3/2/08

Sách & Đọc sách


Nhân đọc entry này của bác búp bê bằng bột (nhà văn Lê Anh Hoài), bố cún chợt nhớ lại vài mẩu đối thoại rất đặc thù (nhằm tiếp thị, marketing cuốn "Những ngọn nến cháy tàn" sau khi in xong):

* Với một anh “đại gia” người Việt ở Budapest.

Bố cún: Chào anh, bọn em mới in cuốn sách dịch của Hung, nổi tiếng lắm…

Anh “đại gia” X (hồ hởi): Ô, hay quá nhỉ! Hoan nghênh em! Em biết đấy, anh bao giờ cũng ủng hộ em mà…

Bố cún (mở cờ trong bụng): Chỗ anh hay có khách khứa, tiếp đón đoàn này nọ, anh mua cho em ít cuốn để tặng khách đi. Vừa để cho họ biết đến các giá trị tinh thần của Hung, cũng vừa cho họ thấy cơ sở của anh… trọng văn hóa.

Anh “đại gia” X (ngần ngừ): Ờ, nhưng quà cáp tặng khách anh lại chuẩn bị đủ hết rồi, tiếc quá nhỉ? Giá mà em ra sách sớm hơn… Thôi, để chờ cuốn khác em nhé ;)

Bố cún (lộn ruột, nhưng vẫn phải lịch sự): Vâng, chắc dăm bảy năm nữa ạ… có gì em sẽ báo sớm!

* Chat với nhà văn sống ở một “siêu cường” phương Tây.

Bố cún: Bọn em mới in xong cuốn sách anh ạ. Bên anh có đông người Việt không ạ?

Nhà văn Y (quả quyết ngay): Có một vài gia đình, nhưng họ buôn bán, chợ búa, không quan tâm đâu!

Bố cún (thất vọng, nhưng vẫn cố): Thế ạ? Nhưng ông nhà văn này, bên ấy cũng nổi tiếng lắm đấy ạ. Mua một cuốn, không cần đọc, để cho vào tủ kính bày cũng đẹp. Ngộ nhỡ có bạn là người bản xứ đến chơi, họ thấy, cũng vẻ vang cho “gia chủ” lắm…

Nhà văn Y (châm biếm): Nhưng họ có chơi với Tây đâu, mà có bạn “sở tại” đến nhà? ;)

Bố cún (cụt hứng tràn trề): Vậy bó tay rồi anh…

*

Mới thấy, ông nào muốn hô hào “văn hóa đọc sách” cho người Việt, trước tiên phải tạo dựng “văn hóa mua sách” cái đã. Bất kể là sách thể loại gì, cứ quen mua đã, rồi từ đó mới nói chuyện đọc…

Dân Hung nghèo rớt mùng tơi trong những năm gần đây, vậy mà, bố cún đi hội chợ sách, thấy họ mua sách nhiều ghê gớm. Mà mua đủ thứ, không phải chỉ là sách sinh ngữ, vi tính, loại “học làm người”, hay “gương doanh nhân” đâu nhé! Rất nhiều gia đình cả mấy thế hệ đều đi, và mua, cho mình: cho nên, nhà Tây nào cũng có một tủ sách đáng nể, mà hiếm… giáo sư nào của Việt Nam có được (và đọc được). Về khoản này thì, ông nội Thu Vân, mấy lần qua chơi với cháu, được bố cún cho xem danh sách các tác phẩm bắt buộc và tham khảo cho học sinh trong nhà trường (mà đa phần gia đình Tây nào họ cũng mua), mới than rằng: “Đời nào Việt Nam mới được thế này? Không đời nào!

Mà cái hay là, về căn bản, dân Hung chuộng những cái “đích thực”, những giá trị “tự thân”, chứ không quan tâm lắm đến những cuốn sách gây rầm rĩ, những nhà văn tai tiếng, mà Việt Nam mình đặc biệt chú tâm, coi là “tâm điểm của văn giới” (cái này, chắc chắn báo chí Việt Nam cũng phải chịu một phần tội - không nhỏ - bởi sự “định hướng” rất… tào lao của họ). Chẳng hạn, khi bố cún thích chí với kỳ Festival sách Quốc tế Budapest, muốn report về nhà, thì cô bạn ký giả ở Việt Nam hỏi ngay: “Có gì giật gân không? Có scandal gì không?”, khiến bố cún rất tiu nghỉu mà phân bua: “Không! Không có chuyện nhà văn này têm trầu, hay nhà văn kia đi rao bán sách ở đây! Người dân đi vì sách, các tác giả từ "siêu sao" hạng nhất đến những nhà văn bình thường cũng chỉ khiêm tốn ngồi ký sách và trò chuyện, chứ không thấy ai làm gì rầm rĩ cả...

Ý đồ report về Việt Nam dĩ nhiên tan biến từ trứng nước…

12 nhận xét:

Hoa Pion nói...

Quả là chán đời thật. Cái vụ này thì có lẽ anh Linh nói ko ngoa, về chuyện chỉ quan tâm đến những gì rầm rĩ, tai tiếng ấy (văn hóa rất.. bầy đàn - đó ko phải từ của em nhớ!)
Nhưng em cũng hy vọng (hy vọng rất nên chết sau cùng :D) rằng không đến nỗi quá bi quan đâu. Ví dụ như nhiều NXB bi giờ cũng rất quan tâm đến những giá trị "tự thân" rồi đấy. Nhã Nam là một ví dụ.
Còn văn hóa đọc.. hoàn toàn có thể xây dựng được, cho dù muộn mằn. Cái đó, các bậc phụ huynh có quan tâm ko hay cái gì cũng nhường cho "xã hôi, nhà trường" một cách chung chung?
Về điều này em từng viết bài rùi đấy. Nhưng em cũng dám cá là anh ... ko thèm đọc :P. Vì anh cậy đang ở xã hội khác, ko phải ở VN mà :P (Em đùa tẹo nhé!)

