13/4/08

(Mắc) Dịch



Có người hỏi sao bố cún không đưa vụ “Những ngọn nến cháy tàn” (mà bố cún tương đối “liên đới”) lên blog. Câu trả lời đơn giản: những trò bẩn thỉu và tệ hại này, có lẽ chả cần phải đưa lên, làm “vấy” bầu không khí vốn trong lành và “lành mạnh” (bạn myselfvn hiểu chữ “lành mạnh” này đấy ;)) ở đây.

Tuy nhiên, dầu sao thì vụ này cũng đưa ra nhiều “gợi mở”, "tham chiếu", ví dụ vấn đề dịch tác phẩm văn học Tây ra ta thế nào là hay, mà bạn Linh có làm một entry, nhân bài viết của Song Anh trên báo “Tuổi Trẻ”. Nên bố cún cũng nói leo chút.

Xuất phát từ một câu trong bài viết, nhận xét về bản dịch của Giáp Văn Chung: "Tuy vẫn còn có đôi hạt sạn, bản dịch này, theo thiển ý của tôi, là một bản dịch rất tài, có hồn, câu chữ nhuần nhị, không bị "Tây" và cứng như nhiều dịch giả mắc phải khi chuyển ngữ một tác phẩm phương Tây", bạn Linh nhân đó “lan man về việc dịch thuật”: “Bài báo cho thấy tác giả ngầm cho rằng một bản dịch hay là một bản dịch không bị "Tây" và nhuần nhuyễn theo tiếng Việt hơn. Đây có lẽ cũng là quan điểm phổ biến đối với việc dịch ở Việt Nam. Tuy vậy, đây không hẳn là một quan điểm phổ biến lắm trên thế giới. Theo một số người, thì việc dịch một bản dịch từ tiếng "Tây" mà khi đọc nó không có cảm giác đọc là "Tây" chưa chắc đã là điều tốt.

Bạn Linh nhận xét thế đúng mà cũng không hẳn là đúng. Song Anh khi viết và “khen” bản dịch cua Giáp Văn Chung, bố cún hiểu là tác giả bài viết “khen” “câu chữ nhuần nhị, không bị "Tây" và cứng”, chứ không phải là “khen” đọc bản dịch đó ta “không có cảm giác đọc là "Tây" như Linh nghĩ (hoặc liên tưởng về sau). Kỳ thực, bản dịch Giáp Văn Chung rất “Tây”, đọc thấy tác phẩm của… Tây ngay, nghĩa là nếu thay những tên nhân vật chính như Henrik, Konrád… thành Hùng, Tuấn, thay các địa danh Budapest, Vienna… thành Mù Căng Chải, Ba Vì… thì vẫn không ai hình dung được câu chuyện diễn ra ở Việt Nam cả ;)

Tất nhiên, quan niệm về dịch mỗi nơi một phách. Đã đành dịch trước hết phải chính xác (không được dịch sai, bậy), nhưng phong cách dịch phụ thuộc vào dịch giả, mỗi người một khác. Và phụ thuộc vào quan niệm “dịch cho ai” của dịch giả nữa. Có thể song song tồn tại những bản dịch đều chính xác cả, nhưng người xác định dịch cho đại chúng sẽ cho ra một dịch phẩm khác với người xác định dịch kiểu "hàn lâm" cho độc giả elite (với mục đích nghiên cứu - đừng nghĩ là hễ cứ elite Việt Nam thì “nghiễm nhiên” đủ trình độ đọc và đánh giá nguyên tác, mà không thông qua các bản dịch nhé ;)).

Chuyện “nuột nà” hay không “nuột nà” khi dịch thì đã là đề tài thảo luận ở Việt Nam từ khoảng thập niên 60. Bố cún còn giữ những bộ “Tạp chí Văn học” từ thời đó, bị mối xông không biết bao lần rồi, về chuyện, ví dụ, dịch “Xi măng” của Liên Xô thì phải giữ được bầu không khí sục sôi của thợ thuyền, công nhân, còn dịch cái gì đó thì phải “trang nhã”, “chải truốt”. Đại loại là, bản gốc thế nào, ta cũng nên… gần gần như thế. Ấy là chuyện đã cũ mèm.

Trả lời câu hỏi “thế nào là một bản dịch hay?”, bạn Linh đưa ra một nhận định rất mang tính… tiên đề: “Một bản dịch hay có lẽ là một bản dịch đúng với nguyên tác, không làm cho tác phẩm hay hơn hay dở đi, không làm cho tác phẩm có những vẻ đẹp mà nó không có trong nguyên tác hay mất những vẻ đẹp mà nó từng có trong nguyên tác”. Vấn đề ở đây chỉ là có tồn tại những bản dịch như thế không?

Đọc vớ vẩn một cuốn sách thì dễ, hiểu được nội dung mà nó truyền tải đã là việc khó rồi, dịch nó ra cho “hạp lỗ nhĩ” (tức là không quá ngây ngô) càng khó nữa. Chưa nói đến bản dịch hay đâu nhé.

