phải sự phản đối, bức xúc của người dân, thì những quyết định ấy cũng thường là trái luật hoặc ít nhất cũng sai be bét, đủ đường!

2.cái này của bác TMH, nghe và xem, nhẹ cả lòng.

(*) Minh họa: Cầu Thanh Niên tại Công viên Thống Nhất (ảnh của ký giả Hungary Kékesdi Gyula, 1975). Chắc chắn "nhân dân" không muốn bất cứ một thước đất nào của nơi này trở thành KS cho các ông đút tiền túi!

20/3/09

Tôn vinh nghề xe ôm?

11 nhận xét



Lại một quyết định ngu si và tối kiến, nếu được phê chuẩn: "Quản lý xe ôm để... tôn vinh nghề xe ôm"!

Bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), người chủ trì soạn thảo bản thông tư "quản lý xe ôm", có mấy câu hay:

Hỏi: Nhưng thưa ông, quan trọng nhất là làm sao để phân biệt được người hành nghề xe ôm với người dân bình thường đi đưa đón người thân để từ đó, lực lượng chức năng biết mà xử lý?

Đáp: Vì thế, cần phân loại đối tượng xe ôm. Nghề này rất đa dạng. Có người làm thêm, nhưng cũng có người làm nghề "chuyên nghiệp". Mà tôi nghĩ, những người làm nghề chuyên nghiệp, nghĩa là muốn kiếm tiền thường xuyên và chân chính bằng nghề này thì họ nên đăng ký, nên tập hợp lại, có đồng phục, có tổ chức. Như thế cũng là một cách để tôn vinh một nghề lao động đàng hoàng.

Hỏi: Về việc quản lý giá, ngay trong vận tải hành khách bằng ô tô nhà nước cũng không còn quản lý giá trần, nhưng dự thảo lại nói đưa ra khung giá trần. Vậy có phải một bước thụt lùi về chính sách?

Đáp: Lúc soạn thảo, anh em cũng bức xúc xe ôm ở chỗ bị chặt chém, bị ép giá nên họ "máu" quá mà đưa vào. Cái này là thuộc thẩm quyền ngành tài chính. Nên dự thảo việc quản lý giá vé chắc sẽ phải bỏ đi.

Ai muốn nói gì thì nói, lạy cụ những kiểu quản lý nhằm "tôn vinh" nghề nghiệp thế này. Thêm nữa, nếu dự thảo quản lý lại do các "anh em" "máu" như thế làm, thì chết mất!

*

Hồi về Việt Nam, bố cún cũng hay đi xe ôm. Có cảm giác đa phần xe ôm là người làm ăn lương thiện, cực khổ, bần cùng nên mới phải làm cái nghề mệt nhọc này. Tất nhiên họ cũng có nói thách (nhất là khi thấy bố cún có vẻ ngớ ngẩn, đường xá chẳng biết), nhưng thường cứ mặc cả chừng 30-50% là ra giá đúng (hoặc cũng chỉ sai lệch vài ngàn, cũng không nhiều). Mấy khi "chặt", "chém" được ai đâu?

Trong số những xe ôm bố cún đi, chưa thấy ai ăn nói lỗ mãng, bất lịch sự (như bố cún đã thấy ở nhiều ngành dịch vụ khác ở Việt Nam), thậm chí có người còn thơ phú rất khá (thơ bậy bạ thôi, nhưng hay - tiếc là không nhớ lại được để bốt ở đây). Nói chung, có lẽ xe ôm chưa phải là nhóm đối tượng gây hại gì đáng kể cho xã hội để phải "xử lý", "quản lý". Ngược lại, bố cún đã thấy cảnh một xe ôm đứng tuổi phải van lạy một cô gái "chó cậy gần nhà" (có lẽ chỉ bằng tuổi cháu ông), sau khi cô kia chửi bới ỏm tỏi rất tục tằn, rồi đập phá chiếc xe máy và dọa "sẽ không cho mày còn đường sống ở đây nữa".

*

Dĩ nhiên, việc của nhà nước là cứ ra thông tư, quản lý bừa bãi những gì mà thực ra, họ bất lực. Tuy nhiên, làm gì cũng nên phai phải thôi: sao đến giờ, chưa có những quy định để phạt thật nặng những tối kiến ngu đần và có hại đến tâm trạng của cả xã hội (nói đúng hơn là gây stress cho một bộ phận đáng kể trong xã hội), như kiểu cấm phụ nữ ngực nhỏ lái xe máy, hoặc "quản lý để tôn vình nghề xe ôm" này nhỉ?

(*) Minh họa của H.Lê, VNN.

14/3/09

Cách mạng Hung & Tung Của

2 nhận xét



Hôm nay là ngày kỷ niệm cách mạng Hung 1848, thời ông Petőfi Sándor "Tự do và Ái tình". Bốt loạt bài tư liệu dưới đây cho nó có khí thế.