Oops nói...

Anh dung che VN the, cai gi xay ra cung co ly do cua no. Viet sach la de ban cho nguoi doc sach, vay thi phai chieu khach hang chu, khach hang yeu cau nhu cau the nao ma dap ung duoc thi sach ban duoc, khong dap ung duoc thi khong ban duoc sach, vay thoi. Sao lai bat khach hang chieu nguoi ban hang la the nao.

VangAnh nói...

kh dam binh luan

Hoàng tử Dế nói...

"Văn hóa đọc" không cần phải bắt đầu từ những cái to tát, hoặc đợi đến khi nâng cao dân trí mới có thể có "văn hóa đọc"! Ngày xưa, thời bao cấp, khi cuộc sống rất khó khăn, ăn còn chả đủ, vẫn rất nhiều gia đình biết cách tạo "văn hóa đọc" cho con cái mình. Cho dù sách hồi ấy còn ít ỏi, nhưng được làm ra một cách cẩn trọng, ít lỗi chính tả và ngữ pháp hơn sách bây giờ!
Và nuôi dưỡng ở con trẻ sự "ham muốn" được làm bạn với sách là việc của các bậc phụ huynh, nếu họ thực sự muốn nhìn thấy đất nước mình có văn hóa đọc... Bằng không, thì có bao nhiêu thế hệ nữa cũng vậy thôi!
Đó là thiển ý của em! :P

búp bê bằng bột nói...

khi văn hoá đọc đang thấp thì cần những gì rất cơ bản để nâng cao dân trí, và đúng là phải "vài thế hệ nữa" thật chứ ko thể ảo tưởng và tự sướng được.
Khi công nhân trong nước lương còn ko đủ tiền nhà trọ và tiền ăn cơm hàng ngày thì tặng sách cho họ (và bớt tiền mà họ có thể mua thứ khác thiết thân hơn) thì thật là quá đểu chứ ko phải cách tốt.
CÒn nói vậy thôi chứ vẫn có văn hoá tặng sách cho nhau nhưng chỉ trong phạm vi hẹp thui.
Chúc vui nhé, Tết sắp đến rồi!

Hoang Linh nói...

@ Hoa Pion:
- "Văn hóa bầy đàn", đúng rồi, cái này ở entry trước anh quên ko viết. A dua, ít có chính kiến độc lập, hay hùa theo nhau, v.v...
- “Giá trị tự thân”: Ở đây, anh đang nói là về người đọc ấy. Tất nhiên, NXB và báo chí… có vai trò “định hướng” phết, vì họ cứ nhồi theo hướng nào thì người đọc dễ bị… đọc theo hướng ấy ;)
- “Văn hóa đọc”: Xây dựng được, nhưng anh sợ là cần nhiều thế hệ nữa…

Hoang Linh nói...

@ Khải Hương: Ở đây có lẽ lại quay về một vấn đề cũ rích: nếu dân trí mình cao thì dần dần thị hiếu cũng được nâng lên (mọi mặt, ko cứ sách, nhạc nhẽo, phim ảnh… cũng vậy). Khi ấy, cái tầm văn hóa đại chúng cũng sẽ được kéo lên, những tác phẩm có giá trị sẽ có nhiều người (mua và) đọc hơn, cho dù tất nhiên là tỉ lệ người đọc những cái dễ dãi bao giờ cũng nhỉnh hơn, đâu cũng vậy.
Nói chung, nếu bảo bất cứ cái gì cũng là một thứ hàng, thì ko hoàn toàn đúng: “hàng” văn hóa nó có đặc thù riêng của nó, và cần một môi trường, một sự hỗ trợ và một cái “nền” khác với việc mình bán cân thịt, con cá.
Nói vậy thôi, chứ em cũng viết, em rành điều này quá đi chứ ;)

Hoang Linh nói...

@ Khải Hương: Nói thêm là, mấy mẩu anh kể lại có ý mua vui thôi, chứ ko nhằm ngụ ý “bắt khách hàng chiều người bán hàng”. Ko phải là thật phổ biến, nhưng cũng có lúc, khách hàng may mắn nếu chọn được mặt hàng OK, và người bán hàng có quyền tiếc rẻ cho khác, là đã ko có con mắt tinh đời để thưởng thức cái OK chứ ;)

Moonie Mun nói...

Cuốn Những ngọn nến cháy tàn này in ở Hung ạ? Đây chắc là bản dịch của Giáp Văn Trung.
Đại gia VN thì ít khi mua sách. Chỉ có các tiểu gia mới mua sách thôi. :D

Hoai Phuong N nói...

- “Văn hóa đọc”: Xây dựng được, nhưng anh sợ là cần nhiều thế hệ nữa… (HL)
anh HL nay lac quan qua...

Mr. Big nói...

cho mình hỏi, mua cuốn này như thế nào? mình ở vn, và rất quan tâm, nhưng tìm không ra cuốn này!

Mr. Big nói...

à nữa là...mình thích đọc sách, muốn tìm sách, nhưng in ở Hung chắc không rẻ, nên nà...cho mượn đọc cũng được! hì

Đăng nhận xét