31/1/08

Những cái bóng

5 nhận xét



Bù đầu với vụ chuẩn bị tết nhất cộng đồng, nhưng có cái này phải ghi lại ngay kẻo quên!

Buổi tối, cún không chịu ngủ nên mẹ cún bảo phải tắt hết đèn đi, chỉ để lại ngọn đèn ngủ, để cún biết rằng giờ vui chơi, giải trí đã chấm dứt, đến giờ đi ngủ rồi. Biện pháp này tuy logic (đối với suy nghĩ của người lớn), nhưng đến nay chưa có hiệu quả gì mấy; đó là chuyện khác.

Cái hay là, bố cún bế cún trong bóng tối như thế, ngọn đèn ngủ chiếu lên tường hai cái bóng khổng lồ: đầu bố cún và đầu cún. Cún cứ ngóng theo hai cái bóng ấy, và lấy làm thích thú.

Làm bố nhớ chuyện hồi nhỏ, ở với ông bà ngoại (tức hai cụ của cún), cứ tối tối ông bà lại bế bố, hoặc nằm kể chuyện và ru bố cún ngủ. Ông ngoại thường kể những chuyện không đầu không đuôi, nội dung rất tùy thích, như chuyện “con chim trên cành nó chơi với chú HL”, rồi kết cục đột ngột là… “nó quý chú HL lắm”; thế là bố sướng rồi dần dần lịm đi.

Tuy nhiên, những ngày mất điện (số ngày như thế rất lớn, phổ biến!) thì bố cún khó ngủ hơn. Lý do là, ông bà có một cái tủ lim, rất to, thuộc loại “gia bảo”: trên nóc tủ để khá nhiều tượng thạch cao các cụ Mao, Kim Nhật Thành :) Đó là vì, ông ngoại của bố, thời sau 1945 được giao nhiệm vụ phụ trách ngoại giao với Tàu (có hai tư liệu của ông, bố cún post tạm ở đâyở đây), và rồi sau đó vẫn có quan hệ thân tình (hoặc ngoại giao) với nhiều bạn hữu Tàu, rồi cả Bắc Hàn :) (mà nhà mình hồi ấy cứ gọi chung là “chuyên gia”, bất kể họ làm gì). Những dịp lễ lạt, họ hay đến nhà ông ngoại, tặng quà này nọ, trong đó, quý báu nhất đối với họ, là nhiều pho “kinh sách” của Kim Nhật Thành, hay “Mao tuyển”, và đặc biệt là những pho tượng bán thân của hai vị trên. Ông ngoại để hết lên trên nóc tủ, chỗ cao ráo nhất nhà, khô ráo nhất. (Ngoài ra, nhà ông ngoại còn một bức sơn dầu “Hồ chủ tịch bắt tay Mao chủ tịch”, khổ rất lớn, treo ở phòng khách; bức tranh này có một số phận ly kỳ, sẽ kể sau).

Tiếp. Những ngày mất điện, thắp đèn dầu, ánh đèn tù mù hắt lên những pho tượng kia làm thành những cái bóng rất đáng sợ trên tường. Trong đêm, cứ cảm giác những cái bóng ấy trùm lên mình, đè lên mình (giường ông kê sát tủ). Bố cún sợ lắm vì không lý giải được đó là cái gì. Lại bị ông ngoại dọa là, không đi ngủ thì “ông ba bị” (những cái bóng ấy) sẽ xuống bắt, cắn tai…, nên thường là chỉ một lúc, bố cún lăn ra ngủ la đà!

Loạt tượng thạch cao ấy, thời bố cún và các bác đi học Cấp 1, được bổ dần ra để làm… phấn, vì dạo đó phấn cũng khan hiếm, thường chỉ để cung cấp cho nhà trường thôi. Những cái bóng cứ vơi dần, được một thời gian thì tiệt hẳn! Nhưng khi lớn thì bố cún cũng không sợ nữa rồi, nên lại đâm tiếc rẻ…

Giá bây giờ còn 1-2 pho, để cún mường tượng ra một thời…

Cần bảo lưu và tìm hiểu lịch sử, một phần cũng vì thế! :)

(*) Ở đây có một "sử liệu", nhắc đến tên ông ngoại của bố (thời đó, chỉ có ông tên thế, trong chính phủ), nhưng lại bảo là “trưởng đoàn Nguyễn-Đức-Thụy, mặc dù có ấn-tín đầy-đủ của Hồ-chủ-tịch, cũng bị Trung-Hoa Quốc-Dân đảng nghi ngờ làm gián-điệp cho Mao bắt giam đến chết ở Tĩnh-Tây” ;) Sa sẩy quá!

29/1/08

Tin vắn

5 nhận xét




* Lâu lâu, blast một bài “chính thống”, vì nhiều người kêu ca “sao blog bất mãn thế?”, “tiêu cực, không tin vào… tương lai”, v.v… (ô hô, hiện tại đủ chết, nói gì tương lai? ; )

Thực ra là vụ đêm thơ này, như đã nói ở một entry cũ, diễn ra đã lâu, từ 1 tuần nay rồi. Bài report thì cố để đăng ở báo trong nước (cho… vẻ vang cộng đồng), nên viết khá dài và chỉnh chu đúng quy-lát. Văn vẻ rất đặc thù “tập làm văn”. Bà con vào xem thì khen cho nỗ lực của cái cộng đồng nhỏ này một câu nhé :)

* “Công tác” chuẩn bị Tết (cho cộng đồng) bên này đã vào hồi gấp rút! Bố cún, lúc đầu nhận mảng Thông tin thôi, nhưng sau dây mơ rễ má khá nhiều thứ. Đang làm poster mệt nghỉ, rồi vé xổ số (kiến thiết thủ đô), viết các loại Thông báo này nọ… Bù lại, bữa trước đi họp (BTC), được ăn một bát bún bò Huế khí ngon, hết cả mệt :) (Hết 1 bát, muốn ăn thêm nữa, nhưng hơi ngưọng, bèn thôi...)

Dầu sao đi nữa, làm việc chân tay, vẫn phải để tâm đến phần trí óc. Nhân Tết, bốt lại hai bài này của Minh, có nhiều điểm cấp tiến, vưọt thời gian phết (mà cũng không phải là hoàn toàn vô lý ;)).

* Hôm nay lại rửa một loạt ảnh cho cún, có những cái đắc chí, mặt mày vênh vang (minh họa một cái ở entry này). Cún bây giờ giống hệt Thu Vân hồi nhỏ, đến mức Thu Vân nhìn ảnh mình hồi bé và ảnh cún, có lúc không phân biệt được.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc cún giống bố y xì, rất thích!

Tuy nhiên, cún vẫn quấy rùng rợn, hiếm lúc nào yên! Vết tiêm chủng trên bả vai cún bị mưng mủ, chảy máu, chắc làm cún đau và khó chịu (mà bố mẹ không biết), càng khiến cún hay khóc. Có điều, chỉ cần cún nở một nụ cười (trọng rất ngộ, và nhiều khi, rất… đểu ;)) là “bù đắp” được hết cả.

Người lớn khờ, dễ bị chinh phục thật!

* Ngay sau khi cún ra đời, các bà bác sĩ, hộ sinh… đã lập tức cảnh báo và hướng dẫn bố mẹ cún, rất cặn kẽ, làm sao để Thu Vân khỏi cảm thấy tự ái, mặc cảm, và cân bằng tâm lý, khi vị trí độc tôn của cô nàng trong gần 9 năm tự nhiên bị chấm dứt! Phải nói Tây họ để tâm và cẩn thận thật, chứ có lẽ Việt Nam mình ai hơi đâu bỏ thời gian giảng giải - miễn phí - những cái này cho các ông bố, bà mẹ?

May thay, Thu Vân rất yêu em, thích bế và chơi với em, làm nhiều trò ngộ nghĩnh và giúp bố mẹ được nhiều. Chỉ có một điều mà Thu Vân chưa tự lý giải được cho mình (và do đó, vẫn cứ áy náy, “bức xúc” trong lòng): ấy là khi Thu Vân bế em, trông em, em hay khóc, thì đó không phải là do Thu Vân vụng, hay do cún không yêu Thu Vân đâu. Mà là, bởi vì, như bố hay phải giải thích rất cặn kẽ và kiên nhẫn, những lúc em khó chịu trong người mà chưa nói ra được, thì ai bế em, em cũng khóc…

Rõ là trẻ con, khi hay được giải thích, trò chuyện (mà ít bị… dùng vũ lực) thì đâm ra… tâm lý phong phú, dễ sinh lý sự, suy diễn các kiểu, đôi khi… mệt cho bố mẹ (vì phải nói nhiều, và có khi đuối lý). Truyền thống “cho roi cho vọt” ở Việt Nam chính ra ít đòi hỏi sự “dụng công” như thế này…

28/1/08

Điều giản dị

9 nhận xét



Không phải chuyện yêu đương, thi vị như trong “Điều giản dị” của Phú Quang đâu. Tuy nhiên, cái sự này cũng rất quan trọng, thậm chí, thiết yếu: có thể không… yêu dăm bảy ngày, chứ không… ị như cún có hai ngày, đã thấy có vấn đề rồi!

Chuyện rất tào lao: mấy hôm trước vừa khoe cún “nhuận tràng”, điều độ, thì hai bữa nay cún táo bón, rặn cả ngày mà không đi được. Nên lúc nào cũng trong trạng thái cáu gắt thường trực; hoặc… rặn mãi không được thì ngủ lơ mơ, chập chờn vô định…, rất khổ!

Đến tối, mẹ cún quyết định thông cho cún. Project này kéo dài chừng 10 phút, bố ngồi chơi với cún, hát hết từ “Cùng nhau đi Hồng binh” đến “Anh em trong đoàn quân du kích” để đánh lạc hướng cho cún khỏi sợ. Trong lúc đó, mẹ cún hành sự.

Kế hoạch “thông nòng” thành công rất mỹ mãn, nhân tiện, cún còn đái tóe tòe loe ướt hết áo bố. Tuy nhiên, sau vụ này, cún có vẻ đờ đẫn, chắc vì sợ và bất ngờ; cún bú lơ mơ lắm, chứ không vồ vập, hùng dũng như thông lệ. Ăn được vài “nhát”, cún cứ thở dài sườn sượt rồi lả đi (ảnh minh họa). Mẹ bảo bế cún nhẹ bẫng hẳn đi. :)

Thôi, thế cũng là xong một việc lớn! Mẹ cún nhắc bố viết thêm là cún dạo này rất thích tống cả nắm đấm vào miệng, tống không được là cáu, là khóc. Rõ là con trai: Thu Vân ngày xưa không có tệ nạn này…

Ngày hôm nay, với bố, thật mệt nhọc vì chạy như ngựa. Tuy nhiên, cũng có một niềm vui nho nhỏ: lúc chiều, đi đón Thu Vân, sang đường đúng lúc giao thông như mắc cửi thì tự nhiên bố cún làm rơi cái cặp, giấy tờ bay như bươm bướm! Đèn bắt đầu chuyển sang đỏ, dân tình ai nấy thản nhiên rảo bước, làm bố cún cuống quá. Nhưng rồi, có một cô Hung xinh như Kiều, dừng lại và nhặt giấy cùng bố, từng tờ…

Chuyện nhỏ tẹo, mà khiến bố cún thấy yêu đời, yêu mình và yêu… người! ;)

27/1/08

Sư “chủ thầu đầu tư” xây tượng Thánh Gióng

7 nhận xét



Đọc cái này của nhà văn Lê Anh Hoài (blogger búp bê bằng bột) – bình loạn về vụ "UBND TP Hà Nội giao Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng [tượng Thánh Gióng] dự án bằng nguồn kinh phí vận động công đức của thập phương" – mới thấy có lẽ quả thực bố cún không bị... nghễnh ngãng.

Số là, cách đây mấy ngày, đang ngồi làm việc thì thấy VTV4 loan tin gì đó về một phiên họp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (?) Bố cún không để tâm lắm, nhưng có một câu đập vào tai: "Đạo pháp, Dân tộc và CNXH"! Khá ngạc nhiên vì bố cún vẫn tưởng hình như slogan của Phật tử Việt Nam chỉ có hai mục đầu (“đạo pháp và dân tộc”) thôi chứ; nhưng rồi bụng bảo dạ, “có lẽ mình nghe nhầm”.

Hôm sau, nghe mẩu tin về vụ dựng tượng Thánh Gióng, bố cún chợt liên tưởng đến cái slogan hôm trước, rồi nghĩ: “Hay là mình không nghe nhầm, nhẩy?” Vì, ngẫm ra, cái sự slogan này có quan hệ khăng khít lắm với chuyện UBND Hà Nội “giao trách nhiệm” làm tượng Ông Gióng cho Giáo hội Phật giáo, chứ chả chơi!

Nói thế, không phải là bố cún phản đối việc sư sãi lấy tiền công đức đi tạc tượng, nói chung. Sư sãi dĩ nhiên có quyền tham gia những hoạt động “thế tục” (VTV4 hay đưa tin sư làm bí thư chi đoàn, làm công tác này nọ…), trong số đó, việc vinh danh những anh hùng dân tộc từ ngàn đời này, đã được thời gian thử thách (Đức Thánh Trần, Nguyễn Trãi… chẳng hạn), thông qua việc “xây dựng” tượng đài họ, là việc có thể chấp nhận trong một khuôn khổ nhất định.

Tuy nhiên, chính quyền chỉ thị cho sư sãi “chủ đầu tư xây dựng” tượng Thánh Gióng bằng tiền cúng đường, thì có nên không, hợp không? Ngay cả khi Ông Gióng là một trong “tứ bất tử” đi nữa?

Người dân, khi cúng đường, chắc hẳn tin tưởng rằng số tiền ấy sẽ được sử dụng đúng mục đích căn bản là truyền bá tín ngưỡng Phật giáo, tu bổ, phát triển chùa chiền, làm một số việc thiện nhất định. Còn chuyện làm tượng đài kỳ vĩ, đắt đỏ, không chắc đã là ý muốn của họ; cho dù tượng Ông Gióng có thể có "ý nghĩa giáo dục", đó là chuyện khác.

Nếu Giáo hội Phật giáo muốn làm điều này, nên chăng, mỗi chùa đệ bảng viết hẳn ra, tỉ dụ: “Ngoài việc tu sửa chùa chiền, rao giảng Phật pháp, cứu nhân độ thế, làm việc thiện..., x% số tiền cúng đường, hòm công đức... sẽ được chi vào những mục đích xã hội, “công cộng” tốn kém... do chùa & chính quyền quyết định, như đúc tượng anh hùng, lãnh tụ, v.v...” Như thế, người góp tiền có thể sẽ có ý kiến cụ thể là họ góp cho cái gì, có minh bạch và hợp lý hơn không?

*

Tự nhiên, dây mơ rễ má, bố cún lại nhớ lại một cái message viết trên 1 forum nọ, khí lâu rồi, như vầy:

Trong đống báo rất cũ đang chờ "thanh lý", có tờ "Tiền phong thứ Ba" đăng mẩu tin vắn như sau (mục "Tin Văn hóa - Văn nghệ"):

"Bức tượng đúc đồng Bác Hồ cao 2 mét được một nhà sư của chùa Huống (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) hiến tặng Bảo tàng Thái Nguyên, đã được Tỉnh ủy và UBND tỉnh tổ chức lễ tiếp nhận long trọng. Tượng cao 3m, nặng 1.300kg, chất liệu đồng, màu vàng tươi rất đẹp, ước tính chi phí vật liệu và gia công hết khoảng 170 triệu đồng. Sự cụ đã hiến tặng bức tượng tên là Đàm Hinh, năm nay 87 tuổi."