Dân Hung ưa yêu đương (có hồi VNE loan tin người Hung make love nhất thế giới gì đó, chắc giờ nhiều bạn vẫn nhớ :)), nhưng cũng ham cách mạng, dù Hungary yếu rệu rã ;)

Chả sao, cái chính là khí phách, ví dụ thể hiện trong bài dịch sau. Ký giả Hung khi ấy thuộc hàng những nhà báo Âu Tây hiếm hoi được "mục sở thị" Tung Của sau vụ "Tứ nhơn bang" và Đặng Tiểu Bình bắt đầu lên ngôi. Qua Trung Quốc, được chiều chuộng đủ đường, thế mà về không "bẻ cong ngòi bút", cũng tài! :)

(*) Minh họa: Công xã nhân dân Nhị Kiều (1978) - nguồn: ký giả Hung.

TRUNG QUỐC NĂM XƯA DƯỚI CON MẮT MỘT KÝ GIẢ HUNGARY (1)

Một tờ báo dân sự Pháp đã tổng kết những sự kiện xảy ra vài tuần sau khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, rằng „Trung Quốc đã đánh mất sự trong trắng của mình”. Một cách diễn đạt ý nhị, nhưng không đúng. Nếu nhìn trên phương diện vai trò toàn cầu của đất nước này trong thế giới mà chúng ta đang sống, phải nói rằng trong 20 năm qua, Trung Quốc chưa bao giờ trong trắng và bất cứ lúc nào, nước này cũng hàm chứa trong mình khả năng gây tội ác” - nhà báo Hungary Bokor Pál viết trong cuốn sách "Một mùa hạ Trung Quốc", xuất bản cách đây đúng 30 năm.

TRUNG QUỐC NĂM XƯA DƯỚI CON MẮT MỘT KÝ GIẢ HUNGARY (2)

"Nếu sự nghiệp đòi hỏi, những người cộng sản đến nạn đói cũng không từ! Có cái gì không được chỉnh ở đây. Không lẽ, sự nghiệp của người cộng sản Việt Nam hiện nay đòi hỏi phải có nạn đói, còn sự nghiệp của người cộng sản Trung Quốc đòi hỏi phải cắt viện trợ trong khoảnh khắc như thế? May thay, hiện nay, không có sự nghiệp nào đòi hỏi hàng triệu người dân Trung Quốc phải đói khát" - nhà báo Hungary Bokor Pál kinh ngạc trước câu trả lời của nhà ngoại giao Trung Quốc cách đây 3 thập niên.

TRUNG QUỐC NĂM XƯA DƯỚI CON MẮT MỘT KÝ GIẢ HUNGARY (3)

"Như vậy, hiện tại chỉ có một Trung Quốc. Một Trung Quốc đã chối bỏ sự lạc hậu, nhưng chưa tìm thấy con đường để khắc phục sự lạc hậu. Một Trung Quốc, thay vì duy trì quyền lực nhân dân, thì khao khát địa vị một siêu cường thế giới. Một Trung Quốc mà lãnh đạo của nó, trong hai thập niên cuối, đã phạm hết từ sai lầm này đến sai lầm khác, và từ khi tấn công Việt Nam, họ còn có khả năng gia tăng chúng bằng những tội ác trầm trọng" - nhận định của một ký giả Hungary trong chuyến thăm Trung Quốc cách đây 30 năm, đến nay vẫn chưa hết thời sự tính?

10/3/09

Đối ngoại nhân dân

4 nhận xét



Bản tin này cũng thuộc hàng các bản tin chính trị như đã nói ở entry trước: "Đối ngoại nhân dân đang bị hành chính hóa".

Dầu sao đi nữa, đọc kỹ, nó vẫn bao hàm 1 ý đặc sắc. Ấy là khi: "Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, trong nhiều nhu cầu hoạt động bức xúc hiện nay, trên hết, VUFO [Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam] cần tận dụng lợi thế của mình để tham gia mạnh mẽ hơn công tác đấu tranh về nhân quyền, dân chủ, tôn giáo, dân tộc".

Giật mình vì không hiểu VUFO phải "đấu tranh về nhân quyền, dân chủ, tôn giáo, dân tộc" mạnh mẽ hơn nữa ở đâu? Ở Việt Nam thì chắc là không cần, vì trên nguyên tắc ta đã có những cái đó :). Còn đấu tranh ở nước ngoài thì... e rằng khó, vượt tầm tay của VUFO.

Tuy nhiên, đọc tiếp câu sau thì mới hiểu: "Theo Chủ tịch nước, không có lý do nào khiến Việt Nam, một quốc gia từng bị đô hộ, đàn áp bởi giặc ngoại xâm, phải đấu tranh cho người dân được độc lập giờ lại bị hiểu không có nhân quyền, dân chủ..."

À, hóa ra VUFO cần đấu tranh để thế giới vỡ ra rằng Việt Nam ta đã có nhân quyền, dân chủ!

Tiên sư anh ký giả, viết tù mù thế, hiểu sai như bỡn? ;)

(*) Ảnh minh họa: Chủ tịch nước cùng các cán bộ làm đối ngoại nhân dân :) (Ảnh rất đứng đắn, đề phòng myselfvn bảo là cố tình đưa ảnh huê hậu, huê tình... vào các entry đề tài chánh trị để câu khách :))

Lưu ý nhỏ: cái băng-ron quá dài, rườm rà và hình như cũng mang tính hình thức, xơ cứng, hành chính hóa... Hệt như lời ông chủ tịch VUFO Vũ Xuân Hồng thừa nhận về công tác đối ngoại nhân dân: "Vẫn còn không ít các hoạt động đối ngoại mang tính hình thức, xơ cứng, hiệu quả thấp..." :)

8/3/09

Dọn vườn

9 nhận xét



Nói chung, mục "Chính trị" của các báo ở Việt Nam thường có những tin, bài chả ai buồn đọc. (Tuy nhiên, vì những lý do này khác nên vẫn cần phải đăng).