Chuyện rất thường gặp ở Việt Nam là dịch giả… dịch sai, thấy đoạn nào khó thì lược dịch, phỏng dịch, hoặc bỏ đi. Chuyện dịch giả không hiểu lắm về tác phẩm có lẽ vẫn khá… cơm bữa, vì muốn hiểu một tác phẩm, không chỉ cần hiểu cái text của nó ở đây, mà bét ra cũng phải có một phông văn hóa nhất định để hiểu về lịch sử, chính trị, xã hội… của cái thời mà nhà văn viết tác phẩm ấy. Điều đó thì không phải ai cũng có điều kiện tìm hiểu kỹ càng…

Ngay dịch giả lắm khi cũng lơ mơ vậy, độc giả thì không nhiều người có khả năng tiếp cận với nguyên bản và đủ trình độ (ít nhất ở mức dịch giả) để đánh giá xem bản dịch có giữ nguyên được cái hay, dở của bản gốc hay không. Cho nên tiêu chí “câu chữ nhuần nhị, không bị "Tây" ở đây có lẽ phải hiểu như là, dịch giả nên có khả năng diễn đạt những câu từ, khái niệm của Tây một cách uyển chuyển trong tiếng Việt. Chứ dịch ngô nghê, ngọng nghịu, bê nguyên những cấu trúc câu, cách dùng từ của Tây vào tiếng Việt, rồi bảo “tôi trung thành với nguyên tác, Tây nó thế”, thì cũng kẹt cho độc giả Việt Nam lắm (bố ai biết… Tây nó có thể thực không, hay là do ông dịch giả… dốt tiếng Việt?) ;)

Tóm lại, từ ngàn đời nay, dịch vẫn là chuyện “mắc dịch”, “dịch tả” (tiêu chảy cấp tính)… lắm chuyện! Nhưng vẫn phải dịch! ;)

(*) Ảnh minh họa trong bộ phim chuyển thể từ tác phẩm, dựng năm 2007, toàn do các nghệ sĩ ND, ƯT thủ vai. Phim đã được tặng cho tất cả các trường trung học ở Hungary để trẻ em ngâm cứu ;)

32 nhận xét:

Hana nói...

Cái đoạn nhiều dịch giả dịch sai do này nọ ba chấm (lười liệt kê) mà vẫn búa được độc giả làm em nhớ ngày trước có bạn nào đó post mấy bài thơ của Szymborska qua bản dịch của Tạ Minh Châu, rồi các bạn vào khen tới tấp, nhưng một bạn biết tiếng Ba Lan thì bảo những bản dịch đó có nhiều chỗ sai do hiểu sai văn bản. Thế có chết người không cơ chứ. Đã mang lấy cái sứ mệnh cao cả là giúp những con dân nước Việt mù ngoại ngữ mãn tính tiếp cận với tâm hồn long lanh của nhân loại mà còn dịch sai và dịch bừa nữa thì đúng là hư thật, đáng quất cho mấy roi vào mông :)).
Em lại nhớ có lần bạn Thụy Anh bảo là không dám dịch Anna Akhmatova vì không hiểu hết làm mình xấu hổ thế, vì chính ra em cũng chả hiểu gì nhưng vui tay (với cả cũng có ý muốn được bạn Thụy Anh đưa lên Thi Viện) nên cứ dịch từa lưa hột dưa, bây giờ mới thấy mình liều mạng :P. À mà em cũng nghĩ là dịch tác phẩm nào thì nên biết ngoại ngữ mà tác phẩm đó được viết bằng, chứ cứ dịch qua bản dịch của người khác, nhiều khi sai một ly đi một dặm, rất nguy hiểm.

Hana nói...

do hiểu sai nguyên bản (typo)

Hoàng tử Dế nói...