Mẩu tin cũn cỡn được viết khá lủng củng. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó.

Dĩ nhiên, đúc tượng (và hiến tượng) cụ Hồ là điều cần thiết (và cũng là "chuyện thường ngày ở huyện", chắc thế). Nhưng thử hỏi sư cụ Đàm Hinh lấy đâu ra một khoản tiền lớn như thế để (thuê người) đúc tượng? Giả sử là tiền túi của cụ thì chả sao. Cùng lắm, chỉ có thể trách cụ không thực hiện đúng chủ trương tiết kiệm của Đảng và chính phủ ta. Nhưng nếu là tiền khất thực & tiền cúng bái của đệ tử thập phương, mà lại đem đi sử dụng vào một mục đích riêng (cho dù là đúc tượng cụ Hồ đi nữa), thì cũng đáng trách quá!

Số tiền lớn ấy (bỏ rẻ cũng phải cỡ hơn chục ngàn ù-ét-đê!), sao sư cụ không dụng để tu bổ chùa chiền, giúp đỡ người khốn khó, làm sáng danh Đức Phật, mà lại chi tiêu một cách phí phạm như thế?

Thiện tai, thiện tai... :((

Chuyện từ hàng chục năm trước mà xem ra đến giờ vẫn còn nguyên “thời sự tính”!

(*) Ảnh minh họa lấy từ wiki: Tượng Thánh Gióng tại ngã 6 Phù Đổng, TP HCM.

26/1/08

Lại cún

5 nhận xét



Lâu lâu không tường trình về cún, dễ quên lắm!

Thực ra thì, trẻ con nhớn từng ngày. Ngày nào cũng có những thay đổi. Tuy nhiên, có một cái mà cún “thủy chung như nhất” từ khi sinh tới giờ: hễ cứ đêm là phải quấy bố mẹ.

Bây giờ là 12 giờ rưỡi đêm, mẹ cún làm đủ kiểu, từ thể dục cho đến nịnh nọt, mà cún không yên, cứ khóc… làm duyên. Thông thường, những lúc thế này, cứ vài phút là bố cún sốt ruột, chực vào bế. Nhưng lần này bị mẹ mắng là “chỉ tổ” làm hư cún, khiến cún quen hơi, được voi, dẫn đến đòi… Bà Triệu. Nên thôi, và ngồi viết tiếp cho cún.

Thông lệ, độ 2 rưỡi đêm cún mới ngủ. Mẹ “lên lịch” kiểu gì cũng không ăn thua với cún. Hồi xưa Thu Vân hiền bao nhiêu, ngủ ngoan bao nhiêu, giờ cún nghịch bấy nhiêu, kèm khóc… ra nước mắt hẳn hoi, dù đa phần là… vô cớ.

Tuy nhiên, nói vậy, cũng có lúc cún vui lắm. Có hôm ngủ cạnh bố, cún mê cái gì, cười ằng ặc. Khi nãy, được bố tập thể dục bụng, cún hớn hở ra mặt. Mà với cún, sướng nhất là vì, ơn… Đảng, Chính phủ, cún cứng cáp, bụ bẫm, nên ôm cún, vần cún, cho cún gối đầu tay, v.v… đều rất thoải mái, như vói người lớn vậy. Như thời Thu Vân, bố cún e dè lắm, vì chỉ sợ chị đau.

Chuyện khác. Như đã nói một lần, chị Thu Vân có một thời kỳ dài không tài nào… ị được, thử đủ kiểu Đông Tây kim cổ, tân cổ giao duyên mãi mới khỏi. Nhưng cún thì về khoản… nhuận tràng ấy, rất OK. Có những ngày thay tã hơn chục lần: cún tính sạch sẽ, hơi són ra chút là đã không chịu yên. Bố cún hay đùa, kiểu vô lối: tiền tã cho cún còn hơn tiền… ăn cho chị Thu Vân ở trường (mà đúng thế thật, nhất là vào lúc “vật giá leo thang” phi mã – không hiểu sao bố cún cứ khoái cụm từ này).

Hôm nay bố mục sở thị kiểu… tè cầu vồng của cún. Mặc dù đã hết sức cẩn thận khi thay tã (lúc đó mẹ nấu, nên bố trông cún), để phủ khăn lên người cún cẩn thận, nhưng cầu vồng của cún lần này, thế nào, rất hoành tráng: vọt lên phía trên đầu cún, trúng vào cái gối của mẹ ở đó, ướt sũng. Rất ngoạn mục!

Mà hay nhất là, bố - vì chú tâm để ý phần… hạ thể của cún là chủ yếu -, nên không hề phát hiện ra. Đến khi bà nội và mẹ vào, kêu ầm lên, mới hay sự thể…

Nói chung, chuyện “cún nhiều tập”, thì vô kể, và rất nhiều cái cố nhiên chỉ khiến bố tâm đắc… : )

Minh họa ảnh tay cún nhé, cô Minh làm quả bói (chỉ tay?) xem sao. Tay này, giống tay bố, có vẻ dùi đục, không chơi được nhạc cụ, khiến mẹ cún bất mãn lắm…

25/1/08

Hữu Loan

8 nhận xét





Sinh năm 1916, tức cùng tuổi với Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu..., có lẽ Hữu Loan là nhà thơ cựu trào nhất của văn học Việt Nam hiện vẫn còn sống.

Đặc biệt, khác với phần lớn thi nhân Việt Nam, chỉ giỏi nói, chứ cần làm gì là... chạy biến, trói gà không chặt..., theo những lời kể, Hữu Loan to cao, khỏe khoắn, như đô vật, "giữa đường gặp sự bất bằng" là sẵn sàng ra tay, vũ lực hẳn hoi, chứ không "thiền", "nhu", coi đó là... "chuyện thiên hạ" như đại đa số. Hữu Loan nói và làm, như ông từng trả lời BBC:

"Tôi là thằng thích được tự do mà bảo vệ tự do của tôi, với tự do của mình và tự do của dân tộc, tự do của mọi người. Tôi thấy ai mất tự do thì tôi bênh vực cái người ấy và tôi cũng không bao giờ để cho tôi mất tự do, như là tôi làm những cái mà... bao giờ cũng làm cái đạo đức tức là thương người. Thấy đói thì thương, ai rách thì cho mà ai bị áp bức thì binh vực. Nhưng mà có một cái là không ai có thể áp bức tôi được. Áp bức là tôi chống lại. Chống bất cứ ai mà ngay cả đến cần phải đánh nhau với cả hàng lũ người mà làm tôi mất tự do tôi cũng chống lại và nếu cần đánh là cũng phải đánh."

Nam tính của Hữu Loan có lẽ cũng thể hiện ở một điểm khác: ông có... nhiều vợ, con cháu nhiều kể không xiết (đâu trên con số 100!)

*

Hôm nay hơi rảnh, dạo một vòng báo chí, đọc được bài này của Hà Đình Cẩn trên "Tiền Phong" (bài viết trước đó đã có trên blog của tác giả). Đoạn kết như vầy:

"Không biết có còn vận may nào đến nữa không, Hữu Loan vẫn chờ. Cái chỗ bao nhiêu năm ngồi uống rượu, ngắm rượu và chờ đợi, mồ hôi thấm lên tường hình một bờ vai. Hình bờ vai lún dần, lún dần xuống thấp, có dễ không lâu nữa ngả hẳn xuống gần mặt chiếu.

Tôi ghé sát tai ông:

- Thưa bác, bác có làm thơ nữa không?

Hữu Loan vẫn nhìn chén rượu:

- Có. Nhưng toàn thơ đểu - Bỗng nhiên ông cất tiếng cười, cười khà khà, mãn nguyện.

- Bác thử đọc vài câu thơ đểu cho con nghe với nào?

Hữu Loan ngồi im. Lát sau ông nói :

- Đọc "Đèo Cả" thì đọc, chứ đọc thơ đểu phí rượu.

Rồi ông như người bất ngờ vùng tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, tinh nhanh, hoạt bát hẳn ra, giọng vang và còn sáng. Ông đọc hết "Đèo Cả: không hề vấp váp. Đọc xong, ông vơ lấy chén rượu, nhưng không uống, chỉ nhìn mà nước mắt rơi."

Thấy xót!

Nguyễn Minh Châu, hình như trong "Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa", có kể một nhà văn cựu trào (Nguyễn Tuân) ngồi giữa chiếu rượu, nước mắt lã chã, than rằng mình còn sống được đến bấy giờ là vì biết sợ. Những giọt nước mắt ấy tất nhiên đáng thương cảm, nhưng khó so được với nước mắt & nỗi đau của Hữu Loan khi phải cắn răng, cực chẳng đã, làm toàn "thơ đểu"; chứ thực ra, ông vẫn muốn những "Đèo Cả", và có lẽ, "Màu tím hoa sim", "Yên Mô", "Tình thủ đô"... của thời xưa chứ.

Ngược lại, đọc lại Nguyễn Tuân trong 4-5 ngàn trang "Toàn tập", mới thấy thảm làm sao, vô vàn những sáng tác minh họa :(

*

Năm 1988, khi Việt Nam "Đổi mới" theo mô hình Liên Xô của các ông "Chốp", "Chép" (mà bây giờ, báo chí an ninh ta "phản tỉnh", coi đó là những kẻ "phản bội" :)), Hữu Loan quá lạc quan, đã viết một bài "Tự phỏng vấn" gửi báo "Lao động Chủ nhật". Mười chín năm sau, khi talawas đăng, độc giả dễ hiểu tại sao "Lao động Chủ nhật" đã không đi bài đó.

"Tự phỏng vấn" có đoạn kể về "Màu tím hoa sim":

"Bài thơ “Màu tím hoa sim” của tôi (từ trước vẫn do dân tự tiện truyền tụng ngầm, bất chấp lệnh nghiêm cấm của những tướng trấn ải giáo điều), được đăng công khai lần đầu tiên báo "Trăm Hoa". Nguyễn Bính còn cho thuê taxi có loa phóng thanh đi quảng cáo khắp Hà Nội là "Trăm Hoa" số này có thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. Mấy tháng sau tôi đi cải cách ruộng đất, làm bài thơ “Hoa lúa”, 22 anh em nhà báo nhà văn đi cải cách truyền tay nhau chép. Chị Bạch Diệp báo Nhân dân xin chép đầu tiên, nhưng ý trung nhân của chị là anh Xuân Diệu ở báo "Văn Nghệ" không đăng, bảo là thơ tình cảm hữu khuynh, mất lập trường. Trần Lê Văn đến mách với Nguyễn Bính, Bính đến xin ngày bài “Hoa lúa” về đăng “Trăm Hoa”. Anh Bính còn làm một cử chỉ rất hào hùng là đem đến trả cho vợ tôi 15 đồng nhuận bút, trong khi đăng "Văn Nghệ" chỉ được 7 đồng. Anh bảo với vợ tôi: “Hữu Loan ở nhà thì tôi xin (tôi vẫn viết không lấy nhuận bút để giúp những tờ báo nghèo, mới ra) nhưng Hữu Loan đi cải cách chị cũng cần tiêu (15đ bằng 150.000đ bây giờ). Một chỉ vàng lúc ấy mới 20 đ. Nói ra điều này để thấy rằng mức sống của người cầm bút hiện nay đã vô cùng xuống dốc. Nhuận bút của cả một quyển sách hiện nay không bằng tiền của một bài thơ Nguyễn Bính trả cho tôi."

Những thông tin rất đắt giá, vì nhiều nhẽ. Ít ra, cũng dễ hiểu rằng, "Trăm Hoa" của Nguyễn Bính "sớm nở tối tàn" không chỉ vì nhà thơ của "Lỡ bước sang ngang" "vốn chỉ biết làm thơ, không quen quản lý", nên "chỉ sau vài ba số, hết tiền, "Trăm Hoa" đã chết không trống không kèn", như anh Chung viết. :)

*

Ba năm trước, khi VITEK mua bản quyền "Màu tím hoa sim" (mà bố cún vẫn thích nhất bản phổ nhạc "Áo anh sứt chỉ đường tà" của Phạm Duy), anh Văn Khoa đã ưu ái cho NCTG phỏng vấn trước giờ G (và như thế, bố cún có được bài viết về vụ này trước tất cả báo chí Việt Nam - điều này, tự hào nho nhỏ đấy, ít ai biết :)).

Trả lời câu hỏi của bố cún, anh Văn Khoa đã nói rất hay về cái gọi là "văn hóa doanh nghiệp", và về bài thơ "Màu tím hoa sim", theo sự nhìn nhận của anh:

"Chúng tôi biết có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư những khoản tiền lớn cho người mẫu, hoa hậu hay các cầu thủ siêu sao. Là doanh nghiệp 100% Việt Nam, Vitek có những cảm nhận về văn hóa Việt Nam mà các đồng nghiệp người nước ngoài (và cũng là đối thủ cạnh tranh) không dễ dàng có được. Vitek muốn chọn một tác phẩm nghệ thuật Việt Nam với niềm tin là sự vĩnh cửu của văn hóa sẽ bền vững hơn sự mong manh của nhan sắc mỹ nhân. Sự khéo léo và tài hoa của đôi chân một cầu thủ siêu sao sẽ rất nhỏ bé nếu đem so sánh với sự kỳ vĩ của một thi phẩm vượt thời gian!

Khi lựa chọn, chúng tôi cũng đã bàn bạc rất nhiều. Một số thi phẩm hay khác như "Quê hương", "Núi đôi"... cũng đã được đưa ra bàn chọn. Tuy nhiên, cuối cùng, chúng tôi dừng lại ở MTHS của thi sĩ Hữu Loan vì Vitek cảm nhận đây là một trong những bài thơ tình hay nhất của thế kỷ trước, khi đất nước ta còn gian khó trong chiến tranh. Lời bài thơ tuy dung dị, nhưng ý thơ hùng tráng và cảm xúc mãnh liệt thể hiện trong toàn bài đã khiến MTHS trở thành một thi phẩm còn mãi với thời gian, luôn được sự mến mộ của công chúng yêu thơ suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Ngoài ra, làm việc này, chúng tôi cũng còn một ước vọng nho nhỏ nữa: cho thế giới thấy là Việt Nam chúng ta nghèo, nhưng chúng ta còn biết kính trọng thơ văn! Thái độ trân quý một bài thơ sẽ khiến cho mọi người nhìn nhận lại những giá trị vô hình, vốn đang bị khuất lấp bởi những nỗ lực thực dụng của nền kinh tế thị trường."

Dịp ấy, anh Văn Khoa còn gửi cho bố cún mấy tấm ảnh anh chụp khi về thăm Hữu Loan. Trong số đó, có tấm hình "Chiếc bình hoa ngày cưới - thành bình hương - tàn lạnh vây quanh" (minh họa ở trên), mỗi lần nhìn lại, bố cún vẫn thấy rờn rợn.

Cũng như, khi đọc lại đoạn này:

Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí.
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt.

Thi sĩ đã làm những vần thơ xuất thần như thế, giờ toàn làm... thơ đểu ở tuổi chín mươi mấy...

Ảnh

10 nhận xét



Vừa chụp được cái ảnh cận cảnh, bố với cún, bốt ngay cho nóng sốt!!!

