2/11/08

Sống chết mặc bay



Nhân cô giáo Minh có nhu (yêu) cầu "ôn cố tri tân" 1 truyện ngắn nổi tiếng sáng tác cách đây tròn 90 năm, của ông chú Quang, phá lệ (là blog chỉ đăng tin, bài... "chính chủ"), bốt lại "Sống chết mặc bay" kèm một số tư liệu tham khảo "trích giảng văn học" để tập làm văn, nếu cần.

*

Nhà văn Phạm Duy Tốn (1883-1924) sinh ở Hà Nội, quê làng Phượng Vũ, huyện Thường Tín - Hà Tây. Năm 1901 sau khi tốt nghiệp Trường Thông ngôn, ông làm phiên dịch tại Tòa thống sứ Bắc Kỳ. Được một thời gian xin thôi để viết báo. Ông từng cộng tác với các báo "Đại Việt tân báo", "Nông cổ mín đàm", "Đông Dương tạp chí", "Lục tỉnh tân văn", "Nam Phong tạp chí", "Trung Bắc Tân văn". với các bút hiệu: Ưu Thời Mẫn, Thọ An, Đông Phương Sóc, Phạm Duy Tốn.

Phạm Duy Tốn là người "Tây học" cho nên chịu ảnh hưởng ít nhiều đến xu hướng viết văn. Nhìn chung truyện ngắn của ông phản ánh cuộc sống theo hướng hiện thực chủ nghĩa, sáng tác của ông tố cáo một số cảnh bất công độc ác dưới chế độ thực dân nửa phong kiến: ở thành thị là đồng tiền và lối sống cá nhân tư sản, phá hoại hạnh phúc gia đình gây ra lối sống bừa bãi, lường đảo, còn ở nông thôn là cuộc sống của người nông dân khốn khổ, bấp bênh vì lụt lội đói kém vì nạn quan tham coi rẻ mạng người. Tiêu biểu cho tinh thần tố cáo xã hội là truyện "Sống chết mặc bay". Ông là một trong số những người có công đầu phát triển thể loại truyện ngắn và nền văn xuôi hiện đại nước ta.

Tác phẩm chính: "Bực mình" (1914); "Sống chết mặc bay" (1918); "Con người Sở Khanh" (1919); "Nước đời lắm nỗi" (1919). Ngoài ra ông còn soạn "Tiếu lâm quảng ký" (3 tập) với bút hiệu Thọ An.

*

SỐNG CHẾT MẶC BAY

Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng... thuộc phủ... xem chừng núng thế lắm, không khéo thì vỡ mất.

Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức gìn giữ, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy, ngập quá khuỷu chân, người nào người ấy, lướt thướt như chuột. Tình cảnh này trông thật là thảm.

Tuy đánh trống liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác, gọi nhau sang hộ, nhưng xem chừng ai cũng mệt lử cả rồi. ấy vậy mà trên trời thời mưa vẫn tầm tã trút xuống, dưới sông thời nước cuồn cuộn bốc lên. Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất!... (1)

Ấy, lũ con dân đang chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ, đem thân hèn yếu đuối mà đối với sức mưa to lớn, để bảo thủ lấy tánh mạng gia tài; thế thời quan cha mẹ ở đâu?

Thưa rằng: Đang ở trong đình kia, cách đó chừng bốn năm trăm thước. Đình ấy cũng ở trên mặt đê, nhưng cao mà vững chãi, dẫu nước to thế nữa, cũng không việc gì.

Trong đình, đèn thắp sáng trưng; nha lệ lính tráng, kẻ hầu người hạ, đi lại rộn ràng. Trên sập mới kê ở gian giữa, có một mình quan phụ mẫu, uy nghi chễm chện ngồi. Xung quanh sập, bắc bốn ghế mây, bắt đầu từ phía hữu quan, thì có thầy đề, rồi lần lượt đến thầy đội nhất, thầy thông nhì, sau hết, giáp phía tay tả ngài, thì đến chánh tổng sở tại, cùng ngồi chầu bài.