Mình có cảm giác bạn Linh hiểu câu "Câu chữ nhuần nhị, không bị Tây, cứng..." là "thuần Việt" là không đúng đâu.
Mình cũng có quan niệm dịch một tác phẩm văn học phải bám sát nguyên tác đến mức cao nhât, thậm chí làm sao có thể đem đến cho người đọc được cảm nhận rõ nét về văn phong của tác giả, cho dù là qua tiếng Việt. Ví dụ, một số dịch giả dịch văn học Nga-Xô Viết đã làm được điều này, khiến mình, sau này lớn lên, đọc nguyên tác mà thầm cảm phục họ, vì Dot rõ ràng là Dot và Paustovsky rõ là Paus. không lẫn vào đâu được!
Thế nhưng, bám sát nguyên tác không có nghĩa là dịch cứng đơ theo kiểu nói của Tây. Mình vẫn cho rằng, chuyển ngữ một câu, một đoạn không phải là việc thay vì dùng từ này ở tiếng Nga, tiếng Anh thì ta dùng từ kia ở tiếng Việt. Muốn dịch hay, phải là người giỏi tiếng Việt đã, làm sao cho người đọc khi đọc bản dịch đó tiếp nhận vào người dễ dàng, không bị "đẩy bật ra". Mình lấy ví dụ, có lần mình đọc được câu dịch đại để như: "Tôi thường nhớ lại miền X. và những người tôi từng sống và làm việc với". Trung thành với nguyên bản hay không thì mình không rõ, chỉ biết là mình thấy ngay đây là kiểu nói của Tây! Khi dịch, có nên để "Tây" thế không nhỉ? Mình không rõ ý bạn Linh thế nào, chứ theo mình, mình sẽ đánh giá người dịch chưa biết tiếng Việt! Hoặc, có những câu trong tiếng nước ngoài nếu dịch nguyên văn, người đọc Việt Nam không rành văn hóa nước ấy sẽ chẳng hiểu ý nhà văn nói gì. Người dịch phải tìm được phương án tương đương ("equivalent")...
Túm lại, theo mình, bám sát nguyên tác, trung thành với văn phong của tác giả và việc tìm tòi cách thể hiện ra bằng tiếng Việt một cách hợp lý, khiến người đọc Việt Nam dễ dàng tiếp thu ý tưởng của tác giả - những việc đó không hề mâu thuẫn với nhau, và là nhiệm vụ của một dịch giả!
Muốn làm được việc đó, dịch giả phải thấu hiểu tác giả một cách sâu sắc, đồng thời, mình nhắc lại ý mình, là phải giỏi tiếng Việt - Không phải ngẫu nhiên mà người ta lựa chọn từ này chứ không phải từ kia, chọn cấu trúc này chứ không phải cấu trúc kia để diễn giải một câu văn nước ngoài bằng tiếng Việt!

Linh nói...

Bác Hoàng Linh: Em không bàn gì tới chuyện cuốn Những ngọn nến cháy tàn cũng như hai bản dịch (mà tất nhiên là em chưa đọc). Như em đã nói, em chỉ nhân một câu nói trong bài báo để tán lăng nhăng về các quan điểm dịch thuật mà thôi. Vì thế những vấn đề liên quan tới Những ngọn nến cháy tàn, em không dám có ý kiến gì.
Còn về đoạn dưới thì là quan điểm của bác. Nhưng có một ý mà bác bảo em nói là có tính tiên đề thì em không hiểu ý bác là sao. Bởi vì đó chỉ là quan điểm của em. Nếu mỗi khi em trình bày quan điểm của em mà bác gọi là tiên đề (giống tiên đề Ơclip?) thì từ giờ em sẽ phải rụt rè lắm (hoặc là cứ phải thêm câu "theo tôi nghĩ" hay tương tự vào trong tất cả các phát biểu của mình mất).

Linh nói...

Bạn Hana: Tất nhiên việc dịch trực tiếp từ ngoại ngữ là tốt hơn cả nhưng không phải lúc nào cũng làm được điều này. Ví dụ ngày xưa nếu tớ không nhầm thì Cao Xuân Hạo và nhóm dịch giả dịch Chiến tranh và hòa bình cũng căn cứ chủ yếu vào bản tiếng Pháp, tất nhiên cũng tham khảo cả bản tiếng Nga nhưng hồi đó các cụ này thạo tiếng Pháp hơn. Còn Nguyễn Hiến Lê hay các cụ khác ở trong nam thì cũng vậy, toàn dịch từ tiếng Pháp và đôi khi là tiếng Anh. Ví dụ các trường hợp như Nguyễn Hiến Lê dịch Những cây cầu trên sông Drina hay Trần Tiễn Cao Đăng dịch Từ điển Khazar hay các tác giả dịch Orhan Pamuk gần đây thì rất khó lòng đảm bảo dịch từ nguyên tác được vì nguyên tác đó rất ít người Việt biết. Như vậy, hoặc người Việt sẽ không được đọc Orhan Pamuk bằng tiếng VIệt hoặc sẽ phải đọc qua một bản dịch trung gian. Thậm chí trường hợp này còn xảy ra với cả các nước Anh, Mỹ...mặc dù tất nhiên là ít hơn. Ngay như cuốn Những ngọn nến cháy tàn kia, bản dịch sang tiếng ANh năm 2001 (dịch là Embers)là từ tiếng Đức chứ không phải tiếng Hung, cho dù thực ra tiếng Hung cũng không phải là thứ tiếng được nói bởi quá ít người.

Linh nói...