Trò khoe con (cún & Thu Vân) có vẻ đã trở thành một tệ nạn. Tuy nhiên, nhu cầu chia sẻ, là... có thật và cần được cảm thông ;)

Nhớ hồi đẻ Thu Vân, có cái máy ảnh cọc cạch mãi đến lúc Thu Vân đầy tháng mới mua được, rất thảm! (Lúc Thu Vân ra đời trong viện thì thuê phó nháy chụp, cho chắc). Cửa hiệu ở nhà quê, chỉ có 3 cái máy ảnh (dĩ nhiên là cơ học), bố cún chọn mua 1 cái loại giá trung bình, độ 40 USD :). Về nhà, chưa dùng ngay, đến ngày thứ ba mới lấy ra chụp, rón rén, thì đến lúc chụp xong không quay phim lại được.

Mang ra hiệu đổi, bà bán hàng rất khổ sở, nhưng đành nhận lại và đổi cái khác (cho dù theo luật Hung hồi đó, thời hạn để đổi là trong vòng 72 giờ, nếu không, cửa hàng có quyền không đổi, mà họ sẽ đi... sửa cho mình :)).

Nhưng cái máy mới lại có một lỗi là không sao đạt được ngày tháng, mà bố mẹ Thu Vân thì có một mong ước rất quê mùa, là tấm ảnh phải có ngày tháng, để sau này, "nửa đời nhìn lại" (mượn Tiêu Dao Bảo Cự), còn có cái để... "tham chiếu" (chữ cụ Cao Xuân Huy :)).

Lại mang trả, lần này thì… đòi tiền. Thảm cho mình, và cả cho bà chủ hiệu, bà ấy có lẽ cả năm nhận ký gửi vài cái máy ảnh từ đâu đó, mà gặp những “ca” như bố cún, thì ăn… cám :(

Rồi đi mua một cái khác (Olympus), cái này hữu dụng, chụp được lia lịa, phải 4-5 năm mới hỏng! Thu Vân có bao nhiêu album, bố mẹ trưng ra, khoe các kiểu, rất sướng!

Đến lượt cún, thì cứ xài máy digital, chụp nhiều nhưng ngại rửa. Hôm vừa rồi, bố cún mới lên gân đi rửa, một loạt, để cho vào album; mẹ cún đã ghi chú hẳn hoi từng tấm. Nhưng đây quả là “những việc cần làm ngay”, vì cún mới chưa đầy 2 tháng mà có những tấm bố mẹ không nhớ cụ thể chụp khi nào, hoàn cảnh ra sao…

Bố cún cứ nhớ mãi một câu, không biết của ai (Tây?): “Kỷ niệm không phải là những cái đã trôi qua, mà là những cái còn đọng lại” (ví dụ, qua những tấm ảnh). Khoảng năm 1990 gì đó, có dịp diện kiến BS Đào Xuân Dũng (là đồng nghiệp thân của bà nội cún, giờ là chuyên gia… tính dục học hàng đầu của Việt Nam :)) ở bên này, đi chơi và chụp ảnh với ổng, ông đã nhắc đi nhắc lại câu ấy để tỏ ý tiếc rẻ khi một cuộn phim đã chụp mà khi rửa lại hỏng gần hết… Mới tí, mà đã gần hai chục năm, mấy tấm ảnh chụp dạo đó đã trở thành… một phần lịch sử :)

Thành ra, những cái bố viết cho cún và Thu Vân, ở đây, hy vọng cũng sẽ là cái đọng lại, với hai đứa, sau này…

Ải Nam Quan

7 nhận xét




Cho blog nghỉ gần 1 tuần vì bận quá, thời gian để thở còn không có mấy. Bắt đầu bằng một chuyện “thế sự” cũ mèm, những vẫn bức xúc.

1. Tự nhiên hôm nay, đi tìm mấy info trên Net, bố cún lại đọc được cái này: “Phổ biến ca khúc (sic!) “Con đường cái quan”: Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin vừa công bố quyết định cho phép phổ biến trên toàn quốc trường ca “Con đường cái quan” của nhạc sĩ Phạm Duy, gồm 19 trích đoạn ca khúc. Đây là một trường ca rất nổi tiếng của ông, được sáng tác trong bốn năm 1954-1958”.

Tin cũ rích, từ 12-5-2006 lận, “Tuổi Trẻ Online” loan, mà đến giờ bố cún mới biết? Mà hình như cũng không thấy những báo khác nhắc đến? Hay có nhắc, mà bố cún sa sẩy, không đọc? (Cái này nhờ Minh kiểm tra giùm).

“Con đường cái quan” (cũng như “Mẹ Việt Nam”) là một đại tác phẩm của Phạm Duy (PD), cái đó hẳn không phải nói. Nhưng cái chính là mỗi lần nghe hai trường ca ấy, bố cún tự nhiên cũng thấy tự hào về người Việt, cũng thấy… huyết quản sôi sục, thấy cảm giác… yêu nước, v.v… (là điều mà bình thường, rất khó có :).

Nói một cách văn vẻ, màu mè, thì “Con đường cái quan” làm thức tỉnh tâm thức Việt, bản sắc Việt (là cái là bố cún vẫn rất hay nghi ngờ, vì cho rằng chỉ là sản phẩm óc tưởng tượng của mấy ông… cán bộ quản lý văn hóa :)).

Cho nên, hồi sinh Thu Vân, bố cún được PD tặng CD “Con đường cái quan” & “Mẹ Việt Nam” với lời đề tặng “để cháu không quên tiếng Việt”, là điều đến giờ bố cún vẫn sung sướng (khoe thô tí). (Cho dù, về cá nhân PD, ý kiến khen chê yêu ghét bao giờ cũng ồn ào – đó là chuyện khác).

2. Mở đầu “Con đường cái quan”, là đoạn hát sau của người lữ khách:

Tôi đi từ Ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ
Chia đôi một họ trăm con đã lên đường
Năm mươi người ngược núi rừng
Đã dựng vòng biên ải
Năm mươi người trẩy theo sông tới khơi chừng
Tôi theo người vượt quan san
Ơi người ơi Ơi người ơi
Vẽ lối mòn gìn giữ quê hương ngăn đường giặc Hán
Tôi chưa về Ải Chi Lăng
Ơi người ơi Ơi người ơi
Dưới chiến bào người thấy băn khoăn thương ai đầu nguồn...

“Ải Nam Quan”, “Ải Chi Lăng”… là những địa danh đã ăn sâu vào tâm thức Việt, nhỉ? Cho dù bố cún chưa bao giờ đặt chân tới, và có lẽ cũng sẽ khó có điều kiện cho cún tới thăm (cún mà lớn đến thế, thì bố cún là người thiên cổ, về với… Bác Hồ Bác Tôn từ tám đời rồi :)

3. Nhưng mấy chỗ này, giờ đã ở sâu trong đất Tàu rồi còn đâu? Cũng như Thác Bản Giốc, một nửa là của Tàu. “Bọn xấu” còn bảo, nửa của Tàu là nửa đẹp :(

Chuyện “triều đình”, dân tình đã bàn chán vạn, dĩ nhiên bố cún cũng không nghĩ ra được cái gì mới. Lẽ ra, bố cún phải bằng lòng với lời giải thích từ thời ông Lê Công Phụng, rằng Ải Nam Quan trước nay vẫn là của Tàu, cố nhiên nằm bên Tàu, cách biên giới vài ba trăm mét. Rằng thật lạ lùng vì người Việt cứ nghĩ (tưởng) rằng Thác Bản Giốc là của Việt Nam (để rồi sáng tác văn thơ ca ngợi tùm lum), chứ thực ra Thác có đến 2 phần thuộc về Tàu, và bây giờ “ta” ngoại giao khéo, nên mới được các đồng chí Tàu nhường thêm, để được một nửa.

Có cái gì trong lòng cứ khiến bố cún không yên được, trước những… “sự thực lịch sử” rành rành như thế. Sao thế nhỉ?

4. Cái cảm giác bất an (bất ổn) ấy càng lởn vởn, nhất là khi bố cún đọc lại kịch thơ “Hận Nam Quan” của Hoàng Cầm.

Vở này, Hoàng Cầm sáng tác từ năm 1942, khi mới 20 tuổi. Mà đã đầy tính… kích động. :)

Nhất là đoạn này:

Phi Khanh

Con yêu quý! Chớ xuôi lòng mềm yếu
Gác tình riêng, vỗ cánh trở về Nam!
Con về đi! Tận trung là tận hiếu
Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang
Nếu trời muốn cho nước ta tiêu diệt
Thì lưới thù sẽ úp xuống đầu xanh
Không bao giờ! Không bao giờ con chết
Về ngay đi rồi chí toại công thành!
Nghĩ đến cha một phương trời ảm đạm
Thì nghiến răng vung kiếm quét quân thù
Trãi con ơi! Tương lai đầy ánh sáng
Cha đứng đây trông suốt được nghìn thu.

Trãi
(quỳ lạy)

Cha nói đến tương lai đầy ánh sáng
Khiến lòng con bừng tỉnh một cơn mê
Quỳ lạy cha, cha lên đường ảm đạm
Rời Nam Quan, theo gió, con bay về.

Phi Khanh

Ôi! Sung sướng, trời sao chưa nỡ tắt
Về ngay đi! Ghi nhớ hận Nam Quan
Bên Kim Lăng, cho đến ngày nhắm mắt
Cha nguyện cầu con lấy lại giang san.

Trãi

Hận Nam Quan, biết bao giờ phai nhạt,
Biết bao giờ cạn lệ khóc cha già
Lúc vĩnh biệt thật trăm nghìn chua xót!

Phi Khanh

Kìa con trông: nắng hé chân trời xa.

Trãi

Chân trời xa!

Phi Khanh

Về ngay đi Nguyễn Trãi
Nâng gươm thề, đem quốc sử mà soi.

Trãi

Đã đến giờ con lìa xa quan ải,
Kể từ nay Nam Bắc cách đôi nơi.

Phi Khanh

Đêm sắp cạn, về ngay đi Nguyễn Trãi,
Nhớ Nam Quan là vết máu trên đầu.

...

Chuyện diễn ra từ năm 1407, tính đến giờ là 600 năm. Nguyễn Ứng Long (Phi Khanh) và hai người anh bị Trương Phụ bắt giải về Tàu, cùng đại gia đình Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương. Nguyễn Trãi chạy theo đến tận Ải Nam Quan (hồi đó thuộc về Việt Nam chứ nhỉ?), tiễn và khóc cha. Nhưng rồi, nghe lời Phi Khanh, Nguyễn Trãi quay về nuôi chí lớn, hai chục năm sau đánh bại quân Minh.

5. Vẫn biết là, có những cái phải chấp nhận. Vẫn biết là nếu không đọc, không thuộc mấy câu thơ về quê hương, đất nước (mà nội dung có khi sai bét, nhỉ? :), có khi nhẹ nhõm hơn. Nhưng mà… cái tâm thế đôi khi nó không để mình yên…

Dở hơi, hâm! Đúng là bệnh già! Bây giờ mấy ai để tâm những chuyện vớ vẩn này, không thực tế…

Thôi, sẽ tập trung nói chuyện đời thường trong những entry sau. Xả rồi xin hứa là thôi! :)

(*) Ảnh minh họa lấy từ wiki, với lời chú "Cửa ải hiện mang tên Hữu Nghị Quan chụp năm 2007, phía trên đỉnh gắn Quốc huy của Trung Quốc".

19/1/08

Thứ Sáu

13 nhận xét





Qua ngày mới được mấy phút, mới có lúc ngồi post chuyện hôm qua.

Thứ Sáu là ngày làm việc cuối cùng trong tuần của các công sở, các công sở đều "rã đám" cả. Thế mà bố cún giải quyết được vô số việc tồn đọng, kể cả những việc tưởng chừng rất vô vọng. Hình như là trong đời người, ai cũng có vài ba ngày may mắn như thế.

Dĩ nhiên là mệt hết chỗ nói, vì đi từ sáng đến tối mịt! Phải nhờ cô Tây hàng xóm đón Thu Vân :(

Về đến nhà thì Thu Vân đi học về, mệt quá, đã đánh một giấc từ năm rưỡi chiều. Đến chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ", phải quảng cáo là "buồn cười lắm, hệt như Gala Cười!", cô trưởng nữ mới chịu dậy.

Còn cún (ảnh minh họa :)) thì cứ lơ mơ cả ngày mà không ngủ mấy, đòi ăn mà được thì cứ bú kiểu vồ vập, như bổ củi, nhưng không thực hiệu quả lắm. Mũi vẫn khụt khịt, khó chịu lắm đấy, nhất là về đêm...

Thích nhất là cún đã có thể nhìn thấy bố mẹ, dường như thế, ít ra là từ khoảng cách gần... Có thể sắp biết thơm nữa rồi :)

*

Bây giờ mới hơi rảnh chút, cả nhà đang ngồi xem "Chúng tôi là chiến sĩ". Bố cún không để ý VTV4 lắm, nhưng cũng biết là trong năm mới, đồng bào ngoài nước - "khúc ruột của Việt Nam" - được xem thêm một số chương trình "vui khỏe trẻ trung" khác. Một phần, có lẽ vì nhà nước cũng muốn Việt kiều được thư giãn, đừng nghĩ ngợi vẫn vơ những việc... xa xôi, vừa không giải quyết được vấn đề gì, vừa... phức tạp... ;)

Cái chương trình mới này nhiều đoạn vô cùng lố lăng và nhảm nhí. Nhưng khi bố cún phàn nàn với Thu Vân, thì Thu Vân điềm nhiên: "Ơ, thế không phải mục đích của nó [chương trình này] là như thế à?" ;) (Nó đồng nhất việc nhố nhít với mục đích gây cuời, là cái nó thích).

Đặc biệt, thấy anh Lại Văn Sâm đã luống tuổi, mà hôm đầu phải vác cái kèn khổng lồ, bữa thứ hai thì ăn mặc rằn ri hệt... lính "ngụy", mặt mày tươi tỉnh, đôi lúc phụ họa uốn éo với cô Nguyễn Hoàng Linh (!!!) bên cạnh, sao mà thảm hại thế. Và rất phản cảm, nhố nhăng!

Tây họ xem những cái này, chắc sẽ ngạc nhiện (và bật cười) về sự "đậm đà bản sắc dân tộc" của Việt Nam, vì bên này chả bao giờ thấy có chương trình gì nói về lính tráng, cảnh sát... (tóm lại, về các cơ quan công quyền nói chung). Nói gì đến chuyện một chương trình dành cho lính, của lính diễn?

Tuy nhiên, việc xuất hiện một chương trình như thế trên "Kênh truyền hình đối ngoại Việt Nam", cùng những bài vở dồn dập (nhưng rất tế nhị ;)) về lính đảo Trường Sa - Hoàng Sa, phải chăng, là lời "nhắn nhủ" của các cụ lãnh đạo, rằng nói gì thì nói, Việt Nam vẫn là một dân tộc.. thiện chiến? ;) - "Với bộ đội, không có gì là không thể" (câu phán của cô MC).