Ngoài kia tuy mưa gió ầm ầm dân phu rối rít; nhưng trong này xem chừng tĩnh mịch nghiêm trang lắm, trừ quan phụ mẫu ra, mọi người không ai dám to tiếng. So với cảnh trăm họ đang vất vả lấm láp, gội gió tắm mưa, như đoàn sâu lũ kiến ở trên đê, thời ở trong đình rất là nhàn nhã, đường bệ, nguy nga: nào quan ngồi trên, nào nha ngồi dưới; người nhà, lính lệ như khoanh tay sắp hàng, nghi vệ tôn nghiêm, như thần như thánh. Thỉnh thoảng nghe tiếng quan phụ mẫu gọi: "Điếu, mày!" tiếng tên lính thưa: "Dạ"; tiếng thầy Đề hỏi: "Bẩm, bốc?" tiếng quan lớn truyền "ừ". Kẻ này: "Bát xách... Ăn", người kia: "Thất văn... Phỗng", lúc mau, lúc khoan, ung dung êm ái, khi cười khi nói, vui vẻ dịu dàng. Thật là tôn kính, xứng đáng với một vì phúc tinh...

Khi đó, ván bài quan đã chờ rồi. Ngài xơi bát yến vừa xong, ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi, mắt đang mải trông đĩa nọ, bỗng nghe ngoài xa, tiếng kêu vang dậy trời đất... Mọi người giật nẩy mình, duy quan vẫn điềm nhiên, chỉ lăm le chực người ta bốc trúng quân mình chờ mà hạ. Vì ngài sắp ù to.

Có người khẽ nói:

- Bẩm, đê có khi vỡ!

Ngài cau mặt gắt rằng:

- Mặc kệ.

Rồi ngài xếp lại bài, quay gối dựa sang bên tay phải, nghiêng mình, bảo thầy đề lại:

- Có ăn không thì bốc chứ!

Thầy đề vội vàng:

- Dạ, bẩm bốc.

Vừa lúc đó, thì tiếng người kêu rầm rĩ, càng nghe, càng lớn. Lại có tiếng ào ào như thác chảy xiết; rồi lại có tiếng gà, tiếng chó, trâu, bò kêu vang tứ phía.

Bấy giờ ai nấy ở trong đình, đều nôn nao sợ hãi. Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, tất tả chạy xông vào, thở không ra lời:

- Bẩm... quan lớn... Đê vỡ rồi!

Quan lớn đỏ mặt, tía tai, quay ra, quát rằng:

- Đê vỡ rồi!... Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không?... Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?

- Dạ, bẩm...

- Đuổi cổ nó ra!

Ngài quay vào, hỏi thầy đề:

- Thầy bốc quân gì thế?

- Dạ, bẩm con chưa bốc.

- Thì bốc đi chứ!

Thầy đề, tay run cầm cập, thò vào đĩa nọc, rút một con bài lật ngửa, xướng rằng:

- Chi chi!

Quan lớn vỗ tay xuống sập kêu to:

- Đây rồi!... Thế chứ lại!

Rồi ngài vội vàng xòe bài, miệng vừa cười, vừa nói:

- Ù! Thông tôm, chi chi nẩy!... Điếu mày!... (2)

*

Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng lúa má ngập hết; kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh sầu thảm, kể sao cho xiết! (3)

"Nam Phong tạp chí", số 18, tháng 12-1918

***

Tham khảo:

"Sống chết mặc bay" (1918) là truyện ngắn nổi tiếng của Phạm Duy Tốn được xem là bông hoa đầu mùa của truyện ngắn hiện đại Việt Nam viết bằng văn xuôi tiếng Việt hiện đại.

- Đoạn 1: Từ đầu đến "hỏng mất" - Nguy cơ vỡ đê và sự chống đỡ tuyệt vọng của người dân
- Đoạn 2: Từ "Ấy... Điếu mày!" - Cảnh quan phủ và nha lại đánh tổ tôm khi "đi hộ đê"
- Đoạn 3: Còn lại - Cảnh đê vỡ nhân dân lâm vào cảnh thảm sầu

? Tại sao tác giả viết làng X, phủ X mà không gọi tên cụ thể như gọi tên con sông Nhị Hà? ("Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng X thuộc phủ X xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đã thẩm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất".)

? Thời gian gần 1 giờ đêm, nghĩa là thời điểm khuya khoắt, bình thường mọi người đã ngủ say. Xác định thời gian nửa đêm như thế, tác giả muốn nói điều gì? ("Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức giữ gìn, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người ấy lướt thướt như chuột lột. Tình cảnh trông thật thảm".)

? Miêu tả cảnh tượng nhân nhân đang vật lộn căng thẳng vất vả đến cực độ trước nguy cơ đê vỡ, tác giả nhằm dụng ý gì? ("Tuy trống đánh liên thanh ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác gọi nhau sang hộ, nhưng xem chừng ai ai cũng mệt lử cả rồi. ấy vậy mà trên trời thời vẫn mưa tầm tã trút xuống, dưới sông thời nước cứ cuộn cuộn bốc lên. Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất".)