Tiếp về bài báo của Song Anh. Bài này viết không đủ chặt chẽ, nhưng bỏ qua điều đó. Có điều bài này rất khó hiểu vì người đọc hoàn toàn không biết tác giả là ai: là nhà báo, hay là một nhà nghiên cứu/dịch giả (tức là giới chuyên môn) hay chỉ là một người đọc bình thường. Trong một cuộc tranh luận chưa rõ ràng liên quan tới bản quyền mà việc báo Tuổi Trẻ đăng ý kiến của một người mà không ai biết là ai (và cũng không một lời giới thiệu) như thế xem ra hơi kỳ lạ. Ý kiến của Song Anh cũng không có ý gì ngoài việc tôi đọc và tôi thấy bản dịch của anh C hay hơn chị N. Thế nếu ngày mai lại có một độc giả khác gửi thư viết là tôi đọc bản dịch của chị N thấy hay hơn bản của anh C và trích dẫn vài câu ra để minh họa thì báo Tuổi Trẻ có đăng không?
Ở đây chính là do sự không rõ ràng của báo chí. Nếu ở một tờ báo nước ngoài thì trong một "vụ án' văn học như thế các phóng viên văn hóa sẽ viết bài với tên tuổi rõ ràng và minh định chính xác. Ngoài ra còn có thể có ý kiến minh định từ giới chuyên môn. Bạn đọc hay người quan tâm cũng có thể có ý kiến nhưng sẽ đăng tải ở mục Opinions (Ý kiến bạn đọc). Đằng này lại chình ình ở mục Văn học, một bài viết của "một người quan tâm đến văn học dịch" làm cho người đọc báo cũng khó hiểu chẳng biết đường nào mà lần.

Hana nói...

Hay nhỉ, sắp uýnh nhau to rồi, mình sẽ huýt sáo và cổ vũ, nhào dzô đi các bác :)). Khi nào thiên hạ đã sứt đầu mẻ trán hết cả rồi mình mới rung đùi tưng tửng type tiền đề của mình cơ :))

Hana nói...

Thụy Anh: chị nghĩ (không phải tiền đề :D), để dịch hay ngoài những cái em nói ở trên (ngại nhắc lại) còn cần có cái tâm, dịch ào ào nhiều khi sẽ không chuyển tải được cái hồn của tác phẩm.

VangAnh nói...

hot hot hot...
hihii...em vua thay Trang Ha len blast cai chu de nay!

Hana nói...

tiên đề (lại typo) :D

Hoa Pion nói...

@Bạn Linh:
- Mình đọc bài đó, thấy rõ người ta ko khen chỉ để mà khen, người ta khen để rồi hỏi lại, với bản dịch tốt thế tại sao khi hiệu đính, bà Nhung cứ đòi đứng tên chung, rồi là sau đó lại bỏ bản dịch ấy đi mà dịch lại? Thông thường bản dịch quá kém mới cần đến việc đó chứ.
Hình như bạn ko hiểu hết sự vụ đã nói rồi! :(

Hana nói...

PVNH: Hihi bạn tinh nhỉ, mình nhắc đến chữ TÂM là để nói với một số kẻ đang theo dõi blog này rất chặt chẽ ;. Bọn chúng đang tung hoả mù nhằm che mắt thiên hạ nhưng mà ở bên Hung ai là ko biết cái vụ đạo dịch trắng trợn mất nhân cách đấy. Chỉ có ở VN là mọi người chưa biết thì nhân vụ này NCTG phải vạch mặt luôn đi!

Hoang Linh nói...

Hìhì, mới về đã thấy topic sôi nổi quá. Phải cám ơn bạn Linh đã khuấy dộng, vì đụng đến dịch là chuyên môn và sở trường của “chàng” rùi ;)
Nói leo một tẹo thui, vì phải bế cún bây giờ.
@ Linh: Mình cũng “ăn theo” entry của Linh, định nói càn về chuyện dịch dọt thôi, chứ nội vụ cuốn NNNCT thì không phải mục đích của entry này. Ngay cả chuyện mình nói bản dịch của anh Giáp Văn Chung thực ra rất “Tây”, là liên quan đến ý kiến của tác giả bài báo ‘Tuổi Trẻ” “khen” bản dịch ấy “câu chữ nhuần nhị, không bị "Tây" và cứng” thôi, và có ý nói rằng hai cái ấy không đi ngược lại nhau, mà thực ra đều cần thiết như nhau (giữ được ở mức độ nào đó tính chất của nguyên bản, và diễn đạt cho nó uyển chuyển và phù hợp trong tiếng Việt).
Còn chuyện “tính tiên đề” là đùa cho vui ấy mà. (Nhưng đúng là theo thói quen, có lẽ vì cẩn thận, khi đưa ra một nhận xét hay khẳng định gì đó thuộc về vấn đề to tát, mang tính xác quyết, mình hay thêm cụm “theo ý tôi” thật ;))

Hoang Linh nói...