Kết thúc đề tài lính tráng, bốt thêm bài "Khoảnh khắc này không phải là vô nghĩa" (Iosef Kabson ca), trong bộ phim tình báo "Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân" (1973). Phim này khá hay và trí tuệ, không như rất nhiều phim "công an bắt gián điệp" ngây ngô của các nước XHCN thời xưa (nên khó xem đối với trẻ con, vì không có những pha quyền cước gây cấn - bố cún khi lớn rồi, xem lại cũng không hiểu hết). Đặc biệt, nam tài tử Vyacheslav Tikhonov (năm nay tròn 80 tuổi) thủ vai Stirlitz rất "ấn tượng" (ông này cũng là người đóng hoàng thân Bolkonski trong bộ phim "Chiến tranh và hòa bình" của Liên Xô, được Oscar năm 1969 dành cho phim ngoại quốc hay nhất).

Tikhonov 14-15 năm trước, có sang Hung dự một chương trình TV nói về những diễn viên truyền hình được dân Hung ưa chuộng nhất trong mấy chục năm thời XHCN (cùng mấy đồng nghiệp người Đông Đức, Tiệp...). Thấy buồn buồn vì trông ông tàn tạ nhiều, và thiếu tự tin...

18/1/08

Tập làm văn ngày 19-1

2 nhận xét






(Bao ngày nay rồi, bận cún và mọi thứ quá, chả viết "nghiêm túc" được cái gì. Bữa nay, có nửa tiếng thong dong, tự nhiên muốn "tập làm văn" như kiểu thời cấp Ba :)

Kháng chiến bùng lên biệt thủ đô
Lên đường dẻo bước khoác ba lô
Mang theo ý chí người dân Việt
Thà chết không làm vong quốc nô
("Tự thuật" – Tú Mỡ )

Lâu lắm mới đọc lại 4 câu thơ này, thấy khí thế lạ. Nhất là, hôm nay đúng là ngày, tròn 34 năm trước, xảy ra trận "Hải chiến Trường Sa", đến giờ vẫn là niềm tự hào của Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Nhưng cho dù đã tử chiến, họ vẫn không giữ được Hoàng Sa...

Đảo một vòng quanh các blog quen biết, nhiều nơi nói về ngày này lắm. Nhiều blogger là người Bắc, vào thời điểm ấy có khi còn chưa chào đời - nhưng hẳn là cũng phải trải qua một thời gian dài sau mốc 1975 với những định kiến Bắc - Nam mang tính ý thức hệ rất "phổ thông" trong xã hội Việt Nam - đã coi hành động của các quân nhân "phía bên kia" là anh hùng.

Nhắc đến mấy câu "tự bạch" của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ, và hành động quả cảm của quân đội Việt Nam Cộng hòa cách đây 34 năm, để thấy rằng: bất chấp mọi ý thức hệ, mọi hoàn cảnh, nhưng đụng đến những khái niệm thiêng liêng như Đất nước, Quê hương, người Việt không hèn. Và rằng, bất cứ người dân Việt nào cũng mang trong lòng tình cảm yêu nước, cho dù mỗi người có thể yêu theo cách khác nhau - yêu nước không cần phải cổ động, xin và cho phép, và cũng không thể cưỡng bức người dân... không yêu nước. Đơn giản, vì tình yêu nước, tự nhiên đến như tình yêu nam nữ vậy :)

Tối nay, cộng đồng bên này có tổ chức một đêm giao lưu tưởng nhớ Phạm Tiến Duật. Nhắc đến ông, không hiểu sao, tôi hay nhớ đến "Vòng trắng" (1974). Không phải vì nó thuộc loại "có vấn đề" (đã đăng rồi, mà lại bị cấm, rồi khiến nhà thơ long đong sau đó khá lâu), mà vì, đọc nó, thấy day dứt:

Khói bom lên trời thành cái vòng đen,
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng.
Tôi với bạn đi trong yên lặng,
Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh.

Có mất mát nào lớn bằng cái chết,
Khăn tang vòng tròn như một số không.
Nhưng bạn ơi, ở bên trong màu trắng,
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.

Cái giá của chiến tranh có thể là như thế! Cũng như, Nguyễn Duy có mấy câu thơ rất hay được trích:

Đá ơi!
Xin tạc vào đá này lời chúc hòa bình
Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng nhân dân đều bại...

Dường như ít ai biết (hay nhớ) rõ hoàn cảnh ra đời của bài thơ: Nguyễn Duy, cuối mùa hạ 1989, đã sáng tác và viết nó lên nền đá Angkor Watt (đền Đế Thiên) - khi ấy ông là phóng viên tường thuật lễ rút quân đội Việt Nam khỏi Campuchia.

Không sai! Đối với những cuộc chiến nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn, những cuộc chiến vì ý thức hệ, vì những sai lầm tệ hại của kẻ lãnh đạo (mà rốt cục vẫn chỉ người dân là phải gánh chịu!), thì quả là vậy. Và đến giờ, người dân, chẳng còn ai muốn. Nhưng có lẽ, để giữ gìn và bảo vệ máu thịt của nơi mình sinh ra, sẽ vẫn không ít người lên đường khoác áo lính, đẹp và kiêu hùng, như hình ảnh đoàn quân mà Chính Hữu khắc họa 61 năm trước trong "Ngày về" (mà Lương Ngọc Trác đã phổ nhạc):

Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu
Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội
Bao giờ trở lại?
Phố phường xưa gạch ngói ngang đường
Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang
Bức tường điêu tàn ngày xưa trấn ngự
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại
Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về, trở về, chiếm lại quê hương
Nguy nga sao cái buổi lên đường
Súng chuốt gươm lan, mắt ngời sáng quắc
A ha! Nhà xiêu mái sập
Xác oan cừu ngập lối chân đi
Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly
Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp
Mịt mù khói ngợp
Cờ máu huy hoàng
Phất nắng
Ôi bài chiến thắng reo vang.

Ngồi rồi, đọc lại những bài thơ "cỗ lỗ" này, thấy lòng vững và tĩnh lại lạ kỳ. Trước mọi thứ lý sự bùng nhùng, biện luận quanh co hàng ngày được (phải) nghe và đọc...

(*) Ảnh: Soái hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) trong "Hải chiến Hoàng Sa" 19-1-1974.

17/1/08

Sonata Ánh trăng

16 nhận xét



Hôm nay mệt quá nên thôi lại nhạc nhẽo tí cho thư giãn.

"Sonata Ánh trăng" (The Moonlight Sonata) có lẽ là bản cổ điển được "đại chúng hóa", "bình dân hóa" bậc nhất của Beethoven, bên cạnh "Für Elise". Những bản kiểu thế này, rất thích hợp cho loại "tai trâu" như bố cún, nghĩa là chả được học hành gì tử tế, chỉ dò dẫm nghe ngóng, và nếu thấy cái gì dễ nghe (hạp nhĩ), thì bảo là hay ;).

1. Về nguồn gốc bài này, chắc ai cũng biết là nó được sáng tác ở Hungary hè năm 1801, tại điền trang của gia đình Brunswick. Nó được công bố trong năm sau, và được đề tặng cô gái Countess Giulietta Gucciardi 17 tuổi, tương truyền là trò cưng, và cũng là người yêu của Beethoven. Khi đó, Beethoven 31 tuổi và sau chừng 5-6 năm bị lãng tai, ông đã có những triệu chứng đầu tiên của bệnh xơ hóa thính giác (khiến việc nhạc sĩ mất khả năng nghe là điều chắc chắn), cùng nhiều bệnh tật khác. Đau ốm triền miên, Beethoven đã có ý định tự sát.

"Sonat Ánh trăng", thực ra là bản Sonata Op. 27 nº 2 gồm 3 phần, mà dân ta chỉ hay nghe phần đầu, coi đó là toàn bộ "Ánh trăng". Sau đây là version dành cho dương cầm, Alberto Cobo chơi:

- ADAGIO SOSTENUTO

- ALLEGRETO

- PRESTO AGITATO

2. Cái tên "Ánh trăng" chỉ xuất hiện vào năm 1832, khi Ludwig Rellstab - một thi sĩ kiêm phê bình âm nhạc - nghe những âm thanh đầu tiên của bản nhạc và hình dung cảnh ánh trăng bên hồ Lucerne (Thụy Sĩ). Như vậy, những câu chuyện kiểu Beethoven sáng tác bản này dưới ánh trăng ra sao, hoặc để tặng một cô gái mù, cho cô tưởng tưởng ra ánh trăng như thế nào, v.v... xem ra, là hoang đường.

Tuy nhiên, đọc mẩu sau (của Hoàng Lân, "Những mẩu chuyện âm nhạc", Nhà xuất bản Giáo dục), vẫn thấy đẹp, kiểu Paustovsky. Dù, rõ là bịa ;)

… Khoảng gần 200 năm trước đây, ở miền Tây nước Đức, nằm bên bờ sông Rhein lịch sử, có một thị trấn bé nhỏ và nghèo nàn. Đó là thành phố Bonn ngày nay, quê hương của nhà soạn nhạc Beethoven vĩ đại.

Tối hôm đó, có một người đàn ông đang dạo bước tha thẩn. Từ căn nhà nhỏ cuối ngõ vọng ra tiếng đàn piano ấm áp, thanh thản, tỏa vào không gian tịch mịch. Âm điệu “quý phái” kia giữa nơi tối tăm này làm người đàn ông chú ý và đến bên cửa sổ lắng nghe. Giai điệu say sưa vang ngân bỗng vấp váp, một nốt chói lên và tiếng đàn dừng lại. Có tiếng nói yếu ớt của một người con gái:

- Đoạn này khó quá, lại hỏng, ước gì được nghe Beethoven đàn, chỉ một lần thôi, thì thật là hạnh phúc…

Có tiếng trầm trầm, giọng đàn ông:

- Nghe đâu dạo này Beethoven đang biểu diễn ở đây thì phải. Nhờ trời qua khỏi cơn túng quẫn thì tốn bao nhiêu anh cũng mua vé để em đi xem một buổi…

Tiếng nói đầy trìu mến của người đàn ông hạ thấp xuống, xen lẫn tiếng thở dài:

- Ôi, dạo này sinh hoạt còn khó khăn quá, em cố gắng chờ, biết đâu dịp may chẳng đến.

- Anh ạ, em mong thế thôi, chắc không làm bận lòng anh chứ !

Tiếng cô gái cảm động, nghẹn ngào, nghe buồn buồn, cứ lan xa, lan xa…

Rồi lại yên lặng…

Từ nãy, người đàn ông đứng nghe bên cửa sổ, bước đến gần cửa ra vào, đưa tay lên gõ cửa và nhẹ nhàng bước vào nhà.

Trong căn nhà tối tăm, chỉ có ngọn nến leo lắt. Nghe tiếng động, người đàn ông chủ nhà vội đứng lên hỏi: “Thưa… ngài là ai, chẳng hay có việc gì ?” Chủ nhà dáng cao lớn nhưng xanh xao, đang ngồi khâu giầy, bên những chiếc dùi, những mảnh da lớn nhỏ.

Ông khách lạ cảm thấy lúng túng, ấp úng nói: “Thưa, tôi là… nhạc sĩ, nhân qua đây thấy có đàn piano xin vào dạo chơi để gia đình thưởng thức”.

Chủ nhà và người em gái buồn rầu, ngần ngại nói: “Thật vô cùng sung sướng cho chúng tôi, nhưng nhà bần hàn, biết lấy gì tạ khách!”

“Ồ, không sao, xin lỗi, lúc nãy tôi đã nghe trộm câu chuyện, nhân biết chút đàn piano nên đánh bạo vào chơi!”

“Thực là may mắn!” - người đàn ông chủ nhà nói và thầm nghĩ: “À, ra đây không phải là nhạc sĩ như nhiều nhạc sĩ nghèo khổ khác ở Bonn thường đi bán rong nghệ thuật để sống”.

Đến bây giờ, người thiếu nữ mới quay mặt nhìn ra. Trên gương mặt non trẻ, ánh sáng đôi mắt không còn nữa. Thì ra, đây là một cô gái mù, em của người thợ giày, chủ căn nhà lụp xụp này.

Nhạc sĩ đứng lặng, chợt hỏi:

- Xin phép hỏi cô, cớ sao cô kém mắt mà còn tập được bản nhạc khó như vừa rồi?

Một nét buồn thoáng qua lẫn chút tự hào trên khuôn mặt thơ ngây của cô gái.

- Thưa, vì trước nhà tôi là một tòa lâu đài, có một vị nữ công tước hay đàn bản nhạc này nên tôi nhớ và đánh lại.

Không đợi mời, ông khách lạ bước đến bên đàn và ngồi dạo những âm thanh êm dịu. Các ngón tay lướt trên phím trắng muốt thả vào không gian những nốt nhạc lấp lánh, lấp lánh… Người biểu diễn say sưa, hai thính giả cũng say sưa. Âm nhạc đang ngợi ca những tình cảm cao đẹp nhất của con người, khiến trong phút chốc người ta quên cả căn nhà nhỏ tối tăm có chiếc đàn piano cũ kĩ, có những đôi giày rách.

Tiếng đàn vừa dứt, một ngọn gió thoảng vào làm cây nến lung lay rồi vụt tắt. Mặt trăng ló ra khỏi đám mây, ánh trăng tràn vào nhà.

Chủ nhà như bừng tỉnh, vội hỏi:

- Chết! Xin ngài cho biết quý danh?

Không trả lời, ông khách lạ lại ngồi xuống đàn, cảm hứng dào dạt. Chiếc đàn lại vang lên bản “Sonata” giọng Pha trưởng, bản nhạc cô gái đang tập lúc nãy.

Vui sướng, mừng rỡ hai anh em cùng kêu lên:

- Trời… chính ngài là…

- Vâng! – và khách đứng dậy cáo từ ra về, nhưng hai anh em vội nài nỉ người khách ở lại với một tấm lòng thiết tha.

Phải, đó chính là Beethoven. Ông đã từng sống trong cảnh nghèo, đã từng biểu diễn ở khắp châu Âu, và được hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng giữa bọn vương giả, quý tộc, giữa bọn “vừa gặm đùi gà, vừa thưởng thức âm nhạc”, chưa bao giờ ông tìm được cảm xúc mạnh mẽ và tình cảm thanh cao như lúc này.

Một lần nữa, Beethoven ngồi xuống dạo đàn theo tùy hứng. Âm nhạc tuôn chảy dào dạt trên phím. Giai điệu êm nhẹ như những dải mây bạc, lúc toả rộng bao la như biển cả, lúc như mặt trăng nhô lên từ mặt biển rực rỡ. Ánh sáng kỳ diệu toả lan trên bờ cát trắng tinh như muôn ngàn viên ngọc kim cương. Ánh sáng chạy đến những miền rừng rậm hoang vu, tỏa ra cánh đồng phì nhiêu, nô đùa trên sóng nước lăn tăn… Rồi nét nhạc chuyển sang nhịp nhàng, mờ ảo như vũ khúc của các nàng tiên trong thần thoại. Nhạc điệu cứ trào ra theo cảm xúc tràn trề, dồn dập. Phím đàn líu lại như không diễn tả nổi kịp những tình cảm đẹp đẽ, phong phú ấy, nghe như ngàn vạn tiếng reo, tiếng sóng vỗ bay lên bồng bềnh ngợi ca những gì đẹp đẽ nhất, vĩ đại nhất.

Khách ra về lúc nào, trong cái dư âm ngây ngất đó, chủ nhà vẫn vô tình không biết.