Hãy chọn đáp án đúng:
A. Nói lên thiên tai đang từng lúc giáng xuống đe doạ cuộc sống của người dân quê.
B. Nói lên sự thắng thế của con người trước thiên nhiên.
D. Nói lên sự yếu kém của thế nước trước thế đê.
C. Nói lên sự căng thẳng của quan phủ và bọn lính khi đi cứu đê.

7 nhận xét:

Hoang Linh nói...

Anh có tìm hiểu thì quan lại thời phong kiến nhìn chung là tốt, những vụ như ở truyện ngắn này ko nhiều đâu. Ngay cụ Ngô Tất Tố ("Tắt đèn") thời ấy cũng bị phê bình là mô tả quá đen tối đời sống nông dân và giới quan lại, chứ trong thực tế nó đâu có thế. Có khi ghép tất cả các trường hợp xấu của quan lại Bắc Kỳ cũng ko ra được nhiều cái tệ như trong truyện. Có điều, thời ấy viết lác khá tự do, cứ bức xúc thì các cụ phang, có ai làm gì đâu...
Còn quan lại bây giờ thì anh ko dám nhận xét, dĩ nhiên bao giờ, ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu... Thôi để có thông kê nói cho chắc về tỉ lệ ;)

Vân, Lam & Scoo nói...

Em đọc chuyện này từ lâu rồi mà ko nhớ tên. Thực ra quan lại chế độ cũ quan lại ko phải ai cũng là ng xấu để dân tình sống chết mặc bay, em có biết (nghe kể lại) một vị quan phủ, cũng có công lớn trong việc giúp dân cứu lụt, hay một số vị khác thì mang nhiều công trạng khác. Ngay trong xã hội ta cũng có lãnh đạo tốt, có ng ko tốt. Em không thích văn chương tuyên truyền một chiều kiểu này. Tại sao cho học sinh học thì cứ quan lại là phải xấu, nhà giàu phải xấu, dân thì phải khổ, nhà nghèo là ng tốt, thằng giặc là xấu, chú bộ đội là tốt, làm hoen ố tinh thần bọn trẻ. Nên có cách nhìn công bằng hơn (theo thiển ý của em), là cho trẻ con phân biệt tốt xấu đúng tầm của nó, ko nên khái quát hoá.

Vân, Lam & Scoo nói...

Dạo này Sen4` già béo lùn hói lại thích đồ cổ hay seo mà cứ bám lấy em suốt (bám lấy cả anh Linh, à quên blog anh Linh) để spam. Người ghét quá cơ.
Mà anh Linh có công nhận anh Sen4` casting vào vai Quan phụ mẫu chả phải hoá trang nhỉ, bụng phệ sẵn rồi, râu dê sẵn rồi. cái điệu cười chả giống ai sẵn rồi, thích gái cả đẹp cả ko đẹp sẵn rồi, thiếu mỗi cái áo thụng với cái bài ngà, nhìn y chang

Thanh Ngọc nói...

V béo già rồi mà còn xí xọn. Quan thời nào chả tốt, vấn đề là tốt với ai thôi.

Hoang Linh nói...

Hihi, đúng là Mẹ Scoo dạo này được Sen theo sát thật, chắc có lý do gì đây :)

myselfvn nói...

sau lũ lụt dịch cạnh khoé phát triển ghê quá:-P

Ferenc Luu nói...

Anh Linh ra để mà chỉ thấy bình loạn chẳng ai chịu trả lời. Em giơ tay phát biểu phát.
Câu 1: Ổng sống ở Hà Tây, nên ổng nghe phong phanh có vụ PMU18 nên ổng không dám viết rõ. Sợ mốt khép tội tiết lộ bí mật của quốc gia. Hí hí.
Câu2: Phải chọn canh 1 mới ổn được. Khi đó các cụ oánh tổ tôm vô khuya rồi thì mới "Đói thì ...nấu cháo gà mà ăn" được chứ. (Em nhớ kô nhầm thì đoạn cuối của bài này ngoài vụ "Điếu đâu..." còn câu trên nữa). Tụi SV em chơi khuya cũng hay nấu cháo gà ăn tối lắm anh. Hì.
Câu 3: Chả câu trả lời nào là đúng nhất cả. Dân hai ven bờ Nhị Hà khi đó đang nghĩ coi đợt tới đây có nên xuống ... Hải Phòng mua rau đem lên Hà Nội buôn hay không. Vậy nên mới căng thẳng, hò hét nhau chuẩn bị xe, xuồng để chở rau.
Bài này ai chấm em điểm 5 nào :). 5-ös đó nhé, không phải 5/10 hệ thống VN đâu.

Đăng nhận xét