Ví dụ như bài sau: "Hungary sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cải cách tư pháp". Đọc phần dẫn nhập đã thấy, đây là một tin nói chung là không cần đọc đối với đại đa số độc giả: "Quyền Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Hungary Kaposvari Bestalan vừa có chuyến thăm và làm việc tại Hà Nội theo lời mời của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam. Ông cho hay Hungary sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong cải cách tư pháp".

Tuy nhiên, chỉ trong một bản tin được viết bằng thứ ngôn ngữ quan liêu (và nói chung, có thể thay ông X đến từ nước A bằng bà Y đến từ nước B, mà nội dung cũng không có gì sai lạc), đã thấy hai điểm "hay":

- Cái tên của vị khách Hung (Kaposvári Bertalan) dĩ nhiên được/bị viết sai thành "Bestalan". May Hung là nước yếu, thử viết sai tên ông Tàu xem?! :)

- Ở Hungary, từ 20 năm nay, từ "nhân dân" đã được được "biến" khỏi tên các cơ quan nhà nước. Như vậy, không hề có cái gọi là "Tòa án Nhân dân Tối cao", chỉ có "Tòa án Tối cao". Bạn ký giả nào viết tin, chắc cứ "suy bụng ta ra bụng người" khi tự tiện ghép thêm từ "nhân dân" vào đấy.

Dầu sao đi nữa, ông Kaposvári Bertalan cũng là người giỏi (là chuẩn tướng cảnh sát, thành viên Hội Nhà văn Hungary với nhiều tác phẩm văn học, kiểu bác... Hữu Ước ;)) và việc ông ta sang thăm Việt Nam là điều đáng mừng :)

(*) Ảnh (chỉ mang tính minh họa cho Hungary): Dammak Jázmin, HHHV Hungary 2008, được lọt vào Top 15 trong cuộc thi Miss Universe 2008 tại Việt Nam.

6/3/09

Blog mới, hy vọng sẽ "trường tồn" :)

9 nhận xét



Dân tình đồn đại về việc Yahoo sẽ đóng cửa blog vào tháng Tư này. Bố cún mù kỹ thuật nên cũng chỉ biết đến vậy.

Dù đóng hay không thì đúng là vào Blog Yahoo dạo này quá là khó khăn, cực lâu và lỗi thì đầy rẫy. Nên thử dùng song song cái này, xem sao. Sản phẩm Hungary, hy vọng sẽ "thân thiện" với "người tiêu dùng".

Mẹ cún cứ sợ một ngày nào đó, tỉnh dậy thì tất cả những gì bố viết về hai đứa không còn nữa, nên cứ giục bố "nghiên cứu" để "chuyển nhà". Thời gian không có, nên nếu phải copy lại tất cả và "mu" thì chết. Nhất là những cmt, đều thuộc "tài sản" của Blog.

Thôi, sống ngày nào, cứ biết ngày ấy cái đã. Lo nhiều, mau già :)

Bây giờ kể về chuyện tấm ảnh nói trên.

Số là, Chủ nhật vừa rồi, bố và TV đi nhà sách để ngó nghiêng, vì lâu rồi bố chỉ biết đọc trên Net chứ kỳ thực "văn hóa đọc" (sách) rất mù. Còn TV thì bao giờ cũng thích đi thư viện, hiệu sách, mà thời gian thì ít vì học nhiều và trông em.

Khi đi, bố mang cái máy ảnh, định chụp TV giữa một núi sách, về ngắm cho thích. Tuy nhiên, mới bấm được một kiểu, loay hoay tìm hướng chụp kiểu nữa thì một ông bảo vệ đứng tuổi đến bảo: "Xin lỗi anh, nhưng ở đây không được chụp ảnh!"

Tính bố cún thực ra hòa nhã, nhưng lại không thích khi bị "hạn chế quyền tự do". Không kìm được, bố nói rất xẵng: "Tôi chụp con tôi thì có hề gì? Ở đây có biển cấm chụp ảnh đâu?!"

Ông bảo vệ vẫn rất chừng mực: "Có, anh ạ, ở ngoài cửa ra vào..."

Bực bội, bố cún cút ra cửa, xem có phải mình bị "kỳ thị chủng tộc", "phân biệt đối xử" vì là người ngoại quốc hay không? Chứ làm gì có biển cấm chụp?

Nhưng lần này thì bố cún tẽn tò quá, vì đúng là ngay ở cạnh bảng Giờ mở cửa, có một bảng khác, chứa toàn dấu hiệu những thứ không được mang vào nhà sách, tỉ như kem, đồ ăn...., trong đó có máy ảnh, máy quay phim. :((

Ông bảo vệ điềm nhiêm chấp nhận lời xin lỗi lí nhí của bố cún: "Không sao anh, thế này là thường, anh cứ tự nhiên... đọc sách đi, chớ nghĩ ngợi gì cả..."

