2/2/08

Hành chính



Hôm qua có việc, lại càng thấy bộ máy hành chính đẻ ra lắm thứ cồng kềnh và phiền nhiễu như thế nào!

Bữa trước đã nói về việc, phải làm xong giấy tờ tùy thân cho cún, thì cún mới có được thẻ bảo hiểm. Không thì, đi khám, thuốc men, chết tiền!

Với Tây thì điều này không khó khăn gì: đẻ xong, vài ba ngày là làm ngay được. Nhưng cún là người Việt (ngoại quốc), nên nhiều cái nhiêu khê, mọi nhẽ, như đã kể.

Tuy nhiên, thứ Tư vừa rồi, cún đã được giấy phép định cư (dán trong hộ chiếu, oai như cóc cụ!), tức là khâu chính yếu đã xong. Bây giờ, chỉ cần thẻ hộ khẩu nữa, là đi làm được thẻ bảo hiểm.

Mà thủ tục làm thẻ hộ khẩu thì bố cún quá rành, cứ ra Phòng Tiếp dân của Quận, đợi một lúc là xong. Nhất là, bố cún sử dụng được chức năng “lấy hẹn qua Anh-te-nét” của “chính phủ điện tử Hungary” (nghe oách nhỉ?), nên 9 giờ sáng, bố cún ung dung ra bấm số, rồi nghiễm nhiên vào gặp người phụ trách và “đề đạt nguyện vọng”. Thì được biết rằng, do đây là lần đầu đăng ký hộ khẩu cho cún, nên “không đơn giản như anh nghĩ”: “Đầu tiên anh phải lên Ủy ban Quận, làm… biên bản ở đó đã!

Ủy ban Quận thì cách Phòng Tiếp dân có vài chục thước, nhưng cứ bị “quê” như vậy là bố cún đã không thích. Bố cún vặn lại: “Sao Phòng Tiếp dân trực thuộc Ủy ban Quận, mà Phòng không giải quyết ngay cho tôi? Tôi phải làm biên bản gì ở Ủy ban?”, thì bà nhân viên, rất ôn tồn, khuyên: “Anh cứ lên đó, các đồng nghiệp tôi sẽ chỉ dẫn anh… tận tình mà”.

Hậm hực, bố cún lê bước lên tầng 2, Ủy ban Quận, một tòa nhà cổ có lẽ hoành tráng và uy nghi hơn cả… Tòa Thị chính Hà Nội. Đến nơi, đang lò dò tìm phòng, gặp ngay bà hộ tịch viên hôm trước làm giấy khai sinh cho cún, bà sốt sắng hỏi: “Anh mang giấy chứng nhận quốc tịch của cháu phải không? Để tôi sửa giấy khai sinh, mục quốc tịch, cho cháu khỏi… vô quốc tịch!

Ý bố cún là đăng ký hộ khẩu cho cún, đâu phải là sửa giấy khai sinh (vì cái đó để sau cũng được). Cơ mà, được nhắc nên bố cún cũng vào Phòng Hộ tịch, nghĩ rằng tiện thể “một công đôi việc”. Tuy nhiên, chờ mươi phút, bà hộ tịch viên cầm một đống giấy tờ ra bảo: “Một tháng anh nhé. Có thể gọi điện hỏi. Xong giấy khai sinh mới thì anh đi làm thẻ hộ khẩu được rồi đấy!

Thế thì chết à? Cún đã được gần 2 tháng, mà chưa có bảo hiểm! Tất nhiên là không phải do (bố) cún, mà bởi những thủ tục dớ dẩn này nọ, nhưng khi đến bác sĩ thì họ đâu hiểu được chuyện này? Bây giờ đợi thêm 1 tháng nữa, thì tiêm chủng, khám khiếc ra sao? Bố cún bực quá, hơi to tiếng với bà hộ tịch viên, nhưng xem chừng không ăn thua được gì, nên quyết định trở lại Phòng Tiếp dân để… cà khịa.