Ngay đêm đó, bản nhạc được ghi lại. Một tuyệt tác âm nhạc ra đời - một trong những thành công lớn của Beethoven đến ngày nay cả thế giới vẫn còn ngưỡng mộ. Đó là bản nhạc “Sonata” số 8 hay còn gọi là “Sonata Ánh trăng”…

3. Một cô Hung tên là Fátyol Szilvia (điện thư: fatyol.szilvia@freemail.hu), đã đề ra một cái project khá ngông nghênh (Vájt Fül Projekt), với mục tiêu cao cả là hướng những kẻ "mù nhạc" làm sao có thể thưởng thức âm nhạc một cách "sành điệu" ;)

Project này xuất phát từ một ý tưởng căn bản là khi xem ai đó diễn một bản nhạc, làm sao mình biết được nó hay hay không? Mình có... nên thích bản diễn ấy không?

Theo cô bé Hung này, có ba yếu tố căn bản tác động đến điều này, như sau (theo thứ tự giảm dần của sự quan trọng, đối với cô ta):

- Sự quen thuộc: mình nghe lần đầu, hoặc thường nghe một version nào, thì coi nó là hay,

- "Đua đòi", "học làm sang": hễ cứ thấy ai đó nổi tiếng chơi, thì bảo version ấy là hay,

- Thực chất: độc lập với hai yếu tố trên, chỉ dựa trên khía cạnh âm nhạc của version đó.

Cô Hung cho rằng, nếu thực sự muốn đánh giá một buổi hòa nhạc, hoặc một version nào đó, trên nguyên tắc, chỉ được để tâm đến yếu tố thứ ba, nhưng trong thực tế, yếu tố này lại ít được quan tâm nhất, đặc biệt là với dân mù nhạc, như bố cún.

Để thử nghiệm, cô bé đề xuất một project, theo đó, cô đưa ra 4 version của "Sonata Ánh trăng" (phần 1) và đề nghị mọi người nghe kỹ, rồi cho ý kiến (cho điểm từng version). Sở dĩ phần 1 của "Sonata Ánh trăng" được chọn, theo cô Hung, vì đây là một bản khá thông dụng (như vậy không cần bỏ quá nhiều thời gian để làm quen với nó), tương đối được chuộng và nghệ sĩ chơi nó tương đối "có đất" để tự do dụng võ (như thế, người nghe mới có cái để đánh giá), và cũng không quá dài (tương đối dễ "nắm bắt", đánh giá và so sánh).

Cô Hung này cũng "gà" cho người nghe rằng, dể giảm yếu tố quen thuộc (yếu tố 1), nên nghe mỗi version độ 3-4 lần và như thế, version nào nghe cũng sẽ "quen quen" cả. Còn để loại trừ yếu tố "đua đòi", cô chỉ đánh số chứ không đề tên người chơi.

Với project này, cô bé Hung khẳng định: người nghe không chỉ thử được "tai nhạc" của mình, mà còn thử được xem mình... "đua đòi" đến mức nào ;)

Nhà mình thử xem nhé :)

Version 1

Version 2

Version 3

Version 4

4. Truyền rằng, bài "Because" (John Lennon, 1969) là do "Sonata Ánh trăng" chơi... ngược lại mà thành ;) Hay ít nhất là theo lời John, một ngày nọ, Yoko Ono chơi "Sonata Ánh trăng" và tự nhiên, John đề nghị vợ chơi... ngược vài đoạn, rồi từ đó nghĩ ra giai điệu "Because the world is round it turns me on - Because the wind is high it blows my mind - Love is all, love is new - Love is all, love is you - Because the sky is blue, it makes me cry - Because the sky is blue..." :)

5. Cuối cùng là một slide show về "Sonata Ánh trăng" và Beethoven, với phần ảnh là nhiều công trình kiến trúc rất nổi tiếng ở Châu Âu.

16/1/08

Chuyện đời thường

16 nhận xét



Hết chuyện "triều đình", thế sự. Trở về đề tài thường nhật cái.

1. Hai bữa nay, bố cún và Thu Vân được ăn mỳ với canh mọc, rất ngon!

Số là, hơn tháng nay, bố cún làm nhiệm vụ đầu bếp, đều đặn, quanh đi quẩn lại vẫn mấy món khá nhàm chán (com trắng, trứng luộc, thịt kho, thịt rán, rau luộc...) Không phải vì bố cún không biết nếu các món sơn hào hải vị đâu nhé, mà vì... thời gian và sức lực cạn kiệt, nên nấu cho mẹ thế nào, thì "nhân tiện", cả nhà xơi thế ;)

Chắc mẹ cún thấy bố và Thu Vân ăn uống đơn điệu quá, nhân tiện nhà có mấy hộp mọc để tủ đá lâu lâu rồi, mới chuyển bữa như thế.

Đang ốm khật khừ, ăn mỳ nóng, cay xè mắt mũi, giải cảm ra phết!

Có ai xem minh họa trên, mà thấy thèm không nhỉ? ;)

2. Cạnh vai trò đầu bếp, bố kiêm luôn chợ búa. Đàn ông đi chợ, tiền bay biến ;)

Hôm nay có một chuyện bực mình. Vẫn biết, là vật giá leo thang, Việt Nam đã vậy, Châu Âu cũng thế thôi. Nhưng mà thật quá trớn: bó hành xanh lèo tèo vài cọng, hôm qua mua 119 Ft (1 USD= 170 Ft), hôm nay tưởng vẫn vậy, không xem giá. Nào ngờ, đến quầy thu ngân, thấy họ bấm 229 Ft lận!

Ngạc nhiên, "khiếu nại", thì cô thu ngân điềm nhiên bảo: "Nhà anh này rõ lạ! Hôm qua là hôm qua, hôm nay mọi thứ đều có giá hôm nay rồi!"

Tức mình, điên tiết, bố cún trả lại, đi cửa hàng khác, thấy ở đó bán bó hành khá hơn, mà có 158 Ft.

Thế mới hiểu niềm vui của mẹ cún, một chuyên gia khảo giá, với phương châm "không để bọn cửa hàng nó lừa mình", lúc nào cũng phải tìm và mua bằng được mọi thứ với giá "ưu đãi" thì mới bằng lòng.

Và chợt nhật ra rằng, những cái đời thường như thế, cũng hay phết ;)

3. Hình như cún cũng ốm rồi, cả ngày hôm nay lơ mơ, ăn cũng không ham lắm, và có vẻ mệt tợn. Mũi lại bị khụt khịt, phải hút.

Bố cún thì khỏi nói! Hình như là vào "đầu bốn", sức khỏe nó sồng sộc ra đi thì phải :((

4. Lâu lâu chưa có nhạc nhẽo nhỉ? Bốt đại bản trong phim "Trên từng cây số" (1969) cái, như đã hứa.

Còn ai nhớ những cuộc phiêu lưu của hai chàng Nikolai Deyanov và Mitko "Bombata" (Mít-cô Bôm-bốp) không nhỉ? Cặp này từng làm mê mệt các cô gái Việt Nam đương thời: dạo ấy, hiếm thấy cô nào trong ví không có một tấm ảnh (đen trắng) chàng Deyanov điển trai, dũng mãnh (có lẽ không thua gì Alain Delon). Và nhất là phim có bài hát quá bốc: "Nie Sme Na Vseki Kilometar" ("Mặc quần loe - Đi giày đinh - Đầu híp-pi...), có thể coi là một ca khúc trong phim đã trở thành huyền thoại ở Việt Nam...

Thủ vai chàng Deyanov là Stefan Danailov (khi đóng phim mới 27 tuổi), có lẽ là nam tài tử nổi tiếng nhất của Bun, sau được phong Prof của Hàn lâm viện Điện ảnh Bảo Gia Lợi, và trở thành bộ trưởng Văn hóa nước này hồi 2005. Ông này, về già vẫn điển... (không bị xập xệ, xuống cấp như bác Chánh Tín nhà mình ;))

Bố cún còn nhớ như in, thời 1975-1976 gì đó, cả phố Thụy Khuê có đâu 2-3 cái TV đen trắng, bọn trẻ con đứa nào cũng cố nịnh bợ, làm thân với cái thằng mà nhà nó có TV. Cứ mỗi lần có "Trên từng cây số", nhà thằng này biến thằng một rạp phim; ai nấy nín thở theo dõi. Làm gì phật ý, là thằng kia nó tống ra ngoài, hoặc lần sau nó cấm cửa, thì khốn...

Lâu quá rồi, chỉ còn lơ mơ tên hai tập: "Cô gái Di-gan" (tập 4) và "Tên giết người" (tập 13). Riêng "Tên giết người" cùng mấy tập đặc sắc khác được chiếu cả ngoài rạp - "Tên giết người" có trường đoạn "tay bo" rất hay, bọn trẻ con đi xem cả trăm lần, nhớ từng động tác, chiêu thức rồi đồng thanh khi đến đoạn ấy: "Đấm - đá - lên gối - bắt chân..."

Ai nhớ thêm thì bổ sung nhé!

15/1/08

Tin tào lao

0 nhận xét



Thị trưởng Budapest, ông Demszky Gábor, vừa bị một người dân bắt quả tang khi đang đậu xe ở chỗ cấm, sau khi đã đi ngược chiều vào một con phố.

Vị thường dân này, chả hiểu thế nào, lại có ngay trong tay chiếc máy ảnh (hoặc là mobile có thể chụp được ảnh, không thấy báo nói rõ), thế là ông ta chụp ngay vị thị trưởng, rồi gửi lên mạng tin velvet.hu. Theo lời kể của ông ta, thị trưởng Budapest chỉ rời xe độ 10 phút, rồi trở lại và đi tiếp, nhưng lại tiếp tục vi phạm Luật Giao thông khi ông lùi xe trái luật vào một phố khác ở trung tâm Budapest.

Khi tin được loan, lập tức Thông tấn xã Hungary (MTI) đã hỏi Sở Cảnh sát Budapest để biết chi tiết. Người phụ trách báo chí của Sở, ông Sass Oszkár, cho biết là cảnh sát đã hay tin, và sẽ thực hiện "những biện pháp cần thiết".

Trong trường hợp này, theo MTI, "những biện pháp cần thiết" là thủ tục xử lý những vi phạm, khả năng sẽ dẫn đến phạt tiền. Đây không phải là lần đầu tiên Demszky phạm Luật Giao thông. Tháng 5-2004, thị trưởng Budapest đã bị phạt 40.000 Ft và thu bằng lái 4 tháng vì phóng nhanh quá vận tốc quy định (100 cây số/giờ, thay vì 70), và bằng lái hết hạn.

Từ 18 năm nay là thị trưởng Budapest, Deszmky Gábor (thành viên Đảng Tự do, là một trong hai đảng cầm quyền hiện tại ở Hungary) vừa sang thăm Việt Nam hè năm ngoái, tuy đã có tuổi (56) nhưng vẫn rất phong độ và điển giai. Nghe đồn là, giữa giời mưa tầm tã, ông đã kiếm cái áo mưa rồi cứ thế, len lỏi phố xá Hà Nội. Các cô tiếp tân thì cứ tấm tắc khen, "chính khách đâu ra mà lịch lãm, điển giai thế?" ;)

Trước đây, Demszky đã có lần bị kiện vì tội... tát vợ, nhưng rốt cục ổng thoát. Được cái, ông này có tới... 4 con, là rất nhiều so với Châu Âu...

Nguyễn Khải

11 nhận xét




Hôm qua đọc báo mới biết Nguyễn Khải mất. Thế là chỉ trong vòng hơn 1 tháng, văn học cách mạng miền Bắc mất liền mấy cây đại thụ (từ "đại thụ" dạo này có vẻ được dùng tương đối... thoáng): Phạm Tiến Duật, Vũ Cao, Chính Hữu, và đến giờ là tác giả những cuốn nổi tiếng, được coi là trí tuệ, sắc sảo, sâu sắc, đả động đến nhiều vấn đề xã hội, thậm chí chính trị, của miền Bắc, rồi Việt Nam, như "Xung đột", "Mùa lạc"; "Hãy đi xa hơn nữa"; "Chủ tịch huyện","Cha và con, và...", "Cách mạng"; "Gặp gỡ cuối năm", "Thượng đế thì cười", v.v...

Chắc chắn báo chí sẽ có nhiều bài vinh danh Nguyễn Khải, nên ở đây, bố cún chỉ muốn viết lại, kẻo quên, vài điểm coi như "ấn tượng Nguyễn Khải" trong bố cún.

*

Lục trong tủ sách, bố cún chỉ còn hai cuốn sách cũ (bìa ở hình trên) của Nguyễn Khải. Cuốn đầu là "Chủ tịch huyện" (1972), Nhà xuất bản Văn học in lần thứ hai năm 1978, 160 trang, giá 0,85 đồng, giấy tương đối trắng, bìa của... Văn Cao! Cuốn thứ hai, "Gặp gỡ cuối năm" (1982), gây chấn động một thời (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982), có lẽ là cuốn "tiểu thuyết luận đề" đầu tiên của một tác giả miền Bắc, hơn thế nữa, chứa nhiều "tư liệu" về miền Nam trước 1975 - bản bố cún có do Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới in lần thứ hai, 148 trang, giá 17 đồng. Sách in giấy rất xấu, đen sì, chữ nhỏ li ti...

Đáng chú ý là lượng ấn bản, như ghi trong sách, cuốn đầu là 15.200, cuốn thứ hai là 30.000 - những con số mà thời nay không tác giả nào dám mơ tới!

"Chủ tịch huyện" đọc lại, thấy nội dung không có gì đặc sắc - có chăng, hơn được "Cái sân gạch" với "Vụ lúa chiêm" của Đào Vũ :) Nhưng "Gặp gỡ cuối năm" thì khá khủng khiếp! Trong ấy, bằng một lượng info vàng thau lẫn lộn, thực hư len lỏi nhau, cái chất thông minh & sắc sảo của Nguyễn Khải đã hướng người đọc vào một ma trận không có lối, nói đúng hơn, lối ra duy nhất là chấp nhận những "biện luận" được tác giả "nhét" vào miệng vài nhân vật ;)

Đặc biệt, có một chi tiết khá phản cảm trong sách, là khi Nguyễn Khải để nhân vật trong sách nói một chuyện bịa đặt về Nguyễn Thế Truyền, nhà cách mạng từng là "đàn anh" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thời thập niên 20 thế kỷ trước, một trong "ngũ long" ở Paris (gồm Phan Châu Trinh, Phan Vân Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh).

Được coi như thần đồng trong giới du học sinh Việt Nam tại Pháp, với ba bằng cử nhân (kỹ sư hóa học, cử nhân lý hóa, cử nhân văn chương ban triết) và chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ khoa học vật lý thiên văn. Là bạn thân của các nhân vật nổi tiếng ở Pháp, Nguyễn Thế Truyền gia nhập Hội Liên hiệp Thuộc địa, là ký giả sáng giá của "Le Paria" (Người cùng khổ), chủ bút tờ "Việt Nam hồn", và cũng chính là người đã dẫn Nguyễn Ái Quốc đến "giao lưu" với nhiều lãnh tụ Xã hội (Léon Blum, Marius Moutet...), và cộng sản Pháp (những người tách Đảng Xã hội, theo Đệ nhị Quốc tế, chuyển sang Đệ tam Quốc tế Cộng sản, nhánh Lenin), như Paul Vaillant Couturier, Marcel Cachin. Được coi là có tài viết văn Pháp giỏi như các nhà văn Pháp, Nguyễn Thế Truyền là người sửa chữa, biên tập, hiệu đính và viết lời nói đầu cho "Bản án chế độ thực dân Pháp", rồi cho in sách năm 1926. Nguyễn Thế Truyền còn đóng vai trò rất lớn trong việc đưa Phan Chu Trinh về nước sinh sống an toàn, cũng như, vẫn động để Pháp phải bỏ án tử hình cho Phan Bội Châu.