@ today20: Mình thấy ý kiến “cái tâm” trong công việc chính là sự chuyên nghiệp trong quan niệm và cách thực hiện công việc đó, hình như mấy ông học giả kiểu Nguyễn Hưng Quốc hay Hoàng-Ngọc Tuấn cũng đã bàn rất hùng hồn rồi thì phải. Trên lý thuyết thì là như vậy, không thể sai được, vì mình nhớ có nhiều sách vở và các ông XYZ được mấy vị trên nêu ra để chứng tỏ ;).
Trong chuyện dịch dọt, vết lách, trong thực tế, “cái tâm” có lẽ còn đi kèm với đạo đức nghề nghiệp, hay đạo đức nói chung (copy của Nhị Linh), và đây là cái không nhất thiết nằm trong, hoặc có thể suy ra trực tiếp nếu chỉ nhìn trên văn bản…
Tuy nhiên, mình thấy chuyện làm gì cũng phải có “cái tâm”, dù hiểu dưới nghĩa gì đi nữa, không sai mấy (chuyện “cái tâm” bằng mấy “cái tài” thì là một “phạm trù” khác, có thể trao đổi dài dài, không nhất thiết phải ghép vào đây ;)).
TB. Dịch "ào ào" (hiểu theo nghĩa bừa bãi, cẩu thả, không đem tới cho độc giả được một bản dịch xác tín vì những lý do khách quan và chủ quan nào đó) theo mình là không “có tâm” ;) Dĩ nhiên, đây chỉ là ý kiến riêng của mình…

Hoang Linh nói...

@ Nhị Linh: Không, đã bảo là entry này chú tâm về chuyện dịch dọt thôi mà ;) Giỡn hoài hìhì

2Ti nói...

Em thấy ở nhà mình, nhìu cuốn dịch cẩu thả lắm. Đến mức, chẳng cần đọc nguyên tác cũng bit là dịch ko chuẩn :(
Đang có đại dịch xuất bản bừa ở nhà, anh ạ. Mua sách bi giờ phải rất cẩn thận :(

Hana nói...

Hihi voi 1 nguoi ko ro vu viec nhu ban today20 thi nhung gi ban noi to hoan toan dong y :D

today20 nói...

:-) Mình không phản đối gì cái "tâm", nhưng tiếp tục liên tưởng của một người không biết gì về sự vụ và chưa đọc Những ngọn nến cháy tàn, mình nghĩ đặt cái "tâm" búa xua là một sự đánh giá hết sức mù mờ và rất phổ biến ở Việt Nam ;)) Làm nhà giáo phải "có tâm", bác sĩ phải "có tâm", nhà văn phải "có tâm", dịch giả phải "có tâm" và nói chung chữ tâm kia vẫn bằng ba chữ tài :-D
Thế nào là có tâm? Dịch "ào ào" là không có tâm? Thế nào là ào ào?
Mình nghĩ nên căn cứ vào những tiêu chuẩn dễ kiểm chứng và rõ ràng hơn để đánh giá bản dịch, và nên đánh giá trên văn bản, chứ không phải trên "cái tâm" của dịch giả (mà phần lớn các dịch giả mình đều không biết là ai :-D ). Rằng bản dịch đó thể hiện được sự trung thành, hiểu thấu văn bản gốc, giữ được văn phong của tác giả, đồng thời sử dụng chuẩn xác ngôn ngữ của thứ tiếng được dịch ra. Nói cách khác, nó thể hiện sự chuyên nghiệp không dành riêng cho bất cứ nghề nghiệp nào, mà bất cứ nghề nghiệp nào cũng phải có. Nếu như không làm được điều đó, thì đó là một bản dịch tồi. Còn mình không bỏ bản dịch để từ đó đá người dịch bằng cách bảo anh ta/chị ta không có tâm :-D

Hoang Linh nói...

@ lantuvien: Để khi nào anh dịch thô (nhưng đúng) một đoạn trong "Lời cỏ cây" để em xem nhé ;)

Hoang Linh nói...

@ lantuvien: Márai Sándor có làm thơ, và thời đầu cũng được biết đến như một nhà thơ, nhưng chắc (chắn) anh ko dịch được. Nói chung, anh thấy dịch (thơ hay bất cứ cái gì) là khó, và khó vừa "đại trà" mà vừa đúng, vừa hay lắm.

Linh nói...