Tại đó, bà nhân viên cười tươi, lắc đầu: “Anh không nghe kỹ tôi nói rồi! Tôi bảo anh đến Phòng… Nhân khẩu, chứ anh vào Phòng Hộ tịch làm gì? Hai phòng cách nhau có 2-3 thước thôi mà! Con anh mới snh, thì phải vào đó để đăng ký nhân khẩu cho cháu, người ta sẽ vào sổ nhân khẩu của… Hung, thì sau đó cháu nó mới có thẻ hộ khẩu được”.

Hì hì, ra thế, cũng có lý! Cơ mà, mấy phòng này thông hết với nhau, sao không… dính luôn vào một chỗ cho dân được nhờ nhỉ? Lại lao như con thoi đến Phòng Nhân khẩu, lần này thì có vẻ đúng chỗ: chờ độ gần 30 phút để bà nhân viên ở đó “vào sổ”, ký một cái giấy xác nhận mình đồng ý để họ đưa cún vào danh sách… dân Hung (dù là người nước ngoài, nhưng thường trú nhân thì được như thế), hứa là sẽ trông cún cho mẹ cún đến ký nữa (vì cái này phải được cả bố lẫn mẹ đồng thanh yeu cầu), bố cún hớn hở ra về với lời hứa của bà nhân viên, rằng: “Vụ này lâu đấy, phải mất 2 tuần, nhưng tôi sẽ đề vào hồ sơ chữ “Khẩn”, hy vọng họ sẽ làm nhanh để anh sớm có thẻ hộ khẩu. Anh có thể gọi điện hỏi trước theo số này…

Chuyện tưởng đơn giản, mà rối rắm phết (ngồi viết ra thế này cũng thấy khó theo dõi rồi). Mà đó là bố cún có biết tiếng, chứ nếu người ngoại quốc kém sinh ngữ, thì ra sao? Phải nhờ “dịch vụ”, cái đó dĩ nhiên, tốn kém. Nhưng cái bực là một đứa trẻ mới ra đời, mà do những trò nhiêu khê do người lớn bày đặt ra, mãi không xong thủ tục để làm người (theo nghĩa hành chính) – đây là điều đáng suy ngẫm.

Đã đành, là phải quản lý. Nhưng quản lý không có nghĩa là quấy dân. Quản lý tốt, là làm sao người dân không hề cảm thấy là mình được/ bị quản lý :). Làm sao để người dân không phải đi lại nhiều, mất thời gian, chuốc lấy cái bực về mình, mà cứ tới một nơi là xong hết (“một cửa” ấy).

Bố cún bực nhất là hay phải nghe câu nói: “Luật là thế mà!”, cứ như thể luật là cái gì bất di bất dịch, được ghi trong “Kinh Thánh” không bằng! Luật do con nguời bày ra, để phục vụ lợi ích con người, nên luật gì mà vớ vẩn, hành dân, là phải đổi! Mà muốn chính quyền đổi, thì dân phải… kêu, phải “mở miệng”, mỗi người một chút…

Hôm qua bố cún kêu ca khá nhiều, mọi nhẽ, dĩ nhiên là chưa đúng chỗ (các bà nhân viên chỉ thực thi nhiệm vụ, đâu có quyền gì khác, vả lại, họ rất niềm nở và kiên nhẫn với một tay da vàng, mắt xếch, mũi tẹt là bố cún), cơ mà, như thế âu cũng là thực thi một quyền hiến định và bất khả xâm phạm của nguời dân, ấy là quyền đóng góp ý kiến nhằm “hoàn thiện hóa” chính quyền (tồn tại bằng tiền thuế của bố cún và những người khác). :)

(*) Ảnh minh họa là cún 1 ngày tuổi, trong viện, cô Cầm chụp cho cháu, giờ mới lấy được ở máy cô. Khi đó cún chưa bị “hành” gì cả :)

3 nhận xét:

Hoa Pion nói...

Bố cún hay kêu quá nhỉ? Thế này mà về VN đi lo thủ tục giấy tờ thì ko biết bố cháu còn kêu đến đâu nữa ;))

2Ti nói...

Em sợ nhất là phải đi đến các nơi Hành là Chính như trên. Vì thế, em bị mất 1 số giấy tờ khá quan trọng mà đến giờ em vẫn chưa dám đi làm lại :(

Hoang Linh nói...

@ Hoa Pion: Phải kêu chứ! Quyền của mình mà ;)

Đăng nhận xét