Bố cún vừa thẹn (vì mọi sự xảy ra trước mặt con gái, và con gái, vớ vẩn, lại tưởng thế là "bố anh hùng" như có lần nó đã trầm trồ, "bố thật dũng cảm vì hay cãi cọ với người Hung", ám chỉ bố chỉ "lép vế" ở nhà, chứ ra đường không thua kém dân bản xứ :)), vừa cảm thấy cái đầu óc hơi tí là đa nghi anh Tào Tháo của mình, kể ra có lúc cũng không nên...

(Lại thầm nghĩ, xử sự láo toét như thế, ở Việt Nam chắc bị ăn đòn to rồi!)

5/3/09

Tin hay

6 nhận xét



"Dành tiền lấy vợ để đi bộ đòi công lý cho nạn nhân dioxin"

Từ thành phố Biên Hoà (Đồng Nai), anh Nguyễn Tuấn Linh, cán bộ Thành đoàn, đã dùng toàn bộ số tiền tích cóp để lấy vợ làm kinh phí cho cuộc đi bộ đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Xuất phát từ ngày 3/2, sau hơn một tháng, Nguyễn Tuấn Linh đã đến được 13 trường học tại 11 tỉnh thành và thu thập được gần 13.000 chữ ký đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Chiều 5/3, Linh đã đến trường THPT Lê Lợi ở thị xã Đông Hà (Quảng Trị), địa phương có 15.400 nạn nhân chất độc da cam/dioxin để thu thập chữ ký của học sinh.

Theo kế hoạch, sau 61 ngày đi qua 21 tỉnh thành, cuộc đi bộ của Nguyễn Tuấn Linh sẽ kết thúc vào ngày 4/4 (đúng vào ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch) tại đất tổ Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ.

Vị cán bộ đoàn này sẽ dâng lên đền Hùng 2 nắm đất ở nghĩa trang liệt sĩ TP HCM và nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn mà trong chuyến đi Linh đã mang theo.

(Theo TTXVN)

Kể ra, đi bộ đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam cũng cần đấy, nhưng dành tiền lấy vợ để làm điều này, có vẻ như không ổn. Có lẽ vị cán bộ Đoàn này chưa thể có ai trong thời gian trung hạn (3-5 năm), nên mới manh động thế?

Tuy nhiên, các quan tham, nếu mỗi người bỏ ra vài phần trăm tiền ăn cắp của công (hoặc của dân) để làm quỹ cho các nạn nhân thôi, chẳng cần phải bắt họ đi bộ, nghe chừng có lý hơn?

(*) Minh họa: vô nghĩa, nhưng chả lẽ không có?

Từ thiện

3 nhận xét




Hôm trước vô tình lạc vào trang web của nhóm Nghị Lực Sống, do Nguyễn Công Hùng chủ trương.

Hôm nay đọc được cái này ở blog Người Buôn Gió.

Nguyễn Công Hùng (Hiệp sĩ CNTT - ảnh trên) thì ai cũng biết rồi.

Người Buôn Gió đầu trò vụ "Ma Chiến Hữu" thì chắc các bác cũng rành :)

Vậy đăng lại info ở đây, mong đề án từ thiện giúp trẻ em nghèo Sơn La thành công với sự góp sức của cả nhà...

*

Rất cần giúp đỡ.

Hiện ngay có vụ này rất cần các bạn giúp đỡ.

Chả là Người Buôn Gió có mối thâm giao với Nguyễn Công Hùng (thằng này các bạn cứ tìm trên mạng là ra đây), chủ tịch hội nghilucsong.net. Cái hội này toàn những người bị khuyết tật thôi. Họ cùng nhau lập tổ chức này để làm từ thiện. Người Buôn Gió cũng tham gia làm thành viên của hội.

Nay có việc thế này. Trung tâm Nghị Lực Sống quyên góp được rất nhiều đồ đạc, quần áo, bánh kẹo cho trẻ em nghèo ở Sơn La. Nhưng... đúng ở đời hay có chữ "Nhưng". Cái "Nhưng" ở đây là thiếu tiền thuê xe ô tô tải chở đồ.

Khổ thế đấy, Người Buôn Gió nào biết cái chuyện vận động xin tài tài từ thiện thế nào đâu. Bảo nói phét này nọ khoác lác cho thiên hạ thì rành. Viết thư kêu gọi thì chưa bao giờ làm. (nhưng kêu biểu tình chống Trung Quốc thì biết đấy).

Thôi thì trăm sự nhờ các bạn hữu xa gần trên blog, đọc đuợc tin này làm ơn giúp Người Buôn Gió và cũng giúp trung tâm NLS trong việc mang đồ từ thiện đến các trẻ em nghèo vùng cao.

Tiền xe khoảng 6 triệu đồng.

Dạo này Người Buôn Gió cũng nghèo. Cho nên rất tha thiết mong các bạn hữu có tấm lòng hảo tâm, chung sức chỉa sẻ. Một cây làm chẳng lên non.

Cá nhân Người Buôn Gió rất tri ân sự giúp đỡ của các bạn. Mọi sự đóng góp xin gửi về tài khoản

- Vietcombank:
- Nguyễn Công Hùng – 0101000357953 - Chi nhánh TP. Vinh

Chi tiết đóng góp sẽ công khai trên trang web nghilucsong.net. Nếu ai là bạn Người Buôn Gió gửi xin ghi kèm theo là bạn Người Buôn Gió.