@Hoa Pion: Khổ quá, ý của tớ là tớ không quan tâm tới sự vụ, tức là ai đúng ai sai, bà Nhung có ăn cắp của ông Chung không. Đúng ra là tớ có quan tâm và cũng nghĩ là việc của bà Nhung nếu không phải ăn cắp thì cũng không chấp nhận được về mặt nghề nghiệp do bà ấy dịch trên nền tác phẩm mà ông Chung đã có (nếu những lời ông Chung là đúng, nhưng dù sao thì cũng chưa nghe thấy phản hồi chính thức của bà Nhung) nhưng vì chưa đọc được một bài phân tích rành rọt (chính tả đúng ko nhỉ) rõ ràng và cũng chưa thấy phản hồi đầy đủ của cả hai bên hay điều tra tìm hiểu khách quan của báo chí nên tớ không có ý kiến gì về việc này. Thế nên dù ai đúng ai sai thì đó cũng không phải là nội dung mà tớ muốn bàn. Riêng về cái comment về bài báo Tuổi Trẻ, thực ra vấn đề báo đó đặt ra là sai (tạm bỏ ra các lý do cụ thể liên quan tới cuốn sách này mà chỉ xét vấn đề trên cơ sở nguyên tắc thôi nhé): Tại sao tôi không thể dịch lại một bản dịch được coi là thành công nếu như tôi muốn? Quyền dịch và quyền xuất bản là quyền tự do và độc giả mới là người có tiếng nói cuối.
@bạn Hoàng tử Dế: Ý bạn nói chung là đúng và tớ không phản đối gì. Ý tớ là dịch trung thành tác phẩm, còn diễn đạt tất nhiên nên theo tiếng Việt, nếu như điều này không làm ảnh hưởng tới văn phong của tác phẩm. Nhưng ví dụ một tác phẩm mà cả một trang toàn chữ liên tục, không hề có xuống dòng, toàn các câu ghép nối với nhau liên tục, tức là kiểu văn phong mà người Việt không viết như thế thì khi dịch, người dịch cũng nên bám vào như thế. Một trường hợp là cuốn Tình ơi là tình mà dịch giả Lê Quang đã bám sát vào nguyên tác khi dịch các câu không viết hoa chữ cái đầu.

Nhị Linh nói...

Cuối cùng bác HLinh cũng không nín nổi mà phải buột miệng à :))
Vụ này, giá kể các bạn Hung chịu hợp tác một chút thì đã rất dễ giải quyết rồi, nhưng các bạn này tù mù quá đâm rắc rối hết cả lên.
Các bác đợi vài hôm tôi qua được cái đận bận bù đầu này sẽ viết một entry làm một việc đơn giản là đối chiếu bản dịch ở một số điểm. Có nhiều điều hài hước phết, xin cam đoan :)) Bây giờ chỉ có đủ thời gian để nói bác nào định đi vào hướng chứng minh bản dịch sau đạo dịch bản dịch trước là rất dại, vì nhiều lý do. Nhưng kể cả như vậy thì vẫn có nhiều khía cạnh thuộc về ethics nói chung và ethics nghề nghiệp nói riêng bị vi phạm, và một cách trầm trọng, nên không thể bỏ qua được.

PVNH nói...

@ Hana:
Đọc comment của Mẹ Dế, đã toát ra rõ cái TÂM trong lúc dịch rồi, bạn cần gì phải nhắc thêm về chuyện "tâm" ở đây nữa? ;-)
Qua chuyện này, mình cũng thấy dường như NXB của VN hơi... dễ dãi trong việc in ấn sách? Chẳng lẽ họ không kiểm duyệt về sự "chính thống" của sách (dịch) trước khi in?
Mà nếu có nhận được ra phải - trái, liệu NXB có dám rút lại tất cả các bản in (đã được phân phối) ra khỏi các hiệu sách? Trong trường hợp này, ai sẽ là người đứng ra chịu tổn hại nhỉ? Chắc là người làm sai luật? Hay là cả NXB nữa, vì tội không nghiên cứu kỹ trước khi đồng ý in?

con đường nhỏ chạy giữa cánh đồng hoa nói...

:D ah, em đọc ông Marai Sandor là quyển "Lời cỏ cây" (hay gần tương tự thế). ^^Nhớ mãi mới ra.
Ông này có viết thơ hay sao í nhỉ? Khi nào anh Linh rảnh thì dịch em nghe ké vài bài thơ của Marai Sándor nhé anh :D

Hana nói...

DTP: tớ có nói là "chỉ chấp nhận những bản dịch từ nguyên tác" đâu nào? ;). Tớ chỉ nói khi phải dựa vào bản dịch của người khác là mình đã bị phụ thuộc vào cách cảm thụ của họ rồi, và biết đâu mình sẽ bỏ lỡ nhiều cái mà nếu mình biết ngôn ngữ của nguyên tác sẽ cảm nhận khác đi. Với những ngôn ngữ nhiều người nói tớ vẫn nghĩ các dịch giả cần phải biết ở mức độ tinh tế mới có thể dịch chuẩn xác được (chưa bàn đến "hay" hay không "hay"). Nếu chỉ "thào thạo" như anh HL nói mà đã dám dịch thì quá liều.
(Còn tất nhiên với những ngôn ngữ ít người biết thì cách khả thi nhất vẫn là dịch qua bản dịch của người khác rồi :P)

Hoang Linh nói...