Những chi tiết trên, sách vở miền Nam đã viết từ lâu, và gần đây báo chí trong nước cũng đã đưa với nội dung tương tự. Ấy thế mà trong "Gặp gỡ cuối năm", Nguyễn Khải đã bày đặt để nhân vật của ông nói những lời xúc phạm đến Nguyễn Thế Truyền, đưa ra hình ảnh nhà cách mạng họ Nguyễn bệ rạc, nói những lời quỵ lụy, rồi nhịn ăn gần 2 tuần để... chết theo Hồ Chí Minh. Chả hiểu, cụ Hồ nếu còn sống, có thích kiểu bịa đặt, vô hình trung "hạ" cụ thế không?

(Vẫn với kiểu cách như vậy, Nguyễn Khải đã "đâm sau lưng" Trần Dần khá tệ, trong "Người vợ". Nguyễn Khải cũng tận dụng sự "thông tuệ" của ông để đả phá Nguyễn Huy Tưởng, Trần Dần, Lê Đạt... khá ghê, thời Nhân Văn...)

*

Đoạn trích sau của Nguyễn Khải trong truyện ngắn "Người ở làng Pháo", về sau được Phạm Xuân Đài đưa lại trong "Chúa là cái thiện của làng" (tập "Hà Nội trong mắt tôi", Thế Kỷ xuất bản, năm 1994), là một ví dụ khá điển hình cho cái được coi là trí tuệ trong văn của Nguyễn Khải: "Làng tôi có nghề làm pháo là nghề của tổ cho, thì nhà nhà đều được quyền làm pháo, cấm thế quái nào được. Ðình là cái gốc của làng, tôi hô hào dân bỏ tiền ra tu sửa, soạn lại phần mả. Chùa là cái Thiện của làng, tôi mời sư về trông nom, tối một hồi chuông, sáng một hồi chuông, thằng ăn cướp nghe chuông mãi cũng có lúc phải hồi tâm nghĩ lại: Có cơm để ăn, có Phật để lễ, người ngợm lại khác ngay, lại hiền lành tử tế không đâu bằng". (Nhân vật "tôi" ở đây là một cán bộ có tư tưởng cởi mở ở nông thôn...)

*

Những ấn tượng ("tích cực", "tiêu cực" lẫn lộn) này về Nguyễn Khải, chỉ nhằm "đối trọng" với những lời ca ngợi một chiều (hẳn sẽ rất nhiều) của mọi người sau khi ông ra đi. Chứ thực ra, nếu nói về tính trí tuệ (ở đây hiểu theo nghĩa thực sự, bỏ qua những "châm chích" thường lệ của bố cún :)) trong tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ Bắc một thuở, có lẽ cạnh Chế Lan Viên, sẽ là Nguyễn Khải...

14/1/08

Ốm & Tào lao

13 nhận xét



Thời tiết rõ khó chịu: có lẽ già nửa dân Budapest kiểu gì cũng bị cảm, cúm, virus thời gian này. Từ tối qua, bố cún bị đau họng, rồi sáng nay mệt như dần, tiếng thì khản tưởng không nói được. Sợ nhất là lây sang mẹ hay cún hoặc chị Thu Vân (nhưng hình như trẻ sơ sinh có sức đề kháng cao, nên lại không hay bị những dịch bệnh kiểu giao mùa như thế này).

Kiểu này nguy hiểm vì 2 hôm nay cún trở lại truyền thống quấy bố mẹ ghê gớm, và cứ thức chong chong, không chịu ngủ. Mà không ngủ là quấy, khóc, chứ không để ai yên. Bố cún bị mắng là, cưng cún quá, hay bế cún nên cún sinh hư, quấy…, nhưng rõ là rất oan: bố chỉ hay bế những lúc cún khóc, để mẹ cún được ngủ thôi, chứ lúc thường thì chỉ bế để… thơm thôi, làm sao mà cún hư được? Hẳn là thời tiết thay đổi, cún cũng mệt mỏi mà không nói ra được, nên quấy thôi.

Bố mẹ cún hồi mới sinh, chắc gì đã ngoan hơn cún?!

Tuy nhiên, biết vậy nhưng vẫn có lúc bố nổi nóng. Sáng nay, mệt quá, định đi làm rồi nhưng lại nằm rốn cạnh cún, cún cứ khóc rầm rĩ nên bị bố quát 1 câu rõ to. Đây là lần đầu tiên bố quát cún!

Phải ghi lại, không về sau lại bảo “chả bao giờ bố nặng lời với cún” ;)

(Minh họa một ảnh cún khỏa thân, tuy nhiên, rất… thanh ;)

*

Nói đến chuyện nặng lời, mới thấy bình tĩnh mấy cũng có khi buột miệng.

Thế nên, nếu đã làm những nghề phải tiếp xúc nhiều với dân, có lẽ các “đày tớ” nên qua một khóa đào tạo tâm lý để biết kiềm chế và lễ độ trong mọi trường hợp! (Ở đây, hiểu rộng ra, “đày tớ” không chỉ là các quan chức, mà cả những cán bộ trong các cơ quan công quyền, hành chính… ăn lương nhà nước, dĩ nhiên từ tiền thuế của dân).

Hôm kia, bố cún vác hộ chiếu đi xin visa (nói đúng hơn là giấy phép định cư, thường trú nhân) cho cún, ở Cục Ngoại kiều. Lâu nay, nhân viên ngoại kiều Hung đã “dân sự hóa” rất nhiều, không như xưa, ai cũng mặc quân phục như lính tráng, rất uy hiếp tinh thần người nước ngoài.

Lần này, chờ có 1 phút đã đến lượt, chứ không bị “ngáp ruồi” như nhiều bận khác. Cô nhân viên thì quả là xinh đẹp, trẻ trung, vóc dáng rất người mẫu. Nhưng cái chính là sự niềm nở và lịch sự, khiến bố cún cũng hả lòng hả dạ. Ăn nói thưa gửi đàng hoàng, nói chung là trên Thiên đường, thời Nghiêu Thuấn hoặc trong xã hội cộng sản của các cụ Mác-Ăng-Ghen (hồi xưa, lắm người tưởng đây là… một cụ ;)), “đày tớ” cũng chỉ lịch thiệp với “chủ” đến thế là cùng!

Khi ra về, bố cún hồ hởi khen cô ấy là, “cô đúng là gương mặt của Hung thời hậu EU & Schengen”, khiến cô ta có vẻ vui ra trò, dù hơi bối rối trước một câu nịnh… thô như thế.

Đúng là “nhời nói chả mất tiền mua” nhỉ?

Sai một ly...

5 nhận xét



Ảnh trên, là chụp từ blog Trang Hạ, một bài viết rất dễ thương về vài độc giả của Hoa.

Tên của bố cún được đưa vào cuối bài, vì "công trạng" kiếm được tấm ảnh bìa tập truyện ngắn đầu tay (năm 1995) của Hoa, mà có lẽ bây giờ Hoa cũng không còn giữ được, vì lý do rất... xác đáng (theo lời "đương sự): "Lấy chồng chuyển nhà, rồi đi Đài Loan mấy năm" :) (Hóa ra, cái tính bất cứ sách vở chổi cùn rế rách gì cũng giữ, của bố cún, ít nhất là trong lần này, cũng có hiệu quả. Kiếm được cả thảy 2 "tư liệu" khá cổ, đăng truyện của Hoa, mà bản thân "đương sự" cũng không biết đến sự tồn tại của nó :))

Điều đáng nói ở đây là cái note của Hoa, rất vui: "Ảnh bìa sách: anh Hoàng Linh gửi, chụp từ Bucaret?"

May là có dấu hỏi ở đấy, tức là chưa xác quyết, nhưng vẫn phải đính chính: Budapest chứ. Khác hẳn Bucharest. Cũng như Hungary, khác Romania một giời một vực. (Mà chả hiểu sao, bố cún nghe mãi rồi, vẫn không quen lắm kiểu nói thông dụng ở Việt Nam, và cũng rất phổ biến qua miệng các anh chị VTV, kiểu "anh ABC đến từ XYZ". Sao không nói là "anh ABC ở XYZ", hoặc "anh ABC, người XYZ", nhỉ? Dĩ nhiên, nghe "anh Hoàng Linh gửi, chụp từ Bucarest", thì thấy cũng... hoàng tráng phết (chụp từ xa thế :)), nhưng mà không quen tai lắm :))

Đầu tuần có chuyện vui vui này, nên lại nhớ một chuyện vui (nhưng cũng hơi... thảm, đối với nạn nhân của nó) cách đây 14 năm. Cũng là chuyện "sai một ly...", mà đi lệch cả một... quốc gia.

Dạo ấy, bố cún sang Nga, và có dịp đi (tàu sang) Ukraine dăm ba bữa. Cùng đi, có một anh sang Nga làm ăn, anh tâm sự là đi tìm bạn cũ ở Odessa. Hai người chỉ trò chuyện với nhau qua điện thoại, lõm bõm dăm ba câu, không ghi nổi địa chỉ, nên anh quyết định cứ đi bừa, đến nơi rồi kiếm một khu người Việt ở, hỏi han sẽ ra.

Mọi sự tưởng đơn giản. Đến Ukraine, bố cún chia tay anh bạn đồng hành, nghĩ là chắc chả bao giờ gặp lại. Rồi anh "thuê bao" một cú taxi, phóng thẳng từ ga tàu đến Odessa.

Tuy nhiên, một ngày sau đã lại chạm trán anh. Anh kể, bực dọc, bức xúc, nhưng cũng khá buồn cười, là đã tốn mấy chục đô cho taxi, nhưng không được tích sự gì. Lý do đơn giản: anh bạn của anh không hề ở Odessa. Mà ở Orsa. Nghe qua điện thoại, chữ tác ra chữ tộ là thế.

Cái thú vị ở đây là, Orsa ở hẳn một... quốc gia khác. Đó là... Bạch Nga (Belarus) :)

13/1/08

(xem VTV) Nhân dân & Công bộc

8 nhận xét



VTV4 đang có cái chương trình gì kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội một nghìn năm. Bố cún không để ý lắm vì đang phải làm việc. Nhưng, sau khi đã "kính thưa các loại kính" đủ kiểu, thấy cô MC nói 1 câu hơi chướng, nên phải "ghi nhận" ở đây cho khỏi quên. Đại loại, cổ bảo: "Chào mừng các vị quý khách và toàn thể... nhân dân".

Rõ dở! Không lẽ "quý khách" thì không phải là "nhân dân"? Hay là, vì, về căn bản, các vị "quý khách" mà cô MC vừa đọc tên, đa phần là... "đày tớ", "nô bộc của nhân dân", nên phải tách họ ra khỏi "nhân dân"?

Để xem cái chương trình này còn những "pha" hay ho như thế nữa không nhé?

Tư liệu tham khảo:

1. "Công bộc của dân" - wikipedia

2. Hỏi & Đáp Yahoo liên quan đến chuyện: "Chính Phủ là đày tớ của Nhân Dân - Dân là Chủ? - Mọi người nghĩ sao về câu nói này? Nếu đúng như vậy vì sao Đày Tớ lại giàu có, sung sướng gấp trăm ngàn lần Chủ của nó?", có một "góp ý" rất đểu, như vầy:

CHÍNH PHỦ là đầy tớ của DÂN? ĐÚNG. Nhưng chính phủ cũng là dân mà, cũng được hưởng đầy đủ quyến lợi như dân vậy.

Vì sao cán bộ giàu hơn dân ư? (ta hiểu dân ở đây là những dân không phải cán bộ)

1. Chỉ vài chục ngàn cán bộ trong khi hàng chục triệu dân. Nhưng cán bộ thì rất rất đoàn kết, thống nhất quan điểm, đường lối đục khoét, nâng đỡ nhau. Trong khi dân tuy đông những đã bị "chia để trị". Cán bộ thì suốt ngày hội họp, bàn bạc... vì thế có điều kiện "giao lưu", "học hỏi kinh nghiệm". Dân thì mỗi người phải lo miếng cơm manh áo riêng, ít được cập nhật thông tin, và đa số là kém hiểu biết, thiếu ý thức đoàn kết.

2. Lịch sử dân tộc ta nổi tiếng về truyền thống chống ngoại xâm, khi giặc đến thì đánh giỏi mà chưa bao giờ đi xâm lược nước khác. Mỗi người dân thì ngại va chạm, ngại đấu tranh, tư tưởng "con kiến mà kiện củ khoai " đã ăn vào máu.

- Cán bộ chỉ sợ 1 khối hàng chục triệu dân chứ không sợ hàng chục ông bà chủ riêng rẽ.

- Chuyện oshin cướp chồng, cướp tiền, cướp mạng của chủ thì nhiều nước có. Nhưng chuyện "đầy tớ" át "chủ" thì ở Việt Nam có lẽ là nặng nhất.

BUỒN THAY CHO CÁC ÔNG BÀ CHỦ.

Tiên sư cái anh/chị nào viết mấy câu này, tuy còn có vài chỗ cần bàn, nhưng bố cún nghĩ rằng, chắc đa số điểm có thể đồng ý được :).

Minh họa ("Tuổi Trẻ Chủ Nhật"): Ở một tỉnh nọ, Chủ phải xếp hàng trong đêm để đăng ký gặp Đày Tớ, vì hàng tháng Đày Tớ chỉ chịu gặp Chủ duy nhất một lần. Xem bài ở đây.

12/1/08

Thứ Bảy

23 nhận xét


Hôm nay quả là một ngày túi bụi nhiều việc! Bố cún phải tập trung làm cho xong cuốn sách tiếng Hung, nhưng giữa chừng vẫn thích viết, dịch cái này cái nọ :).

Có mấy chuyện vui vui.

- Lần đầu kể từ khi ra đời, cún con ngủ được một giấc rất dài, có lẽ đến 5-6 tiếng, từ trưa đến chập tối. Dĩ nhiên, giữa chừng cún có trở mình, kêu ca vài câu mang tính „đe dọa”, nhưng vụ ngủ liền tù tì này khiến mẹ cún khoái trá lắm, vì mẹ cũng được một giấc ngủ yên. Còn bố thì đỡ bị cái tệ nạn, ngồi vào bàn 5-10 phút lại bị sai đi làm cái này cái nọ, dù không mệt mỏi gì những rất ư là mất tập trung :)

- Buổi tối, VTV4 có phóng sự về người Việt ở Hung. Đa phần là mix từ hai chuyến „công tác” của các bác VTV, năm 2005 và cuối năm ngoái. Nội dung thì, cố nhiên, vẫn như thường lệ, theo ba-rem đã định (nghĩa là, tỉ dụ, thay Hung bằng Bun, Ru..., thay anh X bằng chị Y... cũng không hề gì, vẫn đúng :)

Bà nội cún xuất hiện hai lần, phát biểu rất trơn tru về việc dạy tiếng Việt qua VTV. Đại để, sau khi một số cô, bác có ý kiến ý cò rằng, VTV4 phải có chương trình dạy tiếng Việt thế nọ, thế kia, thì bà nội cún bảo, cái quan trọng là ý thức của bố mẹ, chứ như bà thì, bất cứ chương trình gì trên VTV4, bà cùng cháu xem và bà vẫn có thể thông qua đó để dạy cháu tiếng Việt. Miễn là phải theo một nguyên tắc: ở ngoài đường, trường sở, xã hội... thì nói tiếng Hung, nhưng cứ về nhà là phải tiếng Việt!