Rất cần sự giúp đỡ, san sẻ của các bạn trong vụ này.

Một lần nữa, rất mong sự giúp đỡ của các chiến hữu xa gần.

Chân thành cám ơn các bạn đã đọc tin.

4/3/09

Phở

15 nhận xét



Hôm này cả nhà được mẹ cún đãi phở bò (ảnh trên), ngon lịm cả người!

Đây là thứ bố ít xơi, vì sợ nhiều chất quá, bất lợi cho sức khỏe (chưa "phú quý" nhưng đã sinh rách việc là ở chổ này). Tuy nhiên, hôm sinh nhật ăn bún bò, rồi hôm qua lại dàn trang có bài về phở Việt Nam, có cái hình minh họa hấp dẫn quá, đâm thèm. Mạnh dạn đề xuất với mẹ cún, được đáp ứng ngay, thích quá!

Liên quan đến phở, bốt lại tra tấn các bác một đoạn nhảm nhí viết cách đây cũng đã 12 năm. Ấy còn là cái thời còn hào hứng nhiều thứ, và với tờ "Gió Đông" theo phương châm "tao đàn, mày hát" của mấy anh em bên Đông Âu, mà ông bạn Vũ Hồng Lâm (bây giờ đã biến thành TS Alexender Vuving, chuyên gia an ninh, địa chính trị, biên giới hải đảo, TS HS, Tàu Tưởng...) thường hay gọi là "đống gio", để ám chỉ cái kết cục "sớm nở tối tàn" của nó.

Đọc lại để nhớ một thời, và để thấy mình cũng... linh tinh: có thời gian để ngồi viết tào lao đến 9 ngàn từ, và bậy nhất là còn được duyệt để đăng :)

TB. Các bạn BBC cho lên đây, vinh hạnh quá ;)

Update: Cám ơn Linh, đưa luôn link lên đây để bà con thưởng ngoạn.

Có hai ý kiến "phản biện" này hay, trả nhời các bạn Làng Ven luôn ở đây, Linh chuyển giùm nhé:

* Dandelion: Em xem bài viết về phở của ông Hoàng Linh (theo link bác Gấu) được vài dòng xong chạy mất dép. Mịa, không hiểu ông ấy lấy đâu ra lắm chữ thế, tận 9000 chữ để viết về thứ ngày nào em cũng ăn, mỗi lần ăn nhõn 5 phút.

=> Đâu, đoạn về Phở chưa đến 3.00 từ mà. Chắc bạn đọc lộn ở đâu? ;)

* Milou: Ok bi rờ liếc sơ qua cái bài trên cùng có ghi là được đăng trên BBC lày lọ. Anh này chẳng có thật sự tâng bốc phở rì sất, anh í chỉ muốn khoe cái bộ đồ lòng iu quê hương VN vô bờ bến của ảnh để tỏ ra ta đây không mất gốc. Thía tui là ghét quê hương vô bờ bến, hầu như là thề không quay về nữa, tự cho mình mất gốc, tuy nhiên tui có thể nói tui iu mấy cái chuồng mấy cái hang trong làng này là đủ.

=> Hìhì, mất gốc đủ đường, ai hơi đâu khoe "bộ đồ lòng iu quê hương VN vô bờ bến" làm gì?! ;)

***

(Đoạn) 4

Lại nói về Nguyễn Tuân. Khi nói về ăn, ông làm cho ta có cảm tưởng đó không chỉ thuần túy là một miếng ngon. Nó còn là một miếng đẹp, miếng-tinh-thần, khiến ta phải đối xử với nó một cách "có văn hóa". Nghĩa là ăn cũng phải theo đúng phép tắc, nghi lễ, kiểu cách.

Người ta bảo ngay ở khoản này, Nguyễn Tuân cũng ngông, tức là ông cố tình nâng lên tầm quan trọng, thiêng liêng những thứ vốn bị coi là phàm tục, tầm thường. Tôi thì cho rằng chẳng qua ông coi ăn cũng như một thú chơi nhàn tảng, như muôn vàn các thú khác của người quân tử, mà ông đã thuật lại trong "Vang bóng một thời".

Truyền thống Á Đông hay quan trọng hóa vấn đề và đặt ra lắm chuẩn mực rối rắm. Thời xưa, khát mấy nhưng gặp con suối mà kẻ đạo tặc đã uống, cũng phải bấm bụng mà đi. Người Trung Quốc còn đỡ, họ chỉ hay làm to chuyện những gì dính dáng trực tiếp và gián tiếp đến văn hóa, nghệ thuật, như viết lách, vẽ vời (phải chọn bút nghiên, chọn mực, giấy má, rồi ngóng chờ thời điểm thích hợp), hay thưởng ngoạn văn học (trước khi đọc, phải tắm rửa sạch sẽ, ăn vận chỉnh tề, thắp nến bạch lạp). Chứ đến như Nhựt Bổn thì thật quá trớn; không phải vô cớ mà có nhà văn ta đã gọi cái sự làm gì cũng chiểu theo những nghi thức, điệu bộ đẹp đẽ mà giả tạo ấy, là cuộc sống "lấy lễ làm gốc"! Ở xứ hoa anh đào, cái gì cũng được (bị?) nâng lên thành đạo: cắm hoa, cứ tưởng dễ mà phải học dài dài; uống trà, phải qua lắm thủ tục phiền phức, tốn thời gian và nhiêu khê. Chưa nói gì đến trò chơi cây cảnh và non bộ (bonsai) công phu và khó có tiếng. Ngay võ nghệ là thứ mang tính chân tay mà họ cũng còn lạy lục, chào hỏi nhau chán mới động thủ, đến rút một thanh kiếm ra chém cũng phải diễn một màn kịch dài dằng dặc và nghiêm trọng như tuồng cổ của ta vậy (phải chăng cái nghi thức rạch bụng của các Cảm tử quân dăm chục năm ngày xưa, cũng có nguồn xa xăm tự đây?)