@ myselfvn: Hâm rất hay, lành mạnh! Rất cần những cú hâm như thế này (dù là “tâm sự” với bạn Linh, mà ở blog này ;)), thì mới có “chợ” được chứ ;)
Mấy ý nho nhỏ:
- Thực ra thì có thể dựa vào bất cứ bản dịch từ ngôn ngữ nào, miễn là mình thào thạo và cảm nhận được ở ngôn ngữ ấy & dịch chuẩn xác là được. Khó đòi hỏi hơn được. Còn nếu lọ mọ kết hợp so với ngôn ngữ gốc được nữa, thì nhất.
- Bài “Tuổi Trẻ”: thực ra nếu đọc kỹ thì bài ấy cũng có “logic nội tại” khá… logic của nó đấy, không lộn xộn đâu ;) Có điều, vỏn vẹn trong một bài ngắn như vậy thì khó đi sâu vào phân tích được hơn, nên bạn Linh có cảm thể có cảm giác là nó chỉ nêu ra một ví dụ rồi kết luận (để đặt ra giả thiết là nếu ai có ví dụ ngược lại và kết luận ngược lại thì sao ;)). Ví dụ ở đây mình đặt trong cái mạch logic của bài viết, thì chấp nhận được.
- Về cá nhân người viết: ở đây đồng ý về căn bản với myselfvn.

Linh nói...

@myselfvn: 1. Ý về quan điểm viết blog. Tớ rất rõ ràng, tớ viết blog là để cho tớ, còn việc tớ để các bạn đọc và comment là vì tớ không bí mật những ý nghĩ và phát biểu của tớ và welcome những ý kiến nhận xét của các bạn. Tất nhiên comment của các bạn là quyền của các bạn nhưng tớ cũng có quyền xóa comment nào tớ không thích :D. It's simple and fair enough. Có điều là tớ không thể can thiệp vào việc các bạn khác nghĩ/hiểu/nói/viết thế nào về các ý kiến của tớ mà chỉ cố gắng thể hiện quan điểm của mình một cách tốt nhất có thể thôi.
2. Song Anh có là ai thì đúng là không quan trọng, nhưng người đọc cần phải biết ý của Song Anh này thực sự là ý kiến xét trên góc độ nào. Cái này ở Tây rất rõ ràng, có các cây bút columnist riêng, và ý kiến bạn đọc riêng. Các columnist mà nếu không phải phóng viên của báo thì đều ghi rõ giới thiệu vắn tắt anh này là ai, làm nghề gì. Còn ý kiến bạn đọc thì để trong mục Ý kiến bạn đọc chứ không đăng lung tung ở các mục khác. Như vậy rất rõ ràng, danh chính ngôn thuận, tránh các sự việc nhập nhằng, thao túng dư luận. Cái này thiết tưởng bác Hoàng Linh làm báo ở Tây cũng phải biết chứ nhỉ?

myselfvn nói...

- Tớ đồng ý với bạn Hana là dịch từ nguyên tác thì tuyệt nhất, nhưng nếu chỉ chấp nhận các bản dịch từ nguyên tác thôi thì đến bao giờ nhà mình mới được tiếp cận với các tác phẩm có ngôn ngữ kh phải dạng "ngoại tệ mạnh" như tiếng Anh, Pháp? Đó là chưa nói 1 bản dịch từ nguyên tác của 1 người dịch chưa giỏi có thể sẽ kh chân thực bằng 1 bản dịch tốt từ ngôn ngữ thứ 3.
- Tớ đã đọc entry của bạn Linh nhưng bận quá kh cmt được, giờ cmt ở đây chứ kh phaỉ là phải chạy sang nhà khác nói xấu sau lưng đâu nhé:-). Đúng như bạn Hoa pion nói, mục đích chính của bài TT là chỉ ra 1 sự vô lý: bản dịch của ng ta chất lượng như vậy, cô cầm bản dịch của ng ta về hứa in, rồi lại đi dịch 1 bản khác, thế là star?. Vụ này mà ra toà, kh thể kh có câu chất vấn ấy. Tuy đúng như bạn Linh nói, bạn Linh kh có ý nhận xét về vụ tác quyền này, maàlà bàn về việc dịch thuật thôi, làm thuỵ sĩ thôi, hihi. Nhưng entry đó của bạn lại nhận xét khá nhiều điều khác về bài báo (mà lại bỏ qua cái mục đích chính của bài), về mặt lý bạn làm thế hoàn toàn okie, nhưng về mặt cảm giác, nhiều người "có cảm giác" chệch ra là bạn kh đồng ý với (ý chính của) bài báo ấy, thì cũng là có lý của họ. Cái này đương nhiên là kh dính j đến chuyên môn, chỉ là ngoài lề thôi. Vì bạn Linh viết blog có nhiều entry hay và bổ ích nhưng sau đó đôi khi lại bị nhiều bạn hiểu lầm, quay sang chỉ trích bạn, tớ nghĩ một phần cũng là vì bạn linh chưa để ý đến tâm lý người đọc blog của bạn. Blog của bạn thì là của bạn thôi, nhưng 1 khi blog bạn mở public thì cmt của ng ta cũng là quyền của ng ta, hihi. Làm bloger của công chúng khổ thế đấy. Tự dưng nhảy sang blog của anh Linh để "tâm sự" với bạn Linh, hâm thật:-P

myselfvn nói...