(Phải mở ngoặc ở đây là bố cún không phải lúc nào cũng làm được điều đó. Ví dụ, khi trò chuyện với chị Thu Vân, bố cứ hay nói tiếng Hung với chị, vì nhiều cái thể hiện bằng tiếng Hung chính xác, và nhất là, ngộ nghĩnh hơn :). Lắm khi cũng do quen miệng, do tiện...)

Trong đoạn phim phóng sự, cũng thấy chị Thu Vân mặc áo dài đỏ (ảnh trên, Thu Vân chụp cùng bạn bè hôm làm lễ Noel ở trường), loáng thoáng (đoạn ấy quay từ năm 2005). Ngoài ra, thấy cảnh một bàn đầy báo NCTG (do bố cún mang đi... triển lãm, cũng hồi 2005).

Thực tình mà nói, bố cún ít xem VTV4, phần vì bận, phần vì cũng ít có những thông tin mà bố cún quan tâm. Phim cũng thỉnh thoảng lắm mới xem, bữa đực bữa cái. Nhưng quả thực, với đại đa số bà con cả ngày chợ búa mệt nhọc bên này, thì VTV4 gần như là sợi dây duy nhất kết nối với Việt Nam về mặt tinh thần, và cũng giúp bà con có chút thông tin về thế giới. Cho dù, chương trình thời sự (trong & ngoài nước) của Việt Nam mình, phải nói là vô cùng dở và kém, so với ngoài này (vì nhiều nhẽ dễ hiểu). Ngoài ra, những chương trình giải trí của VTV, nói chung cũng thu hút nhiều khán giả. Như thế, cán cân 10 năm phát sóng của VTV4, phải nói là rất... dương tính!

Những „tồn tại” của VTV4 thì có lần, mẹ Dế đã „phản ánh” ở đây. Có điểm lạ là, nếu hồi xưa bố cún hay... phê bình VTV4 bao nhiêu, thì giờ lại cảm thấy những gì mà mình chưa ưng ấy, nó... tự nhiên, dễ cảm thông bấy nhiêu :). Ừ, vẫn biết là mình không thích, nhưng có phải chương trình làm ra cho riêng mình đâu? Biết đâu có người khác thích thì sao? Với lại, đó là „nhiệm vụ chính trị”, Việt Nam là thế, mình phải cảm thông cho nhà đài chứ! Mình được xem... miễn phí, còn muốn gì nữa, v.v.. và v.v..., cứ tự nhủ như thế, và thêm phương châm „cái gì hay thì ta xem, không thì thôi, có sao đâu”, mọi „bức xúc” trở nên tan biến, nhẹ nhõm hẳn :).

Đến giờ, có những lúc, xem chương trình thời sự thấy toàn tin „đồng chí lãnh đạo X. đến thăm Y” (Y có thể, và thường là Cuba, Bắc Hàn, Trung Quốc, Lào, Campuchia..., hoặc một địa phương bất kỳ nào đó trong nước), bố cún cũng chả thấy khó chịu như xưa :)

Tâm trạng „cam chịu” ấy, âu cũng là biểu hiện của tuổi già... :)

Bổ sung tẹo: VTV4 có thêm chương trình thi nhảy nhót gì đó, bố cún vừa ngó ra coi, thấy nhiều đôi rất bốc, hở hang, mọi nhẽ... Thanh niên thời nay, mấy ai nhớ (biết) Việt Nam mình từng có một thời rất dài, đã đay nghiến, coi nhảy đầm (có thời còn gọi là "quốc tế vũ") là "phản tổ quốc - khinh ông bà": "Nhảy đầm mất nết văn minh - Là phản tổ quốc, là khinh ông bà" :)

Thế mới thấy, thuần phong mỹ tục, truyền thống... có phải là những khái niệm bất biến đâu, nhỉ? ;)

10/1/08

(điện ảnh) Cần tư vấn gấp!

35 nhận xét



Năm ngoái, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, mới có 1 phim Việt Nam gửi phim tham dự một Liên hoan phim (LHP) của Hungary. Ấy là "Sống trong sợ hãi" của Bùi Thạc Chuyên, tại LHP Quốc tế Titanic lần thứ 14 (Budapest). (Ngoài ra, còn 2 bộ phim đề tài Việt Nam, trong đó "Ra chơi" - ảnh trên - xem rất được!)

Cũng trong dịp ấy, NCTG có tham gia, trên tư cách "đối tác truyền thông" của LHP (khoe thô tí, bắt chước Minh).

Vì dây mơ rễ má thế, nên năm nay BTC vừa có gửi thư hỏi, Việt Nam có phim gì khả dĩ, nếu được thì họ mời.

Vậy nên đề nghị cả nhà tư vấn gấp gáp trong vụ này. Ngộ nhỡ có phim nào được duyệt, may ra bà con bên này được nhờ. Cũng là để "vẻ vang dân Việt" một chút... (Vì chuyện giấy tờ đi lại chắc là nhiêu khê, nếu được mời, nên cần info nhanh để còn có thời gian chuẩn bị).

@ Minh: Nhạc chiến đấu hay chứ, Minh phản động thật! Bốt "cho máu", khởi đầu, một bài nhé. Có hai version: "chú", và bố chồng hụt, hát :)

"Nhạc tuổi xanh" - Phạm Duy

"Nhạc tuổi xanh" - Duy Quang

Chuyện trong ngày

5 nhận xét




1. Đã lấy được hộ chiếu cho cún. Ảnh cún trong hộ chiếu mờ mịt, lại trắng xóa: nếu nhằm mục đích "nhận diện" thì bó tay. Ngoài ra, chỗ "nơi sinh", thấy nhà mình phiên và viết thành Bu-đa-pét, trông hơi mất... mỹ quan.

Bà nội đang bế cún và nhận xét là cún đã có hai cằm, về sau có lẽ mặt mũi sẽ phương phi như... bố. (Bố nghĩ thầm rằng, giống ai thì giống, nhưng "phương phi" như bô thì không nên, vì mặt bố "trăng rằm" lắm).

Cún đã biết "bày tỏ tình cảm" rất mạnh mẽ qua các cử chỉ trên mặt. Thích nhất là lúc cún ngạc nhiên hoặc sửng sốt vì một cái gì đó: mặt mày rất ngộ nghĩnh. Hay khi cún đắc chí, cười tít mắt, vẻ thỏa mãn. (Ảnh trên là cún đang bị... ợ :))

Giá có 2 phiên bản: một phiên bản cún cứ bé thế nào (để chơi và... thơm thỏa thích), một phiên bản lớn theo thời gian, lấy vợ, v.v..., thì hay biết mấy?

2. Bất ngờ quá, vì nhận được tấm thiệp chúc năm mới của Anna, từ Hà Nội! Gửi hôm 27-12, đến hôm nay là 11-1 đến nơi, tức là mất 2 tuần. Thời buổi này, chat lên ngôi, đến e-mail còn ngại, thì một tấm thiệp với những dòng chúc tụng viết tay như thế, đáng giá ngàn vàng :)

Quen Anna, là từ hồi vào forum svlen, dạo cậu sinh viên Vũ Anh Tuấn bị bọn đầu trọc Nga đâm chết (2004?) Cũng hồi ấy, tự nhiên thấy lại Minh, bốt toàn bài ngổ ngáo, sặc mùi bạo lực lên diễn đàn :)). Thế mới thấy thế giới này nhỏ, và cũng kỳ lạ: hai người ở hai nước, quen nhau qua forum ở một nước thứ ba :)

3. Mấy hôm nay, làm túi bụi mấy việc - có liên quan đến chính quyền Hung -, giúp mấy người quen. Dù là những việc khác nhau hoàn toàn, về tính chất, nhưng có một điểm chung, là đều hóc búa, vô phương cả.

Và còn một điểm chung nữa, là mấy anh chị quen đều nghĩ rằng, chìa khóa để giải quyết những vụ "nan y" thế này, là tiền! Những câu dặn dò sau, rất chi là đặc trưng:

- Anh nói khó với họ, rằng họ thông cảm, giải quyết cho mình, có gì mình bồi dưỡng cho họ chu đáo!

- "Đồng tiền đi trước..." em ạ, cho nó vui vẻ, thuận lợi, mình cứ mạnh dạn đi, cốt trót lọt thôi mà!

Và đến khi biết rằng, tiền không phải là cái có thể giải quyết được mọi việc, dân Việt có vẻ ngạc nhiên, và nghĩ ngay rằng, có lẽ đưa chưa đủ? Chưa đúng chỗ, đúng lúc?

Mấy chục năm trước, Hungary gần như không có chuyện ăn tiền, hối lộ. Nhưng từ khi dân mình xuất hiện ở đây, tệ nạn này dần dần xuất hiện... Thoạt đầu, rất đơn giản, từ những món quà tặng nho nhỏ như chiếc ki-mô-nô, tượng gỗ..., những bữa nem, ẩm thực Việt Nam..., cho đến chuyện đút lút trở thành phản xạ đầu tiên khi rất nhiều con Rồng cháu Tiên gặp nhân viên các cơ quan công quyền, hoặc hành chính, của Hung.

Dĩ nhiên, ai cũng thích được tặng, biếu xén, tâm lý con người là vậy. Tuy nhiên, ở xứ Hung, để những món "lót tay" ấy - nhiều khi - trở thành điều kiện khiến một chuyện gì đó được giải quyết, thì người Việt quả là đã đóng một vai trò không nhỏ!

Bố cún, tuy tiếng tăm thạo, nhưng phải cái không bao giờ biết đút lót, dù là làm hộ ai đó. Có lẽ, người ta ngại cầm tiền, quà cáp của người biết tiếng. Dù sao đi nữa, đây vừa là một ưu điểm (không phải luồn cúi - vì đút lót, kiểu gì đi nữa, cũng đã là luồn cúi), nhưng cũng có cái hại là đôi khi không làm được những điều mình muốn một cách suôn sẻ (vì chả ai chịu ăn hối lộ để giải quyết cho mình) :)

Có một câu chuyện nhỏ, ở đây, liên quan đến đề tài này.

4. Vẫn nên có tí tẹo mu-dích cho nó "có không khí"! :)

"Giấc mơ hồi hương" (Vũ Thành), bài này hay lắm, hình như TMH chưa giới thiệu nhỉ? Ai có các version khác, cho xin nhé!

Mai sẽ bắt đầu tô-bích nhạc chiến đấu cho có khí thế tẹo!

Nhạc não tính cho Minh ;)

6 nhận xét



Bổ sung: OK, thì up nhạc nữa. Tuy nhiên mp3 thì chỉ có đâu chục bài, toàn Thái Hiền & Thiên Phượng & Tuấn Ngọc hát, chả hay! Có điều, nghe đỡ... muốn tự tử, hay đi tu hơn là bản gốc! :)

Lựa vài bài quen nhé...

„Dạ khúc cho tình nhân” – Thiên Phượng (1992)

„Bài ca hạnh ngộ” – Lê Uyên Phương (2002)

„Tình khúc cho em” – Thái Hiền (1989)

„Vũng lầy của chúng ta” – Thái Hiền & Tuấn Ngọc (1989)

„Lời gọi chân mây” - Thái Hiền & Tuấn Ngọc (1989)

Liên khúc „Tình cuối cho em” & „Vũng lầy của chúng ta” - Quang Dũng & Thái Hà

Thủ tục làm người...

16 nhận xét



(Title cái entry này mượn từ một bài ký rất nổi tiếng của Minh Chuyên, đăng báo “Văn Nghệ” hồi 1988, về một anh lính bị “phong” liệt sĩ, rồi lâm vào cảnh khốn dùng, phải đi ăn xin vì trên giấy tờ thì anh đã bị khai tử. 18 năm sau, đầu 2007, anh ta mới xin được chứng nhận là… thương binh – bài viết trên cũng khiến Minh Chuyên bị lao đao, theo lời tác giả, “tôi bị trấn áp tinh thần dữ dội… gay cấn và phức tạp đến mức có lúc tôi dự định rạch bụng mình trước cuộc họp cơ quan để chứng minh sự thật.” :))

Thế mới thấy hễ cứ dính đến hành chính, thì ắt là phải bị… hành. Ở Việt Nam đã vậy, bên này đỡ hơn, các nhân viên hành chính… lễ phép hơn với dân, nhưng cũng phiền hà.

Lấy ví dụ cún con (ảnh trên là lúc cún đang rất du côn!) Bố mẹ đẻ ra, cái đó đã hẳn, nhưng muốn “thành người” trên phương diện hành chính, với tất cả những giấy tờ cần thiết, thì còn gian nan và tốn thời gian. Ấy là bố mẹ cháu đã có thẻ nhập cư – chứ nếu không giấy tờ, hoặc giấy tờ gia hạn từng năm một, thì còn chết nữa.

* Thứ nhất, để cho cháu có cái giấy quan trọng nhất - thẻ cư trú -, lằng nhằng phết!

- Đầu tiên phải khai sinh về phía Hungary cho cháu. Trẻ con, hễ cứ ra đời, là viện họ tự báo về chính quyền quận (sở tại); sau đó, bố mẹ mang giấy tờ của mình lên, kèm Giấy kết hôn, thì làm được khai sinh.

Cái “quái dị” ở đây là, theo luật định, nếu Giấy kết hôn đã quá 300 ngày (không hiểu sao lại có con số 300), thì phải chứng thực là cú hôn nhân ấy, đến nay, vẫn tồn tại. Hồi xưa, chỉ cần một tuyên bố có chữ ký của hai vợ chồng; bây giờ, phải lên ĐSQ xin xác nhận (20 USD).

Đủ các loại giấy trên, thì được Giấy khai sinh của Hung, đề quốc tịch bố mẹ là Việt Nam, nhưng quốc tịch con là “chưa biết”. Hỏi tại sao, thì bà hộ tịch viên điềm nhiên: “Thế giới có… hàng tỉ nước, chúng tôi đâu biết luật nước anh chị thế nào? Nhỡ anh chị quốc tịch Việt Nam, mà nước anh chị cho cháu quốc tịch… Lào thì sao?” Bó tay!

Theo hướng dẫn, lại phải lên ĐSQ xin một Giấy chứng nhận quốc tịch Việt Nam (20 USD). Vì đằng nào cũng phải làm hộ chiếu Việt Nam cho cún, bố cún định… tiết kiệm, mới hỏi bà hộ tịch viên rằng, “hộ chiếu Việt Nam hẳn là xác nhận quốc tịch của cháu nó chứ nhỉ?” Thì một lần nữa, bà lại bình thản, rất lịch sự: “Không, chúng tôi cần giấy xác nhận. Để biết rằng cháu nó chỉ có MỘT quốc tịch là Việt Nam mà thôi, và đó là cái hộ chiếu không xác nhận được”. :) Cứng họng!

- Tiếp tới, cầm Giấy khai sinh của Hung, lên ĐSQ xin hộ chiếu Việt Nam cho cháu (nên mới phải chụp ảnh cún). Mất 100 USD. Chờ 2 tuần.