Dài dòng lạc đề như thế để bảo rằng cái sự tôn trọng lễ nghi trong ăn uống của ta, chắc hẳn không ít thì nhiều, chịu ảnh hưởng những tập tục các nước trong vùng. Tiêu chuẩn ăn uống của Tản Đà (món ngon, chỗ tốt, bạn hiền, thời gian thích hợp) cũng chứng tỏ việc đưa ăn uống vào những phép tắc, có lẽ đã được mô phỏng theo những "chuyên ngành" khác của đời sống (ví dụ: ba chục cái thú của Kim Thánh Thán).

Ăn uống đúng cách, đúng khẩu vị và sành điệu, dĩ nhiên là cái hay mà không phải ai cũng biết và cũng rành. Nhưng đẩy nó đến mức cực đoan như Nguyễn Tuân trong "Phở" chẳng hạn, tôi e chửa chắc đã thú. Trong ăn uống cũng như đời sống, giáo điều, cứng nhắc quá, thiếu tự do và sự lựa chọn, là điều không hay.

Bình sinh con người, ăn nhậu muốn ngon, cứ phải thoải mái, không quá câu nệ. Vả lại, ăn là chuyện có dính nhiều đến sở thích cá nhân. Xin được tiếp tục bằng phở. Được biết lúc sinh thời, ông Nguyễn chỉ xài được loại phở bò chín, không ớt, không chút nước mắm, dấm phụ trợ; ông hết sức tán tụng nó, và bài xích các thể loại khác là "phở tẩm bổ". Dĩ nhiên, đây là quyền tự do của ông. Nhưng, tôi vẫn khoái ăn phở tái (miễn là làm khéo) mà không cảm thấy hề hấn gì về cái "giá trị mỹ học của bát phở chín", cùng lời châm chích về sự "muốn bổ, sao không uống Păng-tô-cờ-rin của Liên-xô, còn có tác dụng bằng mấy!" của ông Nguyễn. Và chắc rằng, đối với nhiều người trong đó có tôi, phở bò hay phở gà đều có thể ngon như thường, miễn là được làm đúng cách: nước dùng nấu bằng xương, sủi lăn tăn, ngọt, trong, thơm, đủ vị gừng, hành, hồi, thảo quả và hạt tiêu, bánh phở dai, luộc chín đến.

Rõ ràng, có thời, phở đã không được như cung cách nó phải có, mà ông Nguyễn phàn nàn trong bài của mình. Ông kể đến lý do chiến tranh, đôi khi phải tùy tiện và "tùy nghi". Nhưng sau đó, không thấy ông điểm đến phở của thời bao cấp cách đây gần hai chục năm, khi chiến tranh đã chấm dứt, và không còn lý gì làm cho phở phải luân lạc. Tôi không làm sao quên được cái thời phở được chia thành mậu dịchtư nhân ấy: phở mậu dịch có hai loại, phở nước, không người lái chỉ gồm bánh phở và nước dùng (giá 2,5 hào) và phở thịt, có lõng bõng cả vài miếng thịt (giá 5 hào). Gia đình tôi vốn công nhân viên chức, nên nói chung, chỉ dám xài loại mậu dịch, dù biết nó không được đạt tiêu chuẩn lắm; vả lại, thường chỉ khi nào ốm mới được nếm, lúc ấy ngon mấy cũng khó nuốt dzô, phân biệt làm chi ngon dở. Phở tư nhân dĩ nhiên khá hơn nhiều (tôi liệt vào hạng này cả thứ phở của những tổ hợp tác, một hình thức "tư hữu hóa" cấp thấp hồi ấy), cố nhiên, giá cả cũng mắc hơn, từ 7,5 hào đến một đồng rưỡi. Cái giá sau này chỉ những hàng phở danh giá, cự phách nhất mới dám đòi (hay nhắc đến giá cả, cũng chỉ muốn nhớ về dư âm một thời. Hình như đầu thế kỷ, độ 1,2 xu là được một bát phở không tồi. Cái giá trung bình hiện nay, là bốn, năm ngàn đồng bạc bác Hồ) Những quán phở, không hiểu sao thường được đặt trong một căn buồng không mấy lớn, tôi tối, có phần ẩm thấp, với những bộ bàn ghế gỗ thấp lè tè. Khách đến, lắm khi phải chờ đợi để có bàn, nhưng không ai tỏ ra sốt ruột và cáu gắt như khi xếp hàng mậu dịch. Hẳn ai nấy đều tâm niệm rằng đó là cái giá phải trả, khi được thưởng thức một món ngon có chất lượng cao. Vả lại, lúc chờ đợi, người ta có thể nói và nghe đủ thứ trên trời dưới đất, kể cả những tin "tuyệt mật" như chuyện tăng giá gạo hoặc đổi tiền vào ngày hôm sau, mà đài báo vẫn cứ chối đây đẩy.

Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng được đến những nơi đó, thường là khi cha mẹ mới có lương, hay được thưởng. Cứ độ mỗi tháng một lần, mấy đứa trẻ khốn khổ vì thòm thèm được ngồi sau xe đạp, lắm khi đi đến những nơi rất xa lạ với chúng, vì ở đó có hàng phở ngon ("Bà A. bảo thế", cha mẹ chúng nói; "bà A." ở đây thường là một nhân vật buôn bán, phe phẩy, theo ngôn ngữ thời bấy giờ). Khoảng thời gian chờ đợi, nhìn lão chủ quán có cái bụng to cồng kềnh múa chiếc muôi và con dao sáng loáng - trong lòng thầm mơ "giá được thành lão ta để ăn cả ngày thì sướng nhẩy!" -, là những giây phút hồi hộp và hạnh phúc nhất của lũ trẻ. Và cuối cùng thì bát phở nghi ngút khói, thơm nồng được đưa lên, chúng tôi được dạy cách ăn từ từ, chậm rãi để cái vị của phở ngấm vào huyết quản, vào từng đường gân, thớ thịt. Tôi hay có cảm giác hẫng và tiếc, pha chút hoảng hốt khi bát phở sắp cạn: lại phải chờ hàng tháng giời đằng đẵng nữa! Cho đến giờ, không phai trong tôi ấn tượng những đêm giá rét, trên con đường về nhà từ quán phở, các bậc phụ huynh hể hả vì "cái quán khá thật, đáng tiền bỏ ra!", còn tôi vẫn râm ran cả thân thể vì bát phở nóng hổi trong bụng, và phấn khích vì vừa được "tiêu thụ" một thứ mĩ vị đến thế.

Đối với nhiều người, ăn phở, muốn tận hưởng được hết cái sướng, cứ phải chọn hàng phở gánh ngoài phố, ngồi xổm (hay bệt) xì xụp, nước mắt nước mũi dàn dụa, húp thành tiếng rõ to rồi suýt xoa khoái trá. Lắm ông to bà lớn mà vẫn mê thứ phở bình dân đó, nhưng vừa sĩ vừa ngại lộ diện, phải để xe ở rõ xa, ăn mặc giản dị cuốc bộ hòa nhập vào dòng người lam lũ gồm đủ các thành phần. Cảnh tượng ăn uống như thế, nhìn thì có vẻ thô lậu và hơi mất "mỹ quan", nhưng cứ ở trong cuộc, mới hay cái lý nhất định của nó. Nó cũng phản ánh phần nào cái triết lý "sống để mà ăn" rất đặc thù của Á Đông: ăn say mê, ăn hể hả, ăn một cách tận hưởng, chứ không chỉ đơn thuần thưởng thức. Đừng tưởng đây là một biểu hiện "xuống cấp" của văn hóa thời nay, dân ta hằng nửa thế kỷ trước đã vậy. Nguyễn Huy Tưởng trong "Sống mãi với thủ đô", có kể về cung cách xài phở của người Hà Nội thời xưa, như sau: "... Những người Hà Nội suốt đời chỉ có một mục đích là cái bát phở buổi sáng, họ đem hành tây, họ đem trứng đi hàng phở quen, họ đánh dấu bát để đưa chan, họ hỏi hồ tiêu, họ đòi ít ớt, họ xin ít nước béo, họ vùi đầu vào bát phở một cách thô tục, xấu xí, rồi họ ra đi một cách tự mãn, có khi còn khinh khỉnh với người không sành phở như họ nữa". Dĩ nhiên, qua những dòng trên, nhà văn muốn đả kích cái thói tục trong ăn uống, nhưng phải nhận rằng, thói tục ấy chửa chắc sẽ mất đi ngay cả trong thời đại Internet này.

Sự phân biệt giữa phở mậu dịch và tư nhân, có lẽ chỉ chấm dứt vào thời tiền kinh tế thị trường (theo định hướng XHCN). Vào những năm đầu của thập niên 80, có một đơn vị nhà nước chỉ bằng một cải cách nhỏ nhoi, đã gây tiếng vang và thu hút khá đông khách đến ăn. Người ta truyền nhau là ở cửa hàng Ga (gần ga Hàng Cỏ, Hà Nội), phở nhà nước mà khá ngon, phục vụ không đến nỗi nào, hơn thế, mỗi người mua được nhận một tích-kê có số thứ tự, ai gặp phải số chẵn chục, chẵn trăm là được thêm thịt, thêm nước béo. Cái tên "phở Đường sắt" có từ đó, tồn tại trong vài năm, như tượng trưng cho một thứ đồ "quốc doanh", mà không điêu trác, không bôi bác, tồi tệ.