Đã hâm thì hâm luôn quả nữa: về vụ song anh, đúng như bạn Linh nói, trong trường hợp này, sẽ hay hơn nếu TT đề hẳn ra là dịch giả, hay nhà văn, hay bạn đọc, hay phóng viên (cái tên này hình như quen quen, cơ mà óc tớ bã đậu lắm, kh dám chắc). Nhưng chuyện này cũng kh phaỉ quan trọng lắm. 1. Chúng ta nên xét việc chứ kh nên xét người. Song Anh nói sai thì Song Anh có là Đức Anh cũng vẫn là sai, mà Song Anh nói đúng thì Song Anh có là Trạch Văn Anh thì vẫn là đúng. Đó là chưa kể nhà mình hay vịn vào các loại chức danh, học hàm học vị, nhưng nhiều khi nhà báo, nhà văn cà rốt hơn độc giả "trái ngành" nhiều. 2. Dù Song Anh là ai, nhưng nếu có bài viết trao đổi có ý kiến khác, thì TT vẫn phải in "để rộng đường dư luận" chứ.

Hoang Linh nói...

@ Hana: “Thào thạo” ở đây là cách nói… tương đối. Chứ nếu chỉ “thào thạo” mà “cảm nhận được ở ngôn ngữ ấy & dịch chuẩn xác” như anh nói về sau, thì chắc hơi bị khó nhỉ? ;)

Hoang Linh nói...

@ Linh: Có mấy chuyện ở đây cần phân biệt rõ ràng trong entry của Linh về vụ bài báo của Song Anh.
1. Về nội dung bài báo. Có thể hay, có thể dở, có thể đúng hay không đúng tùy theo cách đánh giá, cách đọc của từng người; cái này bàn dài dài được, và thực ra không hề là “ý đồ” entry của mình.
2. Cách xử lý bài vở của “Tuổi Trẻ” khiến Linh không biết tác giả là ai, là ký giả, phóng viên, chuyên gia hay “bạn đọc”, khiến Linh cảm thấy sự “danh chính ngôn thuận” bị ảnh hưởng, dẫn đến nguy cơ “các sự việc nhập nhằng, thao túng dư luận” (tạm hiểu ý Linh là như vậy).
Về mặt này, Linh nói không sai, nếu nhìn nhận trên khía cạnh lý thuyết và… “ở Tây” (trích: “cái này ở Tây rất rõ ràng”).
Ở ta thì, nói chung, đến giờ chưa có sự phân biệt “rạch ròi” ấy, không chỉ trên “Tuổi Trẻ” và các báo khác cũng vậy. Đây là một thực tế (cùng nhiều “thực tế” khác, ví dụ, tại các mục lấy tên là “Văn hóa”, đa phần là tin… phi văn hóa, nhiều khi… vô văn hóa hoặc nói nhẹ ra là lá cải ;)). Mình có thể thấy (bảo) thực tế ấy phản ánh sự thiếu chuyên nghiệp của báo chí, hoặc phản ánh một quan niệm ít nhiều mang tính Á Đông, là không coi sự “rạch ròi” của Tây là điều thật cần thiết.
Nhưng trước mắt, khi thực tế báo chí Việt Nam nhìn chung vẫn vậy, thì mình cần hướng tới những tiêu chí… thực tế hơn khi đọc 1 bài báo:
a./ Nội dung và những lập luận của bài báo ấy có đúng hay không (với những gì do bài báo ấy viết ra, và với sự suy xét của riêng mình)?
b./ Tòa báo có tạo điều kiện cho độc giả được tiếp cận vấn đề một cách trung dung hay không (thể hiện ở chỗ, ví dụ, có “rộng đường dư luận”, có đăng những ý kiến, bài viết trái chiều với bài đó không, có “dắt mũi”, “định hướng” người đọc lộ liễu quá không, v.v…)
Cá nhân mình, đọc bài của Song Anh bằng cách ấy, và mình không thấy mình bị “thao túng” vì việc “nhân thân” tác giả không được giới thiệu. Cũng như, trừ vài ký giả nổi tiếng lắm (trong đó có bạn myselfvn ;)), thì đa phần mình cũng chả biết các cây bút nào của các báo ở nhà.
Đọc bài và để ý đến nội dung họ viết thôi… như thế lắm khi đủ chết mệt rồi ;)

trangha nói...

"Chuyện rất thường gặp ở Việt Nam là dịch giả… dịch sai, thấy đoạn nào khó thì lược dịch, phỏng dịch, hoặc bỏ đi. "
Lần đầu tiên em nghe nói đến việc này. Anh có biết là ai làm thế không?
Trước có ông Bùi Giáng dịch Giai nhân và Tướng cướp theo kiểu của ông và cho truyện dừng lại ở giữa chừng nhưng em nghĩ là vì ông có chủ đích. Ngoài ra ko biết có ai vì khó mà lược đi?

Đăng nhận xét