- Sau khi đã có hộ chiếu và Giấy khai sinh Hung (nhưng phải được chứng thực là quốc tịch Việt Nam), thì mới lên Cục Ngoại kiều để xin Giấy phép (thẻ) cư trú. Mất độ 25 USD, và phải chờ chừng 2 tuần.

* Xong thẻ cư trú thì mới làm được (thẻ) bảo hiểm. Trẻ con mà không có bảo hiểm, mỗi lần đi khám bác sĩ là sạt nghiệp. May mà, Hungary còn “ưu việt” ở chỗ đối với người định cư, nhập cư (và dĩ nhiên, với dân Hung), trẻ em dưới 18 tuổi không phải trả bảo hiểm, nhưng vẫn được sử dụng các dịch vụ y tế.

Có bảo hiểm rồi, lại vẫn do là nhập cư nên được hưởng một số “chế độ”, “chính sách” của Hung. Khi ấy, mới thực sự… là người sống :)

Được cái, đa số nhân viên hành chính của Hung tương đối nhã nhặn, “biết điều”, lễ độ với dân, và ít có biểu hiện phân biệt đối xử với người ngoại quốc, nếu bạn bập bẹ được đôi ba câu tiếng bản xứ…

9/1/08

Lê Uyên Phương 2 - Nguyên bản & Tuấn Ngọc

13 nhận xét



Đây, mp3 và nguyên bản một số bài của LUP nhất định phải nghe! Tư liệu nên chất lượng không tốt lắm, nhưng phải nghe trên tinh thần ấy...

"Dạ Khúc Cho Tình Nhân" - Lê Uyên

"Vũng Lầy Của Chúng Ta" - Lê Uyên & Phương

"Là Giọt Máu Bầm Trong Trái Tim Tôi" - Phương

"Lời Gọi Chân Mây" - Lê Uyên & Phương

"Bài Ca Hạnh Ngộ" - Lê Uyên & U Mi

"Đá Xanh" - Lê Uyên & Phương

Bonus cho Minh (bài này Thái Hiền hát được):

"Vô hư" (hay "Nghìn Thu, Rong Ca 7) - Thái Hiền

Bài này nhục tính 100%, trắng trợn, Minh còn ngây thơ, bảo là "thiền"? ;):

Nghìn Thu, anh là suối trên ngàn
Thành sông anh đi xuống
Anh tuôn tràn biển mơ

Nghìn Thu, em là sóng xô bờ
Vào sông em đi mãi
Không bao giờ biển vơi

Em là cõi trống
Cho tình đong vào
Anh là nơi vắng
Cho tình căng đầy
Cuộc tình đi vào cõi Thiên Thu

Em là cơn gió
Anh là mây dài
Đi về bên nớ
Đi về bên này
Rồi trở về cho hết cái đong đưa

Nghìn Thu, em lặng lẽ ươm mầm
Cành mai, không ai biết
Em âm thầm nở hoa

Nghìn Thu, trăng chợt sáng hay mờ
Lặng im, anh lên xuống
Không ai ngờ, hiển nhiên

[...] Nghìn Thu, anh là đã em rồi
Và em, trong muôn kiếp
Em đã ngồi ở anh
Nghìn Thu, ta bù đắp không ngừng
Tình âm dương chan chứa
Xoay trong vùng tử sinh.

*

Bổ sung:

@ Mẹ Dế: OK, sẽ chấm dứt nhạc nhẽo để chuyển sang các đề tài khác. Ví dụ: văn vẻ nhé? ;)

Đây này (tư liệu đấy).

Và một số bài này cho (các) fan Tuấn Ngọc:

"Mùa thu Paris"

"Tôi còn yêu, tôi cứ yêu"

"Chiều một mình qua phố"

"Mắt biếc"

"Bây giờ tháng mấy"

"Giọt lệ cho ngàn sau"

"Mắt lệ cho người"

"Như chiếc que diêm"

"Hoài cảm"

Nghe xong mấy cái này (Tuấn Ngọc hát rất "sáng" đấy :)), đổi lại một bài cảm nghĩ về giọng hát "chú" thần tượng nhá! :)

*

Thêm vài tư lệu về LUP:

Chuyện linh hiển về Lê Uyên Phương: Ai đã cứu Umi trong đêm hôm ấy?

LTS: Tiếp tục câu chuyện của ca sĩ Lê Uyên, kể lại những dấu hiệu linh hiển của chồng mình, tức nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Kể từ 6 năm qua, kể từ khi nằm xuống, nhưng theo Lê Uyên, Phương vẫn quanh quẩn đâu đó trong gia đình chị, và trong những lúc khốn quẫn nhất, Phương vẫn làm một dấu hiệu gì đó để giúp chị và người thân trong gia đình. Mời bạn đọc theo dõi một trong những sự linh hiển đó, qua câu chuyện sau đây.

Mimi, con gái tôi, đi học xa về thăm tôi vào tháng 12 năm 2003. Hôm đó, Mimi và Khương đến Long Beach thăm người thân trong gia đình. Trên đường từ Long Beach về nhà lúc đó khoảng 2 giờ sáng, ngay khúc freeway 22 và 405, sẽ bị chết máy, Mimi và Khương (bạn trai) đứng ngoắc xe khoảng nửa tiếng đồng hồ, không có xe nào ngừng lại để giúp hai đứa câu bình. Mimi mới gọi điện thoại cho tôi, nhưng tôi đã uống thuốc ngủ rồi nên không thể dậy lái xe được. Đứng ngoài trời lạnh, Mimi mới vào băng sau xe nằm và nói là ba ơi ba giúp gì cho con không, trời lạnh quá mà không ai giúp con hết. Khương cũng nản. Không ngờ vài phút sau, một chiếc xe Mercedes mới toanh ngừng lại. Một người đàn ông cầm chiếc đèn pin chiếu vào và hỏi là xe bị hư gì. Oång chiếu đèn pin vào xe, ánh sáng hắt lên mặt ổng, Mimi nằm ở đằng sau nhìn ra thấy ổng, và có một cảm giác lạ. Mimi mới bước ra khỏi xe, điểm đặc biệt Mimi chú ý là ông đó có bộ râu rất giống ba Lộc, kiểu tóc rất giống ba Lộc, chỉ có khác một điều là đội mũ kết, còn một điều rất lạ lùng nữa là lúc đó đã gần 3 giờ sáng mà ông ta đeo kính râm, đen thùi lui. Mimi nói là ông ta có một cái mùi quen quen mà không biết là ở đâu. Oâng ta mới hỏi là cần gì, hai đứa mới nói là xe bị hư. Oâng ta chỉ nói chuyện với Khương thôi. Ông ta đưa business card của ông cho Mimi. Oâng ta đưa cho Khương business card của chỗ tow xe và nói Khương gọi xe tow. Mấy phút sau, xe tow tới, họ nói là thẻ của ông ta chỉ còn đủ có 7 miles và họ chỉ tow xe tới đường Beach thôi. Thế là họ tow xe đến cây xăng trên đường Beach. Hai đứa ngồi trên xe Mercedes của ông đó để ông chở. Lúc đó Mimi mới coi business card của ổng, thì thấy là ổng làm cho hãng MacDonald Douglas ở Long Beach. Mimi coi xong lại để business card đó lại trong xe. Khương ngồi ở ghế trước. Mimi ngồi ở băng sau của xe. Mimi ngó ổng qua kiếng chiếu hậu, và thắc mắc là tại sao ban đêm như vậy mà ông ta lại đeo kiếng đen thui như vậy. Khi xe tow ngừng ở cây xăng, ông ta mới cho người tow xe tiền tip. Oâng ta mới nói với Khương là mình làm cái gì cũng nên cho tip người ta vui. Đó là câu mà anh Phương hay nói trong mọi vấn đề là nên làm cái đó để cho người ta vui. Mimi nghe xong hơi khựng lại nhưng không nghĩ đến một chuyện gì. Khương mới nói với ổng là xe chỉ bị hư bình thôi, chỉ cần lấy dây câu bình. Oâng ta mới nói là Khương mở cốp xe lấy dây câu bình chứ ông ta không biết mở. Khương mới nói là ông mua xe hồi nào mà không biết mở. Oâng ta nói là mua xe mới 8 tháng thôi nhưng mà không biết mở cốp xe. Lạ lùng vậy đó. Sau đó, hai đứa lái xe về nhà.

Sáng hôm sau, hai đứa mới kể chuyện lại cho tôi nghe, lúc đó ngồi trước bàn thờ của anh Phương. Tôi mới nói là sao con không giữ lại business card để rồi gọi điện thoại cám ơn ông ta. Mimi mới nói là không biết tại sao lại để lại business card trong xe của ông ta. Khương cũng không biết số điện thoại của hãng tow xe. Nói chung là chẳng có một dấu tích gì để biết người đã giúp hai đứa nhỏ là ai.

Một điều rất lạ lùng đó là, ngày xưa anh Phương làm cho hãng MacDonald Douglas, khoảng 3 giờ sáng là giờ anh đi làm về mỗi ngày, cái mùi quen thuộc mà Mimi nói đó là mùi xăng nhớt bám vào quần áo của anh.

(NGUYỄN VĂN - "VietWeekly")

*

Lê Uyên

NGC: Thưa chị Lê Uyên, nếu cõi dương nói chuyện trực tiếp được với cõi âm, điều gì ngay bây giờ chị muốn nói với anh Phương?

LU: Điều tôi muốn nói ngay bây giờ là tôi nhớ anh, nhớ anh và yêu anh vô cùng. Đêm nào tôi cũng nói trước khi đi ngủ, thắp một cây nhang và kể một vài điều xảy ra trong ngày, nói chuyện với anh. Tôi vẫn có cảm giác là anh đang ở trong nhà. Điều tôi anh biết, anh là tình yêu đầu tiên cũng như duy nhất trong đời. Điều tôi muốn nói nhất, vẫn là xin anh tha thứ hết mọi lỗi lầm. Điều mà không ai muốn có, mà cũng không có ai tránh được. Dù lúc anh còn sống, anh đã tha thứ và rộng lượng đối với tôi. Nhưng tôi vẫn áy náy, tôi vẫn muốn nói nhiều lời xin lỗi, nhiều lời yêu thương, lúc nào tôi cũng muốn nói yêu thương anh. Tôi cũng cầu mong xin kiếp sau, nếu có được làm người yêu, làm vợ anh và được hát với anh nữa.

NGC: Khởi đi từ Đà Lạt, hát và tình yêu, xin chị kể cho mọi người nghe?

LU: Tình yêu là điều tuyệt vời nhất ở đời sống. Tình yêu có thể thay đổi ý tưởng, cá tính giúp con người thông minh, sống nhân từ, độ lượng và mọi thứ thật là tốt đẹp. Một tình yêu chân thật là một tình yêu sống mãi với ta cho đến bây giờ dù là một trong hai đứa không còn nữa. Hát là một chuyện khác. Trước khi gặp tôi, anh đã sáng tác nhạc rồi. Khi gặp tôi, tình yêu đã cho anh cảm xúc mạnh hơn để anh viết những ca khúc trong tập nhạc Khi loài thú xa nhau.

NGC: Lê Uyên Phương xuống núi lúc nào?

LU: Hàng năm, tôi thường về nhà thăm gia đình ở Sài Gòn. Đầu năm 1970, trong một chuyến về thăm gia đình, người đầu tiên mà chúng tôi gặp là anh Đỗ Quý Toàn. Anh Toàn đã đưa chúng tôi đến gặp anh Đỗ Ngọc Yến. Anh Yến rất là thích thú và đưa chúng tôi đến trường Quốc gia Aâm nhạc. Buổi chiều hôm đó nhạc sĩ Phạm Duy đang nói về chương trình nhạc. Anh Yến đã nói chuyện với nhạc sĩ Phạm Duy và ông đã giới thiệu chúng tôi như những người sáng tác mới.

NGC: Lê Uyên Phương xuống núi làm cho bao nhiêu sân trường đại học, các giảng đường gần như điên lên. Chị nghĩ tại sao lại như vậy?

LU: Theo tôi, có lẽ vì chúng tôi đã chuyển tới người nghe những cảm xúc thật của chính mình. Vì ngay lúc đó chúng tôi cũng đang điên. Tất cả mọi người cùng điên, đó là một điều hạnh phúc, phải không? Chúng tôi quên trời, quên đất, quên hết. Chỉ hát và hát say mê thôi. Tôi không phải là người viết nhạc nhưng tôi nghĩ những cảm xúc thật bao giờ cũng là một điều tuyệt vời, cần thiết cho đời sống của chúng ta nói chung, và âm nhạc nói riêng.

NGC: Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết trong hồi ký của ông rằng dục tính trong nhạc Lê Uyên Phương đã được thăng hoa và lãng mạn hóa, chị nghĩ gì về nhận xét đó?

LU: Là một nhạc sĩ tài hoa, cái nhìn của nhạc sĩ Phạm Duy chắc phải đúng, rất đúng. Vì tình yêu của chúng tôi rất mãnh liệt, từ tinh thần đến thể xác, chúng tôi mê nhau cho nhau những đam mê và yêu nhau hết lòng, hát hết lòng.

NGC: Khi hát một mình không có anh Phương, chị có nghĩ vẫn còn làm chủ được chiến trường không?

LU: Lúc nào cũng vậy, mình chỉ làm chủ được mình khi mình biết rõ điều mình nói, điều mình làm. Nhất là khi anh Phương mất, tôi vẫn hát hết lòng, với một tâm trạng khác là sự mất mát lớn trong cõi đời. Nhưng dĩ nhiên, nếu có anh nó sẽ tuyệt vời hơn.

NGC: Đời sống hiện nay của chị thế nào?

LU: Tôi đang tập để sống một đời sống không có anh Phương nhưng khó quá vì anh Phương đời sống của tôi, hạnh phúc của tôi, nhưng tôi vẫn phải tiếp tục cố gắng thôi. Do vậy, những gì tôi suy nghĩ, tôi quyết định một mình, có lẽ có đúng và có sai. Tôi nghĩ nó sai nhiều hơn, nhưng bằng vào sự đau đớn và mất mát anh, tôi phải tự một mình vươn lên bằng khả năng của mình để đạt được sự tốt đẹp nhất. Tôi luôn muốn làm mọi việc tốt đẹp và tử tế.

NGC: Trong thời gian sắp tới, sinh hoạt âm nhạc của chị thế nào?

LU: Tôi đang thâu cuốn CD nhạc của anh Phương, những bài anh viết sau năm 1975, trong tập nhạc Con người một sinh vật nhân tạo. Những bài hát này cũng mãnh liệt và độc đáo như những bài hát về tình yêu. Tôi cảm được điều anh cảm. Và tôi sống với những điều anh muốn làm khi còn sống. Và tôi sẽ làm tất cả mọi thứ liên quan đến phần đời âm nhạc của anh một cách hay nhất, tốt nhất, đẹp nhất mà tôi có thể làm được. Cuốn Uyên ương trong lồng đã thâu rồi chỉ còn chờ U Mi thâu phần hát phụ nữa là xong. Tôi sẽ ra mắt CD Uyên ương trong lồng vào mùa đông năm nay.

NGC: Chị có muốn bày tỏ gì thêm?

LU: Với khán giả lúc nào tôi cũng ghi nhận lòng yêu thương mà họ đã dành cho Lê Uyên Phương từ mấy chục năm nay. Lúc nào tôi cũng cố gắng hết lòng để đáp ứng lại sự yêu thương đó.

(NGƯỜI GHI CHÉP - "VietWeekly")