Cốt lõi của phở ngon là nước trong và ngọt. Thế thì phải có nhiều xương bò, mà nước ta hồi xưa không đặc trưng mấy ở phạm trù lắm thịt cá. Thành thử, nhiều hàng phở chỉ nổi tiếng ngon vì cho lắm mì chính: người ta thả công khai vào bát phở hàng thìa bột ngọt. Dù sao, đây cũng là thứ được coi là xa xỉ vào thời ấy, nên không cần bàn gì nhiều: cứ thế nào mà chẳng được, miễn ngọt và ngon miệng, không xương thì đánh lừa cảm giác bằng thứ khác, có sao. Nhưng sau đó ít lâu, lại có nhiều bài báo và dư luận bảo rằng mì chính độc, ăn lắm có hại cho cơ thể (đào đâu ra mà lắm! Tôi cho rằng thứ tuyên truyền này cũng giống như kiểu rau muống bổ hơn thịt bò, đường đen (của Quy Ba) tốt hơn đường trắng mà lũ "chân gỗ" thời trước nghĩ ra để làm dịu người dân trước những mặt hàng thiếu thốn), nên lắm người cũng hỏi chờn chợn. Ai đó nghĩ ra cách thử cho các loại có mùi tanh như tôm, cá vào nồi hầm, xem sao. Và đặc biệt thay, họ làm thế nào mà ta không thấy có chút vị tanh gì sất, lại ngọt và trong vắt! Không biết, nước phở loại ấy có được liệt vào hạng "chính thống" của ông Nguyễn không? (Nhớ đâu viết đấy, Thạch Lam có kể - hình như trong "Hà Nội băm sáu phố phường" thì phải -, rằng ở Hà thành xưa, có một hàng phở gánh duy nhất trong nhà thương Phủ Doãn, còn cho mấy giọt cà cuống vào bát nước dùng. Chửa nếm, nên tôi không hình dung ra nổi mùi vị bát phở như thế, sẽ ra sao).

Phở chính hiệu, có lẽ phải là phở (xuất xứ từ) Hà Nội. Nhưng từ khi hai miền lưu thông, thời thế nổi trôi, phở cũng bị lai tạp đi nhiều lắm. Một số hàng phở trong Nam, xưng là Bắc Kỳ, mà cho cả rau, giá, đỗ hệt như hủ tiếu Sài Gòn. Phở một số nơi còn được nêm cả tương, xì dầu, mắm tôm, rất lộn xộn. Chưa nói gì đến thứ phở sốt vang (?) hay thấy ở Hà thành một thời, dính làm gì chữ phở vào đây cho bôi bác nhỉ? Phở hết thành thứ quà ngon, và trở nên món ăn no của lũ trưởng giả mới. Một hồi, tại Hà Nội, ăn phở sang là phải đập vào đó vài quả trứng, có thể mang sẵn từ nhà, hoặc mua thêm ở hiệu. Lắm kẻ đòi thêm mấy miếng thịt được chặt kiểu "chém to kho mặn" rồi vênh váo ngồi ăn trước con mắt thán phục của đại chúng. Rồi chuyện gọi một tô phở đặc biệt, thịt đầy tú ụ, cho con chó bẹc-giê phốp pháp ngồi lên ghế ăn cùng với người, hình như không phải là chuyện quá hiếm hoi ở xứ ngàn năm văn vật. Tôi vốn chủ trương đa nguyên trong ăn uống nói chung, và trong lĩnh vực phở nói riêng, nhưng vẫn không chịu nổi và dị ứng với những tìm tòi, "cải cách" không phải lối kiểu trên.

Nhưng cũng có những thứ "cải cách" khác, rất đáng được thông cảm, bởi hoàn cảnh những chủ nhân của chúng, dù nó đi ngược lại mọi nguyên lý cơ bản và sơ đẳng của phở. Đó là thứ phở cơm, hay cơm phở, món ăn được lũ sinh viên nghèo khó rất ưa thích: chung nhau bỏ ra ít tiền, mua nước phở, tiện thể bốc trộm chút hành xanh, về trộn với cơm hẩm ký túc xá, xì sụp húp ăn rồi thi nhau khen ngon. Hay những hàng phở gánh bình dân, phục vụ tận nơi tận chốn lũ học trò vào những đêm mất điện, lúc ấy, mọi thứ bánh phở, nước dùng, hành, rau thơm, nước mắm, tương ớt, dấm được đổ ụp với nhau thành một thể tạp-pí-lù (hay đả biên lô, theo cụ Vương Hồng Sển, nghĩa là thập cẩm, tào lao, ba lăng nhăng), cay xè, lắm khi mặn chát chúa, vậy mà ai dám bảo là dở?

Phở ở xứ Tây, do những điều kiện "kỹ thuật" nhất định, chắc không thể làm theo những phương thức kinh điển, và ngon như ở nhà. Phở quận 13 Paris, phở Cali, người khen, kẻ chê, tôi chưa được nếm nên không dám lạm bàn nói bậy. Nhưng người viết bài này cảm thấy rất hài lòng về phở ở xứ Đông Âu, được nấu tại những quán ăn đứng nho nhỏ tại chốn chợ búa tất bật, lam lũ của đồng bào mình: ở đó, người nấu phải dùng bánh phở khô, nước dùng có khi nguội, và bát phở không nóng một cách tự nhiên, mà bởi microwave, có khi thiếu cả những gia vị phụ trợ tối thiểu; người ăn dùng bát, thìa và dĩa nhựa, một lần rồi bỏ. Thế mà mỗi lần thưởng thức nó, tôi vẫn bùi ngùi như đụng chạm vào một mảnh quê hương.